BỘ DÂN TỘC VÀ
TÔN GIÁO |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 169/BC-BDTTG |
Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 2025 |
BÁO CÁO
TÌNH
HÌNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG
ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI GIAI ĐOẠN 2021-2030, GIAI ĐOẠN I: TỪ NĂM
2021 ĐẾN NĂM 2025 VÀ KIẾN NGHỊ, GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC
(Tài liệu phục vụ cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc
gia giai đoạn 2021-2025)
Kính gửi: |
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 |
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về việc chuẩn bị tài liệu phục vụ họp Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025[1], Bộ Dân tộc và Tôn giáo trân trọng báo cáo tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 (Chương trình) như sau:
I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH ĐẾN NAY
1. Việc ban hành văn bản quy định cơ chế, chính sách
a) Ở cấp Trung ương:
- Luỹ kế đến hết tháng 12 năm 2024, có 83 văn bản đã được Chính phủ, TTCP, UBDT và các bộ, ngành TW được giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng ban hành/trình ban hành để triển khai Nghị quyết số 120/2020/QH14 của Quốc hội; trong đó xét về nội dung có 22 văn bản quy định về công tác tổ chức quản lý, chỉ đạo, 61 văn bản quy định cơ chế chính sách, hướng dẫn tổ chức thực hiện Chương trình MTQG DTTS và MN[2].
- Về việc xây dựng hồ sơ Quyết định điều chỉnh, bổ sung một số điều của Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ: Trên cơ sở Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 về Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, trong đó thống nhất việc điều chỉnh một số nội dung liên quan chủ trương đầu tư Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030, UBDT (nay là Bộ Dân tộc và Tôn giáo) đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng và hoàn thiện hồ sơ Báo cáo NCKT điều chỉnh Chương trình MTQG DTTS và MN[3] trình Thủ tướng Chính phủ.
Căn cứ Kết luận cuộc họp của Hội đồng thẩm định nhà nước tại Thông báo số 99/TB-BKHĐT ngày 18/11/2024, UBDT đã phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương khẩn trương tiếp thu, giải trình, làm rõ ý kiến về các nội dung liên quan theo yêu cầu của Hội đồng thẩm định Nhà nước và hoàn thành tổng hợp hồ sơ Báo cáo NCKT điều chỉnh Chương trình gửi Hội đồng TĐNN[4] theo quy định.
Căn cứ đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 333/BKHĐT- GSTĐĐT ngày 14/01/2025, UBDT đã tổ chức họp (ngày 23/01/2025) và đôn đốc[5] các bộ, cơ quan chủ trì các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình tiếp thu, giải trình một số nội dung theo các ý kiến của thành viên Hội đồng TĐNN, đề nghị tập trung vào những nội dung thực sự cấp thiết, sửa đổi để có thể thực hiện được ngay; trên cơ sở đó đã hoàn thiện hồ sơ[6] gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Hội đồng TĐNN xem xét, quyết định. Ngày 28/02/2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành Báo cáo số 2329/BC-HĐTĐNN gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả thẩm định Báo cáo NCKT điều chỉnh Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Mai Văn Chính[7], Bộ DTTG đã có Báo cáo số 98/BC-BDTTG ngày 21/3/2025 về một số nội dung liên quan đến điều chỉnh Chương trình gửi Phó Thủ tướng Chính phủ xem xét. Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng tại buổi làm việc ngày 28/3/2025, Bộ Dân tộc và Tôn giáo xây dựng kế hoạch tổ chức cuộc họp với các bộ, ngành liên quan (dự kiến vào ngày 03/4/2025) để trao đổi làm rõ, thống nhất một số nội dung còn có ý kiến khác nhau, đảm bảo cơ sở hoàn thiện hồ sơ trình Phó Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
b) Ở địa phương:
Tại địa phương, trên cơ sở các quy định tại Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022, Nghị định số 38/2023/NĐ-CP ngày 24/6/2023 của Chính phủ, Nghị quyết số 111/2024/QH15 của Quốc hội và các văn bản hướng dẫn liên quan, nhiều địa phương đã cơ bản ban hành đầy đủ văn bản quản lý, điều hành theo thẩm quyền phân cấp. Đa số các địa phương đều đã xây dựng được khung chính sách đảm bảo phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền nhằm quyết liệt triển khai thực hiện, đẩy nhanh tiến độ giải ngân các CT MTQG (bao gồm Chương trình MTQG DTTS và MN) như: (i) Sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ một số nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện các CT MTQG[8]; (ii) Sửa đổi, bổ sung một số nội dung quy định về hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các CT MTQG[9]; (iii) Quy định về trình tự, thủ tục, tiêu chí mẫu hồ sơ lựa chọn dự án trong hoạt động phát triển sản xuất, ban hành quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị[10].
