BỘ
NỘI VỤ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3325/BC-BNV |
Hà Nội, ngày 20 tháng 11 năm 2007 |
KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 05/2005/NQ-CP NGÀY 18/4/2005 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ ĐẨY MẠNH XÃ HỘI HÓA CÁC HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC, Y TẾ, VĂN HÓA VÀ THỂ DỤC THỂ THAO
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 5806/VPCP-VX ngày 11/10/2007 và công văn số 6433/VPCP ngày 08/11/2007 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao như sau:
I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 05/2005/NQ-CP:
1.1. Về xây dựng các cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập:
Bộ Nội vụ đã phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 23/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2005/NĐ-CP ngày 05/9/2005 Quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ.
a) Về triển khai thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP:
Để thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP , Bộ Nội vụ đã họp với các Bộ và thống nhất là các Bộ có chức năng quản lý nhà nước đối với lĩnh vực sự nghiệp, chủ trì xây dựng và ban hành Thông tư hoặc Thông tư liên tịch với Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và nhân sự đối với lĩnh vực sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ (quy định tại Điều 5 và Điều 8 của Nghị định số 43).
Đến nay các Bộ và Bộ Nội vụ đang khẩn trương triển khai; đã thành lập Ban soạn thảo liên Bộ và tiến hành dự thảo các văn bản; các Bộ: Y tế, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động – Thương binh và Xã hội, Tư pháp, Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Ủy ban Thể dục Thể thao), Giáo dục và Đào tạo cơ bản đã hoàn chỉnh dự thảo văn bản hướng dẫn để cùng Bộ Nội vụ ký ban hành.
b) Về triển khai thực hiện Nghị định số 115/2005/NĐ-CP:
- Bộ Nội vụ cùng với Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư liên tịch số 12/2006/TTLT/BKHCN-BTC-BNV ngày 05/6/2006 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 115/2005/NĐ-CP .
- Đã tổ chức 6 đợt tập huấn cho các Bộ, ngành, địa phương cả nước triển khai thực hiện Nghị định số 115/2005/NĐ-CP và Thông tư liên tịch số 12/2006/TTLT/BKHCN-BTC-BNV.
1.2. Về cải cách các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công:
a) Tại Quyết định số 94/2006/QĐ-TTg ngày 27/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2006-2010, Bộ Nội vụ được giao nhiệm vụ xây dựng Nghị định về quản lý dịch vụ công. Sau khi nghiên cứu, Bộ Nội vụ thấy rằng quản lý và cải cách quản lý các hoạt động dịch vụ công với mục tiêu chung là nhằm đổi mới quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công; phát huy các nguồn lực xã hội để phát triển hoạt động sự nghiệp để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của người dân, đảm bảo công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển con người. Để thực hiện mục tiêu như trên, thì rất nhiều cơ chế, chính sách cần được ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, không thể chỉ một nghị định có thể giải quyết được. Vì vậy, Bộ Nội vụ đề xuất xây dựng thành Chương trình cải cách các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công. Với mục tiêu tổng quát là hoàn thiện các mô hình tổ chức, đổi mới các chính sách phát triển và cơ chế quản lý nhà nước đối với hoạt động cung ứng dịch vụ của các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả của từng loại hình đơn vị sự nghiệp phù hợp với ngành, lĩnh vực, địa bàn hoạt động; xây dựng mô hình, sắp xếp tổ chức để có thể từng bước thích ứng được với các yếu tố cạnh tranh, tiến tới sự bình đẳng giữa khu vực công lập và khu vực ngoài công lập trong việc cung ứng các dịch vụ công.
Chương trình này tập trung vào việc cải cách các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc các lĩnh vực: giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, khoa học và công nghệ, thể dục thể thao, lao động – xã hội, dịch vụ thủy sản, nông nghiệp, tư pháp. Nội dung của Chương trình dự kiến được cụ thể hóa thông qua các Đề án sau:
- Xác định vị trí, vai trò và hoàn thiện mô hình tổ chức, quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công theo hướng nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
- Đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển và cơ chế quản lý nhà nước đối với hoạt động cung ứng dịch vụ công của các đơn vị sự nghiệp công lập.
- Sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công thuộc các Bộ, ngành, địa phương.
