BỘ TƯ PHÁP |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 189/BC-BTP |
Hà Nội, ngày 22 tháng 7 năm 2016 |
Sáu tháng đầu năm 2016, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; lãi suất có xu hướng giảm; huy động vốn đầu tư phát triển đạt nhiều kết quả tích cực; thu hút vốn FDI tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước; phát triển doanh nghiệp có bước chuyển biến tích cực; các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh, phúc lợi xã hội được quan tâm và đạt nhiều kết quả; an ninh chính trị và trật tự xã hội được bảo đảm;… Bên cạnh đó, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có tốc độ chậm lại, tình hình kinh tế - xã hội trong nước những tháng đầu năm còn nhiều khó khăn, thách thức. Kinh tế phục hồi chậm; tốc độ tăng GDP 6 tháng đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ năm trước; lạm phát được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ có khả năng tăng cao trở lại; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đạt thấp hơn mục tiêu đề ra; việc phòng chống ô nhiễm, bảo vệ môi trường sinh thái còn bộc lộ nhiều yếu kém; đời sống nhân dân ở các vùng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, vùng bị ô nhiễm môi trường biển, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn…
Đối với công tác Tư pháp, toàn Ngành đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ, nhất là 11 nhóm nhiệm vụ trọng tâm được nêu tại Báo cáo số 12/BC-BTP ngày 20/01/2016 của Bộ Tư pháp[1] và 10 nhóm nhiệm vụ chủ yếu theo Chương trình hành động của Ngành Tư pháp[2] thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ. Báo cáo này tập trung đánh giá việc triển khai các nhiệm vụ công tác tư pháp trong 6 tháng đầu năm 2016, xác định những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân để từ đó đề xuất nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu công tác 6 tháng cuối năm 2016.
TÌNH HÌNH CÔNG TÁC TƯ PHÁP 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2016
I. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH
Sáu tháng đầu năm, công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ, Ngành bám sát với công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, Chính phủ và chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2016 đã được Chính phủ quan tâm chỉ đạo, quy định trong Nghị quyết số 01/NQ-CP, tạo cơ sở quan trọng cho sự thống nhất chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp một cách toàn diện. Nhìn chung, các Bộ, ngành, địa phương đã kịp thời ban hành, phê duyệt kế hoạch công tác tư pháp/pháp chế của cơ quan, địa phương.
- Chỉ đạo triển khai Nghị quyết và các Văn kiện do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII: Việc triển khai Nghị quyết và các Văn kiện do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII thông qua được Ngành Tư pháp xác định là nhiệm vụ chính trị trọng tâm hàng đầu và tích cực thực hiện. Nhiều tổ chức pháp chế, cơ quan tư pháp đã tham mưu cho Bộ, ngành, địa phương chú trọng tuyên truyền, phổ biến và xây dựng các chương trình, kế hoạch để từng bước cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, định hướng trong xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; về chủ trương chuyển trọng tâm chiến lược từ xây dựng pháp luật sang hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật được nêu trong Văn kiện (như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, Hà Nội, Thanh Hóa, Long An...).
- Chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021: Bộ, Ngành Tư pháp đã tích cực chỉ đạo và tổ chức thực hiện các đợt cao điểm tuyên truyền phổ biến Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đến các tầng lớp nhân dân, qua đó, góp phần vào thành công chung của cuộc bầu cử vừa qua.
- Chỉ đạo các công việc trọng tâm theo yêu cầu mới của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ: Toàn Ngành đã kịp thời bám sát và hành động với quyết tâm cao nhất, kiên quyết đổi mới theo phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính và phục vụ nhân dân, trong đó trọng tâm là gỡ bỏ rào cản, hoàn thiện thể chế để giải phóng các nguồn lực phát triển đất nước, kiên quyết loại trừ các quy định pháp luật không rõ ràng, không minh bạch, có biểu hiện lợi ích nhóm, cản trở phát triển, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Bộ Tư pháp đã kịp thời ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ (kèm theo Quyết định số 1170/QĐ-BTP ngày 31/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp) với nhiều nhiệm vụ, giải pháp để kịp thời hưởng ứng chủ trương của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện tối đa cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bộ Tư pháp cùng các Bộ, ngành tham gia tích cực vào việc giải quyết các công việc chung của Chính phủ; chủ động giải quyết công việc và phối hợp công tác; sâu sát cơ sở, chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề vướng mắc, tháo gỡ khó khăn; kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, đưa nhanh các chủ trương, chính sách pháp luật đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.
Cùng với đó, các Bộ, ngành, địa phương đã tiếp tục quan tâm chỉ đạo kiện toàn tổ chức, bộ máy; thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai công tác. Bộ Tư pháp đã ban hành kế hoạch kiểm tra công tác trên các lĩnh vực: kiểm tra VBQPPL, xử lý vi phạm hành chính, nuôi con nuôi, thi hành án dân sự, lý lịch tư pháp, đăng ký giao dịch bảo đảm, bồi thường nhà nước, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý... Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành kế hoạch kiểm tra và chỉ đạo Sở Tư pháp tăng cường kiểm tra công tác tư pháp ở cấp huyện, cấp xã; hướng dẫn và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị cơ sở.
Bộ, Ngành Tư pháp đã có bước đổi mới việc tổ chức họp, hội nghị, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành, như: tăng cường hội nghị trực tuyến, qua đó giúp tiết kiệm được thời gian, kinh phí, mở rộng thành phần dự họp; gửi, nhận tài liệu điện tử, góp phần cải tiến phương thức làm việc theo hướng hành chính điện tử, bảo đảm sự liên thông, kịp thời và tiết kiệm.
Đặc biệt, thực hiện chủ trương nâng cao hiệu quả, chất lượng, giảm thiểu số lượng cuộc họp, các chuyến công tác địa phương không cần thiết, Bộ Tư pháp đã ban hành Kế hoạch 6 tháng cuối năm về tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, trong đó đã thực hiện rà soát, lồng ghép và cắt giảm khoảng 20% số hội nghị, hội thảo, tọa đàm và các chuyến công tác địa phương trong năm 2016 so với đề xuất ban đầu của các đơn vị. Công tác hướng dẫn chuyên môn, trả lời kiến nghị của địa phương, pháp chế Bộ, ngành được quan tâm đẩy mạnh, nhìn chung đã kịp thời tháo gỡ vướng mắc về chuyên môn nghiệp vụ.
Bộ Tư pháp đã chủ động, kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí, các tầng lớp nhân dân, doanh nghiệp các chính sách pháp luật, các giải pháp chỉ đạo, điều hành. Việc tổ chức họp báo thường kỳ tiếp tục được đổi mới, kịp thời thông báo kết quả công tác tư pháp, các vấn đề quan trọng được dư luận quan tâm. Công tác thông cáo báo chí về VBQPPL do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành được duy trì hàng tháng. Bộ Tư pháp đã ban hành mới Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của Bộ Tư pháp và Hệ thống Thi hành án dân sự (theo Quyết định số 1431/QĐ-BTP ngày 05/7/2016), trong đó, bên cạnh việc quy định phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí tại Bộ Tư pháp, đã bổ sung yêu cầu Cục trưởng các Cục THADS tổ chức cung cấp thông tin cho báo chí theo định kỳ và đột xuất. Nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo thực hiện tốt chức năng giám sát của nhân dân, giải quyết các phản ánh, kiến nghị của nhân dân đối với công tác tư pháp, Bộ Tư pháp và một số Sở Tư pháp (như Đồng Nai...) đã ban hành Kế hoạch và đang tích cực chuẩn bị tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân về công tác tư pháp.
II. KẾT QUẢ CÔNG TÁC TRONG CÁC LĨNH VỰC CỤ THỂ
1.1. Công tác xây dựng VBQPPL
- Trong 6 tháng đầu năm 2016, Bộ Tư pháp cùng các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã nỗ lực hoàn thành khối lượng lớn công việc nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách phục vụ phát triển đất nước, được Chính phủ biểu dương tại Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 6/2016. Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, tại kỳ họp thứ 11, các Bộ, ngành đã giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội khóa XIII thông qua hoặc cho ý kiến 07 luật[3], trong đó có những dự án luật quan trọng triển khai thi hành Hiến pháp 2013 như: Luật tiếp cận thông tin, Luật báo chí (sửa đổi); Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi)... Cùng với đó, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 cũng đã được Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan hoàn thiện để trình Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ nhất. Hiện nay, các Bộ, ngành đang tích cực xây dựng, hoàn thiện các dự án luật quan trọng khác như: Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi), Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi), Luật quy hoạch, Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Luật quản lý ngoại thương, Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)...
- Đối với công tác xây dựng VBQPPL thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các Bộ, ngành, trong 6 tháng đầu năm, các Bộ, cơ quan đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền hơn 400 văn bản, trong đó có 55 văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh (21 nghị định, 02 quyết định, 28 thông tư, 04 thông tư liên tịch) và chùm nghị định quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, đáp ứng yêu cầu thực thi Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp và tạo thuận lợi tối đa cho “khởi nghiệp”, cho môi trường đầu tư kinh doanh.
Riêng Bộ Tư pháp đã trình 18/18 văn bản, đề án có thời hạn phải trình trong 6 tháng đầu năm 2016, đạt tỷ lệ 100%. Bên cạnh đó, thực hiện công tác theo dõi tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, hàng tháng, Bộ Tư pháp đều phối hợp với các Bộ, ngành quyết tâm giảm nợ đọng VBQPPL thông qua việc đôn đốc hoặc tổ chức làm việc với các Bộ, ngành nợ đọng nhiều; hàng tháng, quý, Bộ Tư pháp đã có báo cáo Chính phủ về tình hình xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết trình Chính phủ tại các Phiên họp thường kỳ, nhờ đó, tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã từng bước được khắc phục hiệu quả.