2. Về tổng hợp kế hoạch, giao dự toán nguồn vốn NSTW thực hiện Chương trình hằng năm và trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025
- Việc lập kế hoạch, phân bổ vốn thực hiện Chương trình thực hiện đúng quy định, trình tự, thủ tục tại Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình MTQG, Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ NSTW và tỷ lệ vốn đối ứng của NSĐP thực hiện Chương trình.
Theo các Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội[11], số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 đã được phân bổ là 50.000 tỷ đồng. Đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã giao 50.000 tỷ đồng kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương thực hiện Chương trình MTQG DTTS và MN.
Năm 2022 đã phân bổ 14.429 tỷ đồng vốn của chương trình từ ngân sách trung ương (gồm: 9.000 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 5.429 tỷ đồng vốn sự nghiệp); Năm 2023 đã phân bổ là 26.433,812 tỷ đồng (trong đó đã phân bổ 11.816,812 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển và 14.617,000 tỷ đồng vốn sự nghiệp); Năm 2024, đã phân bổ là 25.171.155 tỷ đồng (gồm 14.000 tỷ đồng vốn đầu tư và 11.171,155 tỷ đồng vốn sự nghiệp). Theo đó, tổng NSTW giao thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2021-2024 là: 66.217.155 triệu đồng (đạt tỷ lệ 63% so với kế hoạch vốn giai đoạn 2021-2025 được cấp có thẩm quyền thông báo), trong đó 35.000 tỷ đồng vốn ĐTPT, 31.217,155 tỷ đồng vốn sự nghiệp.
- Về tình hình phân bổ, giao kế hoạch vốn năm 2025 của Chương trình MTQG DTTS và MN: Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội[12], Thủ tướng Chính phủ đã giao 11.754,822 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện Chương trình MTQG DTTS và MN[13], đạt 37% dự toán Quốc hội giao (nguồn vốn sự nghiệp năm 2025 chưa được giao).
Trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính[14] và tổng hợp văn bản của các bộ, cơ quan trung ương[15], Bộ DTTG đã hoàn thiện báo cáo về việc phân bổ vốn Chương trình MTQG DTTS và MN năm 2025 (lần 2)[16] gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Ngày 21/02/2025, Bộ Tài chính đã có Tờ trình số 40/TTr-BTC trình Chính phủ về việc bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2025 của các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương thực hiện Chương trình. Căn cứ chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc[17], Bộ DTTG đã có văn bản[18] đề nghị các Bộ[19] tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của một số bộ, cơ quan trung ương[20] rà soát nội dung, xác định nhu cầu kinh phí đối với nguồn vốn sự nghiệp nguồn NSTW năm 2025 thực hiện Chương trình, hoàn thiện hồ sơ thuyết minh đề xuất nguồn kinh phí này theo quy định. Đến thời hạn yêu cầu, cơ quan chủ Chương trình đã gửi hồ sơ đề nghị Bộ Tài chính bổ sung dự toán chi thường xuyên Chương trình MTQG DTTS và MN năm 2025 cho Bộ DTTG[21]; đồng thời tiếp tục đôn đốc[22] các bộ, cơ quan trung ương khẩn trương rà soát nội dung, xác định nhu cầu kinh phí để kịp thời tổng hợp, gửi Bộ Tài chính rà soát, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/3/2025.
Căn cứ chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 08/3/2025 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2025, Bộ DTTG đã hoàn thiện phương án điều chỉnh, phân bổ vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của bộ, địa phương[23] gửi Bộ Tài chính thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét quyết định. Đồng thời, Bộ DTTG cũng đề nghị các địa phương[24] rà soát nhu cầu, báo cáo kết quả giải ngân nguồn vốn đến thời điểm 28/02/2025 và ước thực hiện đến 31/3/2025 để làm cơ sở tổng hợp đề xuất phân bổ, gửi Bộ Tài chính báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
3. Về công tác tổng kết, đánh giá Chương trình giai đoạn I
- Thực hiện nhiệm vụ được giao theo Kế hoạch công tác năm 2024 của BCĐTƯ các CTMTQG[25], UBDT đã ban hành Kế hoạch đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; đề xuất nội dung, giải pháp Chương trình giai đoạn II: từ năm 2026 đến năm 2030[26] (Kế hoạch tổng kết, đánh giá Chương trình giai đoạn I và đề xuất Chương trình giai đoạn II).