Sản phẩm của các Đề án là các văn bản quy phạm pháp luật cần ban hành, hoặc sửa đổi, bổ sung. Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan tổ chức thực hiện các nội dung của Chương trình sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thời gian thực hiện từ nay đến quý IV/2010.
Ngày 13/9/2006 Bộ Nội vụ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình. Hiện nay, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Văn phòng Chính phủ chỉnh sửa, bổ sung, hoàn chỉnh các nội dung của dự thảo Chương trình và sẽ trình lại Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
b) Để đẩy nhanh việc thực hiện cải cách các đơn vị sự nghiệp công lập một cách thiết thực, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương phải khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP , Nghị định số 43/2006/NĐ-CP , Nghị định số 115/2005/NĐ-CP. Đồng thời yêu cầu các Bộ Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa Thông tin, Lao động – Thương binh và Xã hội, Ủy ban Thể dục Thể thao chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính xây dựng đề án thí điểm cải cách đơn vị sự nghiệp dịch vụ công trên lĩnh vực quản lý của mình, trình Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ trong tháng 6 năm 2007.
Triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Bộ Nội vụ đã tiến hành nghe các Bộ nêu trên báo cáo tình hình thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung thí điểm theo từng lĩnh vực và việc lựa chọn cụ thể các tổ chức, đơn vị nào thí điểm triển khai sẽ được các Bộ quản lý ngành báo cáo cụ thể. Bộ Nội vụ, theo nhiệm vụ được phân công, sẽ tổng hợp chung và báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ.
1.3. Về sắp xếp các tổ chức sự nghiệp thuộc các Bộ, ngành:
Đã phối hợp với các Bộ, ngành trong việc xây dựng đề án sắp xếp các tổ chức sự nghiệp thuộc các Bộ, ngành đó để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây sẽ là cơ sở để các Bộ, ngành xây dựng quy hoạch mạng lưới đối với các tổ chức sự nghiệp cũng như xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích đẩy mạnh XHH phù hợp với ngành, lĩnh vực mà mình quản lý. Đến nay đã có một số Bộ đã tiến hành sắp các đơn vị sự nghiệp công lập theo lĩnh vực mà Bộ quản lý, đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như: Bộ Tài nguyên và Môi trường: Quyết định số 1238/QĐ-TTg ngày 18/9/2006 về việc sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động của các viện khoa học và công nghệ thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, Quyết định số 172/2004/QĐ-TTg ngày 29/9/2004 về việc phê duyệt phương án sắp xếp và định hướng phát triển các trường thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Văn hóa – Thông tin: Quyết định số 156/2005/QĐ-TTg ngày 23/6/2005 phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020, Quyết định số 340/2005/QĐ-TTg ngày 20/12/2005 về việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Văn hóa – Thông tin; …
Việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp của các Bộ, ngành sẽ được tiến hành triệt để, đồng bộ với việc xây dựng các Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Hiện tại, các cơ quan này đang khẩn trương cùng Bộ Nội vụ triển khai và sẽ hoàn thiện văn bản để trình Chính phủ trong tháng 11/2007.
1.4. Về chính sách tinh giản biên chế:
Tại Nghị quyết số 07/2007/NQ-CP ngày 06/02/2007, Chính phủ đã giao cho Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu, trình Chính phủ trong Quý II/2007 chính sách về tinh giản biên chế đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.
Triển khai Nghị quyết số 07/2007/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Nội vụ đã khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế. Nội dung cơ bản của Nghị định này là quy định chính sách tinh giản biên chế đối với cán bộ, công chức, viên chức do sắp xếp tổ chức, biên chế trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội từ Trung ương đến cấp huyện, một số chức danh quản lý doanh nghiệp trong các công ty nhà nước thực hiện cổ phần hóa, giao, bán, giải thể, phá sản hoặc chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005.
Việc Chính phủ ban hành chính sách tinh giản biên chế đối với những người dôi dư giúp cho các cơ quan, đơn vị sự nghiệp triển khai tốt Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế, và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước, Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 23/4/2006 quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, Nghị định số 53/2006/NĐ-CP ngày 25/5/2006 về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho việc sắp xếp lại tổ chức, biên chế của các cơ quan nhà nước, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Ngày 08/8/2007 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 132/2007/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế. Tiếp đó, ngày 24/9/2007 Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định số 132/2007/NĐ-CP .
