BỘ NỘI VỤ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 330/BC-BNV |
Hà Nội, ngày 05 tháng 02 năm 2007 |
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 16/2000/NQ-CP NGÀY 18/10/2000 VÀ NGHỊ QUYẾT SỐ 09/2003/NQ-CP NGÀY 28/09/2003 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TINH GIẢN BIÊN CHẾ TRONG CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện Nghị quyết lần thứ VII Ban Chấp hành Trung ương Đảng hóa VIII về một số vấn đề về tổ chức bộ máy hệ thống chính trị và tiền lương, trợ cấp xã hội thuộc ngân sách nhà nước, kết luận số 15-KL/TW ngày 28 tháng 7 năm 2002 của Hội nghị lần thứ VI Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương III và Nghị quyết Trung ương VII Khóa VIII về công tác tổ chức cán bộ, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP ngày 18 tháng 10 năm 2000 và Nghị quyết số 09/2003/NQ-CP ngày 28 tháng 09 năm 2003 của Chính phủ về việc tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Bộ Nội vụ dự thảo báo cáo về tình hình triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết và tổ chức họp lấy ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam để thống nhất nội dung trình Thủ tướng Chính phủ như sau:
I. VỀ TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN
1. Ban hành văn bản hướng dẫn
Để tạo điều kiện cho các Bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 16/2000/NQ-CP và Nghị quyết số 09/2003/NQ-CP của Chính phủ. Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính đã ban hành và phối hợp với các Bộ, ngành ban hành Thông tư hướng dẫn về thực hiện chính sách tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp như: Thông tư Liên tịch số 73/2000/TTLT-BTCCBCP-BTC ngày 28 tháng 12 năm 2000 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chính sách tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, Thông tư liên tịch số 60/2003/TTLT-BNV-BTC ngày 25 tháng 9 năm 2003 của Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung chính sách, đối tượng tinh giản biên chế, Ban Tổ chức Trung ương ban hành công văn số 276-CV-TCTW ngày 8 tháng 7 năm 2001 và công văn số 3563-CV/TCTW ngày 12 tháng 11 năm 2003 hướng dẫn việc thực hiện đối với các cơ quan Đảng, đoàn thể ở Trung ương và địa phương, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành công văn số 572-BHXH/CĐCS ngày 9 tháng 01 năm 2001 hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội.
Đã tổ chức hội nghị tập huấn để phổ biến, hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc về nội dung của hai Nghị quyết và các văn bản hướng dẫn tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương với thành phần tham dự là Thủ trưởng và chuyên viên các ban, ngành Đảng, chính quyền của Bộ, ngành và tỉnh.
Các Bộ, ngành và địa phương đã quán triệt tư tưởng, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác cải cách hành chính nhà nước, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tổ chức Hội nghị triển khai học tập, quán triệt chủ trương, chính sách của Nghị quyết đến các đồng chí lãnh đạo Bộ, ngành, tỉnh và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc. Thành lập ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng người, từng cơ quan chức năng trong việc tổ chức, triển khai thực hiện. Ban hành các văn bản, tổ chức hội nghị học tập, quán triệt, tập huấn, hướng dẫn cho tất cả các đơn vị trực thuộc và sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về chủ trương, chính sách tinh giản biên chế trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
2. Việc thẩm định và cấp phát kinh phí
Đối với các Bộ, ngành và địa phương đã hướng dẫn xây dựng và duyệt, thẩm định đề án sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế của các đơn vị trực thuộc theo đề án kiện toàn tổ chức, tinh giản biên chế theo Quyết định 207/1999/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Xác định được số lượng, những người giảm, dự toán kinh phí và có lộ trình thực hiện cụ thể, chi tiết. Nhiều Bộ, ngành và địa phương thực hiện khá tốt như: tỉnh Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hải Dương, Bộ Công nghiệp, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải .v.v..
