BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1676/TCT-TNCN |
Hà Nội, ngày 20 tháng 5 năm 2010 |
Kính gửi: Cục thuế tỉnh Cà Mau
Trả lời công văn số 297/CT-KK-KTT&TH ngày 09/04/2010 của Cục thuế tỉnh Cà Mau hỏi về phần thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao kê khai bổ sung mà Nhà thầu Siemens Aktiengellschaft đề nghị xem xét yếu tố khách quan mà không áp dụng phạt chậm nộp tiền thuế? Vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
- Tại Thông tư số 41/2004/TT-BTC ngày 18/05/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định 100/2004/NĐ-CP ngày 25/2/2004 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.
- Tại Điều 106 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 quy định:
"1. Người nộp thuế có hành vi chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và bị xử phạt 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
2. Người nộp thuế khai sai dẫn đến làm thiếu số tiền phải nộp hoặc không khai thuế nếu tự giác khắc phục hậu quả bằng cách nộp đủ số tiền thuế phải nộp trước khi cơ quan có thẩm quyền phát hiện thì bị xử phạt chậm nộp theo quy định này tại Điều này, nhưng không bị xử phạt vi phạm thủ tục hành chính thuế, thiếu thuế, trốn thuế..."
- Tại Mục II, Phần B Thông tư số 61/2007/TT-BTC ngày 14/5/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện xử lý vi phạm pháp luật về thuế thì:
"Mức xử phạt tiền là 0.05% số tiền thuế chậm nộp tính trên mỗi ngày chậm nộp. Số ngày chậm nộp tiền thuế bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế theo quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan thuế, thời hạn ghi trong quyết định xử lý của cơ quan thuế, đến ngày người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế chậm nộp vào Ngân sách Nhà nước ghi trên chứng từ nộp tiền vào Ngân sách Nhà nước".
- Tại Khoản 3, Điều 66 Nghị định số 98/2007/NĐ-CP ngày 7/6/2007 của Chính phủ quy định về xử lý vi phạm pháp luật về thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế quy định:
"Việc xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về thuế đã xảy ra trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được áp dụng theo quy định của pháp luật có hiệu lực thi hành tại thời điểm đó. Trường hợp mức xử phạt đối với cùng một hành vi quy định tại Nghị định này nhẹ hơn mức xử phạt quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì được áp dụng mức xử phạt theo quy định của Nghị định này, kể cả trường hợp hành vi vi phạm đã bị lập biên bản, nhưng cơ quan có thẩm quyền chưa ra quyết định xử lý hoặc đã ra quyết định xử lý nhưng đang trong thời hiệu giải quyết khiếu nại".
- Tại Khoản 4, Điều 83 Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 ngày 03/6/2008 quy định:
"Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới".
Theo các hướng dẫn nêu trên, trường hợp Nhà Thầu Siemens chậm nộp tiền thuế TNCN ở thời điểm năm 2006, 2007, 2008 là cùng một hành vi hai thời điểm trước và sau Luật Quản lý thuế có hiệu lực, đề nghị Cục thuế Cà Mau nghiên cứu và xem xét cụ thể để xử lý theo hướng dẫn tại các văn bản pháp luật nêu trên.
Tổng cục Thuế trả lời để Cục thuế tỉnh Cà Mau được biết./.
|
KT.
TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.