Để triển khai thực hiện, trong tháng 10/2007 vừa qua, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn thực hiện cho tất cả các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
1.5. Về quản lý, sử dụng cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập:
Bộ Nội vụ một mặt tiếp tục xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, triển khai Pháp lệnh cán bộ công chức, theo hướng cụ thể hóa theo từng ngành, lĩnh vực sự nghiệp, đồng thời, cũng trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản để sửa đổi, bổ sung một số quy định để phù hợp với chủ trương đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp, góp phần thúc đẩy xã hội hóa các lĩnh vực sự nghiệp, tạo tiền đề cho sự bình đẳng trong quản lý, sử dụng đội ngũ viên chức và người lao động của các cơ sở sự nghiệp ngoài công lập với các đơn vị sự nghiệp công lập.
Bộ Nội vụ xin được báo cáo tóm lược một số nội dung, nhiệm vụ chính đã, đang triển khai liên quan đến việc xây dựng các cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp, cụ thể như sau:
a) Xây dựng và trình Chính phủ, ban hành Nghị định số 121/2006/NĐ-CP ngày 23/10/2006 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của nhà nước. Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 04/2007/TT-BNV ngày 21/6/2007 hướng dẫn Nghị định 121/2006/NĐ-CP. Nội dung sửa đổi, bổ sung theo hướng giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các đơn vị công lập, đó là:
- Quyền tự chủ của các đơn vị sự nghiệp trong tuyển dụng viên chức: Được quyết định theo hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển; được bổ nhiệm ngạch, chuyển loại viên chức; khen thưởng, kỷ luật; chế độ thôi việc, điều động, luân chuyển.
- Quy định rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và các Bộ quản lý ngạch viên chức chuyên ngành về các nội dung: xây dựng và ban hành cơ cấu ngạch viên chức; quy chế đánh giá viên chức chuyên ngành, quy định nội dung và hình thức tuyển dụng viên chức, nâng ngạch viên chức.
- Tạo cơ chế ký hợp đồng làm việc theo hướng linh hoạt hơn, giảm các quy định hành chính để nâng cao tính tự chủ báo cáo các đơn vị sự nghiệp, đồng thời nâng cao trách nhiệm của viên chức.
b) Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức thuộc các lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, văn hóa – thông tin, thể thao. Đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ quản lý ngành ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
c) Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành các quyết định quy định chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ của các ngạch viên chức sự nghiệp theo các chuyên ngành.
d) Phối hợp với các Bộ quản lý ngành ban hành các quy định về tuyển dụng, sử dụng đội ngũ viên chức chuyên ngành với các nội dung: hình thức, nội dung tuyển dụng viên chức theo hình thức thi tuyển; hình thức, nội dung thi nâng ngạch; phân cấp quản lý viên chức chuyên ngành đối với các cơ sở sự nghiệp thuộc Bộ quản lý; quy chế đánh giá viên chức chuyên ngành.
2.1. Về lĩnh vực y tế:
a) Về tổ chức bộ máy và biên chế:
- Về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy và biên chế:
+ Đã phối hợp với Bộ Y tế ban hành Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV hướng dẫn mức biên chế sự nghiệp trong các cơ sở y tế nhà nước (gồm: các cơ sở khám, chữa bệnh của các bệnh viện; Viện, Trung tâm nghiên cứu có giường bệnh); các cơ sở y tế dự phòng và các trạm y tế xã, phường, thị trấn).
+ Đã phối hợp với Bộ Y tế ban hành Thông tư số 07/2007/TT-BYT ngày 25/5/2007 hướng dẫn về hành nghề y, y học cổ truyền và trang thiết bị y tế tư nhân. Việc ban hành Thông tư này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, doanh nghiệp về thủ tục mở các cơ sở y, dược tư nhân.
