ỦY
BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 211/BC-UBND |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24 tháng 08 năm 2015 |
Thực hiện Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ Thành phố và Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 16 tháng 3 năm 2011 của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 24/2011/QĐ-UBND ngày 14 tháng 5 năm 2011 về Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Thành phố giai đoạn 2011- 2015. Phát huy truyền thống cách mạng kiên cường và tinh thần năng động, sáng tạo và kinh nghiệm qua 30 năm đổi mới, với quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ, chính quyền Thành phố đã bám sát tình hình thực tiễn, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sức mạnh của nhân dân, dám làm và chịu trách nhiệm với Trung ương, Chính phủ và nhân dân Thành phố; đã ban hành nhiều giải pháp, biện pháp đồng bộ, quyết liệt, tập trung phỉ đạo và điều hành với quyết tâm cao nhất, khắc phục và vượt qua khó khăn để tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội Thành phố nhằm đạt kết quả cao nhất.
Sau 05 năm triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Thành phố giai đoạn 2011- 2015, cơ cấu kinh tế Thành phố đã chuyển dịch đúng hướng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ Thành phố, kết quả như sau:
Cuối những năm 1999, kinh tế cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng chịu ảnh hưởng khá nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng tài chính từ Thái Lan năm 1998. Xuất phát từ nguyên nhân đó, để đưa kinh tế Thành phố phát triển ổn định và bền vững hơn, từ những năm 2000, Lãnh đạo Thành phố đã có chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu; tập trung vào những ngành có hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao. Đây là chủ trương đúng đắn đã được Trung ương khẳng định trong Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 18 tháng 11 năm 2002 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010. Nghị Quyết 20-NQ/TW đã đề ra cho Thành phố 7 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó phương hướng, nhiệm vụ phát triển các ngành, lĩnh vực then chốt là một trong những nhiệm vụ mà Thành phố cần tập trung triển khai thực hiện. Có thể xem đây là chủ trương khởi động tái cấu trúc kinh tế Thành phố theo hướng phát triển ổn định và bền vững hơn.
Quán triệt tinh thần Kết luận số 10-KL/TW ngày 01 tháng 11 năm 2011 của Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, phát triển kinh tế bền vững gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Bảo đảm phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19 tháng 2 năm 2013 của Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020, Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ triển khai trong 3 năm 2013 - 2015, nhằm thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013 - 2020, Ủy ban nhân dân Thành phố đã phê duyệt Đề cương Đề án Tái cấu trúc kinh tế Thành phố giai đoạn 2013-2020; ban hành kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, kế hoạch thoái vốn đầu tư ra ngoài ngành của các doanh nghiệp nhà nước, các quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu doanh nghiệp của các Tổng công ty, công ty mẹ.
2. Công tác chỉ đạo, điều hành
Thực hiện Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ Thành phố và Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 16 tháng 3 năm 2011 của Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thanh phố đã ban hành Quyết định số 24/2011/QĐ-UBND ngày 14 tháng 5 năm 2011 về Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Thành phố giai đoạn 2011- 2015. Thành phố thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ Chuyên viên giúp việc thực hiện Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Thành phố giai đoạn 2011 - 2015.
Thành phố đã khẩn trương xây dựng và ban hành các chương trình, đề án phát triển các ngành kinh tế - kỹ thuật trên địa bàn Thành phố, làm cơ sở để triển khai các nhiệm vụ cụ thể trong từng ngành, từng lĩnh vực nhằm thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế Thành phố theo hướng dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp. Đến nay, Thành phố đã ban hành các quyết định phê duyệt các chương trình, đề án gồm: Chương trình phát triển công nghệ thông tin - truyền thông giai đoạn 2011 - 2015, trong đó đặc biệt có chương trình phát triển vi mạch điện tử đầu tiên và đang là duy nhất của cả nước; Đề án đầu tư xây dựng giai đoạn 2 Khu công nghệ cao, Quy hoạch phát triển ngành cơ khí đến 2010, định hướng đến 2020; đề án đưa nông dân đi học tập ở nước ngoài giai đoạn 2013 - 2018 (Phụ lục 1).
Tính đến tháng 6 năm 2015, trong tổng số 79 chương trình đề án, có 41 chương trình, đề án đã hoàn thành, 24 chương trình, đề án đang tiếp tục triển khai thực hiện[1], còn lại 14 chương trình, đề án không thực hiện[2] (6 chương trình, đề án ngành dịch vụ; 6 chương trình, đề án ngành công nghiệp và 2 chương trình, đề án ngành nông nghiệp) (Phụ lục 2). Nguyên nhân không thực hiện 14 chương trình, đề án do công tác dự báo của các Sở, ban ngành tại thời điểm 2010 cho giai đoạn 2011-2015 yếu kém, không phản ánh đứng xu hướng vận động của nền kinh tế dẫn tới không triển khai thực hiện được trọng thực tế.
Thành phố đã chú trọng đẩy mạnh hoạt động quản lý và phát triển đô thị nhằm góp phần hỗ trợ cho quá trình phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đã công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2631/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2013; đồng thời đã công bố Quy chế quản lý kiến trúc - quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh theo Đồ án Quy hoạch chung Thành phố đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt tại Quyết định 1340/QĐ-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2014 để làm cơ sở cho công tác cấp Giấy phép xây dựng trên toàn địa bàn; hàng năm, Ủy ban nhân dân Thành phố tiến hành rà soát và phê duyệt danh mục lập các dự án quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu trên địa bàn Thành phố (Năm 2015, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành Quyết định số 3978/QĐ-UBND ngày 13 tháng 8 năm 2015).
Thành phố đã đẩy mạnh các hoạt động hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh, Thành phố trong cả nước, nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh của mỗi địa phương, đồng thời tạo điều kiện thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thành phố. Tính đến tháng 6 năm 2015, Thành phố đã ký kết Chương trịnh hợp tác kinh tế - xã hội với 36 tỉnh, Thành phố trong nước. Ngoài ra, Thành phố cũng đã ký kết hợp tác với 40 tỉnh, thành các nước bạn; tham dự các sự kiện đối ngoại (quốc khánh, hội nghị, hội thảo, lễ hội văn hóa...); qua đó góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh Việt Nam và Thành phố Hồ Chí Minh với thế giới, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đầu tư và hoạt động xuất nhập khẩu.
Trong năm 2015, để đảm bảo nền kinh tế cửa Thành phố phát triển và chuyển dịch theo đúng định hướng đã đề ra trong bối cảnh nước ta bắt đầu thực hiện các lộ trình, cam kết quốc tế, hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, Thành phố đã tổ chức đánh giá kết quả quá trình hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)" trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời tập trung quyết liệt hoàn chỉnh, bổ sung, thay thế Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND ngày 28 tháng 5 năm 2011 và Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 23 tháng 9 năm 2013 về thực hiện các dự án đầu tư thuộc Chương trình kích cầu của Thành phố.
II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN (Phụ lục 3,4,5)
1. Chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ
Giai đoạn 2011-2015, cơ cấu kinh tế khu vực dịch vụ Thành phố đã chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao. Ngành dịch vụ tư vấn, khoa học và công nghệ có tốc độ tăng cao nhất, đạt mức bình quân 16,9%/năm; dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin tăng 16,5%/năm; y tế tăng 14,8%/năm; dịch vụ vận tải kho bãi tăng 13%/năm; thương mại và giáo dục đào tạo cùng đạt mức tăng trưởng 11,8%/năm. Các ngành còn lại có mức tăng vừa phải, riêng ngành bất động sản giảm bình quân 1,6%/năm do thị trường đóng băng trong thời gian dài, tuy nhiên năm 2014 ngành này có tăng trưởng khá đạt 9%, năm 2015 đạt mức tăng trưởng 8% nhờ sự hồi phục dần lên của thị trường. Tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 11,2%/năm.
Tỷ trọng của nhóm 9 ngành dịch vụ chủ yếu có giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh, có tiềm năng và là thế mạnh của Thành phố chuyển dịch theo hướng tăng dần và ngày càng tốt hơn. Tỷ trọng nhóm 9 ngành dịch vụ chủ yếu năm 2015 chiếm tỷ trọng 57,33% trong tổng GDP của Thành phố, cao hơn năm 2010 chiếm 46% và năm 2005 chiếm 45,3%. Trong đó, 3 nhóm ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; thương mại và vận tải kho bãi tiếp tục đạt tỷ trọng cao, chiếm 34,3% trong tổng GDP, cao hơn năm 2010 chiếm 31,2% GDP và năm 2005 là 24,8% GDP.
Thực hiện Chương trình kích cầu thông qua đầu tư[3], Thành phố đã phê duyệt hỗ trợ cấp bù lãi vay cho 60 dự án trong khu vực dịch vụ với tổng mức đầu tư là 5.917,4 tỷ đồng, số vốn được hỗ trợ lai vay là 2.866,3 tỷ đồng, chiếm 59,42% tổng mức đầu tư các dự án. Bình quân một dự án có tổng mức đầu tư là 98,62 tỷ đồng.
Đến năm 2015, tỷ trọng ngành dịch vụ của Thành phố chiếm 59,9% (vượt chỉ tiêu đề ra là 57%) trong cơ cấu GDP của Thành phố cao hơn các giai đoạn trước là 56% năm 2010 và 50,5% năm 2005. Tỷ trọng lao động của khu vực dịch vụ tăng từ 56% năm 2005 lên 60,5% năm 2010 và tiếp tục tăng lên 65,1% năm 2015. Tỷ trọng vốn đầu tư khu vực dịch vụ tăng từ 64% năm 2005 lên 67,5% năm 2010 và tiếp tục tăng lên 13,2% năm 2015.
1.1. Lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm
So với giai đoạn 5 năm trước, giai đoạn 2011-2015, hệ thống ngân hàng đã có nhiều thay đổi tích cực, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát. Đây là kết quả quan trọng trong những năm kinh tế vĩ mô khó khăn và chịu tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Kết quả này, phản ánh sự thành công của quá trình đổi mới theo Đề án tái cơ cấu nến kinh tế của Chính phủ và Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng đã và đang được Ngân hàng Nhà nước triển khai quyết liệt trong thời gian qua[4]. Theo đó, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn từng bước đi vào ổn định, thanh khoản được bảo đảm, năng lực cạnh tranh tăng và chất lượng hoạt động của hệ thống ngân hàng được nâng cao, cùng với hệ thống mạng lưới được sắp xếp hợp lý hơn, phân bố rộng khắp. Hoạt động thanh toán qua ngân hàng trên địa bàn giai đoạn này cũng phát triển mạnh thông qua các chính sách phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Ngân hàng Nhà nước[5] và việc tự đầu tư, ứng dụng công nghệ ngân hàng của các ngân hàng đã góp phần tạo thêm nhiều tiện ích và tiết kiệm thời gian cho khách hàng và nền kinh tế[6].
Ngoài ra, so với giai đoạn 2006-2010, huy động vốn và dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, đảm bảo được nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế[7]. Đối với nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu giai đoạn này tăng cao hơn giai đoạn 2005-2010, cuối năm 2014 là 5,31%, (cuối năm 2005 là 1,98%) do quá trình tái cơ cấu cùng với việc áp dụng các chuẩn mực càng gần với quốc tế hơn trong lĩnh vực ngân hàng[8], sở hữu chéo gây tác động ảnh hưởng đến hoạt động ngân hàng bị loại bỏ, làm tiền đề cho việc tái cơ cấu nợ và xử lý nợ xấu bằng các biện pháp tích cực, hiệu quả theo Đề án xử lý nợ của Ngân hàng Nhà nước và Đề án tái cơ cấu của từng ngân hàng.
Trong giai đoạn này, hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã có nhiều hoạt động góp phần hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thành phố thông qua việc tham gia thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế Thành phố trong việc cho vay các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trên địa bàn với lãi suất ưu đãi và cơ chế tín dụng được điều chỉnh tích cực như: cho vay kích cầu đầu tư, chương trình cho vay hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp Thành phố, cho vay xây dựng nông thôn mới, cho vay các doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp, cho vay chương trình bình ổn thị trường và cho vay chương trình kết nối - tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp[9].
Thị trường tài chính tiền tệ ngân hàng đã đi vào ổn định và diễn biến theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tín dụng, lãi suất và tỷ giá. Lãi suất sau khi tăng mạnh vào năm 2011 (21%) có xu hướng giảm dần, xuống khoảng 16% năm 2012, đến 11-13% năm 2013 và cuối năm 2014, lãi suất ngắn hạn tối đa không quá 7%, trung dài hạn phổ biến khoảng 11%/năm. Thị trường chứng khoán Thành phố đã thu hút được nhiều định chế tài chính tham gia, đặc biệt là định chế tài chính nước ngoài, công ty cổ phần từ các khu vực kinh tế khác nhau, do đó tuy bị ảnh hưởng mạnh bởi khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng giá trị vốn hóa của thị trường vẫn có xu hướng gia tăng qua những năm gần đây. Giá trị vốn hóa thị trường tăng từ 364,4 ngàn tỷ đồng vào năm 2007 lên 1.017,4 ngàn tỷ vào tháng 3/2015. Thị trường vàng dần ổn định, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới có xu hướng thu hẹp. Ngoài ra còn có các dịch vụ tài chính khác đã và đang hình thành, hỗ trợ phát triển thị trường tài chính thành phố như: Dịch vụ cho thuê tài chính, quỹ đầu tư, dịch vụ kiểm toán, thẩm định giá, tính và khai thuế...
Lĩnh vực tài chính - tín dụng - ngân hàng của Thành phố nói riêng và của cả nước nói chung đều chịu sự quản lý, điều hành thống nhất của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, mặc dù Thành phố chưa ban hành, xây dựng được những chính sách nhằm phát triển các sản phẩm tài chính và các định chế tài chính nhưng lĩnh vực tài chính - tín dụng - ngân hàng của Thành phố giai đoạn 2011-2015 vẫn đạt tốc độ tăng trưởng bình quân khá 10,1 %/năm và có tỷ trọng cao thứ 2 trong khu vực dịch vụ (sau thương mại) là 18%.
Cơ sở hạ tầng thương mại trên địa bàn Thành phố đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, hiện đại; đáp ứng yêu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân, cả về số lượng mặt hàng lẫn chủng loại, chất lượng và các dịch vụ tiện ích; hệ thống siêu thị[10], trung tâm thương mại[11], hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ[12] đa không ngừng phát triển[13] theo hướng văn minh, thuận tiện, hiện đại, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, kích cầu tiêu dùng, góp phần phát triển Thành phố thành đầu mối giao lưu thương mại của cả nước và khu vực. Giai đoạn 2011-2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tăng bình quân 14,04%/năm (theo giá thực tế)[14]; quy mô thị trường tăng gấp 2,38 lần so với giai đoạn 2006-2010. Trong đó, ngành thương nghiệp chiếm tỷ trọng 80,5%, tăng bình quân 12,9%/năm.
Chương trình bình ổn thị trường là điểm sáng trong việc cân đối cung - cầu một số mặt hàng thiết yếu[15], số lượng doanh nghiệp và khối lượng hàng hóa tham gia chương trình ngày càng nhiều[16] nhưng số vốn vay không lãi suất ngày càng giảm, đến năm 2013, cả 4 chương trình bình ổn thị trường (hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng, các mặt hàng sữa, các mặt hàng dược phẩm thiết yếu) không còn nhận vốn từ ngân sách. Lượng hàng hóa dự trữ hàng năm vẫn tăng trung bình 20%-30% với chất lượng đảm bảo, giá cả phù hợp. Chương trình bình ổn thị trường đã trở thành một trong những công cụ điều tiết giá một cách hữu hiệu song song với việc thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Mặc dù chịu những tác động tiêu cực từ sự bất ổn của kinh tế thế giới, tình hình căng thẳng tại Biểu Đông[17] nhưng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2011-2015 vẫn đạt mức tăng trưởng khá, ước đạt 154,4 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm[18], cao hơn mức tăng của giai đoạn 2006 - 2010 (tăng 8,1%/năm). Nếu loại trừ dầu thô, xuất khẩu ước đạt 116,1 tỷ USD (vượt kế hoạch 5 năm là 100 tỷ USD), tăng bình quân 9,39%/năm[19]. Cơ cấu hàng hóa, thị trường xuất nhập khẩu chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghiệp đã qua chế biến, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, giảm tỷ trọng xuất khẩu tài nguyên, nông sản thô. Chất lượng xuất khẩu đang dần được cải thiện, hàm lượng giá trị gia tăng trong xuất khẩu đạt khoảng 18%, cao hơn bình quân cả nước và đang cao dần. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu chuyển biến tích cực, xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chiếm 69,4% kim ngạch xuất khẩu, vượt mục tiêu kế hoạch 54,4% (năm 2015) và 62,0% (năm 2020). Tổng giá trị xuất khẩu giai đoạn (2011 - 2015) đạt cao hơn tổng kim ngạch nhập khẩu, Thành phố đã góp phần cải thiện cán cân thương mại của cả nước (giảm nhập siêu và hướng tới xuất siêu), cải thiện cán cân thanh toán, lành mạnh hóa thị trường ngoại hối.
Kim ngạch nhập khẩu của Thành phố giai đoạn 2011-2015 ước đạt 145,3 tỷ USD, tăng bình quân 8,86%/năm, thấp hơn mức tăng 12,1% của giai đoạn 2006-2010 và thấp hơn so với tăng trưởng xuất khẩu. Tương tự như tình hình xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu tăng cao trong năm 2011 do giá nhập khẩu các mặt hàng tăng mạnh và giảm vào năm 2012 do Thành phố áp dụng tích cực biện pháp kiểm soát nhập khẩu, hạn chế nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng xa xỉ, nhưng nhập khẩu các loại vật tư nguyên liệu vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng và sản xuất trong nước. Một số mặt hàng nhập khẩu chủ yếu: Nhiên liệu; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; nguyên phụ liệu dệt, may, da giày; vải các loại; hóa chất; chất dẻo; dược phẩm; các sản phẩm hóa chất; sắt thép; sữa và sản phẩm sữa nhập khẩu; máy vi tính, sản phim điện tử và linh kiện... Thị trường nhập khẩu chủ yếu: Trung Quốc, Singapore, Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, Hàn Quốc...
