ỦY BAN NHÂN DÂN
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 133/BC-UBND |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10 tháng 9 năm 2012 |
SƠ KẾT 02 NĂM THỰC HIỆN CHỈ THỊ SỐ 1634/CT-TTG NGÀY 31 THÁNG 8 NĂM 2010 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ TĂNG CƯỜNG CHỈ ĐẠO VÀ THỰC HIỆN MỘT SỐ NHIỆM VỤ CẤP BÁCH, TRỌNG TÂM TRONG CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY CHỮA CHÁY VÀ CỨU NẠN, CỨU HỘ
Thực hiện Chỉ thị số 1634/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo và thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ; Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh báo cáo kết quả 2 năm triển khai thực hiện Chỉ thị trên địa bàn thành phố như sau:
Nhìn chung trong 2 năm qua, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo các sở - ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố tăng cường triển khai, thực hiện nhiều biện pháp về PCCC, tổ chức thực hiện tốt các nội dung, yêu cầu đối với công tác PCCC trên địa bàn thành phố; công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC ngày càng được nâng cao về chất lượng và số lượng; công tác kiểm tra, quản lý cơ sở về PCCC đã được nâng lên rõ rệt; công tác chữa cháy, cứu nạn cứu hộ luôn được đảm bảo.
I. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHỈ THỊ
1. Công tác lãnh đạo chỉ đạo, triển khai thực hiện:
- Ủy ban nhân dân thành phố đã xây dựng Kế hoạch số 607/KH-UBND, ngày 10 tháng 02 năm 2011 triển khai thực hiện Chỉ thị số 1634/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo và thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đến các sở - ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, cơ quan, tổ chức trên địa bàn thành phố, qua đó các đơn vị đã tổ chức triển khai thực hiện tốt các nội dung, yêu cầu đề ra.
- Các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các quận - huyện đã tăng cường công tác phối hợp thống nhất, chặt chẽ trong công tác PCCC, các đơn vị này luôn đi đầu trong việc chấp hành các nội quy, quy định về PCCC và đề ra các giải pháp, biện pháp nâng cao công tác PCCC trong lĩnh vực mình quản lý. Thủ trưởng các đơn vị đã tổ chức chỉ đạo tăng cường kiểm tra việc thực hiện các quy định về PCCC tại các sở - ngành, quận - huyện, đơn vị cơ sở, nhất là công tác PCCC tại các nhà chung cư cao tầng, khu đô thị, chợ, trung tâm thương mại, khu công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở dịch vụ, khu dân cư, các khu rừng dễ cháy, các kho tàng, cơ sở sản xuất và các công trình trọng điểm khác có nhiều nguy cơ cháy, nổ.
- Các đơn vị trên địa bàn thành phố đã phát huy tốt vai trò là cơ quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng tổ chức thực hiện công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực PCCC, hướng dẫn áp dụng Luật PCCC phục vụ đắc lực nhất cho các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
- Tại các sở - ngành, quận - huyện đều thành lập Ban chỉ đạo về PCCC và có đại diện lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố làm Phó ban thường trực, do đó các mặt công tác trên lĩnh vực PCCC ngày càng được nâng cao về chất lượng; thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban chỉ đạo PCCC các cấp; đã đánh giá thực trạng phong trào quần chúng PCCC, chấn chỉnh kịp thời công tác PCCC tại những cơ sở trọng điểm về cháy nổ. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp, các ngành thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra nghiệp vụ PCCC đối với lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng và lực lượng PCCC chuyên ngành. Hàng năm, Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chế độ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả công tác PCCC.
a) Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về PCCC:
Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố thường xuyên chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng, báo chí tăng thời lượng đưa tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về PCCC và cứu nạn, cứu hộ tới các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đơn vị hành chính, sự nghiệp, các cơ sở kinh tế, quốc phòng và toàn thể nhân dân để họ tự nguyện thực hiện các quy định về PCCC.
Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Chỉ thị số 14/2010/CT-UBND , ngày 15 tháng 5 năm 2010 về tăng cường công tác tuyên truyền về PCCC trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh để chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung tuyên truyền, phổ biến về công tác PCCC bằng nhiều hình thức phong phú. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về PCCC đã được thực hiện tốt và đi vào chiều sâu, đã vận động người dân đóng góp sức người, sức của cho công tác PCCC, lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong công tác PCCC. Công tác tuyên truyền, vận động PCCC đã phát huy sức mạnh, vai trò của cả hệ thống chính trị cùng với việc sử dụng nhiều loại hình, biện pháp phù hợp đã thu hút được nhiều người, nhiều đối tượng tham gia hoạt động PCCC, như thông qua chi bộ Đảng để vận động đảng viên gương mẫu thực hiện, thông qua các tổ chức đoàn thể, tổ dân phố để triển khai thực hiện các mặt phong trào.
Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy đã phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các quận - huyện, các cơ quan truyền thông thành phố tổ chức xây dựng 56 phim phóng sự, tài liệu tuyên truyền về công tác phòng cháy chữa cháy trên Đài Truyền hình thành phố. Các Báo, đài trên địa bàn thành phố và các cơ quan truyền thông đã xây dựng chuyên mục riêng để thường xuyên tuyên truyền về PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Chính quyền các cấp phối hợp với các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang đăng tải băng rôn, khẩu hiệu panô, áp phích: 14.630 chiếc; dùng xe loa, xe hoa tuyên truyền trên 137 lượt; tổ chức 24 Hội nghị tổng kết phong trào toàn dân tham gia PCCC; bên cạnh đó, đã có sự phối hợp của Ủy ban nhân dân các cấp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và các đoàn thể quần chúng trong việc xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện công tác PCCC.
Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố đã trực tiếp tổ chức 16.278 cuộc tuyên truyền miệng về công tác PCCC (tăng 4.028 cuộc, tỷ lệ 32,88%) cho 304.121 lượt người dự nghe tại các khu dân cư và cơ sở sản xuất kinh doanh. Qua công tác tuyên truyền, ý thức tự giác chấp hành các quy định về PCCC của người dân được nâng lên rõ rệt, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn thành phố. Đặc biệt với phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm” trong việc chuyển hóa các khu dân cư có nguy cơ cháy cao, Ủy ban nhân dân thành phố đã kịp thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân các quận - huyện, các ngành điện lực, cấp nước, giao thông, phòng cháy chữa cháy tổ chức thực hiện các giải pháp; mở rộng các con hẻm, cải tạo hệ thống điện, cung cấp nguồn nước, tôn hóa, gạch hóa các ngôi nhà làm bằng vật liệu dễ cháy... việc làm này tạo sự đồng thuận của các cơ quan và nhân dân. Kết quả đạt được, năm 2011 đã chuyển hóa được 01 khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao, đến nay chỉ còn 12 khu dân cư dễ cháy. Trong thời gian tới sẽ chuyển hóa hết những khu còn lại.
b) Công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC:
Trong 02 năm qua, phong trào quần chúng tham gia công tác PCCC ngày càng được đẩy mạnh, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện công tác PCCC. Bên cạnh ý thức chấp hành các quy định về PCCC của người dân được nâng lên, nhiều tổ chức, cá nhân đã có những đầu tư cho công tác PCCC, có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong PCCC như: nghiên cứu sản xuất chất chống cháy, cải tiến xe môtô chữa cháy có thể chữa cháy những đám cháy trong các hẻm nhỏ, sâu đạt kết quả tốt. Từ đó có hàng ngàn vụ cháy được nhân dân và lực lượng tại chỗ dập tắt khi mới phát sinh. Nhiều cá nhân là người dân đã dũng cảm trong việc chữa cháy trong đó có những người bị thương, bị hy sinh cả tính mạng của mình. Đây là những tấm gương cao đẹp trong phong trào “Toàn dân phòng cháy chữa cháy” để chứng minh cho sự đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, là cơ sở để thành phố Hồ Chí Minh thực hiện xã hội hóa công tác PCCC.
