BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 5479/BC-BNN-PC |
Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2013 |
CÔNG TÁC PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT NĂM 2013
Thực hiện Công văn số 7647/BTP-PBGDPL ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Bộ Tư pháp về việc gửi báo cáo tổng kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) năm 2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) báo cáo như sau:
I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC PBGDPL NĂM 2013
1. Hướng dẫn, đôn đốc, xây dựng kế hoạch và triển khai công tác PBGDPL
Ngay từ đầu năm, Bộ đã chỉ đạo, ban hành văn bản gửi các đơn vị thuộc Bộ, các địa phương hướng dẫn thực hiện công tác PBGDPL nói chung, công tác thực hiện Đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số được phê duyệt theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 554/QĐ-TTg ngày 04/5/2009, Quyết định 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012, Quyết định số 1133/QĐ-TTg ngày 15/7/2013.
Bộ đã ban hành nhiều văn bản để triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật như: Quyết định số 875/QĐ-BNN-PC ngày 23/4/2013 phê duyệt nhiệm vụ thực hiện Tiểu Đề án 1 Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về NN và PTNT cho người dân nông thôn năm 2013; Quyết định số 878/QĐ-BNN-TC ngày 24/4/2013 phê duyệt dự toán nhiệm vụ thực hiện Tiểu đề án 1 Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về NN và PTNT cho người dân nông thôn năm 2013; Chỉ thị số 1479/CT-BNN-PC ngày 06/5/2013 của Bộ trưởng Bộ NN và PTNT về việc tăng cường triển khai thực hiện Đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2013-2016; Quyết định số 40/QĐ-BĐH-PC ngày 30/5/2013 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số từ năm 2013 đến năm 2016; Công văn số 2565/BNN-PC ngày 04/6/2013 về việc kiểm tra việc thực hiện Đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số; Công văn số 2566/BNN-PC ngày 04/6/2013 về việc tổ chức thực hiện các hoạt động thực hiện Đề án Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số; Công văn 2124/BNN-PC ngày 26/6/2013 về việc đề nghị cấp kinh phí thực hiện Tiểu Đề án 1 Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về NN và PTNT cho người dân nông thôn năm 2013-2016; Kế hoạch số 3640/KH-BNN-PC ngày 09/10/2013 về việc thực hiện "Ngày Pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" năm 2013 của Bộ NN và PTNT ...
Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã nghiêm túc triển khai thực hiện các văn bản trên, xây dựng chương trình, kế hoạch PBGDPL cụ thể và chủ động tổ chức triển khai thực hiện tại cơ quan, đơn vị mình.
2. Bộ phận đầu mối và đội ngũ thực hiện công tác PBGDPL
Hội đồng PBGDPL của Bộ được kiện toàn gồm đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ đã tạo điều kiện thuận lợi hơn trong công tác PBGDPL Bộ. Hội đồng này hoạt động thường xuyên, định kỳ tổ chức họp và đánh giá công tác PBGDPL của Bộ, sau đó có thông báo cụ thể để gửi các đơn vị trong Bộ và các thành viên trong Hội đồng.
Vụ Pháp chế là cơ quan thường trực của Hội đồng PBGDPL Bộ, có nhiệm vụ tham mưu cho Hội đồng, là đầu mối giúp Hội đồng chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình công tác PBGDPL của Bộ nói chung và việc thực hiện Tiểu Đề án 1, Đề án 554.
Hoạt động của bộ phận đầu mối có tác dụng góp phần đảm bảo cho công tác PBGDPL trong các đơn vị được thống nhất, được triển khai thường xuyên, liên tục từ Bộ đến các đơn vị.
Tổ chức pháp chế cũng như cán bộ làm công tác pháp chế của Bộ cũng tích cực tham gia thực hiện công tác PBGDPL.