Triển khai Kế hoạch trên, UBDT đã tiến hành rà soát các nội dung, hoạt động đối với từng dự án, tiểu dự án của Chương trình, xây dựng hệ thống biểu mẫu và đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng báo cáo đánh giá kết quả giai đoạn 2021-2025, đề xuất nội dung, giải pháp giai đoạn 2026-2030 về Chương trình[27]. Trong năm 2024, UBDT hoàn thành tổ chức 03 hội nghị vùng[28], các hội nghị đánh giá chuyên đề[29] đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn I và đề xuất nội dung Chương trình giai đoạn II. Hiên nay, Bộ DTTG đang rà soát, hoàn thiện Báo cáo phục vụ Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện Chương trình giai đoạn I (dự kiến tổ chức vào đầu quý II/2025). Trên cơ sở kết quả đánh giá, đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ DTTG hoàn thiện xây dựng Báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình giai đoạn I (2021-2025), đề xuất nội dung Chương trình giai đoạn 2026-2030 trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư Chương trình giai đoạn 2026-2030.
- Trong bối cảnh cả nước đang tập trung sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, giảm số lượng các tỉnh, không tổ chức chính quyền cấp huyện, giảm số xã theo tinh thần Nghị quyết số 18 NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 và thực hiện các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư[30], Bộ DTTG tổ chức Hội nghị tham vấn đề xuất đối tượng, địa bàn, chính sách thực hiện Chương trình MTQG DTTS và MN giai đoạn II (2026-2030) tại tỉnh Khánh Hoà vào ngày 31/3/2025 để có cơ sở đánh giá, đề xuất về đối tượng, địa bàn, chính sách liên quan dự kiến tổ chức thực hiện trong Chương trình giai đoạn 2026-2030 tại các địa phương; đồng thời hoàn thiện hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với đơn vị hành chính đang thụ hưởng Chương trình giai đoạn I thuộc diện thực hiện sắp xếp, tổ chức lại; hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách đối với đơn vị hành chính cấp xã, thôn vùng đồng bào DTTS và MN.
II. MỘT SỐ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH
1. Kết quả giải ngân vốn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình
a) Theo số liệu của Bộ Tài chính, kết quả giải ngân vốn ngân sách trung ương đã phân bổ thực hiện Chương trình MTQG DTTS và MN trong giai đoạn 2022-2024 tính đến thời điểm 30/1/2025 đạt là 48.081,298 tỷ đồng đạt 72,6%, trong đó: giải ngân vốn đầu tư 29.977,455 tỷ đồng đạt 85,6%, vốn sự nghiệp 18.103,843 tỷ đồng đạt 58%.
b) Tình hình giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương năm 2025
- Đối với vốn đầu tư công (bao gồm cả vốn các năm trước được chuyển nguồn sang năm 2025):
Theo báo cáo của Bộ Tài chính[31], ước giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương năm 2025 (đã bao gồm vốn kéo dài từ các năm trước chuyển sang năm 2025) đến hết 31/3/2025 của Chương trình đạt được 1.541,311 tỷ đồng, bằng 12,02% kế hoạch, trong đó:
+ Nguồn vốn kéo dài các năm trước chuyển sang năm 2025 giải ngân đạt 69,479 tỷ đồng, bằng 8,21% kế hoạch;
+ Nguồn vốn của năm 2025 đạt 1.457,510 tỷ đồng, bằng 12,4% kế hoạch.
- Đối với vốn sự nghiệp: Theo số liệu tổng hợp từ Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn sự nghiệp đến hết 28/02/2025 nguồn ngân sách trung ương vốn kéo dài từ các năm trước chuyển sang năm 2025[32] ước đạt được khoảng 49,409 tỷ đồng, đạt 2,66% kế hoạch. Trong đó Dự án 1 (Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt) giải ngân đạt 4,9%, Dự án 4 (Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và MN và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc) giải ngân đạt 7%.
