BỘ LAO ĐỘNG -
THƯƠNG BINH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 84/BC-LĐTBXH |
Hà Nội, ngày 26 tháng 08 năm 2009 |
ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 56/2002/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ TỔ CHỨC CAI NGHIỆN MA TÚY TẠI GIA ĐÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG
KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH NGHIỆN MA TÚY VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 56/2002/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ
I. KHÁI QUÁT TÌNH HÌNH NGHIỆN MA TÚY Ở NƯỚC TA
Trong những năm qua, thực hiện chính sách đổi mới mở cửa và hội nhập của Đảng, Nhà nước, kinh tế - xã hội nước ta đã có bước phát triển vượt bậc, đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện. Song bên cạnh đó các tệ nạn xã hội, cũng phát sinh, phát triển, đặc biệt là tệ nạn nghiện ma túy. Sớm nhận thức được mối hiểm họa của tệ nạn này ngay từ những năm đầu của thập niên 1990, Đảng, Nhà nước đã lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp trên cả hai lĩnh vực giảm cung và giảm cầu nhằm đẩy lùi và tiến tới xóa bỏ tệ nạn ma túy. Tuy đã rất cố gắng nhưng nhìn chung kết quả chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, tệ nạn ma túy chưa có dấu hiệu thuyên giảm, diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội và sức khỏe của nhân dân. Theo tổng hợp từ báo cáo của các địa phương tính đến hết ngày 31/12/2008 cả nước có 134.480 người nghiện có hồ sơ quản lý (Chưa tính hơn 30.000 người nghiện hiện đang quản lý tại các trại giam, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng) tăng 31.789 người so với năm 2000. Trong đó khu vực Đồng bằng Sông Hồng có 38.640 người tăng 17.436 người so với năm 2000 (82,0%); khu vực Đông Bắc có 20.986 người, tăng 576 người (2,8%); khu vực Tây Bắc có 24.264 người, tăng 9.657 người (61,8%); khu vực Bắc Trung Bộ có 8.036 người, tăng 3.190 người (65,8%); khu vực Duyên hải Nam Trung bộ có 2.323 người, tăng 1090 người (88,4%); khu vực Tây Nguyên 1938 người, tăng 256 người (15,2%); khu vực đông Nam bộ có 32.305 người, tăng 12.674 người, (61,4%); khu vực đồng bằng Sông Cửu long có 6.446 người, tăng 1.072 người (19,9%).
Tệ nạn ma túy đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an toàn xã hội, đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nghèo, đói và các vấn đề xã hội khác như di dân tự do, lang thang kiếm sống. Qua thống kê tổng hợp từ báo cáo của các địa phương thì từ 30% đến 70% trong số người nghiện có tiền án, tiền sự; từ 10% đến 40% trong tổng số hộ đói, nghèo có liên quan đến ma túy. Một số người nghiện ở vùng cao, để có tiền mua ma túy đã bán hết nhà cửa, ruộng vườn. Sinh sống tạm bợ tại các hang núi trong rừng gây khó khăn cho công tác quản lý xã hội.
Ma túy đã và đang xâm nhập vào mọi tầng lớp dân cư trong xã hội và chủ yếu tập trung vào lớp trẻ. Theo khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, số người nghiện có độ tuổi dưới 30 tuổi chiếm 68,3% trong tổng số người nghiện. Trong số người nghiện có 2,5% là cán bộ công chức; 2,8% là học sinh, sinh viên; 5,5% là lái xe; 19,9% là nông dân; 5% buôn bán, 10,1% nghề khác và 54,1% không nghề nghiệp. Tỷ lệ người nghiện tiêm chích Hêrôin ngày càng tăng làm nguy cơ lây truyền các bệnh qua đường máu đặc biệt là HIV (tỷ lệ người nghiện tiêm chích năm 2000 là 46,1% và năm 2006 là 83,1%). Vì vậy, việc tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện, phục hồi cho người nghiện ma túy nói riêng, phòng chống ma túy nói chung nhằm bảo vệ nguồn lực lao động, giảm tác động của tệ nạn ma túy đối với xã hội và sức khỏe của nhân dân là nhiệm vụ cấp bách hiện nay ở nước ta.
