ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 247/BC-UBND |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23 tháng 12 năm 2014 |
Thực hiện Công văn số 3287/BTNMT-TCMT ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc tăng cường sử dụng túi ni-lông thân thiện với môi trường và thực hiện Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo kết quả chỉ đạo và tổ chức thực hiện Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni-lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm 2014 như sau:
I- CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1- Về công tác chỉ đạo
Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 23/2014/CT-UBND ngày 09 tháng 09 năm 2014 về tăng cường công tác quản lý sử dụng và thải bỏ túi ni lông trên địa bàn Thành phố; Công văn số 4346/UBND-ĐTMT ngày 28 tháng 8 năm 2014 về tăng cường sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường và thực hiện Quyết định số 582/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính Phủ, trong đó chỉ đạo các Sở ban ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân các quận-huyện, các đoàn thể Thành phố, các tổng công ty và các doanh nghiệp nhà nước thuộc Thành phố và các báo đài Thành phố triển khai thực hiện các nội dung tại Công văn số 3287/BTNMT-TCMT ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2- Về tổ chức thực hiện
Căn cứ nội dung chỉ đạo nêu trên, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã có Kế hoạch số 3258/KH-TNMT-QBVMT ngày 22 tháng 5 năm 2014 về thực hiện Chương trình Giảm sử dụng túi ni-lông trên địa bàn Thành phố năm 2014. Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Tài chính, Sở Công thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông và Ủy ban nhân dân Quận 5 triển khai các các hoạt động nhằm tuyên truyền, vận động giảm sử dụng túi ni-lông trên địa bàn Thành phố, tập trung thí điểm trên địa bàn Quận 5. Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường và Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố tiếp tục phối hợp thực hiện Chương trình liên tịch về Phát huy vai trò phụ nữ trong tham gia bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững, giai đoạn 2012-2014; Trong đó, tập trung các nội dung liên quan đến tuyên truyền, vận động giảm sử dụng túi ni-lông đối với cán bộ, hội viên hội phụ nữ trên toàn thành phố.
Ủy ban nhân dân các quận, huyện trên địa bàn thành phố (gồm Quận 1, Quận 5, Quận 7, Quận 8, Quận 10, Quận 12, Quận Tân Bình, Quận Bình Tân, Quận Tân Phú, Quận Gò Vấp, Quận Thủ Đức, Huyện Nhà Bè, Huyện Cần Giờ, Huyện Củ Chi) có kế hoạch triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động giảm sử dụng túi ni-lông hoặc lồng ghép vào các kế hoạch quản lý môi trường tại địa phương.
1- Về tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng
1.1- Xây dựng tư liệu phục vụ công tác tuyên truyền
Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố đã triển khai các hoạt động xây dựng tư liệu phục vụ công tác tuyên truyền. Cụ thể:
- Tổ chức cuộc thi ảnh “Vấn nạn túi ni-lông” nhằm khuyến khích người dân ghi nhận lại những hình ảnh về tác hại của việc sử dụng và thải bỏ không đúng túi ni-lông, qua đó vận động cộng đồng cùng chung tay giảm thiểu tác hại từ túi ni-lông khó phân hủy. Sản phẩm đoạt giải được triển lãm tại Ngày hội Túi Xanh năm 2014 và sử dụng làm tư liệu cho công tác tuyên truyền;
- Biên soạn tài liệu tập huấn lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt về tác hại của túi ni-lông, các giải pháp kiểm soát ô nhiễm do sử dụng túi ni-lông khó phân hủy trong sinh hoạt và hướng dẫn triển khai công tác tuyên truyền;
- Biên soạn nội dung, thiết kế và in ấn 21.000 cẩm nang tuyên truyền cho người dân; 4000 cẩm nang dạng truyện tranh cho học sinh; Biên soạn và ghi âm bài phát thanh phục vụ công tác tuyên truyền tại chợ, khu phố; Phối hợp với các cơ quan báo đài thực hiện các phóng sự tuyên truyền...