Các hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp trên địa bàn[20] đã góp phần giữ vững, ổn định hoạt động sản xuất - kinh doanh cho doanh nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố trong tình hình kinh tế thế giới và trong nước giai đoạn 2011-2015 còn gặp nhiều khó khăn. Lĩnh vực thương mại của Thành phố bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt tốc độ tăng trưởng GDP là 11,8%/năm và có tỷ trọng cao nhất trong khu vực dịch vụ, chiếm 21,3%.
Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch chuyển dịch theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu của khách hàng[21], ngành du lịch Thành phố tiếp tục giữ vững vị thế là một trong những trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước với tốc độ tăng trưởng ổn định, đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố. Khách quốc tế đến Thành phố tăng trưởng bình quân 9%/năm; doanh thu du lịch (lữ hành, khách sạn, nhà hàng) tăng trưởng bình quân 16,4%/năm, chiếm tỷ trọng 5,7% trong khu vực dịch vụ.
Thành phố đã thực hiện hiệu quả các giải pháp quảng bá, xúc tiến nhằm nâng cao hình ảnh, vị thế của Thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến thân thiện, hấp dẫn, an toàn. Các sự kiện du lịch định kỳ được nâng chất, mở rộng, đã thu hút đông đảo doanh nghiệp và du khách tham gia. Trong thời gian gần đây, các sự kiện đã nhận được sự quan tâm tham gia ngày càng nhiều của các lãnh sự, các doanh nghiệp nước ngoài. Song song đó, Thành phố cũng đã chu trọng tổ chức các hoạt động quảng bá, xúc tiến hướng tới thị trường nước ngoài; liên kết với các Thành phố trong khu vực hạ nguồn Mê Công mà điểm nhấn là Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Ba quốc gia Một điểm đến” năm 2011 (Việt Nam, Lào, Campuchia); Bổn quốc gia - Một điểm đến từ năm 2012 (Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar) và Năm Quốc gia - Một điểm đến vào năm 2013, 2014. (Việt Nam, Lào, Campuchia, Mianmar và Thái Lan)[22]. Thành phố đã thành lập Trung tâm Xúc tiến Du lịch và đưa vào hoạt động Tổng đài du lịch 1087.
Công tác quy hoạch đầu tư gắn liền với nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch[23]. Với chương trình du lịch đường thủy - tập trung cho du lịch đường thủy nội đô; chương trình Thành phố Hồ Chí Minh -100 điều thú vị; chương trình dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Mối quan hệ hợp tác về du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các địa phương trong cả nước không ngừng được củng cố và mở rộng; Thành phố đã ký kết hợp tác về du lịch với 45 tỉnh thành, tạo điều kiện cho các địa phương phát huy lợi thế trong liên kết phát triển sản phẩm, quảng bá xúc tiến, đào tạo nguồn nhân lực du lịch; tham gia tích cực với vai trò là thành viên sáng lập các hoạt động của Tổ chức Xúc tiến du lịch các Thành phố Châu Á - Thái Bình Dương (TPO); đề xuất sáng kiến tổ chức Hội nghị Thị trưởng khu vực tiểu vùng sông Mê Công về du lịch từ năm 2013.
Thành phố thành lập Sở Du lịch từ tháng 10 năm 2014, khắc phục sự bất cập về bộ máy quản lý nhà nước đối với lĩnh vực du lịch tại một trong những trung tâm du lịch lớn nhất nước. Hiệu lực quản lý nhà nước trên lĩnh vực du lịch được tăng cường, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp
Để hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, Thành phố đã ban hành Quy hoạch hệ thống cầu tàu, bến đậu phục vụ tuyến du lịch đường thủy; quy định quản lý hoạt động vận tải hành khách du lịch đường thủy trên địa bàn Thành phố. Lĩnh vực du lịch, nhà hàng khách sạn của Thành phố bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt tốc độ tăng trưởng 9,4%/năm, chiếm tỷ trọng 5,7% trong khu vực dịch vụ.
1.4. Lĩnh vực vận tải, cảng và kho bãi
Giai đoạn 2011 - 2015, kết cấu hạ tầng trên địa bàn Thành phố đã chuyển dịch mạnh mẽ với việc hoàn thành các công trình giao thông trọng điểm có quy mô lớn[24], đã rút ngắn thời gian lưu thông và vận chuyển hàng hóa[25] giữa các khu vực, vùng miền[26], tạo đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thành phố nói chung và thúc đẩy lĩnh vực vận tải kho bãi của Thành phố nói riêng phát triển.
Việc đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối đã tạo thuận lợi cho thúc đẩy việc đầu tư xây dựng các cảng khu vực Cát Lái, Hiệp Phước[27]. Đồng thời tạo lợi ích dây chuyền cho các dịch vụ hậu cần đối với chủ hàng xuất nhập khẩu tại Thành phố, các tỉnh phụ cận, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trong giai đoạn 2010-2015 sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh hàng năm đều tăng khá cao: từ 69,17 triệu tấn năm 2010 lên 83 triệu tấn năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015 là 43,4 triệu tấn (tăng 15% so với cùng kỳ).
Ngoài ra, nhằm phục vụ cho việc lưu đậu các phương tiện vận tải hàng hóa đường bộ khi đến Thành phố, từng bước hạn chế và chấm dứt tình trạng xe tải vào nội thành, Thành phố đã duyệt quy hoạch phát triển bến bãi vận tải hàng hóa đường bộ liên tỉnh Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025[28]; đồng thời thông báo chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc khu vực cảng và nhà máy Ba Son trên sông Sài Gòn phải di dời theo quy hoạch[29] để các doanh nghiệp cảng phải di dời làm cơ sở triển khai dự án chuyển đổi công năng tạo nguồn vốn thực hiện quy hoạch di dời cảng. Hiện nay đã có 2/5 cảng đã hoàn thành việc di dời[30].
Qua đó, lĩnh vực vận tải kho bãi tăng trưởng cao thứ 4 và chiếm tỷ trọng cao thứ 3 trong toàn ngành dịch vụ, điều này thể hiện Thành phố đang ngày càng trở thành một trung tâm trung chuyển, vận tải hàng đầu của cả nước, đặc biệt còn có hệ thống cảng hàng không và hàng hải thuận lợi kết nối với khu vực và toàn cầu. Bình quân giai đoạn 2011-2015 lĩnh vực vận tải - kho bãi đạt mức tăng trưởng 13%/năm, ước đến cuối năm 2015 ngành chiếm tỷ trọng 15,9% trong khu vực dịch vụ. Bước đầu tạo nền tảng để hành thành phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn Thành phố theo quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030[31].
1.5. Lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin - truyền thông
Do xu thế tất yếu của sự phát triển, thị phần của lĩnh vực bưu chính có phần thu hẹp so với thị phần dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin hiện đại. Tuy nhiên, bên cạnh các dịch vụ truyền thống, hoạt động bưu chính đã chuyển dịch với nhiều loại hình dịch vụ mới để đáp ứng nhu cầu của khách hàng (dịch vụ chuyển phát hồ sơ hành chính công[32]; dịch vụ tài chính, ngân hàng; logistics; bán vé máy bay,...). Việc phát triển đa dạng các loại hình dịch vụ bưu chính chất lượng cao đã tạo sự thuận lợi cho người dân và hỗ trợ các doanh nghiệp trong công tác hợp tác kinh doanh, chăm sóc khách hàng,...[33]
Mạng di động đã chuyển dịch theo hướng mở rộng cả về chất lượng lẫn các dịch vụ giá trị gia tăng, giá cước ngày càng rẻ, làm dịch vụ di động trở nên phổ cập, góp phần làm già tăng mật độ điện thoại trên địa bàn (ước năm 2015, tổng số thuê bao điện thoại trên toàn Thành phố đạt khoảng 16,4 triệu thuê bao, mật độ điện thoại sẽ đạt 183 máy/100 dân)[34]. Về dịch vụ Internet, do xu hướng nhu cầu về tốc độ và chất lượng ngày càng cao nên dịch vụ internet cáp quang FTTH tăng mạnh, dần thay thế dịch vụ ADSL trước đây[35].
Hạ tầng và dịch vụ viễn thông, Internet luôn đáp ứng và gắn liền với nhu cầu phát triển của ngành công nghệ thông tin và truyền thông nói riêng và các ngành, lĩnh vực kinh tế khác nói chung. Các chính sách của Thành phố giai đoạn 2011-2015 đã giúp hạ tầng viễn thông phát triển bền vững, đảm bảo chất lượng, mỹ quan đô thị, góp phần quan trọng trong việc chỉnh trang đô thị (đặc biệt tại khu vực trung tâm) và nâng cao chỉ số cơ sở hạ tầng[36] của Thành phố[37], qua đó thu hút đầu tư FDI vào các Khu Công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung, các khu chế xuất và khu công nghiệp.
Dịch vụ bưu chính, viễn thông, Internet của Thành phố là nền tảng cho ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai các dịch vụ công, giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính, là yếu tố quan trọng góp phần phát triển thương mại điện tử[38], liên thông nối kết, hợp tác với quốc tế giúp đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa Thành phố.
Việc đẩy mạnh công tác triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính[39] và phát triển mạnh hạ tầng viễn thông/Internet đã góp phần cải thiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Thành phố.
Giai đoạn 2011-2015, lĩnh vực viễn thông - công nghệ thông tin có tốc độ tăng trưởng bình quân cao thứ hai, đạt 16,5% (chỉ sau lĩnh vực tư vấn khoa học và công nghệ đạt 16,9%/năm) cao hơn các giai đoạn 2001-2005 là 9,1% và giai đoạn 2006-2010 là 5,4%, tỷ trọng giá trị ngành ước đến cuối năm 2015 đạt 5,8% trong tổng giá trị ngành dịch vụ của Thành phố.
Hoạt động Công viên phần mềm Quang Trung: Thành phố đã tạo lập được vị trí hàng đầu cả nước và khu vực về sản xuất, gia công phần mềm gắn với thương hiệu Công viên phần mềm Quang Trung (nằm trong nhóm 20 Thành phố có năng lực gia công phần mềm triển vọng nhất trên thế giới[40]). Trong thời gian qua, Công viên phần mềm Quang Trung từng bước nâng cao năng lực cung cấp các dịch vụ, đặc biệt là các dịch vụ về viễn thông Internet và Datacenter cho Chính quyền Thành phố. Với cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh và nhiều chính sách hỗ trợ, Công viên phần mềm Quang Trung đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư FDI, trong đó có 4 doanh nghiệp hàng đầu thế giới như HP, IBM, KDDI, HITACHI. Hiện có 120 doanh nghiệp phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin đang hoạt động tại Công viên phần mềm Quang Trung.
Doanh thu 5 năm 2011-2015 ước đạt 15.758 tỷ đồng, trong đó xuất khẩu trực tiếp đạt 8.729 tỷ đồng (tương đương 400 triệu USD). Thành phố đang tích cực chuẩn bị xây dựng Công viên phần mềm Quang Trung 2 (hiện đang khảo sát vị trí xây dựng) và đang phối hợp với tỉnh Lâm Đồng, Nam Định, Đại học Quốc gia để triển khai xây dựng chuỗi công viên phần mềm Quang Trung tại Thành phố và các tỉnh, hình thành chuỗi công viên phần mềm Quang Trung như một công viên phần mềm trọng điểm quốc gia.
Các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp về lãi suất vay vốn, giảm thuế, điều chỉnh cơ cấu căn hộ thương mại có diện tích lớn sang loại căn hộ thương mại có diện tích nhỏ, chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội, chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang công trình dịch vụ khác, gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi[41] để phân bổ lại nguồn lực, tái cấu trúc sản phẩm phù hợp thị trường[42]. Ngoài ra, việc tập trung đầu tư hệ thống giao thông, các công trình hạ tầng kỹ thuật ở 04 hướng phát triển của Thành phố, đặc biệt là về phía Đông như: mở rộng xa lộ Hà Nội, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Cụm Khu đô thị và Khu Công nghiệp Cảng Hiệp Phước... đã thúc đẩy thị trường bất động sản chuyển dịch mạnh mẽ, nhiều dự án bất động sản dọc các trục giao thông trên được tái khởi động, cung ứng số lượng lớn hàng hóa bất động sản cho thị trường, thu hút được nhiều khách hàng quan tâm đăng ký và thực hiện giao dịch.
Bên cạnh đó, Thành phố đã tổ chức Diễn đàn đối thoại chính quyền Thành phố với doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn, qua đó đã chỉ đạo các Sở, ngành đề xuất liên thông, rút ngắn thời gian, giảm thủ tục tại Quy trình thủ tục hành chính thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất (giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá, đấu thầu), dự án đầu tư xây dựng khu đô thị.
Về quy hoạch đô thị, trên cơ sở Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thành phố đã hoàn tất phê duyệt 22/22 Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 của các quận, huyện[43]. Thành phố đã hoàn thành duyệt 283 đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 và quy hoạch phân khu, đạt 100% kế hoạch[44]. Các quy hoạch đô thị được phê duyệt[45] là nền tảng thuận lợi để triển khai các dự án bất động sản, dự án hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thành phố.
Giai đoạn 2011-2013, lĩnh vực bất động sản có tốc độ tăng trưởng âm do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng có tác động tiêu cực tới thị trường bất động sản dẫn tới bị “đóng băng”. Tuy nhiên, bước sang năm 2014, thị trường đã ấm dần lên với tốc độ tăng trưởng 9%. Hiện nay, thị trường bất động sản đã có dấu hiệu tích cực và phục hồi khá rõ nét[46], các sản phẩm có vị trí tốt, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, có nhiều tiện ích, được phát triển bởi những chủ đầu tư thương hiệu mạnh, uy tín luôn thu hút được nhiều khách hàng quan tâm mao dịch, đặc biệt phân khúc căn hộ có quy mô vừa và nhỏ (diện tích <=70m2), giá bán hợp lý (<15 triệu đồng/m2), phương thức thanh toán theo hình thức thuê, hoặc thuê mua đang được tiêu thụ mạnh, các doanh nghiệp đã có chuyển biến tích cực trong việc hoạch định chiến lược kinh doanh theo hướng chuyên nghiệp, tình trạng đầu cơ bất động sản được kéo giảm. Giai đoạn 2011-2015, chương trình kích cầu thông qua đầu tư của Thành phố phê duyệt được 03 dự án xây dựng nhà lưu trú công nhân với tổng vốn đầu tư 246,248 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư được hỗ trợ lãi vay là 146,039 tỷ đồng, chiếm 59,3% tổng mức đầu tư của các dự án.
Đến năm 2015, lĩnh vực bất động sản ước đạt tốc độ tăng trưởng 8% và chiếm tỷ trọng 5,5% trong ngành dịch vụ, tác động tích cực đến các thị trường khác như thị trường tài chính, lao động, vật liệu xây dựng, đặc biệt tăng thu ngân sách.
Tình hình đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm: Thành phố đã phê duyệt Đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu ty lệ 1/2000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã cơ bản hoàn thành[47]; tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật chính được thực hiện tương đối nhanh đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc xúc tiến, kêu gọi đầu tư vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm[48], các dự án khác đang được tập trung triển khai thực hiện để hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật chính của Khu đô thị mới Thủ Thiêm[49]. Một số dự án thương mại, dịch vụ, nhà ở đã được triển khai thi công nên đã tạo được tiền đề để các nhà đầu tư khác đăng ký tham gia đầu tư phát triển dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm[50]. Sự phối hợp giữa các Sở, ban ngành liên quan trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính đã góp phần hỗ trợ rất tốt cho các nhà đầu tư; tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, góp phần đẩy nhanh quá trình đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch và kế hoạch được duyệt.
Tình hình đầu tư Khu đô thị Nam Thành phố: Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/5000 (quy hoạch phân khu) Khu đô thị mới Nam Thành phố. Giai đoạn 2011-2014, do thị trường bất động sản gặp khó khăn làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn khu Nam. Thông qua các giải pháp tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư thúc đẩy tiến độ triển khai dự án như: giải quyết nhanh nhất các thủ tục hành chính lĩnh vực đầu tư, đất đai, quy hoạch - xây dựng theo thẩm quyền; thường xuyên phối hợp với địa phương thúc đẩy công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; tăng cường kiểm tra tình hình thực hiện các dự án, có biện pháp xử lý đối với các dự án chậm triển khai, nhiều dự án trước đây ngưng thi công hoặc để đất trống chưa thi công trên địa bàn khu Nam đã bắt đầu triển khai thực hiện trở lại; các chỉ tiêu (vốn đăng ký, vốn thực hiện) cơ bản đạt kế hoạch. Dự kiến tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ hoàn tất vào năm 2020 và hoàn thành đầu tư xây dựng vào năm 2030.
1.7. Lĩnh vực tư vấn, khoa học công nghệ
Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ góp phần thiết thực hơn vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội Thành phố[51]. Khoa học và công nghệ đã góp phần chuyển dịch mạnh mẽ năng suất[52], chất lượng và hiệu quả trong sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa[53]. Việc đổi mới thiết bị, công nghệ trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là sản xuất cơ khí chế tạo kết cấu thép chuyên dụng, đóng tàu, điện tử, điện lực, dầu khí, khai thác tài nguyên khoáng sản, đã góp phần làm cho sản xuất công nghiệp ổn định và tăng trưởng trong nhiều năm qua[54]. Bình quân giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng lĩnh vực khoa học và công nghệ đạt 16,9%/năm (cao hơn giai đoạn 2001- 2005 là 9,1%/năm và giai đoạn 2006-2010 là 5,4%/năm) và chiếm tỷ trọng 9,5% trong toàn ngành dịch vụ.