Về cơ cấu tổ chức của tổ chức pháp chế của Bộ:
- Vụ Pháp chế của Bộ có nhiệm vụ tham mưu tổng hợp giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về pháp luật trong đó có công tác PBGDPL trong lĩnh vực nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Vụ không thành lập phòng, bố trí các tổ chuyên môn như: Tổ tổng hợp, xây dựng; rà soát; kiểm tra, kiểm tra thực hiện pháp luật và tuyên truyền phổ biến văn bản quy phạm pháp luật.
- Các Tổng cục thuộc Bộ: (Tổng cục Lâm nghiệp, Thủy sản, Thủy lợi) Thành lập Vụ Pháp chế, Thanh tra thuộc Tổng cục. Vụ Pháp chế, thanh tra có nhiệm vụ tham mưu tổng hợp giúp Tổng Cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về pháp chế, thanh tra thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục theo quy định của Pháp luật.
- Các Cục thuộc Bộ, tổ chức pháp chế được kiện toàn trên cơ sở tổ chức lại Thanh tra Cục (đối với các Cục trước đây chưa có Phòng Thanh tra, Pháp chế). Đối với những Cục đã có Phòng Thanh tra, Pháp chế thì được kiện toàn và bổ sung nhiệm vụ. Đến nay có 7/8 Cục thành lập Phòng Thanh tra, Pháp chế.
Tính đến thời điểm hiện nay, số lượng người làm công tác pháp chế ở Bộ là 73 người (trong đó, kiêm nhiệm: 32 người, chuyên trách: 41 người), về trình độ học vấn: Đại học Luật trở lên: 21 người, Thạc sỹ luật: 11 người, chưa có trình độ cử nhân luật (chuyên ngành khác): 33 người, về thâm niên công tác: dưới 5 năm: 33 người; từ 5 đến 10 năm: 27 người; trên 10 năm: 13 người.
Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ ngày càng nhiều, tính chất công việc phức tạp thì số lượng công chức làm công tác pháp chế nói chung, công tác PBGDPL nói riêng ở các Tổng cục, Cục thuộc Bộ còn mỏng, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Do đó, việc triển khai công tác PBGDPL ở các Tổng cục, các Cục chuyên ngành còn nhiều hạn chế, mới tập trung cho công tác xây dựng văn bản là chủ yếu.
Đội ngũ Báo cáo viên pháp luật của Bộ và các đơn vị gồm 50 người (đã được Bộ Tư pháp công nhận và cấp thẻ Báo cáo viên pháp luật) đã tích cực thực hiện nhiệm vụ của mình.
3. Nội dung và các hình thức PBGDPL chủ yếu được thực hiện.
Bộ và các đơn vị thuộc Bộ đã tập trung tuyên truyền, phổ biến kịp thời các Luật, Pháp lệnh đã được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành như: Luật Đê điều, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng, Chương trình hành động của Bộ thực hiện 2 Luật trên theo Quyết định số 607/QĐ-BNN-TC ngày 06/3/2006 và Quyết định số 616/QĐ-BNN-TTr ngày 07/3/2006, Luật Bình đẳng giới, các văn bản pháp luật liên quan đến nghiên cứu khoa học, dịch vụ công, xây dựng, tiêu chuẩn kinh tế kỹ thuật, quyền và nghĩa vụ của cán bộ công chức, người lao động như: Bộ luật Dân sự, Luật Khoa học và công nghệ, Luật chuyển giao công nghệ, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Hóa chất, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật Bảo hiểm xã hội, các văn bản pháp luật của nhà nước quy định về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp, đơn vị sự nghiệp khoa học công lập... kịp thời phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan lĩnh vực quản lý chuyên ngành về NN và PTNT đến các cán bộ công chức trong đơn vị và hệ thống tổ chức của ngành, các đối tượng thực hiện và áp dụng.