1.2- Đào tạo lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt
- Tập huấn cho 300 tuyên truyền viên nòng cốt là cán bộ phường, ban điều hành khu phố, các tổ chức đoàn thể, ban quản lý chợ, siêu thị và trung tâm thương mại) và 83 giáo viên các trường Đại học, Cao đẳng và các cấp trên địa bàn Quận 5;
- Tổ chức hội thi “Hiến kế giải pháp góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường” nhằm nâng cao nhận thức và cung cấp những kỹ năng tuyên truyền cho lực lượng tuyên truyền viên nòng cốt ở cấp cơ sở và người dân trong việc hạn chế sử dụng túi ni-lông trên địa bàn Quận 10;
- Tổ chức Hội thi “Tiểu thương với công tác bảo vệ môi trường” cấp Thành phố năm 2014 nhằm lượng giá kiến thức và kỹ năng tuyên truyền của lực lượng tuyên truyền viên tại cơ sở, tập trung vào các vấn đề liên quan đến công tác bảo vệ môi trường, trong đó có nội dung hạn chế sử dụng túi ni-lông.
1.3- Tuyên truyền, vận động người dân và các tổ chức, cá nhân bán lẻ hạn chế sử dụng túi ni-lông
a- Tổ chức tuyên truyền, vận động người dân đem theo túi khi đi mua sắm, hạn chế sử dụng, tăng cường tái sử dụng, phân loại và thải bỏ đúng túi ni-lông.
- Ủy ban nhân dân Quận 1 tiếp tục thực hiện mô hình “Hạn chế sử dụng túi ni-lông”, triển khai đến Ban công tác Mặt trận khu phố, hội viên Hội người cao tuổi, Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng tham gia tuyên truyền trên địa bàn dân cư Quận 1 và 5 chợ truyền thống (Bến Thành, Dân Sinh, Tân Định, Đa Kao và Thái Bình);
- Ủy ban nhân dân Quận 5 triển khai công tác tuyên truyền đến các hộ gia đình trên địa bàn thông qua các buổi họp tổ dân phố, các buổi họp đoàn thể, loa phát thanh, poster, tờ rơi, băng-rôn... Kết quả đã tuyên truyền đến hơn 9.000 hộ dân trên địa bàn 15 phường Quận 5, vận động hộ dân của 5 khu phố cam kết giảm sử dụng túi ni-lông;
- Ủy ban nhân dân Quận 8 tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng, nhất là đối với các hộ dân ven kênh rạch thông qua lớp tập huấn, các cuộc họp khu phố, tổ dân phố, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của phường với tần suất 02 ngày/lần; tuyên truyền, vận động và cung cấp tài liệu cho giáo viên và học sinh các trường học trên địa bàn đồng loạt hưởng ứng chương trình;
- Ủy ban nhân dân quận Gò Vấp tổ chức tuyên truyền đến mọi tổ chức, mọi tầng lớp cộng đồng dân cư trên địa bàn quận (người dân, tiểu thương, trung tâm thương mại, siêu thị) qua nhiều hình thức: các lớp tập huấn, băng-rôn, xe loa tuyên truyền, tuyên truyền qua các buổi họp khu phố, tổ dân phố...
- Ủy ban nhân dân quận Tân Phú tổ chức tuyên truyền thông qua hình thức băng-rôn, panô tại các khu vực trung tâm thương mại, chợ, siêu thị, một số tuyến đường trọng điểm, tờ bướm, bản tin hàng tháng; Tổ chức Ngày hội “Hành động vì môi trường - Hãy hạn chế sử dụng túi ni-lông” tại chợ Hiệp Tân, phường Hiệp Tân;
- Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi tổ chức treo băng-rôn, phát thanh qua hệ thống loa của 21 xã, xe loa tuyên truyền trên địa bàn; Tổ chức phong trào “Một ngày không dùng túi ni-lông”;
- Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ đã tổ chức 142 cuộc tuyên truyền đến gần 6.000 lượt người tham gia.
b- Tuyên truyền, vận động và hỗ trợ tổ chức, cá nhân bán lẻ chuyển sang sử dụng túi thân thiện môi trường.
