BỘ Y TẾ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1209/VSDTTƯ-TCQG |
Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2021 |
Kính gửi: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật 63 tỉnh/thành phố.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về việc tập huấn, hướng dẫn cho nhân viên y tế về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, trên cơ sở các qui định về tiêm chủng của Bộ Y tế, hướng dẫn sử dụng từng loại vắc xin phòng COVID-19 của nhà sản xuất, Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia đã xây dựng sổ tay “Hướng dẫn thực hành tiêm chủng các vắc xin phòng COVID-19” gồm:
- Sổ tay Hướng dẫn thực hành tiêm chủng vắc xin COVID-19 Comirnaty của Pfizer-BioNTech.
- Sổ tay Hướng dẫn thực hành tiêm chủng vắc xin COVID-19 Moderna.
- Sổ tay Hướng dẫn thực hành tiêm chủng vắc xin COVID-19 (vero cell) bất hoạt của Sinopharm.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh/thành phố sử dụng tài liệu này là tài liệu tập huấn cho nhân viên y tế tham gia chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Trân trọng cảm ơn.
|
VIỆN TRƯỞNG |
VIỆN VỆ SINH DỊCH TỄ TRUNG ƯƠNG
CHƯƠNG TRÌNH TIÊM CHỦNG QUỐC GIA
HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH TIÊM CHỦNG
VẮC XIN COVID-19 (vero cell) bất hoạt của
Sinopharm
(Tài liệu sử dụng tập huấn cho cán bộ y tế)
MỤC LỤC
LỜI GIỚI THIỆU
PHẦN I: THÔNG TIN VỀ VẮC XIN COVID-19 (Vero Cell) bất hoạt của Sinopharm
1. Giới thiệu về vắc xin COVID-19 Vero Cell) bất hoạt của Sinopharm
2. Bảo quản vắc xin
3. Lịch tiêm chủng
4. Liều lượng, đường tiêm
5. Chỉ định, chống chỉ định:
6. Phản ứng sau tiêm chủng:
PHẦN II: HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH TIÊM CHỦNG
VẮC XIN PHÒNG COVID-19
1. Chuẩn bị trước buổi tiêm chủng
2. Đón tiếp và khai báo y tế
3. Khám sàng lọc trước tiêm chủng
4. Tư vấn trước tiêm chủng
5. Thực hiện tiêm vắc xin
6. Kết thúc buổi tiêm chủng
7. Giám sát phản ứng sau tiêm chủng
8. Thống kê, báo cáo
PHỤ LỤC
TÀI LIỆU THAM KHẢO
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
TCMR |
Tiêm chủng mở rộng |
BYT |
Bộ Y tế |
BKT |
Bơm kim tiêm |
HAT |
Hộp an toàn |
COVID-19 |
Bệnh do vi-rút Corona 2019 |
5K |
Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tụ tập, khai báo y tế |
HIV |
Human Immunodeficiency Virus (Vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người) |
SARS-CoV-2 |
Hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng do viruts corona 2 gây ra. |
LỜI GIỚI THIỆU
Việc tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 sẽ được tổ chức dưới hình thức chiến dịch với số lượng đối tượng lớn, đồng thời đây là vắc xin mới nên cán bộ y tế tham gia chiến dịch cần được tập huấn hướng dẫn trước khi triển khai để đảm bảo an toàn tiêm chủng và xử trí kịp thời phản ứng sau tiêm chủng. Trên cơ sở các qui định về tiêm chủng đã được ban hành, hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới và nhà sản xuất về sử dụng vắc xin phòng COVID-19, Chương trình Tiêm chủng Quốc gia đã xây dựng sổ tay Hướng dẫn thực hành tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 (Vero Cell) bất hoạt của Sinopharm.
Tài liệu bao gồm các nội dung:
- Thông tin về vắc xin COVID-19 (Vero Cell) bất hoạt của Sinopharm
- Hướng dẫn thực hành tiêm chủng vắc xin COVID-19 (Vero Cell) bất hoạt của Sinopharm
Tài liệu này được sử dụng làm tài liệu tập huấn cho nhân viên y tế tham gia tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 để đảm bảo thực hiện tiêm chủng vắc xin an toàn. Nội dung tài liệu sẽ được cập nhật khi có hướng dẫn mới của Bộ Y tế và nhà sản xuất.