- Về cơ chế tự chủ:
Đang phối hợp với Bộ Y tế xây dựng và ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành y tế (Thông tư này do Bộ Y tế chủ trì xây dựng). Để triển khai thực hiện, Bộ Y tế đã thành lập Ban Soạn Thảo với sự tham gia của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính. Đến nay, dự thảo cơ bản đã hoàn chỉnh. Tinh thần chung về giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp y tế của Thông tư này là:
+ Về thực hiện nhiệm vụ: Ngoài các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao, cơ sở y tế có quyền ký kết các hợp đồng với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về nghiên cứu khoa học, dịch vụ khoa học công nghệ, phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh và các hợp đồng kinh tế khác, các hoạt động liên doanh, liên kết trên cơ sở đơn vị tự thỏa thuận, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ lĩnh vực chuyên môn của đơn vị và theo đúng quy định của pháp luật. Đối với các đơn vị tự bảo đảm một phần và tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động được quyết định mua sắm tài sản, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tham dự đấu thầu các hoạt động dịch vụ.
+ Về tổ chức bộ máy: Cơ sở y tế được quyền quyết định thành lập các khoa phòng quản lý và chuyên môn để thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao; được thành lập, tổ chức lại, giải thể các tổ chức sự nghiệp và tổ chức khác thuộc đơn vị để cung cấp dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao.
+ Về biên chế: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, Thủ trưởng đơn vị xây dựng kế hoạch biên chế hàng năm của đơn vị, xác định số lượng biên chế cần thiết, xác định cơ cấu viên chức và quyết định số biên chế (không thấp hơn 5% định mức nhà nước giao quy định tại Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-BYT-BNV); Thủ trưởng đơn vị được quyền quyết định ký hợp đồng thuê khoán đối với những công việc không cần thiết bố trí biên chế thường xuyên, ký hợp đồng lao động và các hình thức hợp tác khác với chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước.
+ Về quản lý và sử dụng cán bộ, viên chức: Thủ trưởng đơn vị được quyền quyết định: tuyển dụng viên chức bằng hình thức thi tuyển hoặc xét tuyển tùy theo đặc điểm chuyên môn của từng lĩnh vực; tổ chức tuyển dụng và ký hợp đồng làm việc với viên chức; tiếp nhận viên chức tương đương ngạch bác sỹ chính trở xuống; cử cán bộ, viên chức và cấp Trưởng và cấp Phó của đơn vị do mình quản lý đi học tập đào tạo trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức và cho từ chức các chức danh lãnh đạo của các tổ chức trực thuộc; bổ nhiệm ngạch, chuyển ngạch, phân công công tác, điều động, biệt phái, nâng bậc lương thường xuyên và trước thời hạn, phụ cấp thâm niên vượt khung, nghỉ hưu, thôi việc, nhận xét đánh giá, công nhận danh hiệu lao động tiên tiến, lao động xuất sắc, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở và tặng giấy khen, kỷ luật đối với cán bộ, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý từ ngạch bác sỹ chính trở xuống.
b) Về quản lý cán bộ, viên chức và người lao động:
- Phối hợp với Bộ Y tế ban hành văn bản quy định hình thức, nội dung tuyển dụng viên chức theo hình thức xét tuyển và phân cấp tuyển dụng viên chức ngành y tế (Quyết định số 49/2005/QĐ-BYT ngày 30/12/2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế).
- Sửa đổi, bổ sung chức danh tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức chuyên ngành y tế (Quyết định số 28/2005/QĐ-BNV ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức y tế công cộng; Quyết định số 41/2005/QĐ-BNV ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch y tế điều dưỡng).
- Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 276/2005/QĐ-TTg về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với cán bộ, viên chức tại các cơ sở y tế của nhà nước và để triển khai thực hiện đã phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 02/2006/TTLT-BYT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 276/2005/QĐ-TTg .
2.2. Về lĩnh vực văn hóa – thể thao và du lịch:
a) Về tổ chức bộ máy và biên chế:
- Về sắp xếp các tổ chức sự nghiệp thuộc ngành văn hóa, thông tin:
+ Đã phối hợp với Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 156/2005/QĐ-TTg ngày 23/6/2005 phê duyệt quy hoạch tổng thể hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020, Quyết định số 340/2005/QĐ-TTg ngày 20/12/2005 về việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Văn hóa – Thông tin. Đây sẽ là cơ sở để Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xây dựng quy hoạch mạng lưới đối với các tổ chức sự nghiệp và các cơ chế, chính sách khuyến khích đẩy mạnh XHH phù hợp với ngành, lĩnh vực quản lý.
