BỘ
TÀI CHÍNH |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13619/BTC-NSNN |
Hà Nội, ngày 11 tháng 10 năm 2017 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Về xử lý số tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực an toàn giao thông (ATGT), thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 3492/VPCP-QHĐP ngày 11 tháng 4 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ, kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tại Thông báo số 50/TB-VPCP ngày 02 tháng 02 năm 2017 và Thông báo số 166/TB-VPCP ngày 29 tháng 3 năm 2017, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đã có các văn bản số 3427/BTC-NSNN ngày 15 tháng 3 năm 2017, số 5649/BTC-NSNN ngày 03 tháng 5 năm 2017 và số 7764/BTC-NSNN ngày 12 tháng 6 năm 2017 báo cáo Thủ tướng Chính phủ; trong đó đã giải trình việc bố trí cân đối thu - chi từ nguồn thu xử phạt VPHC trong lĩnh vực ATGT tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật hiện hành về quản lý ngân sách nhà nước (NSNN), các văn bản hướng dẫn, quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an. Theo đó: Tiền thu xử phạt VPHC trong lĩnh vực ATGT do cơ quan nhà nước địa phương quyết định xử phạt là khoản thu NSĐP hưởng 100%.
Ngày 03 tháng 8 năm 2017, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 335/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp về tiền thu từ xử phạt VPHC trong lĩnh vực ATGT, trong đó giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Công an, Giao thông Vận tải căn cứ quy định của pháp luật xây dựng văn bản hướng dẫn để lại 100% tiền thu xử phạt VPHC trong lĩnh vực ATGT do cơ quan nhà nước địa phương quyết định xử phạt cho NSĐP để thực hiện từ năm 2018. Trường hợp cần có tỷ lệ điều tiết (đối với lực lượng Công an nhân dân) thì NSĐP được hưởng 70% số tiền thu được. Tổng hợp ý kiến của các Bộ: Công an (Công văn số 2329/BCA-V22 ngày 26 tháng 9 năm 2017), Tư pháp (Công văn số 4545/BTP-QLXLVPHC&TDTHPL ngày 27 tháng 9 năm 2017) , Giao thông Vận tải (Công văn số 10059/BGTVT-ATGT ngày 05 tháng 9 năm 2017), Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia (Công văn số 337/UBATGTQG ngày 05 tháng 9 năm 2017) và các địa phương, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:
I. Về nội dung giao: “Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Công an, Giao thông Vận tải căn cứ quy định của pháp luật xây dựng văn bản hướng dẫn để lại 100% tiền thu xử phạt VPHC trong lĩnh vực ATGT do cơ quan nhà nước địa phương quyết định xử phạt cho NSĐP để thực hiện từ năm 2018”; Bộ Tài chính báo cáo như sau:
Các quy định pháp lý và việc tổ chức thực hiện hiện nay đã đảm bảo đúng chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, cụ thể:
Điều 35, Điều 37 của Luật NSNN năm 2015 quy định: tiền thu từ xử phạt VPHC bao gồm cả xử phạt VPHC trong lĩnh vực ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa do cơ quan, đơn vị thuộc cấp nào xử phạt sẽ phân cấp cho ngân sách cấp đó hưởng 100%.
Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật NSNN cũng quy định: Tiền thu từ xử phạt VPHC, phạt, tịch thu khác theo quy định của pháp luật, do các cơ quan nhà nước trung ương quyết định thực hiện xử phạt, tịch thu là khoản thu NSTW hưởng 100% (điểm i, khoản 1, điều 13); tiền thu từ xử phạt VPHC, phạt, tịch thu khác theo quy định của pháp luật do các cơ quan nhà nước địa phương quyết định thực hiện xử phạt, tịch thu là khoản thu NSĐP hưởng 100% (điểm p, khoản 1, điều 15).
Điều 3 Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an1 quy định: Cơ cấu tổ chức của Bộ Công an gồm cơ quan Bộ Công an, Công an địa phương (Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Công an phường, Công an thị trấn; không bao gồm Công an xã).
Như vậy, theo các quy định hiện hành thì: Thu xử phạt VPHC trong lĩnh vực ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa do các lực lượng ở địa phương xử phạt (Công an xã, Thanh tra thuộc Sở Giao thông vận tải, Thanh tra thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, cơ quan cảng vụ thuộc địa phương và các lực lượng địa phương khác) là khoản thu NSĐP hưởng 100%.
