ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3190/BC-UBND |
Cần Giờ, ngày 29 tháng 6 năm 2020 |
KẾT QUẢ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 32/NQ-HĐND NGÀY 24 THÁNG 12 NĂM 2019 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN VỀ CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN
Thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-HĐND ngày 24 tháng 12 năm 2019 của Hội đồng nhân dân huyện về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10 Hội đồng nhân dân huyện Cần Giờ khóa X, nhiệm kỳ 2016 - 2021, Ủy ban nhân dân huyện báo cáo kết quả thực hiện như sau:
I. Lĩnh vực về tài nguyên và môi trường:
1. Tích cực đeo bám Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố để được hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện Quyết định 60/2017/QĐ-UBND ngày 05 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố nhằm sớm giải quyết nhu cầu xin tách thửa quyền sử dụng đất của người dân.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Quyết định 60/2017/QĐ-UBND ngày 05 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa, Ủy ban nhân dân huyện đã có Công văn số 4562/UBND ngày 27 tháng 9 năm 2019 về xin ý kiến Sở Tài nguyên và Môi trường liên quan theo quy định tại Khoản 2, Điều 3 của 60/2017/QĐ-UBND về điều kiện thửa đất được phép tách thửa quy định “việc tách thửa đất phải đảm bảo quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề theo quy định tại Điều 171 Luật Đất đai”. Đối với các thửa đất nông nghiệp sau khi tách thửa không tiếp giáp với đường giao thông (thửa đất trước khi tách thửa có tiếp giáp đường giao thông) theo quy định tại Điều 171 Luật đất đai năm 2013 về quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề “Quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề bao gồm quyền về lối đi; cấp, thoát nước; tưới nước, tiêu nước trong canh tác; cấp khí ga; đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý trên thửa đất liền kề. Việc xác lập quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự và phải thực hiện đăng ký theo quy định tại Điều 95 của Luật này”.
Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân thành phố sửa đổi Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND , cụ thể các nội dung sẽ sửa đổi bao gồm: quy chế mẫu chỉ áp dụng cho các trường hợp cần phương án tùy theo tình hình thực tế tại địa phương và Tổ liên ngành chỉ xem xét những trường hợp tách thửa có hình thành đường giao thông, tách thửa đối với hộ nghèo. Riêng việc tách thửa đất nông nghiệp phải đảm bảo quyền sử dụng đất liền kề sẽ có hướng dẫn sau.
Ngày 08 tháng 4 năm 2020, Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố đã có Thông báo số 242/TB-VP về nội dung kết luận của Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Võ Văn Hoan về tình hình thực hiện Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND ngày 05 tháng 12 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố quy định diện tích tối thiểu được tách thửa; Theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp, Sở Quy hoạch kiến trúc rà soát, tham mưu điều chỉnh Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND cho phù hợp quy định pháp luật và thực tiễn quản lý nhà nước về đất đai, quy hoạch, xây dựng trên địa bàn thành phố.
Trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân huyện tiếp tục đeo bám, đôn đốc các Sở, Ngành liên quan về điều chỉnh Quyết định số 60/2017/QĐ-UBND .
2. Tiếp tục kiến nghị Thành phố về xây dựng lò đốt rác tại xã Thạnh An để xử lý rác tại chỗ, vừa tiết kiệm kinh phí vừa không còn tình trạng rơi vãi rác trên sông, gây ô nhiễm ở địa điểm tập kết tại thị trấn Cần Thạnh như hiện nay; trước mắt, có biện pháp khắc phục triệt để tình trạng vận chuyển rác gây ô nhiễm môi trường trong quý I năm 2020.
Ngày 11 tháng 6 năm 2020, Ủy ban nhân dân huyện đã có Công văn số 2806/UBND trình Ủy ban nhân dân thành phố về việc đầu tư dự án lò đốt rác sinh hoạt quy mô 05 tấn/ngày trên địa bàn xã Thạnh An, huyện Cần Giờ; theo đó báo cáo chi tiết dự án đầu tư Xây dựng Lò đốt rác sinh hoạt quy mô 5 tấn/ngày trên địa bàn xã Thạnh An với tổng diện tích sử dụng đất 1.000m2 tại vị trí giáp thửa số 43 và 118, tờ bản đồ số 140 tọa lạc tại ấp Thạnh Hòa, xã Thạnh An theo công nghệ đốt kết hợp xử lý khí với tổng kinh phí 21.529.600.000 đồng; đồng thời kiến nghị Ủy ban nhân dân thành phố chấp thuận chủ trương theo hình thức đầu tư công để Ủy ban nhân dân huyện có cơ sở thực hiện.
Hiện nay, để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại điểm tập kết rác tại thị trấn Cần Thạnh, ngày 17 tháng 9 năm 2019, Ủy ban nhân dân huyện đã có Công văn số 4265/UBND; theo đó giao Phòng Tài nguyên và Môi trường thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo điểm tập kết rác tại thị trấn Cần Thạnh, thời gian hoàn thành vào cuối tháng 7 năm 2020; đồng thời chỉ đạo Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện tăng cường công tác thu gom đối với rác rơi vãi, trôi dạt tại điểm tập kết.
3. Tổ chức tuyên truyền rộng rải trong nhân dân về ban hành mức giá thu tiền dịch vụ thu gom, vận chuyển rác, nâng cao ý thức người dân, tạo đồng thuận cao khi triển khai thực hiện phí dịch vụ thu gom chất thải rắn tại nguồn trên địa bàn huyện. Kiên quyết xử lý những trường hợp không chấp hành; đảm bảo thu đúng, thu đủ để lấy thu bù chi cho hoạt động thu gom, vận chuyển rác, tăng thu nhập cho công nhân vệ sinh và nâng cao chất lượng thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn huyện.
Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành Quyết định số 204/QĐ-UBND ngày 13 tháng 01 năm 2020 về ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý chất thải rắn sinh hoạt sử dụng nguồn ngân sách nhà nước; Quyết định số 361/QĐ-UBND ngày 19 tháng 02 nằm 2020 về ban hành phương án triển khai và Kế hoạch số 829/KH-UBND ngày 03 tháng 3 năm 2020 về tổ chức triển khai tuyên truyền giá dịch vụ đến các hội viên, đoàn thể, Trưởng, phó Ban Điều hành khu phố, ấp, Tổ trưởng, tổ phó tổ nhân dân trên địa bàn các xã, thị trấn; theo đó đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các đơn vị triển khai các giải pháp tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện bằng nhiều hình thức như: xây dựng tiểu phẩm câu chuyện truyền thanh, thực hiện phát thanh trên hệ thống truyền thanh huyện, xã, thị trấn và in ấn tài liệu tuyên truyền nhằm đảm bảo tất cả các chủ nguồn thải tiếp cận thông tin về giá dịch vụ bao gồm trách nhiệm của chủ nguồn thải, đơn giá thu, phương án thu, hình thức thu, các điều khoản xử phạt theo quy định...
Đối với các trường hợp không ký hợp đồng giao rác, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích huyện lập danh sách báo cáo cho Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn chỉ đạo các tổ trưởng tổ nhân dân làm việc cụ thể đối với từng hộ gia đình không chấp hành; trường hợp hộ dân vẫn không thực hiện sẽ xử phạt theo Khoản 4, Điều 20 của Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường.
4. Tiếp tục tuyên truyền về phân loại rác tại nguồn; kịp thời nắm bắt thông tin, quy định mới của Thành phố về phân loại rác theo 02 nhóm (chất thải tái chế và chất thải còn lại) để hướng dẫn trước cho người dân, tạo thuận lợi hơn khi triển khai thực hiện.
Thực hiện Thông báo số 782/TB-VP ngày 04 tháng 11 năm 2019 của Ủy ban nhân dân thành phố về kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp nghe báo cáo tổng thể hệ thống quản lý chất thải rắn thành phố, các tồn tại và đề xuất giải pháp; Theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố đã có chủ trương điều chỉnh phương pháp phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố thành 02 nhóm: Nhóm chất thải có thể tái chế và Nhóm còn lại. Ủy ban nhân dân thành phố đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố rà soát lại Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2018 của Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, sửa đổi bổ sung. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy định hướng dẫn.
Nhằm kịp thời hướng dẫn người dân áp dụng phương pháp phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo chủ trương của Ủy ban nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân huyện đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường thông tin đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các đoàn thể, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn và các đơn vị tổ chức tuyên truyền mục đích ý nghĩa của việc phân loại rác tại nguồn, ý nghĩa của việc tăng cường công tác tái chế, tái sử dụng chất thải. Sau khi Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quyết định bổ sung, sửa đổi hoặc bãi bỏ Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND, sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện phân loại rác trên toàn địa bàn huyện theo quy định.
5. Chỉ đạo rà soát thống kê hiện trạng các khu đất bỏ hoang không khai thác, sử dụng để xử lý theo quy định pháp luật nhằm khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường và cảnh quan sạch, đẹp ở địa phương.
Hiện nay tình trạng đất bỏ hoang, không đưa vào sử dụng đã làm giảm hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đai, mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường. Qua rà soát trên địa bàn huyện hiện nay có 130 trường hợp đất bỏ hoang, gồm 174 thửa đất, trong đó xác định chủ sử dụng đất 117/174 thửa(1).
(1) Xã Bình Khánh: 27 trường hợp, gồm 27 thửa đất (xác định chủ sử dụng đất 03/27 thửa đất); Xã Tam Thôn Hiệp: 36 trường hợp, gồm 40 thửa đất (xác định chủ sử dụng đất 14/40 thửa đất); Xã An Thới Đông: 22 trường hợp, gồm 22 thửa đất (xác định chủ sử dụng đất 15/22 thửa đất); Xã Lý Nhơn: 36 trường hợp, gồm 66 thửa đất (xác định chủ sử dụng đất 66/66 thửa đất); Xã Long Hòa: 05 trường hợp, gồm 15 thửa đất (xác định chủ sử dụng đất 15/15 trường hợp); Thị trấn Cần Thạnh: 0 trường hợp; Xã Thạnh An: 04 trường hợp, gồm 04 thửa đất (xác định chủ sử dụng đất 04/04 thửa đất).
Để hạn chế tình trạng người dân bỏ đất hoang, ngày 25 tháng 6 năm 2020 Ủy ban nhân dân huyện đã có Công văn số 3152/UBND về việc giải quyết tình hình dư luận xã hội quý 1 năm 2020; theo đó đã giao Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tiếp tục phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện và các đoàn thể huyện tuyên truyền vận động người dân đưa đất vào sử dụng, giữ gìn mỹ quan môi trường đối với khu đất xác định được chủ sở hữu và giao Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu Ủy ban nhân dân huyện kế hoạch tổ chức kiểm tra các trường hợp bỏ đất hoang ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất và ô nhiễm môi trường; theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện của Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn; hướng dẫn Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện (khi có yêu cầu); báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân huyện xử lý những trường hợp bỏ đất hoang theo quy định của Luật Đất đai.
6. Tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động trong nhân dân; rà soát, nắm chắc từng trường hợp (trường hợp nào tự tháo dỡ, trường hợp nào phải hỗ trợ xây dựng, hỗ trợ như thế nào ...) để có biện pháp giải quyết phù hợp. Phấn đấu thực hiện chỉ tiêu xóa 100% nhà vệ sinh không hợp quy cách trên địa bàn huyện vào quý II năm 2020.