2. Kết quả thực hiện mục tiêu của Chương trình
Trong 9 nhóm mục tiêu cụ thể được Quốc hội giao tại Nghị quyết số 120/2020/QH14, có 06 nhóm mục tiêu cơ bản hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra, còn 03 nhóm mục tiêu chưa đạt, cụ thể như sau:
a) Có 06 nhóm mục tiêu cơ bản hoàn thành và vượt mục tiêu đề ra
(1) Mục tiêu về tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số đến hết 31/12/2024 đạt bình quân 3,4%, dự kiến cả giai đoạn đạt 3,2% (đạt so với mức trên 3% mục tiêu kế hoạch giao).
(2) Mục tiêu thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đến hết 31/12/2024 đạt bình quân 42,7 triệu đồng, dự kiến cả giai đoạn đạt 46,4 triệu đồng tăng 3,3 lần so năm 2020 (mục tiêu tăng trên 2 lần).
(3) Nhóm mục tiêu về công tác giáo dục có 5/5 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.
(4) Nhóm mục tiêu lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số và đặc thù vùng đồng bào DTTS và MN đến hết 31/12/2024 đạt bình quân 54,3%, dự kiến cả giai đoạn đạt 57,8% (mục tiêu >50%).
(5) Nhóm mục tiêu về Bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc có 2/2 chỉ tiêu đạt và và vượt kế hoạch giao.
(6) Nhóm mục tiêu tăng cường công tác y tế để đồng bào DTTS được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe hiện đại, tiếp tục khống chế, tiến tới loại bỏ dịch bệnh ở vùng đồng bào DTTS và MN (đạt 3/4 chỉ tiêu).
b) 03 nhóm mục tiêu chưa đạt
(1) Nhóm mục tiêu về cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã ĐBKK (khu vực III) và thôn ĐBKK vùng đồng bào DTTS và MN.
(2) Nhóm mục tiêu số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn (phấn đấu 50% xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn).
(3) Nhóm mục tiêu về công tác định canh, định cư, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào.
(Chi tiết tại Phụ lục kèm theo)
III. ĐÁNH GIÁ CHUNG
1. Một số kết quả chủ yếu
Kết quả triển khai Chương trình MTQG DTTS và MN trong thời gian qua đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng đồng bào DTTS và MN. Tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân gần 4%/năm, cao hơn so với tỷ lệ giảm nghèo chung của cả nước, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng.
Các nội dung đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế địa phương đã góp phần đáng kể vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn. Sinh kế của người dân ngày càng đa dạng, thu nhập được nâng lên và đời sống không ngừng cải thiện. Những thành tựu này thể hiện sự nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị và đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững và thịnh vượng chung của đất nước.
2. Khó khăn và nguyên nhân
a) Một số nội dung thuộc Chương trình MTQG DTTS và MN triển khai chậm do còn gặp khó khăn vướng mắc liên quan đến các quy định, hướng dẫn về cơ chế chính sách, cụ thể: còn 02 hoạt động là Phát triển và nhân rộng mô hình tiết kiệm và tín dụng tự quản để tăng cường tiếp cận tín dụng (thuộc Dự án 8) và Hỗ trợ đầu tư có thu hồi vốn theo hộ hoặc cộng đồng (thuộc Tiểu dự án 1 Dự án 9) chưa triển khai được. Các nội dung này đã được UBDT tổng hợp, giải trình trong Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình, hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu và gửi Hội đồng thẩm định Nhà nước xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 1719/QĐ- TTg ngày 14/10/2021 theo quy định.
b) Đối với vốn sự nghiệp, kết quả giải ngân đạt thấp chủ yếu do các nguyên nhân: (i) Việc điều chỉnh, sửa đổi một số nội dung của Chương trình MTQG DTTS và MN tại Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ chưa hoàn thành; (ii) Mức hỗ trợ thực hiện một số nội dung theo quy định hiện hành còn thấp, dẫn đến không khuyến khích các đối tượng tham gia thực hiện Chương trình, như: mức hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng đào tạo nghề; mức hỗ trợ phát triển sản xuất…
c) Trong quá trình triển khai thực hiện văn bản hướng dẫn của cấp trung ương, nhiều địa phương còn lúng túng, đôi chỗ còn có nhiều cách hiểu khác nhau trong quá trình nghiên cứu, vận dụng triển khai các quy định, văn bản hướng dẫn của cấp trung ương nên mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và giải ngân vốn.
d) Tổ chức bộ máy thực hiện Chương trình không đảm bảo thống nhất đồng bộ giữa các cấp, các địa phương[33]. Đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp triển khai thực hiện ở cấp cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm; còn một bộ phận có tâm lý sợ sai nên chưa chủ động, thiếu quyết liệt. Công tác thống kê quản lý giải ngân các nguồn vốn do Kho bạc nhà nước cung cấp chỉ thực hiện đến các dự án, nên cơ quan chủ trì tổng hợp tại địa phương gặp khó khăn trong việc tổng hợp các nguồn vốn cho từng tiểu dự án và theo dõi chuyển nguồn qua các năm.
