BỘ LAO ĐỘNG -
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1516/TCGDNN-KHTC |
Hà Nội, ngày 31 tháng 7 năm 2023 |
Kính gửi: ...................................................................................
Trong thời gian qua, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã nhận được phản ánh, kiến nghị của một số địa phương về những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các nội dung về giáo dục nghề nghiệp thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã trả lời kiến nghị của các địa phương.
(Chi tiết tại phụ lục kèm theo)
Đồng thời, để thống nhất cách hiểu và thực hiện trong cả nước, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp gửi nội dung trả lời tới Quý Cơ quan, đơn vị để nghiên cứu, triển khai thực hiện nếu gặp khó khăn, vướng mắc.
Trân trọng cảm ơn./.
|
TỔNG CỤC TRƯỞNG |
GIẢI ĐÁP VƯỚNG MẮC TRONG TRIỂN KHAI CÁC NỘI DUNG VỀ GIÁO
DỤC NGHỀ NGHIỆP THUỘC CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Kèm theo Công văn số 1516/TCGDNN-KHTC ngày 31 tháng 7 năm 2023 của Tổng cục
Giáo dục nghề nghiệp)
Câu hỏi
- Cách xác định đối tượng lao động qua đào tạo không có bằng cấp, chứng chỉ:
+ Người lao động làm nông, lâm nghiệp từ 03 năm trở lên (chăn nuôi, trồng trọt) ở địa phương có được xác định là người lao động qua đào tạo không?
+ Việc xác định người lao động có “kỹ năng, tay nghề tương đương với bậc 1 của công nhân kỹ thuật cùng nghề có bằng/chứng chỉ” được thực hiện như thế nào và căn cứ theo các văn bản nào?
- Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp, đề xuất với Bộ Tài chính trong quá trình sửa đổi, bổ sung Thông tư số 46/2022/TT-BTC và Thông tư số 15/2022/TT-BTC về quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện các CTMTQG bổ sung đối tượng thụ hưởng là Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (trong tất cả các nội dung liên quan đến phát triển giáo dục nghề nghiệp).
Trả lời
* Việc hướng dẫn chỉ tiêu “Tỷ lệ lao động qua đào tạo” tại Quyết định số 757/QĐ-LĐTBXH ngày 18/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được thực hiện dựa trên quy định về khái niệm “Người lao động qua đào tạo” tại Nghị định số 97/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Theo đó:
- Tại mục 1 điểm 0203 Phụ lục của Nghị định số 97/2016/NĐ-CP quy định:
“1. Khái niệm, phương pháp tính
Người lao động đã qua đào tạo là người từ đủ 15 tuổi trở lên có việc làm hoặc thất nghiệp trong thời kỳ tham chiếu đã hội đủ các yếu tố sau đây:
a) Người đã được đào tạo ở một trường hay một cơ sở đào tạo chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ thuộc hệ thống giáo dục quốc dân từ 03 tháng trở lên và đã tốt nghiệp, đã được cấp bằng/chứng chỉ chứng nhận đạt một trình độ chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ nhất định, gồm sơ cấp nghề, trung cấp nghề, cao đẳng nghề, trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng chuyên nghiệp, đại học và trên đại học (thạc sỹ, tiến sỹ, tiến sỹ khoa học).
b) Hoặc người chưa qua một trường lớp đào tạo nào nhưng do tự học, do được truyền nghề hoặc vừa làm vừa học nên họ đã có được kỹ năng, tay nghề, tương đương với bậc 1 của công nhân kỹ thuật có bằng/chứng chỉ cùng nghề và thực tế đã từng làm công việc này với thời gian từ 3 năm trở lên (hay còn gọi là công nhân kỹ thuật không bằng/chứng chỉ).
Công thức tính:
Tỷ lệ lao động qua đào tạo (%) = |
Số lao động qua đào tạo |
x 100 |
Lực lượng lao động |
- Tại mục 5 điểm 0203 Phụ lục của Nghị định 97/2016/NĐ-CP quy định: “Cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp: Tổng cục Thống kê.”