Qua phát động phong trào toàn dân tham gia PCCC, các sở - ngành, quận - huyện, các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố đã tích cực tham gia hưởng ứng thi tìm hiểu pháp luật về PCCC. Có những đơn vị có những hành động cụ thể, sáng tạo góp phần tích cực trong công tác PCCC như Ủy ban nhân dân quận 1 xây dựng mô hình phường không để xảy ra cháy; Ủy ban nhân dân quận 3 đã phát động cứ 3 hộ dân liền kề được trang bị 01 bình chữa cháy, vận động nhân dân thực hiện theo phương châm “3 có, 3 biết”; các quận - huyện như Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi, quận 2, quận 3, quận 9, quận Thủ Đức đã tổ chức xây dựng mô hình phường điểm, xã điểm, khu phố điểm về phòng cháy và chữa cháy,....
Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã xây dựng được 26.201 đội PCCC tại chỗ với 291.283 đội viên, 1630 đội dân phòng với gần 50.000 đội viên. Trong đó, năm 2011 thành lập mới 1.269 đội dân phòng và đội PCCC cơ sở với 15.706 đội viên; trang bị mới 5.033 bình chữa cháy xách tay các loại và 164 máy bơm chữa cháy. Các đơn vị cơ sở đã phối hợp với lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố tổ chức các lớp huấn luyện bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ PCCC. Để trang bị kiến thức PCCC cho lực lượng cơ sở, hàng năm Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy đã phối hợp với các ngành, Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức các lớp huấn luyện nghiệp vụ PCCC và tổ chức Hội thao kỹ thuật phòng cháy chữa cháy cho các cơ quan, đơn vị và các cấp phường, xã, khu phố trọng điểm.
Để nâng cao chất lượng phong trào toàn dân PCCC, Ủy ban nhân dân thành phố đã chủ trương đưa công tác PCCC là một trong những nội dung, tiêu chí bình xét thi đua ở các sở - ngành, quận - huyện và cũng là một trong những tiêu chí đánh giá phường văn hóa, khu phố văn hóa. Các đơn vị, địa phương đã xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm xây dựng và nhân điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân tham gia công tác PCCC, đã kịp thời động viên khen thưởng những tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC, qua đó khích lệ cán bộ công nhân viên, quần chúng nhân dân tích cực tham gia các hoạt động PCCC tại địa phương.
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa phong trào toàn dân tham gia PCCC, ngày 11 tháng 7 năm 2012, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Chỉ thị số 19/2012/CT-UBND về tăng cường công tác xây dựng phong trào toàn dân PCCC trên địa bàn thành phố triển khai đến toàn thể các đơn vị trực thuộc thực hiện, từ đó phong trào toàn dân tham gia PCCC trên địa bàn thành phố thật sự phát triển và ngày càng được nâng cao về chất lượng.
a) Công tác thanh tra, kiểm tra an toàn PCCC:
Trong 02 năm qua, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo các lực lượng chức năng phối hợp tổ chức kiểm tra, phúc tra theo các chuyên đề như: nhà chung cư, nhà cao tầng; khu dân cư; xăng dầu, khí đốt hóa lỏng; chợ, trung tâm thương mại, siêu thị; kho, các cơ sở lớn; các cơ sở trong khu công nghiệp, khu chế xuất; các khu vực vui chơi, giải trí, tập trung đông người; chuyên đề PCCC các cơ sở hàn cắt kim loại; chuyên đề các điểm trông giữ xe công cộng, gara xe trên địa bàn thành phố; chuyên đề các cơ sở kinh doanh dịch vụ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn thành phố; chuyên đề tổ chức các hoạt động sinh hoạt hè năm 2012; kiểm tra, rà soát, thống kê và phân loại sử dụng căn hộ chung cư hiện đang sử dụng không phải để làm nhà ở trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh... để từ đó rà soát, phát hiện, hướng dẫn cơ sở khắc phục kịp thời các nguy cơ có khả năng gây cháy và cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, đã đề xuất các giải pháp, biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy phù hợp với thực tế tại địa phương. Những cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ cao và có khả năng cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, Ủy ban nhân dân các cấp đã chỉ đạo tập trung kiểm tra, rà soát các điều kiện an toàn PCCC. Khi phát hiện thiếu sót, tồn tại không đảm bảo an toàn PCCC đã khẩn trương khắc phục sửa chữa. Bên cạnh đó tiến hành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đã kiến nghị về an toàn PCCC mà không khắc phục sửa chữa kịp thời.
