BỘ
XÂY DỰNG |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 76/BC-BXD |
Hà Nội, ngày 19 tháng 10 năm 2009 |
ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA NGHỊ ĐỊNH VỀ HỢP ĐỒNG TRONG HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG
I. SỰ CẦN THIẾT PHẢI BAN HÀNH NGHỊ ĐỊNH VỀ HỢP ĐỒNG TRONG HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG
1. Các văn bản pháp luật liên quan đến hợp đồng trong hoạt động xây dựng hiện nay:
- Luật Xây dựng ngày 26/11/2003 có 4 điều (Điều 107 đến Điều 110) quy định một số nội dung cơ bản của hợp đồng xây dựng, bao gồm :
+ Các loại hợp đồng xây dựng, hình thức hợp đồng xây dựng (Điều 107);
+ Những nội dung chủ yếu của một hợp đồng trong hoạt động xây dựng (Điều 108);
+ Điều chỉnh hợp đồng trong hoạt động xây dựng (Điều 109);
+ Thưởng hợp đồng, phạt vi phạm hợp đồng và giải quyết các tranh chấp hợp đồng trong hoạt động xây dựng (Điều 110).
- Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 16/3/2007 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng bằng một chương về Hợp đồng trong hoạt động xây dựng công trình (từ Điều 19 đến Điều 30). Nghị định đã làm rõ khái niệm, phân loại hợp đồng xây dựng, hồ sơ hợp đồng, giá hợp đồng, điều chỉnh giá hợp đồng, tạm ứng hợp đồng, thanh toán hợp đồng, xử lý khối lượng phát sinh, bảo hiểm và bảo hành công trình, thưởng phạt và giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng.
Tuy nhiên, Nghị định này mới chỉ hướng dẫn áp dụng cho các hợp đồng xây dựng sử dụng vốn nhà nước và còn nhiều nội dung cần phải bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn về quản lý.
- Luật đấu thầu ngày 29/11/2005 (từ Điều 46 đến Điều 59) và Nghị định số 58/2008/NĐ-CP ngày 05/05/2008 của Chính phủ hướng dẫn thi hành luật đấu thầu (từ Điều 47 đến Điều 53), cũng có quy định một số nội dung về hợp đồng phục vụ cho công tác lựa chọn nhà thầu và cũng chỉ áp dụng đối với các hợp đồng của các dự án sử dụng vốn nhà nước từ 30% trở lên.
- Bộ luật dân sự năm 2005 nêu tương đối đầy đủ về các nguyên tắc và nội dung liên quan đến hợp đồng dân sự, có nhiều chương nói về các loại hợp đồng nhưng lại thiếu vắng nội dung về hợp đồng xây dựng, đây là một lĩnh vực có liên quan rất nhiều đến các chủ thể trong xã hội và là ngành có đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
2. Những bất cập trong hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hợp đồng trong hoạt động xây dựng hiện nay:
Hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hợp đồng trong hoạt động xây dựng hiện tại vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, khách quan, chưa phù hợp với cơ chế thị trường và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Nhiều văn bản còn quy định chưa rõ, có những khái niệm liên quan đến hợp đồng trong hoạt động xây dựng còn khác nhau. Thực tế nhiều dự án đầu tư xây dựng hiện nay vẫn còn bị chậm tiến độ, vượt tổng mức đầu tư xây dựng, chất lượng chưa bảo đảm, xảy ra nhiều tranh chấp trong quá trình thực hiện, kết quả làm cho vốn đầu tư bị lãng phí và kém hiệu quả. Nguyên nhân của những tồn tại này có nhiều, nhưng nguyên nhân chủ yếu là do quy định của nhà nước về hợp đồng trong hoạt động xây dựng còn nhiều bất cập, cụ thể là:
- Chưa quy định đầy đủ về nội dung hợp đồng cho từng loại hợp đồng trong hoạt động xây dựng: Trong hoạt động xây dựng có nhiều loại hợp đồng như: Tư vấn xây dựng có trên mười loại, xây dựng có năm loại, hợp đồng thiết kế – cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình (viết tắt theo tiếng Anh là EPC), hợp đồng tổng thầu chìa khoá trao tay (viết tắt theo tiếng Anh là turnkey)...), mỗi loại hợp đồng đều có đặc thù riêng nhưng hiện nay mới có quy định cho một loại hợp đồng xây dựng chung;
- Chưa quy định đủ và rõ quyền, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hợp đồng xây dựng;