Bước đầu, Thành phố đã tạo được sự gắn kết giữa nghiên cứu - sản xuất- thị trường[55] thông qua Chương trình phát triển các Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ với hình thức hợp tác công - tư[56]; Chương trình nâng cao năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo và chuyển giao thiết bị mới thay thế hàng ngoại nhập và Chương trình Chế tạo Robot công nghiệp hỗ trợ các doanh nghiệp thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu của Thành phố từng bước đổi mới công nghệ; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng áp dụng hệ thống quản lý chất lượng quốc tế[57], không những mở ra bước phát triển mới cho hoạt động khoa học và công nghệ mà còn mở đường cho việc thu hút nguồn đầu tư từ doanh nghiệp cho nghiên cứu phát triển công nghệ mới, phát triển năng lực công nghệ nội địa theo hướng đa dạng hóa hàng hóa xuất khẩu thành các sản phẩm có giá trị tăng cao hơn, tăng cường năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập.
Với những kết quả trên làm cho tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP của Thành phố có xu hướng tăng: tỷ trọng đóng góp trung bình của TFP giai đoạn 2011-2015 ước bằng 33,1%, cao gấp 1,89 lan so với giai đoạn 2006-2010[58] đã cải thiện chất lượng tăng trưởng kinh tế qua đó góp phần đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Thành phố.
Thành phố khuyến khích các đơn vị ngành y tế chuyển đổi mô hình từ tự chủ một phần sang tự chủ toàn phần. Giai đoạn 2011-2015, số đơn vị tự chủ bán phần chuyển sang toàn phần tăng từ 03 đơn vị lên 09/97 đơn vị[59]. Tăng tỷ trọng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cho khối ngoài công lập. Tăng cường đầu tư cho khối y tế dự phòng, nguồn vốn ngân sách Nhà nước được dịch chuyển theo hướng từ khơi điều trị[60] sang khối y tế dự phòng[61].
Công tác xã hội hóa ngành y tế thu được những kết quả tích cực, hệ thống y tế tư nhân phát triển mạnh mang lại nhiều loại hình dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Thành phố hiện có 38 bệnh viện tư nhân (trong đó có 4 bệnh viện có vốn đầu tư nước ngoài), 3.063 phòng khám đa khoa và chuyên khoa, 196 phòng chẩn trị y học cổ truyền. Tổng số giường bệnh của các bệnh viện ngoài công lập hiện nay là 3.093 giường bệnh, Ủy ban nhân dân Thành phố đã có quyết định phê duyệt Đề án hợp tác công tư giữa Bệnh viện Nhân dân 115 với Bệnh viện Quốc tế Hoa Lâm, chủ trương hợp tác chuyên môn giảm tải giữa Bệnh viện Ung Bướu với Bệnh viện đa khoa Hồng Đức[62].
Thành phố đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực khám và điều trị; đã đưa nhiều kỹ thuật cao vào lĩnh vực lâm sàng, cận lâm sàng vào công tác khám chữa bệnh như: mổ tim, ghép thận, ghép gan, nội soi, siêu âm, thay khớp gối, điều trị can thiệp tim mạch, thụ tinh trong ống nghiệm...góp phần làm giảm số ngày điều trị, tiết kiệm được 200.000 ngày công lao động, tương đương 10 tỷ đồng tiền công lao động (50.000 đồng/ngày)[63].
Thông qua chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố, các bệnh viện ngành y tế Thành phố đã tăng cường đầu tư được máy móc trang thiết bị, cơ sở vật chất góp phần tăng quy mô giường bệnh, phát triển chuyên môn kỹ thuật nhất là các kỹ thuật cao, hiện đại, người bệnh dược cung cấp các dịch vụ, kỹ thuật ngày càng cao, góp phần thực hiện chủ trương giảm tải, giai đoạn 2011- 2015, Ủy ban nhân dân Thành phố đã phê duyệt 14 dự án với tổng vốn đầu tư 1.586,539 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư được hỗ trợ lãi vay là 793,082 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 50%).
Hệ thống y tế dự phòng ngày càng chủ động trong công tác khám và chữa bệnh tạo yên tâm cho người dân và khách du lịch khi đến tham quan, học tập và làm việc tại Thành phố. Tính đến nay, 24 quận/huyện trên địa bàn Thành phố đều có Trung tâm Y tế Dự phòng, phụ trách công tác dịch bệnh trên địa bàn.
Giai đoạn 2011-2015, lĩnh vực y tế có tốc độ tăng trưởng bình quân khá cao đứng thứ 3[64] đạt 14,8%/năm. Tuy nhiên, là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng giảm dần trong những năm gần đây, do quy mô ngành y tế ngày càng lớn và dần đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân Thành phố và các tỉnh lân cận, việc đầu tư xây dựng đang có xu hướng giảm dần. Đến cuối năm 2015 lĩnh vực y tế chiếm tỷ trọng 5,7% trong toàn khu vực dịch vụ.
1.9. Lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Lĩnh vực đào đạo đã chuyển dịch theo hướng đào tạo nguồn nhân lực cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu và nhóm 9 ngành dịch vụ chủ yếu phục vụ quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập[65]. Các trường trung học chuyên nghiệp đã có nhiều nỗ lực mở rộng đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị; phát triển và nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên; thay đổi nội dung đào tạo phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp, xây dựng mối quan hệ, thực hiện liên kết hợp tác nhằm tranh thủ công nghệ đào tạo tiên tiến, nguồn hỗ trợ của các cơ sở đào tạo có uy tín ở nước ngoài để nâng cao chất lượng, tiếp cận chuẩn đào tạo nghề nghiệp tiên tiến trong khu vực và quốc tế.
Công tác xã hội hóa giáo dục - đào tạo đã góp phần đa dạng hóa các loại hình dịch vụ phục vụ học sinh[66], Thành phố khuyến khích các trường, cơ sở giáo dục quốc tế có uy tín, thương hiệu thành lập chi nhánh tại Thành phố theo quy hoạch, tạo điều kiện phát triển mạnh các trường ngoài công lập với số lượng trường, số lượng đơn vị và học sinh ngoài công lập tăng đều hàng năm[67]. Bên cạnh đó, Thành phố thu hút được 19 trường phổ thông có yếu tố nước ngoài trên địa bàn với 1.345 giáo viên, số học sinh là 10.799 (5.080 học sinh Việt Nam) ngoài một số trường dạy hoàn toàn theo chương trình nước ngoài còn hầu hết dạy chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, kết hợp dạy thêm một phần chương trình nước ngoài, các môn toán, khoa học bằng tiếng Anh. Giai đoạn 2011-2015, Thành phố đã phê duyệt 32 dự án trong ngành giáo dục và đào tạo tham gia chương trình kích cầu thông qua đầu tư với tổng vốn đầu tư 3.448,966 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư được hỗ trợ lãi vay là 1.599,953 tỷ đồng, chiếm 46,4%.
Giai đoạn 2011-2015, mặc dù ngân sách còn khó khăn nhưng Thành phố vẫn ưu tiên vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành giáo dục đào tạo. Chương trình kiên cố hóa trường lớp đang được triển khai thực hiện, cơ bản đã hoàn thành ở 24 quận - huyện. Do đó, lĩnh vực giáo dục - đào tạo là lĩnh vực có tốc độ tăng trưởng khá, bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt tốc độ tăng trưởng 11,8%/năm (cao hơn các giai đoạn 2001-2005 là 10,5%/năm và giai đoạn 2006- 2010 là 10,6%/năm). Đến cuối năm 2015 ngành chiếm tỷ trọng 4,6% trong toàn ngành dịch vụ.
2. Chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp
Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, thách thức, quy mô sản xuất công nghiệp Thành phố giai đoạn 2011-2015 vẫn tiếp tục được mở rộng, với tốc độ tăng trưởng khá. Cụ thể, giá trị sản xuất ngành công nghiệp tăng bình quân 7,4%/năm. Trong đó, sản xuất một số ngành công nghiệp đạt mức tăng trưởng cao như dệt may (tăng 8,2%/năm), da giày (tăng 4,6%/năm), ngành điện tử (tăng 10,9%/năm), chế biến lương thực, thực phẩm (tăng 11,5%/năm),... đã góp phần đáng kể vào mức tăng chỉ số sản xuất công nghiệp.
Tỷ trọng bốn ngành công nghiệp trọng yếu trong công nghiệp Thành phố tăng từ 54,6% - năm 2005 lên 57,4% - năm 2010 và lên 60% - năm 2015; đồng thời tỷ trọng của hai ngành công nghiệp truyền thống duy trì bình quân mức 17,7% trong cơ cấu công nghiệp Thành phố.
Thực hiện Chương trình kích cầu thông qua đầu tư[68], Thành phố đã phê duyệt hỗ trợ cấp bù lãi vay cho 62 dự án trong ngành công nghiệp với tổng mức đầu tư là 4.041,24 tỷ đồng, số vốn được hỗ trợ lãi vay là 1.939,101 tỷ đồng, chiếm 47,98% tổng mức đầu tư các dự án. Bình quân một dự án có tổng mức đầu tư là 65,18 tỷ đồng.
Bình quân giai đoạn 2011-2015, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành công nghiệp đạt 7,4%/năm. Đến năm 2015, tỷ trọng ngành công nghiệp của Thành phố chiếm 39,2% trong cơ cấu GDP của Thành phố. Tỷ trọng lao động của khu vực công nghiệp - xây dựng giảm từ 39,4% năm 2005 xuống 36,7% năm 2010 và tiếp tục giảm còn 32,4% năm 2015. Tỷ trọng vốn đầu tư khu vực công nghiệp - xây dựng giảm từ 35,3% năm 2005 xuống 31,8% năm 2010 và tiếp tục giảm còn 26,3% năm 2015.
Ngành cơ khí Thành phố ngày càng lớn mạnh[69], quy mô sản xuất ngày càng mở rộng[70], giai đoạn 2011-2015 tốc độ tăng trưởng đạt 8,8%/năm. Trong ngành cơ khí, phân ngành cơ khí chế tạo chiếm tỷ trọng cao trong toàn ngành công nghiệp đạt từ 38% - 47%; cơ khí giao thông chiếm khoảng 12% - 18%; ngành cơ khí chính xác chiếm tỷ trọng từ 39% - 43% giá trị sản xuất ngành công nghiệp.
Tỷ trọng ngành cơ khí vẫn giữ mức ổn định qua các năm và có chiều hướng tốt hơn: năm 2005 chiếm 15,45% đến năm 2010 tăng lên 19,08% và năm 2015 chiếm tỷ trọng 20,4% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Năng suất lao động ngành cơ khí có sự gia tăng đáng kể, năm 2013 đạt 1,03 tỷ đồng/người/năm, cao gấp 1,22 lần so năm 2010. Bình quân giai đoạn 2011 - 2013 năng suất lao động tăng 6,98%. Thu hút đầu tư vào ngành tăng nhanh qua các năm: năm 2010 thu hút được 25.125 tỷ đồng, đến năm 2013 tăng lên 33.231 tỷ đồng, tăng 32% và chiếm 28% giá trị đầu tư toàn ngành.
Ngành cơ khí đã chuyển dịch mạnh mẽ với việc đầu tư nhiều trang thiết bị mới có khả năng cạnh tranh trong khu vực[71]. Doanh nghiệp Thành phố đã tập trung chế tạo linh kiện, phụ tùng và động cơ diesel, động cơ xăng cũng như đầu máy bơm và máy nén khí. Từ năm 2010, tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu sản xuất những chủng loại động cơ công suất lớn cho tàu thủy, đầu máy xe lửa, động cơ hybrid sử dụng đa hệ nhiên liệu thân thiện môi trường, tuốc bin máy phát điện. Trong đó, Dự án Nhà máy Đúc tập trung đo Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam làm chủ đầu tư tại Khu công nghiệp Hiệp Phước đã hoàn thành và đi vào hoạt động ổn định với công suất 3.500 tấn sản phẩm đúc/năm.
Thành phố bước đầu tham gia lắp ráp các loại xe buýt và mini buýt; xe chuyên dùng, xe tải và chế tạo phụ tùng ô tô đáp ứng nhu cầu không chỉ tại Thành phố mà còn cho các địa phương khác. Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - Samco trở thành đơn vị sản xuất nòng cốt, chủ động tham gia cùng các hãng nước ngoài, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, dẫn dắt các doanh nghiệp nhiều thành phần kinh tế thực hiện định hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô của Thành phố, mạnh dạn đi đầu trong lĩnh vực chế tạo động cơ. Cụ thể, Công ty đã đầu tư Dự án sản xuất ô tô buýt tại huyện Củ Chi với công suất 1.500 xe/năm; với tỷ lệ nội địa hóa lên đến 50%.
2.2. Ngành điện tử, công nghệ thông tin
Với quy mô sản lượng sản xuất chiếm khoảng trên 27% so với cả nước, ngành điện tử - công nghệ thông tin của Thành phố đạt tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2015 10,9%/năm, tỷ trọng năm 2015 đạt 4,1% trong toàn ngành. Năng suất lao động ngành điện tử - công nghệ thông tin có sự gia tăng đáng kể, năm 2013 đạt 1,32 tỷ đồng/người/năm, cao gấp 1,31 lần so năm 2010. Bình quân giai đoạn 2011 - 2013, năng suất lao động tăng 9,5%.
Thành phố là địa phương đi đầu trong việc chuyển dịch trong ngành điện tử với những sản phẩm hàm lượng công nghệ cao[72].Việc tập trung cải thiện môi trường đầu tư, cơ sở hạ tầng tại Khu Công nghệ cao, Công viên phần mềm Quang Trung, các khu chế xuất, khu công nghiệp đã tạo điều kiện thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới trong lĩnh vực điện tử - công nghệ thông tin, phần mềm, viễn thông đầu tư vào Thành phố như Intel, Samsung, HP, Microsoft, SSTI, Microchip (điện tử, bán dẫn), KDDI (viễn thông, CNTT)... Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2013-2020 đã đạt được một số thành tựu nhất định, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ sản xuất chip của thế giới (đứng thứ 3 về lĩnh vực thiết kế vi mạch trong khu vực ASEAN). Ngoài các sản phẩm mới thuộc doanh nghiệp FDI như CPU Haswel cửa Intel, đã sản xuất được một số sản phẩm điện tử mang thương hiệu Việt như: khóa điện tử, điện kế điện tử, hộp theo dõi hành trình XAIO,... Chương trình đã tạo và thu hút được sự quan tâm, hợp tác từ các cơ quan Trung ương[73], Hiệp hội trong nước, các tổ chức, doanh nghiệp lớn nước ngoài[74], chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản) cùng phát triển ngành công nghiệp vi mạch[75].
Ngoài ra, Thành phố còn thu hút nhiều dự án ứng dụng công nghệ mới để sản xuất các sản phẩm sử dụng năng lượng từ mặt trời như: sản xuất pin năng lượng mặt trời tại khu công nghệ cao; ứng dụng năng lượng mặt trời trong chế tạo thiết bị chiếu sáng, thiết bị gia dụng, sử dụng năng lượng mặt trời để thay năng lượng điện trong các toà nhà (tòa nhà thông minh)....
2.3. Ngành hóa chất - nhựa- cao su
Ngành công nghiệp hóa chất - cao su - nhựa không ngừng lớn mạnh[76] và quy mô đầu tư[77].Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 đạt 6%/năm, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhóm 4 ngành công nghiệp trọng yếu và có xu hướng tăng dần qua các năm: năm 2005 đạt 16,85% tăng lên 19,03% trong năm 2010, ước đến cuối năm 2015 đạt 18,6%. Năng suất lao động ngành hóa chất - nhựa - cao su có sự gia tăng đáng kể năm 2013 đạt 1,11 tỷ đồng/người/năm, cao gấp 1,4 lần so với năm 2010. Bình quân giai đoạn 2011-2013 năng suất lao động tăng 12,91%.
Hiện nay, ngành cao su - nhựa đã chuyển dịch theo hướng sản xuất hiện đại[78], đã chiếm lĩnh phần lớn thị trường trong nước, sản phẩm nội địa đã đáp ứng phần lớn doanh nghiệp công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng, điện - điện tử,... và đáp ứng gần như toàn bộ nhu cầu nhựa gia dụng của người dân[79]. Trong nhóm ngành hóa chất - nhựa - cao su, phân ngành hóa chất công nghiệp chiếm tỷ trọng 41-43%, tốc độ tăng trưởng 7,27%/năm; sản xuất hóa dược chiếm tỷ trọng 7-8%, tốc độ tăng trưởng 6,95%/năm; sản phẩm từ cao su - nhựa chiếm tỷ trọng 48-50%, tăng 8,42%/năm.
Công nghiệp hóa dược, hóa mỹ phẩm, sản xuất cao su kỹ thuật đã chuyển dịch mạnh mẽ, chiếm tỷ trọng trên 39% đối với ngành hóa chết và trên 45% đối với ngành cao su, nhựa về sản lượng sản xuất so với cả nước. Ngành đã phát triển theo hướng bảo vệ môi sinh, môi trường và tăng giá trị gia tăng, chiếm khoảng 13-15% giá trị gia tăng của toàn ngành công nghiệp Thành phố. Các sản phẩm săm lốp xe máy, ô tô không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà còn đẩy mạnh xuất khẩu. Công nghệ và thiết bị trong sản xuất chất tẩy rửa, mỹ phẩm không ngừng được cải tiến và đầu tư công nghệ và thiết bị tiên tiến. Một số sản phẩm có tính năng mới như: Sơn chống thấm; sơn tàu biển, giàn khoan; sơn chịu nhiệt, ắc quy khô, bột giặt có chứa chất tẩy natri-tripoly-phôtphát, chất tẩy quang học, enzym,.... đã được nghiên cứu và sản xuất, sản phẩm hóa dược của Thành phố đã bước đầu xuất khẩu được sang các nước.
2.4. Ngành chế biến tinh lương thực thực phẩm
Ngành chế biến tinh lương thực - thực phẩm ngày càng lớn mạnh[80], có tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011- 2015 đặt 11,4%/năm, chiếm tỷ trọng 16,9% năm 2015 trong toàn ngành công nghiệp (năm 2010 chiếm 14,4%, năm 2005 chiếm 18,76%) Năng suất lao động ngành chế biến tinh lương thực thực phẩm có sự gia tăng đáng kể, năm 2013 đạt 1,86 tỷ đồng/người/năm, cao gấp 1,7 lần so với năm 2010. Bình quân giai đoạn 2011 - 2013 năng suất lao động tăng 21,12%.