Đến tháng 6 năm 2020 trên địa bàn huyện còn 118 nhà vệ sinh không hợp quy cách bao gồm 62 nhà vệ sinh trên sông rạch và 56 nhà vệ sinh không đảm bảo kết cấu theo quy định (đã xóa được 126 nhà vệ sinh không hợp quy cách so với số liệu thống kê đầu năm toàn huyện có 244 nhà vệ sinh không hợp quy cách). Để phấn đấu thực hiện xóa 100% nhà vệ sinh không hợp quy cách, ngày 19 tháng 6 năm 2020, Ủy ban nhân dân huyện đã có Kế hoạch số 2983/KH-UBND về xóa bỏ nhà vệ sinh không hợp quy cách trên địa bàn huyện Cần Giờ; theo đó đã xác định tập trung giải pháp vận động tháo dỡ hoàn toàn đối với 62 nhà vệ sinh trên sông rạch, trường hợp không thực hiện sẽ xử lý, cưỡng chế theo Nghị định số 132/2015/NĐ-CB ngày 25 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa và tiếp tục vận động, phổ biến, hỗ trợ người dân sửa chữa 56 nhà vệ sinh không đảm bảo kết cấu theo quy định.
II. Lĩnh vực giao thông, đô thị:
1. Thực hiện nghiêm Nghị quyết số 30-NQ/HU ngày 25 tháng 7 năm 2019 của Huyện ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện; điều hành tổ chức thực hiện tốt những nhiệm vụ, giải pháp Ủy ban nhân dân huyện đã đề ra.
Thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/HU ngày 22 tháng 7 năm 2019 của Huyện ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện. Ngày 11 tháng 9 năm 2019, Ủy ban nhân dân huyện đã có Kế hoạch số 4149/KH-UBND về triển khai giải pháp tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng, quản lý đất đai trên địa bàn huyện; Quyết định số 434/QĐ-UBND ngày 27 tháng 02 năm 2020 về quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất đai trên địa bàn huyện Cần Giờ và ngày 15 tháng 11 năm 2019 Sở Xây dựng và Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ đã có Kế hoạch liên tịch số 14797/KHLT-SXD-UBND về việc tăng cường công tác phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Cần Giờ;
Trong 6 tháng đầu năm 2020 (từ ngày 16/12/2019 đến ngày 16/6/2020) trên địa bàn huyện có 24 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng (tăng 06 trường hợp so với cùng kỳ năm 2019, tăng 33,33%), trong đó: 08 trường hợp xử lý theo Nghị định 139/2017/NĐ-CP , 16 trường hợp chuyển xử lý từ lĩnh vực xây dựng sang lĩnh vực đất đai với hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
2. Tiếp tục thực hiện tốt công tác lập lại trật tự lòng, lề đường, vỉa hè; duy trì kết quả đạt được, không để xảy ra tình trạng tái lấn chiếm.
Ủy ban nhân dân huyện đã có Kế hoạch số 500/KH-UBND ngày 12 tháng 02 năm 2020 về thực hiện công tác lập lại trật tự lòng, lề đường, vỉa hè, trật tự xây dựng trên địa bàn huyện năm 2020; Theo đó, Phòng Quản lý đô thị đã xây dựng và triển khai Kế hoạch số 773/KH-QLĐT ngày 20 tháng 5 năm 2020 về kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm lấn, chiếm lòng, lề đường, vỉa hè trên địa bàn huyện năm 2020. Nhìn chung, tình hình trật tự đô thị trên địa bàn huyện tương đối ổn định, không có nhiều diễn biến phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2020, kết quả kiểm tra xử lý 59 trường hợp vi phạm (tăng 38 trường hợp so với cùng kỳ năm 2019, tăng 180,95%), trong đó: phạt tiền 22 trường hợp; nhắc nhở 37 trường hợp và tạm giữ nhiều tang vật vi phạm như bàn, ghế, dù...
3. Tích cực chỉ đạo thực hiện thi công tuyến đường liên xã An Thới Đông - Lý Nhơn để sớm hoàn thành vào cuối năm 2020. Khẩn trương chuẩn bị các điều kiện để kết thúc giai đoạn 1 đường song hành, đồng thời khởi công giai đoạn 2 năm 2020 và hoàn thành vào năm 2021.
Dự án đường liên xã An Thới Đông - Lý Nhơn được Sở Giao thông vận tải phê duyệt Thiết kế bản vẽ thi công - Tổng dự toán tại Quyết định số 5858/QĐ-SGTVT ngày 09 tháng 11 năm 2017, tiến độ thi công đạt 87% khối lượng, dự kiến hoàn thành công trình đưa vào sử dụng trong năm 2020.
Dự án đường song hành với đường Rừng Sác (giai đoạn 1) được Sở Giao thông vận tải phê duyệt Thiết kế bản vẽ thi công - Tổng dự toán tại Quyết định số 2785/QĐ-SGTVT ngày 01 tháng 8 năm 2018, tiến độ thi công đạt 98% khối lượng, hiện còn vướng 01 hộ chưa bàn giao mặt bằng (khoảng 50m chiều dài). Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Cần Giờ đang phối hợp Ủy ban nhân dân xã An Thới Đông thực hiện các biện pháp theo quy định để bàn giao mặt bằng thi công hoàn thiện công trình đưa vào sử dụng.
Dự án đường song hành với đường Rừng Sác (giai đoạn 2) Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện Cần Giờ đã trình Thiết kế bản vẽ thi công - Tổng dự toán, hiện Sở Giao thông vận tải đang xem xét phê duyệt theo quy định.
III. Lĩnh vực Văn hóa và Thông tin:
1. Tập trung tổ chức tốt các hoạt động thực hiện chủ đề năm 2020 của Thành phố: “Đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”.