- Chưa quy định rõ mối quan hệ của các bên tham gia hợp đồng xây dựng;
- Chưa quy định đầy đủ về trách nhiệm của các bên khi vi phạm hợp đồng xây dựng;
- Chưa quy định đầy đủ, rõ ràng về điều chỉnh hợp đồng xây dựng (khối lượng, chi phí, tiến độ và các nội dung khác);
- Chưa quy định cụ thể về xử lý tranh chấp hợp đồng xây dựng;
- Một số khái niệm liên quan đến hợp đồng xây dựng trong các văn bản khác nhau còn chưa thống nhất;
- Một số quy định chưa phản ánh được đặc điểm của sản phẩm xây dựng có tính cá biệt, đơn chiếc, nên quá trình sản xuất sản phẩm xây dựng cũng có nhiều sự khác biệt so với sản xuất sản phẩm của các ngành khác;
- Nhiều quy định chưa phù hợp với hợp đồng xây dựng trong cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế.
3. Hậu quả của những bất cập trong hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hợp đồng trong hoạt động xây dựng hiện nay
- Hậu quả của những bất cập nêu trên là:
+ Do chưa quy định đầy đủ về nội dung hợp đồng cho từng loại hợp đồng trong hoạt động xây dựng dẫn đến thực tế khó thực hiện và thực hiện tùy tiện;
+ Do chưa quy định rõ quyền, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hợp đồng xây dựng làm cho các chủ thể thực hiện tuỳ tiện, thiếu minh bạch và tinh thần nghiêm túc trong thực hiện cam kết, quá trình thực hiện xảy ra nhiều tranh chấp;
+ Do chưa quy định rõ mối quan hệ của các bên tham gia hợp đồng xây dựng dẫn đến hiệu quả hợp tác trong quá trình thực hiện thấp, gây ra nhiều thủ tục hành chính không cần thiết làm kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng;
+ Do chưa quy định đầy đủ về trách nhiệm của các bên khi vi phạm hợp đồng xây dựng dẫn đến quá trình thực các bên hiện thiếu trách nhiệm, khó giải quyết khi một bên vi phạm cam kết hợp đồng;
+ Do chưa quy định đầy đủ, rõ ràng về điều chỉnh hợp đồng xây dựng (khối lượng, chi phí, tiến độ và các nội dung khác) dẫn đến quá trình điều chỉnh hợp đồng mất nhiều thời gian, dễ tranh chấp và khó khăn trong công tác thanh tra, kiểm tra;
+ Do chưa quy định cụ thể về xử lý tranh chấp hợp đồng xây dựng làm cho việc giải quyết tranh chấp trong thực tế gặp nhiều khó khăn;
+ Một số khái niệm liên quan đến hợp đồng xây dựng còn khác nhau làm cho người thực hiện vướng mắc, phải chờ đợi giải thích và làm cho các chủ thể tham gia hợp đồng và các cơ quan nhà nước phải mất nhiều thời gian, công sức mà lẽ ra không phải làm;
+ Một số quy định chưa phản ánh được đặc điểm của sản phẩm xây dựng có tính cá biệt, đơn chiếc, quá trình sản xuất sản phẩm xây dựng cũng có nhiều sự khác biệt so với sản phẩm của các ngành sản xuất khác, làm cho việc thực hiện hợp đồng gặp khó khăn, khó bảo đảm tính công bằng giữa các bên tham gia hợp đồng xây dựng;
+ Nhiều quy định chưa phù hợp với hợp đồng xây dựng trong cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế làm cản trở trong quá trình thực hiện hợp đồng của các dự án, bao gồm cả hợp đồng của các dự án ODA, kết quả là gây lãng phí, thất thoát vốn đầu tư, cản trở kêu gọi đầu tư;
+ Do quy định không rõ ràng nên các cơ quan của Nhà nước đôi khi còn can thiệp quá sâu vào việc thương thảo, ký kết và thực hiện hợp đồng xây dựng, khiến các chủ thể tham gia hợp đồng bị động và ỷ lại trong việc thực hiện các cam kết đã ký trong hợp đồng như: Việc điều chỉnh giá hợp đồng còn phụ thuộc nhiều vào dự toán điều chỉnh, bổ sung được duyệt; việc điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng còn phải xin ý kiến của cấp có thẩm quyền; việc thanh toán, quyết toán hợp đồng đôi khi còn nhầm lẫn với việc thanh toán, quyết toán vốn đầu tư…
- Hậu quả cuối cùng của các bất cập nêu trên là hiện nay có nhiều dự án đầu tư xây dựng bị chậm tiến độ, vượt tổng mức đầu tư được duyệt, chất lượng chưa bảo đảm, còn nhiều tranh chấp trong quá trình thực hiện, kết quả làm cho vốn đầu tư bị lãng phí và kém hiệu quả.
