BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1532/BTC-CST |
Hà Nội, ngày 17 tháng 2 năm 2022 |
Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng
Bộ Tài chính đã nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng do Ban Dân nguyện chuyển tới tại công văn số 19/BDN ngày 10/01/2022, nội dung kiến nghị như sau:
Nội dung kiến nghị:
Đề nghị xem xét trình cấp có thẩm quyền quyết định miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (cụ thể: giảm thuế giá trị gia tăng 50% cho năm 2021 và 2022, giảm 30% cho năm 2023; về thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 30% trong năm 2021 và 2022 và giảm 25% cho năm 2023).
Đề nghị xem xét loại trừ một số khoản chi khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các chi phí được chi trả để: hỗ trợ nhân sự phòng chống Covid-19, xét nghiệm cho người lao động, tổ chức cách ly cho người lao động, duy trì sản xuất kinh doanh trong giai đoạn dịch Covid-19, mua sắm trang thiết bị y tế và chi phí phát sinh khi bị ngừng hoạt động.
Bộ Tài chính xin trả lời như sau:
Ngay từ đầu năm 2021, nhận định hoạt động của doanh nghiệp, người dân vẫn phải đối mặt với không ít thách thức, trong đó có diễn biến còn hết sức phức tạp của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã trình cấp có thẩm quyền ban hành và tiếp tục thực hiện một số giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất với giá trị hỗ trợ ước tính khoảng 118 nghìn tỷ đồng, trong đó: số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn là khoảng 115 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 03 nghìn tỷ đồng. Các giải pháp này bao gồm: Tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 để hỗ trợ ngành hàng không theo Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Trình Chính phủ ban hành và khẩn trương tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 hướng dẫn thực hiện về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 và áp dụng cho kỳ tính thuế TNDN các năm 2020, năm 2021; Trình Chính phủ ban hành và khẩn trương tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân (TNCN)), tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Ban hành và tổ chức thực hiện 02 Thông tư (Thông tư số 112/2020/TT-BTC ngày 29/12/2020 và Thông tư số 47/2021/TT-BTC ngày 24/6/2021 của Bộ Tài chính) để tiếp tục giảm mức thu 30 loại phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 từ ngày 01/01/2021 đến hết ngày 31/12/2021.
Trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của đợt bùng phát dịch Covid- 19 lần thứ 4 ảnh hưởng nghiêm trọng, nặng nề tới hoạt động của doanh nghiệp, người dân, Bộ Tài chính đã khẩn trương: Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 27/2021/QĐ-TTg ngày 25/9/2021 giảm 30% tiền thuê đất phải nộp của năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; Trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 ngày 19/10/2021 để quy định các giải pháp về miễn, giảm thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trong số 04 giải pháp mới được ban hành với tổng giá trị hỗ trợ gần 20 nghìn tỷ đồng thì có 03 giải pháp về miễn, giảm thuế lần đầu được áp dụng kể từ khi dịch Covid-19 xảy ra, cụ thể: Miễn thuế (thuế TNCN, thuế GTGT và các loại thuế khác) trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các địa bàn cấp huyện chịu tác động của dịch Covid-19 trong năm 2021; Giảm 30% mức thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành nghề chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19; Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong các năm 2020, 2021 đối với các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020. Đồng thời, tiếp tục giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức có doanh thu không quá 200 tỷ đồng và doanh thu năm 2021 giảm so với năm 2019.