Căn cứ kết quả dự kiến số người và kinh phí của Bộ, ngành, địa phương, Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tài chính thẩm định và cấp dự toán kinh phí đảm bảo đúng, đủ, kịp thời và hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, triển khai, chi trả, quyết toán theo quy định. Đối với Bộ, ngành trung ương có 28/38 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện tinh giản biên chế (phụ lục 1) và thẩm định cho 4.196 người giảm, kinh phí 68.875.617.000 đồng. Đối với địa phương có 62/64 tỉnh thành phố thực hiện tinh giản biên chế (phụ lục 2) và thẩm định cho 46.182 người giảm, kinh phí 1.062.844.070.000 đồng.
3. Thanh tra, kiểm tra
Trong quá trình chỉ đạo, đôn đốc thực hiện Nghị quyết, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã phối hợp tổ chức đoàn kiểm tra Liên ngành tại một số địa phương như Hòa Bình, Phú Thọ. Ngoài ra hàng năm, Bộ Nội vụ tổ chức đoàn Thanh tra, kiểm tra tại một số Bộ, ngành, địa phương như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công nghiệp, tỉnh Quảng Trị, Sóc Trăng, Tiền Giang, Cà Mau.v.v.. Thông qua việc thanh tra, kiểm tra và những đề nghị và kiến nghị của Bộ, ngành, địa phương, cá nhân về việc thực hiện ở cơ sở, đã kịp thời có văn bản bổ sung, giải thích và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cũng như chấn chỉnh đối với những đơn vị, cá nhân thực hiện không đúng hoặc chưa đầy đủ theo quy định: Công văn số 354/BNV-TCBC ngày 20 tháng 02 năm 2004, công văn số 602/BNV-TCBC ngày 23 tháng 03 năm 2004, Công văn số 353/BNV-TCBC ngày 22 tháng 02 năm 2005 và công văn số 2255/BNV-TCBC ngày 07 tháng 9 năm 2005 của Bộ Nội vụ.
Khi Nhà nước có quy định về chế độ tiền lương mới và thay đổi mức tiền lương tối thiểu chung, đã ban hành Thông tư số 118/2005/TT-BNV ngày 9 tháng 11 năm 2005 hướng dẫn tính trợ cấp thôi việc đối với người thôi việc do tinh giản biên chế.
Đối với các Bộ, ngành, địa phương chủ động chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, thanh tra việc triển khai thực hiện tại các đơn vị trực thuộc, đảm bảo được mục tiêu, nguyên tắc, quy trình, đối tượng và chính sách tinh giản biên chế. Giải đáp và trả lời đầy đủ, kịp thời các khiếu nại – tố cáo của tổ chức, cá nhân và xử lý đối với những tổ chức, cán bộ, công chức vi phạm.
Nhìn chung, sau khi Nghị quyết 16/2000/NQ-CP và Nghị quyết số 09/2003/NQ-CP của Chính phủ về tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp được ban hành, các Bộ ngành và địa phương đã nhanh chóng tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện đồng bộ từ việc ban hành văn bản, hướng dẫn triển khai trên hầu hết các Bộ, ngành và địa phương trong cả nước. Trong quá trình tổ chức chỉ đạo đã kịp thời phát hiện, hướng dẫn bổ sung về chuyên môn, nghiệp vụ và xử lý, uốn nắn đối với những tư tưởng, hành vi vi phạm để việc thực hiện được đảm bảo đúng mục đích, yêu cầu Nghị quyết của Chính phủ đề ra.
1. Đổi mới cơ chế
Kết quả nổi bật khi thực hiện Nghị quyết của Chính phủ là các Bộ, ngành và địa phương đã rà soát lại chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp. Phân biệt cơ quan hành chính có chức năng quản lý hành chính nhà nước với các đơn vị sự nghiệp có chức năng cung cấp các hoạt động dịch vụ công; từ đó có cơ chế quản lý phù hợp với từng lĩnh vực, xóa bỏ tình trạng “hành chính hóa” các hoạt động sự nghiệp.
Thông qua việc rà soát về chức năng, nhiệm vụ và việc tách quản lý hành chính với sự nghiệp dịch vụ công, Chính phủ ban hành các Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ.
