ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/SXD-QLNGĐXD |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 02 tháng 01 năm 2020 |
Kính gửi: Bộ Xây dựng
Thực hiện Nghị định số 100/2018/NĐ-CP ngày 16/7/2018 của Chính phủ về Sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng và Thông tư số 08/2018/TT-BXD ngày 05/10/2018 của Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam. Trong quá trình triển khai cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có một vướng mắc như sau:
1. Chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng (tổ chức)
a) Theo Điểm b Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 08/2018/TT-BXD , quy định điều kiện cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng lĩnh vực lập Quy hoạch xây dựng là phải có: “Cá nhân đảm nhận chức danh chủ nhiệm thiết kế quy hoạch xây dựng, chủ trì thiết kế, các bộ môn kiến trúc - quy hoạch, kinh tế đô thị, hạ tầng kỹ thuật phải có chứng chỉ hành nghề thiết kế quy hoạch xây dựng phù hợp với hạng đề nghị cấp chứng chỉ của tổ chức” nhưng hiện nay, chưa có quy định về việc cấp chứng chỉ hành nghề Kinh tế đô thị cho cá nhân nên gây khó khăn trong việc cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng cho tổ chức.
b) Theo Khoản 20 Điều 1 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP , quy định: “Chứng chỉ năng lực có hiệu lực tối đa 10 năm”. Tuy nhiên, Nghị định chưa có quy định cụ thể về thời hạn của chứng chỉ đối với trường hợp cấp bổ sung, điều chỉnh nội dung hoạt động (ghi theo thời hạn của chứng chỉ cũ hay thời hạn như cấp mới).
c) Theo Khoản 20 Điều 1 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP , quy định tổ chức phải có đủ điều kiện năng lực khi tham gia “Thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng công trình ...”. Theo Khoản 23 Điều 1 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP phạm vi hoạt động của tổ chức được cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng lĩnh vực thiết kế xây dựng công trình là “được thiết kế, thẩm tra thiết kế xây dựng công trình”. Tuy nhiên, Nghị định số 100/2018/NĐ-CP và Thông tư số 08/2018/TT-BXD ngày 05 tháng 10 năm 2018 không quy định điều kiện cụ thể để được cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng lĩnh vực thẩm tra thiết kế. Do đó, trong trường hợp tổ chức chỉ đề nghị cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng lĩnh vực thẩm tra thiết kế mà không đề nghị cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng lĩnh vực thiết kế thì có xem xét cấp năng lực hoạt động lĩnh vực thẩm tra thiết kế cho các tổ chức hay không?
2. Chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng (cá nhân)
a) Theo Điều 2 Thông tư số 08/2018/TT-BXD , quy định: “chuyên môn đào tạo của cá nhân được xác định là phù hợp khi chuyên ngành hoặc nội dung chương trình đào tạo của cá nhân đó phù hợp với lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng”.
Theo Điểm b Khoản 3 Điều 2 Thông tư số 08/2018/TT-BXD , quy định về chuyên môn đào tạo để được cấp lĩnh vực thiết kế kết cấu công trình dân dụng và công nghiệp là “chuyên môn được đào tạo thuộc chuyên ngành xây dựng công trình mà trong nội dung chương trình đào tạo có môn học về các loại kết cấu công trình dân dụng - công nghiệp”.
Tuy nhiên, theo Khoản 14 Điều 1 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP , thành phần hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng không bao gồm nội dung chương trình đào tạo. Như vậy, cơ sở nào đề đề nghị cá nhân bổ sung các hồ sơ để chứng minh về chương trình đào tạo? Môn học về các loại kết cấu công trình dân dụng - công nghiệp là những môn học nào?
b) Khoản 1 Điều 3 Thông tư số 08/2018/TT-BXD , quy định: “Trường hợp cá nhân đề nghị cấp mới, cấp lại đối với chứng chỉ hành nghề đã hết hạn sử dụng, điều chỉnh, bổ sung lĩnh vực, nâng hạng chứng chỉ hành nghề thì đề sát hạch bao gồm 05 câu hỏi về kiến thức pháp luật và 20 câu hỏi về kinh nghiệm nghề nghiệp (kiến thức chuyên môn) có liên quan đến lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề...”.
Tuy nhiên, theo Khoản 14 Điều 1 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP, thành phần hồ sơ đề nghị cấp lại chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng không có Kết quả sát hạch đạt yêu cầu trong trường hợp đã sát hạch trước ngày nộp hồ sơ. Như vậy, đối với trường hợp cấp lại chứng chỉ hành nghề do hết thời hạn hiệu lực, cá nhân có cần thi sát hạch như cấp mới và nộp Kết quả sát hạch đạt yêu cầu cho cơ quan cấp chứng chỉ hành nghề hay không?
c) Theo Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP , quy định: “Chứng chỉ hành nghề có hiệu lực tối đa 05 năm. Riêng đối với chứng chỉ hành nghề của cá nhân nước ngoài, hiệu lực được xác định theo thời hạn được ghi trong giấy phép lao động hoặc thẻ tạm trú do cơ quan có thẩm quyền cấp nhưng không quá 05 năm”. Tuy nhiên, Nghị định chưa có quy định cụ thể về thời hạn của chứng chỉ đối với trường hợp cấp nâng hạng, bổ sung, điều chỉnh nội dung hoạt động (ghi theo thời hạn của chứng chỉ cũ hay thời hạn như cấp mới).
d) Theo Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP , quy định: “Hạng III: Có trình độ chuyên môn phù hợp, có thời gian kinh nghiệm tham gia công việc phù hợp với nội dung đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề từ 02 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ đại học; từ 03 năm trở lên đối với cá nhân có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp”. Như vậy, các cá nhân có trình độ Trung cấp nghề hoặc Cao đẳng nghề có được cấp chứng chỉ hành nghề hạng III hay không?
