BỘ TƯ PHÁP |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 214/BC-BTP |
Hà Nội, ngày 26 tháng 08 năm 2014 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, trên cơ sở tổng hợp báo cáo của 24/24 Bộ, cơ quan ngang Bộ; 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả 01 năm thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2013 về việc tổ chức thực hiện Nghị định số 48/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 15/CT-TTg), như sau:
I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
Trước yêu cầu nâng cao chất lượng xây dựng thể chế, gắn công tác xây dựng thể chế, theo dõi thi hành pháp luật với công tác kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), bảo đảm thực hiện quản lý nhà nước về kiểm soát TTHC thống nhất, hiệu quả trên phạm vi cả nước, ngày 14 tháng 5 năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 48/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát TTHC (sau đây gọi tắt là Nghị định số 48/2013/NĐ-CP).
Để triển khai thực hiện Nghị định số 48/2013/NĐ-CP, ngày 05 tháng 7 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 15/CT-TTg chỉ đạo Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là UBND cấp tỉnh) quán triệt đúng tầm quan trọng của công tác kiểm soát TTHC; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện Nghị định số 48/2013/NĐ-CP kịp thời, thống nhất và hiệu quả; tổ chức thực hiện việc chuyển giao, tiếp nhận nhiệm vụ, bộ máy, biên chế hành chính về kiểm soát TTHC, sửa đổi, hoàn thiện quy trình, quy chế, quy định để đảm bảo thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC; bố trí kinh phí và tăng cường kiểm tra việc thực hiện kiểm soát TTHC…
Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, ngay từ tháng 7/2013, Lãnh đạo Bộ, cơ quan, UBND cấp tỉnh đã nghiêm túc chỉ đạo, quán triệt đến các cơ quan, đơn vị trong phạm vi thẩm quyền về nội dung Chỉ thị số 15/CT-TTg và quy định của Nghị định số 48/2013/NĐ-CP thông qua nhiều hình thức phù hợp, như: ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện, tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn để quán triệt ý nghĩa, tầm quan trọng và nội dung yêu cầu của công tác kiểm soát TTHC. Hầu hết các Bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã nghiêm túc triển khai ban hành các Quyết định, Công văn, các Kế hoạch… để chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg (chi tiết tại Phụ lục 1A và 1B gửi kèm theo Báo cáo). Việc chuyển giao nhiệm vụ, tổ chức, biên chế hành chính từ hệ thống văn phòng sang cơ quan tư pháp, tổ chức pháp chế Bộ, ngành cũng đã được các bộ, cơ quan, UBND cấp tỉnh vẫn đảm bảo thực hiện tốt một số nhiệm vụ về kiểm soát TTHC, như: tham gia ý kiến, công bố, công khai TTHC, tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính của cá nhân, tổ chức…
1. Kết quả chuyển giao, tiếp nhận nhiệm vụ, tổ chức, biên chế hành chính
Tính đến hết tháng 12 năm 2013, hầu hết Bộ, cơ quan, UBND cấp tỉnh đã thực hiện xong việc chuyển giao, tiếp nhận nhiệm vụ, tổ chức, biên chế hành chính được giao cho Phòng Kiểm soát TTHC thuộc Văn phòng Bộ, cơ quan, Văn phòng UBND cấp tỉnh về Tổ chức pháp chế Bộ, cơ quan, Sở Tư pháp; trong đó, có 11/24 Bộ, cơ quan và 41/63 địa phương đã sớm hoàn thành việc chuyển giao (trong tháng 7 và tháng 8 năm 2013); một số Bộ, cơ quan; UBND cấp tỉnh đã thực hiện chuyển giao nhưng chưa tổ chức được Phòng Kiểm soát TTHC, như: Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tỉnh Trà Vinh…
Hầu hết các Bộ, cơ quan, UBND cấp tỉnh đã bố trí nhân sự, biên chế hành chính cho Phòng Kiểm soát TTHC. Tuy nhiên, chỉ một số ít Bộ, cơ quan, UBND cấp tỉnh bố trí đủ biên chế, nhân sự đảm bảo cho hoạt động của Phòng Kiểm soát TTHC (từ 5 người trở lên), như: Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội,… Nhiều Bộ, cơ quan, UBND cấp tỉnh chưa bố trí đủ biên chế, nhân sự cho hoạt động kiểm soát TTHC, như: Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng, Nghệ An, Hậu Giang…, thậm chí có nơi chưa bổ nhiệm, phân công cán bộ, công chức chuyên trách thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC mà vẫn bố trí thực hiện kiêm nhiệm, như: tỉnh Trà Vinh (chi tiết tại Phụ lục 2A và 2B gửi kèm theo Báo cáo).