Thực hiện thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan thuộc thành phố Hồ Chí Minh, mở rộng thí điểm khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan hành chính Nhà nước và thực hiện thí điểm khoán biên chế và kinh phí hoạt động đối với Tổng cục thuế, Kho bạc Nhà nước thuộc Bộ Tài chính. Sau 3 năm thực hiện, theo báo cáo của 13 tỉnh với 107 đơn vị thực hiện thí điểm khoán, số biên chế giảm được 357 người, kinh phí tiết kiệm được 14.604.000.000 đồng, thu nhập bình quân của cán bộ công chức tăng thêm 182.000 đồng/tháng.
Thực hiện giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công (Nghị định 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ về cơ chế tài chính áp dụng đối với đơn vị sự nghiệp có thu) đã thúc đẩy đơn vị sự nghiệp sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Theo báo cáo của các đơn vị sự nghiệp có thu thuộc Bộ, ngành và địa phương đã tiết kiệm chi thường xuyên từ 3 – 10% góp phần tạo nguồn kinh phí cho đơn vị hoạt động, tăng thu nhập cho người lao động.
Theo báo cáo của 13 đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, Công nghiệp, Giao thông vận tải, thu nhập bình quân của đơn vị tăng 52,3% so với lương bình quân cấp bậc, chức vụ và theo báo cáo của 575 đơn vị của địa phương thu nhập bình quân năm 2002 tăng so với năm 2001 là 4%.
Một số đơn vị có thu tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên thuộc lĩnh vực sự nghiệp kinh tế, quỹ lương tăng thêm đã vượt quá mức tối đa 2,5 lần.
Chuyển đổi cơ chế quản lý đối với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Đài truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam sang cơ chế tự chủ với số lượng 18.000 người.
2. Sắp xếp tổ chức bộ máy
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, các cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp được chủ động xây dựng phương án sắp xếp tổ chức theo hướng tinh gọn, giảm những phòng, ban có chức năng trùng lắp, chồng chéo.
Tính đến 31/12/2005 theo báo cáo của 16 Bộ, cơ quan ngang Bộ, 10 cơ quan thuộc Chính phủ và 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sự biến động về tổ chức như sau:
2.1. Ở Trung ương:
Các tổ chức hành chính: tăng 24 đơn vị (6 Vụ, 16 Cục và 2 Tổng cục);
Các tổ chức sự nghiệp tăng 58 đơn vị, trong đó: Giáo dục đào tạo tăng 23 trường (tăng 12 trường đại học, 13 trường cao đẳng, 2 trường nghề và giảm 5 trường trung học chuyên nghiệp, 1 tổ chức khác); Y tế giảm 9 đơn vị, Văn hóa thông tin tăng 16 đơn vị; Nghiên cứu khoa học tăng 6 đơn vị; Sự nghiệp khác tăng 4 đơn vị.
2.2. Khối địa phương
2.2.1. Cấp tỉnh
Tổ chức hành chính tăng 164 đơn vị, trong đó Sở và tương đương tăng 124 đơn vị; Chi cục thuộc Ủy ban nhân dân tăng 3 đơn vị; Chi cục thuộc Sở tăng 37 đơn vị.
Tổ chức sự nghiệp tăng 1.427 đơn vị, trong đó Giáo dục đào tạo tăng 342 đơn vị (trường Đại học 3, trường Cao đẳng 8, Trung học phổ thông 232, Trung học chuyên nghiệp và dạy nghề 18, Trung tâm 9); Y tế tăng 214 đơn vị (Bệnh viện 135, Trung tâm 105, khác giảm 25); Văn hóa thông tin thể thao tăng 28 đơn vị (đài phát thanh truyền hình 12, Thư viện 2, tổ chức khác 20 và giảm bảo tàng 5); Sự nghiệp nghiên cứu khoa học tăng 20 đơn vị; Sự nghiệp khác tăng 823 đơn vị.