Chương trình Tiêm chủng Quốc gia
PHẦN I: THÔNG TIN VỀ VẮC XIN COVID-19 (Vero Cell) bất hoạt của Sinopharm
1. Giới thiệu về vắc xin COVID-19 (Vero Cell) bất hoạt của Sinopharm
Vắc xin COVID-19 (Vero Cell) bất hoạt của Sinopharm, Trung Quốc sản xuất là vắc xin phòng bệnh do vi rút SARS-CoV-2 (COVID-19) gây ra. Sau khi vi rút bất hoạt trong vắc xin được tiêm vào cơ thể, chúng kích thích sản xuất các kháng thể và làm cho cơ thể sẵn sàng để ứng phó với tình trạng nhiễm vi rút SARS-CoV-2. Thành phần của vắc xin này được bổ sung hydroxit nhôm để tăng cường phản ứng của hệ thống miễn dịch.
Cụ thể:
+ Tên vắc xin: Vắc xin COVID-19 (Vero Cell) bất hoạt (tên khác là vắc xin SARS-CoV-2 (VeroCell) bất hoạt) của Sinopharm. + Thành phần hoạt chất, nồng độ/ hàm lượng: Mỗi liều (0,5 ml) chứa 6.5 U kháng nguyên + Dạng bào chế: dung dịch tiêm + Quy cách đóng gói: Hộp 1 lọ hoặc 3 lọ; mỗi lọ chứa 1 liều 0,5 ml. Tên cơ sở sản xuất - Nước sản xuất: Beijing Institute of Biological Products Co., Ltd., China National Biotec Group (CNBG)/ Sinopharm - Trung Quốc |
Hình 1: Hình ảnh lọ vắc xin COVID-19 (Vero Cell) bất hoạt của Sinopharm. |
Theo kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy vắc xin COVID-19 (Vero Cell) bất hoạt của Sinopharm có hiệu lực bảo vệ trước tác nhân gây bệnh COVID-19 là 79%.
Bảo quản ở 2º-8ºC và không được để đông băng vắc xin.
Lọ vắc xin chưa mở bảo quản ở 2ºC- 8ºC được phép sử dụng trong vòng 24 tháng kể từ ngày sản xuất.
Lọ vắc xin đã mở chỉ được sử dụng trong vòng 6 giờ kể từ khi mở và được bảo quản ở 2ºC-8ºC. Bảo quản tránh tiếp xúc trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời.
Vắc xin COVID-19 (Vero Cell) bất hoạt của Sinopharm được chỉ định tiêm phòng cho người từ 18 tuổi trở lên.
Lịch tiêm gồm 2 mũi, mũi 2 cách mũi 1 từ 3 - 4 tuần.
*Nếu liều thứ hai bị trì hoãn quá 4 tuần, thì cần được tiêm trong thời gian sớm nhất có thể.
4. Liều lượng, đường tiêm: 0,5ml, tiêm bắp. Lắc lọ vắc xin trước khi sử.
Tiêm chủng vắc xin COVID-19 (Vero Cell) bất hoạt của Sinopharm cho một số nhóm đối tượng đặc biệt:
+ Nhóm người từ 60 tuổi trở lên: Hồ sơ hiệu quả và an toàn của vắc xin có thể không được đầy đủ vì chỉ có một số lượng nhỏ người trên 60 tuổi tham gia trong giai đoạn 3 thử nghiệm lâm sàng. Tuy nhiên, ở các nhóm tuổi lớn, tính sinh kháng thể sau tiêm vắc xin COVID-19 (Vero Cell) bất hoạt của Sinopharm là tương tự như ở người trẻ tuổi, trong khi hiệu giá kháng thể trung hòa là đáng kể mặc dù có thấp hơn ở các nhóm tuổi lớn. Cần cân nhắc việc sử dụng vắc xin này ở những người lớn tuổi và chủ động giám sát phản ứng sau tiêm chủng.
+ Nhóm người mắc bệnh nền: Tiêm chủng được khuyến nghị cho những người mắc loại bệnh nền mà được xác định là có nguy cơ bị nặng nếu bị nhiễm COVID-19.
+ Nhóm người phụ nữ mang thai: Đây là vắc xin bất hoạt với chất bổ trợ thường được sử dụng trong nhiều loại vắc xin khác và hồ sơ an toàn tốt đã được ghi nhận, bao gồm cả ở phụ nữ có thai. Cho đến khi có dữ liệu để đánh giá tính an toàn và khả năng sinh miễn dịch ở phụ nữ có thai, WHO khuyến cáo sử dụng Sinopharm cho phụ nữ có thai khi lợi ích của việc tiêm chủng lớn hơn nguy cơ rủi ro.
+ Nhóm người phụ nữ cho con bú: Vì đây không phải là vắc xin vi rút sống, nên nó không có khả năng gây ra nguy cơ cho trẻ bú mẹ. Hiệu quả của vắc xin được mong đợi là tương tự giữa phụ nữ đang cho con bú và những người trưởng thành khác. WHO không khuyến nghị ngừng cho con bú sau khi tiêm phòng.
