BỘ THÔNG TIN VÀ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 51/BC-BTTTT |
Hà Nội, ngày 30 tháng 05 năm 2023 |
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 17/NQ-CP NGÀY 07/3/2019 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM PHÁT TRIỂN CHÍNH PHỦ ĐIỆN TỬ GIAI ĐOẠN 2019 - 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2025
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 435/LĐCP ngày 16/10/2019 về việc báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến 2025 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 17/NQ-CP) tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ, trên cơ sở báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Thông tin và Truyền thông xin báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP trong tháng 5 năm 2023 như sau:
I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI, KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Về công tác chỉ đạo, điều hành
- Tại Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2023 (Nghị quyết số 74/NQ-CP ngày 07/5/2023), Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong các lĩnh vực; nghiên cứu, triển khai các biện pháp tăng cường đào tạo nhân lực ngành công nghệ thông tin trong các trường đại học, cao đẳng. Khẩn trương nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cấp bộ, cấp tỉnh, Cổng dịch vụ công quốc gia đáp ứng các yêu cầu, quy định; thực hiện số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo quy định tại Thông tư số 01/2023/TT-VPCP ngày 05/4/2023 của Văn phòng Chính phủ; tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh, Cổng dịch vụ công quốc gia với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, CSDL chuyên ngành bảo đảm thông suốt, hiệu quả, an ninh, an toàn thông tin. Các bộ, ngành, địa phương chưa đáp ứng yêu cầu về an toàn, an ninh mạng để kết nối CSDL quốc gia về dân cư khẩn trương triển khai các biện pháp để hoàn thành trong tháng 5/2023. Từ ngày 01/6/2023, không yêu cầu người dân cung cấp lại thông tin đã được số hóa lưu giữ trong CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành và các Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh, Cổng dịch vụ công quốc gia. Tiếp tục thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử tại các cấp chính quyền; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quán triệt cán bộ, công chức, viên chức, cá nhân được giao trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công phải khai thác, sử dụng thông tin về cư trú của công dân trong CSDL quốc gia về dân cư để cấp các giấy tờ có yêu cầu xác nhận của địa phương nơi cư trú cho người dân như Sơ yếu lý lịch, Giấy chứng nhận, Giấy giới thiệu…; giao Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ báo cáo Chính phủ giải pháp bảo đảm kinh phí cho các bộ, ngành, địa phương trong việc nâng cấp Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh; các CSDL quốc gia, chuyên ngành; việc số hóa kết quả giải quyết TTHC, bao gồm cả chính sách hỗ trợ đối với các địa phương khó khăn, vùng sâu, vùng xa; giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Công an triển khai ứng dụng định danh điện tử và xác thực điện tử (VneID) trong mở tài khoản và ứng dụng giải pháp chấm điểm tín dụng; chỉ đạo các ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có chính sách phí thanh toán ưu đãi, hợp lý để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt đối với các nhóm đối tượng hưởng các chính sách an sinh xã hội; giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung rà soát, đề xuất biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách trong sản xuất, kinh doanh, triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), phát triển kinh tế số, xã hội số và phục vụ người dân, doanh nghiệp, hoàn thành trong tháng 9/2023; giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tư pháp và các cơ quan, địa phương liên quan tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án 06 và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 23/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn và tổ chức giao ban với các bộ, cơ quan, địa phương để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền; tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền; phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế nghiên cứu, xây dựng giải pháp triển khai thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID cho công dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương đẩy mạnh các giải pháp chuyển đổi số, nhất là trong cơ quan nhà nước; phát triển kinh tế số. Nghiên cứu, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc cấp, quản lý chữ ký số công cộng bảo đảm tiện lợi cho tổ chức, cá nhân trong ký các giấy tờ, tài liệu khi thực hiện các dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); sửa đổi Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số theo trình tự, thủ tục rút gọn; kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai các giải pháp về công nghệ đáp ứng yêu cầu tại Văn bản số 1552/BTTTT-THH ngày 26/4/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông; nghiên cứu, hướng dẫn các giải pháp khắc phục tạm thời trong giai đoạn thực hiện thủ tục đầu tư.