Ủy ban nhân dân huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chủ đề năm 2020 của huyện Cần Giờ “Năm đẩy mạnh hoạt động văn hóa và xây dựng nếp sống văn minh đô thị”; đề ra các nhiệm vụ cụ thể, biện pháp thực hiện, phân công thực hiện nhằm đạt kết quả trong năm 2020.
Tập trung thực hiện tốt Chương trình hoạt động nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” kết hợp vời tổ chức thực hiện “nếp sống văn minh, mỹ quan đô thị”; tổ chức các hoạt động hướng đến tổng kết 20 năm phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn thành phố. Thực hiện hiệu quả Nghị định số 122/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quy định tiêu chuẩn, quy trình công nhận các danh hiệu văn hóa; tổ chức triển khai Quyết định ban hành Bộ tiêu chuẩn Văn hóa giai đoạn 2020-2025 trên địa bàn thành phố gắn với việc xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội và thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19/10/2018 của Thành ủy về thực hiện cuộc vận động “Người dân Thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”. Tổ chức các hoạt động tổng kết 20 năm phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện và các hoạt động tuyên truyền “Văn hóa ứng xử trong cộng đồng”.
Tập trung thực hiện có hiệu quả các tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới (Tiêu chí 6,8,16,18.7); tiếp tục triển khai, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện Quy chế hoạt động các Văn phòng ấp, khu phố. Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao tại cơ sở.
2. Tiếp tục quan tâm đầu tư thiết chế văn hóa cơ sở; thực hiện xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực trong xã hội chăm lo, phát triển văn hóa, thể dục, thể thao. Tổ chức thực hiện tốt những giải pháp về đầu tư trang thiết bị, các loại hình sinh hoạt; chú trọng xây dựng lực lượng nòng cốt, các câu lạc bộ, đội, nhóm ở cơ sở để đảm bảo duy trì và phát triển các hoạt động văn hóa.
Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao của nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện luôn quan tâm đầu tư trang thiết bị cho các Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã và các ấp. Bên cạnh đó còn nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ Sở Văn hóa và Thể thao thành phố; các Quận 1, 3, 4, Phú Nhuận, Gò vấp. Đến nay, các xã đều được trang bị âm thanh, các loại nhạc cụ để phục vụ sinh hoạt văn hóa - văn nghệ cho các câu lạc bộ, đội nhóm; dụng cụ tập thể dục ngoài trời, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn, bi sắt, cầu lông, cờ tướng...phục vụ nhu cầu rèn luyện sức khỏe, vui chơi giải trí cho nhân dân. Từ đó, các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao đã được các xã phát huy hiệu quả. Hội thi, hội diễn về văn hóa - văn nghệ và thi đấu thể dục - thể thao được duy trì tổ chức với số lượng và chất lượng ngày càng cao, thu hút đông đảo mọi đối tượng, mọi lứa tuổi quần chúng nhân dân tham gia.
Các câu lạc bộ, đội nhóm được duy trì và phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng trong sinh hoạt. Đặc biệt là hoạt động hiệu quả của các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử; Công tác vận động xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động văn hóa, thể thao luôn được quan tâm; đến nay đã có 07 hồ bơi dân lập tại thị trấn Cần Thạnh, xã Long Hòa và xã Bình Khánh; 09 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo (xã Bình Khánh có 03 sân, xã Long Hòa có 02 sân, xã An Thới Đông có 04 sân); 02 Câu lạc bộ thể dục thể hình tại Bình Khánh và thị trấn Cần Thạnh; 03 sân quần vợt tại xã Long Hòa.
Hiện nay, Trung tâm văn hóa - thể thao các xã đã thành lập được 12 Câu lạc bộ; ngoài ra còn có 85 câu lạc bộ, đội, nhóm của 28 ấp đang sinh hoạt trên địa bàn 6 xã đã được Ủy ban nhân dân các xã ra Quyết định thành lập và ban hành Quy chế hoạt động. Các hoạt động văn hóa, thể thao trong những năm gần đây thường xuyên được đổi mới cả về nội dung lẫn hình thức tổ chức như tổ chức các hoạt động chào mừng Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ; hội thi “đờn ca tài tử”; tổ chức “Ngày hội văn hóa - thể thao quần chúng xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới phối hợp Đài Tiếng nói Nhân dân thành phố tổ chức Chương trình “Tiếng hát nông thôn mới”; các buổi giao lưu văn nghệ quần chúng tại các xã, thị trấn.
Trung tâm Thể dục Thể thao huyện cũng thường xuyên được Thành phố cho phép đăng cai tổ chức các giải thi đấu thể thao cấp Thành phố. Ngoài ra, hàng năm được Sở Văn hóa và Thể thao thành phố bố trí hơn 40 suất biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp về phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Từ đó đã đẩy mạnh phong trào Văn hoá-Thể thao trong quần chúng nhân dân, tạo sân chơi lành mạnh, giao lưu văn hóa, rèn luyện sức khỏe, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa các địa phương trong huyện, góp phần đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, hưởng thụ văn hóa, tinh thần lành mạnh của nhân dân.
1. Chỉ đạo phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Thành phố, huyện giải quyết dứt điểm trong quý I năm 2020 việc hỗ trợ giá muối cho diêm dân. Khẩn trương rà soát, xác định hộ nào có đủ điều kiện thì giải quyết ngay; đối với những hộ chưa đủ điều kiện thì hướng dẫn hoàn chỉnh thủ tục, hồ sơ theo đúng quy định.