4. Nguyên nhân của những bất cập trong hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến hợp đồng trong hoạt động xây dựng hiện nay:
Nguyên nhân sâu xa của các bất cập trên là do trước đây chúng ta quản lý kinh tế theo cơ chế kế hoạch hoá tập chung. Năm 2006 Chính phủ mới giao cho Bộ Xây dựng chủ trì cùng với các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các Bộ, ngành liên quan triển khai lập đề án đổi mới cơ chế quản lý chi phí đầu tư xây dựng, tháng 12/2006 đề án được Thủ tướng Chính phủ thông qua.
Năm 2007 Chính phủ mới thực hiện bước một của đề án đổi mới cơ chế quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình bằng việc ban hành Nghị định số 99/2007/NĐ-CP ngày 13/6/2007 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình, đây là văn bản pháp lý đầu tiên cấp Chính phủ về chuyển đổi quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình từ cơ chế tập chung sang cơ chế thị trường đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước.
Nghị định số 99/2009/NĐ-CP ban hành là bước ngoặt chuyển đổi cơ chế quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị định có một chương quy định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng, nội dung chương này cũng đã cụ thể hoá nhiều nội dung về hợp đồng xây dựng của Luật xây dựng, tuy nhiên so với yêu cầu thực tiễn quản lý thì Nghị định số 99/2009/NĐ-CP còn phải bổ sung, hoàn thiện nhiều nội dung liên quan đến hợp đồng xây dựng như đã nêu ở mục (1.2) của văn bản này.
Việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Nghị định số 99/2009/NĐ-CP là yêu cầu khách quan, đồng thời cũng là nhiệm vụ thực hiện mục tiêu của đề án đổi mới cơ chế quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình của Chính phủ cho giai đoạn sau năm 2008, các mục tiêu của đề án ở giai đoạn này là:
- Hoàn thiện cơ chế quản lý chi phí đầu tư xây dựng theo cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ hướng dẫn bằng các quy định có tính định hướng, tạo môi trường bình đẳng, lành mạnh cho các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng.
- Xây dựng các công cụ tạo điều kiện cho việc thực hiện cơ chế đàm phán, thoả thuận về chi phí đầu tư xây dựng công trình giữa các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng nhằm nâng cao tính pháp lý của hợp đồng.
- Xã hội hoá công tác tư vấn đầu tư xây dựng đặc biệt là tư vấn về quản lý chi phí đầu tư và khống chế chi phí đầu tư xây dựng.
Việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Nghị định số 99/2009/NĐ-CP và tách phần hợp đồng xây dựng thành một Nghị định đã được Chính phủ giao Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện trong năm 2009. Đến nay Nghị định sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Nghị định số 99/2009/NĐ-CP đã được Bộ Xây dựng hoàn chỉnh trình Chính phủ.