2.2.2. Cấp huyện
Tổ chức hành chính tăng 1.117 phòng
Tổ chức sự nghiệp tăng 4.111 đơn vị, trong đó Giáo dục - đào tạo tăng 3.082 đơn vị (Trường Trung học cơ sở tăng 961, Tiểu học tăng 1.104, Mầm non tăng 1.072, Trung tâm giảm 55); Y tế tăng 751 đơn vị; Văn hóa thông tin thể thao tăng 71 đơn vị; Sự nghiệp khác tăng 207 đơn vị.
2.3. Tổ chức thuộc khối Đảng, đoàn thể ở địa phương giảm 18 đơn vị
2.4. Doanh nghiệp Nhà nước giảm 640 đơn vị
2.5. Tổ chức tư vấn tăng 91 đơn vị
3. Tinh giản biên chế
Để thực hiện mục tiêu xây dựng cơ cấu, tiêu chuẩn chức danh công chức, viên chức nhằm nâng cao trình độ về chuyên môn, ngoại ngữ, tin học… cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và chủ động ký kết các hợp đồng lao động phù hợp với khối lượng công việc và khả năng nguồn tài chính của đơn vị, giảm dần áp lực về biên chế, tháo gỡ khó khăn cho đơn vị. Tính đến 31 tháng 12 năm 2005 theo báo cáo của 28 Bộ, ngành Trung ương, 56 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và theo số dự kiến thực hiện của 5 tỉnh: thành phố Hồ Chí Minh, Điện Biên, Khánh Hòa, Vĩnh Long, Trà Vinh, tổng số biên chế hành chính, sự nghiệp đã thực hiện tinh giảm như sau:
3.1. Tổng biên chế hành chính và sự nghiệp giảm
|
Tổng |
Chia ra |
|||
Hành chính |
Sự nghiệp |
Đảng, đoàn |
Doanh nghiệp |
||
|
50.378 |
9.748 |
37.195 |
3.248 |
187 |
Trung ương |
4.196 |
2.982 |
1.151 |
|
63 |
Địa phương |
46.182 |
6.766 |
36.044 |
3.248 |
124 |
3.2. Tỷ lệ giảm so với biên chế năm 2000 (mốc thực hiện Nghị quyết)
3.2.1. Biên chế hành chính, sự nghiệp năm 2000 do Chính phủ quản lý là 1.349.921 chỉ tiêu (biên chế hành chính 205.074, sự nghiệp 1.144.647 chỉ tiêu) thì tỷ lệ giảm chung đạt 3,48%; Trong đó:
- Hành chính đạt 4,75% (trung ương 3,02%, địa phương 6,35%);
- Sự nghiệp đạt 3,25% (trung ương 1,17%, địa phương 3,45%), Chia ra:
Tỷ lệ biên chế sự nghiệp giáo dục là 3,62% (trung ương 1,17%, địa phương 3,75%);
Tỷ lệ biên chế sự nghiệp y tế là 1,3% (trung ương 0,7%, địa phương 1,37%);
Tỷ lệ biên chế sự nghiệp Văn hoá thông tin thể dục thể thao là 3,16% (trung ương 1,33%, địa phương 3,51%);
Tỷ lệ biên chế sự nghiệp khác là 2,74% (trung ương 1,07%, địa phương 4,96%);
Tỷ lệ biên chế sự nghiệp nghiên cứu khoa học là 1,71% (ở trung ương).
3.2.2. Theo cơ cấu biên chế giảm
a. Các Bộ, ngành Trung ương
Tổng số biên chế đã giảm được 4.196 người (nghỉ hưu trước tuổi 2.459 người, thôi việc ngay 1.433 người) với kinh phí 68.875.617.000 đồng, trong đó:
- Quản lý hành chính 2.982 người (nghỉ hưu trước tuổi 1.433 người, thôi việc ngay: 1.549 người).
- Sự nghiệp: 1.151 người (nghỉ hưu trước tuổi 996 người, thôi việc ngay: 185 người).