+ Nhóm người bị HIV: Có thể tiêm vắc xin nếu đối tượng thuộc nhóm nguy cơ phơi nhiễm hoặc nguy cơ mắc bệnh nặng, cân nhắc đánh giá giữa lợi ích và nguy cơ đối với từng cá nhân. Không cần thiết phải xét nghiệm HIV trước khi tiêm vắc xin.
+ Nhóm người bị suy giảm miễn dịch, người đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch: Có thể tiêm vắc xin nếu họ thuộc nhóm nguy cơ, các thông tin, hồ sơ về suy giảm miễn dịch cần được cung cấp cho nhân viên y tế để tư vấn về lợi ích và rủi ro cũng như theo dõi, đánh giá sau tiêm chủng.
+ Đối với những người đang điều trị nhận kháng thể đơn dòng hoặc đang dùng huyết tương như một phần của điều trị COVID-19: Nên hoãn tiêm chủng ít nhất 90 ngày
+ Nhóm người bị nhiễm SARS-CoV-2 trước đó: có triệu chứng hay không có triệu chứng đều có thể tiêm vắc xin sau 6 tháng khỏi bệnh.
Chống chỉ định:
+ Có tiền sử phản ứng nặng sau lần tiêm chủng vắc xin COVID-19 (Vero Cell) bất hoạt của Sinopharm trước đó sẽ không tiêm liều thứ 2.
+ Quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào có trong thành phần của vắc xin như Hydroxit nhôm
Tiêm chủng đồng thời cùng các vắc xin khác:
+ Chưa có đầy đủ dữ liệu về khả năng sử dụng thay thế cho nhau của vắc xin COVID-19 (Vero Cell) bất hoạt của Sinopharm với vắc xin phòng COVID-19 khác. Khuyến cáo tiêm đủ 2 liều của cùng một loại vắc xin phòng COVID-19.
+ Nên tiêm vắc xin phòng COVID-19 tối thiểu cách 14 ngày với tiêm chủng các vắc xin phòng bệnh khác.
Các biến cố bất lợi ghi nhận được hầu hết là nhẹ đến trung bình và tồn tại trong thời gian ngắn
6.1. Phản ứng tại chỗ tiêm
Rất phổ biến (≥1 / 10):
+ Đau ở chỗ tiêm
Không phổ biến (≥1 / 1000 đến <1/100):
+ Đỏ, sưng, cứng, ngứa
6.2. Phản ứng toàn thân
Rất phổ biến (≥1 / 10):
+ Đau đầu
Phổ biến (≥1 / 100 đến <1/10):
+ Sốt, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp, ho, khó thở, buồn nôn, tiêu chảy
+ Ngứa
Không phổ biến (≥1 /1.000 đến <1/100):
+ Chóng mặt, chán ăn, đau hầu họng, khó nuốt, chảy nước mũi
+ Táo bón, quá mẫn cảm
Hiếm gặp (≥1/10 000 đến <1/1 000):
+ Hôn mê, buồn ngủ, khó ngủ, hắt hơi, viêm mũi họng,
+ Nghẹt mũi, khô họng, cúm, giảm cảm, đau chân tay, đánh trống ngực,
+ Đau bụng, phát ban, niêm mạc da bất thường, mụn trứng cá, bệnh nhãn khoa, tai
+ Khó chịu, nổi hạch
Rất hiếm (<1/10 000):
+ Ớn lạnh, rối loạn chức năng vị giác, mất vị giác, dị cảm, run, rối loạn chú ý,
+ Chảy máu cam, hen suyễn, kích ứng cổ họng, viêm amidan, khó chịu, cổ đau, đau hàm, u cổ, loét miệng, đau răng, rối loạn thực quản,
+ Viêm dạ dày, đổi màu phân, bệnh nhãn khoa, mờ mắt, kích ứng mắt,
+ Đau tai, căng thẳng, tăng huyết áp, hạ huyết áp, tiểu tiện không tự chủ, chậm kinh nguyệt
Không đủ thông tin (không thể ước tính từ dữ liệu có sẵn):
+ Phản ứng phản vệ
PHẦN II: HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG COVID-19
1. Chuẩn bị trước buổi tiêm chủng
1) Lập danh sách đối tượng đến tiêm chủng không quá 100 đối tượng/điểm tiêm chủng/buổi tiêm chủng. Thông báo cho các đối tượng đến tiêm theo khung giờ để đảm bảo không tập trung quá đông trong cùng một thời điểm.