Thu xử phạt VPHC trong lĩnh vực ATGT do lực lượng cơ quan, đơn vị trung ương thực hiện, gồm: công an (trừ Công an xã), Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển và các lực lượng có thẩm quyền xử phạt của Bộ Giao thông vận tải (Chánh thanh tra Bộ Giao thông vận tải, Cục trưởng Cục đường thủy nội địa Việt Nam và các đơn vị trực thuộc Cục đường thủy nội địa Việt Nam (Cảng vụ đường thủy nội địa, Chi Cục đường thủy nội địa) và các lực lượng khác thuộc trung ương xử phạt) là khoản thu NSTW hưởng 100%.
2. Về việc bố trí dự toán thu, chi NSNN
- Theo quy định, từ năm 2017, khoản thu xử phạt VPHC trong lĩnh vực ATGT được phản ánh đầy đủ vào dự toán thu NSTW và NSĐP.
Đối với phần thu xử phạt VPHC trong lĩnh vực ATGT do các cơ quan địa phương thực hiện đã được cân đối 100% cho NSĐP. Ngoài ra, do năm 2016 NSĐP được để lại 30% số phạt VPHC trong lĩnh vực ATGT và định mức chi năm 2017 đảm bảo nguyên tắc không thấp hơn mặt bằng chi năm 2016, nên dự toán năm 2017 của các địa phương đã bao gồm số chi bảo đảm trật tự ATGT của địa phương năm 2016, với mức chi ít nhất bằng 30% số thu xử phạt VPHC trong lĩnh vực ATGT năm 2016.
Đối với NSTW, dự toán năm 2017 đã bố trí cho Bộ Công an là 2.800 tỷ đồng (số thu xử phạt VHPC trong lĩnh vực ATGT phần NSTW thực tế được hưởng năm 2016 là 2.438 tỷ đồng).
II. Về nội dung chỉ đạo: “Trường hợp cần có tỷ lệ điều tiết (Đối với lực lượng Công an nhân dân) thì NSĐP được hưởng 70% số tiền thu được”.
Theo giải trình ở trên, thì việc “điều tiết” 70% số tiền thu được từ xử phạt VPHC trong lĩnh vực ATGT do các cơ quan trung ương thực hiện cho NSĐP là chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
Để thực hiện hỗ trợ cho địa phương tương ứng 70% số tiền thu từ xử phạt VPHC trong lĩnh vực ATGT theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và phù hợp với quy định của Luật NSNN và các văn bản pháp luật có liên quan, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ thực hiện cơ chế bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho NSĐP để hỗ trợ các địa phương thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự, ATGT trên địa bàn địa phương, trong đó có nhiệm vụ chi đảm bảo trật tự, ATGT trên địa bàn địa phương của Công an địa phương (theo quy định hiện hành là nhiệm vụ của NSTW) theo một trong 02 phương án:
Phương án 1: Bổ sung có mục tiêu cho các địa phương tương ứng 70% số tiền thu được từ xử phạt VPHC trong lĩnh vực ATGT phần NSTW hưởng được (là phần do lực lượng công an nhân dân trung ương (trừ công an xã) được tổ chức, hoạt động và thực hiện xử phạt trên địa bàn địa phương).
Để hạn chế được khối lượng công việc lớn phát sinh do phải xử lý chênh lệch giữa số thực hiện và số dự toán nguồn thu xử phạt VPHC trong lĩnh vực ATGT phần NSTW được hưởng, kiến nghị trong tổ chức thực hiện xử lý theo phương án sau: Hàng năm, vào thời điểm lập dự toán NSNN, trên cơ sở số thu xử phạt VPHC trong lĩnh vực ATGT phần NSTW được hưởng phát sinh trên địa bàn địa phương năm liền trước năm hiện hành và khả năng cân đối ngân sách, NSTW bổ sung có mục tiêu 70% nguồn thu nêu trên, tổng hợp vào dự toán NSĐP theo quy định về quản lý ngân sách (ví dụ, dự toán bổ sung có mục tiêu cho từng địa phương năm 2018 được xác định tương ứng 70% số thu xử phạt VHPC trong lĩnh vực ATGT năm 2016 NSTW được hưởng phát sinh trên địa bàn địa phương).
- Ưu điểm của Phương án 1 là đơn giản, dễ thực hiện và cũng phù hợp với kiến nghị của nhiều địa phương; không phải xử lý chênh lệch giữa số dự toán và số thực hiện thực tế về thu xử phạt VHPC trong lĩnh vực ATGT NSTW được hưởng.