Kết quả sau 02 năm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan liên quan đã phối hợp tham mưu thành lập 67 đoàn thanh tra (tăng 19 đoàn, tỷ lệ 39,58%), kiểm tra liên ngành về PCCC, đã tiến hành kiểm tra, phúc tra công tác an toàn PCCC 125.843 lượt cơ sở (tăng 21.553 lượt, tỷ lệ 20,67%), lập 125.843 biên bản kiểm tra. Qua kiểm tra an toàn PCCC đã phát hiện 1.735 sơ hở, thiếu sót, đề ra được các biện pháp khắc phục kịp thời, hạn chế được tình hình cháy và thiệt hại do cháy gây ra,... số sơ hở, thiếu sót và vi phạm quy định an toàn PCCC được chỉ đạo giải quyết, khắc phục dứt điểm được trên 3/4 tổng số sơ hở, thiếu sót được phát hiện. Thông qua công tác kiểm tra an toàn PCCC, Ủy ban nhân dân thành phố đã nắm chắc hơn về tình hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để có hướng chỉ đạo xây dựng các phương án bảo vệ thích hợp cho từng ngành, từng địa phương.
Ủy ban nhân dân thành phố cũng đã chỉ đạo và yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở thực hiện nghiêm túc chế độ tự kiểm tra, đã tổ chức tự kiểm tra 144.305 lượt (tăng 20.237 lượt, tỷ lệ 16,31%), phát hiện 1.276 thiếu sót, qua công tác tự kiểm tra lãnh đạo cơ sở đã chỉ đạo khắc phục kịp thời các thiếu sót. Ủy ban nhân dân các quận - huyện phối hợp với cơ quan Cảnh sát PCCC tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ tự kiểm tra PCCC theo hướng dẫn của Bộ Công an. Lãnh đạo các đơn vị duy trì công tác thanh, kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy tại địa bàn quản lý.
b) Công tác điều tra, xử lý vi phạm quy định về PCCC:
Công tác xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực PCCC đã được thực hiện nghiêm túc đúng theo quy định pháp luật. Lực lượng Cảnh sát PCCC đã phát hiện, lập biên bản 8.326 trường hợp vi phạm (giảm 8 trường hợp, tỷ lệ 0,1%). Trong đó, phạt tiền 8.185 trường hợp (giảm 116 trường hợp, tỷ lệ 1,4%) với tổng số tiền xử phạt là 10,3967 tỷ đồng (giảm 1,077 tỷ đồng, tỷ lệ 9,39%), cảnh cáo 52 trường hợp (tăng 40 trường hợp, tỷ lệ 333,33%), tạm đình chỉ hoạt động 66 cơ sở (tăng 60 trường hợp), đình chỉ hoạt động 23 cơ sở (tăng 8 trường hợp, 53,33%),
Về công tác điều tra: lực lượng chức năng đã chủ trì và tham gia điều tra 245 vụ cháy, đã điều tra làm rõ 242 vụ chiếm tỷ lệ 98,78%, trong đó chuyển cơ quan điều tra theo thẩm quyền khởi tổ 13 vụ.
Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố đã lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát và tổ chức Lễ mitting, các hoạt động Kỷ niệm 50 năm ngày ban hành Pháp lệnh Phòng cháy chữa cháy, 15 năm “Ngày toàn dân phòng cháy và chữa cháy”, 10 năm thi hành Luật Phòng cháy chữa cháy. Các sở, ban, ngành các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các quận - huyện đã chủ động, phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền về các hoạt động Kỷ niệm 50 năm Ngày ban hành Pháp lệnh PCCC, 15 năm thi hành Luật PCCC, 10 năm thi hành Luật PCCC; tổ chức Hội thi tìm hiểu Luật phòng cháy chữa cháy; tổ chức Hội thao kỹ thuật chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Mitting Kỷ niệm 50 năm Ngày ban hành Pháp lệnh PCCC, 15 năm Ngày toàn dân PCCC... Các hoạt động PCCC đã được tổ chức thường xuyên từ cơ sở đến cấp thành phố, với nội dung phong phú, thiết thực, không phô trương hình thức, lãng phí; các sở - ngành, quận - huyện đều tổ chức xét khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác PCCC trong 10 năm qua đúng theo quy định.
