CHÍNH
PHỦ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 79/BC-CP |
Hà Nội, ngày 10 tháng 3 năm 2017 |
VIỆC THỰC HIỆN MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI NĂM 2016
Kính gửi: Quốc hội.
Thực hiện Điều 25 Luật Bình đẳng giới, Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2016 với những nội dung cụ thể như sau:
I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN LUẬT BÌNH ĐẲNG GIỚI
Sau gần 10 năm Luật bình đẳng giới có hiệu lực thi hành, việc thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật được thực hiện bài bản hơn. Năm 2016, nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác bình đẳng giới đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành ban hành hoặc trình ban hành theo thẩm quyền đảm bảo lồng ghép vấn đề bình đẳng giới1.
Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2016 đã tạo ra khung pháp lý chặt chẽ, mang tính nguyên tắc, định hướng nội dung, quy trình của việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Để triển khai thực hiện Luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngay sau khi Nghị định được ban hành, hầu hết các Bộ, ngành đã tiến hành triển khai, hướng dẫn việc thực hiện Luật trong đơn vị mình, trong đó lưu ý các vấn đề mới liên quan đến nội dung lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Một số Bộ như Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải đã chủ động ban hành Thông tư quy định về việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực do Bộ quản lý, trong đó nội dung Thông tư đã bám sát các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật bình đẳng giới về việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới.
Theo báo cáo về tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới của các Bộ, ngành, địa phương2, việc xây dựng, ban hành và triển khai các quy định của Luật Bình đẳng giới đã được Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện, về cơ bản, các nguyên tắc bình đẳng giới, trình tự lồng ghép vấn đề bình đẳng giới đã được áp dụng trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo lĩnh vực quản lý. Một số đơn vị đã chủ động xây dựng các chính sách riêng nhằm hỗ trợ phụ nữ3.
Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Qua theo dõi báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương cho thấy, mặc dù việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng chiến lược, chương trình, kế hoạch và dự án phát triển kinh tế - xã hội đã được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm song còn ở mức độ hạn chế. Đây là một trong các nội dung còn tồn tại trong triển khai công tác bình đẳng giới trong giai đoạn hiện nay.
2. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới
Nhằm tiếp tục nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện tốt công tác truyền thông về bình đẳng giới. Cụ thể như:
- Định hướng các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới cho mọi tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục duy trì hoạt động truyền thông về bình đẳng giới dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Nhiều địa phương đã có sáng kiến hay trong việc tổ chức các hoạt động truyền thông thu hút được sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân4.
- Triển khai các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, tập huấn, nhằm tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.
- Triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới (Tháng hành động). Năm 2016 là năm đầu tiên Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức Tháng hành động với chủ đề “Chung tay xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” từ ngày 15/11-15/12 trên phạm vi toàn quốc. Nhiều thông điệp, hình ảnh truyền thông kêu gọi mọi người dân cùng chung tay xóa bỏ bất bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đã được lan tỏa rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đã có 07 Bộ, ngành, 55 tỉnh, thành phố, 18 tổ chức trong nước và quốc tế tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động, thu hút hàng vạn người trực tiếp tham gia.
3. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ hoạt động về bình đẳng giới
a) Tổ chức, bộ máy làm công tác bình đẳng giới
Thực hiện quy định về cơ cấu tổ chức của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội5, hầu hết các địa phương đã giao việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bình đẳng giới cho Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới đảm nhiệm. Riêng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Ninh vẫn giữ Phòng Bình đẳng giới và một số tỉnh như Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Lai Châu tiếp tục giao cho Văn phòng Sở thực hiện công tác này.
Tổng hợp số liệu từ các báo cáo cho thấy, cả nước hiện có 1.089 cán bộ làm công tác bình đẳng giới, trong đó: cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là 143 người (nữ chiếm 75%); cấp huyện là 946 người (nữ chiếm 70,7%); ở cấp xã công tác bình đẳng giới do cán bộ phụ trách công tác Lao động - Thương binh và Xã hội kiêm nhiệm (riêng Thành phố Hồ Chí Minh và Sóc Trăng có 1/2 cán bộ làm công tác bình đẳng giới).
Trong 143 cán bộ làm công tác bình đẳng giới tại cấp tỉnh/thành phố có 78 cán bộ chuyên trách, còn lại phần lớn là cán bộ Lãnh đạo hoặc phụ trách kiêm nhiệm. Trung bình mỗi Sở có 2 cán bộ làm công tác bình đẳng giới. Tuy nhiên, nếu xét riêng thì sự phân bổ cán bộ ở các địa phương không đều, phần lớn các Sở chỉ giao cho 01 cán bộ thực hiện công tác này. Như vậy, số lượng cán bộ làm công tác bình đẳng giới hiện nay còn ít so với yêu cầu triển khai nhiệm vụ được giao. Nhiều địa phương còn chưa bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác bình đẳng giới. Điều này cho thấy, việc bố trí nguồn lực cho thực hiện công tác này còn chưa được quan tâm đầy đủ và đúng mức.
b) Hoạt động đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực về bình đẳng giới
Nhằm góp phần nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác bình đẳng giới, các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác bình đẳng giới, lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng chính sách, pháp luật và đồng thời xây dựng, phát triển các tài liệu về lĩnh vực công tác này.
4. Xây dựng, duy trì các mô hình cung cấp dịch vụ, hỗ trợ bình đẳng giới
Việc xây dựng và triển khai một số mô hình cung cấp dịch vụ hỗ trợ bình đẳng giới thông qua Chương trình quốc gia về bình đẳng giới và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong giai đoạn 2011 - 2015 được đánh giá là đã đem lại những hiệu quả tích cực trong việc thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới ở Việt Nam.