- Tại các địa phương, 6 tháng đầu năm 2016 đã ban hành 1.548 VBQPPL cấp tỉnh (giảm 64 văn bản so với cùng kỳ năm 2015); 2.923 VBQPPL cấp huyện (giảm 690 văn bản so với cùng kỳ năm 2015); việc ban hành VBQPPL đáp ứng kịp thời yêu cầu chỉ đạo, điều hành các mặt kinh tế - xã hội trên địa bàn, cơ bản bảo đảm chất lượng, tiến độ và quy trình soạn thảo.
- Công tác thẩm định VBQPPL tiếp tục được chú trọng nâng cao chất lượng và gắn kết chặt chẽ hơn với công tác kiểm soát thủ tục hành chính. Trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn Ngành Tư pháp đã tổ chức thẩm định 4.851 dự thảo VBQPPL (tăng 10,37% so với cùng kỳ năm 2015), trong đó có 4.311 dự thảo VBQPPL do các Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp thẩm định; Tổ chức Pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã thẩm định 389 văn bản; Bộ Tư pháp đã thẩm định 151 dự thảo VBQPPL và 61 điều ước quốc tế.
Đặc biệt, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan đẩy nhanh tiến độ thẩm định các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh và đã hoàn thành thẩm định đối với 50/50 nghị định theo Luật đầu tư và Luật doanh nghiệp, qua đó đã đề nghị cắt giảm nhiều thủ tục, giấy phép, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương đổi mới công tác thẩm định văn bản, Bộ Tư pháp đã tổ chức các cuộc họp tư vấn thẩm định với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học để thẩm định các VBQPPL. Nhìn chung, các ý kiến thẩm định dự thảo VBQPPL đã được các cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu, giải trình trước khi hoàn chỉnh và là cơ sở để cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành. Việc góp ý VBQPPL được toàn Ngành chú trọng thực hiện, ngày càng đi sâu vào chất lượng, nhất là bảo đảm tính khả thi của văn bản. Riêng tại Bộ Tư pháp, tính đến hết tháng 6/2016, đã thực hiện góp ý 447 dự thảo văn bản, trong đó có 163 điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế.
- Công tác kiểm tra VBQPPL: Sáu tháng đầu năm 2016, các Bộ, cơ quan, địa phương đã tiếp nhận kiểm tra theo thẩm quyền 17.181 VBQPPL (tăng 2.104 văn bản so với cùng kỳ năm 2015); qua kiểm tra, phát hiện 379 văn bản có dấu hiệu trái nội dung, thẩm quyền[4].
Riêng Bộ Tư pháp, trong 6 tháng đầu năm đã kiểm tra 1.443 văn bản (gồm 497 văn bản của các Bộ, cơ quan, 946 văn bản của địa phương); bước đầu phát hiện 58 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền ban hành (22 văn bản của các Bộ, cơ quan, 36 văn bản của địa phương); Bộ đã thông báo kiểm tra đối với 54 văn bản, còn 04 văn bản đã được cơ quan ban hành văn bản tiếp thu, tự xử lý sau khi Bộ Tư pháp tổ chức họp và trao đổi về các nội dung trái pháp luật[5]. Đến nay, 09 văn bản đã được xử lý; 16 văn bản đã có hướng xử lý; 33 văn bản đang xử lý[6].
- Công tác rà soát VBQPPL được các Bộ, ngành, địa phương thực hiện thường xuyên, qua đó kịp thời phát hiện văn bản hết hiệu lực thi hành hoặc không còn phù hợp với văn bản mới được ban hành, trong đó, đã hoàn thành bước đầu nhiệm vụ rà soát pháp luật và đánh giá tác động của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với hệ thống pháp luật Việt Nam và có báo cáo Chính phủ tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2016. Cùng với đó, nhiều Bộ, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện việc rà soát văn bản về đầu tư, kinh doanh[7], tích cực rà soát, lập và công bố Danh mục VBQPPL hết hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ, cơ quan, góp phần giúp cho hệ thống pháp luật được minh bạch, dễ tiếp cận, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong áp dụng.
- Công tác hợp nhất VBQPPL, pháp điển hệ thống QPPL ngày càng đi vào nề nếp. Bộ Tư pháp thường xuyên theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn các Bộ, ngành thực hiện việc hợp nhất bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ. Trong sáu tháng đầu năm 2016, Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định 09 Đề mục[8], nâng tổng số đề mục đã được thẩm định lên 25 đề mục. Nhiều Bộ, ngành đã quan tâm chỉ đạo công tác pháp điển, bố trí biên chế, kinh phí triển khai công tác này. Đến nay, có 10/27 cơ quan thực hiện pháp điển đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ pháp điển cho công chức thuộc cơ quan mình[9].
Tính đến hết tháng 6 năm 2016, các Bộ, ngành, địa phương đã đánh giá tác động đối với 1.038 TTHC; đã cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và đăng tải công khai trên Cổng/Trang thông tin điện tử của Bộ, ngành, địa phương 31.584 TTHC; tiếp nhận và xử lý 2.386 phản ánh kiến nghị về hành vi hành chính, quy định hành chính; thẩm định 1.653 TTHC trong 349 VBQPPL.
Bộ Tư pháp đã tham gia ý kiến đối với 322 TTHC, qua đó, đề nghị không quy định 50 thủ tục không cần thiết, sửa đổi 250 thủ tục không hợp lý; thực hiện thẩm định 606 TTHC, qua đó, đề nghị không quy định 53 thủ tục, sửa đổi 149 thủ tục. Ngoài ra Bộ Tư pháp đã hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch triển khai thiết lập Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết TTHC tại các cấp chính quyền; phối hợp với các Bộ, ngành trong việc thực hiện Kế hoạch đơn giản hóa TTHC trọng tâm ban hành kèm theo Quyết định số 08/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, 3/5 Bộ đã trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa 13 nhóm TTHC trọng tâm[10].
Thực hiện vai trò là cơ quan Thường trực Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo Đề án 896, Bộ Tư pháp đã nghiên cứu, xử lý các đề xuất đơn giản hóa quy định, TTHC đối với một số lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của các Bộ: Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Y tế; chỉ đạo thực hiện rà soát độc lập 2.105 TTHC có chứa thông tin công dân để kiến nghị phương án đơn giản hóa, kết quả rà soát, đơn giản hóa TTHC trong một số lĩnh vực đã có tác động tích cực đến người dân, doanh nghiêp như bảo hiểm, công thương, y tế[11].
3. Công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC), theo dõi thi hành pháp luật (TDTHPL)
Thể chế cho công tác XLVPHC tiếp tục được quan tâm hoàn thiện. Bộ Tư pháp đã xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định số 20/2016/NĐ-CP ngày 30/3/2016 quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về XLVPHC. Các Bộ, ngành, đã tích cực hoàn thiện thể chế về XLVPHC trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ, ngành; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng pháp luật về XLVPHC; từng bước quan tâm chỉ đạo, nâng cao chất lượng công tác XLVPHC[12].
Theo báo cáo của các Bộ, ngành và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong 6 tháng đầu năm 2016[13], có 3.348.063 vụ vi phạm hành chính bị phát hiện, đã xử phạt 3.249.223 vụ việc; số vụ có dấu hiệu tội phạm được chuyển để truy cứu trách nhiệm hình sự là 3.279 vụ; có 2.974.380 đối tượng bị xử phạt; tổng số tiền phạt thu được hơn 2.773 tỷ đồng. Về việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, có 28.212 đối tượng bị đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính; trong đó có 12.552 đối tượng bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; 15.660 đối tượng bị đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính do TAND quyết định.
Công tác TDTHPL tiếp tục được chú trọng, gắn với công tác kiểm tra VBQPPL và kiểm soát TTHC. Các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành kế hoạch và tổ chức TDTHPL trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý và các lĩnh vực đang thu hút nhiều sự quan tâm của dư luận[14] và lĩnh vực được xác định trọng tâm của TDTHPL trong năm 2016 (theo Nghị quyết số 98/2015/QH13 của Quốc hội) là pháp luật về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai. Riêng Bộ Tư pháp đã tổ chức kiểm tra tình hình thi hành pháp luật tại 03 Bộ, ngành (Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) và 02 địa phương (Lạng Sơn, Bắc Giang). Một số địa phương (như An Giang...) đã thiết lập được đội ngũ cộng tác viên theo dõi tình hình thi hành pháp luật, khảo sát tình hình thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.
4. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), hòa giải ở cơ sở
- Xác định công tác PBGDPL là một trong những công cụ quan trọng trong quá trình chuyển hướng chiến lược từ xây dựng pháp luật sang hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật, công tác PBGDPL tiếp tục được các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm, chỉ đạo, bám sát các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội theo đúng quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật và Luật hòa giải ở cơ sở. Nhiều mục tiêu, quan điểm, chính sách mới trong quá trình xây dựng luật gắn với những vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần định hướng dư luận để tạo đồng thuận trong xã hội đã được chú trọng phổ biến. Đội ngũ người làm công tác PBGDPL tiếp tục được rà soát, củng cố, kiện toàn. Đến nay, cả nước đã có 21.719 Báo cáo viên pháp luật, tăng 1.349 người, tương đương với 6,62% so với cùng kỳ năm 2015 (cấp Trung ương: 1.162 người; cấp tỉnh: 5.704 người; cấp huyện: 14.853 người) và 134.354 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2015.