IV. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM
1. Hoàn thiện việc sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn để tổ chức triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo kịp thời, đồng bộ sau khi Quyết định điều chỉnh, bổ sung Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành.
2. Tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết Chương trình giai đoạn I; trên cơ sở đó hoàn thiện Báo cáo tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 và đề xuất nội dung Chương trình giai đoạn II từ năm 2026 đến năm 2030 trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
3. Hoàn thiện hệ thống khung khổ pháp lý quy định cơ chế chính sách, văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện để đảm bảo đồng bộ, kịp thời ngay sau khi Quyết định phê duyệt đầu tư Chương trình MTQG DTTS và MN giai đoạn II từ năm 2026 đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành.
4. Tổ chức kiểm tra, giám sát; Tiếp tục tập trung xử lý, giải quyết có hiệu quả những khó khăn, vướng mắc của các địa phương, kiến nghị của cử tri trong tổ chức triển khai CT MTQG theo chỉ đạo của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương các CT MTQG giai đoạn 2021-2025.
V. KIẾN NGHỊ
1. Sau cuộc họp với các bộ, ngành liên quan (dự kiến vào ngày 03/4/2025) để trao đổi làm rõ, thống nhất một số nội dung còn có ý kiến khác nhau và đảm bảo cơ sở hoàn thiện đầy đủ hồ sơ theo quy định, Bộ Dân tộc và Tôn giáo kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm phê duyệt Quyết định điều chỉnh Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 để bảo đảm cơ sở pháp lý cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức thực hiện đối với một số nội dung thuộc Chương trình còn vướng mắc, khó khăn chưa được tháo gỡ.
2. Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban BCĐTƯ các CTMTQG giai đoạn 2021-2025 đồng ý về thời gian tổ chức Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện Chương trình MTQG DTTS và MN giai đoạn I vào đầu quý II năm 2025 (dự kiến cuối tháng 4, đầu tháng 5) để Bộ Dân tộc và Tôn giáo kịp thời hoàn thiện xây dựng Báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình giai đoạn I (2021-2025), đề xuất nội dung Chương trình giai đoạn 2026-2030 trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét quyết định chủ trương đầu tư Chương trình giai đoạn 2026-2030 theo kế hoạch.
Trên đây là Báo cáo tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, Bộ Dân tộc và Tôn giáo trân trọng báo cáo./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG |
PHỤ LỤC
KẾT
QUẢ THỰC HIỆN MỘT SỐ MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU CƠ BẢN CỦA CHƯƠNG TRÌNH
(Kèm theo Báo cáo số: 169/BC-BDTTG ngày 30 tháng 3 năm 2025 của Bộ Dân tộc
và Tôn giáo)
TT |
Mục tiêu, chỉ tiêu |
Cấp có thẩm quyền giao |
Kết quả đạt được đến hết năm 2024 |
Dự kiến kết quả đạt được khi kết thúc giai đoạn I |
Đánh giá |
1 |
Mục tiêu về tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số bình quân hằng năm (%) |
> 3 |
3.4 |
3.2 |
Đạt |
2 |
Nhóm mục tiêu số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn (phấn đấu 50% xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn) |
|
|
|
Chưa đạt |
- |
Tỷ lệ xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn (%) |
50.0 |
12.7 |
35.8 |
Chưa đạt |
- |
Tỷ lệ thôn, bản ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn (%) |
50.0 |
11.4 |
26.9 |
Chưa đạt |
3 |
Thu nhập bình quân của
người dân tộc thiểu số |
2 lần |
3.1 |
3.3 |
Đạt |
4 |