Thực hiện Công văn số 4130/UBND-KT ngày 03 tháng 8 năm 2016 của Ủy ban nhân dân thành phố về tập trung hỗ trợ tiêu thụ muối năm 2016 cho người làm muối trên địa bàn huyện Cần Giờ, qua đó, trên địa bàn huyện có 626 hộ đăng ký tổng sản lượng đăng ký là 99.257,3 tấn và đã được Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt theo Quyết định số 1050/QĐ-UBND ngày 14 tháng 10 năm 2016 và Quyết định số 512/QĐ-UBND ngày 06 tháng 6 năm 2016 về việc phê duyệt danh sách hộ sản xuất muối đăng ký nhu cầu hỗ trợ theo chủ trương của thành phố trên địa bàn huyện Cần Giờ. Qua đó, Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt 14 quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ đối với 522 hộ sản lượng tiêu thụ 94.790,294 tấn, kinh phí hỗ trợ là 37.096.080.590 đồng (đã thực hiện chi hỗ trợ cho hộ dân), 104 hộ còn lại không thực hiện tiêu thụ muối theo chủ trương nên không hỗ trợ theo quy định.
Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện hỗ trợ cho các hộ dân, có 140 hộ dân có sản lượng muối tiêu thụ thực tế cao hơn sản lượng muối đăng ký ban đầu (trong đó có 128 hộ thuộc xã Lý Nhơn, 10 hộ thuộc xã Thạnh An và 02 hộ thuộc xã Long Hòa). Do đó, để đảm bảo thực hiện chủ trương hỗ trợ tiêu thụ muối năm 2016 đúng quy định, Ủy ban nhân dân huyện giao Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện phối hợp Phòng Kinh tế, rà soát hồ sơ, chứng từ, cơ sở pháp lý để tham mưu Ủy ban nhân dân huyện giải quyết cho hộ dân. Đối với các hộ dân đủ điều kiện được hỗ trợ theo chủ trương hỗ trợ tiêu thụ muối năm 2016 của thành phố, Ủy ban nhân dân huyện sẽ thực hiện hỗ trợ cho hộ dân. Ngày 21 tháng 01 năm 2020, Ủy ban nhân dân huyện có Công văn số 266/UBND về phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ tiêu thụ muối năm 2016 cho các hộ có khối lượng tiêu thụ thực tế cao hơn khối lượng đăng ký ban đầu của 12 hộ (10 hộ thuộc xã Thạnh An và 02 hộ thuộc xã Long Hòa). Ngày 20 tháng 5 năm 2020, Ủy ban nhân dân huyện có Công văn số 2377/UBND về phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ tiêu thụ muối năm 2016 cho 103 hộ dân có khối lượng tiêu thụ muối thực tế cao hơn khối lượng đăng ký ban đầu trên địa bàn xã Lý Nhơn. Đến nay, đã thực hiện việc chi hỗ trợ cho 115 hộ dân với số tiền 585.847.329 đồng; còn lại 15 hộ thuộc xã Lý Nhơn, hiện nay Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện đang phối hợp với Phòng Kinh tế và Ủy ban nhân dân xã Lý Nhơn tiếp tục rà soát để giải quyết cho hộ dân.
2. Tích cực đeo bám Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tổ chức tín dụng để sớm giải quyết chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm tàu cá, thuyền viên cho các hộ ngư dân.
Ngày 13 tháng 5 năm 2019, Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Công văn số 1817/UBND về thực hiện Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 về chính sách hỗ trợ mua bảo hiểm cho tàu cá ven bờ có công suất máy từ 20CV đến dưới 90CV.
Ngày 18 tháng 10 năm 2019, Ủy ban nhân dân huyện có Công văn số 4895/UBND về việc lập danh sách tàu cá có công suất máy từ 20 CV đến dưới 90 CV trên địa bàn huyện gửi Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố, cụ thể: 419 tàu cá (Thị trấn Cần Thạnh 81 tàu cá; Long Hòa 87 tàu cá; Thạnh An 132 tàu cá; xã Tam Thôn Hiệp 34 tàu cá; Xã Bình Khánh 85 Tàu cá)
Ngày 30 tháng 3 năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn số 671/SNN-CCTS về danh sách tàu cá có công suất từ 20CV đến dưới 90CV trên địa bàn huyện Cần Giờ đủ điều kiện tham gia hỗ trợ mua bảo hiểm theo Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2017 của Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh; theo đó có 42 tàu cá công suất từ 20CV đến dưới 90CV có chiều dài trên 12 mét đủ điều kiện xem xét hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu với 175 thuyền viên đủ điều kiện xem xét hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên theo Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND và 33 tàu cá với 121 thuyền viên có công suất từ 20CV đến dưới 90CV có chiều dài dưới 12 mét không đủ điều kiện xem xét hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm theo Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND do còn thiếu thủ tục theo Luật Thủy sản mới; số phương tiện còn lại (hành nghề khai thác lạm sát) không đủ điều kiện để thực hiện tham gia hỗ trợ mua bảo hiểm theo Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND.
Nhằm hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho 33 tàu cá với 121 thuyền viên công suất máy từ 20CV đến dưới 90CV có chiều dài dưới 12 mét. Ngày 29 tháng 4 năm 2020 Ủy ban nhân dân huyện có Công văn số 1998/UBND đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, đề xuất Hội đồng nhân dân thành phố điều chỉnh chính sách để các chủ tàu cá công suất máy từ 20CV đến dưới 90CV có chiều dài dưới 12 mét được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm theo Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND .
Ngày 26 tháng 5 năm 2020, Ủy ban nhân dân huyện đã có Công văn số 2469/UBND gửi Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chọn doanh nghiệp bảo hiểm tham gia Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND ngày 07/12/2017 của Hội đồng nhân dân thành phố; theo đó đề nghị Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống nhất để các chủ tàu cá đủ điều kiện được hỗ trợ bảo hiểm được tự do lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm để giao dịch và Ủy ban nhân dân huyện quyết toán phần ngân sách được Nhà nước hỗ trợ phí bảo hiểm cho các chủ tàu cá đủ điều kiện theo quy định.