- Doanh nghiệp nhà nước 63 người (nghỉ hưu 60 người, thôi việc 3 người).
b. Địa phương
Theo báo cáo của 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, số biên chế đã giảm được: 46.182 người với kinh phí 1.062.844.070.000 đồng, trong đó:
- Quản lý hành chính 6.766 người (nghỉ hưu trước tuổi 5.074 người, thôi việc ngay: 1.628 người, chuyển sang bán công 64 người).
- Sự nghiệp Giáo dục – Đào tạo: 31.563 người (nghỉ hưu trước tuổi 24.964 người, thôi việc ngay: 5.323 người, chuyển sang bán công 1.276 người).
- Sự nghiệp Y tế: 2.080 người (nghỉ hưu trước tuổi 1703 người, thôi việc ngay: 340 người, chuyển sang bán công 37 người).
- Sự nghiệp Văn hóa TTTDTT: 947 người (nghỉ hưu trước tuổi 529 người, thôi việc ngay: 393 người, chuyển sang bán công 25 người)
- Sự nghiệp khác: 1.454 người (nghỉ hưu trước tuổi 997 người, thôi việc ngay: 416 người, chuyển sang bán công 41 người).
- Khối Đảng, đoàn thể: 3.248 người (nghỉ hưu trước tuổi 2.312 người, thôi việc ngay: 936 người).
- Khối doanh nghiệp: 124 người (nghỉ hưu trước tuổi 66 người, thôi việc ngay: 58 người).
1. Về kết quả
1.1. Kết quả thực hiện tinh giản biên chế đạt 3,48%, so với chỉ tiêu 15% đề ra của Nghị quyết là thấp.
1.2. Việc sắp xếp tổ chức, tinh giản biên chế góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thể hiện:
- Thông qua việc rà soát, phân loại mà nhiều đơn vị đã xác định được số lượng và những người cần giảm. Tuy tỷ lệ giảm chưa đạt chỉ tiêu đề ra, nhưng qua việc tinh giảm đã góp phần làm cho bộ máy có điều kiện bổ sung những người trẻ hơn, qua đào tạo, có trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tin học … vào cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.
Theo báo cáo của 23 địa phương, cán bộ, công chức có trình độ từ cao đẳng trở nên đã tăng bình quân 13,9%; tuổi đời bình quân giảm 3,9 tuổi sau khi thực hiện tinh giảm biên chế.
- Từ việc rà soát, tinh giản biên chế, các đơn vị đã xây dựng được cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức, viên chức theo chức danh, tiêu chuẩn nghiệp vụ cho từng vị trí công việc trong mỗi cơ quan, đơn vị, từ đó có chính sách phù hợp trong quản lý, sử dụng như tuyển dụng, bổ nhiệm, luân chuyển, đánh giá, phân loại cán bộ, công chức hàng năm.
1.3. Tách rõ một bước biên chế hành chính với biên chế sự nghiệp
Bước đầu xác định, loại bỏ những nhiệm vụ không còn phù hợp, những nhiệm vụ bỏ sót cần bổ sung, những nhiệm vụ trùng lắp chuyển giao sang cơ quan, đơn vị khác thực hiện những nhiệm vụ cần phân cấp cho địa phương, cấp dưới và tổ chức sự nghiệp hoặc tổ chức dịch vụ công đã được xã hội hóa thực hiện để có cơ chế quản lý phù hợp.
1.4. Bảo đảm ổn định về tư tưởng
Nghị quyết được tổ chức triển khai đồng bộ, công khai, dân chủ, công bằng, cùng với những chính sách hỗ trợ hợp lý đã động viên và tạo điều kiện cho những người giảm biên chế sau khi nghỉ việc thoải mái về tư tưởng và có thêm một khoản kinh phí để bảo đảm ổn định cuộc sống.
2. Những hạn chế
2.1. Chưa thực sự giảm được những người cần giảm. Trong 50.378 người giảm có chủ yếu sắp đến tuổi nghỉ hưu (75,64%), những người có nhu cầu ra khỏi cơ quan nhà nước để thực hiện nguyện vọng cá nhân… Do vậy, mục tiêu của Nghị quyết đề ra chưa thật sự đạt được như mong muốn, tình trạng vừa thừa, lại vừa thiếu người làm việc trong một cơ quan, đơn vị vẫn chưa khắc phục được nhiều.
