BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 987/BC-BNN-TT |
Hà Nội, ngày 06 tháng 04 năm 2012 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1592/VPCP-TH ngày 13 tháng 3 năm 2012 về việc xử lý thông tin phản ánh trên báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh số ra ngày 24 -25/2/2012 nêu một số nông dân thuộc HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) và HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Vĩnh Long) đã được chứng nhận GlobalGAP năm 2008, 2009 nhưng hiện nay đã xin ra khỏi HTX sản xuất GAP.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ như sau:
1. Tình hình áp dụng GlobalGAP không thành công như báo phản ánh
Các thông tin Báo phản ánh là đúng sự thật. HTX Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) và HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Vĩnh Long) là những đơn vị đầu tiên ở nước ta đã nhận được chứng chỉ GlobalGAP do Hiệp hội bán lẻ Châu Âu xây dựng, được áp dụng trên toàn cầu. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng một số nông dân đang xin ra khỏi HTX sản xuất theo GlobalGAP.
Lý do không thành công, một số nông dân xin ra khỏi những mô hình là:
- Những năm đầu mới được chứng nhận GlobalGAP, Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim và bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Vĩnh Long) có thị trường xuất khẩu sang Mỹ, Hà Lan…, giá bán có lợi cho dân. Tuy nhiên, từ 2011 gặp khó khăn do thị trường giảm dần, trong khi ở trong nước chưa có kênh tiêu thụ riêng, nên sản phẩm được chứng nhận GlobalGAP đang bị thương lái mua với giá như sản phẩm không chứng nhận.
- Áp dụng GlobalGAP nông dân phải tuân thủ hơn 250 tiêu chí, trả tiền chứng nhận… nên nếu không bán được nhiều hơn, giá cao hơn thì nông dân sẽ quay về cách làm cũ, vốn là thói quen lâu đời của họ.
- Chi phí chứng nhận GlobalGAP khá cao (khoảng 3-5 nghìn USD/mô hình, tùy diện tích) và hiệu lực Giấy chứng nhận chỉ có 01 năm, sau đó muốn duy trì phải trả chi phí chứng nhận lại nên nông dân không muốn đầu tư tiếp, khi mà đầu ra chưa ổn định.
- Những mô hình này giai đoạn đầu được địa phương hỗ trợ kinh phí xây dựng và chứng nhận; hiện nay địa phương khó khăn không tiếp tục hỗ trợ nên dân không muốn bỏ tiền duy trì, chứng nhận tiếp.
Tuy nhiên, tình trạng như Báo nêu chỉ là cá biệt, trên diện tích chưa nhiều.
2. Những mô hình ứng dụng GAP thành công
Hiện nay, trong lĩnh vực trồng trọt, ngoài VietGAP rau, quả, chè, lúa, cà phê do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành, còn có các GAP khác như GlobalGAP, 4C, UTZ Certifiled, Rain Forest, MetroGAP… Từ 2008 đến nay cả nước có khoảng 70 nghìn ha sản xuất theo GAP hoặc theo hướng GAP, trong đó GlobalGAP chỉ có khoảng 465 ha.
Một số mô hình thành công điển hình:
- Sản xuất cà phê vùng Tây Nguyên: đến 2009 có 19.995 hộ, 29.586 ha, sản lượng 93,6 nghìn tấn cà phê nhân được chứng nhận Utz Certified và 16 nghìn hộ, 28,5 nghìn ha, 90 nghìn tấn cà phê được chứng nhận 4C. Toàn bộ sản phẩm chứng nhận được tiêu thụ với giá cao hơn. Kinh phí chứng nhận do các Công ty thu mua, tiêu thụ cà phê chi trả.
- Sản xuất chè: toàn bộ 1.600 ha chè của Công ty Phú Bền - Phú Thọ được chứng nhận Rain Forest do lãnh đạo Công ty tập trung đầu tư, chỉ đạo và có đầu ra ổn định.
- Sản xuất thanh long: Bình Thuận đã có hơn 5.000 ha/15.000 ha được chứng nhận VietGAP, trong đó có hơn 500 ha được Công ty của Mỹ sang kiểm tra thực địa và hợp đồng mua. Tỉnh Bình Thuận có Ban Chỉ đạo do Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách, chỉ đạo quyết liệt, phân công đơn vị tư vấn, đơn vị đánh giá chứng nhận cụ thể, ngân sách nhà nước hỗ trợ. Kế hoạch đến 2015 toàn bộ 15.000 ha thanh long được chứng nhận VietGAP…
Những mô hình thành công đều có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, có vai trò của doanh nghiệp hoặc nhà nước hỗ trợ chứng nhận và tiêu thụ sản phẩm.