4. Các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã sử dụng
Các đơn vị thuộc Bộ đã vận dụng linh hoạt, hiệu quả các hình thức, phương pháp PBGDPL, lồng ghép việc PBGDPL với các chương trình khác sinh động, khả thi, thích hợp với yêu cầu và điều kiện thực tế, đã lựa chọn các hình thức để PBGDPL như: tuyên truyền miệng trực tiếp, đào tạo tập huấn, phát hành các tài liệu pháp luật trong lĩnh vực NN và PTNT, xây dựng tủ sách pháp luật, sử dụng internet và mạng nội bộ, sử dụng phương tiện thông tin đại chúng, thi tìm hiểu pháp luật, biên soạn tài liệu, đưa pháp luật giảng dạy trong nhà trường, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, xây dựng các mô hình thí điểm để thực thi các quy định của Luật, nghiên cứu tuyên truyền, phổ biến pháp luật thông qua sinh hoạt Câu lạc bộ (thanh niên, phụ nữ)...
Trong năm 2013, Bộ và các đơn vị thuộc Bộ đã đạt được kết quả sau:
- Tổ chức 01 Hội nghị trực tuyến tổng kết việc thực hiện Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2009-2012; lồng ghép phổ biến, quán triệt triển khai Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật và các định hướng, kế hoạch PBGDPL của Bộ trong giai đoạn 2013-2016.
- Tổ chức 01 Hội nghị Ngày pháp luật và 04 hội nghị phổ biến Luật xử lý vi phạm hành chính và các nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn
- Tổ chức 03 lớp tập huấn đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ phổ biến pháp luật, cung cấp tài liệu và các kiến thức pháp luật có liên quan cho đội ngũ cán bộ nòng cốt làm công tác TTPBPL về lĩnh vực NN và PTNT tại Cao Bằng, Sóc Trăng, Gia Lai, mỗi lớp 50 học viên. Trên cơ sở đó, các địa phương đã tập huấn đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ phổ biến pháp luật cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên tại cơ sở.
- Tổ chức 10 hội nghị phổ biến pháp luật về NN và PTNT cấp huyện, mỗi hội nghị 50 người tại: Cao Bằng, Hòa Bình, Phú Thọ, Nghệ An, Sóc Trăng, Gia Lai. Tiến hành kiểm tra việc thực hiện Đề án tại các tỉnh này.
- Tổ chức tuyên truyền, tập huấn pháp luật chuyên ngành với số lượng tham gia tập huấn hàng trăm người tham gia ở các lĩnh vực như: thủy lợi, bảo vệ thực vật, thủy sản, chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, chương trình vệ sinh nước sạch môi trường nông thôn... Cụ thể: tổ chức 01 lớp phổ biến quán triệt các văn bản quy phạm pháp luật, tập huấn về công tác văn thư, lưu trữ cho cán bộ làm công tác văn thư, lưu trữ; Phổ biến Luật Khiếu nại số 02/2011/QH13, Luật Tố cáo số 03/2011/QH13; Thông tư số 03/2013/TT-BNNPTNT ngày 11 tháng 01 năm 2013 về quản lý thuốc bảo vệ thực vật; Thông tư liên tịch số 11/2012/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHĐT ngày 01/3/2012 về việc hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho đề án phát triển giống cây trồng, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020; tổ chức 02 lớp tập huấn cho các nhà máy đường miền Bắc và miền Trung, Tây nguyên về việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia "chất lượng mía nguyên liệu"...
- Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và phát sóng các chương trình, bản tin trên Đài Truyền hình Việt Nam kênh VTV2, Đài Tiếng nói Việt Nam, VOV1 để phổ biến nội dung pháp luật về NN và PTNT; xây dựng Chuyên mục riêng biệt TTPBPL về NNPTNT với tên gọi "Pháp luật với nhà nông"; tuyên truyền trên Tạp chí Nông nghiệp và Bạn của Nhà nông (VTV2) và trong các Chuyên mục: Nông nghiệp - Nông thôn và Biển đảo Việt Nam trên hệ VOV1, Đài Tiếng nói Việt Nam, đã TTPBPL cho lượng lớn khán, thính giả, khung giờ phát sóng phù hợp với nếp sống sinh hoạt của người dân nông thôn.