Sau khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính có văn bản trả lời kiến nghị về việc lựa chọn doanh nghiệp bảo hiểm của huyện; Ủy ban nhân dân huyện tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ mua bảo hiểm theo Nghị quyết số 12/2017/NQ-HĐND đúng theo quy định.
3. Chỉ đạo xây dựng dự thảo quy chế quản lý, khai thác bãi bồi, mặt nước và quản lý các hoạt động dịch vụ, du lịch sinh thái trên địa bàn, trình Ban Thường vụ Huyện ủy, Thường trực Hội đồng nhân dân huyện xem xét trình thành phố ban hành trong quý I năm 2020.
- Ngày 17 tháng 3 năm 2020, Ủy ban nhân dân huyện có Báo cáo số 1077/BC-UBND về kết quả rà soát đối chiếu các quy định pháp luật hiện hành để dự thảo quy định quản lý vùng nuôi thủy sản, khai thác mặt nước bãi bồi ven sông, ven biển và hướng dẫn tiêu chuẩn lồng bè nuôi trồng thủy sản kết hợp khai thác dịch vụ du lịch đường sông trên địa bàn huyện; theo đó, đề xuất Ban Thường vụ Huyện ủy giao Ủy ban nhân dân huyện phối hợp các Sở, ngành thành phố ban hành Phương án cho thuê mặt nước đất bãi bồi ven sông, ven biển trên địa bàn huyện Cần Giờ. Đối với Quy định về quản lý nhà bè kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn huyện Cần Giờ, đề xuất giao Ủy ban nhân dân huyện phối hợp các Sở, ngành thành phố xây dựng và trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành.
- Ngày 24 tháng 3 năm 2020, Văn Phòng huyện ủy có Thông báo số 139-TB/VPHU về nội dung kết luận của Ban Thường vụ Huyện ủy về quy định quản lý vùng nuôi thủy sản, khai thác mặt nước bãi bồi ven sông, ven biển và hướng dẫn tiêu chuẩn lồng bè nuôi trồng thủy sản kết hợp với khai thác du lịch đường sông trên địa bàn huyện.
Đối với Phương án cho thuê đất, bãi bồi ven sông, ven biển, đất có mặt nước ven biển và Quy định về quản lý nhà bè kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn huyện Cần Giờ; ngày 23 tháng 3 năm 2020 Ủy ban nhân dân huyện có Công văn số 1178/UBND giao Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kinh tế tham mưu thực hiện. (Hiện Phòng Kinh tế hoàn thành dự thảo Quy định về quản lý nhà bè kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn huyện Cần Giờ; Phòng Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Phương án cho thuê đất, bãi bồi ven sông, ven biển, đất có mặt nước ven biển). Sau khi hoàn thành dự thảo Quy định và Phương án, Ủy ban nhân dân huyện báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy có ý kiến, chỉ đạo.
1. Tăng cường phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của người dân vào cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy. Thực hiện tốt công tác tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, cai nghiện bắt buộc; giải quyết tốt các vấn đề sau cai nghiện, dạy nghề, hỗ trợ vốn, tạo việc làm...để giúp các đối tượng tái hòa nhập cộng đồng, tránh tái nghiện.
Công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được thực hiện trong cả hệ thống chính trị của huyện, trong đó Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện và các đoàn thể huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn là nòng cốt trong công tác phát động, lực lượng Công an chủ động phối hợp, cung cấp thông tin về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm và biện pháp phòng ngừa để nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác; đồng thời, tuyên truyền trong nhân dân, nhất là lứa tuổi thanh, thiếu niên nhận biết về tác hại của ma túy đối với bản thân, gia đình, cộng đồng và toàn xã hội, cách thức để phòng tránh, không để bản thân đi vào con đường nghiện ngập, dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật; thông qua công tác tuyên truyền, nhân dân cung cấp 310 tin có liên quan đến ANTT, trong đó có 180 nguồn tin có giá trị, đã giúp cho lực lượng Công an khám phá 37 vụ, bắt và xử lý 90 đối tượng. Trong 6 tháng đầu năm 2020 (từ ngày 15/12/2019 đến ngày 15/6/2020), Công an huyện, xã, thị trấn đã phối hợp các ngành chức năng của huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn lập hồ sơ 57 đối tượng nghiện ma túy (giảm 03 đối tượng so với cùng kỳ), trong đó cai nghiện bắt buộc tại gia đình, cộng đồng: 19 đối tượng; lập hồ sơ đề nghị áp dụng Nghị định số 136/NĐ-CP: 14 đối tượng; lập hồ sơ đề nghị áp dụng Nghị định 56/NĐ-CP: 24 đối tượng; phối hợp đưa 14 đối tượng (tăng 08 đối tượng so với cùng kỳ) đi cai nghiện bắt buộc theo quyết định của Tòa án nhân dân huyện Cần Giờ. Công tác vay vốn, tạo việc làm cho các đối tượng sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng có triển khai, thực hiện thường xuyên; Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cần Giờ đã giải ngân cho 03 trường hợp, số tiền 100.000.000đ (chương trình vay vốn Quỹ Quốc gia về việc làm); còn lại các đối tượng tự kiếm việc làm, phụ giúp gia đình, đi làm ăn xa, đánh bắt xa bờ... nên không có nhu cầu vay vốn.