Để các giải pháp này nhanh chóng đi vào cuộc sống, đến ngay với các đối tượng gặp khó khăn cần hỗ trợ, Bộ Tài chính cũng đã khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 quy định chi tiết thi hành Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 nêu trên và có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết, đảm bảo bám sát và hướng dẫn cụ thể, chi tiết các nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn thi hành để thực hiện được ngay; thống nhất, đồng bộ với pháp luật thuế và pháp luật chuyên ngành có liên quan; đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, giảm thủ tục hành chính và phù hợp với thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, người dân.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng trình Chính phủ ban hành: Nghị định số 101/2021/NĐ-CP ngày 15/11/2021 (có hiệu lực thi hành từ ngày 30/12/2021) để thực hiện giảm thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhiều nhóm mặt hàng (như thép xây dựng trong nước sản xuất được, thức ăn chăn nuôi (ngô, lúa mỳ), lốp xe tải đặc chủng, giấy và bìa kraft, thịt lợn...) nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp; Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 để quy định giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 01/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022; Nghị định số 104/2021/NĐ-CP ngày 07/12/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về các chi phí cho công tác phòng chống dịch Covid-19 tại doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn các doanh nghiệp và cơ quan thuế thực hiện việc tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với các khoản chi phí liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 như chi phí cách ly y tế do dịch Covid-19 để thực hiện theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các khoản chi phí xét nghiệm Covid-19 hoặc mua kit xét nghiệm Covid-19 cho người lao động, chi phí mua các thiết bị cho người lao động nhằm bảo vệ người lao động khỏi nguy cơ lây nhiễm trong quá trình làm việc và các chi phí ăn, ở của người lao động tại doanh nghiệp triển khai các biện pháp 1 cung đường, 2 điểm đến, 3 tại chỗ... Đồng thời, các khoản chi phí này cũng không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động. Các khoản chi phí được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN và không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN nêu trên là các khoản chi phí đúng với thực tế.
Như vậy, tính chung các giải pháp thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã được ban hành, thực hiện năm 2021 sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với số tiền khoảng 145 nghìn tỷ đồng, trong đó số được gia hạn khoảng 120 nghìn tỷ đồng; số được miễn, giảm khoảng 25 nghìn tỷ đồng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để góp phần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không nói chung và giúp các doanh nghiệp hàng không duy trì hoạt động, tạo tiền đề cho ngành hàng không phục hồi trong tương lai và trên cơ sở hiệu quả tích cực của việc thực hiện giải pháp giảm thuế BVMT đối với nhiên liệu bay từ 01/8/2020 đến nay, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 13/2021/UBTVQHQH15 ngày 31/12/2021 để quy định giảm 50% mức thuế BVMT đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022. Dự kiến số giảm thu thuế BVMT đối với nhiên liệu bay là khoảng 1.440 tỷ đồng, từ đó làm giảm thu ngân sách nhà nước (bao gồm thuế GTGT, thuế BVMT) là khoảng 1,6 nghìn tỷ đồng.
Để tiếp tục hỗ trợ cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân trong năm 2022, Bộ Tài chính đã có báo cáo, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ tiếp tục thực hiện việc giảm các khoản phí, lệ phí trong năm 2022 và đã ban hành Thông tư số 120/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 quy định giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí. Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 1.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trước những khó khăn, tác động sâu rộng của dịch Covid-19, cần phải có giải pháp, chính sách tổng thể để nhanh chóng hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu hàng năm cũng như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, không để lỡ nhịp với đà phục hồi kinh tế của khu vực và thế giới, ngày 11/01/2022 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, giảm 2% thuế suất thuế GTGT trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Nghị quyết số 43/2022/QH15 cũng cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022.
Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân được sớm thụ hưởng chính sách miễn, giảm thuế, thuận lợi trong việc xuất hóa đơn cũng như kê khai, nộp thuế và triển khai thực hiện thống nhất trên toàn quốc, ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết, Bộ Tài chính đã rất khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 15/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/02/2022) để quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 nêu trên.
Dự kiến các chính sách này sẽ có tác động giảm thu ngân sách nhà nước của năm 2022 khoảng 51,4 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chính sách giảm thuế GTGT là khoảng 49,4 nghìn tỷ đồng, thực hiện chi phí được trừ đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 là khoảng 02 nghìn tỷ đồng. Số tiền thuế được hỗ trợ này sẽ góp phần giúp doanh nghiệp, tổ chức và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đông thời có tác dụng kích thích tiêu dùng, đầu tư qua đó đóng góp vào kết quả khôi phục lại nền kinh tế của đất nước sau dịch bệnh và góp phần thực hiện an sinh xã hội.
Trên đây là trả lời của Bộ Tài chính đối với kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng, trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng để trả lời cử tri./.
|
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.