Thành phố tập trung hỗ trợ đầu tư cho các doanh nghiệp trong ngành chế biến lương thực - thực phẩm; đã chuyển dịch theo hướng tinh chế, những công nghệ sản xuất mới, công nghệ chế biến tiên tiến đã được ứng dụng vào sản xuất và đã cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao; giảm dần việc đầu tư phát triển theo chiều rộng, tập trung đầu tư phát triển chiều sâu bằng các công nghệ hiện đại, tạo ra những sản phẩm tinh chế, có chất lượng cao và giá trị gia tăng lớn.
Thành phố có các doanh nghiệp chuyên về thực phẩm như Vissan, Cầu Tre, Vifon, Masan... ngày càng phát triển mạnh mẽ. Nhiều dự án đầu tư dây chuyền thiết bị, ứng dụng công nghệ tự động hóa trong sản xuất đã cho ra đời nhiều sản phẩm có chất lượng và giá thành phù hợp, các thương hiệu Việt Nam đã dàn chiếm lĩnh thị trường trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu như: Vinamilk, Kinh Đô, Phạm Nguyên, Hanco, Bia Sài gòn, Vocarimex, Tường An, Vissan, Ba Huân, ... Về thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp trong nước chiếm ưu thế hơn các doanh nghiệp FDI (chiếm trên 70% kim ngạch xuất khẩu của ngành).
Mặc dù trải qua thời kỳ kinh tế khó khăn, nhưng các ngành hàng sản xuất truyền thống như may mặc, da giày vẫn duy trì mức tăng trưởng sản xuất, tiêu thụ tốt. Tốc độ tăng trưởng của hai ngành công nghiệp truyền thống dệt may và da giày đạt khá, trung bình giai đoạn 2011 -2015 đạt 7%/năm.
Tỷ trọng xuất khẩu của ngành dệt may tăng qua các năm từ 10,7% cơ cấu xuất khẩu (năm 2011) lên 23,4% (năm 2014), trong đó thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng xuất khẩu cao nhất (đạt 36,3% năm 2014).
Thành phố có trên 5.400 doanh nghiệp dệt và may (bao gồm cả sản xuất và thương mại), với tổng số lao động trên 306.000 công nhân. Sản lượng của ngành may mặc sản xuất chiếm trên 37% tổng sản lượng toàn quốc. Bên cạnh thuận lợi về sản xuất, các doanh nghiệp ngành dệt may và da giày cũng tận dụng được các chương trình, chính sách hỗ trợ của Thành phố để phát triển thị trường tiêu thụ, nhất là thông qua các kênh thông tin, tuyên truyền, hỗ trợ công tác điều tra khảo sát thị trường, phát triển mạng lưới phân phối,... thuộc nội dung chương trình hành động của Thành phố về thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Các doanh nghiệp của Thành phố đã chú trọng đầu tư, đổi mới công nghệ, ứng dụng vào sản xuất. Thông qua đầu tư đổi mới công nghệ, chuyển dịch sang công nghiệp thiết kế, tạo mẫu và công nghiệp thời trang, nhiều thương hiệu của Thành phố đã chiếm lĩnh được thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu, tiêu biểu như: Phong Phú, Phước Long, Việt Tiến, Việt Thắng, Việt Thy, Thái Tuấn, An Phước, Sài Gòn 2, Legamex, Vina giày, Bitis, Bitas,... Trong năm 2014, Thành phố thu hút được một số dự án lớn, điển hình như dự án của Công ty TNHH Worlddon Việt Nam với tổng mức đầu tư 300 triệu USD.
- Vai trò của các khu chế xuất - khu công nghiệp và khu công nghệ cao trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Thành phố
Đối với các khu chế xuất - khu công nghiệp: trong quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2011-2015, các khu chế xuất - khu công nghiệp đóng vai trò lớn thông qua các chính sách ưu tiên đầu tư cho các, ngành công nghiệp trọng yếu vào cac khu chế xuất - khu công nghiệp phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa của đất nước đã có hiệu quả tích cực, đúng hướng, phát huy được lợi thế so sánh của các khu chế xuất - khu công nghiệp. Trong đó, nổi bật nhất là góp phần hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, quá trình chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp trong các khu chế xuất - khu công nghiệp có sự dịch chuyển ngành nghe theo hướng táng dần tỷ trọng vốn đầu tư vào 04 ngành công nghiệp trọng yếu[81] có trình độ công nghệ cao, một số doanh nghiệp đổi mới công nghệ được chứng nhận công nghệ cao và nhiều doanh nghiệp khác đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao[82]; trong nội bộ một số khu chế xuất - khu công nghiệp còn có sự chuyển đổi dự án có công nghệ cũ sang dự mới có công nghệ cao hơn tập trung vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu[83].
Ngoài ra, các khu chế xuất - khu công nghiệp còn góp phần bảo vệ môi trường xanh, sạch của Thành phố thể hiện qua việc tất cả các khu chế xuất - khu công nghiệp của Thành phố đều đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Thành phố chủ động tạo quỹ đất để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ qua triển khai xây dựng các cụm công nghiệp hỗ trợ trong khu công nghiệp; xây dựng nhà xưởng cao tầng hay chuyển đổi một phần khu chế xuất thành khu công nghiệp để xây dựng khu E-office chuyển đổi mục tiêu thu hút đầu tư sang lĩnh vực kỹ thuật cao, có hàm lượng chất xám, phù hợp với định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố[84].
Từng bước tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động có chuyên môn kỹ thuật theo hướng tập trung vào 4 ngành công nghiệp trọng yếu, năm 2014 so với năm 2010 có sự gia tăng lao động: ngành cơ khí tăng 4,31%, điện - điện tử tăng 12,68%, hoa nhựa tăng 38,52% và chế biến tinh lương thực - thực phẩm tăng 20,83%.
Đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của Thành phố: các sản phẩm thuộc 4 ngành trọng yếu từ 2011-2014 đạt 11.120 triệu USD, chiếm 58% tổng kim ngạch xuất khẩu của khu chế xuất - khu công nghiệp. Trong đó, tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu ngành cơ khí chế tạo chiếm tỷ lệ 23,48%, điện tử- công nghệ thông tin 18,8%, hoá chất - nhựa - cao su 11,6%, chế biến tinh lương thực - thực phẩm 4,79%.
Góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu công nghiệp sang dịch vụ, thương mại: Qua hơn 10 năm thực hiện thí điểm mở rộng chức năng tại khu chế xuất Tân Thuận, có 28/163 doanh nghiệp tại khu chế xuất Tân Thuận đăng ký thực hiện thí điểm mở rộng chức năng. Qua thực hiện mở rộng chức năng các doanh nghiệp FDI trong khu chế xuất bổ sung chức năng kinh doanh dịch vụ, thương mại để đa dạng hóa các hoạt động của doanh nghiệp cũng như tạo điều kiện để khu chế xuất Tân Thuận thu hút các dự án trong lĩnh vực dịch vụ, thương mại phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.
Đối với Khu công nghệ cao: Giai đoạn 2011-2015, Khu công nghệ cao Thành phố tiếp tục khẳng định là điểm đến tin cậy về đầu tư công nghệ cao, sự hiện diện của các tập đoàn công nghệ cao có tên tuổi trên thế giới như Jabil, Sanofi, và đặc biệt là nhà đầu tư Samsung (Hàn Quốc) là một minh chứng. Tính đến ngày 23/6/2015, Khu Công nghệ cao đã cấp phép cho 76 dự án còn hiệu lực (trong đó hiện tại có 44 doanh nghiệp đang hoạt động), tương đương tổng vốn đầu tư 4.211,5 triệu USD, trong đó vốn trong nước là 784,6 triệu USD/42 dự án và vốn FDI là 3.426,9 triệu USD/34 dự án. Lũy kế đến năm 2015, giá trị sản xuất đạt 12.309,9 triệu USD, trong đó giá trị xuất khẩu đạt 12.206,2 triệu USD.
Giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của Khu công nghệ cao bình quân giai đoạn 2011-2014 và 6 tháng năm 2015 đạt 94% so với giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao của Thành phố và nếu so với giá trị xuất khẩu của Thành phố (không tính dầu thô) thì tỷ lệ xuất khẩu của Khu công nghệ cao tăng đều qua các năm (bình quân tăng khoảng 5%/năm, từ chiếm 5% trong năm 2011 đã tăng lên 14,19% trong năm 2014 và đạt 18,92% trong 6 tháng đầu năm 2015). Các kết quả này minh chứng cho đóng góp đáng kể, hiệu quả của Khu công nghệ cao trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Thành phố qua việc đóng góp thu hút nguồn vốn đầu tư FDI cho tăng trưởng kinh tế Thành phố và đóng góp chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu, cơ cấu kinh tế của Thành phố theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp kỹ thuật cao, dịch vụ công nghệ cấp (cụ thể là sản xuất sản phẩm công nghệ cao).
Về giá trị gia tăng: Trước năm 2011, phần giá trị gia tăng trong cấu thành của giá trị sản xuất tạo ra tại Khu công nghệ cao chỉ đạt xấp xỉ như ở các khu công nghiệp Thành phố, bình quân khoảng 10% - 12%. Hiện nay, qua số liệu thống kê đã có khoảng 40% doanh nghiệp có giá trị gia tăng trên 25%. vẫn còn một số doanh nghiệp doanh số lớn nhưng giá trị gia tăng thấp do cơ bản là lắp ráp, kiểm định sản phẩm. Ngược lại, một số doanh nghiệp có sản phẩm đã đạt giá trị gia tăng trên 35% (Nanogen, FPT Software, Digisensor,...). Tính trung bình, ước tính giá trị gia tăng của các sản phẩm sản xuất tại Khu Công nghệ cao hiện ở mức trên 22%. Từ 1 ha đất của Khu công nghệ cao bình quân tạo ra 29,76 triệu USD giá trị xuất khẩu và năng suất của 1 lao động tạo ra giá trị xuất khẩu bình quân trong năm 2014 đạt 144.993 USD/người gấp hơn 2,35 lần năm 2011 và gấp 7 lần so với năng suất lao động tại các khu chế xuất - khu công nghiệp Thành phố là 20.055 USD (giá trị xuất khẩu của Hepza 5,5 tỷ USD chia cho tổng số lao động 274.250 người);
Trong Khu Công nghệ cao[85] đã hình thành các phòng thí nghiệm vi mạch - bán dẫn, vật liệu nano, cơ khí chính xác, công nghệ sinh học và công nghệ thông tin nghiên cứu các đề tài, dự án công nghiệp công nghệ cao ứng dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; tổ chức hợp tác đào tạo lao động chất lượng cao theo nhu cầu của các doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài; hình thành vườn ươm doanh nghiệp công nghệ cao, đẩy mạnh hoạt động kinh doanh và chuyển giao công nghệ[86].
3. Chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp
Giai đoạn 2011-2015 nông nghiệp tăng trưởng ổn định, giá trị sản xuất tăng bình quân 6%/năm. Thu nhập bình quân khu vực nông thôn tính đến cuối năm 2014 là 3,34 triệu đồng/người/tháng (khu vực thành thị là 4,12 triệu đồng/người/tháng); khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn Thành phố ngày càng được thu hẹp qua các năm, năm 2008[87] thu nhập bình quân đầu người ở thành thị là 2,359 triệu đồng/người/tháng, cao gấp 1,8 lần so với nông thôn, đến năm 2010 cao gấp 1,5 lần và đến cuối năm 2014 chỉ còn cao gấp 1,2 lần.
Đến năm 2015, tỷ trọng ngành nông nghiệp chiếm 0,9% trong GDP của Thành phố. Tỷ trọng lao động của khu vực nông nghiệp đã chuyển dịch mạnh mẽ; giảm từ 4,6% năm 2005 xuống 2,8% năm 2010 và tiếp tục giảm còn 2,5% năm 2015. Tỷ trọng vốn đầu tư khu vực nông nghiệp ổn định ở mức 0,7% năm 2005, năm 2010 và giảm còn 0,5% năm 2015.
Giai đoạn 2011-2015, Thành phố đã đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao công nghệ, giống mới trong nông nghiệp[88], cải tiến kỹ thuật canh tác cho nông dân trồng rau, trồng hoa, cây kiểng, đặc biệt đẩy mạnh cơ giới hóa, hiện đại hóa vào sản xuất góp phần giảm thâm dụng lao động[89], quy mô chăn nuôi tăng dần qua các năm[90] ... sử dụng giống mới, sản xuất giống cung cấp cho Thành phố và các tỉnh[91], đa dạng hóa sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý chất lượng đàn giống và con giống ...
Sản xuất nông nghiệp trên địa bàn Thành phố đã có bước chuyển biến mới về năng suất, chất lượng, một số cây trông vật nuôi chủ lực đều tăng so với cùng kỳ[92], sản xuất theo hướng VietGAP tiếp tục phát huy tác dụng, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường, bước đầu đã mở ra được thị trường xuất khẩu[93]; công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng vật nuôi tiếp tục được đảm bảo. Mặc dù diện tích đất nông nghiệp hàng năm có giảm nhưng với chính sách của Thành phố đã ban hành[94] là giải pháp đột phá trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị[95] và xây dựng nông thôn mới góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường nên giá trị sản xuất trên 1 ha đất sản xuất nông nghiệp vẫn tăng, năm 2014 đạt 325 triệu đồng/ha/năm, giai đoạn 2011-2015, ước tăng bình quân 18,8%/năm.
Cơ cấu kinh tế nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm diện tích trồng lúa hiệu quả thấp[96] sang các các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của Thành phố như hoa kiểng, rau an toàn, chăn nuôi bò sữa; giảm dần diện tích phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên như sản xuất trong nhà lưới, trồng trên giá thể, tăng cường liên kết với các tỉnh, thành nhằm tạo sản phẩm nông nghiệp ổn định, an toàn, đồng thời thu hút tạo nguồn nguyên liệu phát triển ngành chế biến nồng lâm sản tại Thành phố.
Công trình xây dựng Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố: Thành phố đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thành phố từ năm 2010 tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi với diện tích 88 ha. Đến nay đã có 14/14 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Với diện tích 88,17 ha tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi đã thực hiện có hiệu quả các chức năng cơ bản là hỗ trợ, tác động và dẫn dắt, quảng bá cách làm nông nghiệp công nghệ cao thông qua các hoạt động trình diễn và chuyển giao công nghệ, huấn luyện đào tạo, nghiên cứu ứng dụng, xây dựng mô hình, khảo nghiệm giống và cung cấp giống rau, hoa, cá cảnh có chọn lọc cho nông dân, cho thị trường. Đang triển khai Các dự án xây dựng mới, mở rộng nông nghiệp công nghệ cao (Khu Nông nghiệp công nghệ cao ngành thủy sản tại huyện Cần Giờ; mở rộng 200 ha, tại Khu Nông nghiệp công nghệ cao hiện hữu; khu Nông nghiệp công nghệ cao ngành trồng trọt và sau thu hoạch tại xã Phước Vĩnh An, huyện Củ Chi; khu Chăn nuôi công nghệ cao tại Bình Chánh),
Dự án xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học: giai đoạn 2011-2015, Trung tâm Công nghệ sinh học triển khai thi công đồng thời 04 dự án thành phần: Cơ sở hạ tầng, Khu hành chính, Khu nghiên cứu, Khu nhà kính - nhà lưới nuôi cấy tế bào thực vật. Dự án khu nhà kính - nhà lưới đã hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2013. Đang triển khai thực hiện dự án mua sắm trang thiết bị 12 phòng thí nghiệm Công nghệ sinh học và lập dự án đầu tư 02 dự án Khu nuôi động vật thí nghiệm, Khu Đào tạo và Hợp tác quốc tế.
Kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố[97]
Bình quân số tiêu chí đạt được trên toàn Thành phố đến nay là 18,9/19 tiêu chí. Đã có 50 xã/56 xã được Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện Củ Chi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định công nhận huyện nông thôn mới[98]. Ước đến cuối tháng 9/2015 có 56/56 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới (vượt chỉ tiêu so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố đề ra đến cuối năm 2015 có 25/56 xã).
Kết quả huy động nguồn lực lũy tiến đến tháng 6 năm 2015 là 18.198,92 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương: 20,23 tỷ đồng (chiếm 0,11%), ngân sách Thành phố: 6.084,67 tỷ đồng (chiếm 33,44%), vốn huy động từ cộng đồng: 12.094,02 tỷ đồng (chiếm 66,45%).
Sau 5 năm triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, cơ cấu kinh tế Thành phố đã chuyển dịch đúng hướng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội IX Đảng bộ Thành phố và Chương trình hành động số 11-CTr/TU ngày 16 tháng 3 năm 2011 của Thành ủy. Cơ cấu kinh tế thành phố tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh; nhất là 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu có tiềm năng và là thế mạnh của Thành phố như tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, du lịch, bưu chính - viễn thông, vận tải - cảng - kho bãi, khoa học - công nghệ, giáo dục và y tế chất lượng cao. Bên cạnh đó, nội bộ các ngành kinh tế cũng đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực: tăng tỷ trọng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có giá trị gia tăng cao, hàm lượng khoa học - kỹ thuật cao; giảm các ngành nghề thâm dụng lao động, gây ô nhiễm môi trường, dần hình thành các loại hình dịch vụ chất lượng cao; giảm diện tích trồng lúa hiệu quả thấp sang các các loại cây trông, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Các thành phần kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng thành phần kinh tế nhà nước, tăng dần tỷ trọng thành phần kinh tế ngoài nhà nước và thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài[99]. Cơ cấu lao động cũng chuyển dịch theo hướng lực lượng lao động từ khu vực nông nghiệp dịch chuyển sang khu vực dịch vụ, công nghiệp[100]. Kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục tăng trưởng mạnh, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước được đẩy mạnh[101], tác động tích cực đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Kinh tế tập thể phát triển khá đa dạng, là lực lượng nòng cốt cùng kinh tế nhà nước thực hiện bình ổn thị trường.