Ngày 26/8/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016 - 2020. Chương trình này đã bao gồm nội dung về xây dựng và triển khai một số mô hình cung cấp dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Việc triển khai các mô hình này gắn liền với việc triển khai Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 và Đề án phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016- 2020, tầm nhìn đến 2030.
Ngoài ra, trong khuôn khổ hợp tác với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã xây dựng đề xuất Dự án xây dựng mô hình hỗ trợ phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái tại Việt Nam. Dự án sẽ được thực hiện tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn 2017-2019. Một số tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế cũng đã phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước thí điểm các mô hình phòng chống bạo lực trên cơ sở giới như: Actionaid, Plan, Csaga,...
Năm 2016, công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về bình đẳng giới đã được nhiều Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện.
Các Bộ, ngành, địa phương đã tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về bình đẳng giới tại các cơ quan, doanh nghiệp, trong đó đã tiến hành xử phạt hành chính đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về bình đẳng giới tại một số địa phương và việc chấp hành các quy định về bình đẳng giới tại 121 doanh nghiệp trên địa bàn 16 tỉnh, thành phố6. Qua thanh tra, kiểm tra chưa phát hiện hành vi vi phạm nghiêm trọng liên quan đến việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, song đã có những kiến nghị cụ thể để các địa phương, đơn vị thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới cũng như thực hiện đúng chính sách, pháp luật về bình đẳng giới.
Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đã xây dựng kế hoạch và triển khai 05 đoàn kiểm tra tại 04 Bộ, ngành (Bộ Tài chính, Đảng ủy khối cơ quan Trung ương, Bộ Ngoại giao, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) và 05 địa phương (thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Tiền Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Điện Biên). Kết quả kiểm tra tại các đơn vị, địa phương cho thấy: công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ đã được triển khai ngày một bài bản hơn. Một số đơn vị, địa phương đã có sáng kiến lồng ghép công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ trong quá trình triển khai nhiệm vụ chuyên môn (như các hoạt động nghiên cứu hỗ trợ việc triển khai lồng ghép giới trong một số lĩnh vực, hội thi tuyên truyền viên, dân vận khéo...). Các đoàn kiểm tra cũng ghi nhận nhiều kiến nghị, đề xuất từ đơn vị, địa phương liên quan tới việc hướng dẫn triển khai hoạt động, tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực và một số vấn đề gây tổn thất nhiều cho người dân trên địa bàn nói chung, phụ nữ và trẻ em gái nói riêng như tình trạng biến đổi khí hậu, xâm lấn biển, ngập mặn tại Bạc Liêu, Cà Mau.
Đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, các Bộ, ngành, địa phương không nhận được vụ việc nào có nội dung khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực bình đẳng giới.
6. Công tác nghiên cứu, thống kê, công bố thông tin, số liệu về bình đẳng giới
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng số liệu các chỉ tiêu thuộc Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới của quốc gia và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan đánh giá việc triển khai chế độ báo cáo theo quy định. Kết quả cho thấy, có 13/105 chỉ tiêu (12,38%) đã thu thập được đầy đủ số liệu theo các phân tổ, 68/105 chỉ tiêu (64,76%) thu thập số liệu không đầy đủ các phân tổ và 24/105 chỉ tiêu (22,85%) không thu thập được số liệu.
Trong khuôn khổ hợp tác với Cơ quan Liên hợp quốc về trao quyền cho phụ nữ (UNWomen), Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thu thập biên soạn, xuất bản cuốn “Thực tiễn và số liệu về phụ nữ và nam giới tại Việt Nam 2010 - 2015”.
7. Công tác bố trí kinh phí cho hoạt động bình đẳng giới
Thực hiện chủ trương về tiết kiệm chi ngân sách, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các Bộ, ngành có liên quan trong việc điều hành, phân bổ kịp thời kinh phí ngân sách cho hoạt động bình đẳng giới tại các Bộ, ngành, địa phương và việc triển khai, thực hiện Chiến lược và Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới theo hướng tiết kiệm, hiệu quả. Cụ thể như sau:
- Kinh phí triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 2351/QĐ-TTg ngày 24/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của các Bộ, ngành, địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
- Kinh phí triển khai thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 và Đề án phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030: ngoài kinh phí thường xuyên của các Bộ, ngành, địa phương và từ nguồn huy động hợp tác quốc tế, Chính phủ đã bố trí cho các Bộ, ngành, địa phương 9.160 triệu đồng để thực hiện Dự án “Hỗ trợ thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới” thuộc Chương trình mục tiêu Phát triển hệ thống trợ giúp xã hội giai đoạn 2016- 2020 (trong đó Bộ, ngành 4.900 triệu đồng; địa phương 4.260 triệu đồng).
Bên cạnh ngân sách trung ương, một số địa phương chủ động bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương để thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới (Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc...).
8. Hoạt động hợp tác quốc tế về bình đẳng giới
Trong năm 2016, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan chủ động, tích cực tham gia các hội nghị, hội thảo, hoàn thành tốt nghĩa vụ thành viên của Chính phủ Việt Nam trong việc đóng góp tiếng nói tại các diễn đàn quốc tế toàn cầu (Liên hợp quốc) và khu vực (APEC, ASEAN) cũng như đẩy mạnh hợp tác với các đối tác truyền thống. Cụ thể như sau:
- Duy trì tham gia nghĩa vụ thường niên của Ủy ban Địa vị Phụ nữ Liên Hợp quốc (CSW) lần thứ 60 với sự tham dự của đoàn đại biểu cấp cao tại Phiên họp định kỳ nhằm cập nhật công tác về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của Liên hợp quốc, thúc đẩy thực hiện các cam kết Liên hợp quốc mà Việt Nam đã và đang tham gia như Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW), Cương lĩnh hành động Bắc Kinh vì sự tiến bộ của phụ nữ và cam kết tiếp tục thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) theo nguyên tắc bình đẳng giới.