Lưu ý: Nếu đủ nhân lực y tế và diện tích có thể bố trí nhiều bàn tiêm chủng tại 1 điểm tiêm chủng
2) Dự trù vắc xin, BKT, HAT và trang thiết bị sử dụng cho buổi tiêm chủng.
3) Chuẩn bị dụng cụ cần thiết cho buổi tiêm chủng
+ Thiết bị bảo quản vắc xin (tủ lạnh/hòm lạnh/phích vắc xin)
+ Nhiệt kế theo dõi nhiệt độ bảo quản vắc xin.
+ Các dụng cụ khác (bông, panh, khay men, săng chải bàn...)
+ Thùng đựng rác, túi hoặc hộp đựng vỏ lọ vắc xin riêng.
+ Giấy bút, bàn, ghế, biển chỉ dẫn.
+ Nhiệt kế đo thân nhiệt, ống nghe, máy đo huyết áp.
+ Phiếu khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; Phiếu đồng ý tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19; Giấy xác nhận tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
+ Xà phòng, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn.
+ Hộp chống sốc có đầy đủ cơ số thuốc còn hạn sử dụng, dụng cụ cần thiết theo Thông tư 51/2017/TT-BYT ngày 29/12/2017 về Hướng dẫn phòng, chẩn đoán, xử trí phản vệ.
+ Đối với các điểm tiêm chủng tại các cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 nhân viên tiêm chủng cần được trang bị phòng hộ cá nhân.
4) Phân công nhân lực:
+ Đối với điểm tiêm cố định: Nhân lực cần huy động ít nhất 5 cán bộ trực tiếp tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19, tối thiểu phải có ít nhất 3 nhân viên y tế, trong đó có ít nhất 01 nhân viên có trình độ chuyên môn từ y sỹ trở lên. Các nhân viên Y tế phải được tập huấn về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
+ Điểm tiêm lưu động: Có tối thiểu 02 nhân viên y tế, nhân viên thực hiện khám sàng lọc, tư vấn, theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm chủng có trình độ chuyên môn từ y sỹ trở lên; Các nhân viên Y tế phải được tập huấn về tiêm chủng vắc xin COVID-19.
+ Tại mỗi điểm tiêm chủng phải có bảng phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, nhân viên trực tiếp tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19 bao gồm:
Nhân viên y tế hỗ trợ đón tiếp, đo thân nhiệt, khai báo y tế, hướng dẫn và sắp xếp đối tượng tại điểm tiêm.
Nhân viên y tế đảm nhiệm khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và xử lý tai biến nặng sau tiêm chủng (nếu có).
Nhân viên y tế tiêm chủng vắc xin.
Nhân viên y tế theo dõi đối tượng sau tiêm chủng 30 phút.
Nhân viên y tế ghi chép danh sách đối tượng, phát giấy xác nhận đã tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, nhập liệu, báo cáo kết quả tiêm chủng, phản ứng sau tiêm hàng ngày.
+ Tại điểm tiêm chủng phải có số điện thoại người/đội cấp cứu lưu động/ cơ sở điều trị hỗ trợ cấp cứu, xử trí các trường hợp tai biến nặng.
5) Bố trí điểm tiêm chủng:
+ Bố trí điểm tiêm chủng theo quy tắc 1 chiều, đảm bảo giãn cách giữa các bàn/vị trí tiêm chủng.
+ Bố trí đủ diện tích ở khu vực chờ trước tiêm chủng và khu vực ở lại theo dõi sau tiêm chủng để đảm bảo giãn cách giữa các đối tượng.
+ Có sơ đồ hướng dẫn để người đến tiêm chủng dễ dàng thực hiện.
Đón tiếp, hướng dẫn khai báo y tế →Khu vực chờ trước tiêm chủng →Bàn khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng → Bàn tiêm chủng, ghi chép, vào sổ tiêm chủng →Khu vực ở lại theo dõi sau tiêm chủng.
+ Có tài liệu hướng dẫn chuyên môn về Hướng dẫn thực hành tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, các tài liệu truyền thông cho người dân.
6) Sắp xếp bàn tiêm chủng
+ Sắp xếp các dụng cụ trong tầm tay và thuận tiện cho cán bộ y tế khi thao tác.
+ Trên bàn tiêm chủng gồm có các thiết bị cần thiết: Phích bảo quản vắc xin, bơm kim tiêm, khay đựng panh, panh, lọ đựng bông khô và lọ đựng bông có cồn, hộp chống sốc.....
+ Hộp an toàn, túi hoặc hộp đựng vỏ lọ vắc xin đặt phía dưới bàn.
+ Thùng rác đặt phía dưới bàn.
