BỘ GIÁO DỤC
VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 176/BC-BGDĐT |
Hà Nội, ngày 26 tháng 3 năm 2014 |
Ngày 21/9/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1640/QĐ-TTg phê duyệt Đề án củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2011 - 2015 (sau đây gọi là QĐ 1640). Sau gần 03 năm triển khai thực hiện QĐ 1640, được sự quan tâm của các bộ ngành, sự nỗ lực của các địa phương và hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), việc triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án đã đạt được những kết quả nhất định và gặp một số khó khăn bất cập. Bộ GDĐT trân trọng báo cáo sơ kết 03 năm triển khai thực hiện QĐ 1640 như sau:
Phần 1: TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI VÀ KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
I. Công tác chỉ đạo, điều hành
1. Tại Trung ương
1.1. Ban hành các văn bản
Bộ GDĐT đã phối hợp với các Bộ ban hành theo thẩm quyền các văn bản triển khai thực hiện QĐ 1640 của Thủ tướng Chính phủ:
- Quyết định số 5824/QĐ-BGDĐT ngày 17/11/2011 thành lập Ban Chỉ đạo Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2011 – 2015”. Thành phần Ban Chỉ đạo Đề án gồm Lãnh đạo của các Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Dân tộc.
- Quyết định số 5825/QĐ-BGDĐT ngày 17/11/2011 thành lập Ban Điều hành Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2011 – 2015”, gồm Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo và đại diện Lãnh đạo các Vụ, Cục liên quan thuộc Bộ.
- Quyết định số 179/QĐ-BGDĐT ngày 13/01/2012 phê duyệt Kế hoạch tổ chức triển khai Quyết định số 1640/QĐ-TTg.
- Ngày 10/4/2013, liên bộ Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư liên tịch số 40/2013/TTLT-BTC-BGDĐT hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo (CTMTQG GDĐT) giai đoạn 2012 – 2015; trong đó có nội dung hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện QĐ 1640.
- Hằng năm, Bộ GDĐT ban hành Công văn hướng dẫn triển khai CTMTQG GDĐT; trong đó có nội dung hướng dẫn kinh phí CTMTQG GDĐT thực hiện các hoạt động của QĐ 1640 ở các địa phương[1].
1.2. Tổ chức Hội nghị triển khai và tuyên truyền về QĐ 1640
- Ngày 20/3/2012, tại Hà Nội, Bộ GDĐT đã chủ trì tổ chức Hội nghị triển khai QĐ 1640. Tham dự Hội nghị có trên 300 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương, đại biểu Uỷ ban nhân dân (UBND) các tỉnh/thành phố, sở giáo dục đào tạo (GDĐT), sở tài chính, sở kế hoạch và đầu tư của các địa phương có trường PTDTNT. Hội nghị đã được truyền trực tuyến trên Website của Bộ. Sau Hội nghị, Bộ GDĐT đã ban hành Công văn số 2182/BGDĐT-GDDT ngày 12/4/2012 hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện Đề án; trọng tâm là hướng dẫn việc xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, hướng dẫn sử dụng hiệu quả ngân sách Nhà nước kết hợp với các nguồn huy động hợp pháp khác để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất (CSVC), trang thiết bị dạy học, bồi dưỡng nâng cao năng lực nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, tăng cường các điều kiện hỗ trợ hoạt động giáo dục cho các trường PTDTNT.
- Bộ GDĐT thường xuyên phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và địa phương thực hiện công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng và tác động chính trị, xã hội của QĐ 1640 đối với việc phát triển trường PTDTNT nói riêng, phát triển giáo dục dân tộc nói chung trong việc tạo nguồn đào tạo cán bộ, nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi.
1.3. Kiểm tra, giám sát thực hiện QĐ 1640 tại các địa phương
Trong 3 năm qua, Bộ GDĐT đã tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện QĐ 1640 tại 07 địa phương Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Đắk Lắk, Sóc Trăng, Bạc Liêu; tổ chức các đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ năm học đối với giáo dục dân tộc; thanh tra chuyên đề về tổ chức và hoạt động của trường PTDTNT ở các địa phương.
2.1. Công tác chỉ đạo triển khai thực hiện QĐ 1640
- Căn cứ quy mô, nội dung kế hoạch củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT, các sở giáo dục và đào tạo đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Điều hành hoặc Ban Chỉ đạo Đề án cấp tỉnh, gồm các sở, ban ngành: sở GDĐT, sở kế hoạch và đầu tư, sở tài chính, ban dân tộc,... ; trong đó, sở GDĐT được phân công là cơ quan thường trực để quản lý, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Đề án trên địa bàn. Ban Điều hành Đề án của các địa phương như Quảng Trị, Đắk Nông, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thanh Hóa,... đã hoạt động tích cực, hiệu quả trong công tác tham mưu và chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thực hiện, tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục, cơ chế liên quan đến triển khai thực hiện Đề án.
Các địa phương đã nghiêm túc chỉ đạo thực hiện việc quản lý đầu tư xây dựng, lựa chọn đơn vị tư vấn và xây dựng các công trình thuộc Đề án theo các quy định hiện hành (Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009; Nghị định 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình). Việc lựa chọn nhà thầu, đơn vị tư vấn và xây dựng thực hiện theo Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng số 16/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12 ngày 19/6/2009 của Quốc hội.
Nhiều địa phương đã làm tốt công tác rà soát, kết hợp, lồng ghép với các chương trình, dự án khác, sắp xếp, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới, quy mô trường PTDTNT phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tiêu biểu như Nghệ An, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Sóc Trăng,...