- Nhược điểm của Phương án 1 là:
+ Số liệu không cập nhật, nhưng về nguyên tắc cuốn chiếu hàng năm, thì số bổ sung có mục tiêu cho các địa phương sẽ từng bước bám theo số thu;
+ Số để lại cho các địa phương lớn sẽ làm giảm vai trò điều hòa của trung ương để thực hiện các mục tiêu về trật tự ATGT của cả nước, nhất là việc tập trung kinh phí cho các địa bàn phức tạp, nóng về ATGT; có thể dẫn tới chênh lệch giữa các địa phương trong việc đảm bảo các điều kiện về đầu tư, mua sắm phương tiện, trang thiết bị,... phục vụ đảm bảo trật tự, ATGT.
Phương án 2: Tổng hợp 70% số tiền thu được từ xử phạt VPHC trong lĩnh vực ATGT phần NSTW hưởng được trên cả nước (là phần do lực lượng công an nhân dân trung ương (trừ công an xã) được tổ chức, hoạt động và thực hiện xử phạt trên địa bàn địa phương) và chia cho từng địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí.
Tương tự như Phương án 1, để hạn chế được khối lượng công việc lớn phát sinh do phải xử lý chênh lệch giữa số thực hiện và số dự toán nguồn thu xử phạt VPHC trong lĩnh vực ATGT phần NSTW được hưởng, kiến nghị trong tổ chức thực hiện lấy 70% số thu xử phạt VHPC trong lĩnh vực ATGT phần NSTW được hưởng năm liền trước năm hiện hành để phân chia, bổ sung có mục tiêu cho từng địa phương.
Việc phân chia, bổ sung có mục tiêu cho các địa phương thực hiện theo nguyên tắc, tiêu chí cụ thể do Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Thực hiện Phương án 2 sẽ khắc phục được các nhược điểm của Phương án 1, nhưng do có sự điều hòa giữa các địa phương, nên có thể dẫn tới thắc mắc của các địa phương phát sinh số thu xử phạt lớn. Vì vậy, cần nghiên cứu các nguyên tắc, tiêu chí phân chia nguồn kinh phí này hợp lý, khách quan và minh bạch.
Đối với năm 2018, để kịp tổng hợp dự toán trình cấp có thẩm quyền, đề nghị Bộ Công an đề xuất phương án phân chia 70% tổng số thu NSTW được hưởng từ nguồn xử phạt VPHC trong lĩnh vực ATGT năm 2016 cho từng địa phương, kèm thuyết minh cụ thể; gửi Bộ Tài chính để kịp tổng hợp vào dự toán NSNN trình các cấp thẩm quyền theo quy định.
Ngoài ra, do Luật NSNN quy định nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm (khoản 4, điều 9), nên việc sử dụng khoản kinh phí bổ sung có mục tiêu này ở địa phương trong cả 02 phương án nêu trên đều chưa phù hợp. Mặc dù Nghị định số 165/2016/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ có quy định NSĐP hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT của NSTW trong trường hợp cấp thiết để đảm bảo ổn định tình hình kinh tế, xã hội; tuy nhiên, để có căn cứ triển khai, cần đưa nội dung này vào Nghị quyết của Quốc hội về dự toán NSNN năm 2018.
2. Tổng hợp ý kiến của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương
Đến nay Bộ Tài chính đã nhận được 4/4 ý kiến của bộ, cơ quan trung ương và 55/63 địa phương gửi xin ý kiến.
a) Đa số các cơ quan trung ương (3/4 cơ quan trung ương gửi xin ý kiến) và địa phương (40/55 địa phương gửi ý kiến tham gia về Bộ Tài chính) lựa chọn phương án 1.
b) Một số ý kiến khác:
(1) Khối cơ quan trung ương:
- Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (Ủy ban) đề xuất: (i) địa phương hưởng 100% thu xử phạt hành chính ATGT do Công an địa phương (Công an tỉnh, huyện, quận, thị xã, thị trấn) thực hiện; (ii) nếu không được phương án (i), thì địa phương hưởng 70% kinh phí xử phạt hành chính ATGT do Công an địa phương thực hiện.
Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ: Theo các quy định hiện hành, thì thu xử phạt hành chính ATGT do lực lượng công an (trừ công an xã) thực hiện là thu NSTW, do vậy đề xuất của Ủy ban là địa phương hưởng 100% hay 70% nguồn thu này là chưa phù hợp.