Thành phố chuyển sang giai đoạn phát triển theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tổng vốn đầu tư xã hội trên GDP ngày càng giảm[102]. TFP ngày càng cao[103], hệ số ICOR thấp hơn giai đoạn 2008 - 2010, hiệu quả đầu tư ngày càng được nâng cao[104]. Song song đó, Thành phố đã thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ và khuyến khích đổi mới công nghệ, hỗ trợ phát triển các ngành trọng điểm bằng cơ chế hỗ trợ lãi suất vay vốn với mức hỗ trợ tùy theo loại dự án. Giai đoạn 2000-2015, ngân sách Thành phố chỉ bỏ ra 2.282 tỷ đồng nhưng đã huy động nguồn vốn từ xã hội hơn 27.737 tỷ đồng (1 đồng vốn ngân sách bỏ ra thu hút gần 13 đồng vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trong xã hội). Riêng giai đoạn 2011-2015, ngân sách Thành phố chỉ bỏ ra 326,31 tỷ đồng nhưng đã huy động nguồn vốn từ xã hội gần 9.958,67 tỷ đồng (1 đồng vốn ngân sách bỏ ra thu hút 30 đồng vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trong xã hội). Đây là mô hình xã hội hóa thành công của Thành phố, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế.
- Thành phố ban hành và triển khai nhiều chính sách đã tác động tích cực đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Thành phố giai đoạn 2011-2015. Trước tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp và kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, Thành phố đã kịp thời nắm bắt tình hình, chủ động tổ chức nhiều cuộc họp để chỉ đạo giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tổng hợp các vấn đề phát sinh để kiến nghị, đề xuất biện pháp xử lý. Các chủ trương, chính sách của Nhà nước nhận, được sự đồng thuận cao trong mọi tầng lớp nhân dân, thể hiện quyết tâm vượt qua khó khăn. Các chỉ tiêu kinh tế - xã hội vẫn tiếp tục tăng trưởng theo đúng định hướng đề ra.
- Kinh tế Thành phố tăng trưởng hợp lý, chuyển dịch theo hướng từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trong các ngành dịch vụ, thương mại và công nghiệp công nghệ cao. Khu vực dịch vụ phát triển nhanh, từng bước hình thánh trung tâm dịch vụ tài chính, thương mại, du lịch, vận tải, y tế, giáo dục, công nghệ thông tin, khoa học công nghệ của khu vực và cả nước.
- Lãnh đạo Thành phố luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thử thách, ổn định sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ nhằm nâng cao công suất, nâng cao chất lượng, giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh. Công tác nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ phát triển ngày càng gắn với thực tiễn.
- Môi trường đầu tư kinh doanh trong nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng ngày càng thuận lợi, thông thoáng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển, tham gia tích cực vào các chương trình phát triển các ngành dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp trên địa bàn.
- Chương trình kích cầu của Thành phố thông qua đầu tư đã huy động được các nguồn lực đầu tư từ xã hội. Quy mô của từng dự án tăng dần, thu hút được sự quan tâm của các ngành, các Hội doanh nghiệp, công tác phối hợp thông tin hướng dẫn chính sách đến các ngành, doanh nghiệp đã được tổ chức rộng rãi với nhiều hình thức nên phần lớn các dự án tham gia Chương trình được tập trung ở các ngành, lĩnh vực theo định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố.
- Chất lượng tăng trưởng kinh tế nhìn chung chưa bền vững, năng lực cạnh tranh chưa cao; cơ cấu kinh tế, cơ cấu nội bộ các ngành kinh tế tuy có sự chuyển biến tích cực, đúng định hướng, nhưng hàm lượng giá trị gia tăng còn thấp[105], tỷ lệ sản xuất gia công còn cao; sức cạnh tranh chưa tăng nhiều. Chưa xây dựng được chính sách, giải pháp đột phá hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
- Hệ thống hạ tầng nói chung và giao thông nói riêng chưa đồng bộ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Nhiều công trình trọng điểm trong chương trình, có đầu tư nhưng chưa đủ nguồn bố trí nên vẫn còn chưa kết nối hoàn chỉnh, hoặc thực hiện chưa đúng theo quy mô đề xuất, đặc biệt là các công trình kết nối cảng, gắn kết khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, và các tuyến vành đai, các tuyến cửa ngõ Thành phố....
- Tiềm năng, lợi thế của Thành phố chưa được huy động, phát huy và khai thác như mong đợi, một số chỉ tiêu chưa đạt[106] so với kế hoạch đề ra trong giai đoạn 2011-2015 theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ IX (Phụ lục 6).
- Hoạt động đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực dịch vụ logistics hỗ trợ cho xuất, nhập khẩu chưa phát triển, chưa thu hút được những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, sở hữu công nghệ tiên tiến vào đầu tư trên địa bàn dẫn tới việc phụ thuộc nguồn nguyên liệu, phụ tùng, linh kiện phục vụ sản xuất trong một số lĩnh vực còn phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu, đẩy giá thành sản phẩm hàng hóa lên cao, giảm tính cạnh tranh so với các sản phẩm nhập khẩu cùng loại.
- Lĩnh vực nông nghiệp có những chuyển biến tích cực theo hướng nông nghiệp đô thị, tuy nhiên vẫn còn tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, phân tán. Các hình thức sản xuất nông nghiệp hiện đại cho năng suất cao vẫn chưa phát triển mạnh ở khu vực ngoại thành, việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp nông thôn còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
- Các chỉ tiêu được đề ra tại thời điểm năm 2010 quá cao đo chưa dự báo chính xác diễn biến kinh tế thế giới và khu vực ảnh hưởng đến kinh tế cả nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
- Vai trò của Ban Chỉ đạo và Tổ chuyên viên giúp việc còn mờ nhạt trong việc đôn đốc, giám sát các Sở, ngành Thành phố triển khai thực hiện và hoàn thành đúng tiến độ các chương trình, đề án đến tình trạng một số chương trình, đề án chậm hoàn thành và không thực hiện.
- Giai đoạn 2011-2015, Thành phố chưa ban hành được các cơ chế, chính sách mang tính đột phá trong từng khu vực kinh tế. Đặc biệt, chưa có cơ chế chính sách cụ thể để tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn. Lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Thành phố tuy phát triển nhưng chưa tương xứng với tiềm năng thị trường, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu vật tư, linh kiện, nguyên phụ liệu cho nền sản xuất hàng hóa trong nước và hướng đến xuất khẩu. Đặc biệt, doanh nghiệp Thành phố chưa nắm bắt, làm chủ được công nghệ sản xuất nhiều loại linh kiện, phụ tùng có yêu cầu kỹ thuật cao.
- Hai yếu tố đầu vào quan trọng của quá trình sản xuất (vốn và lao động) chưa được đáp ứng thường xuyên theo nhu cầu của doanh nghiệp. Song song đó, Thành phố chưa tạo được cơ chế khuyến khích đủ mạnh để các doanh nghiệp tiếp thu khoa học công nghệ một cách có chọn lọc, phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế trên địa ban Thành phố.
- Công tác đầu tư xây dựng cơ bản mặc dù có nhiều cố gắng, nỗ lực nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao cửa Thành phố, do ảnh hưởng từ thu ngân sách nên Thành phố nên phải ưu tiên bố trí kế hoạch vốn cho các dự án, công trình chuyển tiếp có khả năng hoàn thành đưa vào sử dụng trong năm, vốn đối ứng cho các dự án ODA, các dự án khởi công mới cấp bách phải triển khai thực hiện trong năm, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng ở một số quận - huyện thực hiện còn chậm, gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.... Do đó, cồn tồn tại nhiều dự án chuẩn bị đầu tư chưa được giao kế hoạch vốn nên chưa thể triển khai thực hiện, dẫn đến kết cấu hạ tầng chưa hoàn thiện theo quy hoạch được duyệt, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội Thành phố, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đô thị bền vững có tác động tiêu cực tới kết quả thực hiện những chỉ tiêu được giao.
- Công tác thông tin, tuyên truyền, công tác triển khai thực hiện sau khi ban hành Chương trình, đề án chưa được quan tâm đúng mức.
- Công tác dự báo diễn biến tình hình kinh tế thế giới và khu vực Đông Nam Á (tình hình Biển Đông) tác động đến tình hình kinh tế trong nước nói chung và tình hình kinh tế Thành phố nói riêng còn hạn chế.
- Giai đoạn 2012-2013, nền kinh tế Việt Nam và Thành phố bị suy giảm tốc độ tăng trưởng do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Sang giai đoạn 2014-2015 đã có dấu hiệu phục hồi nhưng chưa rõ nét.
- Thị trường bất động sản trong nước còn chưa phục hồi, đối với doanh nghiệp thì ngày càng khó tiêu thụ hàng hóa, cạnh tranh ngày càng gia tăng nhất là chịu sự tác động từ việc hàng hóa nhập khẩu từ thị trường bên ngoài khi Việt Nam thực hiện các cam kết song phương và đa phương.... Vì vậy, phần nào đã tác động tiêu cực đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Thành phố.
- Các thị trường hàng hóa ngoài quốc gia còn bất ổn, các rào cản thương mại phi thuế quan ngày càng nhiều đã trực tiếp tác động đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Thành phố.
- Thị trường vốn trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp trong tình hình hiện tại, lãi suất cho vay của các ngân hàng tuy đã giảm nhưng mặt bằng chung vẫn còn khá cao.
- Những năm 2013-2015 có nhiều chính sách, Luật chuyên ngành thay đổi ảnh hưởng đến thu hút đầu tư và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp Thành phố như: chính sách ưu đãi đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Xây dựng, Luật Môi trường, Luật Lao động,...
- Trong tổ chức thực hiện phải luôn nhận thức đúng vai trò, vị trí của Thành phố là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
- Công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân Thành phố đối với các Sở, ban, ngành trong việc thực hiện các nhiệm vụ giữ vai trò quan trọng, thống nhất và xuyên suốt trong việc thực hiện các lĩnh vực, ngành thuộc Chương trình hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Thành phố.
- Việc tổ chức giao ban thường xuyên Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình đóng vai trò quyết định trong việc nắm bắt, điều chỉnh, bổ sung và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
- Công tác tham mưu của các Sở, ban, ngành giai đoạn 2011-2015 phải bám sát vào tình hình thực tế cũng như định hướng phát triển kinh tế - xã hội Thành phố nói riêng và cả nước nói chung.
- Công tác phối hợp của các Sở, ban ngành trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ và các chương trình, đề án hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Thành phố là yếu tố quyết định tính đồng bộ trong việc triển khai các chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố.
Kinh tế thế giới năm 2015 được dự báo có triển vọng phục hồi khá. Đây là bước tạo đà cho nền kinh tế thế giới lấy lại đà tăng trưởng cho giai đoạn 2016 - 2020 với sự phục hồi tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế lớn (Mỹ, EU, Nhật Bản...) và của các lĩnh vực chủ yếu kinh tế thế giới như thương mại, đầu tư. Tuy nhiên, tình hình chính trị, an ninh khu vực và quốc tế còn diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro; bất ổn chính trị, tranh chấp lãnh thổ, xung đột vũ trang còn xảy ra ở nhiều nơi. Đồng thời giai đoạn 2016 - 2020, nước ta tiếp tục hội nhập sâu, rộng vào kinh tế thế giới, khu vực với việc tham gia Hiệp định đối tác chiến lược kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng ASEAN, ký kết và thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA), thực hiện lộ trình cam kết WTO, AFTA... Tình hình quốc tế và trong nước tạo ra nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Thành phố giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, biến đổi khí hậu có ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp.
1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển kinh tế bền vững, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển kinh tế tri thức và kinh tế xanh, tạo đột phá trong nâng cao chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh; khoa học - công nghệ tri thức, nguồn nhân lực chất lượng cao và thông tin phải là yếu tố đầu vào tạo ra giá trị gia tăng các hàng hóa dịch vụ, nâng cao sự đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp vào tăng trưởng GRDP.
Lĩnh vực dịch vụ - thương mại phát triển mạnh mẽ hơn nữa, tập trung vào nhóm 9 ngành dịch vụ chủ yếu (trong đó tập trung các loại hình bán lẻ hiện đại kết hợp du lịch mua sắm, thương mại điện tử, hiện đại hóa hệ thống thanh toán....).
Lĩnh vực công nghiệp tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển nhóm 4 ngành công nghiệp trọng yếu; tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp hỗ trợ đáp ứng cho các sản phẩm công nghiệp, dịch vụ chủ lực của Thành phố.
Lĩnh vực nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học vào nghiên cứu và sản xuất, xây dựng “chuỗi thực phẩm an toàn”, bền vững, giá trị gia tăng cao, gắn với du lịch sinh thái.
2. Mục tiêu cụ thể
- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GRDP) bình quân hàng năm tăng từ 7,7%/năm đến 8%/năm, chuyển dịch cơ cấu theo đúng định hướng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng và nông nghiệp.
- Cơ cấu kinh tế của GRDP vào năm cuối nhiệm kỳ: khu vực dịch vụ chiếm từ 55% - 57%.
- Tỷ trọng đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP bình quân hàng năm từ 35% trở lên.
1. Chuyển dịch cơ cấu ngành dịch vụ
- Tiếp tục bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa, tăng cường kiểm soát thị trường, kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Khai thác tốt thị trường nội địa, phát triển hệ thống chợ - siêu thị - trung tâm thương mại trên địa bàn Thành phố theo hướng văn minh, hiện đại tiện ích. Đồng thời hoàn thiện chính sách, giải pháp hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu; mặt khác kiểm soát chặt chẽ chất lượng nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển thương mại điện tử và áp dụng các mô hình phân phối, giao dịch hiện đại vào hoạt động thương mại nhằm phát triển nhanh thị trường.
- Phối hợp các Bộ, ngành tiếp tục thực hiện Đề án Tái cơ cấu hệ thống tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại; tăng cường xử lý nợ xấu. Đẩy mạnh phát triển thị trường chứng khoán Thành phố, hạn chế tối đa những rủi ro do thị trường này mang lại.
- Thúc đẩy tăng trưởng du lịch theo hướng bền vững, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch. Phấn đấu mức tăng trưởng bình quân về khách quốc tế là 7%/năm và doanh thu du lịch (lữ hành, khách sạn và nhà hàng) là 8%/năm.
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch di dời các cảng biển trên sông Sài Gòn. Xây dựng hoàn thiện cảng biển thành phố Hồ Chí Minh theo quy hoạch.
- Phát triển mạnh vận tải đa phương thức và ngành Logistic để tận dụng lợi thế là đầu mối giao thương quốc tế và khu vực.
- Ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi và hiệu quả trong mọi hoạt động phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội làm cơ sở để phục vụ cải cách hành chính, nâng cao năng suất lao động, nàng lực cạnh tranh của nền kinh tế Thành phố, thúc đẩy tiến bộ xã hội, tăng cường an ninh mạng, an toàn thông tin.
- Xây dựng hạ tầng viễn thông phát triển bền vững, hiệu quả, chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng kỹ thuật giữa các doanh nghiệp, giữa các ngành để nâng cao chất lượng dịch vụ, an toàn mạng lưới, thân thiện môi trường, đảm bảo mỹ quan đô thị qua đó làm nền tảng cho sự phát triển đa dạng, hội tụ và chất lượng các dịch vụ viễn thông, internet, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các ngành, lĩnh vực kinh tế - văn hóa - xã hội của Thành phố.
- Đẩy mạnh công tác dự báo, định hướng thị trường. Cải thiện tính minh bạch của thị trường, công khai kế hoạch, chương trình phát triển nhà ở của địa phương và thông tin các dự án phát triển nhà ở[107].
- Phát triển phân khúc nhà ở giá rẻ có diện tích căn hộ nhỏ, nhà ở xã hội; Ban hành các cơ chế, giải pháp cụ thể hỗ trợ cho doanh nghiệp, khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, cũng như cho các hộ gia đình thu nhập thấp, đối tượng được hưởng nhà ở xã hội được vay vốn ưu đãi để cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới, tạo lập nhà ở phù hợp.
- Tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển các dịch vụ, tư vấn khoa học - công nghệ; chuyển giao công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước, quản trị công nghệ theo chuẩn quốc tế... Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ tái cấu trúc và nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh.
- Xây dựng danh mục các sản phẩm công nghệ cao ưu tiên đầu tư của Thành phố giai đoạn 2016-2020 và Quy hoạch phát triển sản phẩm công nghệ cao trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030.
- Xây dựng Chương trình phát triển khoa học và công nghệ Thành phố giai đoạn 2016-2020 nhằm nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học và công nghệ trong TFP của Thành phố, hướng đến mục tiêu đến năm 2020 đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP của Thành phố đạt từ 35% trở lên.
- Tiếp tục phát triển 5 cụm y tế, trong đó, cụm y tế trung tâm sẽ trở thành cụm y tế kỹ thuật cao, tạo được niềm tin đối với bệnh nhân trong và ngoài nước đến khám, chữa bệnh. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa ngành y tế, phát triển các cơ sở y tế ngoài công lập.
- Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo chuyển biển mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục, đạo tạo trên địa bàn Thành phố, chú trọng ngoại thành, các quận ven, tăng điều kiện tiếp cận giáo dục có chất lượng của các địa bàn trên, của các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Thúc đẩy công tác xã hội hóa ngành giáo dục - đào tạo, phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
2. Chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp
- Phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước và tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu.
- Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp trọng yếu, trong đó tập trung vào ngành cơ khí để tạo tiền đề phát triển các ngành công nghiệp khác.
- Phát triển công nghiệp vi mạch - hình thành một hệ sinh thái cho ngành công nghiệp vi mạch, công nghiệp điện tử hướng đến thị trường nội địa và từng bước tham gia thị trường khu vực với nhóm sản phẩm có hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cao, các doanh nghiệp mạnh và đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao.
- Phát triển công nghiệp công nghệ thông tin thành ngành kinh tế chủ lực với lợi thế là công nghiệp phần mềm, nội dung số gắn với phát triển các khu công viên phần mềm trọng điểm quốc gia, chuỗi công viên phần mềm.
3. Chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp
- Nâng cao tỷ trọng và khả năng cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
- Đẩy mạnh Chương trình nông thôn mới; tiếp tục tập trung thực hiện chương trình giống cây, giống con chất lượng cao; chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học phục vụ nông nghiệp - nông thôn và các chương trình cây con chủ lực trên địa bàn Thành phố; xây dựng đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố; hoàn thành các dự án đầu tư cho nông nghiệp như Trung Tâm Công nghệ sinh học; mở rộng thêm Khu nông nghiệp công nghệ cao.
- Phát huy vai trò, vị trí của Thành phố là đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, đâu môi giao lưu và hội nhập quốc tế, đầu tàu, động lực, có sức thu hút và sức lan tỏa lớn của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
- Tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân Thành phố đối với các Sở, ban ngành trong việc thực hiện các nhiệm vụ trong các lĩnh vực, ngành thuộc Chương trình,....
- Thường xuyên tổ chức giao ban Ban Chỉ đạo và Tổ chuyên viên giúp việc Chương trình để nắm bắt, điều chỉnh, bổ sung và tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện.
- Đẩy mạnh công tác phối hợp của các Sở, ban ngành trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ và các chương trình, đề án hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Thành phố.
- Nâng cao hiệu quả công tác tham mưu của các Sở, ban ngành theo hướng bám sát vào tình hình thực tế và thẩm quyền của Thành phố.
- Tập trung triển khai các đề án, chương trình nhánh đã ban hành; hoàn thành xây dựng các chương trình, đề án còn lại trong năm 2015 đồng thời khẩn trương nghiên cứu và bổ sung các đề án, chương trình mới, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ cao, công nghệ thông tin... nhằm thúc đẩy chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Thành phố.
- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống dữ liệu hạ tầng, dân cư, kinh tế và xã hội của Thành phố để xây dựng hệ thống số liệu chính xác, cập nhật thực tế phục vụ cho công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Thành phố.
- Hoàn thành các kế hoạch sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa các doanh nghiệp công ích; triển khai thực hiện chống độc quyền trong cung cấp dịch vụ công ích.
a) Cải cách hành chính
- Tiếp tục cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, kiến nghị hủy bỏ các thủ tục hành chính không phù hợp với điều kiện thực tế của Thành phố. Rút ngắn thời gian nộp thuế, hoàn thuế của doanh nghiệp, giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu trên địa bàn Thành phố...
- Ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính để giảm thời gian đi lại nộp, bổ sung hồ sơ, giảm phiền hà cho doanh nghiệp, cho nhà đầu tư; đồng thời thực hiện minh bạch quá trình xử lý hồ sơ và hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.
b) Hỗ trợ doanh nghiệp
- Xây dựng các hàng rào về kỹ thuật phù hợp với nội dung các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết, theo thông lệ quốc tế để bảo vệ sản phẩm trong nước, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh sử dụng công nghệ mới, sản phẩm mới trong sản xuất và tiêu dùng để tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Tiếp tục triển khai Chương trình phát triển vi mạch điện tử (chip điện tử).
- Thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các kiến nghị và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
- Tập trung công tác tuyên truyền, phổ biến Chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế đến với người dân và doanh nghiệp, để thu hút sự quan tâm và nguồn lực xã hội vào thực hiện Chương trình.
- Tăng cường hoạt động của cổng thông tin Thành phố hỗ trợ theo chiều sâu, liên kết cung cầu sản phẩm.
3. Phát triển các ngành kinh tế
3.1. Phát triển các ngành dịch vụ
- Thành phố đẩy nhanh tiến độ xây dựng và triển khai các nhiệm vụ mới giai đoạn 2016-2020, bao gồm: Chương trình chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2020; Kế hoạch phát triển thương mại điện tử trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2016-2020; Quy hoạch phát triển ngành thương mại Thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Điều chỉnh, bổ sung Quyết định 17/2009/QĐ-UBND ngày 12/02/2009 của Ủy ban nhân dân Thành phố về việc ban hành Quy hoạch phát triển hệ thống chợ - siêu thị - trung tâm thương mại trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2009-2015 và định hướng 2016-2020;
- Tăng cường sự liên kết thúc đẩy phát triển mạnh mẽ Chương trình hợp tác thương mại giữa Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành trong cả nước.
- Tập trung phát triển du lịch đường thủy đặc biệt là du lịch đường thủy nội thị; thúc đẩy chương trình kích cầu du lịch, tập trung cho kích cầu du lịch nội địa.
- Cải thiện tính minh bạch của thị trường bất động sản, công khai kế hoạch, chương trình phát triển nhà ở của Thành phố và thông tin các dự án phát triển nhà ở, công bố công khai các dự án kêu gọi đầu tư, tổ chức đâu thâu, đấu giá dự án theo quy hoạch; giám sát năng lực tài chính của chủ đầu tư; kiểm soát việc huy động vốn đúng quy định.
- Đổi mới phương thức tổ chức thực hiện các chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu khoa học - công nghệ; chuyển dịch cơ cấu nhiệm vụ khoa học công nghệ theo hướng hoàn thiện và thương mại hóa công nghệ, sản phẩm.
3.2. Phát triển ngành công nghiệp
- Đẩy mạnh hỗ trợ đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm các ngành cơ khí chế tạo máy (máy công nghiệp, máy xây dựng, máy nông nghiệp,...); cơ khí khuôn mẫu; cơ khí ô tô (xe buýt, xe tải, xe chuyên dùng) và công nghiệp hỗ trợ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước thay thế dần các sản phẩm, linh kiện, phụ tùng nhập khẩu.
- Khuyến khích ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào quy trình sản xuất, chế tạo sản phẩm nhằm tạo ra các sản phẩm mới có chất lượng cao, ít gây ô nhiễm môi trường, giá thành hợp lý, đủ sức cạnh tranh trên thị trường đã được quốc tế hóa.
- Hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu, có lợi thế nguồn nguyên liệu trong nước: săm lốp ô tô, xe máy; săm lốp kỹ thuật; các chi tiết, linh kiện nhựa (hoặc cao su) kỹ thuật, băng tải, curoa.
- Khuyến khích đầu tư mở rộng quy mô kết hợp đổi mới công nghệ sản xuất, đầu tư hệ thống xử lý chất thải nhằm khai thác lợi thế nguồn nguyên liệu trong nước, sản xuất ra các sản phẩm tinh chế, chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng trong nước, đồng thời nâng cao tỷ trọng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu, giảm xuất khẩu nông sản thô.
- Khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển các khâu thiết kế, tạo mẫu và xây dựng thương hiệu trong doanh nghiệp ngành dệt may, da giày Thành phố. Thành phố có chính sách hỗ trợ hình thành các Trung tâm giao dịch nguyên phụ liệu, Trung tâm thiết kế thời trang trên địa bàn Thành phố nhằm mục tiêu giảm dần tỷ lệ sản xuất gia công trong ngành.
3.3. Phát triển ngành nông nghiệp
Tập trung phát triển sản xuất theo hướng VietGAP một số sản phẩm chủ lực như: rau, hoa cây kiểng, bò sữa, cá cảnh,... xây dựng “chuỗi thực phẩm an toàn” bền vững có giá trị gia tăng cao gắn với du lịch sinh thái.
4. Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội
- Tiếp tục triển khai di dời hệ thống cảng ra khỏi khu vực trung tâm Thành phố theo quy hoạch đã được phê duyệt; khẩn trương hoàn thiện hệ thống hạ tầng, đưa vào khai thác sử dụng cụm Cảng Hiệp Phước:
+ Triển khai thực hiện công tác di dời cảng biển theo Quy hoạch[108]. Quy hoạch hạ tầng giao thông phục vụ cho các khu cảng mới Hiệp Phước, Cát Lái. Đẩy nhanh quy hoạch chuyển đổi công năng làm cơ sở triển khai các dự án chuyển đổi công năng cảng, tạo nguồn hỗ trợ cho các dự án di dời.
+ Phát triển mạnh vận tải đa phương thức và ngành Logistic để tận dụng lợi thế là đầu mối giao thương quốc tế và khu vực; nghiên cứu xây dựng hệ thống kho bãi hiện đại, đáp ứng nhu cầu là trung tâm vận tải và là đầu mối trung chuyển hàng hóa cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và là đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa cho cả nước và Quốc tế.
- Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, ưu tiên đầu tư các công trình đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng của Thành phố; đẩy mạnh thực hiện các chương trình, công trình trọng điểm của Thành phố. Đẩy mạnh triển khai xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch giao thông Thành phố[109].
- Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển, ưu tiên đủ vốn để thực hiện hoàn thành các dự án ưu tiên đầu tư được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt[110].
- Thực hiện có hiệu quả chương trình giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn Thành phố[111].
a) Về quy hoạch
Triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; lập kế hoạch triển khai thực hiện các dự án đầu tư đã được phê duyệt.
b) Về vốn đầu tư
- Tái cấu trúc đầu tư tập trung vào đầu tư công, tập trung nguồn vốn nhà nước vào các lĩnh vực trọng điểm, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.
- Rà soát, nghiên cứu bổ sung các cơ chế, chính sách đối với giá đất và huy động vốn từ mặt bằng của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.
c) Về khoa học - công nghệ
- Đẩy mạnh ứng dụng những tiến bộ về khoa học và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm mà Thành phố khuyến khích phát triển, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Khuyến khích các thành phần kinh tế tập trung đầu tư đổi mới công nghệ trong sản xuất công nghiệp, đặc biệt là các ngành, sản phẩm mà Thành phố khuyến khích phát triển.
- Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào phát triển các ngành dịch vụ, đặc biệt là phát triển kết cấu hạ tầng thương mại - dịch vụ, thương mại điện tử, công tác quản lý...
d) Về nguồn nhân lực
- Thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đối với các ngành, sản phẩm các khu vực nông nghiệp - lâm nghiệp - thủy sản, công nghiệp - xây dựng và dịch vụ được ưu tiên đầu tư.
- Đẩy mạnh liên kết giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp trong việc cung ứng nhu cầu lao động đáp ứng yêu cầu sử dụng của các doanh nghiệp thuộc các ngành kinh tế.
e) Về đất đai
Dành quỹ đất để phát triển các khu công nghiệp chuyên ngành, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, trung tâm thương mại, chợ đầu mối.
1. Trên cơ sở quán triệt các Nghị quyết của Trung ương, Thành ủy và Kế hoạch thực hiện của Ủy ban nhân dân Thành phố, Thủ trưởng các sở - ngành trực tiếp chỉ đạo xây dựng chương trình hành động căn cứ vào từng chương trình, đề án cụ thể được giao; đồng thời phối hợp, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện, định kỳ hàng năm vào giữa quý IV báo cáo kết quả về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình Ban Chỉ đạo Chương trình.
2. Trên cơ sở kế hoạch, nhiệm vụ hoàn thành của từng thời điểm, từng giai đoạn các Sở, ngành Thành phố sẽ nghiên cứu, tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định bổ sung, điều chỉnh các chương trình, đề án cụ thể cho phù hợp Chương trình tái cấu trúc, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Thành phố, tạo sự bứt phá trong phát triển công nghiệp hỗ trợ.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm điều phối, bảo đảm việc triển khai thực hiện thống nhất kế hoạch thực hiện này, định kỳ hàng năm vào cuối quý IV tiến hành sơ kết kết quả thực hiện Chương trình trình Ban Chỉ đạo.
Trong quá trình tổ chức triển khai, nếu cần thiết bổ sung, điều chỉnh các chương trình, đề án, các sở - ngành, các địa phương chủ động báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, trình Ban Chỉ đạo Chương trình xem xét, quyết định./.
|
KT.
CHỦ TỊCH |
[1] 19 đề án ngành dịch vụ; 4 đề án ngành công nghiệp và 1 đề án ngành nông nghiệp.
[2] Xây dựng Trung tâm y học cổ truyền Thành phố, hòa nhập các quốc gia khu vực và quốc tế; các dự án triển khai đề án phát triển ngành công nghiệp hóa chất; Các dự án triển khai đề án phát triển sản xuất ngành công nghiệp cơ khí chế tạo; Đề án phát triển ngành công nghệ thông tin; Đề án phát triển ngành điện; Dự án Trung tâm giao dịch - Triển lãm nông sản Thành phố; Đề án Quy hoạch xây dựng, hệ thống kho, bãi hiện đại, đáp ứng nhu cầu trung tâm vận tải đường bộ, đường không, đường sắt, đường sông, đường biển; Đề án Xây dựng hệ thống mạng thông tin liên kết giữa các phòng thí nghiệm (PTN) trên địa bàn Thành phố; Đề án Xây dựng tiêu chí chọn lựa PTN cho đầu tư; lựa chọn PTN cho từng mục tiêu cụ thể để theo dõi tình hình biến động của chất lượng hàng hóa trên địa bàn Thành phố; Đề án hình thành Quỹ đầu tư mạo hiểm, Quỹ đổi mới công nghệ thúc đẩy phát triển các ngành công nghệ cao; Chương trình hành động Vệ sinh an toàn thực phẩm Thành phố 2011-2015; Dự án quy hoạch phát triển ngành công nghiệp chế biến tinh lương thực - thực phẩm trên địa bàn Thành phố đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Dự án quy hoạch phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và hợp tác tỉnh từ nay đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp góp phần nâng cao thu nhập của nông dân.
[3] Theo Quyết định số 33 và 38 (từ ngày 28/5/2011 đến nay).
[4] Triển khai Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 và Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước thực hiện quyết liệt các giải pháp để xử lý các ngân hàng yếu kém phải sáp nhập hoặc hợp nhất như: hợp nhất 3 ngân hàng (Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa, Sài Gòn thành 1 ngân Hàng Sài Gòn) và tham mưu Chính phủ thành lập công ty quản lý tài sản của tổ chức tín dụng (VAMC) để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
[5] Hợp nhất 3 hệ thống thanh toán thẻ: VNBC, Banknetvn, Smartlink, còn 1 hệ thống thanh toán là Banknetvn.
[6] Tính đến tháng 7 năm 2015, trên địa bàn Thành phố có khoảng trên 9 triệu thẻ đang hoạt động với tỷ lệ tăng bình quân hàng năm là 18,43%; số giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng (năm 2014 so với năm 2013, thành toán qua internetbanking tăng 46,7% số khách hàng; mobile banking tăng 78,2% số khách hàng). Đặc biệt, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (gọi tắt là CITAD) đã đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán cho doanh nghiệp, bình quân 55.200 tỷ đồng/ngày, tạo sự luân chuyển tiền tệ nhanh chóng và kịp thời.
[7] Bình quân giai đoạn 2011-2015, huy động vốn tăng 13,1%/năm, dư nợ tín dụng tăng 11,6%/năm. So với giai đoạn 2006-2010, dư nợ và huy động vốn đều tăng thấp hơn nhưng chất lượng hiệu quả hơn nhờ vào kết quả của quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng.
[8] Ngân hàng Nhà nước ban hành thông tư 02, 09 về quy định về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro và các điều kiện cơ cấu lại nợ.
[9] Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã được triển khai từ tháng 7 năm 2012 và mở rộng trên địa bàn 24/24 quận, huyện. Tính đến tháng 6 năm 2015, tổng số tiền ký kết là 145.118 tỷ đồng, hỗ trợ cho 6.298 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; chương trình cho vay bình ổn thị trường tiếp tục phát huy hiệu quả, đặc biệt so với giai đoạn 2006-2010, ngân sách Thành phố không phải bù lãi suất mà do các ngân hàng thương mại hỗ trợ cho vay doanh nghiệp bình ổn với lãi suất thấp hơn so với lãi suất cho vay trên thị trường.
[10] Thành phố có 173 siêu thị, bên cạnh những siêu thị lớn trong nước như Co.opmart, Satra, Vinatex, Maximark, Vissan,... hệ thống siêu thị Thành phố có sự góp mặt của 15 siêu thị các tập đoàn phân phối hàng đầu thế giới như Big.C (Pháp), Giant (Mỹ), Lotte (Hàn Quốc), Metro (Đức),...
[11] Bên cạnh những trung tâm thương mại chủ chốt trong nước như Vincom Thủ Đức, Satra Phạm Hùng, Trung tâm KD DV Tổng hợp & Vật liệu xây dựng CMC, An Đông Plaza, trung tâm thương mại chuyên doanh dược phẩm 10,... hệ thống trung tâm thương mại Thành phố có sự góp mặt 22 trung tâm thương mại của các tập đoàn phân phối hàng đầu thế giới như hệ thống trung tâm thương mại Parkson (Malaysia - 06 trung tâm thương mại), Aeon Mall (Nhật Bản - 01 trung tâm thương mại), NowZone (Đài Loan - 01. trung tâm thương mại), Kumho Asiana (Hàn Quốc - 01 trung tâm thương mại), Times Square ( Hồng Kông - 01 trung tâm thương mại),...
[12] 240 chợ và 668 cửa hàng tiện lợi
[13] Năm 2015 so năm 2009, giảm 09 chợ, tăng 83 siêu thị, tăng 08 TTTM và tăng 506 cửa hàng tiện lợi.
[14] Năm 2011 đạt 460.952 tỷ đồng, tăng 23,5%; năm 2012 đạt 517.620 tỷ đồng, tăng 12,3%; năm 2013 đạt 575.011 tỷ đồng, tăng 11,1%; năm 2014 ước đạt 648.570 tỷ đồng, tăng 12,8%; năm 2015 ước đạt 719.913 tỷ đồng, tăng 11,0% (số liệu của Cục Thống kê).
[15] Văn phòng Chính phủ đa ban hành Thông báo số 240/TB-VPCP ngày 23 tháng 6 năm 2014 về kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại buổi làm việc với Lãnh đạo Thành phố. Theo đó, giao Bộ Tài chính và các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu, hoàn thiện để nhân rộng Chương trình bình ổn giá của Thành phố ra cả nước.
[16] Tính đến 6/2015, trên địa bàn Thành phố đã có 8.967 điểm bán, tăng 6.879 điểm bán so với năm 2010 (có 2.088 điểm bán hàng bình ổn)
[17] Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 và bồi đắp đảo nhân tạo, vùng nhận dạng hàng không (ADIZ)
[18] Kim ngạch xuất khẩu bao gồm cả giá trị kim ngạch các doanh nghiệp Thành phố xuất khẩu thông qua cửa khẩu các tình khác, giá trị xuất khẩu năm 2011 đạt 27,7 tỷ USD, tăng 23%; năm 2012 đạt 30,1 tỷ USD, tăng 8,7%; năm 2013 đạt 29,5 tỷ USD, giảm 2%; năm 2014 đạt 32,1 tỷ USD, tăng 8,8%; năm 2015 ước đạt 35 tỷ USD, tăng 9,0% (Nguồn Cục Thống kê).