Nhóm mục tiêu về cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã thôn vùng đồng bào DTTS và MN |
|
|
|
Chưa đạt |
- |
Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông (%) |
100.0 |
98.9 |
100.0 |
Đạt |
- |
Tỷ lệ thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa |
70.0 |
92.4 |
93.7 |
Đạt |
- |
Tỷ lệ trường, lớp học được xây dựng kiên cố (%) |
100.0 |
90.3 |
94.6 |
Chưa đạt |
- |
Tỷ lệ trạm y tế được xây dựng kiên cố (%) |
100.0 |
98.7 |
100.0 |
Đạt |
- |
Tỷ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp, sử dụng điện lưới quốc gia (%) |
99.0 |
98.4 |
99 |
Đạt |
- |
Tỷ lệ đồng bào DTTS được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh (%) |
90.0 |
93.3 |
93.8 |
Đạt |
- |
Tỷ lệ đồng bào DTTS được xem truyền hình (%) |
100.0 |
95.8 |
97.0 |
Chưa đạt |
- |
Tỷ lệ đồng bào DTTS được nghe đài phát thanh (%) |
100.0 |
97.2 |
98.3 |
Chưa đạt |
5 |
Nhóm mục tiêu về lĩnh vực giáo dục |
|
|
|
Đạt |
- |
Tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi đến trường (%) |
>98% |
98.5 |
99.0 |
Đạt |
- |
Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học tiểu học đến trường (%) |
>97% |
99.1 |
99.2 |
Đạt |
- |
Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học trung học cơ sở đến trường (%) |
>95% |
96.4 |
97.5 |
Đạt |
- |
Tỷ lệ học sinh trong độ tuổi học trung học phổ thông đến trường (%) |
>60% |
76.2 |
76.3 |
Đạt |
- |
Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông (%) |
>90% |
93.4 |
94.4 |
Đạt |
6 |
Nhóm mục tiêu về lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khoẻ người dân |
|
|
|
Cơ bản đạt |
- |
Tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế (%) |
98.0 |
93.4 |
94.3 |
Chưa đạt |
- |
Tỷ lệ phụ nữ mang thai được thăm khám định kỳ (ít nhất 4 lần trong thai kỳ) (%) |
>80% |
89.5 |
90.4 |
Đạt |
- |
Tỷ lệ phụ nữ sinh con tại cơ sở y tế hoặc có sự hỗ trợ của nhân viên y tế (%) |
>80% |
98.6 |
99.7 |
Đạt |
- |
Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân |
<15% |
11.8 |
11.1 |
Đạt |
7 |
Tỷ lệ lao động trong độ tuổi được đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện của người dân tộc thiểu số và đặc thù vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (%) |
50.0 |
54.3 |
57.8 |
Đạt |
8 |
Nhóm mục tiêu về bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc (%) |
|
|
|
Đạt |
- |
Tỷ lệ thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng (%) |
80.0 |
93.1 |
93.8 |
Đạt |
- |
Tỷ lệ thôn có đội văn hóa, văn nghệ (CLB) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng |
50.0 |
61.1 |
66.1 |
Đạt |
9 |
Nhóm mục tiêu về công tác định canh, định cư, giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào |
|
|
|
Chưa đạt |
- |
Giải quyết đất ở (%) |
|
20.2 |
45.5 |
Chưa đạt |
- |
Giải quyết nhà ở (%) |
|
179.9 |
271.4 |
Đạt |
- |
Hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất (%) |
|
6.4 |
14.2 |
Chưa đạt |
- |
Hỗ trợ chuyển đổi nghề (%) |
|
21.3 |
38.3 |
Chưa đạt |
- |
Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán (%) |
|
92.4 |
123.7 |
Đạt |
- |
Hỗ trợ xây dựng công trình nước sinh hoạt tập trung (%) |
|
110.9 |
130.5 |
Đạt |
- |
Sắp xếp, ổn định dân cư (%) |
|
11.4 |
30.0 |
Chưa đạt |
- |
Đào tạo nghề (%) |
|
10.2 |
12.9 |
Chưa đạt |
[1] Văn bản số 594/VPCP-QHĐP ngày 29/3/2025 của Văn phòng Chính phủ về việc mời tham dự cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương các CTMTQG giai đoạn 2021 - 2025 về tình hình triển khai thực hiện và chuẩn bị công tác tổng kết các CTMTQG giai đoạn 2021-2025.
