BỘ
Y TẾ |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 141/BC-BYT |
Hà Nội, ngày 22 tháng 02 năm 2010 |
CÔNG TÁC Y TẾ TRONG DỊP TẾT CANH DẦN 2010
Kính gửi: Văn phòng Chính phủ
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 133/CĐ-TTg ngày 16 tháng 01 năm 2010 về đảm bảo an ninh trật tự trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần và lễ hội đón mừng xuân mới và chế độ báo cáo theo công văn số 684/VPCP-TH ngày 28 tháng 01 năm 2010 của Văn phòng Chớnh phủ, Bộ Y tế xin báo cáo tình hình công tác y tế trong 6 ngày Tết Canh Dần 2010 (từ 12-19/2/2009) như sau:
I. VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG DỊP TẾT:
Các cơ sở y tế đã thực hiện nghiêm túc chủ trương tổ chức đón Tết vui tươi, an toàn, lành mạnh và triệt để tiết kiệm, không lợi dụng Lễ, Tết để tổ chức liên hoan, ăn uống lãng phí. Không sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước để thưởng, biếu, cho các tổ chức, cá nhân không đúng với quy định của Nhà nước, không được sử dụng xe ô tô công phục vụ việc riêng trong dịp Tết.
II. VỀ CÔNG TÁC Y TẾ TRONG DỊP TẾT:
1. Công tác phòng chống dịch bệnh :
Các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur, Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trung tâm kiểm dịch quốc tế, đã tổ chức trực dịch và nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo theo quy định của Bộ Y tế. Tình hình dịch bệnh trên toàn quốc trong dịp tết Nguyên đán Canh Dần (từ ngày 13-19/02/2010) ổn định, không ghi nhận vụ dịch nào.
Tình hình dịch cúm A ở trên thế giới và Việt Nam như sau:
a. Trên thế giới:
- Tình hình dịch cúm A(H1N1), theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới đến ngày 12/02/2010, đã có ít nhất 212 quốc gia, vùng lãnh thổ ghi nhận bệnh nhân cúm A(H1N1) trong đó có ít nhất 15.292 trường hợp tử vong.
- Tình hình dịch cúm A(H5N1), theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới, ngày 17/02/2010, Ai Cập ghi nhận thêm 02 trường hợp mắc cúm A(H5N1). Trường hợp thứ nhất là một nam giới 32 tuổi sống tại huyện Ashmon, tỉnh Menofya, khởi phát ngày 06/2/2010, nhập viện ngày 08/2/2010. Bệnh nhân đã được điều trị Osetamivir và trong tình trạng ổn định. Trường hợp thứ 2 là một thai phụ 29 tuổi sống tại huyện Elsadat, tỉnh Menofya, khởi phát vào ngày 06/2/2010, nhập viện ngày 12/2/2010. Bệnh nhân đã được điều trị Osetamivir, tuy nhiên tử vong vào ngày 13/2/2010. Điều tra dịch tễ phát hiện cả hai trường hợp trên đều có tiếp xúc với gia cầm ốm và chết. Bộ Y tế Ai Cập cũng thông báo ghi nhận thêm 02 trường hợp tử vong là những trường hợp phát hiện trong tháng 1/2010. Trường hợp 1 là nam giới 37 tuổi, sống tại huyện Helwan, tỉnh Helwan, khởi phát ngày 31/01/2010; trường hợp 2 là một nữ giới 29 tuổi sống tại huyện Elsadat, tỉnh Menofya, khởi phát ngày 27/01/2010. Tích lũy từ năm 2003 đến nay, số trường hợp mắc và tử vong do Cúm A(H5N1) trên toàn thế giới là 478/286 tại 15 quốc gia.
b. Tại Việt Nam:
Theo báo cáo của các Viện Vệ sinh dịch tễ, Pasteur, Trung tâm y tế dự phòng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trung tâm kiểm dịch quốc tế, Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình dịch bệnh như sau:
- Dịch cúm A(H1N1): Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội ngày 15/02/2010 đã ghi nhận 01 trường hợp bệnh nhân cúm A(H1N1), bệnh nhân nữ 75 tuổi, sống tại phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm. Khởi phát ngày 15/02/2010, được đưa vào Bệnh viện Việt Pháp cùng ngày, xét nghiệm dương tính với cúm A và được chuyển sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương điều trị, kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện dương tính với cúm A/H1N1. Hiện nay bệnh nhân đang được tiếp tục điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sức khoẻ tốt. Tích lũy cả nước đến ngày 19/2/2010, Việt Nam đã ghi nhận 11.187 trường hợp dương tính với cúm A(H1N1), trong đó có 58 trường hợp tử vong.
