BỘ
THÔNG TIN VÀ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/BTTTT-VP |
Hà Nội, ngày 04 tháng 01 năm 2023 |
Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hưng Yên do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 1418/BDN ngày 07/11/2022, nội dung kiến nghị như sau:
Câu 1: Hiện nay, các đối tượng lừa đảo sử dụng sim rác giả danh cơ quan chức năng, doanh nghiệp nhắn tin, gọi điện cho người dân để đe dọa, dụ dỗ diễn ra ngày càng nhiều. Cử tri kiến nghị cần có các giải pháp quản lý sim rác của các nhà cung cấp dịch vụ mạng và kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân.
Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:
Trong thời gian gần đây có 1 số đối tượng lợi dụng công nghệ (trong đó có việc sử dụng số điện thoại để nhắn tin, gọi điện) nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như giả danh cơ quan chức năng, doanh nghiệp nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dân, qua 02 hình thức chính:
1. Các đối tượng sử dụng công nghệ VoIP (gọi điện dựa trên giao thức Internet) nhằm làm giả số từ nước ngoài gọi về hoặc giả mạo số của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan công an gọi điện đến số của người dân để lừa đảo.
2. Các đối tượng sử dụng SIM thuê bao thông thường để gửi tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo, mạo danh cơ quan quản lý, các ngân hàng để gọi điện lừa đảo.
Nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng này Bộ TT&TT đã phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai nhiều biện pháp như:
- Với trường hợp 1: Bộ TT&TT đã có công văn số 15/CVT-TNTK ngày 14/02/2020 chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông yêu cầu triển khai các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế tình trạng giả mạo số điện thoại qua VoIP quốc tế chiều về với mục đích lừa đảo tới thuê bao viễn thông Việt Nam (chặn các số sai định dạng; cấu trúc...). Trong năm 2022, các doanh nghiệp viễn thông đã thực hiện ngăn chặn hơn 81,6 triệu cuộc gọi có dấu hiệu giả mạo (gần 6 triệu cuộc/tháng) không cho kết nối vào mạng viễn thông của Việt Nam.
- Với trường hợp 2: Bộ TT&TT đã chỉ đạo các nhà mạng triển khai các biện pháp tăng cường tính chính xác của thông tin thuê bao:
+ Năm 2017, qua rà soát phát hiện có gần 22 triệu SIM có thông tin chưa đầy đủ, hợp lý, hợp lệ theo quy định; năm 2020 giảm còn 14 triệu SIM; tháng 9/2021, giảm còn hơn 7 triệu SIM; đến tháng 6/2022 số SIM chưa khai báo đầy đủ thông tin đã được xử lý triệt để (cập nhật lại thông tin, chặn, khoá, hủy các trường hợp không tuân thủ), bảo đảm 100% (tương ứng gần 125 triệu SIM thuê bao) có đầy đủ thông tin thuê bao.
+ Bộ TT&TT đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực giấy tờ (thông tin trong CCCD/CMND) của các chủ thuê bao.
+ Các thuê bao khi đăng ký mới đều phải thực hiện theo quy trình xác thực chặt chẽ (ekyc, video call,...).
Ngoài ra, các đơn vị chuyên môn của Bộ TT&TT (Cục An toàn thông tin, Cục Viễn thông) đã tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đề nghị các doanh nghiệp viễn thông nhắn tin cảnh báo, nâng cao ý thức của người dân; hướng dẫn cách xử lý (đường dây nóng của Bộ Công an) khi có cuộc gọi hay tin nhắn rác. Bộ TT&TT (Cục An toàn thông tin) đã thường xuyên trao đổi, gửi thông tin mà người dân phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo đến tổng đài 156/5656 tới cơ quan công an để xem xét, phối hợp xử lý.
* Giải pháp thời gian tới:
- Tăng cường triển khai truyền thông cho người sử dụng dịch vụ về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo thường sử dụng, giúp nâng cao cảnh giác, nhận biết, tránh bị lừa đảo và có biện pháp phòng tránh (trong đó nêu rõ đầu số (tổng đài 156) tiếp nhận phản ánh và có quy trình phối hợp xử lý phản ánh cụ thể giữa các đơn vị của Bộ TT&TT và Bộ Công an).