- Ngày 18/5/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, trong đó, Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai hiệu quả nhiệm vụ được giao tại Chương trình Chuyển đổi số quốc gia theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ; phát triển hệ thống CSDL du lịch quốc gia, các nền tảng số kết nối liên thông hệ thống thông tin du lịch với các ngành liên quan phục vụ công tác hoạch định chính sách và điều hành, quản lý nhà nước, phục vụ doanh nghiệp, khách du lịch trong nước, quốc tế; đẩy mạnh chuyển đổi số, hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam; thiết kế, xây dựng, tổ chức, vận hành một trang web quốc gia và một ứng dụng di động quốc gia về du lịch theo cách chuyên nghiệp, nội dung phong phú, hấp dẫn và mang lại nhiều hữu ích cho khách du lịch.
2. Xây dựng, hoàn thiện thể chế
Về việc xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân, ngày 17/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về Bảo vệ dữ liệu cá nhân, trong đó nêu rõ biện pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân được áp dụng ngay từ khi bắt đầu và trong suốt quá trình xử lý dữ liệu cá nhân.
3. Xây dựng nền tảng phát triển Chính phủ điện tử
- Về Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu: Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) được xây dựng, từng bước kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương. Đến tháng 12 năm 2020, 22/22 bộ, cơ quan ngang bộ; 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ/tỉnh (LGSP) và kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, đạt tỷ lệ 100%. Nền tảng NDXP đã kết nối với hệ thống của 90 cơ quan, đơn vị; 09 CSDL và 13 hệ thống thông tin có quy mô, phạm vi từ Trung ương đến địa phương. Tính đến ngày 20/5/2023, tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP trong tháng 5 năm 2023 là 28.045.703; trung bình hằng ngày có khoảng 1,47 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP; tổng số giao dịch thực hiện thông qua NDXP từ khi khai trương đến nay là hơn 1,3 tỷ giao dịch. Tính đến ngày 20/5/2023, đã hỗ trợ hoàn thành kết nối CSDL quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức với 20 bộ, ngành và 60 địa phương; kết nối Hệ thống đăng ký, giải quyết chính sách trợ giúp xã hội trực tuyến với 41 địa phương.
- Về việc xây dựng các CSDL tạo nền tảng CPĐT:
+ CSDL quốc gia về Dân cư: Bộ Công an đã vận hành chính thức Hệ thống CSDL quốc gia về Dân cư từ ngày 01/7/2021. Đến nay, CSDL quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 đơn vị bộ, ngành1, 01 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 03 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin. Đến nay, trên toàn quốc đã có 11 địa phương triển khai số hóa dữ liệu hộ tịch trên nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gồm: Thái Nguyên, Bình Phước, Bạc Liêu, Gia Lai, Quảng Bình, Quảng Nam, Hà Nam, Bình Dương, Hải Dương, Phú Thọ, Hà Nội; tiếp tục hỗ trợ các đoàn thể xây dựng dữ liệu quản lý đoàn viên, hội viên. Tiếp nhận 108,7 triệu yêu cầu xác thực thông tin thuê bao của 03 nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobiphone, có thông tin trùng khớp là 90,27 triệu yêu cầu (83%).
+ CSDL về Bảo hiểm: BHXH Việt Nam đang tiếp tục nghiên cứu, đánh giá hạ tầng CNTT, hệ thống phần mềm nghiệp vụ, CSDL của ngành BHXH Việt Nam để phục vụ xây dựng tài liệu Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng CSDL quốc gia về Bảo hiểm, hướng đến mục tiêu xây dựng CSDL quốc gia về Bảo hiểm như một CSDL tham chiếu chung (Master data) cho tất cả các hệ thống phần mềm nghiệp vụ khai thác, đồng thời đáp ứng nhu cầu khai thác, trích xuất thông tin về BHXH, BHYT, BHTN; đồng thời tiếp tục hoàn thiện dự thảo Quy chế Quản lý, cập nhật, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu trong các Hệ thống phần mềm nghiệp vụ và từ cơ sở dữ liệu tập trung Ngành BHXH Việt Nam sau khi tiếp thu các ý kiến góp ý của các bộ, ngành, địa phương;
Nhằm bảo đảm tiến độ triển khai Đề án 06, BHXH Việt Nam tiếp tục phối hợp với Bộ Công an thực hiện xác thực thông tin công dân trong CSDL quốc gia về dân cư. Tính đến ngày 18/5/2023, đã hoàn thành xác thực thông tin của hơn 83 triệu nhân khẩu với CSDL quốc gia về dân cư; Về việc triển khai thí điểm khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế (BHYT) bằng CCCD gắn chíp, toàn quốc đã có gần 12,5 nghìn cơ sở khám chữa bệnh BHYT thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp (đạt 97% tổng số cơ sở khám chữa bệnh BHYT), với hơn 25,7 triệu lượt tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD thành công phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT.