[19] Năm 2011 đạt 20,4 tỷ USD, tăng 16,5%; năm 2012 đạt 21,7 tỷ USD, tăng 6,3%; năm 2013 đạt 22,3 tỷ USD, tăng 2,6%; năm 2014 đạt 24,6 tỷ USD, tăng 11,9%; năm 2015 ước đạt 27,1 tỷ USD, tăng 10,2%.
[20] Đối thoại doanh nghiệp - Chính quyền Thành phố; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; Chương trình kết nối cung cầu hàng hóa
[21] Thành phố có 1.988 cơ sở lưu trú du lịch với 46.939 phòng; trong đó 1.501 khách sạn từ 1 đến 5 sao với 28.414 phòng; 375 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn kinh doanh du lịch với 4.615 phòng.
[22] Thu hút hơn 200 người mua quốc tế thuộc hơn 33 quốc gia và vùng lãnh thổ, 100 người mua “nội vùng” (các hãng lữ hành outbound của 5 quốc gia) và 330 người bán đến từ các quốc gia như: Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Đài Loan, Thái Lan, Hà Lan, Anh, Việt Nam...thu hút trên 20.000 lượt khách tham quan trong nước và quốc tế, tiếp tục giữ vững vị thế là một trong những sự kiện thương mại du lịch quốc tế phát triển nhanh nhất khu vực
[23] Các sản phẩm du lịch có lợi thế cạnh tranh như: Chương trình du lịch đường thủy; Chương trình Thành phố Hồ Chí Minh - 100 điều thú vị; Chương trình Dịch vụ đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; Chương trình Nghệ thuật phục vụ du khách.
[24] Cầu Lê Văn Sỹ, cầu Kiệu, cầu Bông (trên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) và cầu Hậu Giang (trên kênh Tân Hóa - Lò Gốm); cầu Sài Gòn 2; 06 cây cầu vượt thép; 02 cầu vượt trên Quốc lộ 1 tại giao lộ Tỉnh lộ 10 và Tỉnh lộ 10B; nâng cấp, mở rộng đường Lũy Bán Bích - Tân Hóa; đường dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm; đường Tân Sơn Nhất - Đình Lợi - Vành đai ngoài (Phạm Văn Đồng); đường Vành đai 2 (đoạn từ nút giao tỉnh lộ 25B đến rạch Rạch Chiếc); nâng cấp cải tạo mặt đường bờ Bắc và bờ Nam kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ đến đường Nguyễn Hữu Cảnh); nâng cấp, mở rộng đường Liên tỉnh lộ 25B; đường Vành đai phía Đông (đoạn từ đường Đồng Văn Cống đến rạch Rạch Chiếc) kết nối với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Dự án BOT mở rộng Xa lộ Hà Nội; Dự án mở rộng Tỉnh lộ 10 (ranh Long An đến cầu Tân Tạo); Dự án Xây dựng Đại lộ Đông Tây; Dự án BOT cầu Phú Mỹ; đường Bắc Nam kết nối giao thông từ trung tâm Thành phố đến Khu công nghiệp Hiệp Phước; sửa chữa, nâng cấp, mở rộng cầu Bình Triệu 1; đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương; tuyến đường trục Bắc Nam giai đoạn 1 và 2, xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu Công nghiệp Phú Hữu.
[25] Dự án Nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2) hoàn thành và đưa vào khai thác vào tháng 6 năm 2014 bằng nguồn vốn ODA của Bỉ; đã tiếp nhận các tàu biển có tải trọng trên 50.000DWT vào cảng Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần thúc đẩy sản lượng hàng hóa thông qua các cảng trong luồng Soài Rạp năm 2014 là 7.208.705 tấn (tăng 16,08% so với năm 2013). Việc đưa luồng Soài Rạp vào vận hành đã rút ngắn thời gian hành trình hơn 1 giờ, rút ngắn cự lý 20km từ biển vào các cảng khu vực Thành phố Hồ Chí Minh so với hướng lưu thông theo tuyến luồng Lòng Tàu; tạo động lực cho phát triển kinh tế biển của Thành phố cũng như khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
[26] đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây: từ TP.HCM đi huyện Long Thành (Đồng Nai) hiện nay dài khoảng 45km, thời gian đi mất khoảng 60 phút nay rút ngắn còn khoảng 22km với thời gian lưu thông chỉ còn khoảng 20 phút. Đi Vũng Tàu hiện nay dài khoảng 120km, thời gian lưu thông mất hơn 2 giờ 30 phút, nếu đi đường cao tốc sẽ rút ngắn khoảng cách còn khoảng 95km với thời gian khoảng 1 giờ 20 phút.
[27] Khu vực Cát Lái: Tân cảng Cát Lái mở rộng, Cảng bến Nghé Phú Hữu, Cảng Tổng hợp quốc tế Phú Hữu ITC. Khu vực Hiệp Phước: Cảng SPCT giai đoạn 1, Cảng Sài Gòn Hiệp Phước, Tân công Hiệp Phước.
[28] Quyết định số 7224/QĐ-UBND ngày 31/12/2013 của Ủy ban nhân dân Thành phố về duyệt quy hoạch phát triển bến bãi vận tải hàng hóa đường bộ liên tỉnh Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025.
[29] Quyết định số 791/QĐ-TTg ngày 12/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển khu vực Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu (nhóm cảng biển số 5) đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
[30] Tân cảng (quận Bình Thạnh) đã hoàn thành việc di dời chuyển đổi công năng, Khu Nhà Rồng - Khánh Hội của cảng Sài Gòn (quận 4)) đang thực hiện chuyển đổi công năng và xây dựng cảng mới phục vụ di dời ở khu vực Hiệp Phước, dự kiến hoàn thành trước năm 2017, các cảng Tân Thuận Đông và Rau Quả (Quận 7) được phép chuyển đổi công năng tại chỗ, không di dời
[31] Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.
[32] Bảo hiểm xã hội, Chứng minh nhân dân, Đăng ký doanh nghiệp, Giấy đăng ký xe, Giấy phép lái xe, Hồ sơ hành chính, Hồ sơ sức khoẻ, Hồ sơ thuế, Lý lịch tư pháp, Hộ chiếu, hồ sơ của Cục thú y
[33] Số lượng doanh nghiệp được cấp phép bưu chính tăng từ 33 doanh nghiệp năm 2011 lên 98 doanh nghiệp năm 2015, số doanh nghiệp được xác nhận hoạt động kinh doanh chuyển phát tăng từ 37 doanh nghiệp năm 2011 lên 113 doanh nghiệp năm 2015. Tổng số điểm giao dịch dịch vụ bưu chính có người phục vụ là 243 điểm, trong đó: Bưu cục là 181 điểm, đại lý bưu chính là 20 điểm và Bưu điện văn hoá xã là 42 điểm.
[34] Tổng số thuê bao điện thoại lũy kế trên toàn Thành phố cả năm 2011 đạt khoảng 20,7 triệu thuê bao, mật độ điện thoại tính trên tổng số 9,5 triệu dân của Thành phố là 218 máy/100 dân. Năm 2012 đạt khoảng 16,2 triệu thuê bao, mật độ điện thoại đạt 171/100 dân. Năm 2013 đạt 17,2 triệu thuê bao, mật độ điện thoại đạt 181,2 máy/100 dân. Năm 2014, đạt khoảng 15,8 triệu thuê bao, mật độ điện thoại ước đạt 175 máy/100 dân.
[35] Từ năm 2011 - 2014, thuê bao Internet băng thông rộng tăng từ 975.559 thuê bao lên 1.372.427 thuê bao. Năm 2015, số thuê bao băng thông rộng ước đạt gần 7 triệu thuê bao.
[36] Chỉ số cơ sở hạ tầng hợp thành bởi 4 chỉ số thành phần, đánh giá chất lượng; (1) khu công nghiệp; (2) đường giao thông; (3) các dịch vụ công cộng (viễn thông, năng lượng); và (4) công nghệ thông tin.
[37] Theo Báo cáo xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam năm 2014, Thành phố đứng đầu cả nước về chỉ số cơ sở hạ tầng.
[38] Theo Báo cáo Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam năm 2014, Thành phố đúng Vị trí thứ hai cả nước.
[39] Cung cấp dịch vụ hỗ trợ đăng ký thành lập doanh nghiệp tại nhà; công khai quy trình giải quyết hồ sơ đăng ký đầu tư với nhà đầu tư.
[40] Nguồn: Sách trắng công nghệ thông tin - truyền thông năm 2014.
[41] Từ đầu năm đến ngày 30/6/2015, hạn mức tín dụng cam kết là 1.474,52 tỷ đồng cho 2.449 khách hàng (tăng 10% so với giai đoạn năm 2013-2014), giải ngân được 866,82 tỷ đồng (đạt 76% so với giai đoạn năm 2013- 2014). Lũy kế đến ngày 30/6/2015, hạn mức tín dụng cam kết là 3.353,72 tỷ đồng cho 4.677 khách hàng (708 tỷ đồng cho 03 doanh nghiệp và 2.645,72 tỷ đồng cho 4.674 cá nhân); giải ngân được 2.009,53 tỷ đồng (1.498,12 tỷ đồng cho 4.328 cá nhân và 511,41 tỷ đồng cho 03 doanh nghiệp).
[42] 09 dự án - 8.175 căn được chuyển từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội; 11 dự án 7.774 căn được điều chỉnh từ diện tích lớn sang diện tích nhỏ; 01 dự án - 360 căn được chuyển đổi sang bệnh viện 500 giường
[43] Quận 1 và quận 5 không lập điều chỉnh Quy hoạch chung do nội dung quy hoạch không có nhiều biến động và đã được cập nhật vào nội dung Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thành phố.
[44] Theo Nghị quyết số 16/2012/NQ-HĐND ngày 05 tháng 10 năm 2012 của Hội đồng nhân dân Thành phố, Kế hoạch 5100/KH-UBND ngày 06 tháng 10 năm 2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố và Chỉ thị số 24/2012/CT- UBND của Ủy ban nhân dân Thành phố.
[45] Đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 các khu chức năng thuộc khu đô thị Tây Bắc Thành phố, đồ án quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000 khu đô thị Hiệp Phước; Đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/5000 (quy hoạch phân khu) Khu đô thị mới Nam Thành phố.
[46] So với lượng tồn kho 14.490 căn hộ từ cuối năm 2012, thị trường đã tiêu thụ được 11.088 căn hộ đạt tỷ lệ 76,5%; Trong 7 tháng đầu năm 2015, đã có 20 dự án thông báo huy động vốn với quy mô 11.775 căn hộ và nền đất với tổng số tiền huy động là 17.624 tỷ đồng.
[47] Lũy kế đến nay đã chi trả bồi thường hỗ trợ được 14.346/14.350 hồ sơ (đạt tỷ lệ 99,97%) (trước đây là 14.345 hồ sơ, tuy nhiên do phải tách hồ sơ nên số hồ sơ hiện nay là 14.350); với diện tích 715,9/719,9 ha (đạt tỷ lệ 99,45%); với số tiền là 17.288 tỷ đồng.
[48] Dự án đầu tư xây dựng 04 tuyến đường chính và Dự án Quảng trường trung tâm, Công viên bờ sông.
[49] Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc và hoàn thiện đường trục Bắc - Nam; Dự án xây dựng Cầu Thủ Thiêm 2; Dự án Nạo vét rạch, đào hồ trung tâm và các kênh mới; Dự án Khu lâm viên sinh thái Vùng châu thổ phía Nam (thuộc Khu chức năng số 8)....
[50] - Khu chức năng số 1: Công ty CP Quốc Lộc Phát nghiên cứu đầu tư thực hiện Dự án Khu phức hợp Sóng Việt với khu trung tâm thương mại tiêu chuẩn quốc, tế với tổng vốn đầu tư dự kiến: khoảng 7.055 tỷ đồng; dự kiến khởi công xây dựng từ năm 2016;
- Khu chức năng số 2: Liên danh Tập đoàn Lotte - Hàn Quốc nghiên cứu đầu tư thực hiện Dự án Khu phức hợp thông minh (Thủ Thiêm Eco Smart City) trong đó, có khu phức hợp cửa hàng bách hóa và khu phố thương mại tiêu chuẩn quốc tế với Tổng vốn đầu tư dự kiến: khoảng 02 tỷ USD; dự kiến khởi công xây dựng từ năm 2016.
- Liên danh gồm Công ty cổ phần Bất động sản Tiến Phước - Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái và Công ty Denver Power Ltd (thuộc Tập đoàn Gaw Capital Partners) đang thực hiện Dự ập Khu phức hợp Tháp Quan sái Thủ Thiêm. Trong đó, có công trình Tháp quan sát phức hợp đa chức năng cao 86 tầng theo đúng quy hoạch được duyệt với Tổng vốn đầu tư dự kiến: khoảng 1,2 tỷ USD; dự kiến khởi công xây dựng vào đầu năm 2016 và hoàn thành xây dựng toàn bộ Dự án vào năm 2022.
[51] Gồm 17 chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ, 15 chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp với hàng trăm đề tài, dự án khoa học và công nghệ mỗi năm và đã đạt tỷ lệ 34,64% số đề tài nghiên cứu được ứng dụng trực tiếp vào thực tế.
[52] Dự án trại thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Israel: Sản lượng sữa bình quân lứa 1 đạt 6.296 kg/con/chu kỳ 305 ngày, tương đương 18,34 kg/con/ngày (năm 2014 là 17,94 kg/con/ngày). Sản lượng sữa bình quân lứa 2 đạt 7.483kg/con/chu kỳ 305 ngày, tương đương 24,53 kg/con/ngày (năm 2014 là 20,64 kg/con/ngày). Một số cá thể đang sản xuất lứa 3 với năng suất dự kiến khi kết thúc chu kỳ khai thác là 7.600 -7.800 kg/con/chu kỳ 305 ngày.
- Chăn nuôi heo: số ngày nuôi heo đạt trọng lượng 90 kg là 155 ngày (giảm 14 ngày), rút ngắn thời gian chăn nuôi và giảm chi phí nuôi dưỡng; độ dày mỡ lưng giảm còn 10,98 mm, chọn lọc một số giống mới chỉ 8mm, bình quân trọng lượng xuất chuồng đàn thương phẩm 95kg.
[53] Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp “nghiên cứu, thiết kế chế tạo thiết bị thay thế nhập khẩu có chất lượng tương đương với giá thành hợp lý” đã giáp các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố thuộc 4 lĩnh vực ưu tiên từng bước đổi mới công nghệ. Các sản phẩm thiết bị, công nghệ đã chuyển giao cho doanh nghiệp với giá bán trung bình rẻ hơn từ 20% - 60% so với giá nhập khẩu, tùy theo từng loại sản phẩm, công nghệ và đặc thù ngành mà mức độ nội địa hoá khác nhau với chất lượng đạt yêu cầu đặt ra của doanh nghiệp. Giai đoạn 2011-2015, ước tính trung bình 1 đồng vốn ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu thiết kế thì tương ứng thu hút tối thiểu 1,4 đồng vốn đầu tư của doanh nghiệp từ xã hội và giúp tiết kiệm 7,8 đồng chi phí mua thiết bị ngoại nhập (tỷ lệ 1:1,4:7,8). Tỷ lệ giai đoạn 2011 - 2015 cao hơn giai đoạn 2006-2010 là (1:0,8:7).
[54] Bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 7,42%.
[55] phát triển mô hình liên kết tam giác “Doanh nghiệp - Nhà nước - Cơ sở nghiên cứu”
[56] các Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ Thành phố đã ươm tạo 54 doanh nghiệp khoa học công nghệ (tăng 39 doanh nghiệp so với giai đoạn 2006-2010)
[57] Giai đoạn 2011-2015 đã hỗ trợ 72 doanh nghiệp xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý và công cụ nâng cao năng suất (ISO 9001:2008, ISO14001:2010, ISO 22000, ISO 17025, 5S, HACCP, hệ thống BRC, chứng nhận hợp quy)
[58] Tỉ phần đóng góp của tốc độ tăng TFP vào tăng trưởng GDP Thành phố qua các năm: 26,2%/2006; 25,3%/2007, 8,0%/2008; 2,8%/2009; 28,3%/2010; 29,1%/2011; 30,1%/2012; 33,4%/2013; 17,4% bình quân giai đoạn 2006 -2010; 30,9% bình quân giai đoạn 2011 - 2013; 33,1% bình quân giai đoạn 2011 -2015.
[59] Gồm: Bệnh viện Mắt, Từ Dũ, Tai Mũi Họng, Răng Hàm Mặt, Hùng Vương, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế, Da Liễu, Bệnh viện quận Thủ Đức, Bệnh viện quận Bình Thạnh.
[60] Giảm dần từ năm 2011-2014: 74% - 73,45% - 71,49%.
[61] Tăng dần từ năm 2011-2014:26% - 26,55% - 28,51%
[62] Triển khai thực hiện hình thức hợp tác công tư được theo Nghị quyết 93/NQ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế.
[63] Ngày điều trị trung bình giảm từ 7 ngày (2010) xuống còn 6,8 ngày (2014), giảm 0,2 ngày, nếu tính trên 1.000.000 lượt bệnh nhân nội trú.
[64] Sau lĩnh vực dịch vụ tư vấn khoa học và công nghệ và lĩnh vực viễn thông - công nghệ thông tin.
[65] trung cấp chuyên nghiệp: 60.817 học sinh; Cao đẳng: 39.797 sinh viên và Đại học: 79.994 sinh viên.
[66] Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ; Quyết định số 1466/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ.
