BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3158/BC-BNN-TCTL |
Hà Nội, ngày 28 tháng 09 năm 2010 |
1. Sự cần thiết ban hành Nghị định
Hệ thống sông Hồng có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Khu vực này có diện tích khoảng 86.660km2, gồm 26 tỉnh, thành phố với khoảng 30 triệu dân. Đây là khu vực kinh tế phát triển năng động, trong đó có Thủ đô Hà Nội, trung tâm chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật của cả nước. Sông Hồng không chỉ cung cấp nguồn nước dồi dào cho phát triển kinh tế - xã hội mà còn chứa đựng nguy cơ hiểm họa về lũ lụt, đe dọa đến tính mạng, tài sản và sự phát triển bền vững của cả khu vực.
Xác định vai trò quan trọng của khu vực đồng bằng, trung du Bắc Bộ và hiểm họa thiên tai, ngay từ những năm đầu của thập kỷ 60, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ đạo và đến nay vẫn kiên trì thực hiện có hiệu quả 6 biện pháp quan trọng để phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng - Thái Bình, đó là: củng cố hệ thống đê; trồng rừng phòng hộ đầu nguồn; tháo bỏ ách tắc, khơi thông dòng chảy; xây dựng các hồ chứa nước thượng nguồn để điều tiết lũ; sử dụng các công trình phân lũ, chậm lũ; tăng cường quản lý và hộ đê nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước, đồng thời góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội.
Các khu phân lũ, làm chậm lũ trên hệ thống sông Hồng đã được hình thành từ những năm đầu của thế kỷ trước và được củng cố, nâng cấp sau trận lũ lịch sử năm 1971. Đến năm 1999, Chính phủ đã có Nghị định số 62/1999/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là NĐ 62) ban hành Quy chế về phân lũ, chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng để bảo vệ an toàn cho Thủ đô Hà Nội. Theo đó, các hệ thống phân chậm lũ sông Đáy, Lương Phú (Hà Tây cũ) và các khu chậm lũ Tam Thanh, Lập Thạch (Vĩnh Phúc) hàng năm được tăng cường củng cố chuẩn bị để sẵn sàng thực hiện phân, chậm lũ.
Các khu được chọn làm khu phân lũ, chậm lũ là những vùng trước đây còn khó khăn, ít dân cư, tuy nhiên đến nay các vùng này đã tương đối đông dân, kinh tế ngày càng phát triển theo sự phát triển của đất nước. Vì thế, việc phân lũ vào những khu vực này sẽ gây thiệt hại lớn về dân sinh, kinh tế và tác động xấu đến môi trường. Mặt khác, cũng do việc phát triển cơ sở hạ tầng và dân cư trong khu vực phân, chậm lũ không kiểm soát được nên năng lực các công trình phân chậm lũ bị suy giảm nghiêm trọng, hiệu quả cắt lũ không còn được như thiết kế ban đầu.
Đặc biệt, trước những thay đổi quan trọng hiện nay và trong tương lai như: việc mở rộng thành phố Hà Nội bao trùm cả khu phân lũ, chậm lũ của Hà Tây cũ, khu phân lũ sẽ trở thành khu kinh tế và đô thị phát triển năng động, vì thế không thể tiếp tục sử dụng khu vực này để làm khu chứa lũ. Việc xây dựng một số hồ chứa nước lớn trên thượng nguồn tham gia cắt lũ đã tạo thêm khả năng cắt lũ, giảm lũ cho hạ du để bù cho việc dừng hoạt động của khu phân, chậm lũ. Do đó, ban hành Nghị định thay thế NĐ 62 nhằm tiến tới không sử dụng các công trình phân lũ, chậm lũ như một biện pháp phòng, chống lũ cho đồng bằng sông Hồng khi hồ Sơn La tham gia điều tiết cắt giảm lũ cho hạ du là hết sức cần thiết và có tính khả thi cao.
2. Quan điểm xây dựng dự thảo Nghị định
Nghị định được xây dựng trên tinh thần quán triệt các quan điểm chỉ đạo cơ bản sau đây:
1- Thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống lụt, bão, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường.
2- Dựa trên việc rà soát quy hoạch phòng, chống lũ sông đáy và những nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc xóa các khu chậm lũ sông Hồng, sông Đáy.
3- Việc dừng hoạt động của các khu phân chậm lũ nhưng phải đảm bảo có giải pháp thay thế, không làm ảnh hưởng xấu đến an toàn đê điều và thực hiện tiêu chuẩn phòng lũ như đã quy định.
II. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG CỦA DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH
Dự thảo Nghị định về việc chấm dứt sử dụng các khu phân lũ, làm chậm lũ hệ thống sông Hồng sẽ có những tác động về mặt pháp luật và xã hội như sau:
a) Tác động đối với hệ thống pháp luật hiện hành
Nghị định về việc chấm dứt sử dụng các khu phân lũ, làm chậm lũ hệ thống sông Hồng góp phần cụ thể hóa việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống lụt, bão; đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của Thủ đô Hà Nội nói riêng mà vẫn đảm bảo tiêu chuẩn phòng lũ theo quy định và có tính đến dự phòng cho tình huống lũ lớn.
Nghị định về việc chấm dứt sử dụng các khu phân lũ, làm chậm lũ hệ thống sông Hồng được Chính phủ ban hành sẽ thay thế NĐ 62, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện Luật Đê điều, Pháp lệnh Phòng chống lụt bão, Nghị định số 71/2002/NĐ-CP ngày 23/7/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh tình trạng khẩn cấp trong tình trạng có thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm; tạo điều kiện để triển khai thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 92/2007/QĐ-TTg ngày 21/6/2007 phê duyệt Quy hoạch phòng chống lũ đồng bằng sông Hồng - sông Thái Bình; số 2068/QĐ-TTg ngày 9/12/2009 phê duyệt Chương trình nâng cấp đê sông và làm cơ sở để các tỉnh, thành phố có các khu phân, chậm lũ trước đây như: Thủ đô Hà Nội, các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình xây dựng quy hoạch phòng chống lũ chi tiết, quy hoạch đê điều, quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt là quy hoạch Thủ đô Hà Nội.
b) Tác động về mặt xã hội
Nghị định về việc chấm dứt sử dụng các khu phân lũ, làm chậm lũ hệ thống sông Hồng được Chính phủ ban hành sẽ có tác động tích cực về mặt xã hội đối với các vùng có khu phân, chậm lũ trước đây nay không bị ngập lụt do phân, chậm lũ sẽ tạo điều kiện ổn định cuộc sống và sản xuất của người dân, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư, cải thiện môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong khu vực.
2. Đánh giá tác động qua một số vấn đề mới
Từ khi ban hành NĐ 62, các khu phân lũ, chậm lũ đã được nâng cấp về cơ sở hạ tầng theo Quyết định 132/2002/QĐ-TTg ngày 7/2/2002 của Thủ tướng Chính phủ nhưng đời sống nhân dân còn khó khăn, kinh tế kém phát triển, không ổn định do vẫn có nguy cơ phải sử dụng để phân, chậm lũ. Bên cạnh đó, mặc dù chưa lần nào sử dụng phân, chậm lũ, hàng năm các công trình đầu mối vẫn đòi hỏi một khoản kinh phí không nhỏ cho việc duy tu bảo dưỡng để sẵn sàng làm nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão.
Nghị định về việc chấm dứt sử dụng các khu phân lũ, làm chậm lũ hệ thống sông Hồng được Chính phủ ban hành sẽ bãi bỏ việc sử dụng các khu vực này như một biện pháp công trình phòng, chống lũ. Điều đó sẽ có tác động tích cực về mặt xã hội đối với các vùng phân, chậm lũ trước đây nói riêng cũng như tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế xã hội trong toàn khu vực nói chung. Đặc biệt đối với Thủ đô Hà Nội, một diện tích rộng lớn đất tự nhiên thuộc Chương Mỹ, Mỹ Đức của Hà Tây trước đây dành cho chứa lũ nay được giới hạn lại và được đảm bảo an toàn cho phát triển kinh tế xã hội, an toàn môi trường là rất phù hợp với quy hoạch Thủ đô mới.
Nghị định về việc chấm dứt sử dụng các khu phân lũ, làm chậm lũ hệ thống sông Hồng được Chính phủ ban hành sẽ thay thế NĐ 62 ban hành Quy chế về phân lũ, chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng để bảo vệ an toàn cho Thủ đô Hà Nội, góp phần cụ thể hóa việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực phòng, chống lụt, bão; đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững kinh tế - xã hội mà vẫn đảm bảo tiêu chuẩn phòng lũ theo quy định. Nghị định được ban hành sẽ có tác động tích cực đối với sự phát triển kinh tế xã hội ở các vùng phân, làm chậm lũ trước đây cũng như đối với các tỉnh, thành phố liên quan./.
Nơi nhận: |
KT.
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.