+ Đang phối hợp với Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xây dựng Nghị định hướng dẫn tổ chức và quản lý thư viện tư nhân “có phục vụ cộng đồng”.
- Về cơ chế tự chủ:
Đang phối hợp với Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành.
Thông tư này cũng do Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng. Để triển khai thực hiện, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã thành lập Ban Soạn thảo với sự tham gia của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính. Đến nay, dự thảo đang được hoàn chỉnh. Tuy nhiên, do việc hợp nhất Ủy ban Thể dục Thể thao với Bộ Văn hóa – Thông tin, nên có một số việc 2 Bộ trước đây đã, đang triển khai nay phải xem xét, tổ chức lại cho phù hợp cho nên tiến độ xây dựng và ban hành văn bản bị chậm.
b) Về quản lý cán bộ, viên chức và người lao động:
- Phối hợp với Bộ Văn hóa – Thông tin và các Bộ, ngành nghiên cứu xác định tuổi nghề của diễn viên để thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực này. Hiện nay, đề án này đang được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch trình Thủ tướng Chính phủ.
- Phối hợp với Ủy ban Thể dục Thể thao ban hành Quy chế tuyển dụng viên chức thể thao (Quyết định số 2033/2006/QĐ-UBTDTT ngày 28/11/2006).
- Sửa đổi, bổ sung chức danh tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức chuyên ngành văn hóa – thông tin (Quyết định số 61/2005/QĐ-BNV ban hành tạm thời chức danh và mã số ngạch một số ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo, văn hóa – thông tin).
- Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 180/2006/QĐ-TTg về chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề và bồi dưỡng đối với lao động biểu diễn nghệ thuật ngành văn hóa – thông tin và để triển khai thực hiện đã phối hợp với Bộ Văn hóa – Thông tin, Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 94/2006/TTLT-BVHTT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 180/2006/QĐ-TTg .
2.3. Về lĩnh vực giáo dục và đào tạo, dạy nghề:
a) Về tổ chức bộ máy và biên chế:
+ Đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập.
+ Đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn về: Định mức biên chế đối với các cơ sở giáo dục mầm non (Thông tư liên tịch này cơ bản đã hoàn chỉnh, lãnh đạo 2 Bộ chuẩn bị ký ban hành); định mức biên chế đối với các trường chuyên (khối giáo dục phổ thông) và các trường chuyên, trường chuyên biệt.
+ Đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn chuyển đổi loại hình cơ sở giáo dục mầm non từ bán công sang tư thục.
- Về cơ chế tự chủ:
Đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và cán bộ, viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành giáo dục.
Thông tư này do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì xây dựng. Để triển khai thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Ban Soạn thảo với sự tham gia của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính. Đến nay, dự thảo cơ bản đã hoàn chỉnh sắp tới 2 Bộ có thể ký ban hành. Tuy nhiên, qua báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng Thông tư liên tịch, đó là:
+ Thẩm quyền về tổ chức bộ máy, biên chế, quản lý viên chức và tài chính đối với các cấp học, ngành học của Bộ Giáo dục và Đào tạo gần như không có trong khi đối tượng áp dụng của Thông tư liên tịch lại quá rộng (từ giáo dục mầm non đến đào tạo đại học). Có những quyền cần được phân cấp nhưng Thông tư của các Bộ không đủ thẩm quyền, như: tự chủ về định mức làm việc; chế độ trả lương vượt giờ, …
+ Nhiều văn bản pháp quy về lĩnh vực giáo dục và đào tạo như: Điều lệ trường đại học, định mức biên chế, quy định chế độ công tác, … đối với các cấp học, ngành học có liên quan tới phân cấp cho các cơ sở giáo dục đang trong quá trình sửa đổi; một số quy định chung về phân cấp tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế quản lý viên chức và tài chính đã được quy định tại các nghị định và thông tư của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và trong Điều lệ của các loại hình trường, nên cần được nghiên cứu kỹ để xử lý đồng bộ, thống nhất.