- Đối với hợp tác thúc đẩy bình đẳng giới trong APEC, với trọng tâm chuẩn bị cho công tác đăng cai và tổ chức Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế trong APEC năm 2017, Ủy ban quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam đã tham gia tích cực trong vai trò là Đồng Chủ tịch Diễn đàn này với Peru năm 2016.
- Đối với tăng cường hợp tác song phương và đa phương về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ: Tiếp tục hợp tác hiệu quả với Đại sứ quán Úc tại Việt Nam; các cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam như: Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Cơ quan phụ nữ Liên hợp quốc (UN Women) và Hàn Quốc để tăng cường hỗ trợ về kỹ thuật của các chuyên gia trong nước và quốc tế nhằm thúc đẩy việc thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011- 2020, Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020, Đề án phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến 2030.
II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÁC MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI NĂM 2016
Theo báo cáo của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương, kết quả thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới năm 2016 đạt được như sau:
- Chỉ tiêu 1: Phấn đấu đạt tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2015- 2020 từ 25% trở lên; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2020 trên 35%.
Theo thông báo kết quả bầu cử tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và Báo cáo kết quả đại hội đảng bộ, chi bộ cơ sở nhiệm kỳ 2015 - 2020 cho thấy tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy tại cả 3 cấp cơ sở, huyện, tỉnh đều không đạt tỷ lệ 25% đề ra (số liệu này đã được báo cáo tại Báo cáo số 76/BC-CP ngày 15 tháng 3 năm 2016 của Chính phủ về tình hình thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2015 và giai đoạn 2011- 2015).
Kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 đạt được như sau:
+ Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV là 26,72%, tăng 2,62% so với nhiệm kỳ trước.
+ Tỷ lệ nữ đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 cấp tỉnh đạt 26,54% (tăng 1,37%); cấp huyện đạt 27,85% (tăng 3,23%) và cấp xã đạt 26,59% (tăng 4,88%).
Mặc dù, kết quả chưa đạt chỉ tiêu so với Chiến lược đề ra, tuy nhiên sau 2 khóa Quốc hội (XII và XIII) liên tục giảm, nhiệm kỳ này đã bắt đầu có sự tăng trở lại, đồng thời cũng đánh dấu một sự kiện quan trọng là lần đầu tiên Việt Nam có nữ Chủ tịch Quốc hội. Đây cũng là nhiệm kỳ có tỷ lệ nữ ứng cử viên sau vòng hiệp thương 3 cao nhất so với một số nhiệm kỳ gần đây, đạt 38,79%. Bên cạnh những “điểm sáng” như Bắc Kạn có 4/6 đại biểu là nữ (đạt 66,67%), Bắc Giang đạt 62,5% và Quảng Ngãi đạt 57,14%, vẫn có 03 tỉnh (Quảng Nam, Tây Ninh, Thừa Thiên - Huế) không có nữ đại biểu Quốc hội. Điều này cho thấy cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác cán bộ nữ và quan tâm hơn đến công tác quy hoạch cán bộ, chuẩn bị nguồn nhân lực tham gia ứng cử, đồng thời cũng cần có giải pháp để tăng số nữ đại biểu chuyên trách.
Với các kết quả đạt được nêu trên, chỉ tiêu này không đạt so với yêu cầu của Chiến lược đề ra.
- Chỉ tiêu 2: Phấn đấu đến năm 2020 đạt 95% Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ
Tính đến hết tháng 31/12/2016, có 12/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có nữ cán bộ đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo chủ chốt, chiếm tỷ lệ 40%, gồm: 9/22 Bộ, cơ quan ngang Bộ7 và 03/08 cơ quan thuộc Chính phủ8.
Ở cấp tỉnh, có 16/63 địa phương có nữ lãnh đạo chủ chốt (gồm 01 địa phương có nữ giữ chức danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và 15 địa phương có nữ giữ chức danh Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh), chiếm tỷ lệ 25,39%.
Ở cấp huyện, một số địa phương có tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý cấp huyện cao từ 20% trở lên như: Bình Dương (24,24%), thành phố Hồ Chí Minh (22,45%), Ninh Bình (20,69%). Các tỉnh Cà Mau, Bình Thuận, Bình Định không có nữ lãnh đạo, quản lý cấp này.
Ở cấp xã, thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý cấp xã cao nhất (chiếm 32,18%), tiếp theo là các tỉnh, thành phố Đà Nẵng (25,79%), Bình Dương (25,40%), Đồng Nai (24,8%). Nhiều tỉnh, thành phố có tỷ lệ lãnh đạo, quản lý cấp xã thấp đạt dưới 5%, trong đó phần lớn là các tỉnh, thành phố miền Bắc.
Chỉ tiêu này chưa đạt so với yêu cầu của Chiến lược đề ra.
- Chỉ tiêu 3: Phấn đấu đến năm 2020 đạt 70% cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội có lãnh đạo chủ chốt là nữ nếu ở cơ quan, tổ chức có tỷ lệ 30% trở lên nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động
Số liệu của chỉ tiêu này rất khó để thu thập, hiện tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan chủ trì thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ chỉ tiêu này trong Chiến lược.