- Dịch cúm A(H5N1):
+ Trên gia cầm: Theo thông báo của Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiện nay, cả nước còn 07 tỉnh có dịch cúm gia cầm chưa qua 21 ngày là Nghệ An, Cà Mau, Điện Biên, Sóc Trăng, Kon Tum, Quảng Trị và Nam Định. Cơ quan Thú y đã tiến hành các biện pháp xử lý ổ dịch cúm trên gia cầm.
+ Trên người: Theo báo cáo nhanh của Viện Pasteur thành phố Nha Trang, tại Khánh Hòa ghi nhận 01 trường hợp nghi ngờ cúm A(H5N1), đó là một bé gái 03 tuổi, sống tại thôn Nhĩ Sự, xã Ninh Thân, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Khởi phát ngày 27/01/2010 với các triệu chứng: Sốt (39 độ C), ho, sổ mũi. Ngày 28/01/2010 đến bệnh viện huyện Ninh Hòa khám bệnh và được chẩn đoán Viêm đường hô hấp trên và được lấy mẫu xét nghiệm trong khuôn khổ dự án Nâng cao năng lực phòng xét nghiệm hợp tác Việt - Úc, kết quả ngày 12/02/2010 tại Viện Pasteur Nha Trang bằng Real time -PCR dương tính với H5N1. Hiện nay, trẻ đã hồi phục, khoẻ mạnh. Kết quả điều tra dịch tễ cho thấy, mọi người trong gia đình và xung quanh không có ai bị bệnh tương tự. Không có hiện tượng gà vịt chết hàng loạt, gia đình bệnh nhân có nuôi gà nhưng không có hiện tượng gà ốm, chết. Khoảng gần 1 tháng trước, tại trại đà điểu (cách nhà bệnh nhân khoảng gần 1km) có hiện tượng đà điểu chết không rõ nguyên nhân. Chi cục Thú y tỉnh Khánh Hòa đã lấy mẫu và xử lý ổ dịch trên gia cầm theo quy định, chưa có kết quả xét nghiệm. Trong năm 2010, chưa ghi nhận trường hợp cúm A(H5N1). Tích lũy từ năm 2003 đến nay, nước ta ghi nhận 112 trường hợp mắc, 57 trường hợp tử vong.
Các hoạt động Bộ Y tế đó triển khai phòng chống dịch trong dịp Tết Nguyên Đán:
+ Chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các biện pháp tăng cường công tác chống dịch trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần.
+ Thành lập các đội chống dịch cơ động tại Bộ Y tế và tại các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, các tỉnh/thành phố trên toàn quốc; tổ chức trực chống dịch 24/24 giờ, chuẩn bị sẵn sàng các cơ số thuốc, vật tư, hoá chất, để hỗ trợ kịp thời, xử lý triệt để ổ dịch khi xảy ra dịch.
+ Tăng cường các hoạt động kiểm dịch y tế quốc tế, giám sát, phòng chống các bệnh truyền nhiễm lây qua đường cửa khẩu; tăng cường kiểm tra y tế môi trường tại các nơi tập trung đông người như nhà ga, bến tàu, bến xe; kiểm tra công tác an toàn vệ sinh thực phẩm tại các khu vực chợ đầu mối, các cơ sở kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Chỉ đạo các địa phương tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, khai thông cống rãnh, không vứt rác, đổ phế thải bừa bãi, giữ vệ sinh chung.
+ Chỉ đạo Viện Pasteur Nha Trang, Sở Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Khánh Hòa thực hiện các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch; yêu cầu Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh và Sở Y tế tỉnh An Giang triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch và phối hợp với nước bạn triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm.