- Về việc thành lập các trường đại học, trường cao đẳng ngoài công lập:
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, kể từ khi có Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP , Bộ Nội vụ đã tham gia với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định (các trường cao đẳng) thành lập được 90 trường đại học, cao đẳng ngoài công lập. Trong đó có: 33 trường đại học (thành lập mới 8 trường, nâng cấp từ cao đẳng lên đại học 25 trường); 57 trường cao đẳng (thành lập mới 12 trường, nâng cấp từ trung cấp lên cao đẳng 45 trường).
b) Về quản lý cán bộ, viên chức và người lao động:
- Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 06/2006/QĐ-BNV ngày 21/3/2006 về quy chế đánh giá, xếp loại giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông công lập.
- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng thông tư hướng dẫn việc tuyển dụng giáo viên trong các trường đại học và cao đẳng (hiện văn bản đang được hoàn chỉnh để ban hành).
- Phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn chức danh giáo viên dạy nghề, … (văn bản này sẽ được ban hành vào cuối năm 2007).
- Sửa đổi, bổ sung chức danh tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức chuyên ngành giáo dục và đào tạo (Quyết định số 61/2005/QĐ-BNV ban hành tạm thời chức danh và mã số ngạch một số ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo, văn hóa – thông tin).
- Xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06/10/2005 về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập và để triển khai thực hiện đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg .
- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư theo hướng giao cho các cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm ngạch theo quy định về ngành nghề và quy mô đào tạo để thay thế Nghị định số 20/2001/NĐ-CP ngày 17/5/2001 quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm và miễn nhiệm các chức danh giáo sư, phó giáo sư.
3. Đánh giá chung sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP:
3.1. Những mặt được:
a) Những cơ chế, chính sách, những nhiệm vụ mà Bộ Nội vụ đã trình ban hành, ban hành theo thẩm quyền hoặc phối hợp với các Bộ quản lý nhà nước các lĩnh vực sự nghiệp ban hành thời gian qua nêu trên tại Báo cáo này về: xây dựng các cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính; về sắp xếp và cải cách các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công; về chính sách tinh giản biên chế và về quản lý, sử dụng cán bộ, viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa phải là các quy phạm pháp luật đầy đủ, đáp ứng trực tiếp cho việc phát triển xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao; chưa phải là căn cứ pháp lý để có thể chuyển ngay các đơn vị sự nghiệp công lập sang ngoài công lập, vì để làm được việc này, còn liên quan đến rất nhiều cơ chế, chính sách khác mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ phải ban hành và triển khai đồng bộ. Nhưng có thể xem đây là cơ sở pháp lý ban đầu, là bước đệm góp phần thúc đẩy xã hội hóa các lĩnh vực sự nghiệp. Một số quy định có thể xem là căn cứ để các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập nghiên cứu, áp dụng thực hiện. Tạo tiền đề cho các cơ sở sự nghiệp ngoài công lập phát triển và hoạt động dần tới bình đẳng với các đơn vị sự nghiệp công lập.
b) Qua báo cáo việc triển khai thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các Bộ, Bộ Nội vụ nhận thấy đã có sự chuyển biến trong quản lý, đó là: đã dần phân định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ của cơ quan hành chính và các đơn vị sự nghiệp; trao quyền tự chủ mạnh hơn về nhiệm vụ, về biên chế và về tài chính. Các đơn vị được giao tự chủ bước đầu đã tiến hành sắp xếp tổ chức bộ máy, lao động theo hướng tinh gọn, hiệu quả, khắc phục trùng lặp; xây dựng cơ cấu, tiêu chuẩn chức danh viên chức và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, ký kết hợp đồng lao động phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.