Các Bộ, ngành, địa phương cũng đã tổ chức nhiều Hội nghị tập huấn, phổ biến văn bản pháp luật mới, nhất là tổ chức các đợt cao điểm tuyên truyền phổ biến Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp thể hiện qua số cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật tăng đến 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2015, với 1.088.694 cuộc tuyên truyền cho 47.910.186 lượt người; phát miễn phí 64.760.222 tài liệu tuyên truyền, PBGDPL. Bộ Tư pháp đã tổ chức 11 Hội nghị tập huấn giới thiệu các văn bản pháp luật mới cho Lãnh đạo, công chức thực hiện công tác PBGDPL trên toàn quốc. Các hoạt động PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam tiếp tục phát huy hiệu quả, liên tục cập nhập, đưa tin về các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước đến với đồng bào, nhân dân cả nước. Bên cạnh phương thức PBGDPL truyền thống, các Bộ, ngành, địa phương cũng đã bước đầu có những đổi mới[15] trong công tác PBGDPL.
- Công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục thể hiện vai trò quan trọng trong gắn kết cộng đồng dân cư, bảo đảm ổn định trật tự an toàn cơ sở; Bộ, Ngành Tư pháp đang tích cực chuẩn bị tổ chức Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ 3. Theo thống kê, hiện cả nước có 117.660 Tổ hòa giải; 669.873 hòa giải viên; trong 6 tháng đầu năm 2016 cả nước tiếp nhận 103.381 vụ việc hòa giải, trung bình tỷ lệ hòa giải thành đạt trên 73,41% (tăng trên 0,33% so với cùng kỳ năm 2015). Một số địa phương có tỷ lệ hoà giải thành cao (như Hà Nam - 95,8%, Yên Bái - 91,7%, Vĩnh Long - 88,4%, Quảng Bình - 86,2%, Long An - 85,2%, Gia Lai - 84,7%).
5. Công tác thi hành án dân sự (THADS)
Thể chế cho công tác THADS, hành chính tiếp tục được chú trọng hoàn thiện; Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định về thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án. Toàn Hệ thống THADS chú trọng nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính, tập trung giải quyết các vụ việc thu hồi tài sản cho nhà nước, các vụ việc liên quan đến tín dụng ngân hàng. Một số kết quả cụ thể là:
- Về việc: Tổng số thụ lý là 643.722 việc, tăng 4,79% so với cùng kỳ năm 2015 trong đó, số có điều kiện thi hành là 526.562 việc, giảm 11,64% so với cùng kỳ năm 2015. Trong số có điều kiện thi hành, đã giải quyết xong 296.041 việc (tăng 6,59% so với cùng kỳ năm 2015), đạt tỉ lệ 56,22% (tăng 9,62% so với cùng kỳ năm 2015). Một số địa phương đạt kết quả cao về việc là: Lai Châu (86,88%,), Bắc Kạn (86,83%), Hà Tĩnh (78,47%), Quảng Bình (73,94%)... |
|
Biểu đồ số 01: Kết quả THADS về việc 6 tháng đầu năm 2015-2016 |
|
- Về tiền: Tổng số thụ lý là trên 127.481 tỷ 139 triệu đồng, tăng 13,49% so với cùng kỳ năm 2015 trong đó, số có điều kiện thi hành là trên 100.600 tỷ 867 triệu đồng, tăng 0,29% so với cùng kỳ năm 2015. Trong số có điều kiện thi hành, đã giải quyết xong trên 14.083 tỷ 361 triệu đồng (tăng 26,92% so với cùng kỳ năm 2015); đạt tỉ lệ 14,00% (tăng 2,94% so với cùng kỳ năm 2015). Một số địa phương đạt kết quả cao về tiền và khả năng hoàn thành chỉ tiêu sớm là: Hải Dương (76,4%), Điện Biên (58,41%), Quảng Nam (33,36%), Đà Nẵng (29,93%)... |
|
Biểu đồ số 02: Kết quả THADS về tiền 6 tháng đầu năm 2015-2016 |
Cùng với việc tăng cường vận động, thuyết phục đương sự, các cơ quan THADS đã ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với 4.513 trường hợp, giảm 42 trường hợp (0,92%) so với cùng kỳ năm 2015. Trong số các trường hợp đã ra quyết định cưỡng chế thi hành án, có 2.225 trường hợp cưỡng chế không huy động lực lượng (tăng 198 trường hợp so với cùng kỳ) và 2.285 trường hợp cưỡng chế có huy động lực lượng (giảm 223 trường hợp so với cùng kỳ).
- Về thi hành án hành chính cũng được quan tâm, số việc phải đôn đốc thi hành án hành chính đã tiếp nhận là 182 việc (trong đó, số việc năm trước chuyển sang là 69 việc, số việc thụ lý mới là 113 việc), tăng 14 việc (8,3%) so với cùng kỳ năm 2015. Kết quả: đã có văn bản đôn đốc đối với 175 việc, đạt tỷ lệ 96,15%, còn 05 việc chưa có văn bản đôn đốc (trong số 175 việc đã có văn bản đôn đốc, có 87 việc đã thi hành xong, đạt tỷ lệ 49,7%, số việc chưa thi hành xong là 88 việc).
- Thực hiện chủ trương hướng mạnh về cơ sở, Bộ Tư pháp đã tăng cường công tác kiểm tra chuyên đề, kiểm tra đột xuất; các cơ quan THADS địa phương đã xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra công tác THADS tại địa phương, trong đó tập trung kiểm tra việc thực hiện trình tự, thủ tục thi hành án, kế toán nghiệp vụ, việc quản lý, sử dụng nguồn kinh phí cưỡng chế thi hành án, tình hình thu, nộp phí thi hành án.
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được chỉ đạo sát sao, đảm bảo giải quyết đúng thời hạn, giải quyết ngay tại cơ sở, hạn chế tình trạng khiếu kiện vượt cấp. Sáu tháng đầu năm, toàn Hệ thống đã tiếp nhận 3.839 đơn khiếu nại và 518 đơn tố cáo, trong đó số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền là 1.707 việc, đã giải quyết được 1.492 việc, đạt tỷ lệ 87,4%, đang tiếp tục giải quyết 215 việc.
Việc phối hợp trong THADS ngày càng phát huy hiệu quả, nhất là ở các địa phương. Bộ Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng các Quy chế phối hợp trong công tác THADS[16]; phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo rà soát khoản tiền trại giam đã thu của người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù; ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật đối với các cơ quan THADS, kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho địa phương.
- Công tác tổ chức cán bộ trong Hệ thống THADS được tập trung kiện toàn đối với những địa bàn còn hạn chế, yếu kém; điều chỉnh chỉ tiêu biên chế căn cứ trên số lượng án, tăng cường, biệt phái Chấp hành viên, công chức cho các địa bàn quá tải công việc, từng bước thực hiện luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác trong toàn Hệ thống THADS. Toàn Hệ thống đến nay có 3.948 Chấp hành viên, 598 Thẩm tra viên, 1.731 Thư ký thi hành án. Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công kỳ thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp và hiện nay đang tích cực chuẩn bị cho lần đầu tiên thi tuyển công chức tập trung cho toàn Hệ thống THADS.
6.1. Công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực
- Công tác hộ tịch được tập trung thực hiện và có nhiều khởi sắc. Đã chủ động, kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương trong việc triển khai thi hành Luật hộ tịch và các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành. |
|
Biểu đồ số 03: Số khai sinh, khai tử, kết hôn 6 tháng đầu năm 2015-2016 |
|
Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến hết tháng 6 năm 2016, đã thực hiện đăng ký khai sinh cho 956.581 trường hợp (giảm hơn 4,87% so với cùng kỳ năm 2015), đăng ký khai sinh lại cho 250.715 trường hợp (tăng gần 6,0% so với cùng kỳ năm 2015); khai tử cho 288.090 trường hợp (tăng gần 4,4% so với cùng kỳ năm 2015), đăng ký kết hôn cho 397.715 cặp (giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm 2015) trong đó có 7.503 trường hợp có yếu tố nước ngoài. Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã triển khai thí điểm phân hệ phần mềm đăng ký khai sinh tại các thành phố: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và huyện Quế Phong - tỉnh Nghệ An; thường xuyên hỗ trợ các địa phương tham gia sử dụng, khai thác phân hệ. Đến ngày 05/7/2016, Hệ thống đã thực hiện đăng ký khai sinh cho 149.831 trường hợp và cấp số định danh cho cá nhân 130.487 trường hợp đăng ký khai sinh mới. |
- Công tác quốc tịch: Việc giải quyết hồ sơ cho nhập, cho thôi, cho trở lại quốc tịch Việt Nam bảo đảm đúng quy định pháp luật; các Bộ, cơ quan đã phối hợp giải quyết kịp thời và ngày càng đồng bộ hơn. Cơ sở dữ liệu quốc tịch cũng đã bước đầu được hình thành, đáp ứng yêu cầu về tra cứu thông tin quốc tịch của các cơ quan và địa phương, hướng đến việc thực hiện qua mạng điện tử trên toàn quốc đối với các dịch vụ công trong lĩnh vực quốc tịch. Sáu tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã trình Chủ tịch nước giải quyết 2.708 hồ sơ quốc tịch (trong đó có 2.699 hồ sơ xin thôi quốc tịch, 05 hồ sơ xin nhập và 04 hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam); trả lời 1.940 trường hợp tra cứu, xác minh quốc tịch Việt Nam theo đề nghị của các cơ quan.