BHXH Việt Nam tiếp tục kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa BHXH với Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), Bộ Tư pháp, Tổng cục Thuế, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Bộ Y tế; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Nội vụ; phối hợp với Văn phòng Chính phủ kết nối, cung cấp thông tin trên Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, thực hiện tổng hợp báo cáo số liệu hàng ngày, thống kê tình hình hỗ trợ các nhóm đối tượng tại chương I, II, III Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, dữ liệu từ BHXH cấp huyện trở lên được tự động cập nhật lên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; tiếp tục phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ liên quan hoàn thiện quy trình để tích hợp, cung cấp các dịch vụ công.
+ CSDL hộ tịch điện tử toàn quốc: Tính đến ngày 22/5/2023, trên Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch đã có 35.898.836 dữ liệu đăng ký khai sinh, trong đó có 8.696.362 trẻ em được cấp Số định danh cá nhân theo quy định, 4.905.771 hồ sơ khai sinh có số định danh cá nhân được chuyển sang hệ thống của BHXH; 8.810.207 dữ liệu đăng ký kết hôn; 5.441.461 dữ liệu đăng ký khai tử và 9.718.669 dữ liệu khác.
+ CSDL quốc gia về đất đai: Tiếp tục triển khai dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” (dự án VILG), khối lượng xây dựng CSDL sau điều chỉnh là 250 huyện, thuộc 30 tỉnh, thành phố (trong đó, xây dựng mới CSDL là 160 huyện và chuyển đổi CSDL là 90 huyện), đã vận hành CSDL đất đai thường xuyên tại Văn phòng Đăng ký đất đai và các Chi nhánh của các tỉnh, thành phố. Đã hoàn thành kết nối, liên thông dữ liệu đất đai của 52/63 địa phương với Hệ thống tích hợp, kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai quốc gia; kết nối dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, cơ sở dữ liệu đất đai cấp địa phương với Nền tảng NDXP, Trung tâm điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, cung cấp dịch vụ công trực tuyến và sẵn sàng chia sẻ dữ liệu cho các Bộ ngành, địa phương (từ tháng 7/2021). Hiện nay tất cả 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã và đang triển khai xây dựng CSDL đất đai với 217/705 đơn vị cấp huyện với 43 triệu thửa đất đã hoàn thành và đưa vào sử dụng thường xuyên tại Văn phòng Đăng ký đất đai và các Chi nhánh của các tỉnh, thành phố; tiếp tục xây dựng CSDL 250 huyện, thuộc 30 tỉnh, thành phố, dự kiến hoàn thành 6/2023.
+ CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp: hiện chứa thông tin đăng ký doanh nghiệp theo thời gian thực của hơn 01 triệu doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc và không ngừng được hoàn thiện; đã kết nối với CSDL quốc gia về bảo hiểm; Cổng Dịch vụ công quốc gia qua Trục liên thông văn bản quốc gia (VDXP); đã thực hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu về đăng ký doanh nghiệp với các Hệ thống sau: Hệ thống thông tin đầu tư nước ngoài, Hệ thống thông tin đấu thầu qua mạng; Hệ thống thông tin của một số Bộ, ngành và địa phương thông qua Trục tích hợp dữ liệu quốc gia (NGSP) như Hệ thống dịch vụ công trực tuyến cấp đổi giấy phép kinh doanh vận tải, biển hiệu phù hiệu xe ô tô của Bộ Giao thông vận tải, Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Bắc Giang. Trong thời gian tới, tiếp tục mở rộng kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống một cửa điện tử tại một số địa phương.
+ CSDL quốc gia về Tài chính: Bộ Tài chính đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Xây dựng CSDL tổng hợp về Tài chính (giai đoạn 1) tại Quyết định số 1326/QĐ-BTC ngày 14/7/2021 và Quyết định phê duyệt dự án số 1416/QĐ-BTC ngày 12/07/2022. Hiện nay, Bộ Tài chính đang phối hợp cùng đơn vị nhà thầu khảo sát trước khi tiến hành triển khai dự án. Về việc xây dựng, hoàn thiện các CSDL chuyên ngành phục vụ Đề án xây dựng CSDL quốc gia về Tài chính (triển khai 12 CSDL chuyên ngành), đến nay Bộ Tài chính đã hoàn thành xây dựng và đã đưa vào triển khai sử dụng 10 CSDL chuyên ngành2; 02 CSDL chuyên ngành3 đang tổ chức nâng cấp và hoàn thiện.
