BỘ XÂY DỰNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 25/BC-BXD |
Hà Nội, ngày 04 tháng 04 năm 2017 |
VỀ TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ NHÀ Ở CHO CÁC HỘ NGHÈO KHU VỰC NÔNG THÔN THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 33/2015/QĐ-TTG NGÀY 10/8/2015 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Sau khi kết thúc chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 về chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 (sau đây gọi là Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg). Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg , Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai thực hiện Chương trình năm 2016 như sau:
I. Tình hình thực hiện chính sách
1. Về công tác tổ chức, triển khai thực hiện:
Thực hiện nhiệm vụ được phân công tại Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg , Bộ Xây dựng đã ban hành một số văn bản hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo theo thẩm quyền(1) cũng như chủ động trả lời, hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xử lý vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách. Đồng thời, các Bộ, ngành liên quan cũng ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản hướng dẫn triển khai Chương trình.
Song song với công tác đôn đốc, hướng dẫn, Bộ Xây dựng đã tổ chức nhiều đoàn công tác liên ngành hoặc phối hợp cùng các đoàn công tác khác kiểm tra thực tế công tác chuẩn bị, tình hình thực hiện chính sách tại các địa phương. Qua các đợt kiểm tra đã ghi nhận, xử lý nhiều ý kiến đề xuất của các địa phương về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao tại: Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách Xã hội; Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 01/11/2012 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 01/6/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020, đối với những vấn đề vượt thẩm quyền, Bộ Xây dựng đã tổng hợp, báo cáo Ủy ban Thương vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ trong các báo cáo chuyên đề.
2. Kế hoạch dự kiến hỗ trợ trong giai đoạn 2016-2020:
a) Số lượng đăng ký vay vốn:
Hiện nay, cả nước có khoảng 311.000 hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, theo đề án đã được thẩm định của các địa phương chỉ có khoảng 268.000 hộ nghèo thuộc diện được hỗ trợ đăng ký vay vốn, tổng nhu cầu vốn theo đề án của các địa phương trong giai đoạn 2016-2020 là khoảng 6.700 tỷ đồng. Theo tổng hợp từ đề án đã được phê duyệt của các địa phương, số lượng đang ký vay vốn theo các đối tượng được xếp loại thứ tự ưu tiên như sau:
- Hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (già cả, neo đơn, tàn tật); 44.899 hộ (chiếm 16,8%);
- Hộ đồng bào dân tộc thiểu số: 117.981 hộ (chiếm 44%);
- Hộ gia đình trong vùng thường xuyên xảy ra thiên tai: 3.460 hộ (chiếm 1,3%);
- Hộ gia đình đang sinh sống tại các thôn, bản đặc biệt khó khăn: 23.226 hộ (chiếm 8,7%);
- Hộ gia đình đang sinh sống tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn: 22.106 hộ (chiếm 8,4%);
- Hộ gia đình cư trú tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/ NQ-CP: 3.105 hộ (chiếm 1,2%);
- Hộ gia đình còn lại: 53.611 hộ (chiếm 19,6%).
(Chi tiết số lượng hộ theo phân loại đối tượng của từng địa phương tại Phụ lục số 1 kèm theo).
Hiện nay một số địa phương vẫn đang tiếp tục rà soát và điều chỉnh lại số lượng hộ đăng ký vay vốn.
b) Nguồn vốn thực hiện:
Theo quy định tại Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg , nguồn vốn cho các hộ thuộc diện chính sách vay (tối đa 25 triệu đồng/hộ) do ngân sách trung ương cấp 50% nguồn vốn trên tổng số vốn vay cho Ngân hàng Chính sách Xã hội, 50% còn lại do Ngân hàng Chính sách Xã hội tự huy động. Như vậy, với nhu cầu vốn trong giai đoạn 2016-2020 khoảng 6.700 tỷ đồng thì ngân sách Trung ương phải cấp cho Ngân hàng Chính sách Xã hội khoảng 3.350 tỷ đồng, số còn lại do Ngân hàng Chính sách Xã hội tự huy động.
Dự kiến nguồn vốn do ngân sách Trung ương cấp cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để thực hiện chương trình theo các năm cụ thể như sau:
STT |
Năm |
Tỷ lệ hỗ trợ (%) |
Số đối tượng hỗ trợ (hộ) |
Nhu cầu vốn TƯ cấp cho NHCSXH (tỷ đồng) |
1 |
2016 |
10 |
26.800 |
335 |
2 |
2017 |
20 |
53.600 |
670 |
3 |
2018 |
25 |
67.000 |
837,5 |
4 |
2019 |
25 |
67.000 |
837,5 |
5 |
2020 |
20 |
53.600 |
670 |
|
Tổng |
100 |
268.000 |
3.350 |
3. Tình hình triển khai thực hiện năm 2016:
Theo kế hoạch, năm 2016 thực hiện hỗ trợ cho khoảng 10% số đối tượng trên cả nước (khoảng 26.800 hộ), tương đương với nhu cầu vốn năm 2016 khoảng 670 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn do ngân sách Trung ương cấp cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay khoảng 335 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách trung ương cấp cho Ngân hàng Chính sách Xã hội chưa có nên giai đoạn đầu năm 2016 chương trình không được triển khai thực hiện theo kế hoạch. Ngày 15/6/2016, Bộ Tài chính có công văn số 8139/BTC-TCNH đồng ý để Ngân hàng Chính sách Xã hội chủ động sử dụng 394 tỷ đồng từ nguồn thu hồi nợ đến hạn của chương trình cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg để thực hiện hỗ trợ các hộ nghèo vay theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg .
Ngày 11/8/2016, Ngân hàng Chính sách Xã hội có công văn số 2984/NHCS-KHNV gửi Bộ Xây dựng thông báo việc đã phân giao 394 tỷ đồng cho 57 chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tại các tỉnh, thành phố để thực hiện cho vay theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg. Như vậy, với 394 tỷ đồng Ngân hàng Chính sách Xã hội phân giao cho các địa phương mới chỉ đạt 58,8% nhu cầu vốn năm 2016 của toàn chương trình (số vốn còn thiếu năm 2016 là khoảng 276 tỷ đồng).
Sau khi nhận được nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách Xã hội phân giao, các chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức thực hiện việc giải ngân để các hộ nghèo đã đăng ký vay vốn cải tạo, xây dựng nhà ở. Theo tổng hợp số liệu báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ngân hàng Chính sách Xã hội, đến hết 31/12/2016 cả nước đã thực hiện hỗ trợ cho 15.143 hộ nghèo vay vốn làm nhà ở, tương đương khoảng 377 tỷ đồng được giải ngân (đạt 95% số vốn đã phân bổ).
(Chi tiết số vốn đã được phân bổ và kết quả thực hiện đến hết 31/12/2016 tại phụ lục 02 kèm theo).
Việc triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định chủ trương, quyết sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Chính sách nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao của đa số các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là hộ nghèo cũng như các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể từ Trung ương đến địa phương.
Kết quả thực hiện chính sách đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo ở nông thôn có nhà ở an toàn, ổn định, giúp cho các hộ nghèo yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thông qua việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ đã khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết giúp đỡ trong cộng đồng theo đúng chủ trương “Nhà nước hỗ trợ, cộng đồng giúp đỡ, hộ gia đình tham gia đóng góp để xây dựng nhà ở”. Việc vận động, hướng dẫn người nghèo tích cực tham gia xây dựng nhà ở cho chính mình còn tạo cho họ có sự chủ động, tự tin để vươn lên thoát nghèo bền vững.
5. Kế hoạch thực hiện năm 2017:
Theo kế hoạch thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg , năm 2017 sẽ thực hiện hỗ trợ cho 20% số hộ nghèo trên cả nước (khoảng 53.600 hộ) với nhu cầu vốn khoảng 1.340 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương cấp cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay khoảng 670 tỷ đồng.
Theo kế hoạch vốn năm 2016, nguồn vốn ngân sách trung ương cấp cho Ngân hàng Chính sách Xã hội khoảng 335 tỷ đồng. Như vậy, tổng số vốn ngân sách trung ương phải cấp cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để thực hiện kế hoạch đến hết năm 2017 là 1.005 tỷ đồng.
II. Một số khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân
1. Những khó khăn, vướng mắc:
- Chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được triển khai chậm so với kế hoạch. Giai đoạn 1 (thực hiện theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ) kết thúc từ cuối năm 2012, nhưng đến cuối 2015 mới triển khai giai đoạn 2) và đến tháng 8/2016 mới bắt đầu giải ngân từ nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách Xã hội thu hồi nợ đến hạn của Chương trình 167 giai đoạn 1.
- Hầu hết các địa phương đều cho rằng Chương trình hỗ trợ nhà ở theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg không hấp dẫn được người dân tham gia như giai đoạn 1 do phương thức hỗ trợ đã chuyển sang hỗ trợ tín dụng hoàn toàn, không còn hỗ trợ “cho không”, cũng như số vốn cho mỗi hộ dân vay 25 triệu là quá ít, không đủ để người dân làm nhà trong thời điểm hiện tại, do nguồn lực hỗ trợ của cộng đồng, người thân cũng như bản thân hộ nghèo còn hạn chế. Theo tổng hợp số liệu từ Đề án của các địa phương, các đối tượng thuộc diện được hỗ trợ đa số là các hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số (chiếm 60,8%) nên việc huy động nguồn lực từ họ hàng, gia đình gặp nhiều khó khăn.
- Chính quyền tại một số địa phương chưa dành sự quan tâm đúng mức cho chương trình; công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng tham gia chưa phát huy hiệu quả gây ảnh hưởng đến kết quả thực hiện chương trình.
- Công tác phối kết hợp giữa các cơ quan liên quan, lồng ghép các nguồn lực để hỗ trợ nhà ở cho người dân chưa thường xuyên, liên tục.
2. Nguyên nhân:
- Nguyên nhân chủ yếu là do nguồn vốn ngân sách Trung ương trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn, dẫn đến thiếu nguồn vốn triển khai, làm chậm tiến độ thực hiện các chương trình so với kế hoạch.