- Công tác chứng thực: Các quy định liên quan đến hoạt động chứng thực được triển khai thi hành đồng bộ, hiệu quả trong cả nước, đáp ứng yêu cầu của tổ chức, cá nhân. Trên toàn quốc, đã chứng thực 45.005.694 bản sao (tăng gần 26% so với năm 2015[17]); thực hiện được 3.475.215 việc chứng thực hợp đồng, giao dịch, chữ ký và các văn bản thỏa thuận khác (tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2015).
6.2. Công tác nuôi con nuôi: Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ký Quy chế số 721/QC-BTP-BLĐTBXH ngày 14/3/2016 về việc phối hợp công tác giải quyết việc nuôi con nuôi nhằm hướng đến giải quyết kịp thời, tạo điều kiện để trẻ em đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại các cơ sở trợ giúp xã hội được làm con nuôi theo quy định của pháp luật. Công tác tìm gia đình thay thế cho trẻ em ở nước ngoài, đặc biệt là cho trẻ em bị khuyết tật, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo không có cơ hội tìm gia đình thay thế ở Việt Nam được đẩy mạnh. Có 49 địa phương tham gia giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài, trong đó có 43 địa phương có cơ sở nuôi dưỡng với 71 cơ sở; 41/49 địa phương đã ban hành Quy chế phối hợp liên ngành trong giải quyết việc nuôi con nuôi nước ngoài.
Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan có thẩm quyền đã giải quyết 1.026 trường hợp nuôi con nuôi trong nước (giảm 223 trường hợp so với cùng kỳ năm 2015); 257 trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài (giảm 12 trường hợp so với cùng kỳ năm 2015).
6.3. Công tác lý lịch tư pháp (LLTP) tập trung ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng đảm bảo nhận và trả kết quả cấp phiếu LLTP cho công dân tốt, đúng thời hạn hơn. Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổng kết và tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 05 năm thi hành Luật LLTP; đề xuất các định hướng lớn để xây dựng Luật LLTP (sửa đổi). Triển khai Phần mềm đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến và giải pháp tích hợp cấp phiếu LLTP trực tuyến với dịch vụ tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả cấp phiếu LLTP qua bưu chính, đến nay có 40 Sở Tư pháp và Trung tâm LLTP quốc gia - Bộ Tư pháp đã triển khai cấp Phiếu LLTP trực tuyến.
Tính đến hết tháng 6 năm 2016 các Sở Tư pháp đã cấp được 155.272 phiếu LLTP[18] (tăng 24.691 Phiếu so với cùng kỳ năm 2015). Bộ Tư pháp cấp 199 phiếu LLTP của người nước ngoài đã từng cư trú tại Việt Nam; tiếp nhận, kiểm tra, phân loại được: 113.320 thông tin; cung cấp 29.107 thông tin cho các Sở Tư pháp; đưa vào lưu trữ 33.450 hồ sơ LLTP bằng giấy. |
|
Biểu đồ số 04: Số Phiếu LLTP đã cấp 6 tháng đầu năm 2015-2016 |
6.4. Công tác đăng ký giao dịch bảo đảm (ĐKGDBĐ): Bộ Tư pháp đang tích cực thực hiện nâng cấp phần mềm đăng ký trực tuyến giao dịch, bảo đảm đạt mức độ 4 về cung cấp dịch vụ công trực tuyến để triển khai từ năm 2017, qua đó sẽ góp phần giảm thiểu các TTHC trong lĩnh vực này. Sáu tháng đầu năm, các Trung tâm ĐKGDBĐ đã giải quyết 310.874 yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin về giao dịch bảo đảm và văn bản thông báo về việc thế chấp phương tiện giao thông (tăng khoảng 66% so với cùng kỳ năm 2015), trong đó đơn trực tuyến là 116.672 đơn, chiếm tỷ lệ 53,7% tổng số đơn yêu cầu đăng ký, cung cấp thông tin; Bộ Giao thông vận tải và các địa phương đã giải quyết 1.279.627 đơn ĐKGDBĐ bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, cung cấp thông tin về ĐKGDBĐ về bất động sản (bao gồm tàu bay, tàu biển).
6.5. Công tác bồi thường nhà nước: Bộ Tư pháp đã phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ, ngành, địa phương tổ chức tổng kết 05 năm thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước và đang tích cực xây dựng dự án Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước (sửa đổi). Các hoạt động theo dõi, đôn đốc, kiểm tra hoạt động giải quyết bồi thường được thực hiện thường xuyên; công tác phối hợp quản lý nhà nước trong công tác bồi thường (nhất là trong lĩnh vực tố tụng) được thực hiện hiệu quả hơn; việc rà soát, lập danh sách, hướng dẫn giải quyết các vụ việc bồi thường được bảo đảm kịp thời. Trong 6 tháng đầu năm 2016, các cơ quan có trách nhiệm bồi thường trên cả nước đã thụ lý 69 vụ việc (trong đó có 17 vụ việc thụ lý mới, giảm 05 vụ so với cùng kỳ năm 2015), đã giải quyết xong 15/69 vụ việc. Số tiền Nhà nước phải bồi thường trong các quyết định giải quyết bồi thường, bản án, quyết định về giải quyết bồi thường đã có hiệu lực pháp luật là 08 tỷ 721 triệu 392 nghìn đồng (giảm 5 tỷ 678 triệu 061 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2015). Trong lĩnh vực THADS, đã giải quyết xong 8/20 vụ việc (đạt tỷ lệ 40%) với số tiền phải bồi thường 3 tỷ 998 triệu 692 nghìn đồng, hiện còn 12 vụ việc đang giải quyết.
Bộ Tài chính đã tiếp nhận và thực hiện cấp phát kinh phí chi trả tiền bồi thường đối với 12 hồ sơ với tổng số tiền cấp phát là 24 tỷ 827 triệu 605 nghìn đồng[19].
7.1. Công tác bổ trợ tư pháp
Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp đã đạt được một số kết quả quan trọng: công tác hoàn thiện thể chế tiếp tục được tăng cường với việc tiếp tục hoàn thiện dự án Luật đấu giá tài sản để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV (tháng 10/2016); việc phát triển các nghề tư pháp như luật sư, công chứng, đấu giá tài sản, quản tài viên tiếp tục được tăng cường theo định hướng phát triển số lượng đi đôi với tăng cường chất lượng và theo quy hoạch, lộ trình phù hợp; việc thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp ngày càng được các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm thực hiện.
- Trong lĩnh vực luật sư, tư vấn pháp luật, việc triển khai Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020, Đề án phát triển đội ngũ luật sư phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế từ năm 2010 đến năm 2020 tiếp tục được thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Bộ Tư pháp đã chủ động, tích cực phối hợp với các Bộ, ban, ngành và Liên đoàn Luật sư Việt Nam thực hiện việc kiện toàn chức danh Chủ tịch Liên đoàn luật sư Việt Nam nhiệm kỳ II, góp phần tạo cơ sở để Liên đoàn củng cố tổ chức ngày càng vững chắc... |
|
Biểu đồ số 05: Số lượng luật sư và tổ chức hành nghề luật sư 6 tháng đầu năm 2015-2016 |
Sáu tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư cho 485 trường hợp, cấp Giấy phép hành nghề tại Việt Nam cho 21 trường hợp luật sư nước ngoài. Cả nước hiện có tổng số 10.223 luật sư và 3.612 tổ chức hành nghề luật sư. Các luật sư đã tham gia 117.531 việc (giảm trên 27,2% so với cùng kỳ năm 2015), nộp thuế trên 61,3 tỷ đồng (giảm hơn 19,3% so với cùng kỳ 2015).
- Về lĩnh vực công chứng, việc xã hội hóa hoạt động công chứng tiếp tục được thực hiện theo đúng định hướng, quy hoạch, lộ trình phù hợp; tiếp theo tỉnh Lâm Đồng, sáu tháng đầu năm 2016, một số địa phương (như thành phố Cần Thơ, Hà Nội...) đã thực hiện việc chuyển đổi, xây dựng Đề án để chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng.
Sáu tháng đầu năm 2016, Bộ Tư pháp đã tổ chức thành công kỳ kiểm tra tập sự hành nghề công chứng lần thứ nhất cho hơn 200 thí sinh trên cả nước đảm bảo nghiêm túc, công khai, công bằng, khách quan, hiệu quả, tiết kiệm; bổ nhiệm Công chứng viên cho 26 trường hợp; cả nước có 923 tổ chức hành nghề công chứng (141 phòng công chứng và 782 văn phòng công chứng) với 1.888 Công chứng viên đang hành nghề; cả nước có 17 Hội công chứng viên đã được thành lập, đi vào hoạt động. Bộ Tư pháp đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt Đề án thành lập Hiệp hội công chứng viên Việt Nam, tạo điều kiện cho công chứng Việt Nam hội nhập, giao lưu và phát triển, thực hiện nghĩa vụ với Liên minh công chứng quốc tế (UINL) mà Việt Nam là thành viên. Các tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng được 2.073.467 hợp đồng, giao dịch (giảm khoảng 0,21% so với cùng kỳ năm 2015), đóng góp cho Ngân sách nhà nước hoặc nộp thuế trên 288,5 tỷ đồng.
