BỘ THÔNG TIN VÀ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1074/BTTTT-VP |
Hà Nội, ngày 25 tháng 03 năm 2024 |
Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng
Bộ Thông tin và Truyền thông nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 48/BDN ngày 24/01/2024 về việc chuyển kiến nghị của cử tri gửi tới Quốc hội sau Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, sau khi nghiên cứu, Bộ Thông tin và truyền thông (TTTT) có ý kiến như sau:
Câu 1: Cử tri kiến nghị nghiên cứu tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Luật Bưu chính năm 2010, theo hướng bổ sung các quy định về: bảo vệ dữ liệu và quyền lợi người dùng; thương mại điện tử trong lĩnh vực bưu chính: phát triển hệ thống giao thông bưu điện; trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ bưu chính điện tử; khuyến khích cạnh tranh và đổi mới; cập nhật các quy định về bưu chính quốc tế; công nghệ mới; cơ chế để thúc đẩy sự hợp tác công tư.
Ngày 05/01/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó đã giao Bộ TTTT chủ trì lập đề nghị xây dựng Luật Bưu chính (sửa đổi), trình Chính phủ vào tháng 12/2024.
Hiện nay, Bộ TTTT đang nghiên cứu triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao. Ngày 20/3/2024, Bộ TTTT đã tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Luật Bưu chính với 30 doanh nghiệp bưu chính lớn.
Trong các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung bao gồm cả nội dung về bảo đảm an toàn dữ liệu, quyền lợi của người sử dụng dịch vụ bưu chính, về chuyển phát hàng hóa cho thương mại điện tử, về doanh nghiệp bưu chính công nghệ, về bảo đảm cạnh tranh trong cung ứng, sử dụng dịch vụ bưu chính và các nội dung khác...
Câu 2: Cử tri kiến nghị Bộ TTTT tham mưu sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí, Luật Xuất bản cho phù hợp với công tác quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản trong tình hình thực tế.
1. Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí
Tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và Quyết định số 48/QĐ-TTg ngày 03/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, trong đó giao Bộ TTTT lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Báo chí năm 2016.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ TTTT đã tiến hành tổng kết việc thi hành Luật Báo chí, xây dựng dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi).
Mục tiêu của việc lập đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi): Thể chế hoá chủ trương, đường lối của Đảng về báo chí, đặc biệt là định hướng của Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” và quy định của Hiến pháp năm 2013; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, luật hoá những vấn đề đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm; rà soát, xác định rõ những nội dung, phạm vi vấn đề cần sửa đổi, bổ sung để khắc phục những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Quan điểm xây dựng lập đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi): Việc sửa đổi, bổ sung chính sách phải nhằm đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với báo chí; phát huy tối đa những mặt tích cực, khắc phục tối đa những thiếu sót, khuyết điểm trong hoạt động báo chí; phát triển báo chí đi đôi với quản lý tốt báo chí. Đảm bảo quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; cơ chế thực thi bảo đảm không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Bảo đảm tính khả thi của các quy định, tạo điều kiện để báo chí phát triển phù hợp với xu hướng phát triển trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác phân cấp, phân quyền trong công tác quản lý báo chí.
Hiện nay, Bộ TTTT đang giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, hoàn thiện các chính sách trong hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi), dự kiến trình Chính phủ trong thời gian tới.
2. Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản
Bộ TTTT nhất trí với ý kiến của cử tri thành phố Hải Phòng là tham mưu đề xuất xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản để phù hợp với công tác quản lý nhà nước về xuất bản trong tình hình thực tế.
- Ngày 30/9/2023, Bộ TTTT đã có báo cáo số 115/BC-BTTTT gửi Chính phủ về kết quả, nghiên cứu rà soát Luật Xuất bản năm 2012 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản.
- Ngày 05/01/2024, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó đã giao Bộ TTTT chủ trì lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản, trình Chính phủ vào tháng 12/2024.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, hiện nay Bộ TTTT đã xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trên và sẽ hoàn thành hồ sơ lập đề nghị trong tháng 12/2024 và tham mưu Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản trong giai đoạn 2024 - 2025.
Trên đây là nội dung trả lời của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với kiến nghị của cử tri thành phố Hải Phòng, trân trọng gửi tới Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng để trả lời cử tri./.
|
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.