Việc thiết lập hệ thống cán bộ, công chức đầu mối làm kiểm soát TTHC cơ bản đã được kiện toàn và nhiều cơ quan đã áp dụng chi hỗ trợ cho cán bộ, công chức đầu mối, như các Bộ: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các tỉnh: Lạng Sơn, Bắc Ninh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Thuận, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, Sóc Trăng, Quảng Ngãi, Đắk Nông, Bến Tre.
2. Kết quả sửa đổi, hoàn thiện quy trình, quy chế để thực hiện công tác kiểm soát TTHC
Việc sửa đổi, hoàn thiện Quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Quy chế phối hợp trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính và Quy chế phối hợp công bố, công khai TTHC đã được nhiều Bộ, cơ quan, UBND cấp tỉnh thực hiện. Tuy nhiên, tiến độ, kết quả ban hành văn bản chưa đồng đều. Một số Bộ, cơ quan, UBND cấp tỉnh đã hoàn thành sớm việc ban hành, sửa đổi, hoàn thiện cả 03 văn bản về quy trình, quy chế để thực hiện kiểm soát TTHC, gồm: các Bộ: Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngoại giao, Nội vụ và 31/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Cần Thơ, Bình Phước, Hải Phòng, Bến Tre, Vĩnh Long, Kon Tum, Phú Yên, Đà Nẵng, Bắc Giang, Bắc Kạn, Cà Mau, Điện Biên…); đặc biệt, một số Bộ đã sử dụng hình thức Thông tư để quy định về quy trình, quy chế phối hợp thực hiện, kiểm soát TTHC, như: Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Quốc phòng… Riêng các tỉnh Quảng Nam, Phú Thọ, Hậu Giang, Lào Cai cho đến thời điểm này vẫn chưa hoàn thành việc sửa đổi, ban hành quy trình, quy chế về kiểm soát TTHC (chi tiết tại Phụ lục 3A và 3B gửi kèm theo Báo cáo).
3. Công tác kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC
Thực hiện Nghị định số 48/2013/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hầu hết Bộ, cơ quan, UBND cấp tỉnh đã tổ chức thực hiện kiểm tra về kiểm soát TTHC, cụ thể như sau:
Năm 2013 (tính từ tháng 7 đến hết tháng 12), có 18/24 Bộ, ngành1 và 38/63 UBND cấp tỉnh2 đã hoàn thành kiểm tra thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC theo Chỉ thị số 15/CT-TTg.
Năm 2014, tính đến hết ngày 31/7/2014, đã có 13/24 Bộ, cơ quan ngang Bộ và 44/63 UBND cấp tỉnh đã thực hiện kiểm tra theo kế hoạch. Một số Bộ, như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các tỉnh: Bến Tre, Long An, Bình Phước, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Lai Châu, Yên Bái, Đà Nẵng dự kiến sẽ thực hiện kiểm tra trong quý III và đầu quý IV năm 2014. Một số Bộ, ngành chưa thực hiện kiểm tra hoặc không có thông tin báo cáo về công tác kiểm tra, như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Ủy ban Dân tộc, Thanh tra Chính phủ và các tỉnh: Cần Thơ, Bạc Liêu, Bắc Kạn, Đồng Tháp, Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Kon Tum, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Nam.
Riêng Bộ Tư pháp, năm 2013, đã hoàn thành việc kiểm tra tại 9 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trao đổi, làm việc với 19/23 Bộ, ngành về tình hình triển khai công tác kiểm soát TTHC năm 2013, bàn phương hướng nhiệm vụ năm 2014. Trong 6 tháng đầu năm 2014 (tính đến hết tháng 7 năm 2014), Bộ Tư pháp đã kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC tại 9 Bộ, gồm: Công Thương, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Nội vụ, Quốc phòng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài chính, Y tế; và tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gồm: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Nghệ An, Ninh Bình, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kiên Giang, Thái Bình, Thanh Hóa, Trà Vinh, Vĩnh Long.