- Về lĩnh vực giám định tư pháp, tổ chức và hoạt động giám định tư pháp tiếp tục có chuyển biến tích cực, bám sát Luật giám định tư pháp và Đề án 258 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Tư pháp đã thực hiện việc thanh tra công tác giám định tư pháp đối với Viện pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa và Trung tâm pháp y tỉnh Đồng Nai, qua hoạt động thanh tra đã góp phần phát hiện một số điểm bất cập trong các quy định của pháp luật để kiến nghị sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, đồng thời chấn chỉnh những thiếu sót, hạn chế trong tổ chức và hoạt động của các đơn vị giám định tư pháp. Cả nước đã có 137 tổ chức giám định tư pháp công lập, 01 văn phòng giám định tư pháp, 159 tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, 5.277 Giám định viên tư pháp và 1.086 người giám định tư pháp theo vụ việc.
- Về lĩnh vực bán đấu giá tài sản, trọng tài thương mại, hòa giải thương mại, sáu tháng đầu năm, các tổ chức bán đấu giá ở các địa phương đã tổ chức đấu giá thành 9.594 cuộc, nộp ngân sách hơn 293,36 tỷ đồng. Bộ Tư pháp đã cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá viên cho 176 trường hợp, cấp lại cho 02 trường hợp và tiến hành thu hồi 06 trường hợp; cả nước có 865 Đấu giá viên đang hành nghề; Bộ Tư pháp cũng đã thẩm tra hồ sơ và cấp Giấy phép thành lập cho 04 Trung tâm trọng tài.
- Về lĩnh vực quản lý thanh lý tài sản, thừa phát lại, việc phát triển và quản lý các nghề mới như Quản tài viên, Thừa phát lại cũng được quan tâm chú trọng. Trong 6 tháng đầu năm 2016, Bộ Tư pháp đã tổ chức 02 Lớp bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng hành nghề quản lý, thanh lý tài sản cho hơn 140 Quản tài viên; có công văn hướng dẫn việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chế định Thừa phát lại tại địa phương... Ngoài ra, Bộ Tư pháp đã thẩm tra hồ sơ và cấp Chứng chỉ quản tài viên cho 142 trường hợp, nâng tổng số người đã được cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên lên 679 người; cả nước hiện có 53 Văn phòng thừa phát lại với 328 Thừa phát lại.
7.2. Công tác trợ giúp pháp lý (TGPL): Bộ Tư pháp đã phối hợp với Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện dự án Luật TGPL (sửa đổi) theo hướng lấy quyền và lợi ích hợp pháp của người được TGPL làm trung tâm; bảo đảm chất lượng dịch vụ TGPL theo hướng chuẩn hóa đội ngũ người thực hiện TGPL, nâng cao các điều kiện, tiêu chuẩn đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý. Tập trung vào việc thực hiện vụ việc tham gia tố tụng với việc ban hành chỉ tiêu vụ việc tham gia tố tụng cho Trợ giúp viên pháp lý năm 2016, trên cơ sở đó một số địa phương đã ban hành chỉ tiêu vụ việc cho Trợ giúp viên pháp lý, đặc biệt có những địa phương đã tổ chức thực hiện vượt mức kế hoạch (Hà Nam, Cà Mau, Bến Tre...).
Đến nay, trong toàn quốc, đội ngũ người thực hiện TGPL được củng cố với 595 Trợ giúp viên pháp lý, 1.239 Luật sư, 974 Tư vấn viên pháp luật tham gia TGPL với tư cách cá nhân và 9.400 Cộng tác viên khác thực hiện TGPL. Sáu tháng đầu năm 2016, các Trung tâm TGPL đã thực hiện 40.921 vụ việc TGPL cho 41.440 lượt người, trong đó số vụ việc tham gia tố tụng ở nhiều địa phương tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái (như Quảng Nam tăng 240%; Lạng Sơn tăng 200%; Bến Tre tăng 190%; Gia Lai tăng 63%…).
- Công tác điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế: Công tác thẩm định điều ước quốc tế, góp ý điều ước, thỏa thuận quốc tế được thực hiện cơ bản bảo đảm tiến độ, chất lượng; tiếp tục chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát pháp luật bảo đảm thực thi Hiệp định TPP để báo cáo Chính phủ cuối năm 2016; hoàn thành việc nộp văn kiện gia nhập Công ước La Hay về tống đạt giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự, thương mại.
- Công tác giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế: Tiếp tục chủ động nghiên cứu và phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương giải quyết 03 vụ kiện tranh chấp đầu tư quốc tế; phối hợp với các Bộ, ngành và luật sư quốc tế tư vấn, đại diện cho Chính phủ Việt Nam thực hiện các hoạt động tố tụng trọng tài quốc tế; phối hợp và hỗ trợ các địa phương trong việc nâng cao năng lực xử lý các vấn đề pháp luật quốc tế, giải quyết tranh chấp do nhà đầu tư nước ngoài kiện UBND cấp tỉnh.
Tính đến hết tháng 6 năm 2016, Bộ Tư pháp đã cấp 21 ý kiến pháp lý cho các hiệp định vay nước ngoài, bảo đảm nguồn vốn và các điều kiện pháp lý cho các chương trình, dự án nước ngoài; tiếp nhận, chuyển giao và trả kết quả 1.836 hồ sơ ủy thác tư pháp (giảm 217 hồ sơ so với cùng kỳ năm 2015); tiếp nhận và chuyển 10 yêu cầu công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của Toà án nước ngoài, Trọng tài nước ngoài (tăng 05 yêu cầu so với cùng kỳ năm 2015).
Bộ tiếp tục thực hiện tốt vai trò đầu mối trong việc vận động, thu hút sự hỗ trợ quốc tế cho các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật. Công tác quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về pháp luật được tăng cường theo hướng thiết thực, hiệu quả hơn, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành. Các hoạt động hợp tác quốc tế song phương về pháp luật được đẩy mạnh. Bên cạnh duy trì các hoạt động hợp tác truyền thống, quan hệ hợp tác với các đối tác đặc biệt của Việt Nam như Lào, Campuchia, Cuba tiếp tục được duy trì và làm sâu sắc, trong đó đã tích cực triển khai xây dựng dự án cấp ODA cho Bộ Tư pháp Lào, phối hợp đề xuất tổ chức Hội nghị Tư pháp các tỉnh đường biên với Lào, Campuchia. Bộ Tư pháp đã xây dựng, đàm phán, ký kết 28 Thỏa thuận hợp tác, chương trình, kế hoạch hợp tác; chuẩn bị và tổ chức 06 đoàn công tác nước ngoài của Lãnh đạo Bộ; tổ chức tiếp đón 31 đoàn và tiếp 30 lượt khách quốc tế khác.
- Công tác tổ chức xây dựng Ngành có sự chủ động gắn kết chặt chẽ và kịp thời với các sự kiện chính trị lớn của đất nước, như Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Tại đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV vừa qua, có 03 cán bộ, công chức của Bộ và 08 cán bộ, công chức của Sở Tư pháp, Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố trúng cử đại biểu Quốc hội.
Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định kiện toàn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đối với 03 đơn vị thuộc Bộ; nghiên cứu, xây dựng và thẩm định 09 Đề án về thành lập, đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị; thực hiện quy trình bổ nhiệm, giao quyền, giao phụ trách đối với 12 trường hợp, bổ nhiệm lại 07 trường hợp Lãnh đạo cấp Vụ theo đúng thẩm quyền, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục. Công tác tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, chuyển công tác đối với cán bộ, công chức tiếp tục được thực hiện theo đúng quy định. Công tác biên chế đã bám sát các chủ trương của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ; Đề án vị trí việc làm và cơ cấu ngạch công chức của các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp đã được Bộ Nội vụ phê duyệt; đang tích cực xây dựng Đề án tinh giản biên chế Bộ Tư pháp giai đoạn 2015-2021 (bao gồm cả Hệ thống THADS) theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW và Nghị định số 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế.
Ở các địa phương, thực hiện Thông tư liên tịch số 23/2014/TTLT-BTP-BNV, đến nay đã có 62/63[20] Sở Tư pháp được ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức và thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy của Sở, trong đó 54/63 Sở Tư pháp được cơ cấu gồm 08 phòng thực hiện chức năng quản lý (Văn phòng, Thanh tra và 06 Phòng chuyên môn, nghiệp vụ)[21]. Cả nước có 709[22] Phòng Tư pháp, với tổng số 3.186 người (bình quân 4,5 người/một Phòng Tư pháp). Tổng số công chức Tư pháp - Hộ tịch giúp UBND cấp xã thực hiện nhiệm vụ tư pháp là 17.675 người, trong đó 6.132/11.170 xã, phường, thị trấn đã bố trí từ 02 công chức Tư pháp - Hộ tịch trở lên (chiếm tỷ lệ 54,9% xã, phường, thị trấn trên cả nước).
Đối với công tác pháp chế, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc sát sao công tác củng cố, kiện toàn tổ chức pháp chế và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức pháp chế; tổ chức Đoàn kiểm tra, khảo sát liên ngành về thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP tại một số tỉnh Tây Nguyên; trả lời các kiến nghị, yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác pháp chế của các Bộ, ngành, doanh nghiệp... Đến nay, ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có 2.612 người làm công tác pháp chế (1.340 người được bố trí làm công tác pháp chế chuyên trách, 1.272 người kiêm nhiệm); ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh trong cả nước, có 2.059 người làm công tác pháp chế (1.312 người chuyên trách, 747 người kiêm nhiệm).