- Về cơ chế cân đối nguồn lực tài chính của các địa phương: Nguồn tài chính chủ yếu để thực hiện QĐ 1640 là sử dụng nguồn vốn của Trung ương từ CTMTQG GDĐT phân bổ hàng năm; nguồn vốn đầu tư của địa phương và nguồn huy động xã hội hóa để sửa chữa, cải tạo các hạng mục công trình nhỏ và giải phóng mặt bằng.
2.2. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện QĐ 1640
Trên cơ sở các nhiệm vụ (hoạt động) của QĐ 1640 và hướng dẫn của Bộ GDĐT (Công văn số 2182/BGDĐT-GDDT ngày 12/4/2012), các sở giáo dục và đào tạo đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tham mưu trình UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch mạng lưới, quy mô các trường phổ thông dân tộc nội trú trên địa bàn; tổ chức khảo sát thực tế nhu cầu của các trường PTDTNT để xây dựng kế hoạch, đề án củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT; chỉ đạo và giám sát việc thực hiện kế hoạch; đề xuất, tham mưu với chính quyền địa phương trong việc bố trí đất đai, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Đề án. Đến nay, đã có 28 địa phương phê duyệt kế hoạch, đề án củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT. Các địa phương sớm phê duyệt kế hoạch, đề án như: Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông, Phú Yên, Khánh Hòa, Đồng Nai, Quảng Trị, Hà Giang, Thanh Hóa,...
II. Những kết quả đạt được trong việc thực hiện QĐ 1640 giai đoạn 2011-2013
1. Hoạt động 1: Đầu tư xây dựng bổ sung hạng mục công trình cho các trường PTDTNT hiện có theo hướng trường trung học đạt chuẩn quốc gia và đảm bảo các điều kiện để nuôi dạy học sinh nội trú[2]
Đến thời điểm tháng 10/2013, các địa phương đã đầu tư xây dựng:
- 523 phòng học thông thường và phòng học bộ môn (đạt tỷ lệ 38,6% số phòng được phê duyệt giai đoạn 2011-2015); bao gồm, 212 phòng học thông thường và 311 phòng học bộ môn. Trong đó 318 phòng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, 205 phòng đang được hoàn thiện.
118 phòng phục vụ học tập, giáo dục (đạt 14,6% số phòng được phê duyệt giai đoạn 2011-2015); bao gồm: 21 phòng thư viện, 24 phòng đoàn đội, 25 phòng truyền thống, 12 phòng sinh hoạt, giáo dục văn hóa dân tộc, 36 nhà tập đa năng. Trong đó 54 phòng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, 64 phòng đang được hoàn thiện.
254 phòng phục vụ công tác hành chính - quản trị trong nhà trường (đạt 20% số phòng được phê duyệt giai đoạn 2011-2015); bao gồm: 71 phòng làm việc của hiệu trưởng và phó hiệu trưởng, 32 văn phòng, 26 phòng họp, 40 phòng giáo viên, 24 phòng y tế học đường, 22 phòng hành chính - quản trị, 23 phòng bảo vệ, 16 nhà kho. Trong đó 132 phòng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, 122 phòng đang được hoàn thiện.
988 phòng nội trú (đạt 25,13% số phòng được phê duyệt giai đoạn 2011-2015); bao gồm: 143 phòng công vụ cho giáo viên, 798 phòng ở nội trú học sinh, 29 nhà ăn cho học sinh, 18 phòng giáo vụ và quản lý học sinh. Trong đó 518 phòng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, 470 phòng đang được hoàn thiện.
117 công trình cấp nước sạch và nhà vệ sinh (đạt 19% số công trình được phê duyệt giai đoạn 2011-2015); bao gồm, 41 nhà vệ sinh cho giáo viên, 50 nhà vệ sinh cho học sinh, 26 công trình cấp nước sạch. Trong đó 61 công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, 56 công trình đang được hoàn thiện.
Như vậy, giai đoạn 2011-2013, đã có 2.000 hạng mục công trình được đầu tư xây dựng bổ sung cho các trường PTDTNT hiện có (trong tổng số 7.984 hạng mục công trình bổ sung được phê duyệt tại QĐ 1640, đạt tỷ lệ 25%). Do khó khăn về nguồn vốn, nên các địa phương đã tập trung ưu tiên đầu tư các hạng mục công trình bổ sung thiết yếu cho các trường PTDTNT như: Phòng học, phòng học bộ môn, phòng nội trú, công trình cấp nước, công trình vệ sinh,... và tiến hành cải tạo, nâng cấp nhiều hạng mục do xây dựng đã lâu bị xuống cấp như phòng học, phòng ở nội trú học sinh, công trình vệ sinh, nước sạch, tường bao, hệ thống thoát nước nội bộ,... (Phụ lục 1)
- Kinh phí thực hiện: Tổng kinh phí thực hiện Hoạt động 1 giai đoạn 2011-2013 là 959 tỷ 993 triệu đồng (đạt 53,7% nhu cầu vốn của Hoạt động 1 giai đoạn 2011-2013); trong đó, vốn từ CTMTQG GDĐT là 821 tỷ 766 triệu đồng (chiếm 85,6% tổng kinh phí thực hiện, đạt 65,68% so với nhu cầu kinh phí của Trung ương cấp giai đoạn 2011-2013), kinh phí địa phương: 120 tỷ 850 triệu đồng (chiếm 12,59% tổng kinh phí thực hiện, đạt 27% so với nhu cầu kinh phí đầu tư của địa phương 2011-2013), kinh phí xã hội hóa và các nguồn tài trợ, ủng hộ: 17 tỷ 377 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 1,81% tổng kinh phí thực hiện, đạt 19,44% so với nhu cầu huy động xã hội hóa 2011-2013).