- Bộ Công an đề xuất:
+ Trong số bổ sung có mục tiêu cho các địa phương (coi là 100%) dành tối thiểu 70% chi cho lực lượng công an địa phương, số còn lại để chi cho các lực lượng khác thuộc địa phương tham gia công tác đảm bảo trật tự ATGT.
Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ: Đề xuất này tương tự cơ chế quy định tại Thông tư số 89/2007/TT-BTC ngày 25/7/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc thu, nộp tiền phạt, quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt VPHC trong các lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa áp dụng cho giai đoạn từ tháng 7/2013 trở về trước.
Ngoài ra, với các quy định hiện hành, thì NSĐP vẫn được hưởng 100% thu xử phạt VPHC trong lĩnh vực ATGT do các lực lượng địa phương thực hiện.
Vì vậy, trình Thủ tướng Chính phủ nhất trí với đề xuất của Bộ Công an.
+ Hàng năm, NSTW bố trí cho Bộ Công an tương ứng với 30% số thu xử phạt còn lại đã điều tiết về Trung ương để chi cho công tác đảm bảo trật tự ATGT của các cơ quan trực thuộc Bộ Công an, thực hiện mua sắm tập trung một số danh mục cần trang bị thống nhất, đồng thời điều tiết hỗ trợ cho công an một số địa phương có nguồn thu khó khăn để chi phục vụ công tác đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn.
Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ: Nhất trí với đề xuất của Bộ Công an, vì ngoài việc chi cho công tác đảm bảo trật tự ATGT của các cơ quan trực thuộc Bộ Công an, còn góp phần hỗ trợ cho công an các địa phương có nguồn thu xử phạt ATGT hạn chế và thực hiện trang bị tập trung đối với một số phương tiện, trang thiết bị cần thiết đảm bảo thống nhất, đồng bộ, chuyên nghiệp.
+ Căn cứ xây dựng dự toán bổ sung có mục tiêu cho địa phương và bố trí cho Bộ Công an năm 2018 là tổng số thu xử phạt VPHC trong lĩnh vực ATGT của năm 2016 do các lực lượng, cơ quan trung ương thực hiện là 3.483 tỷ đồng (Công văn số 352/KBNN-KTNN ngày 25/01/2017).
Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ: Việc bổ sung có mục tiêu cho địa phương chỉ được thực hiện từ nguồn NSTW được hưởng, trong khi số thu nêu trên bao gồm phần NSTW được hưởng là 2.438 tỷ đồng, phần còn lại ngân sách địa phương hưởng (Công văn số 352/KBNN-KTNN). Vì vậy, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ dự toán năm 2018 tính cho Bộ Công an và bổ sung có mục tiêu cho địa phương căn cứ số thu xử phạt hành chính ATGT NSTW được hưởng năm 2016.
- Sớm nghiên cứu sửa đổi các văn bản quy định việc quản lý nguồn thu xử phạt ATGT theo hướng điều tiết được số thu giữa địa phương xử phạt nhiều với địa phương xử phạt ít; mở rộng nội dung chi đối với nguồn kinh phí chi bảo đảm trật tự ATGT, trong đó cho phép chi đầu tư XDCB mới các trụ sở, đồn, trạm kiểm soát giao thông,...; đồng thời, giao đơn vị chủ trì theo dõi việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán nguồn bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho NSĐP.
Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ: Việc điều tiết nguồn kinh phí giữa các địa phương để tập trung xử lý các điểm nóng, địa bàn phức tạp về an toàn giao thông là cần thiết. Nội dung chi như thế nào cho hiệu quả, đề nghị các bộ, ngành chức năng và địa phương có báo cáo cụ thể, gửi Bộ Tài chính để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán nguồn bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho NSĐP được thực hiện theo quy định về quản lý NSNN và thông tư hướng dẫn chi nguồn này.
- Bộ Tư pháp đề nghị:
+ Nêu rõ tại 02 phương án trong dự thảo công văn: 70% số tiền thu được từ xử phạt VPHC trong lĩnh vực ATGT phần NSTW hưởng được điều tiết (có mục tiêu) cho NSĐP là phần do lực lượng công an nhân dân trung ương (trừ công an xã) được tổ chức, hoạt động và thực hiện xử phạt trên địa bàn địa phương.