đ) Theo Khoản 6 Điều 2 Thông tư số 08/2018/TT-BXD , quy định: “Đối với lĩnh vực hành nghề quản lý dự án: Chuyên môn được đào tạo thuộc một trong các chuyên ngành: xây dựng công trình, kiến trúc, kinh tế xây dựng, chuyên ngành kỹ thuật khác có liên quan đến loại dự án, công trình đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề”. Như vậy, chuyên ngành kỹ thuật khác là những chuyên ngành gì?
e) Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP , quy định điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế xây dựng công trình là “đã làm chủ nhiệm hoặc chủ trì thiết kế, thẩm tra thiết kế phần việc thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ...”. Tuy nhiên, Nghị định số 100/2018/NĐ-CP và Thông tư số 08/2018/TT-BXD ngày 05 tháng 10 năm 2018 không quy định phần việc cụ thể để được cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng lĩnh vực thiết kế. Do đó, trong trường hợp cá nhân cung cấp các công việc thiết kế, thẩm tra thiết kế sửa chữa, cải tạo công trình thuộc lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ thì có được xét cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng lĩnh vực thiết kế hay không?
g) Khoản 13 Điều 1 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP , quy định điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề quản lý dự án hạng II là “đã làm giám đốc quản lý dự án của 01 dự án từ nhóm B hoặc 02 dự án từ nhóm C cũng loại trở lên hoặc có một trong ba loại chứng chỉ hành nghề (thiết kế xây dựng hạng II; giám sát thi công xây dựng hạng II, định giá xây dựng hạng II)...”. Tuy nhiên, các chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng được cấp theo Thông tư 12/2009/TT-BXD ngày 24 tháng 6 năm 2009 không có ghi phạm vi hoạt động của các lĩnh vực. Do đó, trong trường hợp cá nhân xin cấp chứng chỉ hành nghề quản lý dự án hạng II cung cấp chứng chỉ thiết kế xây dựng hoặc giám sát thi công xây dựng, kèm theo Bản khai kinh nghiệm công tác chuyên môn và xác định hạng của chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng (Phụ lục VI Nghị định số 100/2018/NĐ-CP) tự xếp hạng II, có xác nhận của cơ quan quản lý trực tiếp thì có được xét cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng lĩnh vực quản lý dự án hạng II hay không?
h) Khoản 14 Điều 1 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP , quy định: “Các quyết định phân công công việc (giao nhiệm vụ) của tổ chức cho cá nhân hoặc văn bản xác nhận của đại diện theo pháp luật của chủ đầu tư về các công việc tiêu biểu mà cá nhân đã hoàn thành theo nội dung kê khai. Người ký xác nhận phải chịu trách nhiệm về sự trung thực của nội dung xác nhận. Trường hợp cá nhân hành nghề độc lập thì phải có hợp đồng và biên bản nghiệm thu các công việc thực hiện tiêu biểu đã kê khai”, chưa có quy định về xác định cấp công trình. Hiện nay, cấp công trình chỉ được cá nhân kê khai tại Đơn đề nghị và chưa được thể hiện tại Quyết định phân công công việc. Do đó, cá nhân có cần bổ sung tài liệu chứng minh thêm cấp công trình hay không, và các tài liệu nào chứng minh cấp công trình?
i) Khoản 14 Điều 1 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP , quy định: “Cá nhân thực hiện nộp lệ phí khi nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề. Việc thu, nộp, quản lý sử dụng lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính”. Tuy nhiên, theo Khoản 1 Điều 4 Thông tư số 172/2016/TT-BTC ngày 27/10/2016 của Bộ Tài chính về quy định mức thu, chế độ thu, nộp lệ phí, chưa có quy định mức thu lệ phí đối với trường hợp cấp nâng hạng chứng chỉ hành nghề.
Ngoài ra, theo Khoản 14, 20 Điều 1 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP , việc xuất trình bản chính để đối chiếu được áp dụng đối với các thành phần hồ sơ là bản sao có chứng thực hay tệp tin chứa ảnh chụp màu từ bản chính hoặc bản sao?
Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng theo Khoản 23 Điều 1 Nghị định số 100/2018/NĐ-CP , quy định: “Quyết định công nhận phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng của tổ chức hoặc hợp đồng nguyên tắc về việc liên kết thực hiện công việc thí nghiệm phục vụ khảo sát xây dựng với phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng được công nhận (đối với tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực khảo sát xây dựng)”. Tuy nhiên, thực tế công tác khảo sát địa hình không có công tác tổ chức thực hiện trong phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng. Sở Xây dựng kiến nghị không bắt buộc các tổ chức đề nghị cấp chứng chỉ năng lực khảo sát địa hình cung cấp loại tài liệu này.
Trên đây là các vướng mắc, kiến nghị của Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình thực hiện Nghị định số 100/2018/NĐ-CP và Thông tư số 08/2018/TT-BXD. Kính đề nghị Bộ Xây dựng quan tâm, sớm phản hồi những nội dung trên để Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh có cơ sở tiếp tục thực hiện./.
|
KT. GIÁM ĐỐC |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.