Giai đoạn 2011-2013, kinh phí đầu tư cho việc xây dựng bổ sung các hạng mục công trình cho các trường PTDTNT hiện có từ các nguồn của Trung ương, địa phương và nguồn xã hội hóa không bảo đảm theo nhu cầu theo phê duyệt tại Quyết định 1640.
2. Hoạt động 2: Đầu tư xây dựng mới 48 trường PTDTNT tại 22 tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số[3]
- Tính đến 10/2013, đã có 29 trường PTDTNT được đầu tư xây dựng (đạt 54% trong kế hoạch Đề án 1640); trong đó 13 trường đã hoàn thiện cơ sở vật chất và đi vào hoạt động giáo dục, 16 trường đang được tiếp tục đầu tư để hoàn thiện cơ sở vật chất. (Phụ lục 2)
19 trường đang tiếp tục đầu tư xây dựng giai đoạn 2014-2015, bao gồm: Cao Bằng (01 trường tỉnh, 01 trường huyện); Thái Nguyên (01 trường huyện); Nghệ An (04 trường huyện); Kon Tum (01 trường huyện); Gia Lai (01 trường tỉnh); Đắk Lắk (01 trường tỉnh); Lâm Đồng (01 trường huyện); Bình Phước (01 trường huyện); Bình Thuận (01 trường huyện); An Giang (01 trường huyện); Kiên Giang (01 trường huyện); Trà Vinh (01 trường tỉnh, 01 trường huyện); Bạc Liêu (01 trường huyện); Cà Mau (01 trường huyện).
Các địa phương đã lập dự án cho từng trường PTDTNT được đầu tư xây dựng mới, dành quỹ đất ở những vị trí an toàn, thuận lợi về giao thông, có diện tích phù hợp để từng bước xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia và đảm bảo các điều kiện tổ chức hoạt động giáo dục đặc thù. Trong giai đoạn đầu, các trường PTDTNT được đầu tư các hạng mục, công trình xây dựng, gồm: Phòng học và phòng học bộ môn; nhà thư viện; khu hiệu bộ; khu nội trú HS, nhà bếp, nhà ăn; khu sân chơi, bãi tập khu để xe; công trình cấp, thoát nước, cổng trường, tường rào,… Các hạng mục công trình được xây dựng kiên cố, bền vững, tuân thủ theo các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng hiện hành, phù hợp với quy mô và đặc thù từng địa phương.
- Kinh phí thực hiện: Tổng kinh phí thực hiện Hoạt động 2 giai đoạn 2011-2013 là 620 tỷ 649 triệu đồng (đạt 89% nhu cầu vốn của Hoạt động 2 giai đoạn 2011-2013); trong đó, vốn ngân sách từ CTMTQG GDĐT là 531 tỷ 190 triệu đồng (chiếm 85,5% tổng kinh phí thực hiện, đạt 109% so với nhu cầu kinh phí của Trung ương cấp 2011-2013), kinh phí địa phương là 73 tỷ 138 triệu đồng (chiếm 11,8% tổng kinh phí thực hiện, đạt 42% so với nhu cầu kinh phí đầu tư của địa phương 2011-2013), kinh phí xã hội hóa và các nguồn tài trợ, ủng hộ là 16 tỷ 321 triệu đồng (chiếm tỷ lệ 2,7% tổng kinh phí thực hiện, đạt 47% so với nhu cầu huy động xã hội hóa 2011-2013).
Như vậy, giai đoạn 2011-2013, kinh phí đầu tư xây dựng mới các trường PTDTNT từ nguồn của Trung ương được bố trí vượt 9%, nguồn vốn của địa phương và nguồn huy động xã hội hóa không bảo đảm theo nhu cầu được phê duyệt tại Quyết định 1640.
3. Hoạt động 3: Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường PTDTNT[4]
- Bộ Giáo dục và Đào tạo:
Trên cơ sở khảo sát nhu cầu của các địa phương, Bộ đã tiến hành xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn cụ thể hàng năm; biên soạn tài liệu và tổ chức các đợt bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các trường PTDTNT. Nội dung bồi dưỡng, tập huấn tập trung chủ yếu về công tác quản lý nhà trường, về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá, về các nội dung giáo dục đặc thù,... Từ 2011-2013, Bộ GDĐT đã tổ chức nhiều đợt hội thảo, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các trường PTDTNT trong toàn quốc, cụ thể:
+ Tổ chức 02 cuộc hội thảo về các nội dung giáo dục đặc thù trong trường PTDTNT (Năm 2011, tại Hà Nội và Đà Nẵng); 02 đợt tập huấn công tác quản lý, chỉ đạo hoạt động giáo dục hướng nghiệp và tư vấn nghề, hoạt động giáo dục văn hóa dân tộc, công tác học sinh nội trú của trường PTDTNT (Năm 2012, tại Thanh Hóa và TP Hồ Chí Minh); 02 đợt tập huấn về tổ chức một số hoạt động văn hóa - xã hội trong trường PTDTNT (Năm 2012, tại Lạng Sơn và TP Hồ Chí Minh); tập huấn nâng cao kiến thức và phương pháp dạy học tích cực tiếng Khmer cho giáo viên dạy tiếng Khmer của các trường PTDTNT cấp THCS (Năm 2012, tại Bạc Liêu).
+ Tổ chức 02 đợt tập huấn về kỹ thuật dạy học tích cực cho các trường PTDTNT cấp THCS (Năm 2012, tại Nghệ An và Lâm Đồng); 04 đợt tập huấn về giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống và tư vấn tâm lý học đường cho HS DTTS (Năm 2012, tại Hải Phòng, Nghệ An, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh); 02 đợt tập huấn về kiến thức, kĩ năng quản lý trường PTDTNT cấp trung học phổ thông (Năm 2013, tại Hòa Bình và Lâm Đồng).