+ Tăng cường tuyên truyền về phòng chống dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, tập trung vào các dịch như cúm A(H1N1), cúm A(H5N1), sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp nguy hiểm; hướng dẫn người dân không ăn thịt gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc, thông báo cho cơ quan y tế và thú y địa phương khi phát hiện thấy có dịch trên gia cầm để triển khai các biện pháp xử lý kịp thời.
+ Thành lập các đoàn công tác kiểm tra, chỉ đạo, giám sát việc thực hiện công tác phòng chống dịch tại các địa phương, đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán Canh Dần 2010. Đã kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Hà Nội, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Nam, Nghệ An, Hà Tĩnh.
+ Phối hợp chặt chẽ với ngành thú y giám sát chặt chẽ tình hình dịch cúm trên gia cầm tại các tỉnh đang có dịch cúm gia cầm đang lưu hành và tại tỉnh Khánh Hòa (nơi nghi ngờ có bệnh nhân cúm A(H5N1)), triển khai kịp thời các biện pháp phòng lây nhiễm sang người.
Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BYT ngày 01/02/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế về phục vụ công tác y tế trong dịp Tết Canh Dần năm 2010. Trong đó, tập trung chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh thực hiện một số công tác sau: Tổ chức trực, đảm bảo phân công trực 04 cấp, có danh sách phân công trực đầy đủ gửi Bộ Y tế; bố trí đầy đủ phương tiện, thuốc, vật tư sẵn sàng đáp ứng cấp cứu điều trị dịch bệnh, đặc biệt dịch cúm A/H1N1, cúm A/H5N1, bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm do phẩy khuẩn tả .v.v.; bố trí xe cứu thương, đội cấp cứu ngoại viện sẵn sàng đáp ứng công tác cấp cứu người bệnh tại hiện trường khi có thảm họa, tai nạn hàng loạt xảy ra; chuẩn bị thuốc, các phương tiện sẵn sàng phục vụ cấp cứu người bệnh trong dịp Tết. Lãnh đạo Bộ đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị phục vụ của một số bệnh viện trực thuộc Bộ, và các bệnh viện thuộc Sở Y tế Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Thực hiện đầy đủ chế độ trực, tổng hợp báo cáo công tác khám chữa bệnh trong 3 ngày Tết và trong 6 ngày Tết. Các cơ sở Y tế đã bố trí các kíp trực 24/24 giờ, bảo đảm có đủ khả năng xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu, tai nạn giao thông, sinh đẻ trong những ngày Tết, không từ chối hoặc để chậm trễ bất cứ trường hợp cấp cứu nào; nâng cao tinh thần trách nhiệm và ý thức phục vụ người bệnh trong dịp tết Nguyên Đán. Đã tổ chức chăm sóc, phục vụ chu đáo cả về vật chất và tinh thần cho mäi người bệnh còn nằm điều trị tại các bệnh viện hoặc người bệnh vào cấp cứu trong những ngày Tết.
Theo báo cáo của 75 đơn vị, trong đó có 22 bệnh viện Trung ương và Hà Nội, 51 Sở Y tế của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Y tế Bộ Giao thông vận tải và Cục Y tế Bộ Công an, tổng số bệnh nhân đến khám trong 6 ngày tết Nguyên Đán là 144.524 người, tăng 35,6% so với Tết Kỷ Sửu (144.524/106.521); trong đó, 51.720 trường hợp đến khám cấp cứu do tai nạn (chiếm 35,7% số trường hợp đến khám), so với cùng kỳ năm Kỷ Sửu số bệnh nhân đến cấp cứu tăng 20,1% (51720/43032), cấp cứu do tai nạn giao thông tăng 31,8% (26432/20042). Trong số bệnh nhân cấp cứu, đáng chú ý là số ca tai nạn do sinh hoạt năm Canh Dần tăng đáng kể so với năm Kỷ Sửu là 50,36% (7309/4861)
Tổng số bệnh nhân phải nhập viện nội trú là 49414, tăng 23,1% so với 6 ngày Tết Kỷ Sửu (49414/40129). Trong đó, tổng số ca phải phẫu thuật là 6310, tăng 5,6% so với 6 ngày Tết Kỷ Sửu (6310/5971), nhưng số ca phẫu thuật chấn thương sọ não thì tăng đáng kể, 32,5% so với cựng kỳ năm Kỷ Sửu (538/406). Tổng số ca tử vong tại bệnh viện là 698, tăng 32,69% so với số ca tử vong 6 ngày Tết năm Kỷ Sửu (698/526), trong đó tử vong do tai nạn giao thông tại các bệnh viện tăng 29,53% so với Tết Kỷ Sửu (250/193), tử vong do đánh nhau tăng 3,4 lần so với năm trước (17/5).