Một nguyên nhân nữa dẫn đến các bất cập trên là do sản phẩm và sản xuất xây dựng có các đặc điểm đặc thù như:
- Có giá trị công trình lớn, thời gian thi công dài, kỹ thuật thi công luôn phải hiện đại và tiên tiến nên đòi hỏi phải có chế độ tạm ứng vốn, thanh toán trung gian và kiểm tra, nghiệm thu chất lượng trung gian;
- Quá trình tạo ra sản phẩm xây dựng liên quan đến nhiều ngành, nhiều chủ thể (chủ đầu tư, tư vấn, các nhà cung cấp, các nhà thầu…) mà lại tập trung tại một địa điểm, do vậy đòi hỏi việc tổ chức, hợp tác, điều hành phải đồng bộ, nhịp nhàng, ý thức cao, kỷ luật nghiêm;
- Do công trình phải gắn liền với địa điểm nơi xây dựng công trình, thời gian thi công dài, liên quan đến nhiều ngành nên quá trình thi công xây dựng thường phát sinh nhiều vấn đề cần phải giải quyết cả về kỹ thuật, chi phí, xã hội và môi trường;
- Người bán sản phẩm làm theo đơn đặt hàng của người mua, người mua có trước và đi tìm người bán, người mua đặt hàng đơn chiếc, chỉ có một người mua nhưng có nhiều người bán, người mua thường không nêu được các yêu cầu về sản phẩm mà phải thông qua tư vấn xây dựng (lập dự án, thiết kế…). Người mua chọn người bán thông qua việc đấu thầu hoặc chỉ định thầu. Sản phẩm xây dựng với những đặc điểm đặc thù, đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng khi mua bán lại chỉ mới hình thành ‘trên giấy’, do đó các cam kết để các bên thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong việc mua - bán sản phẩm xây dựng (công trình xây dựng) là rất phức tạp, không thể thỏa thuận bằng miệng hoặc bằng văn bản đơn giản.
Do đặc điểm của sản phẩm và sản xuất xây dựng có những đặc thù, khác biệt với sản phẩm và phương thức sản xuất của các ngành sản xuất khác như vậy, nên việc xây dựng hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu quản lý về hợp đồng xây dựng cũng gặp khó khăn. Có rất nhiều loại hợp đồng xây dựng khác nhau (hơn 10 loại) với nhiều phương thức thanh toán, điều chỉnh hợp đồng nên việc ban hành quy định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng là rất phức tạp.
Những quy định về hợp đồng xây dựng hiện nay còn trùng lắp, nhiều khái niệm còn chưa thống nhất ở một số văn bản quy phạm pháp luật.
Năng lực của cán bộ quản lý, các thông tin về quản lý hợp đồng trong hoạt động xây dựng của chúng ta còn nhiều hạn chế.
5. Tham khảo các qui định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng của một số nước trên thế giới
Qua nghiên cứu, tham khảo tài liệu về hợp đồng trong hoạt động xây dựng ở một số nước kinh tế phát triển và một số nước trong khu vực cho thấy, hầu hết các nước đều có qui định rất cụ thể về hợp đồng trong hoạt động xây dựng:
- Luật Xây dựng của Vương quốc Anh quy định rất đầy đủ, cụ thể về hợp đồng xây dựng, bao gồm nội dung của các loại hợp đồng (thiết kế, thi công, thiết kế – thi công, EPC, chìa khóa trao tay...), địa vị pháp lý của các chủ thể, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan đến hợp đồng xây dựng (chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn, nhà cung cấp, các cơ quan liên quan...), quy định về việc điều chỉnh hợp đồng (khối lượng, chi phí, tiến độ...), trách nhiệm đối với sai sót và trách nhiệm vi phạm hợp đồng, xử lý tranh chấp đối với hợp đồng xây dựng,... và có cả nội dung nói đến vai trò của hợp đồng xây dựng là: “ Hợp đồng được ký giữa các bên là luật, Tòa án cũng phải thực hiện”;
- Trung Quốc có Luật hợp đồng, trong đó quy định đầy đủ về nguyên tắc ký kết hợp đồng, hiệu lực của hợp đồng, thực hiện hợp đồng, thay đổi hợp đồng, trách nhiệm vi phạm hợp đồng..., có một chương quy định về hợp đồng xây dựng công trình và điều đầu tiên của Luật này nêu rõ mục đích của việc nhà nước ban hành Luật hợp đồng là: “Nhằm bảo vệ lợi ích hợp pháp của các đương sự hợp đồng, giữ gìn trật tự kinh tế xã hội, thúc đẩy hiện đại hóa xã hội chủ nghĩa, nay đề ra luật này”.