Trong giai đoạn 2011-2013, đã có khoảng 2.700 lượt cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các trường PTDTNT trong toàn quốc tham gia các hội thảo, tập huấn do Bộ GDĐT tổ chức (đạt 85,7% kế hoạch giai đoạn 2011-2015). Các đợt bồi dưỡng, tập huấn đã được tổ chức theo đúng kế hoạch được phê duyệt. Công tác tổ chức được chuẩn bị chu đáo, nội dung bồi dưỡng, tập huấn được lựa chọn phù hợp, cơ bản đáp ứng nhu cầu của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường PTDTNT. Giảng viên các lớp tập huấn của Bộ là những chuyên gia có trình độ và năng lực sư phạm, có kinh nghiệm về quản lý, nghiên cứu về lĩnh vực giáo dục dân tộc. Phương pháp tập huấn được các giảng viên đổi mới, tạo hứng thú, tích cực học tập của học viên.
+ Kinh phí thực hiện: Giai đoạn 2011-2013, Bộ GDĐT đã bố trí trong ngân sách chi thường xuyên là 1 tỷ 413 triệu đồng (đạt 72,4% nhu cầu vốn của Hoạt động 3 giai đoạn 2011-2013). Do kinh phí chi thường xuyên được bố trí hàng năm hạn hẹp, Bộ đã huy động thêm nguồn kinh phí từ các chương trình, dự án (Chương trình phát triển giáo dục trung học, Dự án GD THCS vùng khó khăn nhất, Dự án GDTHCS II, Dự án phát triển giáo viên THPT&TCCN) để biên soạn tài liệu, tổ chức tập huấn và hỗ trợ chi phí ăn, nghỉ cho cán bộ, giáo viên tham gia các đợt tập huấn.
- Các sở giáo dục và đào tạo:
Hầu hết các sở giáo dục và đào tạo đã cử đúng đối tượng, đủ số lượng học viên tham gia các khóa bồi dưỡng, tập huấn do Bộ tổ chức; tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, kinh phí,... để cán bộ yên tâm tham gia tập huấn, bồi dưỡng. Đa số học viên tích cực tham gia đầy đủ các hoạt động theo yêu cầu của Ban tổ chức lớp học. Sau các đợt tập huấn của Bộ, nhiều sở đã chủ động tổ chức bồi dưỡng, tập huấn lại cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý các trường PTDTNT trên địa bàn; chỉ đạo việc thực hiện các nội dung đã được bồi dưỡng, tập huấn.
Hằng năm học, nhiều sở đã dành kinh phí hàng trăm triệu đồng tổ chức hội nghị giao ban các trường PTDTNT, tổ chức các đợt tham quan, học tập kinh nghiệm giáo dục dân tộc tại các địa phương trong và ngoài tỉnh; tổ chức tập huấn về đổi mới phương pháp dạy học, về giáo dục pháp luật, về bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số,... cho cán bộ, giáo viên các trường PTDTNT trên địa bàn.
4. Hoạt động 4: Tăng cường các điều kiện hỗ trợ hoạt động giáo dục và công tác quản lý các trường PTDTNT[5]
- Bộ GDĐT đã tổ chức biên soạn các tài liệu hỗ trợ công tác tổ chức, quản lý hoạt động giáo dục của trường PTDTNT. Cụ thể:
+ Năm 2012: Hoàn thành Tài liệu giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống cho HS DTTS; Tài liệu về tư vấn tâm lý học đường cho HS DTTS; Tài liệu hướng dẫn tổ chức các hoạt động văn hóa, xã hội ở trường PTDTNT.
+ Năm 2013: Hoàn thành Tài liệu nâng cao năng lực quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục trong trường PTDTNT; Tài liệu bồi dưỡng cán bộ quản lý các trường PTDTNT cấp THPT; Tài liệu hướng dẫn tự học tiếng Ba na dành cho cán bộ, giáo viên trường PTDTNT; Tài liệu hướng dẫn tự học tiếng Ê đê dành cho cán bộ, giáo viên trường PTDTNT.
+ Phát hành Chuyên trang Giáo dục dân tộc tại 02 ấn phẩm của báo Giáo dục và Thời đại là: Giáo dục và Thời đại chủ nhật và Giáo dục và Thời đại đặc biệt cuối tháng. Mỗi tháng phát hành 01 số trên mỗi loại ấn phẩm (Từ tháng 8/2013). Bộ Giáo dục và Đào tạo đã cấp phát miễn phí các ấn phẩm có Chuyên trang Giáo dục dân tộc đến 1.529 địa chỉ; gồm các sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi, các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú và trường dự bị đại học.
- Xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch số 35/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 19/9/2013 hướng dẫn thực hiện Khoản 1 và Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 19/2013/NĐ-CP ngày 23/02/2013 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006 của Chính phủ về chính sách đối với Nhà giáo, CBQLGD công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn. Bộ cũng đang tích cực triển khai nhiệm vụ xây dựng Thông tư liên tịch về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức, về vị trí việc làm, số lượng người làm việc theo chức danh nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập; Thông tư liên tịch quy định vị trí việc làm, số lượng người làm việc theo chức danh nghề nghiệp trong các trường chuyên biệt công lập.
- Kinh phí thực hiện: Năm 2012 và 2013, Bộ GDĐT đã bố trí 1 tỷ 386 triệu đồng (đạt 28,3% nhu cầu vốn của Hoạt động 4 giai đoạn 2011-2013) từ nguồn kinh phí CTMTQG GDĐT hàng năm để thực hiện Hoạt động 4.
