BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11185/BGTVT-ĐTCT |
Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 2021 |
Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) trân trọng cám ơn sự hợp tác, hỗ trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đối với ngành Giao thông vận tải trong thời gian qua, đặc biệt trong quá trình Bộ GTVT triển khai thực hiện các dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Thực hiện các Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg ngày 27/3/2017 và số 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các trạm thu phí đường bộ trên toàn quốc, Bộ GTVT chia Dự án thu phí điện tử không dừng (Dự án) thành 02 giai đoạn phù hợp với lộ trình và điều kiện thực hiện. Nhận được sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự phối hợp, hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương, đến thời điểm này tất cả các trạm thu phí đủ điều kiện đã được đầu tư, vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng1 đáp ứng tiến độ yêu cầu, góp phần hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông, bước đầu đã tạo được sự thuận tiện và niềm tin cho người tham gia giao thông.
Dự án thu phí điện tử không dừng theo hình thức Hợp đồng BOO là dự án phức tạp về công nghệ; hình thức hợp đồng BOO phức tạp, liên quan đến nhiều chủ thể (Cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức ngân hàng, các Nhà đầu tư BOT, Nhà cung cấp dịch vụ, chủ phương tiện giao thông…); quá trình triển khai Dự án diễn ra trong thời điểm giao thời, có nhiều thay đổi về quy định pháp luật điều chỉnh hình thức đầu tư PPP từ Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015, Nghị định số 63/NĐ-CP ngày 04/5/2018 và gần đây nhất là Luật Đối tác công tư số 64/2020/QH14 ngày 18/6/2020. Do vậy, tại Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg , Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT “rà soát Báo cáo nghiên cứu khả thi, hợp đồng dự án thu phí điện tử không dừng (bao gồm cả nội dung và hình thức hợp đồng) để quyết định điều chỉnh đảm bảo phù hợp với nội dung Quyết định này”.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua Bộ GTVT đã tập trung rà soát toàn bộ quá trình triển khai thực hiện dự án từ khâu chuẩn bị, thực hiện đến quản lý, vận hành Dự án. Trong quá trình rà soát, hậu kiểm, Bộ GTVT nhận thấy quy định về quyền sở hữu tài sản sau khi hết thời hạn hợp đồng BOO quy định trong các Hợp đồng Dự án thu phí điện tử không dừng và quy định pháp luật còn có nhiều cách hiểu khác nhau, cụ thể:
- Các quy định pháp luật về PPP liên quan đến quyền sở hữu tài sản:
+ Tại Điều 3, Nghị định số 15/2015/NĐ-CP quy định “Hợp đồng BOO là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư sở hữu và được quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định”.
+ Tại Điều 3, Nghị định số 63/2018/NĐ-CP quy định “Hợp đồng BOO là hợp đồng được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án để xây dựng công trình hạ tầng; sau khi hoàn thành công trình, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án sở hữu và được quyền kinh doanh công trình trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư”.
+ Tại Điều 45, Luật PPP quy định “Hợp đồng BOO là hợp đồng mà nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP được nhượng quyền để xây dựng, sở hữu, kinh doanh, vận hành công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng trong thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP chấm dứt hợp đồng”.
- Về quy định trong Hợp đồng Dự án thu phí điện tử không dừng:
Trong quá trình triển khai thực hiện, trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT (văn bản số 3494/BGTVT-ĐTCT ngày 24/3/2015), ý kiến của các bộ, ngành (Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 1958/BKHĐT-KCHTĐT ngày 7/4/2015; Bộ Tài chính tại văn bản số 4997/BTC-ĐT ngày 16/4/2015; Bộ Công an tại văn bản số 710/BCA-CSGT ngày 17/4/2015), Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thu phí điện tử không dừng theo hình thức Hợp đồng BOO tại văn bản số 675/TTg-KTN ngày 14/5/2015.
Dự án thu phí không dừng giai đoạn 1 tổ chức đàm phán và ký Hợp đồng năm 2016 (Hợp đồng số 09/HĐ.BOO-BGTVT ngày 13/7/2016) thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 15/2015/NĐ-CP. Trong quá trình đàm phán Hợp đồng, giữa CQNNCTQ (Bộ GTVT) và Nhà đầu tư/DNDA chưa có sự thống nhất về quyền sở hữu tài sản của Dự án sau khi hết hạn hợp đồng. Phía Bộ GTVT hiểu theo hướng Nhà đầu tư/DNDA chỉ được quyền sở hữu, vận hành, kinh doanh công trình dự án trong thời gian nhất định sau đó phải bàn giao tài sản cho CQNNCTQ; phía Nhà đầu tư/DNDA hiểu theo hướng tài sản sau khi hết thời gian hạn hợp đồng thuộc quyền sở hữu của Nhà đầu tư/DNDA. Việc chưa thống nhất nêu trên dẫn đến trong Hợp đồng chỉ quy định “Quyền sở hữu và chuyển giao hệ thống thu phí điện tử không dừng được thực hiện theo quy định tại Nghị định 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư và pháp luật liên quan”.
Đến thời điểm này sau khi Luật PPP có hiệu lực, Bộ GTVT và Nhà đầu tư/DNDA đã có trao đổi, đàm phán cụ thể về nội dung này, tuy nhiên vẫn chưa đi đến thống nhất do quy định Luật PPP chưa quy định sau khi chấm dứt Hợp đồng thì tài sản dự án thuộc quyền sở hữu của Nhà nước hay Nhà đầu tư/DNDA.
Để đảm bảo tránh tranh chấp pháp lý, tuân thủ quy định pháp luật, Bộ Giao thông vận tải trân trọng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có ý kiến hướng dẫn về quy định quyền sở hữu tài sản đối với các Dự án thu phí điện tử không dừng theo hình thức hợp đồng BOO. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải sẽ đàm phán cụ thể với Nhà đầu tư/DNDA để tổ chức thực hiện.
Bộ Giao thông vận tải trân trọng cảm ơn và rất mong nhận được sự quan tâm, phối hợp của Quý Bộ./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
1 Có 111 trạm thu phí trên toàn quốc đưa vào vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng, trong đó Bộ GTVT quản lý 79 trạm, địa phương quản lý 32 trạm
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.