Như vậy, các nước trên thế giới rất quan tâm đến các quy định pháp lý về hợp đồng xây dựng, chính vì đặc thù của hoạt động xây dựng là rất phức tạp, nhưng ngành xây dựng có ảnh hưởng nhiều và đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia, đặc biệt là vai trò của hợp đồng xây dựng trong quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, nó quyết định đến kết quả quản lý dự án đầu tư xây dựng về tiến độ, chất lượng và chi phí. Nếu pháp luật quy định và hướng dẫn đầy đủ về nội dung, có chế tài cụ thể về vi phạm cam kết thì sẽ giúp cho các chủ thể liên quan đến hợp đồng xây dựng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ để từ đó chủ động trong việc thực hiện trách nhiệm cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, kết quả thực hiện hợp đồng sẽ tốt và hiệu quả đầu tư của dự án sẽ cao.
6. Sự cần thiết phải ban hành Nghị định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng
Nhằm giải quyết các bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hợp đồng trong hoạt động xây dựng ở Việt Nam như nêu ở mục (1.2), thực hiện nhiệm vụ giai đoạn hai của đề án đổi mới quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình của Chính phủ, thì việc Chính phủ ban hành một “Nghị định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng” là rất cần thiết.
II. MỤC TIÊU MONG MUỐN CỦA NGHỊ ĐỊNH VỀ HỢP ĐỒNG TRONG HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG
Mục tiêu mong muốn của Nghị định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng sẽ là:
1. Khắc phục được những bất cập trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hợp đồng trong hoạt động xây dựng ở Việt Nam như được nêu ở mục (1.2), tạo môi trường bình đẳng, lành mạnh cho các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng.
2. Nhằm bảo đảm trật tự kinh tế xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, nâng cao trách nhiệm của các bên khi tham gia tạo lập, mua bán sản phẩm xây dựng, nâng cao trách nhiệm của tất cả các bên tham gia vào hoạt động xây dựng, tạo hành lang pháp lý cho ngành xây dựng phát triển thì Nhà nước cần thiết phải xây dựng khuụn khổ pháp lý đồng bộ buộc người mua và người bán khi đã ký thỏa thuận đều phải nghiêm chỉnh chấp hành.
3. Nhằm nâng cao chất lượng công tác quản lý hợp đồng xây dựng, góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư của các dự án đầu tư xây dựng công trình.
Việc ban hành Nghị định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng, kèm theo đó là các Thông tư hướng dẫn, văn bản công bố mẫu hợp đồng trong hoạt động xây dựng là hết sức cần thiết; nhằm tạo đủ khung pháp lý với cách vận dụng rõ ràng, đơn giản, đồng thời có thể sử dụng chung cho các dự án đầu tư bằng các nguồn vốn trong nước và cho cả các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ODA. Thông qua việc ban hành Nghị định, các Thông tư và văn bản công bố các mẫu hợp đồng trong hoạt động xây dựng, sẽ tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, những điều khoản trong hợp đồng sẽ được quy định rõ trong Nghị định này để hợp đồng xây dựng có tính pháp lý cao hơn, đề cao vai trò, trách nhiệm của các chủ thể khi tham gia vào hoạt động xây dựng, nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng, giảm thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả dự án đầu tư, góp phần phát triển kinh tế đất nước nhanh và bền vững.