Nội dung kiểm tra trong năm 2013 chủ yếu tập trung nắm bắt về tình hình, kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng; nội dung kiểm tra năm 2014, tập trung vào việc nắm bắt tình hình, kết quả thực hiện các nhiệm vụ: đánh giá tác động TTHC, tham gia ý kiến, tham gia thẩm định quy định TTHC tại các dự án, dự thảo VBQPPL, việc công bố, công khai và giải quyết TTHC.
Thông qua hoạt động kiểm tra, các Bộ, cơ quan, UBND cấp tỉnh đã giúp các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý nắm vững kỹ năng, nghiệp vụ và thực hiện tốt các yêu cầu, nhiệm vụ về kiểm soát TTHC (chi tiết tại Phụ lục 4A và 4B gửi kèm theo Báo cáo).
4. Việc bố trí kinh phí cho hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính
Năm 2013, việc bố trí kinh phí cho hoạt động kiểm soát TTHC đã được các Bộ, cơ quan, UBND cấp tỉnh thực hiện cùng với việc chuyển giao tổ chức, bộ máy làm công tác kiểm soát TTHC.
Năm 2014, việc bố trí kinh phí cho hoạt động kiểm soát TTHC tại hầu hết các Bộ, cơ quan, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn nhiều khó khăn: một số cơ quan đã được cấp kinh phí nhưng còn thiếu, chưa đủ so với khối lượng công việc phải thực hiện; một số cơ quan chưa được bố trí nguồn riêng; thậm chí có nơi, tính đến nay (hết tháng 7/2014) vẫn chưa được bố trí kinh phí cho hoạt động.
5. Về nhiệm vụ Thủ tướng giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ ban hành 02 Thông tư liên tịch (Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV ngày 28 tháng 4 năm 2009 hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Sở Tư pháp thuộc UBND cấp tỉnh, Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện và công tác tư pháp của UBND cấp xã và Thông tư liên tịch hướng dẫn về tổ chức bộ máy, biên chế của Tổ chức pháp chế và tiêu chuẩn đối với người làm công tác pháp chế trên cơ sở quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 04 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổ chức pháp chế), cho đến nay, Bộ Tư pháp đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng, thẩm định dự thảo Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV và đang hoàn tất thủ tục để cùng với Bộ Nội vụ ban hành Thông tư này. Đối với nhiệm vụ xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn về tổ chức bộ máy, biên chế của Tổ chức pháp chế và tiêu chuẩn đối với người làm công tác pháp chế trên cơ sở quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP thì hiện nay Bộ Tư pháp đã lồng ghép một số nội dung có liên quan vào Dự thảo Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 01/2009/TTLT-BTP-BNV nêu trên.
a) Công tác kiểm soát quy định thủ tục hành chính tại dự án, dự thảo VBQPPL
- Kiểm soát việc đánh giá tác động về TTHC được quán triệt và hướng dẫn thực hiện. Trong 6 tháng đầu năm 2014, Bộ, ngành, cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh được giao chủ trì soạn thảo đã thực hiện đánh giá tác động 800 TTHC quy định tại 181 dự án, dự thảo, trong đó có 343 TTHC dự kiến quy định mới, 339 TTHC sửa đổi, bổ sung và 32 TTHC bãi bỏ, hủy bỏ. Tuy nhiên, còn nhiều cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo chưa thực hiện hoặc thực hiện còn hình thức vì vậy chất lượng TTHC tại nhiều VBQPPL chưa đạt yêu cầu.
- Việc tham gia ý kiến và thẩm định về quy định TTHC cũng đã được các Tổ chức pháp chế Bộ, ngành, Sở Tư pháp xác định là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung thực hiện.
Trong 6 tháng đầu năm 2014, các cơ quan đã tham gia ý kiến đối với 644 TTHC quy định tại 273 dự án, dự thảo VBQPPL, trong đó, Tổ chức Pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ tham gia ý kiến 292 TTHC tại 120 dự thảo VBQPPL; Sở Tư pháp tham gia ý kiến 352 TTHC tại 153 dự thảo; Bộ Tư pháp tham gia ý kiến 80 TTHC quy định tại 22 dự án, dự thảo VBQPPL.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2014, các cơ quan đã tham gia thẩm định 904 TTHC quy định tại 194 dự án, dự thảo VBQPPL, trong đó, Tổ chức Pháp chế Bộ, cơ quan ngang Bộ, Sở Tư pháp tham gia thẩm định 490 TTHC quy định tại 151 dự thảo; riêng Bộ Tư pháp đã thẩm định 414 TTHC tại 43 dự án, dự thảo VBQPPL, trong đó, kiến nghị bỏ 39 TTHC, sửa đổi 215 TTHC, chiếm trên 50% số TTHC đã thẩm định.