- Tổ chức tập huấn cho Ban quản lý các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn Quận 5; Tuyên truyền, vận động tiểu thương các chợ trên địa bàn quận ký cam kết giảm sử dụng túi ni-lông;
- Ủy ban nhân dân huyện Cần Giờ tại mỗi khu phố, ấp trên địa bàn huyện chọn 01 điểm là chợ hoặc tuyến đường có nhiều cửa hàng bán lẻ để tập trung tuyên truyền, vận động đăng ký phong trào “Người kinh doanh mới” với mục tiêu giảm ít nhất 40% lượng túi sử dụng đến năm 2015; Chọn chợ Bình Khánh làm điểm cấp huyện và chọn ngày 29 hàng tháng làm “Ngày Không túi ni-lông”;
- Ủy ban nhân dân Quận 7 tổ chức tuyên truyền, vận động tiểu thương với hình thức phát loa tuyên truyền tại các chợ trên địa bàn;
- Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố đã chỉ đạo 24 quận, huyện Hội thực hiện thí điểm mô hình tuyên truyền, vận động hạn chế sử dụng túi ni-lông. Bước đầu, các quận, huyện đã triển khai chọn làm thí điểm tại 39 chợ, 02 hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ, 09 tuyến đường, tuyến hẻm ở cấp quận, huyện và 115 chợ, 281 tuyến đường, tuyến hẻm cấp phường, xã và đến nay đã triển khai 100% chợ thuộc quận, huyện quản lý, 100% phường, xã đều có kế hoạch thực hiện truyền truyền, vận động việc hạn chế sử dụng túi ni-lông đến 957.866 hội viên phụ nữ (tỷ lệ 100%) và 38.483/50.770 tiểu thương các chợ (tỷ lệ 75,8%);
- Tạo cầu nối, tổ chức cho các doanh nghiệp giới thiệu về các sản phẩm túi thân thiện môi trường đến các chợ trên địa bàn thành phố; vận động các doanh nghiệp bán giá ưu đãi để hỗ trợ cho tiểu thương và xây dựng hơn 20 điểm cung cấp, phân phối túi thân thiện môi trường cho tiểu thương tại các chợ trên địa bàn Quận 3, 5, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình, huyện Nhà Bè và Củ Chi; trao tặng, phát miễn phí túi thân thiện môi trường trên địa bàn các quận, huyện (đã trao tặng trên 12.600 túi vải không dệt, túi thân thiện với môi trường và trên 600 giỏ nhựa đến hội viên phụ nữ trên địa bàn thành phố).
c- Phát động các phong trào, mô hình tuyên truyền, vận động hạn chế sử dụng túi ni-lông.
Các mô hình đã được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các Quận, Huyện triển khai như: mô hình Hạn chế sử dụng túi ni-lông của Hội LHPN Quận 1; Vận động các nữ nội trợ thu gom các túi ni-lông để sử dụng nhiều lần của Hội LHPN Quận 5; Các nhóm, tổ Phụ nữ mang giỏ khi đi chợ của phường Thới An, phường Thạnh Lộc (Quận 12), phường Tây Thạnh, phường Sơn Kỳ (quận Tân Phú); Tổ Phụ nữ hạn chế sử dụng túi ni-lông vì môi trường của xã Xuân Thới Thượng (huyện Hóc Môn), phường 25 (quận Bình Thạnh); Tổ Phụ nữ Nói không với túi ni-lông tại tổ Hội 125, phường 08 (quận Tân Bình); CLB Người nội trợ thông minh của phường Hòa Thạnh (quận Tân Phú); CLB Nói không với túi ni-lông của huyện Củ Chi; Tổ Phụ nữ gia công túi giấy của xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh); CLB Phụ nữ tuyên truyền, vận động hạn chế sử dụng túi ni-lông và CLB Phụ nữ tiểu thương tuyên truyền, vận động hạn chế sử dụng túi ni-lông, Đoàn thanh niên 15 phường tổ chức xếp túi giấy tái chế tặng các tiểu thương của Quận 10; Tổ Ngành hàng sử dụng túi tự hủy quận Bình Thạnh; Quầy hàng nói không với túi ni-lông của Quận 11; CLB Nữ thương nhân hạn chế sử dụng túi ni-lông của chợ Tân Bình; CLB Tiểu thương hạn chế sử dụng túi ni- lông của chợ Tân Hương, chợ Hiệp Tân (quận Tân Phú); CLB hội viên sử dụng Túi xách thân thiện với môi trường của quận Thủ Đức; Riêng Hội LHPN Quận 7 đã xây dựng được 66 tổ Hội Phụ nữ có 100% hội viên sử dụng túi thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng túi ni-lông...