- Chỉ tiêu 1: Hằng năm, trong tổng số người được tạo việc làm mới, bảo đảm ít nhất 40% cho mỗi giới (nam và nữ)
Số liệu thống kê cho thấy, cả nước có 53,27 triệu lao động có việc làm, trong đó, có 25,8 triệu lao động nữ có việc làm (chiếm 48,48%). Năm 2016, giải quyết việc làm cho khoảng 1,641 triệu lao động, trong đó lao động nữ chiếm 48%.
Như vậy, chỉ tiêu này đạt kết quả so với chỉ tiêu của Chiến lược đề ra.
Tuy nhiên, chất lượng việc làm của lao động nữ còn chưa ổn định và thiếu bền vững bởi các yếu tố như: lao động nữ thường làm trong các ngành, lĩnh vực có trình độ chuyên môn không cao như dịch vụ, dệt may, da giày,... (chiếm khoảng 70% tổng số lao động trong các ngành này); 62,4% lao động nữ làm việc trong gia đình không hưởng lương/công và tự làm (tỷ lệ này cả nước là 55,9%); 41,1% lao động nữ làm những công việc giản đơn (tỷ lệ này của cả nước là 38,3%); 43,6% lao động nữ làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp (tỷ lệ này của cả nước là 42%). Lương bình quân hàng tháng của lao động nữ làm công hưởng lương khoảng 4,58 triệu đồng, thấp hơn so với lao động nam là 5,19 triệu đồng.
Việc thông tin về thị trường lao động đã có những hình thức phù hợp với lao động nữ, đảm bảo lao động nữ được tiếp cận thông tin một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Tại thời điểm Quý III/2016, cả nước có 1.117,7 nghìn người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, trong số lao động thất nghiệp nam là 619,4 nghìn người (chiếm 55,4%), lao động thất nghiệp nữ là 498,4 nghìn người (chiếm 44,6%). Theo hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp năm 2016, có 592.440 người đề nghị, trong đó tỷ lệ lao động nữ có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp chiếm 57,2% (tương đương 335.445 người), tỷ lệ lao động nam có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 42,8% (tương đương với 250.799 người).
- Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp đạt từ 35% vào năm 2020
Qua rà soát có 45 địa phương báo cáo thống kê được số liệu về chỉ tiêu này trong năm 2016, trong đó chỉ có 5 địa phương đạt tỷ lệ nữ làm chủ doanh nghiệp từ 30% trở lên gồm: Thành phố Hồ Chí Minh (33,06%), Ninh Thuận (30,2%), Cao Bằng (30%), Hậu Giang (31%), riêng đối với Bình Dương, tỷ lệ nữ tham gia ban lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước đạt 50%.
Như vậy, chỉ tiêu này chưa đạt kết quả so với yêu cầu đề ra.
- Chỉ tiêu 3: Tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 50% vào năm 2020
Năm 2016, kết quả thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đạt tỷ lệ 39,1%. Tuy nhiên, việc thống kê có phân tổ theo độ tuổi vẫn chưa thực hiện được, nên chưa có đủ căn cứ đánh giá kết quả thực hiện chỉ tiêu.
Tuyển sinh đào tạo nghề được thực hiện linh hoạt, nhiều đợt trong năm theo hình thức xét tuyển tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có nhiều cơ hội vào học nghề. Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ, đặc biệt ở khu vực nông thôn được chú trọng, ước có khoảng trên 46% lao động nữ được học nghề theo chính sách của Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; trên 40% lao động nữ được giải quyết việc làm.
- Chỉ tiêu 4: Tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức đạt 100% vào năm 2020
Chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo là một chính sách lớn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm nhằm giúp người nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo, trong đó có những hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Công tác này được thực hiện qua nhiều kênh, như: từ Ngân hàng chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ giúp phụ nữ nghèo xóa đói giảm nghèo, Quỹ Quốc gia về việc làm do ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí, các chương trình vay vốn do nước ngoài tài trợ...
Hiện nay, chưa có số liệu tổng hợp về tỷ lệ nữ ở vùng nông thôn nghèo, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức. Nguyên nhân là do công tác thống kê và thu thập số liệu còn gặp một số khó khăn, vướng mắc nhất định9. Do đó, chỉ tiêu này chưa có đủ căn cứ đánh giá kết quả thực hiện.
Tuy nhiên, tính đến tháng 11/2016, tổng nguồn vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm đạt trên 5.040 tỷ đồng, doanh số cho vay hàng năm từ 2.000 - 2500 tỷ đồng, góp phần hỗ trợ giải quyết việc làm cho khoảng 100 nghìn lao động mỗi năm (năm 2016 hỗ trợ tạo việc làm cho khoảng 105 nghìn lao động), trong đó lao động nữ chiếm khoảng 60%. Nhiều mô hình tạo việc làm, nâng cao tay nghề dành cho phụ nữ đã được hỗ trợ vay vốn như: mô hình câu lạc bộ chị em phụ nữ, mô hình tổ vay vốn, mô hình chị em yêu khoa học, mô hình phụ nữ liên kết với doanh nghiệp... đã góp phần tăng cường sự tham gia của lao động nữ trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội.
- Chỉ tiêu 1: Tỷ lệ biết chữ của nam và nữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn đạt 95% vào năm 2020
Số liệu điều tra hiện trạng mù chữ theo độ tuổi của nam và nữ năm học 2016 của 63 tỉnh, thành phố như sau:
Tỷ lệ biết chữ độ tuổi từ 15-35 của toàn quốc là: là 98,69%, trong đó tỷ lệ biết chữ của người dân tộc thiểu số là 95,82%.