3.2. Những khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân:
Như trên đã nêu, để đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa và thể dục thể thao theo tinh thần Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP , chuyển dần các cơ sở dịch vụ công lập sang ngoài công lập thì một trong những bước đi quan trọng và trước hết là phải thực hiện tốt việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các đơn vị sự nghiệp công lập trên các mặt: về thực hiện nhiệm vụ, về quản lý tổ chức bộ máy và biên chế về tài chính. Tuy nhiên, triển khai thực hiện việc này thời gian qua còn chậm, chưa có bước chuyển cơ bản. Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo Bộ Nội vụ tập trung vào một số nguyên nhân chính sau:
a) Các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chậm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP .
b) Một số địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo công tác triển khai việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc; Nhiều đơn vị sự nghiệp cũng chưa chủ động xây dựng phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị mình trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; một bộ phận cán bộ, viên chức và người lao động tại các đơn vị sự nghiệp công lập còn nhận thức chưa đầy đủ về mục đích, yêu cầu, nội dung về thực hiện giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, vẫn còn mang nặng tâm ký trông chờ vào bao cấp của nhà nước, e ngại khi cơ chế quản lý thay đổi, …
c) Các đơn vị sự nghiệp còn túng túng khi thực hiện các định mức, tiêu chuẩn ngành. Nguyên nhân do một số quy định về tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật đã lạc hậu, chậm sửa đổi, chẳng hạn như: định mức giờ giảng; định mức biên chế theo ngành, lĩnh vực sự nghiệp, ... Từ đó, hạn chế tính tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp.
d) Nhiều chính sách là tiền đề, là điều kiện quan trọng để thực hiện việc giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp chưa được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, như: chế độ thu học phí, viện phí được ban hành từ năm 1998, …
đ) Việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành các văn bản quy định tiêu chí cụ thể để đánh giá chất lượng của hoạt động sự nghiệp, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các đơn vị sự nghiệp khi được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm còn lúng túng, chưa thành hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn (hiện nay một số Bộ quản lý các lĩnh vực sự nghiệp mới đang trong quá trình nghiên cứu, xây dựng văn bản).
II. PHƯƠNG HƯỚNG VÀ MỘT SỐ KIẾN NGHỊ ĐỂ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 05/2005/NQ-CP:
Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP theo yêu cầu của Chính phủ, tới đây Bộ Nội vụ sẽ tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ và theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cụ thể như sau:
1.1. Tham gia, phối hợp với các Bộ, ngành trong việc xây dựng các cơ chế, chính sách về xã hội hóa trong hoạt động sự nghiệp theo ngành, lĩnh vực mà các Bộ đã và đang triển khai thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ và phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
1.2. Phối hợp với các Bộ có chức năng quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực sự nghiệp khẩn trương xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 23/4/2006 về giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và nhân sự cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo từng lĩnh vực sự nghiệp.
1.3. Tiếp tục đôn đốc và tham gia phối hợp với các Bộ, ngành trong việc xây dựng đề án sắp xếp các tổ chức sự nghiệp thuộc các Bộ, ngành đó để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nhiệm vụ này sẽ được tiến hành đồng thời với việc xây dựng Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, ngành.
1.4. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan triển khai thực hiện Chương trình cải cách các đơn vị sự nghiệp dịch vụ công sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
1.5. Nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung hệ thống chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ của các lĩnh vực sự nghiệp làm căn cứ để các đơn vị sự nghiệp (cả công lập và ngoài công lập) thực hiện việc tuyển dụng, đánh giá, nâng cao chất lượng đội ngũ.
1.6. Phối hợp với các Bộ, ngành để ban hành quy chế đánh giá viên chức ngành y tế, văn hóa, thể dục thể thao, giáo dục và đào tạo.
1.7. Triển khai xây dựng đề án về cơ chế tuyển dụng và sử dụng viên chức trong các đơn vị sự nghiệp giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa – du lịch và thể thao công lập khi chuyển sang ngoài công lập và các cơ sở sự nghiệp ngoài công lập.
Hình thức văn bản là Nghị định của Chính phủ. Tuy nhiên, đây là một đề án lớn và mới, chưa có căn cứ pháp lý cao hơn quy định nên cần được nghiên cứu kỹ và xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để có căn cứ pháp lý thực hiện (thời gian dự kiến trình Chính phủ để xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là tháng 6/2008).
2.1. Đề nghị các Bộ quản lý nhà nước các lĩnh vực sự nghiệp khẩn trương xây dựng và ban hành các quy chế, quy chuẩn, điều kiện thành lập và hoạt động, các chức danh, tiêu chuẩn về nhân sự, cơ sở vật chất đối với các cơ sở ngoài công lập; xây dựng lộ trình thực hiện từ nay đến năm 2010; hướng dẫn chuyển đổi các cơ sở công lập, bán công sang loại hình dân lập, tư nhân hoặc hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp.