II. KẾT QUẢ CÔNG TÁC CAI NGHIỆN MA TÚY TẠI GIA ĐÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 56/2002/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ
1. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai thực hiện
1.1. Tại Trung ương
Ngay sau khi Nghị định được ban hành, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức triển khai thực hiện. Cụ thể là:
- Phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công an xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch số 01/2003/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA ngày 24/01/2003 hướng dẫn thực hiện một số điều Nghị định số 56/2002/NĐ-CP ngày 15/5/2002 của Chính phủ về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng. Thông tư đã cụ thể hóa việc tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng: quy định việc lập hồ sơ, trình tự thủ tục lập hồ sơ cai nghiện, quy trình cai nghiện, trách nhiệm của người nghiện, gia đình người nghiện và Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc tổ chức cai nghiện, cấp giấy chứng nhận hoàn thành cai nghiện tại gia đình và cộng đồng tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các địa phương triển khai công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng.
- Phối hợp với Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 13/2004/TTLT-BLĐTBXH-BTC hướng dẫn trách nhiệm đóng góp và chế độ trợ cấp đối với người bán dâm, người nghiện ma túy. Thông tư quy định đối với người nghiện ma túy chữa trị cai nghiện tại gia đình và cộng đồng có trách nhiệm đóng góp tiền thuốc chữa bệnh, thuốc hỗ trợ cắt cơn và chi phí tổ chức cai nghiện. Mức đóng do Hội đồng nhân dân xã quyết định, trên nguyên tắc thu đủ chi. Thông tư liên tịch số 117/2007/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 01/10/2007 thay thế Thông tư liên tịch số 13/2004/TTLT-BLĐTBXH-BTC. Thông tư quy định đối với người nghiện ma túy chữa trị cai nghiện tại gia đình và cộng đồng có trách nhiệm đóng góp tiền thuốc hỗ trợ cắt cơn và chi phí tổ chức cai nghiện. Chi phí tổ chức cai nghiện bao gồm: điều trị cắt cơn. Theo dõi, quản lý giúp đỡ người sau cai nghiện, xét nghiệm tìm chất ma túy trước và sau cai nghiện, các hoạt động giáo dục phục hồi hành vi nhân cách, dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện. Mức đóng do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố quy định trên nguyên tắc thu đủ chi. Tạo điều kiện cho các địa phương triển khai thực hiện.
- Phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu ban hành các văn bản hướng dẫn các phương pháp, các bài thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện như:
+ Công văn số 4358/ĐTr của Bộ Y tế về hướng dẫn điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc hướng thần;
+ Quyết định số 5467/2003/QĐ-BYT ngày 21/10/2003 của Bộ trưởng Bộ Y tế về ban hành Hướng dẫn áp dụng phương pháp điện châm điều trị hỗ trợ cai nghiện ma túy;
+ Quyết định số 5075/QĐ-BYT ngày 15/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Y tế về ban hành hướng dẫn chuẩn đoán người nghiện ma túy nhóm Opiats (Chất dạng thuốc phiện);
- Phối hợp với Bộ Y tế tổ chức tập huấn về các phương pháp hỗ trợ điều trị cắt cơn, tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho đội ngũ cán bộ cơ quan chuyên trách phòng chống tệ nạn xã hội các địa phương.
- Hàng năm tổ chức các đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện các hoạt động cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy tại các địa phương trong đó có cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng.
1.2. Tại các địa phương
Công tác cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy nói chung, công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng nói riêng đã được các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Hầu hết các tỉnh, thành phố đều xây dựng và triển khai chương trình, kế hoạch dài hạn và hàng năm về cai nghiện, phục hồi cho người nghiện ma túy trong đó có cai nghiện tại gia đình và cộng đồng với các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể. Một số tỉnh, thành phố đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy, cán bộ; ban hành các chính sách, chế độ hỗ trợ cán bộ và người cai nghiện, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng:
- Về tổ chức cán bộ: cho đến nay theo báo cáo của các địa phương đã có 2.612 xã, phường, thị trấn thuộc 18 tỉnh, thành phố thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy. Một số tỉnh như Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy ở 100% các xã, phường thị trấn trên địa bàn tỉnh. Một số tỉnh, thành phố thành lập Tổ công tác cai nghiện ma túy tại các xã phường trọng điểm về tệ nạn ma túy như Hải Phòng, Nghệ An, Bắc Ninh, Hậu Giang, Ninh Bình, Lạng Sơn. Một số tỉnh khác như Bến Tre thành lập khi tổ chức cai nghiện và giải thể ngay sau đợt cai. Ngoài tổ công tác cai nghiện, tỉnh Lào Cai thành lập Tổ quản lý cơ sở điều trị cắt cơn. Tổ có trách nhiệm quản lý, chữa trị 24/24 giờ đối với các học viên cai nghiện tại cơ sở điều trị cắt cơn. Thành phố Hải Phòng thành lập Trung tâm Tư vấn cai nghiện tại cộng đồng trực thuộc Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội. Trung tâm có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo và hỗ trợ kỹ thuật cho các xã, phường tổ chức cai nghiện.