Hình 2. Hình ảnh bàn tiêm chủng
● Trước khi thực hiện buổi tiêm chủng, các cơ sở tổ chức tiêm chủng thực hiện rà soát, đánh giá công tác chuẩn bị, sẵn sàng đáp ứng xử trí cấp cứu các sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 sử dụng Bảng kiểm an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 (Phụ lục 9)
+ Yêu cầu đối tượng tiêm chủng, người nhà khi đến tiêm chủng đều phải đeo khẩu trang.
+ Hướng dẫn, kiểm tra đối tượng đến tiêm chủng và người đi cùng thực hiện khai báo y tế.
+ Thực hiện đo nhiệt độ, sàng lọc các trường hợp nghi ngờ có bệnh đường hô hấp và có các yếu tố dịch tễ.
3. Khám sàng lọc trước tiêm chủng
Khám sàng lọc trước tiêm chủng cho mỗi đối tượng đến tiêm chủng để đảm bảo chỉ định đúng đối tượng và an toàn tiêm chủng.
Nhân viên y tế thực hiện khám sàng lọc phải có trình độ từ Y sĩ trở lên và đã được tập huấn chuyên môn về triển khai vắc xin phòng COVID-19.
Chuẩn bị trang thiết bị bao gồm nhiệt kế, ống nghe, máy đo huyết áp, máy đo SpO2 (nếu có), phiếu sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 (Phụ lục 3).
Các bước thực hiện khám sàng lọc trước tiêm chủng và điền vào phiếu.
Sử dụng phiếu khám sàng lọc cho mỗi đối tượng/mỗi lần tiêm chủng .
Bước 1: Xác định tên, tuổi địa chỉ đối tượng tiêm chủng trong danh sách đối tượng.
Bước 2: Hỏi tiền sử và các thông tin có liên quan
1) Hỏi tình hình sức khoẻ hiện tại. Có sốt, hay đang mắc các bệnh cấp tính, bệnh mãn tính đang tiến triển, các dấu hiệu gợi ý COVID-19?.
2) Tiền sử tiêm vắc xin phòng COVID-19: loại vắc xin đã tiêm, thời gian tiêm.
3) Tiền sử dị ứng: có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào? Có tiền sử dị ứng nặng/phản vệ với bất kỳ căn nguyên nào. Tiền sử dị ứng với vắc xin của liều tiêm trước hoặc bất cứ thành phần nào của vắc xin
4) Hỏi về tiền sử tiêm chủng vắc xin khác gần đây trong vòng 14 ngày?
5) Hỏi tiền sử mắc COVID trong vòng 6 tháng qua? Nếu người đã mắc COVID-19 hỏi tiền sử được điều trị bằng huyết tương của người đã điều trị khỏi COVID-19?
6) Hỏi tiền sử suy giảm miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, đang dùng thuốc corticoid, ức chế miễn dịch, xạ trị.
7) Tiền sử rối loạn đông máu/cầm máu hoặc đang dùng thuốc chống đông.
8) Đang mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.
Bước 3: Đánh giá tình trạng sức khỏe hiện tại
+ Đo thân nhiệt, huyết áp, đếm mạch cho tất cả các đối tượng đến tiêm.
+ Đếm nhịp thở và đo SpO2 ở những người có bệnh nền hô hấp và khám thực thể từng trường hợp cho phù hợp.
+ Quan sát toàn trạng: đánh giá tri giác bằng hỏi. Lưu ý những người có bệnh nền, nằm liệt giường, mất năng lực hành vi. Ghi nhận bất kỳ biểu hiện bất thường nào quan sát thấy ở người đến tiêm chủng để hỏi lại về tiền sử.
Bước 4: Kết luận
1) Chỉ định tiêm vắc xin: Khi đủ điều kiện sức khỏe, không có điểm bất thường cần hoãn tiêm hoặc chống chỉ định
+ Mũi 1: Tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên.
+ Mũi 2: tiêm từ 3 - 4 tuần sau mũi 1.
2) Chống chỉ định tiêm chủng với các trường hợp:
+ Có tiền sử phản ứng nặng phản vệ độ 2 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào
+ Chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất:
Có tiền sử phản ứng nặng sau lần tiêm chủng vắc xin COVID-19 (Vero Cell) bất hoạt của Sinopharm trước đó sẽ không tiêm liều thứ 2.
Quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào có trong thành phần của vắc xin như Hydroxit nhôm
3) Tạm hoãn tiêm chủng
+ Đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng. Trong vòng 90 ngày trước có điều trị immunoglobulin hoặc điều trị huyết tương của người bệnh COVID-19.
+ Tiền sử tiêm vắc xin khác trong vòng 14 ngày trước.