- Lồng ghép nội dung tuyên truyền, vận động hạn chế sử dụng túi ni-lông trong các hoạt động, Chương trình khác của Thành phố như: Ngày hội Tái chế chất thải năm 2014, Ngày Môi hường Thế giới, Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường, Ngày Chủ nhật xanh...
2- Về tăng cường kiểm soát sử dụng và thải bỏ túi ni-lông khó phân hủy
- Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành Chỉ thị số 23/2014/CT-UBND ngày 09 tháng 09 năm 2014 về tăng cường công tác quản lý sử dụng và thải bỏ túi ni-lông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, trong đó chỉ đạo các Sở - Ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện và các đơn vị có liên quan thực hiện các giải pháp cụ thể nhằm tăng cường công tác quản lý sử dụng và thải bỏ túi ni lông trên địa bàn thành phố.
- Có kế hoạch khảo sát đánh giá hiệu quả Chương trình Giảm sử dụng túi ni-lông trên địa bàn thành phố đối với việc thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi sử dụng và thải bỏ túi ni-lông của người dân và tổ chức, cá nhân bán lẻ tại các địa bàn đã triển khai Chương trình;
- Về tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện Luật Thuế Bảo vệ môi trường: các đội Quản lý thị trường quận, huyện đều có cử kiểm soát viên là thành viên của đoàn liên ngành đốc thu thuế tồn đọng trên địa bàn quận, huyện, trong các đối tượng giám sát, đốc thu có cả các cơ sở sản xuất kinh doanh túi ni-lông khó phân hủy;
- Ủy ban nhân dân huyện Nhà Bè tổ chức rà soát, thống kê các cơ sở sản xuất túi ni-lông thông thường trên địa bàn; Tăng cường kiểm tra và xử lý các hành vi thải bỏ túi ni-lông không đúng quy định, tự ý đốt hoặc chôn lấp túi ni-lông.
3- Về tăng cường sản xuất và sử dụng túi thân thiện môi trường thay thế túi ni-lông khó phân hủy
Tính đến cuối tháng 6/2014, cả nước có 17 công ty sản xuất túi thân thiện môi trường có giấy chứng nhận của Bộ Tài nguyên và Môi trường, trong đó có 11 công ty trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Các hệ thống siêu thị lớn trên địa bàn thành phố (Coopmart, BigC, Lotte và Metro) đều đã chuyển sang sử dụng túi ni-lông thân thiện với môi trường.
Thành phố đã có các giải pháp hỗ trợ các đơn vị sản xuất túi thân thiện môi trường thay thế túi ni-lông thông qua các hình thức:
- Hỗ trợ tài chính: Hỗ trợ vốn cho các đơn vị sản xuất túi thân thiện môi trường (thay thế cho túi ni-lông) thông qua cho vay với lãi suất ưu đãi từ nguồn vốn của Quỹ Bảo vệ môi trường Thành phố Hồ Chí Minh.
- Hỗ trợ giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm:
+ Tổ chức giới thiệu các sản phẩm túi thân thiện môi trường thay thế túi ni-lông khó phân hủy đến người dân, các Ban quản lý chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, nhà sách, các đơn vị bán lẻ có sử dụng túi ni-lông thông qua các buổi tọa đàm và tập huấn tuyên truyền viên, Ngày hội Tái chế năm 2014;
+ Phối hợp Hội Liên hiệp Phụ nữ, Ủy ban nhân dân quận, huyện vận động Ban quản lý các chợ có hình thức hỗ trợ các đơn vị sản xuất túi ni-lông thân thiện môi trường như: làm đầu mối cung cấp túi ni-lông thân thiện môi trường cho tiểu thương, cung cấp miễn phí gian hàng giới thiệu và bán sản phẩm.