Do vậy, đề nghị Quý Sở liên hệ với Tổng cục Thống kê hoặc Cục Thống kê tỉnh Bắc Kạn để được hướng dẫn việc xác định và cách tính người lao động có “kỹ năng, tay nghề tương đương với bậc 1 của công nhân kỹ thuật cùng nghề có bằng/chứng chỉ”.
* Về bổ sung đối tượng thụ hưởng là Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên
- Theo các Quyết định phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ thì đối tượng của các nội dung về giáo dục nghề nghiệp thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 là các “cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật Giáo dục nghề nghiệp thì cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm: Trung tâm giáo dục nghề nghiệp; Trường trung cấp và Trường cao đẳng.
- Theo quy định tại khoản 1 Điều 44 Luật Giáo dục thì cơ sở giáo dục thường xuyên bao gồm: Trung tâm giáo dục thường xuyên; Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; Trung tâm học tập cộng đồng và Trung tâm khác thực hiện nhiệm vụ giáo dục thường xuyên.
Do vậy, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện không phải là cơ sở giáo dục nghề nghiệp và không được hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng tài sản, một số hạng mục công trình, mua sắm máy móc, trang thiết bị, phương tiện đào tạo từ nguồn vốn thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Đối với đề xuất của quý Sở, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét bổ sung đối tượng là “Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên” là đối tượng thụ hưởng kinh phí của từng Chương trình.
Câu hỏi
- Phú Thọ là tỉnh có các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Vậy, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp không thuộc vùng dân tộc thiểu số miền núi mà nằm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 32 Thông tư số 17/2022/TT-BLĐTBXH thì các cơ sở GDNN trên có được hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng...; mua sắm trang thiết bị phục vụ đào tạo không?
- Các Trung tâm GDNN-GDTX huyện Yên Lập, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tân Sơn, không phải là cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 44, Mục 2, Luật giáo dục số 43/2019/QH14, nhưng là Trung tâm được sáp nhập từ 3 loại hình trung tâm GDNN-GDTX-KTTH theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT-BNV-BLĐTBXH-BGDĐT nằm trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi thì có được hỗ trợ theo quy định tại khoản 12 Điều 23 Thông tư 15/2022/TT-BTC không?
Trả lời
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ghi nhận đề xuất của Quý Sở để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan theo quy định.
Câu hỏi
Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn có thuộc đối tượng được hỗ trợ xây dựng chương trình đào tạo chất lượng cao theo quy định điểm a khoản 1 Điều 14 Thông tư số 17/2022/TT-BLĐTBXH ngày 06/9/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số nội dung về giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động tại các tiểu dự án và nội dung thành phần thuộc 03 Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 không?
Trả lời
Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định nội dung hỗ trợ “Xây dựng các chuẩn về giáo dục nghề nghiệp ... phát triển chương trình, học liệu ... phù hợp với đối tượng, trình độ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo;”.
Do vậy, các địa phương được xây dựng chương trình đào tạo. Các ngành, nghề đào tạo cần lựa chọn trên cơ sở quy hoạch, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng, ngành, địa phương theo phạm vi của Chương trình.
Về đơn vị xây dựng, phát triển chương trình, học liệu do địa phương xác định theo quy định. Đề nghị quý Sở tham mưu, lựa chọn các đơn vị có đủ năng lực để thực hiện nhiệm vụ xây dựng chương trình đào tạo bảo đảm chất lượng, tiết kiệm và hiệu quả.
Câu hỏi
- Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện có phải là cơ sở giáo dục nghề nghiệp hay không và có được hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng tài sản, một số hạng mục công trình, mua sắm máy móc, trang thiết bị, phương tiện đào tạo từ nguồn vốn thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 hay không?
- Hiện nay, trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với 19 mã ngành, nghề và nhà trường đang đào tạo cho khoảng 1.000 học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp. Vậy:
+ Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn có được hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng tài sản, một số hạng mục công trình, mua sắm máy móc, trang thiết bị, phương tiện đào tạo từ nguồn vốn thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 hay không.
+ Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn có được sử dụng nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2023 để triển khai các nội dung: Phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã; Phát triển nhà giáo và cán bộ quản lý các ngành, nghề thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp của trường; Phát triển chương trình học liệu các ngành, nghề thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; Truyền thông giáo dục nghề nghiệp; Hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm, Tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên giáo dục nghề nghiệp của trường hay không?
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn có được tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn từ nguồn vốn của 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 hay không?
Trả lời
* Về hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng tài sản, một số hạng mục công trình, mua sắm máy móc, trang thiết bị, phương tiện đào tạo cho các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện.
Đề nghị quý Sở nghiên cứu ý kiến giải đáp tại Kiến nghị số 01 nêu trên.
* Về triển khai các hoạt động về giáo dục nghề nghiệp thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 tại Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn.
- Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn là cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Do đó, đề nghị Quý Sở căn cứ đối tượng, phạm vi, mục tiêu của các nội dung về giáo dục nghề nghiệp trong 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và tình hình thực tế để tham mưu đề xuất cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí để hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng tài sản, một số hạng mục công trình, mua sắm máy móc, trang thiết bị, phương tiện đào tạo bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả.
- Việc triển khai các hoạt động do địa phương quyết định. Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn được tham gia triển khai các hoạt động về giáo dục nghề nghiệp nếu bảo đảm các điều kiện theo quy định. Theo đó, các hoạt động triển khai tại Nhà trường cần tập trung, ưu tiên cho các đối tượng của từng Chương trình mục tiêu quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
* Về việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn.
Nội dung phát triển, đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý... là một trong các nội dung được quy định trong các Tiểu dự án về giáo dục nghề nghiệp đã được phê duyệt tại các Quyết định phê duyệt Chương trình của Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị Quý Sở xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý theo phạm vi, đối tượng của các Chương trình để trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và thực hiện theo quy định. Đồng thời, lựa chọn đơn vị có đủ năng lực để giảng dạy, bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp bảo đảm đúng mục tiêu, hiệu quả, tiết kiệm, tránh thất thoát, lãng phí và đúng đối tượng.
Câu hỏi
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên có thuộc đối tượng áp dụng và đối tượng hỗ trợ trong 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 hay không?
Trả lời
Đề nghị quý Sở nghiên cứu ý kiến giải đáp tại Kiến nghị số 01 nêu trên.
Câu hỏi
Về nội dung “Số hóa các chương trình học liệu; Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý dạy và học” theo hướng dẫn tại Điều 30, 31 của Thông tư số 17/2022/TT-BLĐTBXH ngày 06/9/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Nội dung hướng dẫn không nêu cụ thể đối tượng đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, tỉnh Bạc Liêu đã phân bổ cho 03 trường Cao đẳng (trong đó 02 trường cao đẳng không nằm trên địa bàn xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025), mỗi trường 250 triệu đồng để thực hiện nội dung chuyển đổi số phục vụ cho công tác đào tạo học sinh, sinh viên, trong đó có đào tạo cho học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số. Đề nghị có hướng dẫn về nội dung trên và hướng xử lý?
Trả lời
- Nội dung “số hóa các chương trình, giáo trình, học liệu; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý dạy và học” là một hoạt động của Tiêu dự án 3, Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg. Do vậy, đề nghị Quý Sở xác định các nội dung cụ thể (về chương trình, giáo trình, học liệu, yêu cầu chuyển đổi số...) tham gia trực tiếp phục vụ đào tạo cho các đối tượng của Chương trình để triển khai thực hiện theo yêu cầu thực tế tại địa phương.
- Về đơn vị thực hiện do địa phương phê duyệt, lựa chọn theo quy định. Trong đó, cần lựa chọn đơn vị đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai theo các quy định và hướng dẫn của các Bộ chuyên ngành trong tổ chức thực hiện.
Câu hỏi
Năm 2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội dự kiến sử dụng nguồn vốn Trung ương giao thực hiện Tiểu dự án 3 để thực hiện xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc các bộ tiêu chuẩn trong giáo dục nghề nghiệp theo quy định tại Điều 29 Thông tư số 17/2022/TT-BLĐTBXH ngày 06/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và khoản 2 Điều 7 Thông tư số 17/2022/TT-BLĐTBXH ngày 06/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định: “Nội dung xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo thực hiện theo Thông tư số 07/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 15 Thông tư số 07/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/10/2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định: “Đối với các ngành, nghề do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành, kinh phí xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật được đảm bảo trong dự toán chi ngân sách hàng năm của địa phương”.
Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi về kinh phí cho tỉnh Sóc Trăng đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề kịp thời cho người lao động; đặc biệt là lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong năm 2023 và những năm tiếp theo trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xin Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho phép tỉnh sử dụng nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023 đã giao thực hiện Tiểu dự án 3, Dự án 5 để thực hiện xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật trong năm 2023.
Trả lời
- Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01/02/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp thì việc xây dựng, phê duyệt định mức kinh tế - kỹ thuật; định mức chi phí đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo dưới ba tháng đối với các ngành, nghề do địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số hỗ trợ cho tỉnh để nhằm mục tiêu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Do vậy, việc sử dụng kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật là phù hợp.
Câu hỏi
Theo báo cáo của UBND huyện Yên Dũng thì trong năm 2022 trên địa bàn huyện đã có một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) phối hợp với các địa phương thực hiện tuyển sinh đào tạo nghề cho nhiều lao động bị mất việc làm dẫn đến không có nguồn thu nhập hoặc thu nhập thấp và những lao động này đã được UBND các xã, thị trấn xác nhận tại thời điểm tuyển sinh.
Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động có khả năng thuộc đối tượng là “người lao động có thu nhập thấp” đã tham gia Chương trình và để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc tổ chức đào tạo nghề cho các đối tượng được hỗ trợ đào tạo nghề; Sở LĐTBXH trân trọng đề nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp xem xét, tham mưu sửa đổi, bổ sung Thông tư số 17/2022/TT-BLĐTBXH theo hướng cho phép các địa phương và cơ sở đào tạo được sử dụng kinh phí để thanh quyết toán cho người học nghề nếu đúng đối tượng được hỗ trợ theo quy định và chưa được thụ hưởng chính sách tham gia học nghề kể từ thời điểm các Chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai thực hiện (trước khi văn bản hướng dẫn, giải thích có hiệu lực).
Trả lời
* Về nhóm đối tượng “người lao động thu nhập thấp”
Hiện nay, khái niệm “người thu nhập thấp, hộ thu nhập thấp” đã được nêu tại một số văn bản sau:
- Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 sửa đổi Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội quy định: Người thu nhập thấp “là người làm việc tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế hoặc lao động tự do tại khu vực đô thị, có mức thu nhập không phải đóng thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật nhà ở, pháp luật thuế thu nhập cá nhân”. Tuy nhiên, quy định này chỉ quy định phạm vi tại khu vực đô thị.
- Khoản 2 Điều 79 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp quy định: “Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương”.
Do vậy, đối với quy định về “người lao động có thu nhập thấp” trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có văn bản đề xuất trình Chính phủ giao Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định cụ thể nhóm tượng này để áp dụng trên phạm vi địa phương. Đề nghị các địa phương trong khi chưa có quy định xác định đối tượng nêu trên, tập trung tổ chức đào tạo cho các đối tượng khác của Chương trình.
Câu hỏi
Các đối tượng đang cai nghiện ma tuý tại cơ sở điều trị nghiện ma tuý của tỉnh Sơn La chủ yếu là người dân tộc thiểu số trong độ tuổi lao động. Đề nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết "Tỉnh có được phép sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp thuộc các Chương trình Mục tiêu quốc gia để đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dưới 03 tháng cho các đối tượng này không"?
Trả lời
Đối tượng của Tiểu dự án 3 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi.” trong Dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 là “Người lao động là người dân tộc thiểu số, người lao động là người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo sinh sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”
Do vậy, trường hợp các đối tượng đang cai nghiện ma tuý tại cơ sở điều trị nghiện ma tuý bảo đảm đúng đối tượng quy định của Chương trình thì được thụ hưởng chính sách của Chương trình.
Câu hỏi
- Cho phép địa phương được vận dụng quy định về giải thích từ ngữ “người thu nhập thấp” tại Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 của Chính phủ để làm tiêu chí xác định “lao động có thu nhập thấp”.