Mặc dù có cùng số đơn vị báo cáo trong 2 năm Kỷ Sửu và Canh Dần (75 đơn vị), nhưng do số ngày nghỉ của năm Canh Dần dài hơn 1 ngày, nên các số liệu cũng có thể tăng nhẹ. Tuy nhiên, tình hình chung là bệnh nhân nhập viện năm Canh Dần cấp cứu tăng. Đặc biệt, cấp cứu do tai nạn giao thông và tai nạn sinh hoạt tăng đáng kể. Số bệnh nhân nhập viện điều trị, phẫu thuật và tử vong trong bệnh viện đều tăng trong 6 ngày Tết. Nhưng đáng chú ý số tử vong tại các bệnh viện tăng trong dịp Tết năm Canh Dần ngoài nguyên nhân do tai nạn giao thông thì tử vong do đánh nhau tăng 3,4 lần. Các số liệu về cấp cứu tai nạn do sinh hoạt tăng 50,36% và tử vong do đánh nhau tăng 3,4 lần so với năm trước (17/5) cho thấy cần có sự quan tâm của chính quyền địa phương các cấp. Chi tiết số liệu tổng hợp báo cáo của 2 năm Kỷ Sửu và Canh Dần được trình bày tại bảng dưới đây:
Hoạt động khám, chữa bệnh |
Tết Kỷ Sửu (5 ngày Tết) |
Tết Canh Dần (6 ngày Tết) |
Tổng số đơn vị báo cáo |
- 22 Bệnh viện Trung ương và Hà Nội - 51 Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - Cục Y tế Bộ Giao thông - Cục Y tế Bộ Công An. |
|
1. Tổng số bệnh nhân còn lại đến ngày 25/1/2009 (tức ngày 30 Tết âm lịch) |
51.087 |
51.678 |
2. Tổng số lượt khám bệnh trong 6 ngày Tết |
106.521 |
144.524 |
2.1. Tổng số khám cấp cứu, tai nạn |
43.032 |
51.720 |
- Trong đó: Tổng số Tai nạn Giao thông |
20.042 |
26.432 |
+ CTSN Không đội mũ bảo hiểm |
1.590 |
1.563 |
+ CTSN Có đội mũ bảo hiểm |
2.312 |
3.671 |
- Tai nạn do sinh hoạt |
4.861 |
7.309 |
- Tai nạn do pháo nổ, chất nổ |
69 |
77 |
- Ngộ độc thức ăn |
629 |
1.104 |
- Tai nạn do đánh nhau |
3.563 |
4.475 |
- Nguyên nhân khác |
13.868 |
12.323 |
3. Tổng số BN nhập viện điều trị nội trú |
40.129 |
49.414 |
4. Tổng số phẫu thuật |
5.971 |
6.310 |
- Phẫu thuật Chấn thương sọ não |
406 |
538 |
5. Tổng số ca đẻ (bao gồm cả mổ đẻ) |
8.522 |
8.522 |
6. TS tử vong tại BV (bao gồm cả TV ngoại viện): |
526 |
698 |
- TV do tai nạn giao thông |
193 |
250 |
- TV do tai nạn sinh hoạt |
20 |
22 |
- TV do pháo nổ |
4 |
5 |
- TV do tai nạn đánh nhau |
5 |
17 |
3. Tình hình vệ sinh an toàn thực phẩm:
Công tác chỉ đạo kiểm tra an toàn thực phẩm trước Tết Nguyên Đán đã được chỉ đạo quyết liệt và thực hiện nghiêm túc tại các địa phương như:
a. Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về VSATTP đã huy động tất cả các cấp, các ngành liên quan từ trung ương đến địa phương tham gia nhằm tăng cường thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm về chất lượng VSATTP. Theo số liệu báo cáo của 41 địa phương và của Bộ Y tế (tính đến ngày 11/02/2010), cả nước có 1.856 đoàn thanh tra, kiểm tra, trong đó có 10 đoàn thanh tra liên ngành, có sự tham gia của 6 Bộ, ngành trung ương và các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế. Đã kiểm tra được 46741 cơ sở kinh doanh thực phẩm, trong đó có 12 948 cơ sở vi phạm (chiếm 27,7%). Số cơ sở vi phạm bị xử lý là 2353 cơ sở (chiếm 5,03%). Tổng số tiền phạt là 1.042.480.000 đồng.