4. Xây dựng các hệ thống thông tin đổi mới lề lối, phương thức làm việc, phục vụ người dân, doanh nghiệp
a) Các hệ thống thông tin đổi mới lề lối, phương thức làm việc
- Trục liên thông văn bản quốc gia: Số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trong tháng 5 năm 2023 là 637.590 văn bản (Gửi: 123.532 văn bản, nhận 514.058 văn bản). Trong 5 tháng đầu năm 2023, số lượng văn bản điện tử, gửi, nhận qua Trục khoảng 2,9 triệu văn bản. Tính đến nay đã có hơn 22,5 triệu văn bản gửi, nhận trên Trục.
- Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (e-Cabinet): Từ ngày ngày 20/4/2023 đến ngày 20/5/2023, Hệ thống đã phục vụ 01 phiên họp Chính phủ và xử lý 53 Phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế hơn 10 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy). Tính đến nay, Hệ thống đã phục vụ 74 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý 1.626 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế hơn 566 nghìn hồ sơ, tài liệu giấy).
- Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Trong tháng 5, đã xây dựng Infographic báo cáo tình hình kinh tế - xã hội phục vụ phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023; Hoàn thiện dự thảo và tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của bộ, ngành, địa phương về Khung bộ chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành trong các cơ quan thuộc hệ thống hành chính nhà nước; Tiếp tục xây dựng kho dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
b) Các hệ thống thông tin phục vụ người dân, doanh nghiệp
- Trong tháng 5 năm 2023, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cung cấp DVCTT theo hướng toàn trình quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
- Cổng Dịch vụ công quốc gia: Từ ngày 20/4/2023 đến ngày 20/5/2023, Cổng đã có hơn 715 nghìn tài khoản đăng ký; hơn 14,58 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 1,61 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; hơn 1,79 triệu hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng; hơn 1,12 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 527 tỷ đồng. Tính đến nay, Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp 4.419 dịch vụ công trực tuyến; có hơn 7 triệu tài khoản đăng ký; hơn 203 triệu hồ sơ đồng bộ; hơn 15,9 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích; 14,9 triệu hồ sơ trực tuyến từ Cổng; hơn 9,4 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến với số tiền hơn 5,523 nghìn tỷ đồng; hơn 299 nghìn cuộc gọi tới tổng đài.
5. Về việc xây dựng CPĐT gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân
Công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá, giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin phục vụ CPĐT tiếp tục được đẩy mạnh.
Trong tháng 5 năm 2023, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận, cảnh báo và hướng dẫn xử lý 695 cuộc tấn công mạng gây ra sự cố vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam, tăng 39,6% so với tháng 4/2023, giảm 17,9% so với cùng kỳ tháng 5/2022.
Để bảo đảm an toàn thông tin mạng, Bộ Thông tin và Truyền thông vẫn tiếp tục tăng cường công tác giám sát an toàn hệ thống thông tin, chủ động rà quét trên không gian mạng Việt Nam, đánh giá, thống kê và tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dùng biết, phòng tránh; tiếp tục có các văn bản cảnh báo cho các bộ, ngành, địa phương và các thành viên trong mạng lưới ứng cứu sự cố để đôn đốc việc rà soát điểm yếu lỗ hổng, dấu hiệu tấn công mạng.
Chi tiết tình hình thực hiện các nhiệm vụ của từng bộ, ngành báo cáo tại Phụ lục kèm theo.
II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ TRIỂN KHAI
1. Đánh giá chung
Trong tháng 5 năm 2023, việc triển khai CPĐT nói chung và Nghị quyết số 17/NQ-CP nói riêng tiếp tục được các bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định, cụ thể:
- Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tiếp tục có những chỉ đạo quyết liệt, sát sao để phát triển CPĐT, Chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia. Tại các bộ, ngành, địa phương, công tác chỉ đạo, điều hành phát triển CPĐT, Chính phủ số, chuyển đổi số tiếp tục được quan tâm.
- Thể chế phát triển CPĐT, Chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia tiếp tục được hoàn thiện. Ngày 17/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về Bảo vệ dữ liệu cá nhân.
- Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có những chỉ đạo nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Đề án 06. Ngày 23/02/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2023 và những năm tiếp theo.
- Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thành việc kết nối các hệ thống thông tin giải quyết TTHC với CSDL quốc gia về dân cư, Cổng dịch vụ công Quốc gia nhằm khai thác thông tin phục vụ giải quyết TTHC.
- Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp đẩy mạnh cung cấp DVCTT.
- Công tác tổ chức kiểm tra, đánh giá, giám sát, bảo đảm an toàn, an ninh mạng cho các hệ thống thông tin phục vụ CPĐT tiếp tục được đẩy mạnh.
- Các nền tảng cho phát triển CPĐT, thực hiện chuyển đổi số quốc gia tiếp tục được quan tâm thúc đẩy phát triển.
2. Tồn tại, hạn chế
- Tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến toàn trình còn chưa cao.
- Công tác an toàn, an ninh mạng nhiều nơi còn chưa được bảo đảm.
- Việc chia sẻ, mở dữ liệu của các cơ quan nhà nước còn hạn chế.
III. PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
Để thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị một số phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm các bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai trong tháng 6/2023 như sau:
1. Khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019, Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 về Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo hướng thiết thực, hiệu quả.
2. Triển khai các nội dung để cung cấp thông tin và DVCTT của cơ quan nhà nước tuân thủ Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, đặc biệt là cung cấp DVCTT toàn trình, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mong muốn và thực sự sử dụng hiệu quả DVCTT.
3. Triển khai phát triển nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số theo kế hoạch để thực hiện Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
4. Đẩy mạnh triển khai các nền tảng số địa phương để giải quyết các vấn đề của người dân trong phát triển kinh tế - xã hội.
5. Phối hợp với Văn phòng Chính phủ kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo Quyết định số 1498/QĐ-TTg ngày 11 tháng 9 năm 2021 với Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Thông tin và Truyền thông kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương một số nội dung sau:
1. Quyết liệt triển khai các nội dung trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2023, Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương năm 2023 và Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 của bộ, ngành, địa phương.
2. Đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, liên thông, kết nối các CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành để tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chính quyền các cấp và giải quyết TTHC phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đẩy mạnh kết nối, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu với Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
3. Chuẩn hoá chế độ báo cáo, hoàn thành xây dựng Hệ thống thông tin báo cáo và tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ; Phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng Khung Bộ chỉ số phục vụ chỉ đạo, điều hành của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.
4. Tiếp tục rà soát đánh giá, tái cấu trúc toàn bộ các dịch vụ công đã cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ trực tuyến, không để tình trạng giải quyết hồ sơ chậm, muộn; ban hành chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng DVCTT.
5. Các bộ, ngành rà soát, đề xuất mức phí, lệ phí thực hiện TTHC theo hướng ưu đãi khi thực hiện DVCTT thuộc ngành, lĩnh vực mình phụ trách; rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, TTHC liên quan đến Phiếu lý lịch tư pháp thuộc ngành, lĩnh vực quản lý để cắt giảm yêu cầu người dân phải cung cấp Phiếu lý lịch tư pháp.
Trên đây là Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP , Bộ Thông tin và Truyền thông kính trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
1 Bảo hiểm Xã hội Việt Nam; Bộ Tài chính (DVC và Hệ thống chuyên ngành của Tổng cục Thuế); Bộ Giáo dục Đào tạo; Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục quản lý đăng ký kinh doanh); Bộ Y tế (Dữ liệu tiêm chủng); Bộ Giao thông Vận tải (Hệ thống Dịch vụ Công và CSDL Giấy phép lái xe, CSDL đăng kiểm phương tiện); Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Cục Trẻ em); Bộ Tài nguyên và Môi trường (Công nghệ thông tin và dữ liệu tài nguyên môi trường); Văn phòng Chính phủ; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Tư pháp; Bộ Quốc phòng (Hệ thống Dịch vụ công); Ngân hàng nhà nước Việt Nam (Hệ thống dịch vụ công).
2 CSDL quản lý Kho bạc, CSDL quản lý Hải quan, CSDL quản lý Thuế, CSDL quản lý Chứng khoán, CSDL quản lý Giá giai đoạn 1, CSDL quản lý thu - chi ngân sách nhà nước, CSDL quản lý Tài sản công, CSDL quản lý, giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp, CSDL danh mục điện tử dùng chung ngành Tài chính, CSDL chuyên ngành quản lý Bảo hiểm.
3 CSDL chuyên ngành quản lý Dự trữ nhà nước, CSDL quản lý Nợ công triển khai nâng cấp hệ thống phân tích tài chính và quản lý nợ phiên bản 6.0.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.