4- Về đẩy mạnh việc thu gom, tái chế chất thải túi ni-lông khó phân hủy
Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố đã triển khai các hoạt động nhằm đẩy mạnh việc thu gom, tái chế chất thải túi ni-lông khó phân hủy:
- Hỗ trợ vay vốn lãi suất thấp đối với các hoạt động thu gom, tái chế túi ni-lông;
- Phối hợp với các đơn vị sản xuất, tái chế tổ chức điểm thu gom túi ni-lông đã qua sử dụng đổi túi thân thiện môi trường tại Ngày hội Tái chế chất thải năm 2014 và tại Quận 5, quận Bình Thạnh, Tân Bình;
- Tăng cường triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn tại nguồn. Duy trì hoạt động phân loại chất thải rắn tại nguồn tại hệ thống các siêu thị Lotte, Coopmart, Big C và Metro, Khu Công nghệ cao và Khu chế xuất Tân Thuận, đồng thời triển khai thí điểm tại phường Bến Nghé Quận 1, tuyến đường Độc Lập, phường Tân Thành, quận Tân Phú.
III. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1- Thuận lợi
- Tác động tích cực của việc áp dụng Luật Thuế Bảo vệ môi trường đối với việc sử dụng túi ni-lông tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn Thành phố;
- Sự đồng tình và hỗ trợ tích cực từ phía các Sở ban ngành, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố và sự tham gia tích cực của Ủy ban nhân dân các quận, huyện;
- Sự tham gia và hỗ trợ tích cực của các doanh nghiệp sản xuất túi thân thiện môi trường trên địa bàn thành phố;
- Sự đồng tình, hưởng ứng của người dân, các tổ chức, cá nhân bán lẻ;
- Nhận thức của cộng đồng về tác hại của túi ni-lông ngày càng được nâng cao;
- Sự quan tâm, hỗ trợ trong công tác tuyên truyền của các cơ quan báo đài.
2- Khó khăn
- Việc vận động các tiểu thương chuyển sang sử dụng túi ni-lông thân thiện môi trường gặp nhiều khó khăn do:
+ Các đơn vị sản xuất túi ni-lông thân thiện môi trường (đã được cấp Giấy chứng nhận) không đáp ứng được nhu cầu mua hàng nhỏ, lẻ và đa dạng của các tiểu thương;
+ Việc thực thi Luật thuế Bảo vệ môi trường chưa được kiểm soát chặt chẽ dẫn đến tình trạng túi ni-lông thân thiện môi trường (được miễn thuế) không thể cạnh tranh về giá với các sản phẩm túi ni-lông thông thường trên thị trường;
+ Việc kiểm soát chất lượng túi ni-lông thân thiện môi trường chưa được tiến hành chặt chẽ. Thêm vào đó, xuất hiện trường hợp giả mạo túi ni-lông thân thiện môi trường gây nhiều khó khăn cho các tiểu thương trong việc phân biệt túi ni-lông thân thiện môi trường thật và giả;
- Thiếu cơ sở pháp lý cho việc kiểm soát sử dụng và thải bỏ túi ni-lông: hiện chưa có quy định chế tài cụ thể đối với hành vi sử dụng quá mức và thải bỏ túi ni-lông không đúng quy định, gây khó khăn cho công tác tăng cường kiểm soát sử dụng và thải bỏ túi ni-lông khó phân hủy;
- Hoạt động phân loại chất thải tại nguồn chưa được triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn thành phố nên công tác phân loại, thu gom túi ni-lông gặp khó khăn. Bên cạnh đó, hiệu quả kinh tế của việc thu gom tái chế túi ni-lông không cao nên mặc dù có chính sách hỗ trợ vốn từ Thành phố, hoạt động này không thu hút được sự tham gia của các đơn vị tái chế.
Căn cứ kết quả triển khai thực hiện Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni-lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm 2014, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường:
1- Tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc sản xuất sản phẩm túi ni-lông thân thiện với môi trường theo đúng hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận túi ni-lông thân thiện môi trường;
2- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về kiểm soát sử dụng và thải bỏ túi ni-lông khó phân hủy;
3- Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng chính sách tăng cường hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm túi thân thiện môi trường thay thế túi ni-lông khó phân hủy (ví dụ giảm thuế VAT đối với sản phẩm túi thân thiện môi trường);
4- Có quy định về nhãn túi ni-lông thân thiện môi trường giúp người dân, các tổ chức cá nhân, bán lẻ dễ nhận biết;
5- Nghiên cứu ban hành quy định cấm phát miễn phí túi ni-lông tại các chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, nhà sách...
Trên đây là kết quả thực hiện Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni-lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm 2014. Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường./.
|
KT.
CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.