- Việc hỗ trợ các hoạt động thuộc Tiểu dự án 3 “Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi” trong Dự án 5 cho trường Cao đẳng nghề Trà Vinh thụ hưởng có phù hợp và đúng quy định hay không?
- Ban hành văn bản hướng dẫn (hoặc sửa đổi, bổ sung nội dung các Thông tư đã ban hành) đối với các hoạt động: xây dựng các mô hình đào tạo nghề; đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp ở các ngành, nghề phù hợp nhu cầu lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để địa phương căn cứ thực hiện đúng quy định, phù hợp với địa phương.
Trả lời
* Về đối tượng là “người lao động có thu nhập thấp”: đề nghị quý Sở nghiên cứu giải đáp tại Kiến nghị số 08 nêu trên.
* Việc hỗ trợ các hoạt động thuộc Tiểu dự án 3 “Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi” trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I.
- Theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thì việc phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ quan, đơn vị và cấp trực thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách trung ương và mục tiêu, nhiệm vụ hàng năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
- Nội dung hỗ trợ, đối tượng cụ thể của Tiểu dự án 3 “Dự án Phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho người lao động vùng dân tộc thiểu số và miền núi” đã quy định tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và các Thông tư hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (tại các Thông tư số 17/2022/TT-BLĐTBXH ngày 06/9/2022, số 03/2023/TT-BLĐTBXH ngày 31/5/2023).
Do vậy, đề nghị quý Sở căn cứ các quy định nêu trên để rà soát, xây dựng trình cấp có thẩm quyền phương án phân bổ và giao ngân sách nhà nước cho các cơ quan, đơn vị và cấp trực theo các nội dung, hoạt động bảo đảm phù hợp với phạm vi, đối tượng và các mục tiêu, nhiệm vụ của Tiểu dự án.
* Về xây dựng các mô hình đào tạo nghề; đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp ở các ngành, nghề phù hợp nhu cầu lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã hướng dẫn tại Điều 23 Thông tư số 17/2022/TT-BLĐTBXH ngày 06/9/2022 và khoản 5 Điều 1 Thông tư số 03/2023/TT-BLĐTBXH ngày 31/5/2023.
Câu hỏi
- Hướng dẫn thẩm quyền ban hành danh mục nghề là cấp nào? Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành danh mục nghề hay Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành “Danh mục chi tiết (từng nghề) dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh”.
- Hướng dẫn rõ cách thức thực hiện (Hướng dẫn Ban hành đồng thời danh mục nghề đào tạo và mức chi phí đào tạo cho từng nghề hay chỉ ban hành danh mục nghề riêng, mức chi phí đào tạo riêng”).
- Hướng dẫn việc áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật các nghề đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng đã được ban hành để xác định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước nhằm đảm bảo theo quy định tại Khoản 1 và điểm a Khoản 3 Điều 5 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP .
- Trong trường hợp cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức đào tạo các nghề trình độ trung cấp, cao đẳng khác với các điều kiện tính toán định mức kinh tế - kỹ thuật quy định tại các Thông tư đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành. Đề nghị hướng dẫn việc cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đề xuất định mức kinh tế - kỹ thuật phù hợp điều kiện cụ thể của đơn vị gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hay đơn vị nào để thẩm định, ban hành để áp dụng xác định chi phí đào tạo nghề, xác định giá dịch vụ sự nghiệp công áp dụng trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
- Hướng dẫn việc xác định “tên nhóm nghề đào tạo sơ cấp” để áp dụng, thực hiện trong việc cấp giấy Chứng nhận hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền.
Trả lời
* Về thẩm quyền phê duyệt danh mục nghề đào tạo để hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng
Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng thì thẩm quyền phê duyệt phê duyệt danh mục nghề đào tạo để hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
* Về xây dựng, phê duyệt danh mục nghề đào tạo, mức chi phí đào tạo cho từng nghề
Theo khoản 1 Điều 10 Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng thì thẩm quyền xây dựng, phê duyệt danh mục nghề đào tạo, mức chi phí đào tạo cho từng nghề thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Do vậy, việc quyết định phê duyệt phê duyệt danh mục nghề đào tạo, mức chi phí đào tạo đồng thời hay không đồng thời do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.