- Công tác đào tạo và bồi dưỡng cán bộ tiếp tục được chú trọng trên cơ sở bám sát các tiêu chuẩn công chức, yêu cầu của vị trí việc làm và yêu cầu về nguồn nhân lực tư pháp chất lượng phục vụ mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã đang tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh thông qua việc tập trung chuẩn bị kỹ tài liệu bồi dưỡng; quy định việc cấp chứng chỉ bồi dưỡng; nghiên cứu mở rộng đối tượng giảng viên, báo cáo viên... Công tác đào tạo tại các cơ sở đào tạo thuộc Bộ tiếp tục có những bước đổi mới về nội dung, chương trình, quy mô và phạm vi và ngày càng được chuẩn hóa thông qua việc ban hành các Quy chế về đổi mới cơ chế, chính sách thu hút đội ngũ cán bộ, giáo viên có chất lượng về giảng dạy tại các Trường Trung cấp Luật; quản lý chứng chỉ đào tạo bồi dưỡng; phối hợp đưa học sinh các Trường Trung cấp Luật thuộc Bộ Tư pháp đi thực tập tại Phòng Tư pháp, Chi cục Thi hành án dân sự và UBND xã, phường, thị trấn… Sáu tháng đầu năm 2016, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức tốt nghiệp cho 1.731 sinh viên chính quy; Học viện Tư pháp đã tổ chức nhập học cho 1.891 học viên và công nhận tốt nghiệp cho 815 học viên luật sư, kiểm sát viên, đấu giá viên; các Trường Trung cấp luật đã tổ chức tuyển sinh 724[23] học sinh, công nhận tốt nghiệp cho 182[24] học sinh chính quy.
- Công tác nghiên cứu khoa học pháp lý: Bộ Tư pháp tiếp tục triển khai các đề án, đề tài khoa học; hoàn thiện Kế hoạch nghiên cứu các nhiệm vụ khoa học, nhiệm vụ môi trường, nhiệm vụ điều tra cơ bản của Bộ Tư pháp năm 2017 gửi về các Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường; tổ chức các hội đồng tư vấn đề cương nhiệm vụ môi trường (02 nhiệm vụ), nhiệm vụ điều tra cơ bản (02 nhiệm vụ), nhiệm vụ khoa học cấp cơ sở (05 nhiệm vụ). Tổ chức thành công hội đồng nghiệm thu chính thức 04 đề tài cấp Bộ, 02 đề án cấp Bộ và 02 nhiệm vụ điều tra cơ bản; hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch nghiên cứu khoa học năm 2017. Công tác nghiên cứu khoa học ở các cơ sở đào tạo của Bộ tiếp tục được chú trọng, bảo đảm gắn kết giữa nghiên cứu và đào tạo.
Công tác kế hoạch tiếp tục đi vào nề nếp và bám sát các nhiệm vụ trọng tâm công tác của Bộ, Ngành làm cơ sở để triển khai hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao. Chất lượng công tác thống kê được nâng lên một bước với việc ban hành Thông tư số 04/2016/TT-BTP ngày 03/3/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định một số nội dung về hoạt động thống kê Ngành Tư pháp.
Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước từ đầu năm và các quy định của pháp luật, sáu tháng đầu năm 2016, công tác quản lý ngân sách - tài sản, đầu tư xây dựng cơ bản tiếp tục được duy trì linh hoạt, hiệu quả. Việc xây dựng phương án phân bổ dự toán NSNN (bao gồm kinh phí chi thường xuyên và vốn đầu tư phát triển) được thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng thời hạn, bảo đảm các quy định của pháp luật. Việc đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các đơn vị được đầu tư đồng bộ, khang trang, hiện đại, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, góp phần quan trọng giúp các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Trong 6 tháng đầu năm 2016, Bộ Tư pháp đã triển khai 19 cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo (03 cuộc thanh tra hành chính, 02 cuộc thanh tra chuyên ngành, 04 cuộc kiểm tra sau thanh tra, 03 cuộc thanh tra đột xuất, 07 cuộc thanh tra xác minh giải quyết khiếu nại, tố cáo). Kết quả, đã phát hiện, kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 372.310.500 đồng, xử phạt vi phạm hành chính số tiền là 91.000.000 đồng.
Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng tiếp tục được thực hiện thường xuyên, đúng quy định. Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tư pháp đã tiếp 142 lượt công dân đến khiếu nại, tố cáo, (giảm 33% so với 6 tháng đầu năm 2015) trong đó, Lãnh đạo Bộ đã tiếp 21 lượt công dân; tiếp nhận 749 đơn thư (giảm 36% so với cùng kỳ năm 2015) trong đó có 180 đơn (158 đơn khiếu nai, 22 đơn tố cáo) thuộc thẩm quyền (chiếm 25%), 569 đơn không thuộc thẩm quyền (chiếm 75%).
- Công tác báo chí, xuất bản: Chất lượng các ấn phẩm, tin bài của Báo Pháp luật Việt Nam và Tạp Chí Dân chủ - Pháp luật tiếp tục được nâng cao, kịp thời thông tin về các sự kiện chính trị - pháp lý của đất nước, các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, Ngành. Nhà xuất bản Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt công tác biên tập, không để sai sót về nội dung; công tác xuất bản, phát hành các loại sách, giấy tờ hộ tịch, sổ hộ tịch, bìa hồ sơ thi hành án, mẫu phiếu LLTP, mẫu quyết định về việc cho trẻ em Việt Nam làm con nuôi nước ngoài đảm bảo tiến độ, chất lượng.
- Công tác ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính luôn được Bộ, Ngành Tư pháp xác định là giải pháp chủ yếu để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ và được xác định là nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2016. Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 đã được áp dụng rộng khắp để giải quyết công việc chuyên môn tại các cơ quan, đơn vị trong toàn Ngành. Bộ Tư pháp đã xây dựng và đưa vào vận hành, khai thác sử dụng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu có quy mô từ Trung ương tới các địa phương như: Hệ thống thông tin LLTP; Hệ thống thông tin quốc tịch; Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC (Số TTHC công khai trên toàn hệ thống là 170.757 thủ tục)… Nhằm đẩy mạnh việc xây dựng Chính phủ điện tử, Bộ Tư pháp đang tập trung hoàn thiện các ứng dụng để cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 trong lĩnh vực LLTP, ĐKGDBĐ; đồng thời, Bộ cũng có kế hoạch xây dựng Cổng dịch vụ công nhằm cung cấp các dịch vụ công còn lại mức độ 3 theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật tiếp tục được cập nhập với 95.558 VBQPPL do cơ quan Trung ương và địa phương ban hành; việc sử dụng hệ thống thư điện tử để trao đổi công việc đã được thực hiện thường xuyên; hệ thống Hội nghị truyền hình, giao ban, tập huấn trực tuyến được áp dụng rộng rãi, hỗ trợ đắc lực và đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả cho công tác chỉ đạo, điều hành các lĩnh vực công tác của Bộ, Ngành, đặc biệt là phục vụ các Hội nghị lớn của Ngành.
Công tác cải cách hành chính được đặt trọng tâm vào 03 lĩnh vực là cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa hành chính. Bộ Tư pháp đang thực hiện việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của Bộ Tư pháp đối với lĩnh vực ĐKGDBĐ để nắm bắt được yêu cầu, mong muốn của người dân, tổ chức, qua đó có những biện pháp cải thiện chất lượng phục vụ và cung cấp dịch vụ công.
- Công tác thi đua - khen thưởng: Bộ Tư pháp đã sớm xây dựng, ban hành Bảng Tiêu chí thi đua, thang điểm đánh giá, xếp hạng Sở Tư pháp và Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2016; phát động các Phong trào thi đua “Cơ quan Tư pháp địa phương chủ động, sáng tạo, tích cực thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp năm 2016”; Phong trào “Cán bộ Tư pháp tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016-2020; “Ngành Tư pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020; phối hợp với các Cụm, Khu vực thi đua trong toàn Ngành tổ chức phát động đăng ký thi đua năm 2016. Công tác khen thưởng tiếp tục đảm bảo thực chất, khách quan, chính xác, đúng quy định, đã kịp thời động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Sáu tháng đầu năm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã khen thưởng hoặc trình cấp có thẩm quyền khen thưởng cho hơn 200 trường hợp.
* ĐÁNH GIÁ CHUNG
Sáu tháng đầu năm 2016, Bộ, Ngành Tư pháp đã khẩn trương triển khai toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, bám sát Chương trình, Kế hoạch công tác, các Nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhiệm vụ chính trị của từng địa phương. Các nhiệm vụ của Bộ, Ngành Tư pháp được thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ so với chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm (đã hoàn thành 31/33 nhiệm vụ, đạt gần 94%); một số mặt công tác có chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao: Việc xây dựng, hoàn thiện các VBQPPL tiếp tục được chú trọng đầu tư nguồn lực, nhất là với các văn bản quy định chi tiết các luật, pháp lệnh, qua đó từng bước giảm thiểu có hiệu quả tình trạng “nợ đọng” văn bản; việc thẩm định VBQPPL, nhất là các nghị định về điều kiện đầu tư kinh doanh được thực hiện khẩn trương, bảo đảm tiến độ để các Bộ, ngành trình Chính phủ; việc phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng, góp ý các VBQPPL được thực hiện tốt; công tác PBGDPL, nhất là các văn bản liên quan đến bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp được toàn Ngành tập trung đẩy mạnh; thi hành án dân sự đạt kết quả cao hơn cùng kỳ 2015; công tác hành chính tư pháp, nhất là triển khai Luật hộ tịch, bước đầu đạt hiệu quả, kịp thời phục vụ nhân dân; việc tham gia ý kiến pháp lý đối với các vụ việc, các sự kiện liên quan đến môi trường, đầu tư quốc tế... được thực hiện kịp thời, có chất lượng; hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật đạt nhiều kết quả tốt.