Tỷ lệ biết chữ độ tuổi từ 15 - 60 của toàn quốc hiện nay là 97,73%, trong đó tỷ lệ biết chữ của người dân tộc thiểu số là 95,53%.
Mặc dù tỷ lệ biết chữ của nam và nữ theo các nhóm tuổi đều >95%, tuy nhiên số liệu thống kê trên chưa khớp với phân tổ độ tuổi theo chỉ tiêu của Chiến lược. Chỉ tiêu này đang dự kiến được sửa đổi nhằm đảm bảo sự thống nhất và có cơ sở để đánh giá việc thực hiện.
- Chỉ tiêu 2: Tỷ lệ nữ thạc sỹ đạt 50%, tỷ lệ tiến sỹ đạt 25% vào năm 2020
Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2016, ngành giáo dục có 6/65 nữ Giáo sư (chiếm tỷ lệ 9,23%, có 198/638 nữ Phó giáo sư (chiếm tỷ lệ 29,53%).
Tuy nhiên, hiện chưa có số liệu thống kê tỷ lệ nữ thạc sỹ và tiến sỹ trên phạm vi toàn quốc, vì vậy chưa có căn cứ để đánh giá việc thực hiện chỉ tiêu này.
4. Mục tiêu “Bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe”
- Chỉ tiêu 1: Tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 115 trẻ sơ sinh trai/trẻ sơ sinh gái vào năm 2020
Theo báo cáo của Bộ Y tế, tỷ số giới tính khi sinh năm 2016 là 113 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái, tăng 0,2 điểm phần trăm so với năm 2015. Đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Chiến lược.
- Chỉ tiêu 2: Giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản xuống 52/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2020
Năm 2016, ước tính tỷ số tử vong mẹ ở mức khoảng 58/100.000 trẻ sơ sinh sống, số liệu báo cáo thống kê hàng năm và so sánh với số liệu 2 cuộc điều tra chính thức trước đây cho thấy, tỷ số tử vong mẹ thực tế cao gấp 3-4 lần số tính toán theo báo cáo thống kê. Tỷ số tử vong mẹ ở miền núi cao khoảng gấp đôi so với con số toàn quốc và gấp khoảng 3 lần so với tử vong mẹ tại các vùng đồng bằng.
Như vậy, cần có nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc giảm tỷ lệ tử vong mẹ trong giai đoạn tới đây.
- Chỉ tiêu 3: Tăng tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con lên 50% vào năm 2020
Công tác dự phòng lây truyền từ mẹ sang con hiện đang được triển khai trên địa bàn toàn quốc với những định hướng mới đối với các can thiệp về phòng lây truyền từ mẹ sang con. Kết quả đạt được như sau: tỷ lệ phụ nữ mang thai được điều trị dự phòng giúp giảm lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đạt 55,7%, tỷ lệ trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được làm xét nghiệm HIV trong vòng 02 tháng sau sinh đạt 48,4%, ước tính tỷ lệ trẻ nhiễm HIV sinh ra từ mẹ nhiễm HIV trong vòng 12 tháng qua là 12,4%.
Kết quả trên cho thấy, ngành y tế Việt Nam đã không ngừng nỗ lực thực hiện hiệu quả mục tiêu chặn đứng và đẩy lùi tình trạng lan rộng của bệnh dịch HIV/AIDS (một trong 4 Mục tiêu Thiên niên kỷ về y tế).
Chỉ tiêu này đạt so với yêu cầu của Chiến lược.
- Chỉ tiêu 4: Giảm tỷ lệ phá thai xuống 25/100 trẻ đẻ sống vào năm 2020
Kết quả 9 tháng đầu năm 2016 toàn quốc có 173.504 trường hợp phá thai trên tổng số 1.104.559 trẻ đẻ sống (so với cùng kỳ năm 2015 là 220.723 trường hợp phá thai trên 1.200.466 trẻ đẻ sống), số ca phá thai ở các vùng đều giảm, trừ vùng Đồng bằng sông Hồng tăng nhẹ. Tỷ số ca phá thai của toàn quốc ước tính năm 2016 là 14/100 ca đẻ sống (so với năm 2015 là 16/100). Chỉ tiêu này đạt so với chỉ tiêu Chiến lược đề ra.
Tuy nhiên, mặc dù chưa thống kê được số liệu cụ thể song thực tế cho thấy tình trạng phá thai quá phạm vi cho phép vẫn diễn ra khá phổ biến ở các cơ sở y tế tư nhân. Đây là nội dung mà Chính phủ đã chỉ đạo Bộ, ngành chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm.
5. Mục tiêu “Bảo đảm bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa và thông tin”
- Chỉ tiêu 1: Chiến lược quy định đến năm 2020 giảm 80% sản phẩm văn hóa, thông tin mang định kiến giới; tăng thời lượng phát sóng các chương trình, chuyên mục và số lượng các sản phẩm tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới
Mặc dù chỉ tiêu này được cho rằng rất quan trọng trong việc đánh giá tình hình thực hiện bình đẳng giới, song theo báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương việc thu thập số liệu để đánh giá chỉ tiêu này là rất khó khăn. Hiện chỉ tiêu này đang dự kiến hủy bỏ, thay thế bằng chỉ tiêu phù hợp hơn.
- Chỉ tiêu 2: Đến năm 2020 có 100% các đài phát thanh và đài truyền hình ở trung ương và địa phương có chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới
Theo báo cáo của của các Bộ, ngành, địa phương, về cơ bản 100% các đài phát thanh và truyền hình ở trung ương và địa phương có chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới.