* Về áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật các nghề đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng đã được ban hành để xác định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước.
Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2021 là hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản) đối với một số lĩnh vực cơ bản như y tế, giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 99 Luật Giáo dục, chi phí của dịch vụ giáo dục, đào tạo gồm toàn bộ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định phục vụ trực tiếp và gián tiếp hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 29 Luật Giáo dục nghề nghiệp, chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, nguyên nhiên vật liệu thực hành, thực tập; khấu hao cơ sở vật chất, thiết bị và các chi phí cần thiết khác cho việc đào tạo.
Tại điểm Điều 5 của Nghị định số 60/2021/NĐ-CP quy định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước như sau:
“1. Giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được xác định theo quy định của pháp luật về giá, định mức kinh tế-kỹ thuật, định mức chi phí do cơ quan có thẩm quyền ban hành và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước quy định tại khoản 3 Điều này, trong đó:
a) Chi phí tiền lương trong giá dịch vụ sự nghiệp công tính theo mức lương cơ sở, hệ số tiền lương ngạch, bậc, chức vụ, các khoản đóng góp theo tiền lương và các khoản phụ cấp lương theo chế độ quy định đối với đơn vị sự nghiệp công hoặc tính theo mức lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và các khoản đóng góp theo tiền lương theo quy định của Nhà nước; định mức lao động do các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành theo thẩm quyền.
b) Trích khấu hao tài sản cố định theo Quy định pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và lộ trình kết cấu chi phí khấu hao vào giá dịch vụ sự nghiệp công do cấp có thẩm quyền quy định.
2. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được xác định theo quy định của pháp luật về giá hoặc mức bình quân chi phí hợp lý, hợp lệ thực hiện của 03 năm trước liền kề.
3. Lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước
a) Đến hết năm 2021, cơ bản hoàn thành lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công (tính đủ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản cố định, chi phí khác theo quy định của pháp luật về giá). Trường hợp do khó khăn khách quan cần xây dựng lộ trình khác, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính.
Riêng đối với giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập; giá dịch vụ giáo dục đào tạo và giáo dục nghề nghiệp tại cơ sở giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp công lập: Trường hợp không thực hiện được lộ trình quy định tại điểm a khoản này, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, sau khi có ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính.
b) Đối với dịch vụ sự nghiệp công đang được Nhà nước đặt hàng theo giá tính đủ chi phí thì tiếp tục thực hiện theo giá tính đủ chi phí.
4. Phương pháp định giá và cơ quan có thẩm quyền định giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định pháp luật về giá.
Căn cứ quy định pháp luật về giá và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này, căn cứ khả năng cân đối ngân sách nhà nước và mặt bằng giá thị trường, tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể giá dịch vụ sự nghiệp công theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành.
Đơn vị sự nghiệp công quyết định mức giá cụ thể cho từng loại dịch vụ đảm bảo trong phạm vi khung giá, mức giá dịch vụ sự nghiệp công do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định cụ thể giá dịch vụ sự nghiệp công, đơn vị sự nghiệp công thực hiện thu theo mức giá quy định.”