- Các sở giáo dục và đào tạo: Hằng năm học đều ưu tiên bố trí kinh phí, tăng cường các điều kiện hỗ trợ hoạt động giáo dục và công tác quản lý của các trường PTDTNT, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục như: bổ sung thiết bị dạy học, giáo dục, nuôi dưỡng học sinh nội trú; trang bị hệ thống máy tính và kết nối mạng phục vụ cho việc dạy học; trang bị và tập huấn sử dụng phần mềm quản lý tài sản MISA, phần mềm kế toán MISA, phần mềm quản lý học sinh, nhân sự PEMIS cho các trường PTDTNT. Hầu hết các trường PTDTNT đều xây dựng Website riêng và có hệ thống email nội bộ kết nối với sở giáo dục và đào tạo.
5. Quy mô, mạng lưới và chất lượng giáo dục của hệ thống trường PTDTNT
- Về quy mô, mạng lưới: Đến năm học 2012-2013, đã có 300 trường PTDTNT được thành lập ở 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó có 03 trường trực thuộc Bộ GDĐT, 50 trường cấp tỉnh, 247 trường cấp huyện (tăng 11 trường so với năm học 2009-2010); quy mô HS dân tộc nội trú toàn quốc là 84.009 em (tăng khoảng 14.000 HS so với năm học 2009-2010). Quy mô trung bình của trường cấp tỉnh khoảng 415 HS/trường, trường cấp huyện khoảng 245 HS/trường. Học sinh PTDTNT chiếm khoảng 7,8% số học sinh DTTS cấp THCS và THPT của cả nước. Hầu hết các tỉnh, huyện ở vùng DTTS, miền núi đều có trường PTDTNT, tất cả các DTTS đều đã có con em theo học tại trường PTDTNT.
- Về chất lượng giáo dục: Các trường PTDTNT đã thực hiện nhiều biện pháp để giáo dục đạo đức học sinh, đa số các em đều cố gắng học tập, tu dưỡng, rèn luyện. Kết quả xếp loại hạnh kiểm tốt và khá hằng năm học đều đạt trên 95%, học lực khá giỏi tăng. (Phụ lục 3)
Năm học 2012-2013, có 6952/6994 HS PTDTNT thi đỗ tốt nghiệp THPT, đạt tỉ lệ 99,4% (năm 2009-2010 là 93,02%; năm 2010-2011 là 96,8%; năm 2011-2012 là 99,5%).
Hằng năm, học sinh các trường PTDTNT tốt nghiệp THPT thi đỗ vào đại học, cao đẳng đạt tỷ lệ gần 50%, gần 20% đi học cử tuyển và dự bị đại học, khoảng 30% vào học trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và về địa phương tham gia công tác, lao động sản xuất. Một số trường PTDTNT có tỷ lệ HS thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ, THCN chỉ xếp sau trường chuyên của tỉnh (Tuyên Quang, Lào Cai, Phú Thọ, Điện Biên, Nghệ An,…).
Các trường PTDTNT đã quan tâm công tác giáo dục mũi nhọn, chú trọng bồi dưỡng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu. Nhiều HS trường PTDTNT thi và đoạt giải trong các kì thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia như: Trường PTVC Việt Bắc, trường PTDTNT tỉnh Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An,…
Đến nay, đã có khoảng 23% số trường PTDTNT được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia (tăng 10% so với năm 2010).
- Việc thực hiện QĐ 1640 đã tạo những chuyển biến rõ rệt về nhận thức và sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương đối với việc củng cố và phát triển các trường PTDTNT, đáp ứng yêu cầu tạo nguồn đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng DTTS, miền núi trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Các địa phương đã chú trọng quy hoạch mạng lưới các trường PTDTNT. Các tỉnh, huyện có đông người DTTS, có nhu cầu và đủ điều kiện mở trường đều có trường PTDTNT, trung bình mỗi tỉnh có 01 trường PTDTNT tỉnh và mỗi huyện có 01 trường PTDTNT huyện. Các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long cơ bản đã phủ kín trường PTDTNT ở các huyện có từ 10.000 người DTTS trở lên. Mạng lưới, quy mô các trường PTDTNT cơ bản đáp ứng nhu cầu tạo nguồn đào tạo cán bộ người DTTS cho các địa phương.
- Các địa phương đã ưu tiên vị trí thuận lợi, bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu về diện tích đối với trường học và tính đặc thù của trường chuyên biệt; ưu tiên bố trí nguồn vốn (Trung ương và địa phương) để đầu tư xây dựng CSVC, trang thiết bị cho các trường PTDTNT; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực cùng tham gia củng cố, phát triển hệ thống trường PTDTNT.
- Nhiều trường PTDTNT cấp huyện, cấp tỉnh được bổ sung, nâng cấp, cải tạo CSVC, đầu tư thiết bị dạy học. Các trường thành lập mới được quy hoạch và từng bước đầu tư xây dựng theo hướng đạt chuẩn về CSVC. Công tác xây dựng trường PTDTNT đạt chuẩn quốc gia được đẩy mạnh. Các điều kiện đáp ứng cho việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của trường PTDTNT được tăng cường.
- Chất lượng giáo dục của các trường PTDTNT ngày càng được nâng cao, giáo dục đạo đức, giáo dục toàn diện HS được đẩy mạnh. Các trường tổ chức thực hiện chương trình và kế hoạch giáo dục đầy đủ, nghiêm túc, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá phù hợp với HS DTTS. Công tác liên thông đào tạo trong hệ thống đã có những tiến bộ rõ rệt. Số HS tốt nghiệp THCS và THPT của các trường PTDTNT được đào tạo tiếp tăng qua từng năm học. Số HS các trường PTDTNT thi đỗ thẳng vào ĐH, CĐ ngày càng tăng; có nhiều HS đoạt giải trong kỳ thi chọn HS giỏi cấp tỉnh, quốc gia. Các trường đã quan tâm đến giáo dục kỹ năng sống, văn hóa dân tộc, tổ chức chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và chăm sóc sức khỏe cho HS,...