[67] Giai đoạn 2011-2015, số trường ngoài công lập: năm học 2010-2011 là 383 trường; 2011-2012 là 514 trường; 2012-2013 là trường; 2013-2014 là 679 trường; 2014-2015 là 791 trường, số học sinh ngoài công lập năm học 2010-2011 là 239.175 học sinh chiếm 17,3%, 2011-2012 là 244.986 chiếm 16,9%, 2012-2013 là 360.512 chiếm 22,3%, 2013-2014 là 381.652 chiếm 22,8%, 2014-2015 là 426.950 chiếm 23,4%.
[68] Theo Quyết định số 33/2011/QĐ-UBND ngày 28/05/2011 và Quyết định số 38/2013/QĐ-UBND ngày 23/9/2013.
[69] Số lượng doanh nghiệp cơ khí tăng 1,2 lần so với năm 2010 (từ 3.023 lên 3.604 doanh nghiệp). Trong đó, số doanh nghiệp nhà nước chiếm 0,61%; doanh nghiệp có vốn đần tư nước ngoài chiếm 4,97% và doanh nghiệp tư nhân trong nước (phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa) chiếm 94,42%. Với tổng vốn đầu tư tăng từ 25.125 tỷ đồng (năm 2010) lên 33.231 tỷ đồng (năm 2012), tăng 32% và chiếm 28% vốn đầu tư vào công nghiệp.
[70] Hiện có hơn 132 nghìn lao động làm việc trong ngành cơ khí thành phố, bình quận 36 lao động/doanh nghiệp (cao nhất 232 lao động/doanh nghiệp, thấp nhất 10 lao động/doanh nghiệp). Trong đó, 49,9% lao động làm việc tại doanh nghiệp ngoài nhà nước, 42,9% lao động làm việc cho doanh nghiệp có vốn nước ngoài và 7,2% lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước.
[71] dây chuyền chế tạo, gia công cơ khí tự động CNC, NC,...kết hợp với các phần mềm điều khiển, thiết kế, tính toán kết cấu đã được các doanh nghiệp trong ngành cơ khí của Thành phố ứng dụng trong sản xuất, chế tạo máy. Đặc biệt, trong lĩnh vực cơ khí khuôn mẫu, các công nghệ đúc mẫu chảy là các công nghệ tiên tiến cũng đã được đưa vào ứng dụng. Nhiều dây chuyền, hệ thống thiết bị, máy móc được điều khiển tự động bằng máy tính đã được các doanh nghiệp trong nước sản xuất để thay thế hàng nhập khẩu, có khả năng cạnh tranh cao do chất lượng ổn định và giá thành chỉ khoảng 50-70% so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại trong các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp xay xát, công nghiệp bào chế dược phẩm,...
[72] chip set, CPU của Intel; sản xuất, gia công phần mềm dịch vụ công nghệ thông tin, nội dung số....
[73] Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ TTTT, Bộ Quốc phòng.
[74] IMEC, SIIQ -Kyushu Nhật Bản, ISRC-SNU Hàn Quốc, SEMI Asia, NXP, Microchip,...
[75] Các chính sách hỗ trợ của Thành phố đã mang lại những hiệu ứng tích cực, hỗ trợ “Phục hồi ngành công nghiệp điện tử; tập trung phát triển công nghiệp công nghệ thông tin”.
[76] Nếu như năm 2007, thành phố chỉ có 1.422 doanh nghiệp hóa chất - cao su - nhựa, thì đến năm 2013 đã có 2.522 doanh nghiệp, gấp 1,77 lần. Các doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm đa số, với 2.391 doanh nghiệp (chiếm 94,8%); doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 4,32%, với 109 doanh nghiệp, và doanh nghiệp chỉ chiếm 0,87%. Riêng ngành cao - su nhựa có 1.493 doanh nghiệp, gấp 1,60 so với thời điểm năm 2007 (931 doanh nghiệp).
[77] Tổng vốn sản xuất kinh doanh ngành hóa chất - cao su - nhựa đạt 95.759 tỷ đồng, gấp 2,89 lần lượng vốn đầu tư năm 2007 (33.049 tỷ đồng); riêng ngành cao su - nhựa, tổng số vốn đầu tư đạt 44.974 tỷ đồng, gấp 2761 lần so với năm 2007 (17.200 tỷ đồng).
[78] Một số doanh nghiệp cao su: Casumina, cao su Thống Nhất, đã có những nhà máy có trình độ tiên tiến, trang thiết bị máy móc công nghệ cao có thể so sánh với các Công ty khác của khu vực, Doanh nghiệp ngành nhựa: Minh Hùng, Duy Tân, Đồng Tiến, Rạng Đông, Bình Minh đã đầu tư thiết bị, công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Khuôn mẫu cho ngành nhựa và cao su đã được sản xuất trong nước với chất lượng tốt.
[79] Sản phẩm cao su - nhựa của thành phố bước đầu đã xuất khẩu sang các nước như: xuất khẩu săm lốp xe tải nhẹ, xe hai bánh sang các nước ASEAN, Trung Đông, Châu Phi; xuất khẩu nhựa gia dụng sang Lào, Camphuchia; xuất khẩu bao bì cho một số nước phát triển như Nhật, Mỹ và các nước Châu Âu.
[80] Thành phố hiện có hơn 1.500 doanh nghiệp sản xuất, chế biến lương thực, thực phẩm và đồ uống, tăng hơn 10% so với năm 2010. Trong đó, doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm 0,7%, doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 95,4%, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 3,9%. Tổng vốn sản xuất kinh doanh của ngành đạt 97.395 tỷ đồng, gấp 1,74 quy mô vốn đầu tư đầu giai đoạn.
[81] Tính đến 01/7/2015, tỷ trọng vốn đầu tư ngành điện tử chiếm cao nhất (38,53% tổng vốn đầu tư); ngành hóa chất - nhựa - cao su chiếm 10,72%, ngành chế biến lương thực thực phẩm chiếm 5,63%, ngành cơ khí chiếm 4,88%.
[82] Đến nay, tại các KCX-KCN đã có 5 doanh nghiệp được chứng nhận là doanh nghiệp công nghệ cao, bao gồm: Công ty Furukawa Automotive, Công ty Mtex, Công ty Nidec Tosok, Công ty Nissei Electric, Công ty Renesas, và còn hơn 20 doanh nghiệp khác đầu tư vào những lĩnh vực kỹ thuật công nghệ cao như: cơ khí chính xác, linh kiện điện - điện tử, tự động hóa, thiết bị y tế cao cấp của các Công ty Saigon Precision, Pepperl+Fuchs, Nikkiso, Chubu Rika....
[83] Tại KCX Linh Trung: chuyển đổi 7 dự án cũ thành 7 dự án mới, tập trung vào ngành cơ khí, điện tử có công nghệ sản xuất hiện đại với tổng vốn đầu tư đăng ký là 187,5 triệu USD (bình quân 26,8 triệu USD/dự án), tầng 5,4 lần so với trước chuyển đổi; KCN Tân Tạo: chuyển đổi 12 dự án cũ thành 14 dự án mới, tập trung vào ngành cơ khí, hóa nhựa, điện tử với tổng vốn đầu tư đăng ký là khoảng 60 triệu USD (bình quân 5 triệu USD/dự án), tăng 2 lần so với trước chuyển đổi.
[84] TP.HCM chọn KCN Hiệp Phước (giai đoạn 2), KCN Cơ khí ô tô và KCN Lê Minh Xuân 3 để hình thành cụm KCN cho ngành công nghiệp hỗ trợ; chọn KCX Tân Thuận, Linh Trung; KCN Hiệp Phước (GĐ2), Đông Nam; điển hình: (1) tại KCX Tân Thuận đa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi 38 ha trong KCX thành KCN để xây dựng khu E-office chuyên thu hút các dự án kỹ thuật cao, sản xuất phần mềm, dự án sản xuất giá trị gia tăng cao, không gây ô nhiễm môi trường và cung cấp các loại hình dịch vụ phục vụ sản xuất, (2) tại KCN Hiệp Phước hình thành khu Việt - Nhật 13 ha để thu hút các dự án vừa và nhỏ ngành CNHT.
[85] Khu công nghệ cao đã là thành viên chính thức của Hiệp hội các Công viên Khoa học thế giới (ISPA), Hiệp hội các Công viên Khoa học Châu Á (ASPA). Ngoài ra, Khu công nghệ cao đã hình thành được mối quan hệ quốc tế với các tổ chức Amcham, Eurocham, Jetro,... và các trường đại học lớn như Georgetown, Illinoise University, ArizonaSU (Hoa Kỳ), Sydney (úc), Tsukuba (Nhật Bản) và UQUAM (Canada), các nhà khoa học, doanh nhân người Việt ở nước ngoài...tổ chức các hội thảo xúc tiến đầu tư, hội nghị thường niên,... Dự án thành lập Trường Đại học Fullbright (Hoa Kỳ) cũng đang được chuẩn bị khởi công trong năm 2015.
[86] Từ năm 2010 đến nay, Vườn ươm đã ươm tạo 20 dự án/doanh nghiệp, tạo ra việc làm mới cho hơn 250 lao động trong các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao; tổ chức tốt nghiệp cho 03 doanh nghiệp ươm tạo.
[87] Năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Trung ương Đảng lần thứ 7 (khóa X) - Nghị quyết 26, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
[88] Hàng năm Thành phố tổ chức các Hội chợ - Triển lãm Giống nông nghiệp, đã có 245 hợp đồng được ký kết giữa người sản xuất và doanh nghiệp tiêu thụ; trong đó, có 170 hợp đồng được triển khai.
[89] hệ thống tưới tiết kiệm, tưới kết hợp với bón phân, vắt sữa bò bàng máy, sử dụng thức ăn TMR trong chăn nuôi bò sữa. Các mô hình “Hỗ trợ đầu to thiết bị khai thác và bảo quản sữa” (máy vắt sữa và thiết bị rửa máy vát sữa) tại các hộ chăn nuôi bò sữa HF lai, với quy mô đàn trên 15 cái vắt sữa/hộ. Mô hình rất được nông dân quan tâm hưởng ứng do tiết kiệm công lao động, tăng lượng sữa từ 0,3 - 0,5 kg/con/ngày, rút ngắn thời gian vắt sữa, giảm tình trạng viêm vú bò sữa, nâng cao chất lượng sữa tươi. Có 319 hộ nông dân tham gia cơ giới hóa theo hình thức ngân sách hỗ trợ 50%, với 180 máy vắt sữa đơn, 32 thiết bị rửa máy vắt sữa, 539 binh nhôm chứa sữa loại 20 lít/bình, 12 máy băm thái có cổ trục cuốn, 2 máy trộn TMR lại 1 pha, 44 hệ thống làm mát. Mô hình nuôi heo bằng đệm lót sinh học giúp giảm thiểu 6 nhiễm môi trường, tiết kiệm được khoáng 60 - 70% chi phí lao động, tiền điện, nước.
[90] Đàn heo quy mô từ 33,9 con/hộ (năm 2011) tăng lên 41,9 con/hộ (năm 2014); đàn bờ quy mô từ 8,5 con/hộ (năm 2011) tăng lên 10,6 con/hộ (năm 2014)..
[91] Bình quân giai đoạn 2011-2015 các doanh nghiệp sản xuất hạt giống tăng 8,4%/năm.
[92] Ước bình quân giai đoạn 2011 - 2015: Diện tích gieo trồng rau tăng 4,2%/năm, sản lượng tăng 7,1%/năm; diện tích hoa, cây kiểng ước tăng 3,3%/năm; tổng đàn bò tăng 2,5%/năm, trong đó bò sữa tăng 4,4%/năm, cái vắt sữa tăng 3,8%/năm, sản lượng sữa bò tươi tăng 4,5%/năm; đàn heo tăng 3,5%/năm; tổng sản lượng thủy sản tăng 6,3%/năm; sản lượng cá cảnh ước tăng 10,8%/năm.
[93] Năm 2014 xuất khẩu: Hạt giống 451,4 tin , hoa lan (286 ngàn cành), rau (1.002,1 tấn), cá cảnh (11 triệu con), cá sấu (15.950 con); đa cung cấp ra thị trường hơn 24 ngàn con giống bò sữa, đàn bò sữa chiếm 46% so với cả nước trong khi sản lượng sữa chiếm trên 51% sản lượng sữa cả nước; 6 tháng đầu năm 2015: xuất khẩu được 1.544 tấn rau quả, giá trị hơn 77 tỷ đồng. Thị trường chủ yếu là Pháp, Đan Mạch, Thụy Sỹ, Thụy Điển, Trung Quốc, đài Loan, Campuchia, Mỹ, Y, Đức.
[94] Quyết định 36/2011/QĐ-UBND ngày 10/6/2011 và Quyết định 13/2013/QĐ-UBND ngày 20/3/2013 về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị. Quyết định 26/2015/QĐ-UBND ngày 8/6/2015 thay thế Quyết định 5259/QĐ-UBND ngày 12/10/2012 về hỗ trợ ban đầu cho Hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ hoạt động mới, Đến nay có 65 HTX tăng 35,4% so với năm 2010...
[95] Lũy kế đến 6/2015 đã phê duyệt 4.458 phương án sản xuất kinh doanh cho 15.092 hộ vay với tổng vốn đầu tư 6.643,1 tỷ đồng, trong đó tổng vốn vay là 3.947,5 tỷ đồng. Tổng kinh phí phân khai hỗ trợ lãi vay 2011-2015 là 309,195 tỷ đồng. Đến tháng 6 năm 2015 đa giải ngân được 246,005 tỷ đông, đạt 79,56%. Từ số liệu tổng vốn đầu tư, vốn vay và kinh phí hỗ trợ lai vay thì với 1 đồng vốn ngân sách hỗ trợ lãi vay (197,405 tỷ đồng), sẽ huy động được 33,6 đồng vốn xã hội (6.643 tỷ đồng), trong đó huy động từ ngân hàng là 19,9 đồng (3.947 tỷ đồng), huy động trong dân là 13,6 đồng (2.695 tỷ đồng). Đồng thời tạo thêm việc làm cho 40.165 lao động ở nông thôn; trong đó có 5.195 lao động là đối tượng hộ nghèo. Tỷ lệ giá trị sản xuất trên vốn đầu tư đạt 151,3%.
[96] Ước bình quân giai đoạn 2011 - 2015, diện tích gieo trồng lúa giồm 7,3%/năm.
[97] Thực hiện phong trào thi đua “Thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”, đến nay Thành phố đã hoàn thành công tác xóa nhà tạm, dột nát tại 5 huyện là 2.367/2.367 căn với tổng số tiền vận động từ các đơn vị hỗ trợ xóa nhà tạm, dột nát và an sinh xã hội là 97,274 tỷ đồng.
[98] Quyết định số 476/QĐ-TTg ngày 12 tháng 4 năm 2015.
[99] Thành phần kinh tế nhà nước giảm từ 26,6% năm 2010 xuống còn 16% năm 2015; thành phần kinh tế ngoài nước nước tăng từ 50,6% năm 2010 lên 59,5% năm 2015; thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tăng từ 22,8% năm 2010 lên 24,5% năm 2015.
[100] Tỷ trọng lao động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm dần từ 5,4% năm 2005 xuống còn 2,8% năm 2009 và 2,6% năm 2014. Trong khi đó, ngành dịch vụ là ngành có tốc độ tăng lao động cao nhất, từ tỷ trọng 48,8% năm 2005 tăng lên 53,7% năm 2009 và lên 65,7% năm 2014. Ngành công nghiệp và xây dựng cũng có sự tăng trưởng về số lượng nhưng tỷ trọng trong cơ cấu lao động có xu hướng giảm so với khu vực dịch vụ, chiếm tỷ trọng 45,8% năm 2005 giảm xuống 43,5% năm 2009 và giảm còn 31,7% năm 2014.
[101] Tính đến tháng 6 năm 2015, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành quyết định phê duyệt đề án tái cơ cấu của 14/14 Tổng công ty, Công ty trực thuộc, Ủy ban nhân dân Thành phố tập trung đẩy nhanh thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2013-2015 là 32 doanh nghiệp. Năm 2014 hoàn thành cổ phần hóa 11/32 doanh nghiệp. Năm 2015, Thành phố đã tổ chức sơ kết tình hình thực hiện năm 2014 và ban hành kế hoạch thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước năm 2015. Đến cuối năm 2015, dự kiến sẽ hoàn thành cổ phần hóa 32 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và hoàn thành hoàn thành sắp xếp khác 13 doanh nghiệp
[102] năm 2011: 35,22%; năm 2012: 32,93%; năm 2013: 30,45%; năm 2014:29,51%; ước năm 2015: 28,53%.
[103] TFP bình quân giai đoạn 2006-2010 là 17,4% vào tăng trưởng GDP của Thành phố; giai đoạn 2011-2015 ước tỷ trọng đóng góp đạt 33,1% (cao gấp 1,89 lần so với giai đoạn 2006-2010) vào tăng trưởng GDP của Thành phố.
[104] trong 5 năm qua là 3,56, thấp hơn mức 3,92 của giai đoạn 2008 - 2010
[105] Trừ hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp công nghệ cao trong Khu Công nghệ cao Thành phố mang lại giá trị gia tăng cao, điển hình như các sản phẩm công nghệ cao của các doanh nghiệp như Intel, Samsung, Nidec, Jabil, Công ty TNHH công nghệ sinh học dược Nanogen, Công ty TNHH MTV nhà máy United Healthcare....
[106] Chỉ tiêu về tăng trưởng GDP chung và của hai khu vực dịch vụ và công nghiệp - xây dựng; chỉ số năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) chưa đạt theo kế hoạch của Chương trình đề ra.
[107] Tạo điều kiện cho nhà đầu tư, người dân tham gia đầu tư, mua bán, sở hữu nhà ở; công bố, công khai các dự án kêu gọi đầu tư, tổ chức đấu thầu, đấu giá dự án theo quy hoạch; giám sát năng lực tài chính của chủ đầu tư; kiểm soát việc huy động vốn đúng quy định.
[108] Theo Quyết định số 791/QĐ-TTg ngày 12/8/2005 của chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển khu vực Thành phố Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
[109] Quyết định số 568/QĐ-TTg ngày 08/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 43/2012/QĐ-UBND ngày 03/8/2012 của Ủy ban nhân dân Thành phố.
[110] Quyết định số 2631/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 và Quyết định số 252/QĐ-TTg ngày 13/02/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
[111] Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.