- Tuyên truyền trên Báo Nông nghiệp Việt Nam các quy định pháp luật về NN và PTNT, các bài bình luận đánh giá về chính sách pháp luật, các vấn đề bức xúc liên quan đến nông dân, nông nghiệp, nông thôn.
- Đăng tải thông tin pháp luật trên trang thông tin điện tử: mard.gov.vn của Bộ các văn bản quy phạm pháp luật về NN và PTNT; các thủ tục hành chính liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ; dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Bộ chủ trì xây dựng để lấy ý kiến theo quy định của pháp luật; các thông tin khác về hoạt động xây dựng và thực hiện pháp luật, hỏi - đáp pháp luật cần thiết cho người dân.
- Bộ đã phối hợp với Ủy ban dân tộc, TW HNDVN, TW HLHPNVN, Bộ Tư Pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hội thi tìm hiểu pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số bằng hình thức sân khấu hóa cho các đối tượng là cán bộ, tuyên truyền viên từ cơ sở của các đơn vị ban, ngành thành viên của Đề án 554 và người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số như Tuyên truyền viên cấp xã, người dân nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số, Già làng, Trưởng bản, Trưởng thôn, Trưởng ấp, các vị chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc, người sản xuất giỏi; trong đó, mỗi đội thi có tỷ lệ nữ từ 30% đến 50%.
Hội thi được tổ chức ở cấp khu vực và toàn quốc. Nội dung thi gồm các nội dung pháp luật liên quan thiết thực đến quyền và nghĩa vụ của người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số.
Hội thi đã tập hợp được 180 thí sinh đến từ 10 tỉnh và thu hút được hàng ngàn lượt người tham gia cổ vũ. Chương trình công diễn các tiết mục xuất sắc nhất của Hội thi được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV5 và tiếp sóng trực tiếp trên các kênh của Đài truyền hình VTC, phát lại trên các kênh của Đài Truyền hình Hà Nội và kênh VTV2. Nội dung và kết quả Hội thi cũng được đăng tải trên các trang thông tin điện tử của các bộ ngành và địa phương và được ghi lại thành đĩa, in sao gửi các địa phương làm tài liệu TTPBPL.
6. Công tác kiểm tra về PBGDPL.
Bộ đã ban hành quyết định thành lập các đoàn kiểm tra công tác PBGDPL của Bộ năm 2013 về các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản nhằm nắm tình hình, đôn đốc và hướng dẫn việc triển khai, tổ chức thực hiện các văn bản của Ban Bí thư, Chính phủ và của Bộ về công tác PBGDPL của ngành NN&PTNT tại các đơn vị thuộc Bộ, địa phương để báo cáo Bộ.
Bên cạnh đó, Bộ cũng chủ trì, phối hợp thành lập đoàn kiểm tra liên ngành (đoàn kiểm tra của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL của Chính phủ, đoàn kiểm tra theo kế hoạch phối hợp của Đề án 554) kiểm tra việc thực hiện công tác PBGDPL nói chung, công tác thực hiện Đề án 554 tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương như: Hòa Bình, Cao Bằng, Gia Lai, Sóc Trăng...
1. Về ưu điểm:
- Bộ đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ chủ động trong việc tổ chức PBGDPL có nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của mình; xác định được vai trò, vị trí của công tác PBGDPL là nhiệm vụ then chốt, là một bộ phận quan trọng của công tác giáo dục tư tưởng, phù hợp với tình hình và đặc thù của đơn vị.
- Bộ đã xác định đúng đối tượng cần PBGDPL để phổ biến. Nội dung pháp luật đã được chọn lọc để tuyên truyền, phổ biến một cách kịp thời, phù hợp với từng đối tượng và từng địa bàn. Hình thức PBGDPL thích hợp phong phú, có sức thu hút với đông đảo cán bộ nhân viên, đã phân loại đối tượng để chọn nội dung phổ biến cho phù hợp.