III. CÁC GIẢI PHÁP CÓ KHẢ NĂNG ĐỂ ĐẠT ĐƯỢC MỤC TIÊU CỦA MỤC II
Sau khi nghiên cứu Bộ luật dân sự năm 2005, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hiện trạng về hệ thống pháp luật về hợp đồng trong hoạt động xây dựng của Việt Nam, tham khảo tài liệu về hợp đồng trong hoạt động xây dựng của một số nước trên thế giới, đặc biệt là nghiên cứu Luật xây dựng của nước Anh và Luật hợp đồng của Trung Quốc (nước có điều kiện kinh tế- xã hội tương đồng với Việt Nam), Bộ Xây dựng cho rằng giải pháp tốt nhất để bảo đảm trật tự kinh tế xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, nâng cao trách nhiệm của các bên khi tham gia tạo lập, mua bán sản phẩm xây dựng, tạo hành lang pháp lý cho ngành xây dựng phát triển là chuyển toàn bộ nội dung hoàn thiện về hợp đồng xây dựng trong Nghị định số 99/2009/NĐ-CP thành vào Luật Xây dựng sửa đổi, bởi vì theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 8) thì “khi văn bản có hiệu lực thì thi hành được ngay” (quy định này là phù hợp với quy định của các nước phát triển) do đó trong Luật Xây dựng chúng ta quy định càng đầy đủ, cụ thể đối với những nội dung có tính ổn định thì càng tốt, hạn chế văn bản hướng dẫn dưới Luật dẫn đến bất cập trong việc Luật ban hành phải chờ Nghị định và Thông tư mới đi vào cuộc sống.
Tuy nhiên để đưa các nội dung sửa đổi, hoàn chỉnh các quy định về hợp đồng xây dựng của Nghị định số 99/2009/NĐ-CP vào Luật Xây dựng sửa đổi thì cần phải chờ thời gian dài, hiện nay thực tế quản lý đang rất cần phải có quy định pháp luật về hợp đồng xây dựng đã sửa đổi hoàn chính các bất cập nêu trên. Do vậy Bộ Xây dựng cho rằng trước mắt Chính phủ ban hành quy định về hợp đồng xây dựng ở mức độ Nghị định, sau thời gian nữa khi sửa Luật Xây dựng chúng ta sẽ đưa các quy định này vào trong Luật sửa đổi này.
IV. CHI PHÍ ĐỐI VỚI CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN VÀ DOANH NGHIỆP
Nghị định được ban hành sẽ tạo điều kiện thuận lợi, công bằng, minh bạch đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp liên quan đến hợp đồng trong hoạt động xây dựng. Quá trình thực hiện Nghị định sẽ giảm tối đa chi phí có liên quan đến việc giảm thủ tục hành chính, việc giảm tiến độ thực hiện hợp đồng, rút ngắn thời gian thanh toán, quyết toán do các quy định của Nghị định rõ ràng hơn, phân định rõ trách nhiệm của các bên khi ký kết và thực hiện hợp đồng.
V. CHI PHÍ ĐỐI VỚI CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
Nghị định được ban hành với những quy định cụ thể về nội dung hợp đồng, về quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hợp đồng xây dựng, về mối quan hệ của các bên tham gia hợp đồng và trách nhiệm của các bên khi vi phạm hợp đồng, về điều chỉnh hợp đồng xây dựng và xử lý tranh chấp liên quan đến hợp đồng xây dựng, các quy định này sẽ làm giảm rất nhiều chi phí cho các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hướng dẫn thực hiện, trả lời văn bản, kiểm tra, thanh tra.
Quá trình thực thi Nghị định sẽ góp phần giảm chi phí cho các cơ quan, tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả đầu tư của các dự án, rút ngắn tiến độ thi công và giải ngân của các dự án đầu tư bởi vì Nghị định quy định khá đủ và rõ về quyền và nghĩa vụ của các bên, chế tài đối với trường hợp vi phạm hợp đồng, do vậy nó là một công cụ hữu hiệu, có đủ tính pháp lý để nâng cao trách nhiệm của tất cả các bên tham gia vào hoạt động xây dựng.