Bộ Tài chính đã tiếp thu, thể hiện rõ hơn trong dự thảo Công văn trình Thủ tướng Chính phủ.
+ Bổ sung ý kiến: “Về lâu dài, Bộ Tài chính tham mưu, báo cáo Chính phủ báo cáo Quốc hội nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật ngân sách nhà nước năm 2015 và các văn bản có liên quan nhằm tạo cơ sở pháp lý trong việc thực hiện lâu dài và có hiệu quả nguồn tiền thu từ XPVPHC cũng như việc điều tiết nguồn kinh phí thu chi từ xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực nói chung và lĩnh vực an toàn giao thông nói riêng”.
Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ: Tiếp thu và sẽ xem xét tham mưu khi có kế hoạch sửa đổi các Luật.
(2) Ý kiến của các địa phương:
Đến nay đã có 55/63 địa phương có văn bản gửi Bộ Tài chính. Trong đó ngoài 40/55 địa phương đề nghị thực hiện theo phương án 1; 7/55 địa phương đề nghị thực hiện theo phương án 2; 5/55 địa phương đồng ý nhưng không lựa chọn phương án cụ thể; 02/55 địa phương đề nghị để lại 100% khoản thu này cho địa phương và 01/55 địa phương (Lào Cai) đề nghị bãi bỏ quy định Nghị định số 106/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an, xác định lại số thu, không có ý kiến chọn phương án.
3. Phương án trình Thủ tướng Chính phủ
Tiếp thu ý kiến của các cơ quan trung ương, địa phương nêu trên, trường hợp Thủ tướng Chính phủ quyết định từ năm 2018, NSTW bổ sung có mục tiêu tương ứng 70% số thu xử phạt VPHC trong lĩnh vực ATGT NSTW được hưởng cho địa phương để thực hiện các nhiệm vụ trật tự ATGT trên địa bàn, Bộ Tài chính kiến nghị chọn Phương án 1, đồng thời để triển khai thực hiện, trình Thủ tướng Chính phủ:
(1) Khi báo cáo Quốc hội dự toán NSNN 2018 sẽ kiến nghị: Từ năm 2018, giao Chính phủ căn cứ số thu xử phạt VPHC trong lĩnh vực ATGT phần NSTW được hưởng năm liền trước năm hiện hành, xác định bổ sung có mục tiêu cho từng địa phương tương ứng 70% số thu trên, để hỗ trợ địa phương thực hiện nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn, bao gồm cả nhiệm vụ đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn của lực lượng Công an địa phương, tổng hợp vào dự toán NSNN theo quy định về quản lý ngân sách hiện hành.
(2) Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, căn cứ số thu xử phạt VPHC trong lĩnh vực ATGT NSTW được hưởng năm liền trước năm hiện hành đề xuất dự toán chi đảm bảo trật tự ATGT của Bộ Công an tương ứng 30% và dự toán số kinh phí bổ sung có mục tiêu từ NSTW cho từng địa phương tương ứng 70% số thu NSTW được hưởng từ nguồn này phát sinh trên địa bàn; tổng hợp vào dự toán NSNN hàng năm, trình cấp có thẩm quyền theo quy định;
(3) Giao các địa phương bố trí 70% số kinh phí bổ sung có mục tiêu nguồn xử phạt hành chính ATGT hàng năm cho Công an địa phương và 30% cho các lực lượng địa phương khác làm nhiệm vụ bảo đảm trật tự, ATGT trên địa bàn.
(4) Giao Bộ Tài chính chủ trì việc rà soát, sửa đổi các Thông tư hướng dẫn về thu nộp xử phạt VPHC trong lĩnh vực ATGT, quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán kinh phí đảm bảo trật tự ATGT.
(5) Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đánh giá cụ thể các nội dung chi từ nguồn này và các giải pháp tăng cường điều tiết giữa các địa phương báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thực hiện vào các năm sau.
Bộ Tài chính kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
1 Căn cứ Điều 17, 18 Luật Công an nhân dân 2005, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 106/2014/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an. Đến nay, Quốc hội đã ban hành Luật Công an nhân dân 2014, trong đó về tổ chức của hệ thống Công an nhân dân tại Điều 16 cơ bản không có thay đổi so với Điều 17 Luật Công an nhân dân 2005 (chủ yếu thay đổi đối với quy định về Công an xã). Hiện nay, chưa có Nghị định thay thế Nghị định số 106/2014/NĐ-CP.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.