BAN CHỈ ĐẠO TRUNG ƯƠNG CÁC
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA GIAI ĐOẠN 2021-2025 |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM |
Số: 04/BCĐCTMTQG |
Hà Nội, ngày 06 tháng 9 năm 2024 |
Kính gửi: |
Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương |
Thực hiện Nghị quyết số 25/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về việc phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (sau đây viết tắt là MTQG) xây dựng nông thôn mới (sau đây viết tắt là NTM) giai đoạn 2021- 2025; Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 (sau đây gọi tắt là Chương trình); với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị các cấp từ trung ương đến địa phương, đặc biệt là sự đồng tình, hưởng ứng và tham gia tích cực của mọi tầng lớp nhân dân, Chương trình tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Đến tháng 8/2024, cả nước đã có 6.292/8.162 xã (77,1%) đã được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt Quyết định xã đạt chuẩn NTM (tăng 15% so với cuối năm 2020); trong đó, có 2.163 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (tăng 1.896 xã so với cuối năm 2020) và 471 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (tăng 444 xã so với cuối năm 2020); bình quân cả nước đạt 17,1 tiêu chí/xã. Có 296 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM (chiếm 45,96% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước, tăng 18,3% so với cuối năm 2020), trong đó, đã có 11 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao[1]. Có 22 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương[2] có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, có 15 tỉnh, thành phố[3] có 100% số xã đạt chuẩn NTM và 100% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ NTM, có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục được các địa phương triển khai đồng bộ, rộng khắp, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn. Cả nước đã có 13.925 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 9.456 sản phẩm so với cuối năm 2020), trong đó 71,2% sản phẩm 3 sao, 26,4% sản phẩm 4 sao, 12,4% sản phẩm 5 sao và tiềm năng 5 sao. Có 7.785 chủ thể OCOP (tăng 142 chủ thể so với tháng 7/2024), trong đó có 32,7% là HTX, 22,6% là doanh nghiệp nhỏ, 38,8% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác. Công tác bảo vệ môi trường nông thôn đã có một số chuyển biến tích cực.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chương trình vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục: Ở một số nơi, việc xây dựng NTM còn chạy theo thành tích, tiêu chí đạt được chưa bền vững, còn nợ, hụt tiêu chí[4]. Kết quả đạt chuẩn xã NTM của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn[5]; 04 tỉnh[6] thuộc khu vực Miền núi phía Bắc, có tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM dưới 30%, còn 05 tỉnh chưa có đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM[7]. Đặc biệt, đến nay vẫn còn 15 huyện nghèo thuộc 12 tỉnh “trắng xã NTM”[8]. Một số địa phương chưa thực sự chú trọng đến công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội; công tác duy trì bền vững kết quả và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM sau đạt chuẩn, nhất là các tiêu chí môi trường, tiêu chí thu nhập, tiêu chí an ninh trật tự xã hội... Tiến độ triển khai các chương trình chuyên đề hỗ trợ xây dựng NTM của một số địa phương còn rất chậm[9]. Tiến độ giải ngân vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình còn rất chậm (bao gồm cả vốn của các năm trước kéo dài sang thực hiện trong năm 2024). Đến hết tháng 7/2024, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển đạt khoảng 40%, tỷ lệ giải ngân vốn sự nghiệp đạt khoảng 8% so với kế hoạch. Có một vài nơi, công tác quản lý nhà nước về đầu tư công chưa thực sự hiệu quả, tạo sơ hở để các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật, làm thất thoát tài sản, gây bức xúc trong dư luận.
Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện Chương trình và phấn đấu hoàn thành mục tiêu được giao[10] đảm bảo thực chất, hiệu quả và bền vững, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo Trung ương) giai đoạn 2021-2025 đề nghị Ban Chỉ đạo các chương trình MTQG các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh) chỉ đạo các cơ quan chức năng, địa phương (huyện, xã) có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh một số nội dung trọng tâm sau:
1. Tập trung, quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình để hoàn thành các mục tiêu về xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, huyện đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, thị xã/thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã đăng ký đạt được trong năm 2024 và giai đoạn 2021-2025.
2. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, nâng cao chất lượng thẩm định địa phương đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM:
a) Khẩn trương rà soát, ban hành đầy đủ quy định cụ thể các tiêu chí, chỉ tiêu NTM, NTM nâng cao cấp xã, huyện đã được phân cấp tại Quyết định số 211/QĐ-TTg ngày 01/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ[11]; đồng thời, rà soát, nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện, ban hành văn bản hợp nhất (thay thế các văn bản đã ban hành, nếu cần thiết) đảm bảo đồng bộ, khả thi, dễ theo dõi, phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương, làm căn cứ để thống nhất áp dụng thực hiện trên địa bàn. Các văn bản nêu trên của UBND cấp tỉnh, sau khi được ban hành, đề nghị gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương - Số 2, Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội và địa chỉ thư điện tử: nghiepvuntm@gmail.com) và các bộ, ngành trung ương có liên quan để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025.
b) Nâng cao chất lượng công tác thẩm tra, thẩm định địa phương đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM theo thẩm quyền được phân cấp tại Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 và Quyết định số 03/2024/QĐ-TTg ngày 07/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó chú trọng một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
- Cấp tỉnh và cấp huyện thực hiện thẩm tra, thẩm định các xã cần đảm bảo đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của Bộ tiêu chí và chất lượng đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; chịu trách nhiệm về kết quả thẩm tra, thẩm định và công nhận các xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; nghiêm túc chấn chỉnh và không để xảy ra tình trạng nợ tiêu chí hoặc thiếu các chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí về xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu...