+ Những người bị suy giảm miễn dịch, ung thư giai đoạn cuối, cắt lách, xơ gan mất bù. Trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao (tương đương prednisolon ≥ 2 mg/kg/ngày trong ≥ 7 ngày), hoặc điều trị hóa trị, xạ trị.
+ Đang mắc các bệnh cấp tính
+ Các bệnh mãn tính tiến triển.
+ Phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.
4) Các đối tượng cần thận trọng, phải khám sàng lọc kỹ và tiêm chủng trong bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu:
+ Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác.
+ Người có độ tuổi ≥65 tuổi.
+ Người có bệnh nền, mãn tính được điều trị ổn định.
+ Người có tiền sử rối loạn đông máu/cầm máu hoặc đang dùng thuốc chống đông.
+ Người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống:
● Mạch: < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút
● Huyết áp: Huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg
● Huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg
● Nhịp thở > 25 lần/phút và/hoặc SpO2 < 94% (nếu có)
+ Có dấu hiệu bất thường khi nghe tim phổi
+ Người mất tri giác, mất năng lực hành vi.
- Nhân viên y tế thực hiện tư vấn cho đối tượng tiêm chủng đọc thông tin và ký Phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 (Phụ lục 2).
- Các nội dung cần tư vấn:
+ Thông báo về loại vắc xin phòng COVID-19 được tiêm chủng lần này.
+ Thông báo về những phản ứng có thể xảy ra sau tiêm vắc xin.
+ Hướng dẫn người được tiêm chủng theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng và tự theo dõi sau tiêm chủng trong vòng 28 ngày, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu.
+ Dặn đối tượng tiêm chủng đến ngay bệnh viện/cơ sở y tế khi thấy một trong các dấu hiệu sau:
Ở miệng thấy có cảm giác tê quanh môi hoặc lưỡi;
Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da;
Ở họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó;
Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật;
Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;
Đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy;
Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái;
Toàn thân:
Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường.
Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn.
Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt.
Lưu ý:
Luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 3 ngày đầu sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
Không nên uống rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 03 ngày đầu sau tiêm chủng.
Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ.
Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm: Tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.
Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu có:
Sốt dưới 38,5 độC: Cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút.
Sốt từ 38,5 độ C trở lên: Sử dụ ng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế. Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.
- Hướng dẫn các đối tượng tiêm chủng sau khi tiêm vắc xin vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 (Thông điệp 5K).
- Nhắc đối tượng tiêm chủng giữ phiếu xác nhận đã tiêm chủng, tải phần mềm Sổ sức khỏe điện tử và đăng ký tài khoản trên ứng dụng để theo dõi lịch sử tiêm chủng vắc xin COVID-19 và chủ động khai báo về sự cố bất lợi sau tiêm chủng.
Bảo quản vắc xin trong buổi tiêm chủng: Vắc xin phải được bảo quản trong dây chuyền lạnh (tủ lạnh/hòm lạnh/phích vắc xin) ở nhiệt độ từ +2 độ C đến +8 độ C. Không được để đông băng vắc xin. Tại bàn tiêm chủng bảo quản vắc xin trong phích vắc xin. Lọ vắc xin đã mở chỉ sử dụng trong vòng 6 giờ.
Kiểm tra vắc xin
1) Kiểm tra nhãn lọ vắc xin. Nếu không có nhãn phải hủy bỏ
2) Kiểm tra hạn sử dụng lọ vắc xin. Nếu quá hạn sử dụng phải hủy bỏ
3) Kiểm tra lọ vắc xin, hủy vắc xin nếu có thay đổi về màu sắc hoặc bất kỳ sự thay đổi bất thường nào khác.
4) Sử dụng 1 bơm kim tiêm vô trùng lấy đúng liều 0,5ml.
Lưu ý:
+ Lắc lọ vắc xin trước khi sử dụng.
+ Lọ vắc xin đóng 1 liều. Tiêm đúng liều 0,5ml.
Tiêm vắc xin: tiêm bắp, liều lượng 0,5ml
1) Đề nghị người được tiêm ngồi xuống. Lưu ý cán bộ y tế ngồi tránh trực diện với đối tượng tiêm chủng để phòng lây nhiễm SARS-CoV-2. 2) Để lộ vùng vai và đặt cánh tay ra sau lưng hoặc chống tay vào hông. Cơ ở cánh tay sẽ được thả lỏng và khi tiêm sẽ đỡ đau hơn. 3) Cán bộ y tế đặt các ngón tay và ngón cái ở phần ngoài phía trên cánh tay của đối tượng tiêm chủng, bóp nhẹ vào cơ cánh tay của người được tiêm. |
|
4) Đâm nhanh và thẳng kim xuyên qua da giữa các ngón tay làm cữ của bạn. Đâm sâu vào bắp thẳng góc 90 độ.