Như vậy, chỉ tiêu này đạt so với chỉ tiêu Chiến lược đề ra. Song thực tế cho thấy, mặc dù số lượng tin, bài tương đối phong phú nhưng chủ yếu mới phản ánh các hoạt động, sự kiện, hội nghị, hội thảo về bình đẳng giới, còn việc truyền tải các kiến thức, kỹ năng kinh nghiệm hay trong công tác bình đẳng giới chưa nhiều; hoạt động phối hợp trong công tác tuyên truyền giữa báo chí với các cơ quan chức năng ở một số nơi đôi khi còn chưa chặt chẽ; công tác đưa thông tin về cơ sở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo còn gặp nhiều khó khăn; đội ngũ tuyên truyền viên phục vụ công tác còn thiếu và yếu. Hình thức tuyên truyền chưa phong phú, hấp dẫn nên hiệu quả chưa cao.
- Chỉ tiêu 1: Rút ngắn khoảng cách về thời gian tham gia công việc gia đình của nữ so với nam xuống 2 lần vào năm 2015
Theo tổng hợp, các địa phương báo cáo gặp nhiều khó khăn trong đánh giá chỉ tiêu này. Chỉ tiêu này đang được đề xuất bãi bỏ trong Chiến lược.
- Chỉ tiêu 2: Đạt 50% số nạn nhân của bạo lực gia đình được phát hiện được tư vấn về pháp lý và sức khỏe, được hỗ trợ và chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình; 85% số người gây bạo lực được phát hiện được tư vấn tại cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình vào năm 2020
Theo số liệu tổng hợp của 51/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tình hình bạo lực gia đình năm 2016 cho thấy có 13.765 vụ bạo lực gia đình. Số vụ bạo lực gia đình có nạn nhân là phụ nữ là 9.733 vụ. Tổng số nạn nhân bạo lực gia đình đến cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, địa chỉ tin cậy ở cộng đồng để được tư vấn về pháp lý và sức khỏe, được hỗ trợ và chăm sóc là 16.962 người, số người gây bạo lực gia đình được tư vấn là 6.859 người/13.765 vụ bạo lực gia đình.
Việc thu thập số liệu về bạo lực gia đình tại các địa phương trong những năm vừa qua đã được các tỉnh/thành phố triển khai thường xuyên, có hệ thống với nhiều nỗ lực đảm bảo sự chính xác, đầy đủ. Tuy nhiên, các số liệu này vẫn chủ yếu do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành phố chủ động thu thập mà chưa có cơ chế cung cấp thông tin, số liệu giữa các cơ quan tham gia công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Một khó khăn nữa là các chỉ tiêu về bạo lực gia đình trong các văn bản hiện nay chưa thống nhất về nội dung. Do vậy, gây khó khăn cho các địa phương để thu thập và cơ quan chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo.
Trong giai đoạn tới, cần tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu về gia đình và bạo lực gia đình trong hệ thống chỉ tiêu quốc gia, các văn bản chỉ đạo điều hành về giới và gia đình để thống nhất về nội dung, cơ quan chịu trách nhiệm thu thập cũng như kịp thời điều chỉnh các chỉ tiêu chưa phù hợp với tình hình thực tế.
Đối với chỉ tiêu này, có thể đánh giá đạt về số nạn nhân được tư vấn nhưng chưa đạt về số người gây bạo lực gia đình được tư vấn.
- Chỉ tiêu 3: Có 100% số nạn nhân bị buôn bán trở về thông qua trao trả, được giải cứu, số nạn nhân bị buôn bán tự trở về được phát hiện được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng
Năm 2016, các cơ quan chức năng đã tổ chức giải cứu, tiếp nhận 327 nạn nhân bị mua bán trở về. Căn cứ theo nhu cầu và nguyện vọng của nạn nhân, sau khi tiếp nhận, có 211 nạn nhân được hỗ trợ hòa nhập cộng đồng. Sau khi tiếp nhận nạn nhân, các địa phương đã lập hồ sơ, tiến hành các thủ tục hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về theo các quy định. Tập trung vào hỗ trợ học nghề và trợ cấp khó khăn ban đầu.
Các địa phương tiếp tục duy trì các mô hình về phòng, chống mại dâm và hỗ trợ người bán dâm tái hòa nhập cộng đồng, giúp 10.291 lượt người bán dâm và người có nguy cơ cao được hưởng lợi từ các mô hình. Theo báo cáo của các địa phương, năm 2016 có 4.504 lượt người bán dâm được hỗ trợ giảm hại và hòa nhập cộng đồng.
7. Mục tiêu “Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới”
- Chỉ tiêu 1 và 2: Chiến lược đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020: có 100% dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới được lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; có 100% thành viên các Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật được xác định có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới được tập huấn kiến thức về giới, phân tích giới và lồng ghép giới.
Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật năm 2016 đã chú trọng đến công tác lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, đảm bảo không có quy định phân biệt đối xử về giới. Bên cạnh đó, công tác tập huấn kiến thức về giới, phân tích giới và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới cho các thành viên Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đã được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm. Tuy nhiên, việc thu thập số liệu trên toàn quốc về lồng ghép vấn đề giới trong dự thảo văn bản quy phạm pháp luật chưa thực hiện được, vì vậy chưa có cơ sở để đánh giá chỉ tiêu này.
- Chỉ tiêu 3 và 4: Chiến lược đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020: các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí đủ cán bộ làm công tác bình đẳng giới; hình thành đội ngũ cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ; 100% cán bộ, công chức, viên chức làm công tác bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp, các ngành được tập huấn nghiệp vụ ít nhất một lần
Về cơ bản đã bố trí cán bộ làm công tác bình đẳng giới tại cấp tỉnh, huyện nhưng chưa đủ về số lượng, cấp xã do cán bộ phụ trách công tác Lao động - Thương binh và Xã hội kiêm nhiệm.