Thời gian tới, tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng của huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tăng cường công tác phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của người dân vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy ngay tại địa bàn khu dân cư sinh sống; phát hiện, tố giác kịp thời những hành vi phạm tội về ma túy với cơ quan pháp luật để kịp thời ngăn chặn và điều tra, xử lý tội phạm. Mở rộng và nâng cao hiệu quả xây dựng xã, thị trấn lành mạnh là một trong những giải pháp quan trọng làm chuyển hóa địa bàn, giảm tệ nạn xã hội. Gắn chặt với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, tăng cường vận động, thuyết phục để phòng ngừa tệ nạn ma túy. Tập trung tham mưu thực hiện tốt công tác tổ chức cai nghiện tại gia đình và cộng đồng, cai nghiện bắt buộc; giải quyết tốt các vấn đề sau cai nghiện, tổ chức dạy nghề, hỗ trợ vốn, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo...để giúp các đối tượng vi phạm pháp luật tái hòa nhập cộng đồng, tránh tái nghiện. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hoặc tái phạm các quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy và tệ nạn ma túy.
2. Tập trung thực hiện các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ và phòng ngừa xã hội; nâng cao nhận thức của nhân dân về tác hại của ma túy, tác hại của rượu bia, có biện pháp quản lý, giáo dục con em, người thân trong gia đình không mắc phải để hạn chế vi phạm pháp luật, vi phạm về trật tự an toàn xã hội hoặc tự gây tai nạn cho bản thân.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, xảy ra 19 nhóm với 66 đương sự đánh nhau gây mất an ninh, trật tự (giảm 08 vụ so với cùng kỳ năm 2019); thử test phát hiện 152 đối tượng sử dụng ma túy đá cho kết quả dương tính (tăng 03 đối tượng so với cùng kỳ năm 2019); phát hiện 18 vụ/69 đương sự đánh bài thắng thua bằng tiền (tăng 04 vụ so với cùng kỳ năm 2019); Công an huyện chưa phát hiện, xử lý trường hợp nào chạy xe tốc độ cao, nẹt pô, nhưng thông qua công tác tuần tra phát hiện, xử lý 31 trường hợp chạy xe vượt quá tốc độ quy định (giảm 07 trường hợp so với cùng kỳ năm 2019). Tuyên truyền phòng ngừa xã hội, kết hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về tác hại của ma túy, tác hại của rượu bia, có biện pháp quản lý, giáo dục con em, người thân trong gia đình..., được 156 cuộc họp dân, có 5.255 lượt người tham dự.
Thời gian tới, Công an huyện thường xuyên phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện và các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tuyên truyền trong nhân dân về tác hại của ma túy, tác hại của rượu bia để các gia đình quản lý con em, người thân; chú trọng phối hợp quản lý số thanh thiếu niên có dấu hiệu vi phạm pháp luật (tụ tập thành nhóm ăn nhậu, gậy mất an ninh trật tự, sử dụng ma túy, đá gà, đánh bài, chạy xe tốc độ cao, nẹt pô ...) để giáo dục, răn đe, phòng ngừa vi phạm pháp luật và phạm tội; tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm phối hợp với các ngành chức năng của huyện, Đài Truyền thanh huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về tác hại của ma túy, tác hại của rượu bia đối với xã hội, qua đó để các gia đình có biện pháp quản lý, giáo dục con em, người thân trong gia đình không mắc phải để hạn chế vi phạm pháp luật, vi phạm về trật tự an toàn xã hội hoặc tự gây tai nạn cho bản thân. Lực lượng Công an thường xuyên gọi hỏi, răn đe, giáo dục số đối tượng thanh thiếu niên càn quấy, lập thành từng nhóm có dấu hiệu, nguy cơ phạm tội và số đối tượng hồi gia, tù tha sớm hòa nhập cộng đồng, hạn chế tái phạm; kịp thời phối hợp với các ban, ngành ở địa phương giải quyết các mâu thuẫn ngay từ cơ sở, không để các mâu thuẫn dẫn đến các vụ án đáng tiếc xảy ra.
3. Tập trung chỉ đạo phối hợp thực hiện các giải pháp kéo giảm tội phạm, tệ nạn ma túy đặc biệt là tội phạm tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy; kéo giảm tai nạn giao thông trên địa bàn.
- Về kiềm chế, kéo giảm các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, Xây dựng kế hoạch mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và kế hoạch về phân công lực lượng tuần tra, mật phục, kết hợp tuần tra hỗn hợp đảm bảo trật tự an toàn xã hội (Tổ 363); thông báo về việc triển khai cao điểm đảm bảo TTATXH, phòng chống tội phạm ứng phó với tình hình dịch bệnh Covid-19 (từ ngày 01/4/2020 đến hết ngày 01/5/2020); phối hợp các lực lượng vũ trang huyện (Quân sự, Biên phòng) tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra khép kín địa bàn; tổ chức gọi hỏi, giáo dục, răn đe số đối tượng thuộc diện quản lý; phối hợp các ban, ngành, đoàn thể của huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội để người dân nâng cao ý thức cảnh giác bảo vệ tài sản, giáo dục con em và người thân trong gia đình không tham gia vào các tệ nạn xã hội hoặc vi phạm pháp luật khác.