- Số lượng, cơ cấu đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường PTDTNT được bố trí đủ theo quy định. Việc tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo được tăng cường; chế độ chính sách cho người dạy và người học được thực hiện khá nghiêm túc. Công tác quản lý, chỉ đạo hệ thống trường PTDTNT dần đi vào nền nếp ổn định. Công tác thanh tra, kiểm tra về tổ chức và hoạt động của trường PTDTNT được tăng cường, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục của các nhà trường.
2. Hạn chế, bất cập và nguyên nhân
2.1. Hạn chế, bất cập
- Mạng lưới, quy mô trường PTDTNT ở một số địa phương chưa được quy hoạch phù hợp, chưa đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và xây dựng trường trung học đạt chuẩn quốc gia. Một số địa phương phát triển nóng về quy mô trường PTDTNT, trong khi công tác quy hoạch đào tạo cán bộ DTTS chưa cụ thể, chưa có sự chuẩn bị tốt các điều kiện đáp ứng, vì vậy việc tổ chức các hoạt động giáo dục của nhà trường gặp nhiều khó khăn.
- Việc triển khai QĐ 1640 ở nhiều địa phương còn chậm. Tiến độ, số lượng các hạng mục công trình bổ sung cho các trường PTDTNT chưa đảm bảo theo yêu cầu của QĐ 1640. Một số địa phương chậm triển khai đầu tư xây dựng mới trường PTDTNT theo kế hoạch được phê duyệt. Bên cạnh đó, việc quy hoạch bố trí quỹ đất xây dựng trường PTDTNT của các địa phương là vấn đề hết sức nan giải; với những trường hiện có thì khó khăn trong việc mở rộng diện tích, mặt bằng, với những trường xây dựng mới thì khó khăn trong việc xác định địa điểm, thiếu kinh phí để giải phóng mặt bằng,...
- Việc tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ nhà giáo của các trường PTDTNT ở một số địa phương chưa được chú trọng, còn thụ động trông chờ vào Trung ương. Một số địa phương còn lúng túng trong việc xây dựng nội dung, lựa chọn hình thức, phương pháp bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ.
- Việc bố trí nguồn vốn để thực hiện Đề án, đặc biệt là ngân sách đối ứng của địa phương dành cho đầu tư xây dựng cơ bản gặp nhiều khó khăn. Công tác xã hội hóa huy động các nguồn lực cùng tham gia củng cố, phát triển hệ thống trường PTDTNT được các địa phương quan tâm song kết quả còn hạn chế.
- Chất lượng giáo dục của các trường PTDTTN nhìn chung còn thấp và chưa đồng đều. Một số trường chưa thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ giáo dục phổ thông, dân tộc và nội trú, chưa thực hiện tốt công tác tổ chức và quản lý HS ở nội trú; giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề cho HS chưa hiệu quả. Kết quả học tập của HS một số trường PTDTTN còn thấp so với yêu cầu, vẫn còn nhiều HS trường PTDTNT có học lực yếu, kém. Việc giáo dục HS ý thức giữ gìn cảnh quan, mĩ quan nhà trường; bảo quản, sử dụng đồ dùng, trang thiết bị phòng học, phòng ở nhiều trường chưa hiệu quả.
2.2. Nguyên nhân
- Nguyên nhân chủ quan:
+ Một số địa phương chưa thực sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt để củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục của các trường PTDTNT. Do đó chậm xây dựng và ban hành kế hoạch cụ thể hóa các nhiệm vụ của QĐ 1640. Việc xây dựng kế hoạch, đề án của một số địa phương chưa căn cứ mục tiêu, nội dung các nhiệm vụ của QĐ 1640, chưa bám sát văn bản hướng dẫn của Bộ GDĐT, vì vậy chậm được phê duyệt.
+ Một số sở GDĐT chưa chủ động trong công tác tham mưu, xây dựng kế hoạch; công tác chuẩn bị đầu tư, lập hồ sơ dự án tiến hành chậm; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, địa phương trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện.
+ Năng lực của một số cán bộ quản lý trường PTDTNT còn hạn chế, đặc biệt là việc tổ chức, quản lý các hoạt động giáo dục đặc thù trong nhà trường. Công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương nhằm huy động các nguồn lực để phát triển trường PTDTNT còn hạn chế.
- Nguyên nhân khách quan:
+ Việc bố trí nguồn kinh phí thực hiện QĐ 1640 gặp nhiều khó khăn, nhất là trong các năm 2011 và 2012. QĐ 1640 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 21/9/2011, sau khi Bộ GDĐT đã hướng dẫn thực hiện các dự án thuộc CTMTQG GDĐT năm 2011. Vì vậy, kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản (cho các hoạt động 1 và hoạt động 2 của QĐ 1640) chưa được cơ cấu rõ trong nguồn vốn CTMTQG GDĐT năm 2011. Mặt khác, thời điểm Đề án được phê duyệt Bộ GDĐT đã xây dựng kế hoạch dự án thuộc CTMTQG GDĐT năm 2012 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Vì vậy, kế hoạch kinh phí đầu tư xây dựng mới 48 trường PTDTNT thuộc 22 tỉnh vùng dân tộc, miền núi chưa được bố trí trong nguồn vốn CTMTQG GDĐT năm 2011 và 2012.
+ Việc trượt giá nguyên vật liệu, giá xây dựng,... dẫn đến nhu cầu kinh phí tại thời điểm xây dựng các hạng mục công trình chênh lệch so với số kinh phí được phê duyệt trong Đề án lớn. Vì vậy, các địa phương đã tiết giảm kế hoạch hạng mục công trình bổ sung nên số lượng, tiến độ không đảm bảo như mục tiêu đề ra.