Hiện tại chưa thu thập được đầy đủ số liệu về bố trí cán bộ làm công tác bình đẳng giới tại cả 03 cấp xã, huyện, tỉnh nên chưa có đủ cơ sở để đánh giá chỉ tiêu này.
Việc tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức làm công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp, các ngành ngày càng được quan tâm và thực hiện thường xuyên. Theo báo cáo của các Bộ, ngành địa phương, về cơ bản 100% cán bộ làm công tác bình đẳng giới thường xuyên được tập huấn, nâng cao kiến thức hằng năm.
Như vậy, tỷ lệ này đạt so với chỉ tiêu Chiến lược đề ra.
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG, KIẾN NGHỊ
1. Đánh giá chung
Năm 2016, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tiếp tục được quan tâm thực hiện trên cơ sở triển khai các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020 và các văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan của Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương. Một số kết quả nổi bật đạt được như: chính sách, pháp luật về bình đẳng giới tiếp tục được hoàn thiện, trong đó có các chính sách đặc thù nhằm tạo điều kiện và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội được ban hành; các hoạt động nhằm tăng tỷ lệ nữ tham gia các cơ quan dân cử đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả, góp phần tăng tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới lần đầu tiên được tổ chức song đã tạo được sự lan tỏa rộng rãi và thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, hưởng ứng, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Tuy nhiên, công tác bình đẳng giới trong năm qua còn một số tồn tại, hạn chế như:
- Định kiến giới còn tồn tại trong nhân dân, gây khó khăn trong việc triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới tại địa phương, cơ sở và bên cạnh đó một bộ phận phụ nữ còn tự ti, an phận,
- Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều nỗ lực để triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020, song vẫn còn 5/22 chỉ tiêu không đạt (chiếm tỷ lệ 23%) và 8/22 chỉ tiêu chưa thống kê được đầy đủ (chiếm tỷ lệ 36%)10.
- Công tác thông tin, báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương còn chưa đảm bảo đúng tiến độ, thông tin đôi khi còn hạn chế, thiếu tính cụ thể rõ ràng làm ảnh hưởng đến công tác tổng hợp chung.
- Nguồn thông tin và cơ sở dữ liệu có tách biệt giới tính đang trong quá trình hình thành, hoàn thiện, do đó chưa đáp ứng yêu cầu của việc phân tích giới và lồng ghép giới theo quy định của Luật Bình đẳng giới.
- Kinh phí triển khai các hoạt động được bố trí, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao và bố trí muộn dẫn đến việc triển khai các hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý gặp nhiều khó khăn, không chủ động.
2. Đề xuất, kiến nghị
- Quốc hội tăng cường hơn nữa công tác giám sát, kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Luật Bình đẳng giới và các văn bản hướng dẫn thi hành, đặc biệt là công tác lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản, kế hoạch, chương trình của đơn vị mình và việc bố trí kinh phí để thực hiện Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020.
- Quốc hội xem xét tổ chức báo cáo ghép hai năm một lần đối với việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới ở cấp quốc gia.
IV. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN NĂM 2017
Năm 2017 là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đánh giá kết quả 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới và là năm Việt Nam đăng cai tổ chức tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) trong đó Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC, Chính phủ sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Triển khai các hoạt động đăng cai, tổ chức Diễn đàn phụ nữ và kinh tế APEC2017.
2. Tổ chức Tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới trên phạm vi toàn quốc.
3. Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển hệ thống trợ giúp xã hội (trong đó bao gồm Dự án hỗ trợ thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới); các hoạt động thuộc Chương trình hành động quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016 - 2020 và Đề án Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
4. Tăng cường tham mưu thực hiện quy định lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật; lồng ghép các chỉ tiêu của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới trong chiến lược, chương trình, kế hoạch công tác của Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
5. Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, hành vi về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, trong đó tập trung triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới trong thời gian từ 15/11 - 15/12/2017.
6. Tăng cường công tác kiểm tra công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về bình đẳng giới.
7. Tăng cường vai trò và sự tham gia hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trong nước.
8. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ./.
DANH SÁCH CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VÀ VĂN BẢN CHỈ ĐẠO
ĐIỀU HÀNH CỦA CHÍNH PHỦ CÓ LỒNG GHÉP VẤN ĐỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI NĂM 2016
(Kèm theo Báo cáo số 79/BC-CP ngày 10 tháng 3 năm 2017 của
Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc
gia về bình đẳng giới năm 2016)
1. Luật điều ước quốc tế;
2. Luật tiếp cận thông tin;
3. Luật đấu giá tài sản;
4. Luật báo chí;
5. Luật trẻ em;
6. Luật tín ngưỡng, tôn giáo;
7. Luật dược;
8. Nghị định số 94/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thống kê;
9. Nghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 06/4/2016 của Chính phủ quy định một số chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ phục vụ tại ngũ, xuất ngũ và thân nhân của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ, trong đó có quy định hạ sĩ quan, binh sĩ nữ phục vụ tại ngũ, hàng tháng được hưởng phụ cấp khuyến khích mức 0,2 so với lương cơ sở;
10. Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
11. Thông tư liên tịch số 17/2016/TTLT-BYT-BTC-BLĐTBXH của Bộ Y tế, Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ngày 15/04/2016 về việc Quy định chi tiết Nghị định số 39/2015/NĐ-CP ngày 27/4/2016 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số;
12. Thông tư số 32/2016/TT-BTNMT ngày 07/11/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
13. Thông tư số 21/2016/TT-BGTVT ngày 25/8/2016 của Bộ Giao thông vận tải quy định về xây dựng, ban hành, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra, xử lý văn bản, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật và theo dõi thi hành pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải;
14. Thông tư số 08/2016/TT-BCT ngày 29/6/2016 của Bộ Công thương quy định về việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công Thương;
15. Quyết định 163/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016-2025;
16. Quyết định số 178/QĐ-TTg ngày 28/1/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch triển khai Thông báo kết luận số 196/TB-TW ngày 16/3/2015 của Ban Bí thư về Đề án Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình mới;
17. Quyết định số 363/QĐ-TTg ngày 08/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình;
18. Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 23/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016-2025;
19. Quyết định 515/QĐ-TTg ngày 31/3/2016 về việc phê duyệt Đề án thực hiện bình đẳng giới trong cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016- 2020;