b) Công bố, công khai và quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC
Hoạt động công bố, công khai TTHC được thực hiện khá ổn định. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2014, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đã ban hành 472 Quyết định để công bố 8.818 TTHC quy định tại 489 VBQPPL, trong đó, cấp Trung ương ban hành 76 quyết định để công bố 643 TTHC quy định tại 137 VBQPPL; cấp tỉnh ban hành 396 quyết định để công bố 8.175 TTHC quy định tại 352 VBQPPL.
Các TTHC do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch UBND cấp tỉnh công bố cơ bản đã được cập nhật, mở công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Tính đến hết tháng 6/2014, Cơ sở dữ liệu quốc gia đã lưu trữ trên 110.000 hồ sơ thủ tục hành chính và trên 10.400 hồ sơ VBQPPL đang có hiệu lực thi hành, với số lượt truy cập khoảng 4.800.000 lượt.
Tuy nhiên, việc công bố, công khai TTHC vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu thống nhất, tập trung, rõ ràng, minh bạch trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, chưa phục vụ tối đa nhu cầu tra cứu, tìm hiểu để thực hiện của người dân, tổ chức (công bố, nhập thông tin về TTHC vào Cơ sở dữ liệu quốc gia còn chậm, đôi khi còn thiếu chính xác, một số quy định về TTHC, quy định hành chính đã hết hiệu lực nhưng vẫn được duy trì công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia).
Để khắc phục hạn chế, tồn tại nêu trên, hiện nay, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc3, Bộ Tư pháp đang triển khai nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC, xây dựng, ban hành Thông tư về Quy chế nhập, đăng tải, quản lý, duy trì và khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; đồng thời nghiên cứu đề xuất phương pháp, cách thức để chuẩn hóa bộ TTHC tại bốn cấp chính quyền trong phạm vi cả nước phù hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC sau khi được nâng cấp và quản lý theo Quy chế được ban hành.
c) Tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính
Công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị về quy định hành chính đã được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Trong 6 tháng đầu năm 2014, các cơ quan đã tiếp nhận 1.333 PAKN. Cùng với số PAKN tiếp nhận từ kỳ trước, trong 6 tháng đầu năm 2014, số PAKN đã hoàn thành xử lý là 1.575/1980. Tuy nhiên, báo cáo năm 2013 và 06 tháng đầu năm 2014, vẫn còn nhiều địa phương không tiếp nhận được PAKN nào của cá nhân, tổ chức trên địa bàn.
d) Kiểm soát việc giải quyết thủ tục hành chính
Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg, trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại Thông tư số 05/2014/TT-BTP về công bố, niêm yết công khai TTHC và báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính, các Bộ, ngành, cơ quan đã thực hiện tốt công tác báo cáo, trong đó có nội dung về tình hình, kết quả giải quyết TTHC, 6 tháng đầu năm 2014, tổng số hồ sơ Bộ, ngành Trung ương nhận giải quyết là 52.992.785 hồ sơ, trong đó giải quyết quá hạn 24.211 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 1,4% trong số hồ sơ đang giải quyết); tổng số hồ sơ địa phương nhận giải quyết là 32.196.952 hồ sơ, trong đó giải quyết quá hạn là 46.914 hồ sơ (chiếm tỷ lệ 4,3% trong số hồ sơ đang giải quyết).
Nguyên nhân chậm trong giải quyết TTHC được Bộ, ngành, địa phương xác định là do: cơ chế phối hợp của các cơ quan chưa tốt (11.457 hồ sơ), thiếu biên chế (6.018 hồ sơ), trang thiết bị thiếu hoặc chất lượng kém (4.155 hồ sơ) và do các nguyên nhân khác (46.955 hồ sơ).
III. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH, KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Kết quả đạt được
Qua một năm thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan, UBND cấp tỉnh đã nghiêm túc quán triệt và triển khai thực hiện. Tính đến hết tháng 12 năm 2013, việc chuyển giao, tiếp nhận nhiệm vụ, tổ chức, biên chế hành chính và các điều kiện về tài chính, trang thiết bị, tài sản, hồ sơ, tài liệu có liên quan từ Văn phòng Bộ, cơ quan, Văn phòng UBND tỉnh, thành phố về Tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp tại 24 Bộ, cơ quan, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã cơ bản hoàn thành, giúp ổn định tổ chức, hạn chế tình trạng gián đoạn trong công tác kiểm soát TTHC.
Hầu hết các Tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp sau khi nhận chức năng, nhiệm vụ kiểm soát TTHC đã phát huy vai trò tham mưu cho Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm soát TTHC. Nhiều Bộ, cơ quan, UBND cấp tỉnh đã xác định cải cách TTHC, kiểm soát TTHC là một trong những tiêu chí quan trọng, cần tập trung và quan tâm đẩy mạnh để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh.
2. Một số tồn tại, hạn chế, vướng mắc, khó khăn
a) Về công tác chỉ đạo, điều hành và biên chế hành chính
Công tác chỉ đạo, điều hành và kiểm tra việc thực hiện kiểm soát TTHC cơ bản đã được các Bộ, cơ quan UBND cấp tỉnh thực hiện tốt và đạt kết quả. Tuy nhiên, tại một số Bộ, cơ quan, UBND cấp tỉnh, công tác này vẫn còn hạn chế, chưa thường xuyên và còn chậm so với yêu cầu.
Theo phản ánh của hầu hết các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh, hiện nay, nhân sự thực tế của Phòng Kiểm soát TTHC thuộc Tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp còn quá mỏng, thậm chí có nơi không bố trí được nhân sự chuyên trách để thực hiện nhiệm vụ này, vì vậy, chất lượng tham mưu, triển khai thực hiện kiểm soát TTHC còn nhiều hạn chế, kết quả không cao.
b) Về việc thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể
- Công tác đánh giá tác động về TTHC tại nhiều cơ quan chủ trì soạn thảo chưa được quan tâm thực hiện; một số cơ quan đã thực hiện nhưng còn hình thức, chất lượng chưa cao, chưa phục vụ trực tiếp cho việc thiết kế, soạn thảo quy định về TTHC.
- Công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính chưa có nhiều chuyển biến; hình thức, cách thức tiếp nhận qua phương tiện điện tử chưa được phát huy.
- Công tác công bố TTHC tại nhiều Bộ, cơ quan, UBND cấp tỉnh còn chậm; việc công khai, niêm yết và giải quyết TTHC ở một số cơ quan chưa đạt yêu cầu (niêm yết chưa đầy đủ, còn niêm yết TTHC đã hết hiệu lực…), tình trạng quá hạn trong giải quyết TTHC vẫn còn tồn tại…
Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC chưa phát huy được tối đa các tính năng quan trọng trong việc công khai đầy đủ, chính xác, thống nhất các dữ liệu thông tin về TTHC, phục vụ nhu cầu tra cứu, tìm hiểu và thực hiện TTHC.
- Chế độ thông tin báo cáo về công tác kiểm soát TTHC của một số cơ quan, đơn vị còn chậm so với quy định.
- Công tác kiểm tra việc thực hiện kiểm soát TTHC vẫn chưa thực hiện nề nếp, hiệu quả chưa cao.
- Công tác truyền thông cơ bản đã được triển khai thực hiện; tuy nhiên, hiệu quả tích cực của công tác truyền thông chưa thực sự phát huy tác dụng, nhận thức của các cá nhân, tổ chức về kiểm soát TTHC, về quyền phản ánh, kiến nghị vẫn còn hạn chế.
3. Nguyên nhân và bài học kinh nghiệm
a) Nguyên nhân
- Việc chuyển giao chức năng, nhiệm vụ kiểm soát TTHC từ hệ thống Văn phòng sang Cơ quan Tư pháp, Tổ chức pháp chế là một trong các nguyên nhân dẫn đến sự biến động, thiếu biên chế, nhân sự làm kiểm soát TTHC; đặc biệt, nhiều cán bộ, công chức có kinh nghiệm qua quá trình thực hiện Đề án 30 của Thủ tướng và kiểm soát TTHC đã được chuyển sang các lĩnh vực khác; hầu hết cán bộ, công chức được bố trí sau khi chuyển giao đều là những người mới, chưa có nhiều kinh nghiệm, kỹ năng để thực hiện kiểm soát TTHC, kiến thức nghiệp vụ còn hạn chế,… do vậy, chưa chủ động trong tham mưu cũng như nội dung, chất lượng tham mưu cho Lãnh đạo cơ quan, đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện kiểm soát TTHC còn rất hạn chế.