- Tiếp tục phối hợp với cơ quan công an để kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi giả mạo số điện thoại có mục đích lừa đảo.
- Yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông tiếp tục và thường xuyên cập nhật các biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn, xử lý cuộc gọi giả mạo.
Câu 2: Đường truyền chạy từ trạm phát sóng VN3 đến cột truyền sóng qua địa bàn phường Dị Sử, thị xã Mỹ Hào hơi thấp, gây ảnh hưởng đến đi lại của người dân và phát triển kinh tế xã hội địa phương. Cử tri đề nghị các cơ quan quan cải tạo, nâng cao đường truyền nêu trên để tạo thuận cho người dân sinh hoạt quanh khu vực đó.
Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:
Đối với kiến nghị nêu trên của cử tri tỉnh Hưng Yên, Bộ TT&TT đề nghị Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên có ý kiến với UBND tỉnh chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông Hưng Yên yêu cầu doanh nghiệp có tuyến cáp nêu trên xử lý ngay việc mất an toàn tuyến cấp trên, đảm bảo an toàn cho người dân cũng như đảm bảo mỹ quan đô thị trên địa bàn tỉnh.
Câu 3: Hiện nay, trên cả nước vẫn có những địa phương có những cách gọi khác nhau đối với Đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện như: Trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thông, Trung tâm văn hóa thông tin và thể thao, Trung tâm văn hóa và truyền thanh,... mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư liên tịch số 17/2010/ TTLT-BTTTT-BNV ngày 2 7/7/2010 hướng dẫn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Phát thanh và Truyền hình thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Đài phát thanh - Truyền hình thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện. Cử đề nghị nghiên cứu và quy định thống nhất tên gọi đối với Đài Truyền thanh cấp huyện hoặc Trung tâm văn hóa và truyền thanh cấp huyện trên toàn quốc.
Sau khi nghiên cứu, Bộ TT&TT có ý kiến trả lời như sau:
Thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 Khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; ngày 13/3/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 308/QĐ-TTg phê duyệt Đề án quản lý hoạt động truyền thanh - truyền hình cấp huyện đến năm 2020, trong đó có nội dung “Thực hiện việc sắp xếp, sáp nhập cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện với các đơn vị sự nghiệp khác trên địa bàn theo tinh thần Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.
Trên tinh thần đó, các địa phương đã thực hiện sáp nhập đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện với các đơn vị sự nghiệp khác trên địa bàn (chủ yếu là đơn vị sự nghiệp của ngành văn hóa) để đảm bảo yêu cầu tinh gọn tổ chức bộ máy. Đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện là đơn vị sự nghiệp, không phải là cơ quan quản lý nhà nước. Vì vậy, việc đặt tên cho đơn vị sự nghiệp này phụ thuộc vào chức năng, nhiệm vụ của cơ quan chủ quản (UBND cấp huyện) giao, phụ thuộc vào điều kiện thực tế, sự cần thiết phải có hoạt động sự nghiệp của từng địa phương.
Do vậy, không cần thiết phải quy định thống nhất tên gọi đối với cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện hoặc Trung tâm văn hóa và truyền thanh cấp huyện trên toàn quốc. Bộ TT&TT có thể hướng dẫn, gợi ý cách đặt tên mà không quy định cứng việc đặt tên các đơn vị này. Ví dụ: Trung tâm Truyền thông; Trung tâm Truyền thông - Văn hóa; Trung tâm Truyền thông - Văn hóa - Thể thao; Trung tâm Truyền thông - Văn hóa - Thể thao - Du lịch...
Hiện nay, Bộ TT&TT đang xây dựng hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định quy định về hoạt động thông tin cơ sở và truyền thông cấp huyện trình Chính phủ trong năm 2023.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ TT&TT đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Hưng Yên, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hưng Yên để trả lời cử tri./.
|
BỘ
TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.