Do đó, giá dịch vụ đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng được xác định theo lộ trình tính đủ tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý và khấu hao tài sản theo các quy định nêu trên. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí, giá dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước được xác định theo quy định của pháp luật về giá hoặc mức bình quân chi phí hợp lý, hợp lệ thực hiện của 03 năm trước liền kề. Đồng thời, giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp khi thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu còn phải tuân thủ quy định tại Chương V Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định vệ cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Về việc thẩm định, ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật trong trường hợp khác với định mức kinh tế - kỹ thuật đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành: Hiện nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành 05 Thông tư[1] ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo cho 173 ngành, nghề trình độ cao đẳng, trung cấp. Tại mục II, phần thuyết minh về hướng dẫn sử dụng định mức kinh tế - kỹ thuật trong các phụ lục kèm theo Thông tư đã quy định “Trường hợp tổ chức đào tạo khác với điều kiện quy định (số lượng học sinh, sinh viên trong 1 lớp học, thời gian đào tạo...), các cơ quan đơn vị, căn cứ vào định mức kinh tế - kỹ thuật đã ban hành và điều kiện cụ thể để điều chỉnh và đề xuất định mức kinh tế - kỹ thuật phù hợp”. Đồng thời, theo quy định tại Điều 6 Nghị định 15/2019/NĐ-CP , khoản 6 Điều 26 Nghị định 32/2019/NĐ-CP , Điều 14 Thông tư 07/2020/TT-BLĐTBXH thì việc ban hành, sửa đổi, bổ sung định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
* Về hướng dẫn việc xác định “tên nhóm nghề đào tạo trình độ sơ cấp” trong thực hiện cấp giấy Chứng nhận hoạt động giáo dục nghề nghiệp
Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH[2]: “Chương trình đào tạo sơ cấp là hệ thống kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm được thiết kế đồng bộ với phương pháp giảng dạy, điều kiện cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy, học tập và đánh giá kết quả học tập để đảm bảo người học tích lũy được kiến thức, kỹ năng, năng lực tự chủ và trách nhiệm cần thiết để thực hiện các công việc đơn giản của nghề". Vì vậy, đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum căn cứ vào tình hình phát triển nhân lực của địa phương để nghiên cứu và vận dụng theo tên gọi của nhóm ngành, nghề trình độ trung cấp, cao đẳng quy định tại Thông tư số 26/2020/TT-BLĐTBXH[3] và nhóm chương trình, nhóm ngành, nghề giáo dục, đào tạo theo quy định tại Quyết định số 01/2017/QĐ-TTg[4] để xác định các nghề sơ cấp trong cùng một nhóm nghề đào tạo sơ cấp và tên nhóm nghề đào tạo trình độ sơ cấp.
Câu hỏi
* Về thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực thuộc trung ương trong ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật trình độ cao đẳng, trung cấp
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam có được ban hành, ban hành lại (trong trường hợp Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành) định mức kinh tế - kỹ thuật đối với các ngành, nghề trình độ cao đẳng, trung cấp do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo trên địa bàn tỉnh không?
* Về nội dung các hoạt động mà Ủy ban nhân dân cấp huyện thuộc tỉnh Quảng Nam được sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp của Tiểu dự án 1, Dự án 4 thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025
Ủy ban nhân dân cấp huyện có được sử dụng kinh phí để thực hiện các hoạt động khác có liên quan không?, như là:
- “Chi khảo sát, thống kê, dự báo nhu cầu học nghề; truyền thông, hướng nghiệp, hỗ trợ khởi nghiệp và tạo việc làm trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo” (quy định tại Khoản 7, Điều 16 Thông tư số 46/2022/TT-BTC);
- “Chi phát triển mô hình gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo” (quy định tại Khoản 8, Điều 16 Thông tư số 46/2022/TT-BTC)...
* Về nội dung hoạt động mà Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp của Tiểu dự án 1, Dự án 4 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Nam có được sử dụng nguồn vốn sự nghiệp của Tiểu dự án 1, Dự án 4 của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã được tỉnh phân bổ ký hợp đồng với các cơ sở có chức năng thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm để tổ chức đào tạo, cấp Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm dạy trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng (theo Điều 09 Thông tư số 06/2022/TT-BLĐTBXH ngày 06/4/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp của tỉnh hay không? (bao gồm: viên chức, người lao động đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, tư thục trên địa bàn tỉnh).
Trả lời
* Về thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực thuộc trung ương trong ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật trình độ cao đẳng, trung cấp
Tính đến năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành 05 Thông tư ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo cho 173 ngành, nghề trình độ cao đẳng, trung cấp[5], đề nghị quý đơn vị nghiên cứu, áp dụng triển khai thực hiện.