Công tác thẩm tra, thẩm định cần đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, phải có sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan của địa phương phụ trách các tiêu chí, chỉ tiêu; chỉ xem xét, tổ chức thẩm tra, thẩm định và công nhận đối với các địa phương đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về điều kiện, mức đạt chuẩn các tiêu chí, chỉ tiêu NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu theo quy định; tuân thủ các quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục, hồ sơ xét, công nhận, công bố và thu hồi quyết định công nhận địa phương đạt chuẩn NTM, đạt chuẩn NTM nâng cao, đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 (quy định tại Quyết định số 18/2022/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 và Quyết định số 03/2024/QĐ-TTg ngày 07/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ).
- Đối với các đơn vị cấp huyện đề nghị xét, công nhận đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM: cấp huyện cần rà soát để đảm bảo chất lượng tiêu chí các xã và tiêu chí cấp huyện, nhất là các tiêu chí về quy hoạch, môi trường, nước sạch và tổ chức sản xuất ở nông thôn, cấp tỉnh tổ chức thẩm tra cần đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, khách quan, phải có sự phối hợp chặt chẽ và chịu trách nhiệm giữa các cơ quan, tổ chức có liên quan (nhất là các sở, ban, ngành cấp tỉnh phụ trách các tiêu chí, chỉ tiêu); chỉ xem xét, tổ chức thẩm tra đối với các địa phương (cấp xã, cấp huyện) đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về điều kiện, mức đạt chuẩn các tiêu chí NTM, NTM nâng cao theo quy định (trong đó văn bản thẩm tra của các sở, ngành cấp tỉnh cần đánh giá “Đạt” đối với các chỉ tiêu, tiêu chí phụ trách), trước khi gửi hồ sơ về trung ương đề nghị thẩm định cấp huyện.
c) Tiếp tục chú trọng, quan tâm đến công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội; công tác duy trì bền vững kết quả và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM sau đạt chuẩn.
3. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai, thực hiện các chương trình chuyên đề, đặc biệt là tiến độ xây dựng, phê duyệt và tổ chức triển khai các mô hình thí điểm, đảm bảo chất lượng, hiệu quả gắn với mục tiêu của các chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tập trung các giải pháp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của người dân; ưu tiên triển khai, hỗ trợ nâng cao năng lực, phát triển các sản phẩm OCOP, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với lợi thế của từng địa phương; nâng cao chất lượng công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP các cấp, đặc biệt là cấp huyện, tránh tình trạng xuê xoa, chạy theo thành tích; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng sản phẩm OCOP sau khi được công nhận nhằm nâng cao uy tín, giá trị sản phẩm OCOP. Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường nông thôn; quan tâm mở rộng mạng lưới cung cấp và đảm bảo chất lượng nước sạch nông thôn; tăng cường thực hiện phân loại chất thải tại hộ gia đình và công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải sinh hoạt; kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các cơ sở sản xuất có phát sinh chất thải; tiếp tục xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp. Kịp thời phản ánh các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các chương trình chuyên đề về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để được hướng dẫn, tháo gỡ.
4. Thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực, trong đó, huy động tối đa nguồn lực của địa phương (tỉnh, huyện, xã) để tổ chức triển khai Chương trình. Tăng cường công tác quản lý, sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được giao đảm bảo hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật; không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM. Kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, làm thất thoát tài sản, gây bức xúc trong dư luận. Phấn đấu đến hết năm 2024 giải ngân 100% vốn thực hiện Chương trình được giao (bao gồm các nguồn vốn từ các năm trước được kéo dài sang thực hiện trong năm 2024). Ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để hỗ trợ thực hiện 06 chương trình chuyên đề, nhất là các mô hình chỉ đạo điểm của trung ương; kinh phí duy tu, bảo dưỡng các công trình đã đạt chuẩn, để đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng đạt chuẩn; đầu tư cho các địa bàn khó khăn để góp phần thu hẹp khoảng cách trong xây dựng NTM giữa các vùng, miền.
5. Phát huy tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và giám sát của cộng đồng dân cư đối với việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn. Chú trọng đến kết quả lấy ý kiến hài lòng của người dân trong xem xét, công nhận đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; có giải pháp khắc phục đối với từng vấn đề cụ thể được nhiều người dân cùng quan tâm, phản ánh.
6. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành, đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện, duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu đối với các xã, huyện sau khi công nhận đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình./.
(Thông tin chi tiết, đề nghị liên hệ với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, điện thoại: 0243.8438806).
|
KT. TRƯỞNG BAN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.