- Còn nhiều Bộ, ngành, địa phương chưa bám sát các kế hoạch xây dựng các VBQPPL, chẳng hạn việc xây dựng các nghị định về điều kiện đầu tư, kinh doanh, mặc dù có thời gian chuẩn bị khá lâu, nhưng nhiều cơ quan chỉ tập trung xây dựng vào giai đoạn cuối, khi sắp đến hạn phải trình ban hành. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực chưa được giải quyết hiệu quả. Chất lượng của một số VBQPPL chưa cao, còn có sai sót. Một số Bộ, cơ quan, địa phương chưa phát huy hiệu quả công tác kiểm tra, tự kiểm tra, chưa thường xuyên gửi văn bản đến cơ quan kiểm tra theo quy định tại Nghị định 40/2010/NĐ-CP; việc xử lý VBQPPL có dấu hiệu trái pháp luật còn đối phó, chưa được thực hiện dứt điểm. Việc thực hiện một số nhiệm vụ về cải cách TTHC chưa bảo đảm tiến độ; tình trạng Bộ, ngành, địa phương chậm công khai TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC còn nhiều.
- Quản lý XLVPHC, TDTHPL còn nhiều khó khăn, nhất là về phương thức tổ chức thực hiện, chưa xây dựng được Cơ sở dữ liệu về XLVPHC; hiệu quả công tác TDTHPL ở một số Bộ, ngành, địa phương chưa có nhiều chuyển biến, chưa phản ánh đúng những khó khăn vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành pháp luật.
- Một số nhiệm vụ PBGDPL mới dừng lại ở việc ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, chưa tổ chức triển khai trên thực tế; chưa khắc phục được tính hình thức trong hoạt động PBGDPL; một số nội dung chưa phù hợp, chưa sát với nhu cầu của cán bộ, công chức, người dân hoặc chưa đúng trọng tâm, còn dàn trải; công tác PBGDPL cho các đối tượng đặc thù chưa được quan tâm đúng mức.
- Kết quả công tác THADS chưa có sự đột phá đáng kể; kết quả thi hành án xong về tiền dự báo khó đạt chỉ tiêu năm 2016; số việc và tiền có điều kiện chưa thi hành xong chuyển kỳ sau còn nhiều (226.408 việc và trên 83.374 tỷ đồng). Việc thực hiện trình tự, thủ tục về THADS vẫn còn nhiều sai sót; vai trò của Ban chỉ đạo THADS ở một số nơi còn chưa được phát huy. Vi phạm trong công tác THADS còn nhiều, số lượng công chức bị xử lý kỷ luật tăng so với cùng kỳ, đã phát hiện và xử lý kỷ luật, thậm chí bị truy tố là 46 trường hợp (tăng 13 trường hợp so với cùng kỳ năm 2015).
- Còn lúng túng trong việc giải quyết hộ tịch có yếu tố nước ngoài khi thực hiện phân cấp theo quy định mới của Luật hộ tịch. Nhiều địa phương chưa chỉ định được cơ sở nuôi dưỡng theo Luật nuôi con nuôi. Công tác xây dựng cơ sở dữ liệu LLTP vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của Luật LLTP; còn tồn tại tình trạng tồn đọng thông tin LLTP chưa được cập nhập bổ sung; chất lượng dữ liệu LLTP điện tử chưa đảm bảo. Việc giải quyết bồi thường còn kéo dài, thủ tục phức tạp, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được bồi thường.
- Quản lý nhà nước về lĩnh vực luật sư, công chứng, bán đấu giá tài sản ở các địa phương còn lỏng lẻo, chưa bao quát, chưa nắm bắt kịp thời những tiêu cực, bức xúc trong các lĩnh vực này. Công tác phối hợp giữa Đoàn luật sư và Sở Tư pháp chưa cao, chưa đảm bảo triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ có liên quan. Việc thành lập Hội công chứng viên tại một số địa phương còn chậm so với yêu cầu; hoạt động của một số Văn phòng công chứng còn thiếu tính chuyên nghiệp. Khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP và Thông tư số 02/2015/TT-BTC liên quan đến bán đấu giá quyền sử dụng đất chậm được tháo gỡ, gây ách tắc công việc tại nhiều địa phương; nhiều tổ chức bán đấu giá tài sản vi phạm quy trình bán đấu giá tài sản. Công tác quản lý thanh lý tài sản chưa thực sự phát huy vai trò trong việc tham gia giải quyết các vụ việc phá sản. Công tác giám định tư pháp chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, nhất là trong việc xét xử các vụ án về tham nhũng, kinh tế. Việc triển khai Đề án đổi mới công tác TGPL ở một số địa phương còn gặp khó khăn trong việc thực hiện tinh giản biên chế và chuyển số biên chế dôi dư.
- Công tác pháp chế ở nhiều địa phương còn yếu. Công tác thanh tra của Bộ, Ngành còn chậm được đổi mới, một số việc thanh tra, kiểm tra chưa được thực hiện kịp thời, nhất là khâu hậu kiểm. Hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin trong một số lĩnh vực của Bộ, Ngành chưa cao; một số phần mềm, ứng dụng được xây dựng nhưng chưa được sử dụng hiệu quả trên thực tế.
2. Nguyên nhân
- Thể chế trong một số lĩnh vực chưa được quy định cụ thể, thống nhất, như về quản lý XLVPHC, TDTHPL, giám định tư pháp..., gây khó khăn cho các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện.
- Một số Bộ, ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mức đối với công tác tư pháp, pháp chế, nhất là trong xây dựng pháp luật, kiểm tra VBQPPL, kiểm soát TTHC, TDTHPL; công tác tham mưu của một số Tổ chức pháp chế còn chưa kịp thời, nhất là trong việc khắc phục tình trạng nợ đọng văn bản.
- Khối lượng công việc của Bộ, Ngành Tư pháp ngày càng tăng, nhiều việc khó, phức tạp, yêu cầu về chất lượng, tiến độ công việc ngày càng cao, nhất là trong các lĩnh vực xây dựng pháp luật, kiểm soát TTHC, quản lý XLVPHC và TDTHPL, THADS, giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế... Trong khi đó, đội ngũ công chức của Bộ, Ngành Tư pháp còn chưa đáp ứng đầy đủ cả số lượng và chất lượng. Đặc biệt, việc thành lập và củng cố, kiện toàn các tổ chức pháp chế ở cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh ở nhiều địa phương chưa được quan tâm thực hiện đúng quy định.
- Nguồn kinh phí để thực hiện nhiệm vụ trong một số lĩnh vực, như PBGDPL, TGPL, TDTHPL, còn chưa được quan tâm đúng mức đã ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.
- Công tác phối hợp giữa Bộ, Ngành Tư pháp với với các cơ quan, địa phương trong nhiều lĩnh vực công tác còn thiếu chủ động, hiệu quả chưa cao. Hiệu quả phối kết hợp công tác trong thực hiện một số nhiệm vụ của các đơn vị thuộc Bộ chưa cao.
NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN CÔNG TÁC TƯ PHÁP 6 THÁNG CUỐI NĂM 2016
Trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới và khu vực dự báo còn diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu còn gặp nhiều khó khăn, tác động tiêu cực tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trên cơ sở những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong việc thực hiện công tác tư pháp 6 tháng đầu năm; bám sát các Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ; các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp công tác đã được đề ra từ đầu năm 2016 và sự chỉ đạo, điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ, Thủ trưởng Chính phủ, nhất là chỉ đạo về “Chuyển mạnh từ Chính phủ với phương thức chỉ đạo, điều hành mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo và phục vụ; lấy sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân là thước đo hiệu quả hoạt động”, các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp công tác được xác định là:
I. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC TƯ PHÁP 6 THÁNG CUỐI NĂM 2016
1. Triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Tập trung xây dựng dự án Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi), Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi); hoàn thiện dự án Luật đấu giá tài sản bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng. Phối hợp với Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, các Bộ, ngành hữu quan xây dựng, hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015; phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao ban hành văn bản hướng dẫn việc thực hiện các quy định có lợi cho người phạm tội theo Nghị quyết số 144/2016/QH13 của Quốc hội. Nghiên cứu, đề xuất xây dựng dự án Luật đăng ký tài sản.
Tích cực tham mưu để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các giải pháp mạnh mẽ nhằm thực hiện nghiêm túc, đảm bảo tiến độ, chất lượng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 của Quốc hội; theo dõi, đôn đốc, thường xuyên kiểm tra các Bộ, ngành trong việc soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, ban hành văn bản quy định chi tiết, nhất là Luật sửa đổi, bổ sung một số Luật về đầu tư, kinh doanh, khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng văn bản theo kế hoạch năm 2016. Nâng cao hơn nữa chất lượng, bảo đảm tiến độ công tác góp ý, thẩm định VBQPPL, đặc biệt đối với quy trình phân tích, đánh giá tác động, thẩm định chính sách, trong đó tập trung xây dựng, ban hành Quyết định về thẩm định đề nghị xây dựng VBQPPL và thẩm định dự án, dự thảo VBQPPL. Thường xuyên cung cấp thông tin, công khai quá trình xây dựng, thẩm định, kiểm tra VBQPPL, kiểm soát TTHC của Bộ Tư pháp. Tăng cường việc kiểm tra và xử lý văn bản, nhất là tại các địa phương phát hiện nhiều văn bản ban hành trái quy định của pháp luật.