2.2. Cơ cấu giảm không cân đối, không đồng đều giữa các ngành, lĩnh vực. Qua tổng hợp và phân tích trên thì số lượng giảm chủ yếu chỉ tập trung vào việc giảm số giáo viên trong ngành giáo dục và đào tạo chưa đạt chuẩn trình độ theo quy định của Luật Giáo dục năm 2005.
Biên chế sự nghiệp giáo dục – đào tạo (chủ yếu là giáo dục phổ thông) chiếm 63,8%, quản lý nhà nước 19,38%, sự nghiệp y tế 4,38%, sự nghiệp văn hóa thông tin 4,95%, sự nghiệp nghiên cứu khoa học 0,56%, sự nghiệp khác 3,21% và khối đảng, đoàn thể (ở địa phương) 6,46% trong tổng số biên chế giảm…
2.3. Việc chi trả chế độ, chính sách cho những người được tinh giảm còn chậm, không đúng với thời gian nghỉ của người được hưởng chính sách, dẫn đến thắc mắc, khiếu kiện ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương, chính sách của Nghị quyết. Đó là:
- Do không xây dựng được phương án, chương trình và kế hoạch tổng thể để chủ động trong triển khai mà chủ yếu dựa trên cơ sở đề nghị của cá nhân cán bộ, công chức khi có nhu cầu nghỉ nên bị động, lúng túng, không tập trung, chờ đợi dẫn đến khi tổng hợp và lập dự toán kinh phí thì nhiều trường hợp đã nghỉ từ lâu nhưng chưa có tiền chi trả.
- Nhiều đơn vị đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ dẫn đến khiếu kiện làm chậm tiến độ thực hiện hoặc khi có kinh phí không tổ chức chi trả ngay.
2.4. Việc vận dụng chính sách tinh giản biên chế để giải quyết chính sách cho một số trường hợp không thuộc đối tượng tại một số Bộ, ngành và địa phương đã tạo nên sự bất bình đẳng giữa những người thực hiện đúng theo chế độ quy định với những người được vận dụng dẫn đến khiếu kiện, gây khó khăn cho các cơ quan có trách nhiệm thực thi nhiệm vụ.
3. Nguyên nhân
3.1. Quán triệt, chỉ đạo thực hiện
Sự nhận thức về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, nội dung của Nghị quyết của một số cán bộ, công chức lãnh đạo Bộ, ngành, địa phương chưa thống nhất và đầy đủ, ngại va chạm, muốn giữ ổn định tổ chức, biên chế của cơ quan mình cho đỡ phức tạp, nên chưa chấp hành nghiêm chỉnh, chưa thực sự quan tâm đúng mức, chưa có kế hoạch, biện pháp tổ chức triển khai tích cực dẫn đến kết quả thấp so với Nghị quyết đề ra. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến việc chỉ đạo vận dụng không đúng chính sách tinh giản biên chế.
3.2. Việc rà soát chức năng, nhiệm vụ và lập phương án sắp xếp tổ chức bộ máy tinh giảm biên chế.
Việc rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế của nhiều Bộ, ngành và địa phương không có phương án cụ thể ngay từ đầu, nên không có kế hoạch về số lượng người cũng như không xác định được ai là người trong diện phải sắp xếp giảm biên chế, ai là người sẽ giữ lại trong cơ cấu của đơn vị.
Công tác phân loại, đánh giá và thực hiện các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức tại một số đơn vị chưa tuân thủ những quy định của Đảng, Nhà nước, còn nể nang, chiếu nệ, hình thức dẫn đến khó khăn, vướng mắc khi đi vào thực hiện cụ thể.