VII. TÁC ĐỘNG CỦA NGHỊ ĐỊNH HỢP ĐỒNG TRONG HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG
Nghị định được ban hành sẽ là công cụ pháp lý cao, tạo sự minh bạch, rõ ràng cho quản lý hợp đồng trong hoạt động xây dựng. Nghị định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng và các văn bản hướng dẫn được ban hành sẽ tạo khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đề cao vai trò, trách nhiệm của các chủ thể khi tham gia vào hoạt động xây dựng. Cụ thể như sau :
- Đối với các cơ quan quản lý: Khi Nghị định và các văn bản hướng dẫn ra đời sẽ góp phần tích cực trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân của các dự án; nâng cao hiệu quả quản lý hợp đồng xây dựng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý của dự án đầu tư xây dựng công trình, hạn chế phải trả lời và hướng dẫn các chủ thể, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội của vốn đầu tư.
- Đối với các chủ thể tham gia vào hoạt động xây dựng: Nghị định ra đời sẽ là công cụ hướng dẫn các chủ thể liên quan đến hợp đồng trong hoạt động xây dựng hiểu rõ về những qui định pháp lý một cách đầy đủ, hệ thống, chi tiết và rõ ràng về nội dung của hợp đồng xây dựng, là công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể. Đề cao quyền và trách nhiệm pháp lý của các bên tham gia ký kết và thực hiện hợp đồng, bao gồm cả các chủ thể tham gia trong hợp đồng và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến quá trình quản lý, thực hiện hợp đồng. Trang bị thêm kiến thức cơ bản để các chủ thể tham gia vào hoạt động xây dựng thấy được tầm quan trọng của việc quản lý, thực hiện hợp đồng trong quản lý thực hiện dự ỏn. Giảm tranh chấp và nâng cao tính minh bạch, công bằng trong xử lý tranh chấp hợp đồng;
- Đối với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán: Nghị định và các văn bản hướng dẫn ra đời, góp phần tích cực trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giúp cho việc quản lý dự án được thông thoáng, minh bạch hơn, các quy định đầy đủ, rõ ràng hơn nên công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cũng đơn giản, thuận lợi hơn.
VIII. CÔNG BỐ VỀ VIỆC LẤY Ý KIẾN
1. Ngày 6/8/2009, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 1637/BXD-KTXD kèm theo dự thảo Nghị định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng gửi tới các Bộ, ngành, các Sở Xây dựng, Khoa Kinh tế của một số trường đại học, các Tập đoàn, Tổng Công ty xây dựng, Tổng Công ty tư vấn xây dựng, Ban quản lý dự án, các hiệp hội nghề nghiệp và đăng toàn bộ dự thảo Nghị định trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng tại địa chỉ www.moc.gov.vn để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các tập thể, cá nhân.
2. Đến nay, Bộ Xây dựng đã nhận được 50 văn bản góp ý kiến của 11 Bộ, 24 Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố, 3 Hiệp hội, 02 Cục thuộc Bộ Giao thông vận tải và Khoa kinh tế của trường đại học, 9 Tập đoàn, Tổng công ty, Ban quản lý dự án và một góp ý của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) với tổng số 442 ý kiến đóng góp, trong đó có 8 góp ý thống nhất hoàn toàn với dự thảo của Nghị định, 19 ý kiến bổ sung và 412 ý kiến góp ý.
3. Đánh giá chung về các văn bản góp ý của các Bộ, ngành, Sở và các đơn vị cho thấy:
- Thống nhất về sự cần thiết phải ban hành Nghị định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng (49 trên 50 góp ý ) nhằm tạo công cụ pháp lý bình đẳng cho các bên tham gia hợp đồng xây dựng.
- Nhất trí với kết cấu ba chương như dự thảo Nghị định.
- Cơ bản nhất trí với các nội dung trong dự thảo Nghị định.
Các ý kiến góp ý tập chung vào việc bổ sung, điều chỉnh, làm rõ và cụ thể hóa một số nội dung đã được quy định trong dự thảo Nghị định để các quy định của Nghị định có tính thực tế cao, tháo gỡ được những khó khăn đang tồn tại trong việc quản lý hợp đồng xây dựng. Những ý kiến đóng góp trên thể hiện sự quan tâm đến các nội dung của dự thảo Nghị định cũng như phản ánh yêu cầu hoàn thiện cơ chế quản lý hợp đồng trong hoạt động xây dựng hiện nay.
