BỘ VĂN HÓA, THỂ
THAO VÀ DU LỊCH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1242/BVHTTDL-VP |
Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 2024 |
Kính gửi: Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 48/BDN ngày 24/01/2024, nội dung kiến nghị như sau:
“Để việc bảo vệ, quản lý di sản thiên nhiên thế giới đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn, phát huy giá trị của di sản, cử tri kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng, ban hành chính sách, quy chế bảo vệ di tích, di sản trên phạm vi cả nước nói chung, quy chế bảo vệ và quản lý di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà nói riêng để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện; tham mưu ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển du lịch thành phố Hải Phòng (trong đó có du lịch Cát Bà), tương xứng là điểm đến du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam; có chính sách ưu tiên đầu tư cho sự nghiệp văn hóa, thể thao đối với các địa phương còn khó khăn, miền núi và hải đảo.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xin trả lời như sau:
- Về nội dung kiến nghị xây dựng, ban hành chính sách, quy chế bảo vệ di tích, di sản trên phạm vi cả nước nói chung, quy chế bảo vệ và quản lý di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà nói riêng để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện
Căn cứ khoản 02, Điều 14 Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21/9/2017 của Chính phủ quy định về việc bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam, thẩm quyền xây dựng và phê duyệt quy chế bảo vệ di sản thế giới được quy định: “Trường hợp di sản thế giới thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhưng phân bố trên địa bàn từ 02 tỉnh trở lên, thẩm quyền xây dựng và phê duyệt quy chế bảo vệ di sản thế giới được thực hiện như sau:
a) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định việc chọn Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm chủ trì tổ chức xây dựng quy chế bảo vệ di sản thế giới. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan chịu trách nhiệm phối hợp xây dựng quy chế. Sau khi đạt được sự thống nhất đối với nội dung của quy chế, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì xây dựng quy chế và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan đồng thời đề nghị Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt quy chế bảo vệ di sản thế giới;
b) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt quy chế bảo vệ di sản thế giới được phân bổ trên địa bàn từ 02 tỉnh trở lên quy định tại khoản này”.
Sau khi Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà (thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng) là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào ngày 16/9/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 4682/BVHTTDL-DSVH ngày 31/10/2023 đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh và UBND thành phố Hải Phòng chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị đối với Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) và Quần đảo Cát Bà (thành phố Hải Phòng) trên cơ sở các quy định, quy chế đang được triển khai tại 02 địa phương, 02 khu di sản, cùng những vấn đề đặt ra đối với khu di sản liên tỉnh/thành phố Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà để thống nhất có kế hoạch chuẩn bị xây dựng Quy chế, Kế hoạch quản lý di sản phù hợp với công tác quản lý di sản, thực hiện theo quy định của Công ước Di sản Thế giới và pháp luật hiện hành.
Vì vậy, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng đề nghị UBND thành phố Hải Phòng phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh thống nhất việc xây dựng Quy chế, Kế hoạch quản lý Di sản Thiên nhiên Thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định tại Nghị định số 109/2017/NĐ-CP. Đồng thời, nghiên cứu lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Quần đảo Cát Bà theo quy định tại Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25/12/2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
- Về nội dung kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển du lịch thành phố Hải Phòng (trong đó có du lịch Cát Bà), tương xứng là điểm đến du lịch mang tầm quốc gia và quốc tế trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam
Căn cứ Luật Du lịch năm 2017 có quy định: “Điều 75. Trách nhiệm quản lý nhà nước về du lịch của Ủy ban nhân dân các cấp:
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, thực hiện quản lý nhà nước về du lịch tại địa phương; cụ thể hóa chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển du lịch phù hợp với thực tế tại địa phương.
2. Ủy ban nhân dân các cấp có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư để khai thác tiềm năng, thế mạnh về du lịch của địa phương; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng;
.....”
Vì vậy, việc ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, huy động nguồn lực, thu hút đầu tư phát triển du lịch thành phố Hải Phòng thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh/thành phố. Đề nghị UBND thành phố Hải Phòng triển khai thực hiện theo quy định. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp trong quá trình triển khai theo yêu cầu của cơ quan chủ trì.
- Về nội dung kiến nghị liên quan đến chính sách ưu tiên đầu tư cho sự nghiệp văn hóa, thể thao đối với các địa phương còn khó khăn, miền núi và hải đảo.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách liên quan đến việc ưu tiên phát triển đầu tư lĩnh vực thể thao tại các địa phương còn khó khăn, miền núi, hải đảo, cụ thể:
+ Luật Thể dục, Thể thao năm 2018;
+ Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc;
+ Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14;
+ Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025;
+ Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;
+ Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 18/QĐ-BVHTTDL ngày 06/01/2022 ban hành Kế hoạch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025 và ban hành Hướng dẫn số 677/HD- BVHTTDL ngày 03/3/2022 về việc thực hiện Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn vớ i phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 với mục đích nhằm khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người, đặc biệt ưu tiên tại các địa phương còn nhiều khó khăn và miền núi, hải đảo.
Hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang triển khai xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, dự kiến trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 7. Dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia có nhóm dự án “Tiếp tục đầu tư, nâng cấp, nâng cao năng lực vận hành của các thiết chế văn hóa”, trong đó có nội dung liên quan đến việc đầu tư cho sự nghiệp văn hóa, thể thao đối với các địa phương còn khó khăn, miền núi và hải đảo. Sau khi Chương trình mục tiêu quốc gia được Quốc hội phê chuẩn, đầu tư cho ngành văn hóa, thể thao và du lịch sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu của toàn ngành, nhất là đầu tư giải quyết các điểm nghẽn về phát triển văn hóa, thể thao và du lịch.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trân trọng gửi tới Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng để trả lời cử tri./.
|
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.