- Về đầu tư xây dựng cơ sở điều trị cắt cơn: hầu hết các địa phương đều tận dụng cơ sở vật chất sẵn có như bệnh xá, trường học, nhà văn hóa để tổ chức cắt cơn cho người nghiện ma túy. Một số xã, phường trọng điểm về ma túy thuộc các tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Sơn La đã đầu tư xây dựng nhà điều trị cắt cơn cho người nghiện tại xã, phường. Ngoài ra tỉnh Lào Cai còn xây dựng Trung tâm điều trị cắt cơn cụm xã vùng cao với quy mô 50 giường cho một Trung tâm nhằm điều trị cắt cơn cho người nghiện ở các xã lân cận.
- Về cơ chế đóng góp và chế độ hỗ trợ học viên và cán bộ trực tiếp tham gia công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Theo quy định học viên phải đóng góp các khoản chi phí cho công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Tuy nhiên hầu hết các địa phương đều không thu được mà phải lấy ngân sách nhà nước để hỗ trợ. Tuy theo điều kiện thực tế, các địa phương đã ban hành các cơ chế, chính sách, định mức hỗ trợ học viên cai nghiện và cán bộ tham gia công tác cai nghiện phù hợp như:
+ Đối với cán bộ: Lào Cai quy định hỗ trợ cán bộ Trung tâm cụm xã 500.000 đồng/Trung tâm/tháng; Nhà cai nghiện 300.000 đồng/nhà/tháng; hỗ trợ cán bộ làm hồ sơ, thủ tục cho học viên cai nghiện 15.000 đồng/hồ sơ. Hải Phòng hỗ trợ Tổ công tác cai nghiện 240.000/đối tượng cai/đợt điều trị cắt cơn. Hưng Yên hỗ trợ tổ công tác 30.000 đồng/người/ngày trong thời gian điều trị cắt cơn cho học viên. Nghệ An, Điện Biên, Tổ công tác cai nghiện được tính và trả tiền làm thêm giờ trong các đợt tổ chức điều trị cắt cơn cho học viên…
+ Đối với học viên: hầu hết các tỉnh, thành phố đều hỗ trợ tiền thuốc điều trị cắt cơn và điều trị các bệnh cơ hội với mức từ 100.000 đồng/người/đợt đến 700.000 đồng/người/đợt: Hưng Yên là 700.000 đồng/người/đợt; Hải Phòng là 650.000 đồng/người/đợt; Thái Bình là 400.000 đồng/người/đợt; Bắc Ninh 250.000 đồng/người/đợt; Lào Cai 200.000 đồng/người/đợt đối với người cai tại Trung tâm cụm xã và 100.000 đồng/người/đợt đối với người cai tại nhà cai nghiện xã, phường; Điện Biên 140.000 đồng/người/đợt. Ngoài ra một số tỉnh còn hỗ trợ tiền ăn cho học viên cai nghiện như Lạng Sơn hỗ trợ 10.000 đồng/người/ngày, Lào Cai hỗ trợ 210.000 đồng/người/tháng đối với người cai tại Trung tâm cụm xã và 150.000 đồng/người/tháng đối với người cai tại nhà cai nghiện xã, phường.
2. Kết quả cụ thể:
2.1. Về số lượng người được cai nghiện tại gia đình và cộng đồng
Theo tổng hợp báo cáo của 56 tỉnh, thành phố (7 tỉnh, thành phố không tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng) từ năm 2003 đến năm 2008 đã tổ chức cai nghiện cho 77.695 lượt người nghiện ma túy, chiếm 39,5% tổng số lượt người được cai (77.695/196.591 lượt người), trong đó cai tại gia đình là 14.676 lượt người và cai tại cộng đồng là 63.019 lượt người (Bảng tổng hợp cai nghiện tại cộng đồng và gia đình kèm theo). Một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ người được cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cao trong tổng số được cai nghiện như: Thái Nguyên 7.332/10.975 lượt người (66,8%), Điện Biên 9.186/9.610 lượt người (95,6%), Sơn La 14.923/20.823 lượt người (71,7%), Nghệ An 5.688/8.917 lượt người (63,8%), Thái Bình 2.508/3.122 lượt người (80,3%), Lai Châu 1.677/1939 lượt người (95,8%). Dạy nghề cho 2.507 người (chiếm 3,3% số được cai tại gia đình và cộng đồng) và tạo việc làm cho 4.756 người (chiếm 6,1% số được cai tại gia đình và cộng đồng).