- Theo báo cáo của các địa phương, 100% cơ sở vi phạm đã được nhắc nhở, xử lý kịp thời, một số địa phương đã xử lý rất kiên quyết các vi phạm như Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vĩnh Long, Gia Lai, Thái Bình, Quảng Nam, nhưng có một số địa phương các cơ sở vi phạm không được xử lý kiên quyết chỉ sử dụng hình thức nhắc nhở như ở Khánh Hoà, Ninh Thuận, Phú Thọ, Quảng Trị, Trà Vinh, Yên Bái.
- Ngoài việc xử phạt, các địa phương đã kiên quyết tiêu hủy các sản phẩm không đảm bảo chất lượng VSATTP, có 489 cơ sở có sản phẩm bị hủy (chiếm 24,3%). Thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng đã phát hiện số lượng lớn hạt dưa có RhodaminB và đã tiêu hủy nhiều sản phẩm không bảo đảm ATVSTP. Tại Hà Nội, ngày 03/02/2010 Cục ATVSTP phối hợp với Thanh tra Bộ Y tế và C36- Bộ Công an đã tiến hành thanh tra đột xuất và phát hiện 2.865kg thực phẩm đông lạnh (07 loại sản phẩm) có vi khuẩn vi sinh vật vượt quá tiêu chuẩn cho phép, đã tiến hành tiêu huỷ toàn bộ số tang vật vi phạm nói trên, góp phần chủ động phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Canh Dần.
b. Các cơ quan thông tin đại chúng đã tăng cường phát "Thông điệp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Canh Dần năm 2010" và tin các phóng sự về lựa chọn thực phẩm an toàn, phòng chống ngộ độc thực phẩm, hướng dẫn lựa chọn và bảo quản sử dụng thực phẩm an toàn trong dịp Tết. Sở Y tế tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã tích cực đa dạng hoá hình thức thông tin, đã phối hợp với các cơ quan truyền thông địa phương tập trung tuyên truyền thông điệp đến tận người dân.
c. Các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm và 05 Viện kiểm nghiệm đã cử các kíp thường trực và các đội điều tra, xử lý vụ ngộ độc, sẵn sàng phương tiện, cán bộ để tiếp nhận và xử lý các vụ ngộ độc thực phẩm, và sự cố về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo báo cáo qua hệ thống trực vệ sinh an toàn thực phẩm của 63 tỉnh thành và 05 viện khu vực, trong các ngày 13 – 21/02/2010 (từ 30 tháng Chạp đến ngày mùng 8 Tết), trên toàn quốc chưa xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm lớn. Tuy nhiên, theo báo cáo của hệ thống các bệnh viện, thì số ca cấp cứu do ngộ độc thức ăn nhập viện lẻ tẻ tại các gia đình vẫn tăng 75,5% so với cựng kỳ năm Kỷ Sửu (1104/629 ca).
Trên đây là báo cáo về công tác y tế được thu thập theo thông tin của 75 đơn vị cơ sở y tế, gồm 22 bệnh viện trực thuộc Trung ương và Hà Nội, 51 Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Cục Y tế của Bộ Giao Thông vận Tải và Cục Y tế Bộ Công An tính đến 10h00 ngày 21/02/2010, Bộ Y tế xin gửi Văn phòng Chính phủ để tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ. Các thông tin bổ sung, Bộ Y tế sẽ trình bày trong báo cáo tháng 02 năm 2010./.
Nơi nhận: |
BỘ
TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.