2.2. Các Bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực sự nghiệp (đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) với vai trò chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng và ban hành thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế đối với các đơn vị sự nghiệp theo ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước để các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện đồng bộ với cơ chế tự chủ về tài chính.
2.3. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế cần sớm trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chế độ thu học phí, viện phí mới theo hướng từng bước tính toán đầy đủ các chi phí cơ bản; phù hợp với khả năng huy động các nguồn lực của xã hội, phù hợp với địa điểm của từng vùng, từng địa phương và từng giai đoạn. Song song với chế độ thu học phí, viện phí mới, cần xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng ban hành chế độ miễn, giảm học phí, viện phí theo hướng nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho người hưởng thụ là đối tượng chính sách xã hội, người nghèo, không phân biệt công lập với ngoài công lập.
2.4. Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các Bộ quản lý nhà nước về các lĩnh vực sự nghiệp tiếp tục khẩn trương xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách liên quan đến đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp như: các cơ chế hỗ trợ đầu tư, cơ chế tài chính, tín dụng, thuế; các chính sách ưu đãi về đất đai đối với các lĩnh vực xã hội hóa theo hướng thực hiện miễn tiền sử dụng đất, thuê đất đối với các cơ sở ngoài công lập hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận; công khai, đơn giản hóa các thủ tục giao đất, cho thuê đất. Đồng thời xử lý kiên quyết, dứt điểm tình trạng lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích.
2.5. Ủy ban nhân dân các địa phương tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho các cơ sở ngoài công lập theo hướng điều chỉnh quy hoạch đất đai ưu tiên quỹ đất cho việc xây dựng các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao công lập và ngoài công lập; ban hành các chính sách, chế độ ưu đãi để khuyến khích, đẩy mạnh và mở rộng các hình thức xã hội hóa trên địa bàn.
2.6. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ và các Bộ liên quan cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các chính sách đối với đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động để thực hiện sự bình đẳng giữa khu vực công lập và ngoài công lập về thi đua khen thưởng, về công nhận các danh hiệu nhà nước; về đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; về tiếp nhận, điều động cán bộ, viên chức từ khu vực công lập sang ngoài công lập và ngược lại, hướng tới xóa bỏ khái niệm “biên chế” đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển sang chế độ hợp đồng lao động dài hạn.
2.7. Song song với việc xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn Nghị định số 43/2006/NĐ-CP , các Bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực sự nghiệp cần tiến hành rà soát lại các tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để làm căn cứ cho các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện quyền tự chủ.
2.8. Các Bộ, ngành, địa phương cũng cần khẩn trương ban hành các tiêu chí đánh giá mức độ thực hiện nhiệm vụ được giao. Đây sẽ là căn cứ để đánh giá kết quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập nói chung cũng như là căn cứ để từng đơn vị sự nghiệp xây dựng hệ thống đánh giá kết quả hoạt động đối với mỗi cán bộ, viên chức và người lao động trong đơn vị mình.
2.9. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 132/2007/NĐ-CP ngày 08/8/2007 về chính sách tinh giản biên chế, Bộ Nội vụ cùng với Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2007/TTLT-BNV-BTC ngày 24/9/2007 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 132/2007/NĐ-CP. Đây là một căn cứ để các đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí lại lao động trong đơn vị cho phù hợp, hiệu quả. Vì vậy, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị sự nghiệp công lập cần tổ chức nghiên cứu, quán triệt và chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc quyền quản lý tổ chức thực hiện.
2.10. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; quy định rõ ràng, công khai các thủ tục hành chính; đơn giản hóa và giảm bớt các thủ tục không cần thiết, xây dựng cơ chế quản lý và tổ chức thực hiện theo hướng một cửa, một đầu mối để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân cũng như các doanh nghiệp. Đồng thời cũng xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi tiêu cực, vô trách nhiệm.
Trên đây một số nội dung chính về triển khai thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Bộ Nội vụ thời gian qua, xin báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.