BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1196/TCT-PC |
Hà Nội, ngày 06 tháng 4 năm 2023 |
Kính gửi: Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa.
Tổng cục Thuế nhận được Công văn số 8413/CT-TTKT1 ngày 21/11/2022 của Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa vướng mắc về việc xử lý tiền chậm nộp tiền thuế giá trị gia tăng tăng thu theo kiến nghị của Kiểm toán nhà nước. Về vấn đề này, Tổng cục Thuế có ý kiến như sau:
- Khoản 1 Điều 106 và Khoản 2, Khoản 3 Điều 110 Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006 quy định:
“Điều 106. Xử phạt đối với hành vi chậm nộp tiền thuế
1. Người nộp thuế có hành vi chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và bị xử phạt 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp”.
“Điều 110. Thời hiệu xử phạt vi phạm pháp luật về thuế
2. Đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi chậm nộp tiền thuế, khai thiếu nghĩa vụ thuế, thời hiệu xử phạt là năm năm, kể từ ngày hành vi vi phạm được thực hiện.
3. Quá thời hiệu xử phạt vi phạm pháp luật về thuế thì người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận vào ngân sách nhà nước.
- Khoản 32, Khoản 35 Điều 1 và Khoản 1 Điều 2 Luật số 21/2012/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2013) quy định:
“32. Điều 106 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 106. Xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế
1. Người nộp thuế chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định, thời hạn gia hạn nộp thuế, thời hạn ghi trong thông báo của cơ quan quản lý thuế, thời hạn trong quyết định xử lý của cơ quan quản lý thuế thì phải nộp đủ tiền thuế và tiền chậm nộp theo mức lũy tiến 0,05%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với so ngày chậm nộp không quá chín mươi ngày; 0,07%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp đối với số ngày chậm nộp vượt quá thời hạn chín mươi ngày...”.
35. Điều 110 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“Điều 110. Thời hiệu xử phạt vi phạm pháp luật về thuế
2. Đối với hành vi trốn thuế, gian lận thuế chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự, hành vi khai thiếu số thuế phải nộp hoặc tăng số thuế được hoàn, thời hiệu xử phạt là năm năm, kể từ ngày thực hiện hành vi vi phạm.
3. Quá thời hiệu xử phạt vi phạm pháp luật về thuế thì người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trong thời hạn mười năm trở về trước; kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm. Trường hợp người nộp thuế không đăng ký thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế gian lận, tiền chậm nộp cho toàn bộ thời gian trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.”.
“Điều 2.
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.”.
- Khoản 2 Điều 59, Khoản 3 Điều 137 Luật Quản lý thuế năm 2019 quy định:
“Điều 59. Xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế
2. Mức tính tiền chậm nộp và thời gian tính tiền chậm nộp được quy định như sau:
a) Mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp;
b) Thời gian tính tiền chậm nộp được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp quy định tại khoản 1 Điều này đến ngày liền kề trước ngày số tiền nợ thuế, tiền thu hồi hoàn thuế, tiền thuế tăng thêm, tiền thuế ấn định, tiền thuế chậm chuyển đã nộp vào ngân sách nhà nước.”
“Điều 137. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế
3. Quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế thì người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu không đúng, tiền chậm nộp vào ngân sách nhà nước trong thời hạn 10 năm trở về trước kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm. Trường hợp người nộp thuế không đăng ký thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp cho toàn bộ thời gian trở về trước kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm”.
- Điểm a Khoản 6 Điều 8 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn quy định:
“Điều 8. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn; thời hạn được coi là chưa bị xử phạt; thời hạn truy thu thuế
6. Thời hạn truy thu thuế
a) Quá thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về thuế thì người nộp thuế không bị xử phạt nhưng vẫn phải nộp đủ tiền thuế truy thu (số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn cao hơn quy định, tiền chậm nộp tiền thuế) vào ngân sách nhà nước trong thời hạn mười năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm, Trường hợp người nộp thuế không đăng ký thuế thì phải nộp đủ số tiền thuế thiếu, số tiền thuế trốn, tiền chậm nộp tiền thuế cho toàn bộ thời gian trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.”
Căn cứ các quy định pháp luật trên, trường hợp người nộp thuế có hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế và phát sinh số tiền thuế thiếu, số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu không đúng (gọi tắt là số tiền thuế thiếu) giai đoạn từ năm 2006 đến năm 2012, nếu quá thời hạn 10 năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm thì người nộp thuế không bị tính tiền chậm nộp đối với số tiền thuế thiếu quá thời hạn 10 năm đó. Trường hợp người nộp thuế có hành vi vi phạm hành chính về quản lý thuế và phát sinh số tiền thuế thiếu trong thời hạn 10 năm trở về trước, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm thì ngoài việc phải nộp đủ số tiền thuế thiếu vào ngân sách nhà nước, người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp kể từ ngày 01/7/2013 tính trên số tiền thuế thiếu theo các mức tương ứng với pháp luật của từng thời kỳ.
Tổng cục Thuế trả lời để Cục thuế được biết./.
|
TL. TỔNG CỤC TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.