BỘ THÔNG TIN VÀ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1699/PTTH&TTĐT |
Hà Nội, ngày 24 tháng 6 năm 2024 |
Kính gửi: |
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương; |
Ngày 29/3/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông có công văn số 1159/BTTTT-PTTH&TTĐT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố hướng dẫn thành lập và vận hành Trung tâm xử lý tin giả tại địa phương.
Sau thời gian thực hiện, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của một số Sở Thông tin và Truyền thông (là đơn vị được các UBND tỉnh, thành phố giao triển khai nhiệm vụ này) về vướng mắc trong quá trình tham mưu thành lập và ban hành văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm xử lý tin giả tại địa phương và đề nghị Bộ hướng dẫn thêm. Các vướng mắc chủ yếu liên quan đến các vấn đề như: Căn cứ pháp lý và thẩm quyền ban hành quyết định thành lập Trung tâm xử lý tin giả; mô hình tổ chức, quy chế hoạt động, cơ chế phối hợp, cơ chế tài chính của Trung tâm và chế tài xử lý vi phạm liên quan đến việc đưa tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng. Về vấn đề này, thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử có ý kiến như sau:
1. Về căn cứ pháp lý, mô hình tổ chức và thẩm quyền ban hành Quyết định thành lập Trung tâm xử lý tin giả tại địa phương:
Căn cứ yêu cầu và thực tế tại địa phương, căn cứ các văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ của UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, của Sở Thông tin và Truyền thông địa phương; căn cứ văn bản số 1159/BTTTT-PTTH&TTĐT của Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc Sở Thông tin và Truyền thông địa phương có thể ban hành quyết định thành lập Trung tâm xử lý tin giả hoặc có thể có tên gọi khác như Bộ phận xử lý tin giả/Tổ theo dõi, xử lý tin giả (sau đây gọi tắt là Trung tâm).
Về cơ bản, UBND các tỉnh, thành phố hoặc Sở Thông tin và Truyền thông có thể thành lập Trung tâm không phải là đơn vị độc lập (không phải là đơn vị sự nghiệp công lập), theo đó, đối với mô hình Trung tâm do Chủ tịch (hoặc người được ủy quyền) UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ký ban hành Quyết định thành lập thì nhân sự gồm cán bộ, công chức, viên chức của các đơn vị chức năng thuộc UBND tỉnh, thành phố, Sở Thông tin và Truyền thông có thể được giao là cơ quan thường trực. Trường hợp UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì thành lập và vận hành Trung tâm thì Sở Thông tin và Truyền thông ký ban hành Quyết định thành lập, nhân sự của Trung tâm đồng thời cũng là nhân sự của Sở Thông tin và Truyền thông hoặc nhân sự của các đơn vị trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông. Tùy theo mô hình hoạt động, phân công nhiệm vụ mà cơ quan xây dựng cơ chế hoạt động của Trung tâm cho phù hợp với đặc thù đơn vị.
Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử được biết, hiện nay, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã ban hành Quyết định thành lập Trung tâm/Bộ phận xử lý tin giả hoặc đã hoàn thiện xong dự thảo Quyết định thành lập kèm theo quy chế hoạt động, quy định về chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm/ Bộ phận xử lý tin giả tại địa phương như: Tại Thanh Hóa đã thành lập “Tổ theo dõi, xử lý tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng”; tại Yên Bái dự kiến thành lập “Bộ phận xử lý tin giả tỉnh Yên Bái”; tại Hà Nam dự kiến thành lập “Tổ tiếp nhận và xử lý tin giả tỉnh Hà Nam”,... Một số địa phương như TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Đắk Lắk đang trong quá trình lấy ý kiến của các đơn vị có liên quan trước khi ban hành Quyết định thành lập Trung tâm.
Tùy theo tình hình thực tế và yêu cầu của từng địa phương, UBND các tỉnh, thành phố hoặc Sở Thông tin và Truyền thông vẫn có thể thành lập Trung tâm độc lập (đơn vị sự nghiệp công lập) trực thuộc. Quy trình thành lập và cơ chế hoạt động tuân thủ theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Về biện pháp xử lý và chế tài xử phạt:
Hiện nay, các hành vi vi phạm khi sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng trong đó có hành vi giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đã được quy định rõ tại Điều 7 Luật An toàn thông tin năm 2015, Điều 8 Luật An ninh mạng năm 2018 và Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ; ngoài ra chế tài hình sự và các mức xử phạt vi phạm hành chính được quy định rõ tại Bộ Luật Hình sự năm 2015; các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính: Nghị định 15/2020/NĐ-CP , Nghị định 14/2022/NĐ-CP , Nghị định 129/2021/NĐ-CP. Vì vậy, đề nghị UBND và Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ các quy định này để có biện pháp xử lý và chế tài xử phạt phù hợp đối với từng trường hợp cụ thể.
3. Về quy chế hoạt động của Trung tâm, cơ chế phối hợp với các ban, ngành, trách nhiệm xác thực tin giả để công bố, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hướng dẫn tại phụ lục ban hành kèm theo công văn số 1159/BTTTT-PTTH&TTĐT ngày 29/3/2024. Ngoài ra, các địa phương có thể tham khảo thêm tại cuốn “Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng” (http://vnbook.com.vn/books/camnagphongchongtingia_output/web/index.html) do Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử phối hợp với Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông phát hành để nắm thêm thông tin.
Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Sở Thông tin và Truyền thông có thể tham khảo thêm cách làm và mô hình hoạt động của các địa phương nêu trên, trường hợp có khó khăn, vướng mắc, đề nghị trao đổi trực tiếp với Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử để được hướng dẫn, giải đáp (đầu mối liên hệ: Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, số 115 Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội, SĐT: 0974070415).
Trân trọng./.
|
KT. CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.