[2] Trong số 61 văn bản quy định, hướng dẫn triển khai các dự án, tiểu dự án cụ thể, có 02 Nghị quyết của Quốc hội; cơ quan chủ Chương trình đã chủ trì tham mưu trình TTCP ban hành 14 Quyết định, chủ trì xây dựng ban hành 03 Thông tư, 05 văn bản quy định, hướng dẫn về cơ chế, chính sách phục vụ triển khai thực hiện Chương trình; 15 bộ, ngành và cơ quan trung ương được giao trực tiếp chủ trì các Dự án, Tiểu dự án, Nội dung thành phần đã tham mưu và ban hành 37 văn bản quy định, hướng dẫn về cơ chế, chính sách phục vụ triển khai thực hiện Chương trình.
[3] Tờ trình số 1358/TTr-UBDT ngày 31/7/2024 của Uỷ ban Dân tộc về việc đề nghị thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
[4] Văn bản số 2412/UBDT-VPCTMTQG ngày 24/12/2024 của UBDT kèm hồ sơ gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc giải trình, tiếp thu ý kiến thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước về Báo cáo NCKT điều chỉnh Chương trình MTQG DTTS và MN.
[5] Các công văn số 92/UBDT-VPCTMTQG ngày 17/01/2025 và công văn số 187/UBDT-VPCTMTQG ngày 11/02/2025.
[6] Các văn bản số 224/UBDT-VPCTMTQG ngày 14/02/2025 về việc hoàn thiện Báo cáo NCKT điều chỉnh Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (lần 2); văn bản số 325/UBDT-VPCTMTQG ngày 27/02/2025 về việc tiếp thu, hoàn thiện Báo cáo NCKT điều chỉnh Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (lần 3).
[7] Tại văn bản số 2251/VPCP-QHĐP ngày 18/3/2025 của Văn phòng Chính phủ về việc điều chỉnh Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021-2025.
[8] Các địa phương: Lạng Sơn, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu …
[9] Các địa phương: Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Sóc Trăng, Lai Châu, Phú Thọ, Bắc Giang, Sơn La …
[10] Các địa phương: Điện Biên, Bắc Kạn, Thanh Hoá, Phú Yên, Bình Thuận, Quảng Nam, Gia Lai, Tây Ninh, Bình Phước, Trà Vinh, Cà Mau …
[11] Gồm: Nghị quyết số 517/NQ-UBTVQH ngày 22/5/2022 và Nghị quyết số 659/NQ-UBTVQH ngày 14/12/2022 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết số 93/2023/QH15 ngày 22/6/2023 của Quốc hội
[12] Nghị quyết số 159/2024/QH15 của Quốc hội ngày 13/11/2024 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025; Nghị quyết số 160/2024/QH15 ngày 13/11/2024 về phân bổ ngân sách trung ương năm 2025.
[13] Tại các Quyết định số 1500/QĐ-TTg ngày 30/11/2024 về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2025, Quyết định số 1508/QĐ-TTg ngày 04/12/2024 giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2025.
[14] Tại văn bản số 12376/BTC-NSNN ngày 12/11/2024 của Bộ Tài chính về việc đánh giá kết quả thực hiện năm 2024, xây dựng kế hoạch, phương án phân bổ vốn Chương trình MTQG DTTS&MN năm 2025.
[15] Các Bộ: VHTTDL, Y tế, LĐTBXH. Đến ngày 15/01/2025, Bộ Thông tin và Truyền thông không gửi báo cáo mặc dù UBDT đã có văn bản số 2247/UBDT-VPCTMTQG ngày 04/12/2024 đôn đốc báo cáo kết quả thực hiện năm 2024 và xây dựng phương án phân bổ kinh phí năm 2025 theo nhiệm vụ được giao tại TDA2, DA10 của Chương trình.
[16] Tại văn bản số 85/UBDT-VPCTMTQG ngày 16/01/2025, trong tổng hợp phương án phân bổ vốn lần 2 UBDT đề nghị phân bổ là 9.860,896 tỷ đồng (gồm 539,998 tỷ đồng vốn ĐTPT và 9.320,898 tỷ đồng vốn sự nghiệp). Số vốn còn lại là 10.523,704 tỷ đồng (gồm 2.705,178 tỷ đồng vốn ĐTPT và 7.818,526 tỷ đồng vốn sự nghiệp) sẽ đề nghị xem xét phân bổ sau khi có đủ các căn cứ pháp lý, các Quyết định điều chỉnh, sửa đổi được cấp có thẩm quyền phê duyệt ban hành.