- Công tác PBGDPL bước đầu đã đi vào nền nếp, các cơ quan, đơn vị đã xây dựng và thực hiện kế hoạch PBGDPL kịp thời, thường xuyên, liên tục và rộng khắp. Cán bộ, công chức, viên chức đã nắm bắt kịp thời, có hệ thống các quy định của pháp luật, trên cơ sở đó không ngừng nâng cao hiểu biết và tôn trọng pháp luật, nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật và tăng cường năng lực trong việc thực thi các quy định của pháp luật.
- Thông qua công tác PBGDPL, cán bộ, công chức và người lao động trong ngành NN và PTNT đã hiểu và nắm bắt được các quy định của pháp luật, dần dần đã tạo được nếp sống và làm việc theo pháp luật, tình hình vi phạm pháp luật được hạn chế đến mức thấp nhất, tạo nên ý thức chủ động, tích cực tìm hiểu pháp luật và thói quen chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân.
2. Hạn chế
Bênh cạnh những kết quả đạt được, công tác PBGDPL của Bộ còn một số tồn tại cần khắc phục:
- Đội ngũ làm công tác PBGDPL chưa được quan tâm đúng mức, chưa được tạo nhiều điều kiện để hoạt động như: tập huấn về nghiệp vụ, cung cấp tài liệu và thông tin pháp luật đầy đủ, chế độ đãi ngộ không có.
- Công tác PBGDPL ở một số đơn vị chưa thiết thực, còn hình thức, việc triển khai thực hiện cũng như chế độ báo cáo về công tác PBGDPL vẫn chưa được thực hiện một cách đầy đủ.
- Nguồn kinh phí dành cho công tác PBGDPL còn quá hạn hẹp. Có đơn vị hầu như không có, các nguồn kinh phí khác huy động rất khó khăn.
III. PHƯƠNG HƯỚNG CÔNG TÁC PBGDPL TRONG NĂM 2014
- Tiếp tục quán triệt đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của công tác PBGDPL cho cán bộ, Đảng viên và nhân dân theo đúng tinh thần Chỉ thị 32-CT/TW và Nghị quyết 61/2007/NQ-CP ; xác định rõ PBGDPL là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
- Triển khai và thực hiện Quyết định 409/QĐ-TTg ngày 09/4/2012 về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI), chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Ủy ban Dân tộc, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Đề án 554 đến năm 2016.
- Tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ năm 2013 và triển khai thực hiện Chương trình PBGDPL của ngành NN và PTNT giai đoạn 2013-2016;
- Củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ Báo cáo viên, Tuyên truyền viên pháp luật các cấp của ngành NN và PTNT, mở các lớp đào tạo, tập huấn cho đội ngũ này.
- Sử dụng, khai thác và vận dụng linh hoạt các hình thức, phương pháp PBGDPL đảm bảo tính phù hợp hiệu quả; kết hợp giữa PBGDPL với tư vấn pháp luật, giải quyết tranh chấp, giải quyết khiếu nại tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật trong từng vụ việc cụ thể. Đặc biệt, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền miệng thông qua đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, huy động sức mạnh và lợi thế sẵn có của các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao hoạt động PBGDPL.
- Tổ chức các Đoàn kiểm tra công tác PBGDPL của các địa phương, của Bộ và các đơn vị thuộc Bộ, nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL trong các cơ quan quản lý nhà nước cũng như đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp của ngành.
- Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan đơn vị thuộc Bộ và Sở NN&PTNT các tỉnh trong việc thực hiện công tác PBGDPL.
- Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng nhằm khen đúng người, đúng việc, động viên các cá nhân làm việc hiệu quả hơn.
Trên đây là báo cáo tổng kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2013. Đề nghị Bộ Tư pháp tổng hợp./.
Nơi nhận: |
TL. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.