2. Tổ chức triển khai bài bản, hiệu quả Luật ban hành VBQPPL năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành VBQPPL năm 2015, tạo bước đột phá ngay từ khâu xây dựng chính sách; triển khai đồng bộ các luật có hiệu lực trong năm 2016. Chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để triển khai Bộ luật dân sự năm 2015. Triển khai thực hiện chất lượng, đúng tiến độ Chương trình hành động của Bộ Tư pháp thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ.
3. Đẩy mạnh công tác PBGDPL, nhất là các bộ luật, luật, nghị quyết mới được Quốc hội thông qua, có hiệu lực trong năm 2016. Chủ động thông tin, tuyên truyền chủ trương, chính sách, quy định mới, các hành vi bị luật cấm và chế tài xử lý; các vấn đề dư luận quan tâm hoặc cần định hướng dư luận xã hội trong quá trình xây dựng, thi hành và áp dụng pháp luật; kịp thời cập nhật VBQPPL vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật, đảm bảo cung cấp thông tin pháp luật công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để mọi cá nhân, tổ chức tiếp cận, khai thác, sử dụng. Tập trung xây dựng, hoàn thiện Đề án đổi mới công tác truyền thông của Bộ, Ngành Tư pháp.
4. Tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt Luật hộ tịch, trong đó mở rộng thí điểm đăng ký khai sinh và cấp số định danh cá nhân nhằm cung cấp kịp thời, chính xác thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; triển khai xây dựng Dự án khả thi Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc, gắn với việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án tổng thể đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân; trang bị đầy đủ phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch cho các địa phương được lựa chọn trong giai đoạn thí điểm. Khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và có kế hoạch triển khai “Chương trình hành động quốc gia về đăng ký và thống kê hộ tịch giai đoạn 2016 - 2024”. Đề xuất và triển khai các giải pháp để giải quyết tốt vấn đề hộ tịch, quốc tịch cho trẻ em là con của công dân Việt Nam với người nước ngoài đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Thực hiện thí điểm giải pháp tự động hóa xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác cơ sở dữ liệu LLTP. Triển khai thực hiện tốt Quy chế phối hợp liên ngành giữa Bộ Tư pháp và Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội về giải quyết việc nuôi con nuôi.
5. Đẩy mạnh công tác THADS, hành chính, quyết tâm phấn đấu đạt hoặc vượt các chỉ tiêu được giao trong Nghị quyết của Quốc hội về công tác tư pháp (xong trên 70% về việc và trên 30% về tiền trên tổng số việc, tiền có điều kiện thi hành, giảm ít nhất 5% đến 7% số việc và 2% đến 4% số tiền có điều kiện thi hành chuyển sang năm 2017 so với số chuyển kỳ sau của năm 2015 chuyển sang năm 2016). Giải quyết dứt điểm các vụ việc trọng điểm, phức tạp, kéo dài, đặc biệt đối với các vụ án tham nhũng nhằm thu hồi tài sản nhà nước, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp. Tăng cường cải cách hành chính, triển khai thực hiện cơ chế “một cửa”, ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thụ lý đơn và giải quyết yêu cầu thi hành án; cung cấp dịch vụ công mức độ 2. Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với các cơ quan hữu quan nhằm kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh, đảm bảo tiến độ, chất lượng. Tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống THADS (19/7/1946 - 19/7/2016).
6. Tập trung nghiên cứu, sửa đổi Nghị định số 81/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính. Khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về XLVPHC. Thực hiện hiệu quả Nghị định số 56/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 221/2013/NĐ-CP quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc sau khi được Chính phủ ban hành. Đẩy mạnh công tác TDTHPL, Kế hoạch TDTHPL về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có công, vùng thường xuyên bị thiên tai.
7. Thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách TTHC, kiểm soát TTHC trong Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ đảm bảo đơn giản hóa, bãi bỏ các TTHC không còn phù hợp, giảm thiểu chi phí tuân thủ TTHC. Tập trung hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đơn giản hóa chế độ báo cáo trong các cơ quan hành chính nhà nước; ban hành Quyết định quy định về việc tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức qua dịch vụ bưu chính công ích để giảm thiểu tiêu cực, nhũng nhiễu, tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí và giảm thời gian đi lại cho người dân; khắc phục tình trạng chậm công bố, công khai TTHC trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC.
8. Tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án thành lập Hiệp hội công chứng Việt Nam sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tổ chức thực hiện tốt Luật đấu giá tài sản sau khi được Quốc hội thông qua. Đẩy mạnh việc triển khai Nghị định số 22/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phá sản về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản; thực hiện thông báo và hướng dẫn cụ thể việc đăng ký hành nghề Quản tài viên. Khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án xử lý các quy định không thống nhất giữa Thông tư số 02/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính và Thông tư liên tịch số 14/2015/TTLT-BTNMT-BTP liên quan đến việc xác định giá khởi điểm trong đấu giá quyền sử dụng đất. Tiếp tục phối hợp với Liên đoàn Luật sư Việt Nam đảm bảo hoạt động của Liên đoàn ngày càng hiệu quả, ổn định; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong việc kiện toàn chức danh Bí thư Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Tiếp tục đổi mới công tác TGPL, tập trung nâng cao chất lượng hoạt động TGPL, tập trung thực hiện vụ việc TGPL trong đó chú trọng vụ việc tham gia tố tụng.
9. Khẩn trương hoàn thiện, trình Quốc hội Báo cáo rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Triển khai hiệu quả Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại. Thực hiện tốt việc cấp ý kiến pháp lý theo quy định của pháp luật; tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao năng lực phòng ngừa và giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với cơ quan nhà nước, Chính phủ. Tăng cường quản lý nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả và bảo đảm tính kế thừa bền vững trong các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp luật; thúc đẩy hợp tác đa phương; làm sâu sắc quan hệ hợp tác với các nước Lào, Campuchia.
10. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; tập trung đầu tư cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trẻ có trình độ chuyên môn sâu, nguồn nhân lực chất lượng cao của Bộ, Ngành Tư pháp; chuẩn hóa đội ngũ cán bộ tư pháp cấp huyện, công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã theo đúng quy định của Luật hộ tịch. Nghiên cứu, đề xuất việc duy trì, kiện toàn các tổ chức pháp chế theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP. Nâng cao hơn nữa kỷ cương, kỷ luật công vụ trong toàn Ngành; tập trung kiểm tra, thanh tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm cán bộ, công chức, các tổ chức hành nghề tư pháp, tổ chức bán đấu giá tài sản nhũng nhiễu, gây phiền hà, vi phạm pháp luật.
11. Tiếp tục hiện đại hóa hoạt động công vụ, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, đảm bảo hết năm 2016, 100% các dịch vụ công đã đăng ký với Chính phủ theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP được cung cấp trực tuyến ở mức độ 3 và 4 (cấp phiếu LLTP; ĐKGDBĐ về động sản (trừ tàu bay, tàu biển)); kết nối, liên thông Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của Bộ với Phần mềm quản lý văn bản của Văn phòng Chính phủ. Tập trung xây dựng, vận hành Trang thông tin điện tử về xây dựng pháp luật.
12. Đổi mới công tác thi đua - khen thưởng, đánh giá cán bộ, công chức, tạo không khí thi đua sôi nổi trong toàn Ngành; đảm bảo đánh giá nghiêm túc, chính xác kết quả xếp hạng Sở Tư pháp, Cục THADS các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo đúng Bảng tiêu chí chấm điểm thi đua, xếp hạng được ban hành kèm theo Quyết định số 1326/QĐ-BTP và Quyết định số 1327/QĐ-BTP của Bộ Tư pháp.
1. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác, ưu tiên thực hiện những nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 theo Nghị quyết số 98/2015/QH13 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP, Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ; các nội dung cần thể chế hoá trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
2. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và giải quyết công việc chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường sử dụng hệ thống giao ban điện tử đa phương tiện trong tổ chức các cuộc họp, hội thảo, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
3. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, cải tiến lề lối làm việc; tăng cường hiệu quả các cuộc họp, giảm số lượng cuộc họp; khắc phục kịp thời những hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, gây phiền hà, sách nhiễu trong khi giải quyết yêu cầu của người dân, nhất là trong các lĩnh vực THADS, hộ tịch, LLTP.
4. Đẩy mạnh việc kiện toàn bộ máy, nhân lực, tập trung nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức Bộ và tổ chức pháp chế của các Bộ, ngành, địa phương nhằm bảo đảm phát huy hiệu quả công tác tư pháp trong thời gian tới.
5. Tăng cường công tác phối hợp với Bộ, cơ quan và cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành công tác tư pháp từ Trung ương đến địa phương; kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên để có giải pháp tháo gỡ những khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
6. Phát huy hiệu quả các công cụ quản lý kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm và thi đua - khen thưởng, bảo đảm linh hoạt, kịp thời. Chỉ đạo tổ chức tốt các phong trào thi đua - khen thưởng bảo đảm gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị./.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.