Tình hình trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện 6 tháng đầu năm 2020 (từ ngày 15/12/2019 đến ngày 14/6/2020) được đảm bảo, không xảy ra vụ việc phức tạp, gây bức xúc dư luận nhân dân; phạm pháp hình sự giảm 04 vụ so với cùng kỳ (- 23,52%), tai nạn giao thông giảm 03 tiêu chí so với cùng kỳ (số vụ, số người chết, số người bị thương), riêng tiêu chí tai nạn từ ít nghiêm trọng trở lên số người bị thương tăng so với cùng kỳ. Tính từ ngày 01/01/2020 đến nay, lực lượng Cảnh sát giao thông tuần tra phát hiện, xử lý 185 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
- Về giải pháp kéo giảm tội phạm ma túy, Phối hợp với Đội kiểm tra liên ngành phòng chống tệ nạn xã hội của huyện, xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra các cơ sở kinh doanh có điều kiện hoạt động tệ nạn xã hội nhằm ngăn ngừa kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về ma túy; Rà soát lập danh sách đối tượng có tiền án, tiền sự và nghi vấn hoạt động phạm tội về ma túy để đưa vào diện quản lý; tập trung xác minh kịp thời lập kế hoạch đấu tranh triệt phá, đồng thời loại khỏi diện quản lý những đối tượng không còn khả năng, điều kiện hoạt phạm tội; Phối hợp Đài Truyền thanh huyện tổ chức tuyên truyền về tác hại của ma túy, phương thức thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm trong học đường và ngoài xã hội; Tổ chức điều tra cơ bản, rà soát các địa bàn, khu dân cư, tụ điểm, tuyến phức tạp về tệ nạn ma túy; các tụ điểm, quán kinh doanh karaoke, nhà hàng, khách sạn có biểu hiện nghi vấn tàng trữ, mua bán và sử dụng trái phép ma túy... để có kế hoạch đấu tranh triệt phá nhằm chuyển hóa, xóa các tụ điểm phức tạp về ma túy, làm trong sạch địa bàn; Kiên quyết không để hình thành các tụ điểm phức tạp về ma túy tồn tại trên địa bàn gây bức xúc dư luận xã hội và quần chúng nhân dân tại địa phương; Thường xuyên gọi hỏi, giáo dục răn đe số đối tượng nghiện, đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy có hồ sơ quản lý và đột xuất thử test nhằm phát hiện, xử lý đối tượng theo các Nghị định 136/NĐ-CP (NĐ 221/NĐ-CP) và Nghị định 56/NĐ-CP (NĐ 111/NĐ-CP) của Chính phủ.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, phát hiện 17 vụ/20 đối tượng (so với cùng kỳ giảm 02 vụ (17/19) = 10,52%), gồm: mua bán trái phép chất ma túy: 08 vụ/10 đối tượng; tàng trữ trái phép chất ma túy: 09 vụ/10 đối tượng. Vật chứng thu giữ: 281,4622g loại Methamphetamine, 62,9484g Heroin, 71.760.000 đồng và một số vật chứng có liên quan. Kết quả xử lý: Khởi tố 15 vụ/17 bị can (trong đó Đồn Biên phòng Long Hòa khởi tố 01 vụ); chuyển Phòng PC04-CATP thụ lý theo thẩm quyền: 02 vụ/03 đ/tượng.
- Về các giải pháp kéo giảm tai nạn giao thông, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò vận động, tuyên truyền của cả hệ thống chính trị, tổ chức đoàn thể thực hiện một cách thường xuyên, liên tục và bằng nhiều hình thức nhất là tuyên truyền phải đưa luật giao thông vào tới từng khu dân cư, từng tổ nhân dân, người điều khiển phương tiện trên đường, đến cán bộ công chức nhà nước. Cùng với việc tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, tăng cường tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông; Công tác tuần tra kiểm soát là biện pháp thiết thực và hiệu quả nhằm ngăn ngừa những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường thủy là lực lượng chủ công, thường xuyên áp dụng mạnh và sử dụng hiệu quả phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ được trang bị như: máy đo nồng độ cồn, máy đo tốc độ, máy ghi hình bằng camera ... kiên quyết xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm dù là nhỏ trong đó tập trung xử lý các hành vi thường dẫn đến tai nạn giao thông; Thường xuyên làm tốt công tác tổ chức giao thông và đảm bảo điều kiện an toàn kết cấu hạ tầng giao thông, kịp thời kiến nghị sửa chữa mặt đường bị bong tróc, phát hoang các cây cỏ che chắn tầm nhìn, nắm lại những cua ngoặc nguy hiểm, hoàn thiện các hệ thống biển báo hướng dẫn giao thông…Tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, hướng dẫn đôn đốc Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát. Quản lý chặt chẽ cán bộ chiến sỹ làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát bằng chương trình, kế hoạch, lịch công tác, địa bàn tuần tra kiểm soát. Phân công rõ ràng các đơn vị đảm bảo trật tự an toàn giao thông thực hiện tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông theo đúng qui trình tuần tra kiểm soát do Bộ công an quy định. Ngoài ra kịp thời chấn chỉnh cán bộ chiến sỹ thực hiện tốt về thái độ, lễ tiết, tác phong, văn hóa ứng xử khi làm nhiệm vụ và khen thưởng những cá nhân, tập thể có thành tích. Đồng thời phát động quần chúng nhân dân tích cực tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông của Cảnh sát giao thông góp phần vào cuộc đấu tranh chống tiêu cực của cảnh sát giao thông mới có hiệu quả cao.
Trong 6 tháng đầu năm 2020: Về tai nạn giao thông đường bộ: Xảy ra 10 vụ, chết 07 người, bị thương 07 người, hư hỏng 14 phương tiện; thiệt hại khoảng 17 triệu đồng (sớ với cùng kỳ: số vụ giảm 08 (10/18) - 44,44%, số người chết giảm 03 (07/10) = 30%, số người bị thương giảm 01 (07/08) = 12,5%). Về tai nạn giao thông đường thủy: Xảy ra 01 vụ va chạm, không thiệt hại về người, chìm 01 phương tiện (tàu kéo), thiệt hại về tài sản 208.000.000đ (so với cùng kỳ; số vụ giảm 01 (01/02) = 50%, số người chết, số người bị thương không tăng, giảm (00/00).
Trên đây là Báo cáo của Ủy ban nhân dân huyện về kết quả thực hiện Nghị quyết số 32/NQ-HĐND ngày 24 tháng 12 năm 2019 của Hội đồng nhân dân huyện về chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 10.
|
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.