- Công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC vẫn chưa được coi trọng đúng mức; Lãnh đạo một số Bộ, cơ quan, UBND cấp tỉnh chưa thực sự quan tâm thích đáng đối với công tác này; văn bản chỉ đạo thực hiện được ký ban hành nhưng việc quan tâm theo dõi và yêu cầu báo cáo về tình hình, kết quả, hiệu quả thực hiện chưa được chú trọng; nhận thức của một số Lãnh đạo, công chức nhất là tại cấp huyện, cấp xã về công tác kiểm soát TTHC vẫn còn nhiều hạn chế.
- Hệ thống văn bản pháp luật có quy định về TTHC thường xuyên thay đổi nhưng sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị vẫn chưa chặt chẽ, thường xuyên, nhất là thiếu chặt chẽ trong quan hệ phối hợp giữa các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo VBQPPL với cơ quan có chức năng, nhiệm vụ kiểm soát TTHC; giữa cơ quan công bố TTHC ban đầu với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh có nhiệm vụ dự thảo quyết định công bố TTHC thuộc phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý tại địa phương.
- Chưa có quy định cụ thể về quy trình, cách thức, nguyên tắc, nội dung, trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương trong việc nhập, đăng tải, khai thác, sử dụng và duy trì Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; giá trị nội dung của thông tin về TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia chưa được bảo đảm thi hành nghiêm túc.
- Kinh phí bố trí để thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC chưa đảm bảo.
b) Bài học kinh nghiệm
- Hiệu quả, chất lượng của công tác cải cách TTHC, kiểm soát TTHC phụ thuộc phần lớn vào sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sát sao và quyết liệt của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Thực tiễn cho thấy, cơ quan, đơn vị nào có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sát sao và quyết liệt của người đứng đầu thì công tác kiểm soát TTHC đạt kết quả cao, ngược lại, cơ quan, đơn vị nào thiếu sự quan tâm, chỉ đạo của người đứng đầu thì không đạt kết quả hoặc kết quả chỉ mang tính hình thức.
- Việc xây dựng, ban hành kế hoạch, chương trình hoạt động cụ thể, trong đó định lượng rõ nội dung công việc, thời gian và trách nhiệm thực hiện là một trong các yếu tố quan trọng, có tính chất quyết định về mặt tiến độ, kết quả và chất lượng hoạt động; giúp Lãnh đạo cơ quan, đơn vị và người quản lý giám sát được quá trình thực hiện, bảo đảm kỷ cương hành chính.
- Tăng cường hiểu biết, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng và những khó khăn trong công tác kiểm soát TTHC; đẩy mạnh công tác phối hợp trong thực hiện kiểm soát TTHC giữa các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là việc gắn kết chặt chẽ giữa công tác xây dựng, ban hành VBQPPL với công tác kiểm soát TTHC, thực hiện pháp luật, trong đó có việc công bố, công khai và quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.
- Thực hiện tốt công tác hướng dẫn nghiệp vụ kiểm soát TTHC; trang bị kịp thời kiến thức, kỹ năng kiểm soát TTHC và thống nhất cách hiểu, cách làm theo phương pháp khoa học, gắn với kiểm tra, đôn đốc, trao đổi thông tin kịp thời, thường xuyên trong quá trình thực hiện.
- Tăng cường đầu tư nguồn lực cho hoạt động kiểm soát TTHC, bố trí đủ nhân lực, kinh phí, trang thiết bị, cơ sở vật chất và chính sách đãi ngộ hợp lý cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện kiểm soát TTHC. Đây là một trong những nhân tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác kiểm soát TTHC.
- Công tác kiểm tra về kiểm soát TTHC phải được đặt ra và thực hiện thường xuyên nhằm kịp thời đánh giá, phát huy kết quả đạt được, tập trung uốn nắn, đôn đốc và chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót; khen thưởng kịp thời đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân làm tốt; nhắc nhở, phê bình đối với cơ quan, đơn vị, cá nhân còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Trên cơ sở đó có biện pháp củng cố và tăng cường công tác kiểm soát TTHC, phục vụ các nhiệm vụ trọng tâm của cơ quan, đơn vị.