[17] Tại văn bản số 2261/VPCP-KTTH ngày 18/3/2025 của Văn phòng Chính phủ về việc bổ sung dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2025 thực hiện CTMTQG DTTS.
[18] Văn bản số 95/BDTTG-VPCTMTQG ngày 21/3/2025 về việc rà soát nội dung, xác định nhu cầu kinh phí đối với nguồn vốn sự nghiệp nguồn NSTW năm 2025 thực hiện Chương trình (thời hạn đề nghị gửi văn bản về Bộ DTTG trước ngày 24/3/2025).
[19] 06 Bộ: Nông nghiệp và Môi trường; Khoa học và Công nghệ; Giáo dục và Đào tạo; Nội vụ; Tài chính; Văn hoá, Thể thao và Du lịch.
[20] Gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (4.500 triệu đồng); Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (5.520 triệu đồng); Bộ Thông tin và Truyền thông (18.376 triệu đồng); Bộ Kế hoạch và Đầu tư (1.861 triệu đồng).
[21] Văn bản số 116/BDTTG-VPCTMTQG ngày 25/3/2025 của Bộ Dân tộc và Tôn giáo về việc bổ sung dự toán kinh phí đối với vốn sự nghiệp nguồn NSTW năm 2025 thực hiện Chương trình MTQG DTTS và MN.
[22] Văn bản số 130/BDTTG-VPCTMTQG ngày 26/3/2025 của Bộ Dân tộc và Tôn giáo gửi 06 Bộ: Bộ: NN&MT; KH&CN; GD&ĐT; Nội vụ; Tài chính; VHTTDL.
[23] Văn bản số 54/BDTTG-VPCTMTQG ngày 18/3/2025 về việc phân bổ vốn đầu tư nguồn NSTW năm 2025 còn lại của Chương trình MTQG DTTS và MN.
[24] Văn bản số 55/BDTTG-VPCTMTQG ngày 18/3/2025 về việc đánh giá kết quả giải ngân vốn NST và rà soát, xác định nhu cầu vốn còn lại của Chương trình MTQG DTTS và MN.
[25] Quyết định số 54/BCĐCTMTQG ngày 08/4/2024 của Trưởng ban BCĐTƯ các CTMTQG GĐ 2021-2025.
[26] Quyết định số 451/QĐ-UBDT ngày 12/7/2024;
[27] Các Công văn số 1716/UBDT-VPCTMTQG ngày 25/9/2024; Công văn số 1762/UBDT-VPCTMTQG ngày 30/9/2024; Công văn số 1930/UBDT-VPCTMTQG ngày 22/10/2024 và Công văn số 1985/UBDT-VPCTMTQG ngày 31/10/2024 của Ủy ban Dân tộc.
[28] 03 hội nghị vùng gồm: Hội nghị khu vực miền Trung - Tây Nguyên (tổ chức tại tỉnh Gia Lai ngày 09/11/2024); Hội nghị khu vực phía Bắc (tổ chức tại tỉnh Thái Nguyên vào ngày 18/12/2024); Hội nghị khu vực Nam bộ (tổ chức tại tỉnh Bình Phước ngày 23/12/2024).
[29] Hội nghị chuyên đề tổ chức tại các tỉnh: Hà Giang, Sóc Trăng, Điện Biên, Khánh Hoà, Đắk Lắk, Thanh Hoá.
[30] Kết luận số 126-KL/TW ngày 14/02/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung, nhiệm vụ tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025; Kết luận 127-KL/TW ngày 28/2/2025 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về triển khai nghiên cứu, đề xuất tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
[31] Báo cáo số 86/BC-BTC ngày 20/3/2025 của Bộ Tài chính về tình hình, kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong 03 tháng đầu năm 2025.
[32] Đến hết tháng 02/2025, vốn sự nghiệp thực hiện Chương trình MTQG DTTS và MN năm 2025 chưa được cấp có thẩm quyền phân bổ.
[33] Giai đoạn 2021-2024, trong 49 tỉnh thực hiện Chương trình MTQG DTTS và MN: tỉnh Bắc Kạn, Lạng Sơn không có Phòng Dân tộc; các tỉnh Ninh Bình, Hà Tĩnh, Tây Ninh không thành lập cơ quan công tác dân tộc chuyên trách (Ban Dân tộc) mà giao nhiệm vụ quản lý lĩnh vực công tác dân tộc cho một sở, ngành khác phụ trách.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.