2.2. Về thực hiện quy trình cai nghiện tại gia đình và cộng đồng: hầu hết các tỉnh, thành phố thực hiện được giai đoạn 1 (Giai đoạn điều trị cắt cơn giải độc)/ 5 giai đoạn của Quy trình cai nghiện (Quy trình cai nghiện tại gia đình và cộng đồng ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 01/2003/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BCA) với thời gian từ 10 ngày đến 14 ngày. Một số tỉnh như Lào Cai sau cắt cơn học viên tiếp tục được quản lý tập trung tại Trung tâm cụm xã, nhà cai nghiện, được giáo dục phục hồi sức khỏe, hành vi, nhân cách với thời gian từ 3 tháng đến 6 tháng. Trở về cộng đồng, định kỳ hàng tuần học viên được tham gia sinh hoạt câu lạc bộ 06; Hải phòng sau khi điều trị cắt cơn, học viên tiếp tục được tư vấn về phòng, chống tái nghiện, điều trị chống tái nghiện bằng Natrexone đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Theo điều tra khảo sát tỷ lệ tái nghiện tại các xã vùng cao của tỉnh Lào Cai là 24%, Hải Phòng là 84%.
III. KHÓ KHĂN, TỒN TẠI VÀ NGUYÊN NHÂN
1. Khó khăn, tồn tại
1.1. Tồn tại
- Số lượng người nghiện được cai nghiện tại gia đình và cộng đồng hàng năm chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý tại địa phương: theo thống kê của các địa phương trong cả nước năm 2007 cai được 8.760 người/133.594 người có hồ sơ quản lý (6,6%), năm 2008 cai 11.455 người/134.480 người có hồ sơ quản lý (8,5%). Nhiều tỉnh, thành phố không tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng như, thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, Tây Ninh, Bình Phước, Phú Yên, Sóc Trăng …
- Chất lượng cai nghiện: hầu hết các tỉnh, thành phố chưa được thực hiện đầy đủ Quy trình cai nghiện theo quy định của pháp luật. Các hoạt động giáo dục, phục hồi vi nhân cách, dạy nghề, tạo việc làm cho người cai nghiện sau khi điều trị cắt cơn chưa được quan tâm đúng mức (Số được dạy nghề chiếm 3,3% và số được hỗ trợ tạo việc làm chiếm 6,1% số được cai). Phần lớn người nghiện sau điều trị cắt cơn không được quan tâm quản lý, giúp đỡ, không có việc làm ổn định dẫn đến tỷ lệ tái nghiện cao. Theo báo cáo của các địa phương tỷ lệ tái nghiện chiếm từ 80 đến 98% trong tổng số người được cai.
1.2. Khó khăn:
- Cơ sở vật chất thiếu thốn:
+ Cơ sở điều trị cắt cơn: hầu hết các địa phương tận dụng cơ sở vật chất sẵn có như trường học, nhà văn hóa, bệnh xá để tổ chức cắt cơn cho người nghiện do vật không đảm bảo các điều kiện theo quy định về cơ sở điều trị cắt cơn như khu điều trị cắt cơn phải khép kín, một chiều, an toàn v.v. Trang thiết bị y tế thiếu thốn.
+ Trang thiết bị dạy nghề, thiết bị phục vụ cho công tác giáo dục chuyển đổi hành vi không được đầu tư.
- Về cán bộ: cán bộ tham gia công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng đều là cán bộ kiêm nhiệm song không có cơ chế, chính sách, chế độ hỗ trợ, động viên họ. Phần lớn cán bộ Tổ công tác cai nghiện không được đào tạo, không có kiến thức, kỹ năng về tổ chức cai nghiện. Cán bộ Y tế không đủ các điều kiện theo quy định để tổ chức cắt cơn cho người nghiện ma túy (theo quy định về nhân sự cơ sở điều trị cắt cơn phải có bác sỹ chuyên khoa tâm thần, bác sỹ đa khoa được tập huấn và có chứng chỉ về điều trị cắt cơn). Mặt khác cán bộ tham gia công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng (Tổ công tác cai nghiện) cũng luôn luôn có sự thay đổi (theo nhiệm kỳ), gây rất nhiều khó khăn cho công tác này.