- Tích cực truyền thông về tầm quan trọng, ý nghĩa, mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ của công tác cải cách TTHC, kiểm soát TTHC để nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức và trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể, nhân dân trong giám sát về việc thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC của cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước, nhất là quá trình niêm yết công khai, giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức.
Việc thực hiện cải cách TTHC, kiểm soát TTHC đã, đang và sẽ phát huy được những tác động tích cực đối với mục tiêu cải cách thể chế, xây dựng nền hành chính văn minh, tiên tiến, tôn trọng và bảo vệ các quyền công dân, tạo môi trường thuận lợi cho kinh tế - xã hội phát triển thông qua hệ thống thể chế có chất lượng cao. Để công tác cải cách TTHC, kiểm soát TTHC tiếp tục phát huy những tác động tích cực đó, Bộ Tư pháp kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:
1. Bộ Nội vụ chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương điều chuyển bổ sung biên chế cho Phòng Kiểm soát TTHC thuộc Tổ chức pháp chế Bộ, ngành và Sở Tư pháp để đảm bảo hiệu quả hoạt động.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Tổng Giám đốc cơ quan: Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Phát triển Việt Nam:
a) Tăng cường đẩy mạnh công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC; xác định cải cách TTHC, kiểm soát TTHC là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và là trách nhiệm chính trị của người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương;
b) Thường xuyên quán triệt, nâng cao trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc về công tác kiểm soát TTHC; tăng cường vai trò của cán bộ, công chức đầu mối về kiểm soát TTHC; bảo đảm kinh phí cho công tác kiểm soát TTHC và quan tâm, bố trí đủ nhân sự cho Phòng Kiểm soát TTHC để thực hiện tốt công tác tham mưu, đôn đốc, triển khai thực hiện;
c) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị được giao chủ trì soạn thảo đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng ban hành các VBQPPL, trong đó, đặc biệt chú trọng về chất lượng đánh giá tác động TTHC, chất lượng các quy định TTHC theo đúng hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 24 tháng 02 năm 2014;
d) Chỉ đạo, lãnh đạo Tổ chức pháp chế, Sở Tư pháp tiếp tục phát huy vai trò tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC theo quy định, đặc biệt về công tác tham gia ý kiến, thẩm định TTHC quy định tại dự án, dự thảo VBQPPL và tổ chức thực hiện công bố, công khai, niêm yết TTHC theo đúng hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại Thông tư số 05/2014/TT-BTP ngày 07 tháng 02 năm 2014; tăng cường kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm soát TTHC, chủ động nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kiểm soát TTHC tại các cơ quan, đơn vị để giải đáp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết và có biện pháp thích hợp để kiểm điểm, xử lý các cơ quan, đơn vị yếu kém trong thực hiện các nhiệm vụ về kiểm soát TTHC;
đ) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý thực hiện có hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý phản ánh kiến nghị về quy định hành chính; thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC đang thực thi, cũng như kịp thời phản ánh những khó khăn vướng mắc trong quá trình giải quyết TTHC để sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ, hủy bỏ TTHC theo thẩm quyền hoặc đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ, hủy bỏ; thực hiện nghiêm chế độ báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện kiểm soát TTHC theo quy định;
e) Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác kiểm soát TTHC, cải cách TTHC; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường hơn nữa công tác truyền thông nội bộ để thống nhất nhận thức; thực hiện đa dạng các hình thức công khai, phổ biến, tuyên truyền pháp luật, quy định TTHC và dành thời lượng thích hợp trên các phương tiện thông tin đại chúng để đưa tin về hoạt động này.
g) Tập trung nguồn lực thực hiện việc rà soát, chuẩn hóa, loại bỏ các dữ liệu thừa trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong quá trình nâng cấp, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.
Giao Bộ Tư pháp chủ động quyết định thời gian thực hiện, báo cáo Thủ tướng về tình hình, kết quả thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương.
3. Yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan nghiên cứu, xử lý, thực thi đề xuất, kiến nghị thuộc phạm vi thẩm quyền được Bộ Tư pháp tổng hợp tại Phụ lục 5 gửi kèm theo Báo cáo.
Trên đây là nội dung tổng hợp Báo cáo về tình hình, kết quả 01 năm thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 05 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp kính báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.