Bộ Xây dựng đã tổng hợp các ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, Sở và các đơn vị liên quan, nghiên cứu tiếp thu (có tài liệu giải trình chi tiết các ý kiến đóng góp kèm theo) và hoàn chỉnh dự thảo Nghị định trình Chính phủ.
Như đã mô tả ở mục III, giải pháp tốt nhất trước mắt để đáp ứng yêu cầu quản lý về hợp đồng trong hoạt động xây dựng là Chính phủ ban hành Nghị định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng. Nghị định được ban hành sẽ khắc phục được các bất cập về hợp đồng trong hoạt động xây dựng như được nêu trên, sẽ hạn chế được các thiệt hại do các bất cập này như nêu trên.
Nghị định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng được ban hành là giải pháp tối ưu trước mắt để đạt được mục tiêu nêu ra ở mục II với chi phí thấp nhất cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp các chính quyền các cấp vì nó sẽ mang lại các lợi ích như được nêu ở mục VI, giảm các chi phí như nêu ở mục IV và V nêu trên.
X. ÁP DỤNG VÀ THI HÀNH (KHẢ NĂNG TUÂN THỦ VĂN BẢN CỦA CÁC CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN)
Với nội dung Nghị định được hoàn chỉnh sau khi tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, Sở Xây dựng, các cơ quan, tổ chức thì Nghị định này là một văn bản pháp quy có nội dung đầy đủ, phù hợp với thực tiễn của nước ta và thông lệ quốc tế nhất về hợp đồng trong hoạt động xây dựng ở Việt Nam hiện nay. Bởi vì dự thảo Nghị định đã được nghiên cứu và chuẩn bị khá chu đáo bằng việc nghiên cứu, đánh giá những bất cập hiện tại, tham khảo kinh nghiệm của các nước để vận dụng vào điều kiện cụ thể của nước ta, nó được đánh giá bằng kết quả góp ý thống nhất rất cao (49/50 góp ý) của các Bộ, ngành, cơ quan về nội dung và sự cần thiết phải ban hành Nghị định.
Nghi định được ban hành cùng với Thông tư hướng dẫn, các mẫu hợp đồng được Bộ Xây dựng công bố sẽ là hệ thống văn bản và công cụ đồng bộ phục vụ rất tôt cho việc quản lý hợp đồng trong hoạt động xây dựng, sẽ giúp các chủ thể tham gia hợp đồng xây dựng của tất cả các loại hợp đồng xây dựng hiểu được nội dung của hợp đồng xây dựng, hiểu được quyền và nghĩa vụ của mình và cũng như của đối tác, biết được cách quản lý và điều chỉnh hợp đồng (khối lượng, tiến độ, chi phí,...) trong quá trình thực hiện, biết được trách nhiệm của mỗi bên nếu vi phạm cam kết trong hợp đồng, biết được cách giải quyết tranh chấp (nếu có), và cuối cùng kết quả thực hiện hợp đồng xây dựng sẽ được cải thiện đáng kể, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư của các dự án, vì kết quả quản lý hợp đồng quyết định kết quả của công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.
Nghị định ban hành sẽ là công cụ pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền, nghĩa vụ hợp pháp của các chủ thể tham gia hợp đồng xây dựng đối với hợp đồng xây dựng thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng tất cả các nguồn vốn.
Với các tác dụng của Nghị định sẽ mang đến cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân như nêu ở trên, thì khi Nghị định ban hành sẽ được các cơ quan, tổ chức, cá nhân tuân thủ nghiêm túc và tự nguyện.
XI. THEO DÕI, GIÁM SÁT, RÀ SOÁT CỦA CƠ QUAN CÓ THẨM QUYỀN
Các cơ quan có thẩm quyền có thể đánh giá kết quả của Nghị định bằng việc nghiên cứu nội dung Nghị định, nghiên cứu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; so sánh với các quy định ở các văn bản khác có liên quan, với thực tế khách quan và thông lệ quốc tế.
Trên đây báo cáo đánh giá tác động Nghị định về hợp đồng trong hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng kính báo cáo Chính phủ./.
Nơi nhận : |
BỘ
TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.