3. Định hướng và biện pháp chỉ đạo
a) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trương tiếp tục đẩy mạnh áp dụng GAP trong sản xuất, vì đây là xu thế phát triển tất yếu và trong Luật An toàn thực phẩm đã quy định phải thiết lập khuôn khổ pháp lý và tổ chức thực hiện lộ trình bắt buộc áp dụng GAP trong quá trình sản xuất.
b) Các loại GAP và hướng áp dụng ở Việt Nam
- GlobalGAP áp dụng đối với các sản phẩm đặc thù khi có hợp đồng bao tiêu chắc chắn, trong đó yêu cầu phải chứng nhận GlobalGAP.
- Các loại GAP khác do các tổ chức Quốc tế quy định (GlobalGAP, 4C, UTZ Certifiled, Rain Forest): áp dụng cho sản phẩm xuất khẩu chủ lực như chè, cà phê, ca cao, tiêu… thông qua các dự án đối tác công tư PPP, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của Quốc tế hỗ trợ nông dân tổ chức sản xuất, chứng nhận GAP và tiêu thụ sản phẩm.
- VietGAP theo tiêu chuẩn Việt Nam tiến tới hòa nhập quốc tế: trước mắt áp dụng đối với các sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong nước ở 02 cấp độ:
+ Mức độ tối thiểu (theo hướng VietGAP) ở dạng quy chuẩn kỹ thuật với một số chỉ tiêu chủ yếu nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, không bắt buộc phải thuê chứng nhận, người sản xuất có thể tự công bố sản phẩm an toàn;
+ Mức độ cao với đầy đủ chỉ tiêu của VietGAP: khuyến khích áp dụng; đồng thời nâng cấp VietGAP tương đương các GAP khác để được thừa nhận trên thị trường quốc tế.
c) Với định hướng trên, trong thời gian tới Bộ và các địa phương tăng cường hướng dẫn các cơ sở sản xuất, đặc biệt lĩnh vực rau, quả tự tổ chức lại sản xuất, trước hết thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật theo hướng VietGAP nhằm đảm bảo sản phẩm an toàn; còn việc áp dụng GAP nào, khi nào cần thuê cấp Giấy chứng nhận GAP, quy mô chứng nhận bao nhiêu… phải căn cứ yêu cầu của thị trường tiêu thụ.
4. Một số chính sách và kiến nghị
a) Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 107/2008/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ sản xuất, chế biến, tiêu thụ rau, quả, chè an toàn. Từ 2010, Chính phủ cho triển khai Dự án QSEAP vay 85 triệu USD vốn ADB hỗ trợ cho 16 tỉnh, thành phố áp dụng VietGAP trong sản xuất rau, quả, chè an toàn. Đến nay có 17 tỉnh, thành phố ban hành các chính sách hỗ trợ và phê duyệt các dự án cụ thể với mức độ hỗ trợ khác nhau tùy điều kiện ngân sách địa phương.
b) Ngày 09/01/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 01/2012/QĐ-TTg về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (thay thế Quyết định 107/2008/QĐ-TTg). Các nội dung hỗ trợ gồm: xác định vùng sản xuất tập trung đủ điều kiện an toàn thực phẩm; xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng vùng sản xuất tập trung; đào tạo tập huấn; hỗ trợ một lần kinh phí chứng nhận…
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tập trung phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để trước tháng 6/2012 hoàn thành xây dựng các Thông tư hướng dẫn Quyết định 01/2012/QĐ-TTg về cơ chế tài chính; danh mục sản phẩm được hỗ trợ; công nhận các GAP khác ngoài VietGAP được áp dụng ở Việt Nam và được hưởng chính sách hỗ trợ; quy chế chỉ định và quản lý hoạt động các tổ chức chứng nhận theo hướng nâng cao chất lượng, hoạt động công khai, minh bạch hơn.
c) Đi đôi với việc hỗ trợ nông dân sản xuất thì việc tổ chức tiêu thụ sản phẩm an toàn do nông dân làm ra đang là khâu hạn chế nhất hiện nay. Vì vậy, bên cạnh mở rộng thị trường xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Y tế phối hợp để từng bước tạo lập thị trường tiêu thụ sản phẩm an toàn ở trong nước. Trước mắt cần quy định bắt buộc một số khu vực (siêu thị, nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể, cửa hàng bán lẻ; tổ chức, cá nhân chế biến, xuất khẩu…) phải tiêu thụ sản phẩm an toàn, có địa chỉ, có nguồn gốc; tiến tới bắt buộc với tất cả các đối tượng khác buôn bán, kinh doanh trên thị trường; tạo được sự tin tưởng của người tiêu dùng, tăng sức mua, thúc đẩy sản xuất phát triển ổn định.
Trên đây là kết quả kiểm tra sự việc Báo Tuổi trẻ thành phố Hồ Chí Minh nêu và biện pháp chỉ đạo trong thời gian tới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ./.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.