Theo quy định tại mục II, phần thuyết minh về hướng dẫn sử dụng định mức kinh tế - kỹ thuật trong các phụ lục kèm theo Thông tư đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành thì:
- Định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp để:
+ Xác định chi phí trong đào tạo;
+ Xây dựng và thực hiện kế hoạch, quản lý kinh tế, tài chính và quản lý chất lượng trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp.
- Định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp được tính toán trong điều kiện lớp học tiêu chuẩn, thời gian đào tạo theo quy định.
- Trường hợp tổ chức đào tạo khác với điều kiện quy định (số lượng học sinh, sinh viên trong 1 lớp học, thời gian đào tạo...), các cơ quan đơn vị, căn cứ vào định mức kinh tế - kỹ thuật đã ban hành và điều kiện cụ thể để điều chỉnh và đề xuất định mức kinh tế - kỹ thuật phù hợp.
Đồng thời theo quy định tại khoản 2, Điều 6 Nghị định số 15/2019/NĐ-CP[6]; khoản 2, Điều 26 Nghị định 32/2019/NĐ-CP[7] ; Điều 14, Thông tư 07/2020/TT-BLĐTBXH[8]; Điều 37 Nghị định 60/2021/NĐ-CP[9]
Vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh trong từng trường hợp có thể điều chỉnh và đề xuất, phê duyệt định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp của những ngành nghề đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành cho phù hợp. Đồng thời căn cứ định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp đã ban hành để xác định chi phí trong đào tạo cho từng ngành, nghề.
* Việc hỗ trợ các hoạt động thuộc Tiểu dự án 1 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn” trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
- Theo quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia thì việc phân bổ ngân sách nhà nước cho các cơ quan, đơn vị và cấp trực thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trên cơ sở Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách trung ương và mục tiêu, nhiệm vụ hàng năm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.
- Nội dung hỗ trợ, đối tượng cụ thể của Tiểu dự án 1 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn” đã quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và các Thông tư hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (tại các Thông tư số 17/2022/TT-BLĐTBXH ngày 06/9/2022, số 03/2023/TT-BLĐTBXH ngày 31/5/2023).
Do vậy, đề nghị quý Sở căn cứ các quy định nêu trên để rà soát, xây dựng trình cấp có thẩm quyền phương án phân bổ và giao ngân sách nhà nước cho các cơ quan, đơn vị và cấp trực theo các nội dung, hoạt động bảo đảm phù hợp với phạm vi, đối tượng và các mục tiêu, nhiệm vụ của Tiểu dự án.
Câu hỏi
Trong thời gian chờ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn về người lao động có thu nhập thấp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiến nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến về việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo nhóm đối tượng quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 03 tháng.
Trả lời
Tại điểm a khoản 9 Điều 16 Thông tư số 46/2022/TT-BTC ngày 28/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã quy định cụ thể nội dung, mức hỗ trợ và hình thức hỗ trợ chi đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo nghề dưới 03 tháng cho các các đối tượng của Tiểu dự án “Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn”./.
[1] Thông tư số 08/2018/TT-BLĐTBXH ngày 14/8/2018; Thông tư số 24/2019/TT-BLĐTBXH ngày 24/12/2019; Thông tư số 25/2019/TT-BLĐTBXH ngày 24/12/2019; Thông tư số 16/2020/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2020; Thông tư số 10/2021/TT-BLĐTBXH ngày 10/9/2021.
[2] Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về đào tạo trình độ sơ cấp.
[3] Thông tư số 26/2020/TT-BLĐTBXH ngày 30/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.
[4] Quyết định số 01/2017/QĐ-TTg ngày 17/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân.
[5] Thông tư số 08/2018/TT-BLĐTBXH ngày 14/8/2018; Thông tư số 24/2019/TT-BLĐTBXH ngày 24/12/2019; Thông tư số 25/2019/TT-BLĐTBXH ngày 24/12/2019; Thông tư số 16/2020/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2020; Thông tư số 10/2021/TT-BLĐTBXH ngày 10/9/2021.
[6] Nghị định số 15/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ ban hành quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp.
[7] Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
[8] Thông tư 07/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/10/2020 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc xây dựng, thẩm định và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật về đào tạo áp dụng trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.
[9] Nghị định số Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.