+ Nguồn lực đầu tư cho giáo dục vùng DTTS, miền núi chưa đáp ứng yêu cầu. Đa số các trường PTDTNT được đầu tư xây dựng từ những năm 80, 90 của thế kỷ trước, hầu hết hạng mục công trình đã xuống cấp trầm trọng; nhiều hạng mục phục vụ cho hoạt động giáo dục và nuôi dưỡng học sinh chưa được đầu tư như: phòng học bộ môn, thư viện, nhà tập đa năng, phòng y tế, công trình vệ sinh, nước sạch,… Vì vậy, nhu cầu xây mới, bổ sung, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất trường PTDTNT của các địa phương rất lớn, trong khi nguồn vốn chủ yếu bố trí từ CTMTQG GDĐT hàng năm rất hạn hẹp. Do đó, việc cải thiện điều kiện cơ sở vật chất cho các trường PTDTNT rất khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học và các hoạt động giáo dục của nhà trường.
+ Hầu hết các địa phương có trường PTDTNT thuộc vùng DTTS, miền núi, kinh tế gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, đa phần các huyện, xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, huyện nghèo thuộc Nghị quyết 30a của Chính phủ, đời sống của đa số đồng bào vùng DTTS, miền núi còn thấp. Mặt khác, cơ hội tìm kiếm việc làm sau khi ra trường gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến động cơ, thái độ học tập của HS.
Phần 2: PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 1640 GIAI ĐOẠN 2014 - 2015
Tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện QĐ 1640 nhằm hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phát triển quy mô, mạng lưới trường PTDTNT theo quy hoạch; sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước kết hợp với các nguồn huy động hợp pháp khác để từng bước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các trường PTDTNT theo hướng trường trung học đạt chuẩn quốc gia và đảm bảo các điều kiện thực hiện giáo dục đặc thù. Nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục, phấn đấu trường PTDTNT là trường hàng đầu về chất lượng giáo dục ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số; thực hiện tốt nhiệm vụ tạo nguồn đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng DTTS và miền núi, góp phần thiết thực vào công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
- Các địa phương tiếp tục rà soát quy hoạch mạng lưới, quy mô trường PTDTNT phù hợp, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục; ưu tiên dành quỹ đất có địa điểm và mặt bằng thuận lợi để xây dựng mới các trường PTDTNT; có phương án mở rộng diện tích, mặt bằng đối với các trường hiện có, đáp ứng yêu cầu về diện tích xây dựng trường PTDTNT đạt chuẩn quốc gia và đảm bảo điều kiện để thực hiện giáo dục đặc thù.
- Tiếp tục rà soát danh mục hạng mục công trình bổ sung đã được phê duyệt tại Đề án 1640, để lập kế hoạch xây dựng và dự toán nhu cầu vốn đầu tư cho từng năm và cho cả giai đoạn 2014-2015 theo thứ tự ưu tiên. Khẩn trương lập dự án đối với các trường PTDTNT xây dựng mới còn lại trong kế hoạch, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoàn thành thủ tục đầu tư để tiến hành xây dựng.
- Ưu tiên phân bổ nguồn vốn CTMTQG GDĐT hàng năm để thực hiện các hoạt động của Đề án. Các địa phương bố trí nguồn vốn để thực hiện các hoạt động của Đề án trong CTMTQG GDĐT hàng năm đủ và đúng mục tiêu đầu tư theo hướng dẫn của Bộ GDĐT; rà soát, kết hợp, lồng ghép với các chương trình, dự án khác và ngân sách của địa phương, huy động các nguồn lực hợp pháp cùng tham gia củng cố, phát triển trường PTDTNT.
- Tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng hoàn thành để đưa vào hoạt động giáo dục các trường PTDTNT xây dựng mới; các hạng mục công trình bổ sung thiết yếu như phòng học, phòng học bộ môn, phòng ở nội trú HS, nhà ăn, công trình cấp nước, công trình vệ sinh. Các hạng mục công trình sau khi hoàn thành, phải được trang bị đủ trang thiết bị theo danh mục tối thiểu và đưa vào khai thác sử dụng ngay có hiệu quả.
- Rà soát việc tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên, CBQL các trường PTDTNT trong thời gian vừa qua. Xây dựng kế hoạch biên soạn tài liệu, tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ CBQL, GV trong giai đoạn tới; quan tâm bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số cho giáo viên các trường PTDTNT. Duy trì tốt công tác bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng chu kỳ cho đội ngũ, khuyến khích giáo viên tăng cường tự học, tự bồi dưỡng.
- Xây dựng Thông tư liên tịch về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập; Thông tư liên tịch quy định vị trí việc làm, số lượng người làm việc theo chức danh nghề nghiệp trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập (thay thế Thông tư liên tịch số 35/2006/TTLT-BGDĐT-BNV hướng dẫn định mức biên chế viên chức ở các cơ sở giáo dục phổ thông công lập); Thông tư liên tịch quy định vị trí việc làm, số lượng người làm việc theo chức danh nghề nghiệp trong các trường chuyên biệt công lập (thay thế Thông tư 59/2008/TT-BGDĐT hướng dẫn định mức biên chế sự nghiệp giáo dục ở các trường chuyên biệt công lập); xây dựng hệ thống thông tin quản lý hệ thống trường PTDTNT, tăng cường kết nối mạng giữa các trường PTDTNT.
- Tiếp tục củng cố, hoàn thiện và ổn định bộ phận đầu mối quản lý, chỉ đạo về GDDT tại các địa phương. Hướng dẫn, chỉ đạo các trường PTDTNT nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tự thanh tra, kiểm tra. Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra các trường PTDTNT. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với HS, nhà giáo và cán bộ quản lý của trường PTDTNT theo quy định.