Theo quy định của Nghị quyết 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/8/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quyết định số 40/2015/QĐ-TTg ngày 14/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 thì các chương trình hỗ trợ nhà ở (trong đó có chương trình hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) không có trong danh mục được hỗ trợ vốn từ nguồn ngân sách Trung ương nên thời gian qua các Bộ, ngành không có cơ sở đề xuất nguồn vốn cho chương trình.
- Hiện nay ở nhiều địa phương có thực trạng các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động từ thiện, hỗ trợ, giúp đỡ người dân cải thiện đời sống trong đó có xây dựng nhà ở với số tiền cao hơn mức hỗ trợ theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg và các nguồn này đều được các tổ chức, cá nhân hỗ trợ trực tiếp tới từng hộ dân mà không được lồng ghép vào các nguồn lực chung của địa phương. Việc làm này vô tình làm phát sinh tâm lý ỷ lại, trông chờ, so sánh của người dân, gây khó khăn cho các chương trình, chính sách an sinh xã hội của Nhà nước nói chung và lĩnh vực nhà ở nói riêng.
- Công tác rà soát đối tượng, phê duyệt đề án chưa bảo đảm tiến độ và độ chính xác dẫn đến số lượng đối tượng hỗ trợ không ổn định, liên tục biến động.
III. Một số đề xuất, kiến nghị
Căn cứ vào yêu cầu của Chương trình và tình hình thực tế sau 01 năm triển khai thực hiện, Bộ Xây dựng kiến nghị một số vấn đề như sau:
1. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:
- Chấp thuận về chủ trương tiếp tục cấp vốn ngân sách Trung ương (nhu cầu vốn theo kế hoạch đến hết năm 2017 khoảng 1.005 tỷ đồng) cho Ngân hàng Chính sách Xã hội để thực hiện cho vay ưu đãi theo quy định;
- Cho phép Ngân hàng Chính sách Xã hội sử dụng nguồn vốn chưa giải ngân hết hoặc còn tồn từ các chương trình tín dụng chính sách khác và nguồn vốn từ nguồn thu hồi nợ đến hạn của các chương trình tín dụng chính sách đó để cho vay thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg .
2. Đối với các Bộ, ngành, các Tổ chức chính trị - xã hội:
- Để có cơ sở cân đối nguồn vốn ngân sách Trung ương cấp cho Ngân hàng Chính sách Xã hội theo quy định tại Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg , đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 25/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, theo đó “bổ sung Chương trình phát triển nhà ở xã hội vào danh mục các chương trình ưu tiên sử dụng vốn ngân sách Trung ương để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28 tháng 8 năm 2015 về việc ban hành các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020; bố trí vốn thực hiện ngay trong kế hoạch đầu tư năm 2017”.
- Để huy động nhiều nguồn lực tham gia vào chương trình, đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh vận động các tổ chức, tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp tham gia, ủng hộ để tạo thêm nguồn lực hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở theo hướng lồng ghép vào nguồn vốn hỗ trợ theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg. Sau đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp triển khai thực hiện, hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở đảm bảo chất lượng theo quy định.
3. Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:
- Để hỗ trợ người dân cải thiện nhà ở, ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất, vươn lên thoát nghèo, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương chủ động cân đối, bố trí một phần ngân sách địa phương để giúp đỡ các hộ nghèo xây dựng nhà ở, nêu cao tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
- Qua kiểm tra thực tế tại một số địa phương, với mức vay ưu đãi chỉ 25 triệu/hộ thì một số đối tượng đặc biệt khó khăn như: người già cả, neo đơn, các hộ sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số... sẽ rất khó tìm đủ nguồn vốn để xây dựng nhà do ít khả năng huy động nguồn lực từ gia đình, họ hàng. Đối với các đối tượng này, đề nghị Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại địa phương phối hợp, tham gia, hỗ trợ và tổ chức xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo trên địa bàn.
- Nhằm phát huy mọi nguồn lực và giảm giá thành xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân, các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp tại địa phương tiếp tục tham gia, ủng hộ bằng nhiều hình thức để xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo như: nhân rộng mô hình chính quyền các xã bảo lãnh để các doanh nghiệp, hộ gia đình kinh doanh vật liệu xây dựng cấp cho người dân làm nhà trước, sau khi người dân nhận tiền hỗ trợ hoặc tiền vay ngân hàng thì hoàn trả cho người bán; nghiên cứu, phát động Chương trình “Bán hàng không lợi nhuận cho các hộ nghèo xây dựng nhà ở”...
Trên đây là tình hình triển khai và kết quả thực hiện Chính sách hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo theo Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ trong năm 2016, Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và cho ý kiến chỉ đạo./.
|
BỘ TRƯỞNG |
(1) - Thông tư số 08/2015/TT-BXD ngày 29/12/2015 hướng dẫn thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ;
- Công văn số 1881/BXD-QLN ngày 24/8/2015 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc triển khai Quyết định 33/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;
- Quyết định số 1110/QĐ-BXD ngày 24/10/2016 về việc kiện toàn Ban điều phối chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở;
- Công văn số 2533/BXD-QLN ngày 10/11/2016 đôn đốc việc triển khai thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.