3.4. Thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức
Các Bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm chỉnh chế độ nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, theo Chỉ thị số 668-TTg ngày 11/11/1994 và Chỉ thị số 18/2002/CT-TTg ngày 5/9/2002 của Thủ tướng Chính phủ, dẫn đến việc vận dụng để giải quyết cho cán bộ, công chức, viên chức còn thiếu thời gian từ 6 tháng trở xuống là đủ tuổi nghỉ hưu được hưởng chế độ nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị quyết 16/2000/NQ-CP , gây nên mâu thuẫn trong nội bộ đội ngũ giữa những người về hưu đúng tuổi và những người nghỉ hưu sớm được áp dụng chính sách tinh giản biên chế. Thậm chí khi Chính phủ ban hành Nghị định 01/2003/NĐ-CP ngày 9/01/2003 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Điều lệ Bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị định 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ nhưng các Bộ, ngành và địa phương vẫn vận dụng để giải quyết theo chính sách của Nghị quyết số 16/2000/NQ-CP đối với những người đủ điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng Bảo hiểm xã hội.
Một số địa phương vận dụng chính sách theo Nghị quyết để giải quyết cho cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo bầu cử nay thôi giữ chức vụ lãnh đạo do sắp xếp cán bộ, không phải do sắp xếp giảm đầu mối tổ chức bộ máy.
3.4. Kết quả thực hiện tinh giản biên chế thấp so với chỉ tiêu đề ra.
- Không cương quyết, nể nang, né tránh, ngại va chạm, muốn giữ ổn định tổ chức, bộ máy và biên chế hiện tại.
- Thực hiện không tốt việc rà soát, phân loại để có căn cứ đưa vào trong diện tinh giản biên chế;
- Nghị quyết 16/2000/NQ-CP đề ra chỉ tiêu giảm 15% biên chế hành chính và biên chế gián tiếp trong đơn vị sự nghiệp nên thực hiện khó khăn và kết quả thấp. Đến Nghị quyết số 09/2003/NQ-CP bổ sung đối tượng biên chế sự nghiệp và các chức danh quản lý trong doanh nghiệp thì số lượng thực hiện (nhất là đối với biên chế sự nghiệp giáo dục – đào tạo) mới được tăng cao.
- Trong đề án kiện toàn tổ chức, tinh giản biên chế theo Quyết định 207/1999/QĐ-TTg của các Bộ, ngành và địa phương (có sự phê duyệt của cấp ủy đảng) trình Chính phủ phê duyệt, cũng chỉ xác định biên chế giảm được 6 – 7%.
3.5. Các chính sách của Nghị quyết
Việc quy định về tuổi đời đối với cán bộ, công chức trong diện tinh giản biên chế thực hiện nghỉ hưu trước tuổi như: đủ 55 tuổi đến dưới 60 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nữ và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên thì được nghỉ hưu trước tuổi… đã tạo ra có sự vận dụng để giải quyết chính sách cho một số cán bộ, công chức đã đến tuổi nghỉ hưu, thậm chí có người chỉ còn thiếu 1 đến hai tháng là đủ tuổi nghỉ theo quy định của điều lệ bảo hiểm xã hội.
Nghị quyết 16/2000/NQ-CP và Nghị quyết 09/2003/ NQ-CP của Chính phủ hết hiệu lực thi hành từ 31/12/2005. Nhưng hiện nay, việc đổi mới cơ chế quản lý đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp dịch vụ công như:
Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 04 năm 2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định 130/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác.
Chỉ thị 40/-CT-TW ngày 15 tháng 6 năm 2004 của Ban Chấp hành Trung ương về việc xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.
Tiếp tục thực hiện việc sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước…
Như vậy, trong thời gian tới việc cải cách tổ chức, bộ máy nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ. Để hỗ trợ cho việc tinh giản tổ chức, cán bộ, công chức đề nghị Chính phủ xem xét cho tiếp tục thực hiện chính sách tinh giản biên chế, theo Nghị quyết 16/2000/NQ-CP và Nghị quyết 09/2003/NQ-CP của Chính phủ. Bộ Nội vụ sẽ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ để triển khai.
Bộ Nội vụ báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.