- Nâng cao chất lượng giáo dục của các trường PTDTNT. Thực hiện nghiêm túc, sáng tạo chương trình, kế hoạch giáo dục theo chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức có hiệu quả dạy học 2 buổi/ngày. Đổi mới công tác kiểm tra đánh giá để thúc đẩy đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng HS DTTS. Tổ chức tốt các hoạt động giáo dục hướng nghiệp - dạy nghề và phân luồng cho HS các trường PTDTNT.
- Xây dựng nền nếp, kỷ cương trong các trường PTDTNT. Tổ chức và quản lý tốt công tác nội trú, chú trọng chất lượng nuôi dưỡng và chăm sóc HS, chất lượng giáo dục văn hóa, giáo dục đặc thù; tăng cường giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng thực hành, ý thức giữ gìn bảo quản của công và trách nhiệm xã hội cho HS. Tổ chức cho HS lao động sản xuất và lao động tự phục vụ nhằm cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
6. Thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện QĐ 1640
- Tăng cường công tác kiểm tra việc triển khai các hoạt động của QĐ 1640 tại các địa phương. Kịp thời phát hiện và hướng dẫn tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
- Cấp ủy, chính quyền các địa phương thường xuyên chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện QĐ 1640.
1. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ:
- Xem xét, cho phép kéo dài thời gian thực hiện Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2011 – 2015” thêm 02 năm (2016 và 2017). Do thời gian Đề án được phê duyệt vào tháng 9/2011, nên việc bố trí kinh phí chậm. Mặt khác Đề án được phê duyệt và thực hiện trong bối cảnh Chính phủ thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, vì vậy, trong quá trình triển khai các địa phương gặp nhiều khó khăn về thủ tục lập và thẩm định dự án đầu tư, về bố trí kinh phí, nên tiến độ triển khai các hoạt động của Đề án chậm.
- Xem xét cho phép bổ sung kinh phí Trung ương để hỗ trợ đầu tư xây dựng các trường PTDTNT cấp huyện, thuộc các tỉnh thành lập mới các đơn vị hành chính huyện (Sau thời điểm Đề án được phê duyệt), có nhu cầu và đủ điều kiện thành lập trường PTDTNT (như huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang; huyện Huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La; huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên; huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu,...).
2. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xem xét ưu tiên bố trí đủ kinh phí Trung ương trong CTMTQG GDĐT hàng năm, để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án được phê duyệt tại QĐ 1640.
3. Các Bộ, ngành và các địa phương tiếp tục phối hợp thực hiện tốt công tác quản lí, chỉ đạo và giám sát việc thực hiện QĐ 1640.
4. Ủy ban nhân dân các tỉnh/TP quan tâm chỉ đạo sở giáo dục và đào tạo là đơn vị thường trực Đề án cấp tỉnh tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện QĐ 1640 về Ban Điều hành Đề án cấp Trung ương theo quy định.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng báo cáo./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
1 |
Vĩnh Phúc |
15 |
Quảng Ninh |
29 |
Phú Yên |
43 |
Kiên Giang |
2 |
Hà Nội |
16 |
Lai Châu |
30 |
Khánh Hòa |
44 |
Hậu Giang |
3 |
Ninh Bình |
17 |
Điện Biên |
31 |
Kon Tum |
45 |
Cần Thơ |
4 |
Hải Dương |
18 |
Sơn La |
32 |
Gia Lai |
46 |
Trà Vinh |
5 |
Hà Giang |
19 |
Hoà Bình |
33 |
Đắc Nông |
47 |
Sóc Trăng |
6 |
Cao Bằng |
20 |
Thanh Hoá |
34 |
Đắc Lắc |
48 |
Bạc Liêu |
7 |
Lào Cai |
21 |
Nghệ An |
35 |
Lâm Đồng |
49 |
Cà Mau |
8 |
Bắc Kạn |
22 |
Hà Tĩnh |
36 |
Ninh Thuận |
50 |
Tây Ninh |
9 |
Lạng Sơn |
23 |
Quảng Bình |
37 |
Bình Phước |
51 |
Trường PTVC Việt Bắc |
10 |
Tuyên Quang |
24 |
Quảng Trị |
38 |
Đồng Nai |
52 |
Trường Hữu Nghị 80 |
11 |
Thái Nguyên |
25 |
TT- Huế |
39 |
Bình Thuận |
53 |
Trường Hữu Nghị T78 |
12 |
Yên Bái |
26 |
Quảng Nam |
40 |
Bà Rịa - VT |
|
|
13 |
Phú Thọ |
27 |
Quảng Ngãi |
41 |
An Giang |
|
|
14 |
Bắc Giang |
28 |
Bình Định |
42 |
Vĩnh Long |
|
|
KẾT
QUẢ XẾP LOẠI HỌC LỰC CỦA HỌC SINH CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG DÂN TỘC NỘI TRÚ NĂM HỌC
2011-2012 và 2012-2013
(Kèm
theo Báo cáo số 176 /BC-BGDĐT ngày 26 tháng 3 năm 2014 của Bộ Giáo dục và Đào
tạo)
Năm học |
Cấp học |
Tổng số HS |
Xếp loại học lực (%) |
|||
Giỏi |
Khá |
TB |
Yếu, kém |
|||
2011-2012 |
Cấp THCS |
52.220 |
9,2% |
41,5% |
43,3% |
6% |
Cấp THPT |
28.612 |
3,7% |
37,2% |
50,3% |
8,8% |
|
2012-2013 |
Cấp THCS |
54.069 |
8,18% |
43,51% |
42,85% |
5,46% |
Cấp THPT |
29.940 |
3,76% |
41,58% |
48,37% |
6,29% |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.