5) Ấn pít tông bằng ngón cái đẩy vắc xin vào.
6) Rút kim nhanh, nếu nơi tiêm bị chảy máu sử dụng bông khô vô khuẩn ấn vào chỗ tiêm.
Ghi chép thông tin sau khi tiêm vắc xin:
+ Ghi các thông tin (số liều, ngày tiêm) vào danh sách/phần mềm quản lý đối tượng được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tích hợp trên Hệ thống thông tin tiêm chủng Quốc gia hoặc Ứng dụng Hồ sơ sức khỏe điện tử.
+ Ghi đầy đủ các thông tin ngày tiêm, loại vắc xin vào Giấy xác nhận đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 (Phụ lục 4) trả lại cho đối tượng tiêm chủng và hẹn lần tiêm chủng sau.
+ Bảo quản những lọ vắc xin chưa mở trong hộp riêng trong dây chuyền lạnh ở nhiệt độ từ +2 độ C đến +8 độ C, ưu tiên sử dụng trước trong buổi tiêm chủng sau.
+ Những bơm kim tiêm chưa sử dụng bảo quản theo qui định để dùng lần sau.
+ Các lọ vắc xin đã mở không được sử dụng nữa và để trong túi/hộp đựng rác riêng.
+ Bỏ bơm tiêm và kim tiêm vào hộp an toàn ngay sau khi tiêm, hủy hộp an toàn sau khi đầy.
+ Quản lý chất thải y tế trong tiêm phòng vắc xin phòng COVID-19 theo qui định tại Văn bản số 102/MT-YT ngày 04/3/2021 của Cục Quản lý Môi trường Y tế.
7. Giám sát phản ứng sau tiêm chủng
Theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm chủng tại điểm tiêm chủng.
+ Tại các điểm tiêm chủng cần phân công nhân viên y tế chịu trách nhiệm theo dõi, xử trí các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng sẵn sàng các phương tiện cấp cứu tại chỗ, hộp thuốc phòng chống sốc.
+ Chuẩn bị sẵn 01 Bơm tiêm có chứa dung dịch Adrenalin 1mg/1ml (rút sẵn 1ml thuốc Adrenalin 1mg/1ml vào bơm tiêm gắn sẵn kim, đậy kín kim tiêm bằng nắp). Kết thúc buổi tiêm chủng nếu không sử dụng đến cần phải hủy bỏ bơm tiêm có chứa dung dịch Adrenalin 1mg/1ml
+ Có sẵn phương án phân công cụ thể người hỗ trợ cấp cứu, đội cấp cứu lưu động, phương tiện vận chuyển bệnh nhân khi cần thiết.
+ Yêu cầu đối tượng tiêm chủng ở lại theo dõi 30 phút để phát hiện sớm các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng. Lưu ý các dấu hiệu khó chịu, buồn nôn, phát ban, sưng tại chỗ tiêm có thể là các biểu hiện của phản ứng dị ứng.
+ Khi đang triển khai tiêm chủng mà xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng, thì cần:
Tạm dừng buổi tiêm chủng.
Xử trí cấp cứu, trường hợp vượt quá khả năng thì phải chuyển người bị tai biến nặng sau tiêm chủng đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất.
Thống kê đầy đủ thông tin liên quan đến trường hợp tai biến nặng và báo cáo theo quy định.
Ghi nhận, báo cáo phản ứng sau tiêm chủng
+ Ghi nhận phản ứng sau tiêm chủng thông qua thông tin phản hồi từ đối tượng tiêm chủng hoặc khi đối tượng đến cơ sở tiêm chủng, khám chữa bệnh.
+ Tổng hợp thực hiện báo cáo hàng ngày về số trường hợp phản ứng sau tiêm chủng bao gồm phản ứng thông thường và các trường hợp tai biến nặng.
+ Các trường hợp tai biến nặng sẽ được báo cáo và điều tra ngay trong vòng 24 giờ.
+ Thực hiện báo cáo “0” ngay cả không ghi nhận phản ứng sau tiêm chủng.
Trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều loại vắc xin phòng COVID-19 được đưa vào triển khai tại Việt Nam, do vậy các địa phương cần quản lý hiệu quả việc triển khai theo từng đợt (Quyết định phân bổ vắc xin của Bộ Y tế) và theo từng loại vắc xin COVID-19. Để công khai minh bạch thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19, các đơn vị, địa phương sử dụng Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 để triển khai chiến dịch. Thông qua việc sử dụng Hệ thống quản lý Thông tin tiêm chủng Quốc gia (https://tiemchung.vncdc.gov.vn) hoặc Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử (https://hssk.kcb.vn), các đơn vị triển khai thực hiện như sau:
8.1. Quản lý đối tượng tiêm chủng COVID-19
+ Nhập trực tiếp từng đối tượng tiêm chủng COVID-19 trên Hệ thống
+ Tải danh sách các đối tượng gồm có thông tin cá nhân, lịch sử tiêm chủng vắc xin COVID-19 lên Hệ thống thông qua tính năng Import trong mục quản lý đối tượng.
+ Lập kế hoạch tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho những đối tượng đã được quản lý trên Hệ thống
+ Thực hiện quy trình tiêm chủng 4 bước trên Hệ thống gồm: Đón tiếp → Khám sàng lọc → Tiêm chủng → Theo dõi sau tiêm.
+ Quản lý vắc xin, vật tư tiêm chủng vắc xin COVID-19 trên Hệ thống
8.2. Báo cáo tiêm chủng COVID-19
Việc thực hiện báo cáo kết quả triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 được triển khai từ khi đơn vị bắt đầu tiêm cho đến khi kết thúc đợt tiêm chủng, gồm các báo cáo sau:
+ Báo cáo hàng ngày:
▪ Tổng hợp báo cáo hàng ngày kết quả triển khai tiêm chủng (phụ lục 6)
▪ Tổng hợp danh sách trường hợp tai biến nặng sau tiêm (phụ lục 7);
+ Báo cáo kết thúc đợt tiêm: được thực hiện trong vòng 5 ngày sau khi kết thúc triển khai (phụ lục 8).
Các đơn vị thực hiện báo cáo tiêm chủng COVID-19 như sau:
+ Với các đơn vị triển khai tiêm chủng: Sử dụng tính năng Báo cáo tiêm chủng COVID để báo cáo Kết quả tiêm chủng hàng ngày và Danh sách các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng. Thực hiện báo cáo theo từng đơn vị, từng đợt triển khai (theo Quyết định của Bộ Y tế) và từng loại vắc xin triển khai.
+ Với các đơn vị không thực hiện tiêm chủng: Quản lý đối tượng tiêm (danh sách tại phụ lục 1) và Báo cáo kết thúc đợt tiêm chủng trong vòng 5 ngày sau ngày tiêm cuối (phụ lục 8).
Lưu ý với các đơn vị:
+ Lựa chọn vào báo cáo đúng đợt triển khai tại đơn vị, tương ứng với Quyết định phân bổ vắc xin của Bộ Y tế đã ban hành.
+ Thực hiện đúng thời gian quy định việc nhập báo cáo hàng ngày trên Hệ thống:
▪ Đối với đơn vị triển khai tiêm chủng (Tuyến xã, bệnh viện, cơ sở triển khai tiêm chủng...): Thực hiện rà soát và báo cáo trước 17 giờ 00.
▪ Đối với tuyến quận/huyện (Trung tâm Y tế quận/huyện): Rà soát báo cáo
của tuyến dưới, thực hiện gửi báo cáo trước 17 giờ 30.
▪ Đối với tuyến tỉnh/thành phố (CDC tỉnh/TP): Rà soát báo cáo của tuyến dưới, thực hiện gửi báo cáo trước 18 giờ 00.
▪ Văn phòng TCMR Khu vực (Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur): Rà soát báo cáo của các tuyến, thực hiện báo cáo trước 18 giờ 30.
+ Các đơn vị thực hiện báo cáo Tổng hợp kết quả tiêm vắc xin phòng COVID-19 sau khi kết thúc đợt tiêm chủng trong vòng 5 ngày cho Văn phòng TCMR Quốc gia và Khu vực (Phụ lục 8).
PHỤ LỤC
STT |
Nội dung |
Phụ lục 1 |
Danh sách đối tượng tiêm vắc xin phòng COVID-19 |
Phụ lục 2 |
Phiếu đồng ý tham gia tiêm chủng vắc xin COVID-19 |
Phụ lục 3 |
Phiếu sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 |
Phụ lục 4 |
Giấy xác nhận đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 |
Phụ lục 5 |
Báo cáo hàng ngày kết quả triển khai kế hoạch tiêm chủng vắc xin COVID-19 |
Phụ lục 6 |
Báo cáo tổng hợp hàng ngày của tuyến tỉnh |
Phụ lục 7 |
Báo cáo tổng hợp biến cố bất lợi của tuyến tỉnh |
Phụ lục 8 |
Báo cáo kết thúc chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 |
Phụ lục 9 |
Bảng kiểm an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.