- Về học viên cai nghiện tại gia đình và cộng đồng phần lớn họ thuộc diện hộ đói, nghèo không có kinh phí đóng góp cho công tác cai nghiện như tiền ăn, tiền thuốc, học nghề, mua sắm trang thiết bị sinh hoạt … Song chưa có chính sách để hỗ trợ họ.
- Người nghiện ma túy, gia đình người nghiện ma túy không tự giác khai báo tình trạng nghiện và đăng ký hình thức cai nghiện.
2. Nguyên nhân
- Nhận thức của các cấp lãnh đạo cũng như của nhân dân một số địa phương chưa đầy đủ về công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, do vậy chưa quan tâm, đầu tư đúng mức thậm chí còn xem nhẹ công tác này.
- Quy định của pháp luật về tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng thiếu đồng bộ, chưa phù hợp: Nghị định số 56/2002/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 01/2003/TTLT-BLĐTBXH-BCA-BYT của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an và Bộ Y tế chỉ quy định về tổ chức cai nghiện, hướng dẫn chuyên môn kỹ thuật về cai nghiện chưa có các chế tài xử lý, các trường hợp không tự giác khai báo, đăng ký cai nghiện, chưa có các quy định về các điều kiện để đảm bảo thực hiện việc cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Quy định kinh phí tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng lấy từ ngân sách cấp xã: rất nhiều xã thuộc diện xã nghèo, thu không đủ chi đặc biệt là các xã vùng núi, vùng sâu, vùng xa, song lại có số lượng người nghiện ma túy lớn do vậy không đủ kinh phí để tổ chức cai nghiện.
- Tình trạng bán lẻ, tổ chức sử dụng chất ma túy tại các xã, phường chưa được giải quyết triệt để. Người cai nghiện sau điều trị cắt cơn lại được đối tượng buôn bán ma túy, bạn nghiện lôi kéo dễ dàng tái nghiện.
- Tình trạng phân biệt đối xử với người nghiện ma túy còn khá phổ biến ở các địa phương do vậy họ trốn tránh cai nghiện, tự ti, bất cần, thiếu hợp tác trong cai nghiện.
- Thiếu sự phân công, phân nhiệm cụ thể cho các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội cũng như gia đình và người nghiện ma túy trong việc tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.
- Sự phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng của các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ, thiếu thường xuyên.
PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP TỔ CHỨC CAI NGHIỆN TẠI GIA ĐÌNH VÀ CỘNG ĐỒNG TRONG THỜI GIAN TỚI
Thời gian tới cần tập trung mọi nỗ lực nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng.
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng.
2. Hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.
3. Nâng cao năng lực về cai nghiện phục hồi cho đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng.
4. Huy động sự tham gia của người nghiện, gia đình người nghiện, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội tham gia vào công tác cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng.
5. Kết hợp công tác cai nghiện, phục hồi cho người nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng với các chương trình phát triển kinh tế xã hội khác như Chương trình việc làm quốc gia, Chương trình xóa đói, giảm nghèo, công tác quản lý địa bàn, đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, xây dựng xã, phường, khu dân cư văn hóa.
1. Với Chính phủ
1.1. Ban hành cơ chế, chính sách đảm bảo tổ chức triển khai công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng:
- Chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp cơ sở điều trị, trang thiết bị cho cơ sở điều trị cắt cơn nghiện ma túy tại cộng đồng;
- Chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác cai nghiện tại cộng đồng và gia đình;
- Chính sách chế độ hỗ trợ người cai nghiện và cán bộ trực tiếp tham gia công tác cai nghiện tại gia đình và cộng đồng.
1.2. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác đấu trang triệt phá các ổ nhóm buôn bán, tổ chức sử dụng ma túy trái phép.
2. Với Bộ Y tế
- Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức, chuyên môn nghiệp vụ về cai nghiện tại gia đình và cộng đồng cho đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ trực tiếp tham gia công tác cai nghiện tại các địa phương.
- Chỉ đạo ngành Y tế các địa phương tổ chức tập huấn và cấp chứng chỉ về điều trị cắt cơn cho đội ngũ cán bộ Y tế xã, phường;
- Sớm nghiên cứu và ban hành các bài thuốc hỗ trợ điều trị cắt cơn an toàn, dễ sử dụng, để áp dụng cho công tác điều trị cắt cơn nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.