20. Quyết định số 1464/QĐ-TTg ngày 22/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 và tầm nhìn đến năm 2030.
DANH SÁCH CÁC BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ
ĐÃ GỬI BÁO CÁO TÌNH HÌNH THỰC HIỆN MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI NĂM 2016
(Kèm theo Báo cáo số 79/BC-CP ngày 10 tháng 3 năm 2017 của
Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2016)
STT |
Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ |
Đã xây dựng Báo cáo |
1 |
Bộ Công an |
x |
2 |
Bộ Công Thương |
x |
3 |
Bộ Giáo dục và Đào tạo |
x |
4 |
Bộ Giao thông vận tải |
x |
5 |
Bộ Kế hoạch và Đầu tư |
x |
6 |
Bộ Khoa học và Công nghệ |
x |
7 |
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội |
x |
8 |
Bộ Ngoại giao |
x |
9 |
Bộ Nội vụ |
x |
10 |
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
x |
11 |
Bộ Quốc phòng |
x |
12 |
Bộ Tài chính |
x |
13 |
Bộ Tài nguyên và Môi trường |
|
14 |
Bộ Tư pháp |
x |
15 |
Bộ Thông tin và Truyền thông |
x |
16 |
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch |
x |
17 |
Bộ Xây dựng |
x |
18 |
Bộ Y tế |
x |
19 |
Văn phòng Chính phủ |
x |
20 |
Thanh tra Chính phủ |
x |
21 |
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam |
x |
22 |
Ủy ban Dân tộc |
x |
23 |
Đài Tiếng nói Việt Nam |
|
24 |
Đài Truyền hình Việt Nam |
x |
25 |
Bảo hiểm xã hội Việt Nam |
x |
26 |
Thông tấn xã Việt Nam |
x |
27 |
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh |
|
28 |
Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam |
|
29 |
Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam |
x |
DANH SÁCH CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG ĐÃ GỬI
BÁO CÁO TÌNH HÌNH THỰC HIỆN MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ BÌNH ĐẲNG GIỚI NĂM 2016
(Kèm theo Báo cáo số
79/BC-CP ngày 10 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc
gia về bình đẳng giới năm 2016)
STT |
Tỉnh/thành phố trực thuộc TW |
Đã xây dựng Báo cáo |
1. |
Tp Hà Nội |
x |
2. |
Tp Hồ Chi Minh |
x |
3. |
Tp Hải Phòng |
x |
4. |
Tp Đà Nẵng |
x |
5. |
Tp Cần Thơ |
x |
6. |
Cao Bằng |
x |
7. |
Lạng Sơn |
x |
8. |
Lai Châu |
x |
9. |
Điện Biên |
x |
10. |
Hà Giang |
x |
11. |
Sơn La |
x |
12. |
Tuyên Quang |
x |
13. |
Yên Bái |
x |
14. |
Lào Cai |
x |
15. |
Bắc Kạn |
x |
16. |
Thái Nguyên |
x |
17. |
Phú Thọ |
x |
18. |
Vĩnh Phúc |
x |
19. |
Bắc Giang |
x |
20. |
Bắc Ninh |
x |
21. |
Hòa Bình |
x |
22. |
Quảng Ninh |
x |
23. |
Hải Dương |
x |
24. |
Hưng Yên |
x |
25. |
Thái Bình |
x |
26. |
Hà Nam |
x |
27. |
Nam Định |
x |
28. |
Ninh Bình |
x |
29. |
Thanh Hóa |
x |
30. |
Nghệ An |
x |
31. |
Hà Tĩnh |
x |
32. |
Quảng Bình |
x |
33. |
Quảng Trị |
x |
34. |
Thừa Thiên Huế |
x |
35. |
Quảng Nam |
x |
36. |
Quảng Ngãi |
x |
37. |
Bình Định |
|
38. |
Phú Yên |
|
39. |
Khánh Hòa |
x |
40. |
Ninh Thuận |
x |
41. |
Bình Thuận |
x |
42. |
Gia Lai |
x |
43. |
Kon Tum |
x |
44. |
Đắc Lắk |
x |
45. |
Đắk Nông |
x |
46. |
Lâm Đồng |
x |
47. |
Đồng Nai |
x |
48. |
Bà Rịa - Vũng Tàu |
x |
49. |
Long An |
x |
50. |
Tây Ninh |
x |
51. |
Bình Dương |
x |
52. |
Bình Phước |
x |
53. |
Tiền Giang |
x |
54. |
Bến Tre |
x |
55. |
Hậu Giang |
x |
56. |
Sóc Trăng |
x |
57. |
Đồng Tháp |
x |
58. |
Vĩnh Long |
x |
59. |
Trà Vinh |
|
60. |
An Giang |
x |
61. |
Kiên Giang |
x |
62. |
Bạc Liêu |
x |
63. |
Cà Mau |
x |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.