5. Kết quả công tác xây dựng Đề án:
Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 01/2012/QĐ-UBND ngày 04 tháng 01 năm 2012 về ban hành kế hoạch chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách thành phố; chương trình công tác của Ủy ban nhân dân thành phố năm 2012. Trong đó, chỉ đạo Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố chủ trì xây dựng Đề án nâng cao năng lực PCCC, xây dựng lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới; Dự án quy hoạch ngành PCCC trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025; Đề án nghiên cứu mô hình hoạt động của lực lượng cứu nạn - cứu hộ trên địa bàn thành phố; Đề án đào tạo cán bộ Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố đến năm 2015 để hoàn chỉnh ban hành trong thời gian tới.
6. Công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang bị phương tiện PCCC và cứu nạn cứu hộ:
Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các quận - huyện, phường, xã, thị trấn hàng năm đầu tư kinh phí để trang bị phương tiện chữa cháy cho các đội dân phòng, chủ yếu là các loại bình chữa cháy, máy bơm chữa cháy, xe mô tô chữa cháy. Tính đến nay các sở - ngành, quận - huyện, phường, xã, thị trấn đã trang bị được 6.000 máy bơm chữa cháy, 121 xe môtô chữa cháy, hơn 291.283 bình chữa cháy các loại. Ngoài ra, tại thành phố còn có nhiều hộ gia đình tự trang bị các hệ thống PCCC hoặc bình chữa cháy. Cùng với việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện trang bị phương tiện PCCC cho cơ sở, Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố đã quan tâm đầu tư trang bị phương tiện chữa cháy hiện đại cho lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp; trong 02 năm qua đã đầu tư trên 130 tỷ đồng cho việc mua sắm phương tiện chữa cháy và cứu nạn - cứu hộ, số tiền đầu tư hàng năm cho lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố đều tăng so với những năm trước.
Trong 02 năm qua, Ủy ban nhân dân thành phố đã chỉ đạo Ủy ban nhân dân các quận - huyện bố trí đất để xây dựng và thành lập mới các phòng Cảnh sát PCCC tại các quận - huyện chưa có lực lượng Cảnh sát PCCC. Đến nay, đã xây dựng thêm các trụ sở và thành lập mới 05 đơn vị, gồm: Phòng Cảnh sát PCCC huyện Nhà Bè, Phòng Cảnh sát PCCC quận 2, Phòng Cảnh sát PCCC huyện Cần Giờ, Phòng Cảnh sát PCCC quận Tân Phú, Phòng Cảnh sát PCCC huyện Củ Chi. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố, hiện nay tại các quận - huyện chưa có Phòng Cảnh sát PCCC, Ủy ban nhân dân các quận - huyện tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng tại các đơn vị này để phục vụ kịp thời công tác PCCC và hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển kinh tế tại địa phương.
II. TÌNH HÌNH CHÁY VÀ THIỆT HẠI DO CHÁY GÂY RA
Trong 02 năm qua (từ tháng 9 năm 2010 đến tháng 8 năm 2012), trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh xảy ra 245 vụ cháy (giảm 140 vụ so với cùng kỳ, tỷ lệ 36,36%), thiệt hại về người: chết 08 người, bị thương 31 người; về tài sản ước tính khoảng 56,373 tỷ đồng. Ngoài ra, còn xảy ra 20 vụ nổ làm chết 07 người, bị thương 37 người, về tài sản thiệt hại 51,2 triệu đồng.
Do đặc điểm là đô thị lớn nên nguy cơ xảy ra cháy nổ trên địa bàn thành phố vẫn còn nhiều tiềm ẩn, có nhiều cơ sở sản xuất nhỏ của các hộ gia đình, hợp tác xã nằm xen kẽ trong các khu dân cư... làm cho nguy cơ cháy, nổ trong khu vực này vẫn ở mức cao. Tình hình tăng dân số cơ học do nhập cư dẫn đến các điều kiện và nhu cầu sinh hoạt ngày một tăng cao. Số lượng chất cháy, chất nổ, xăng dầu, khí đốt trong các hộ dân ngày càng nhiều, việc sử dụng điện trong sinh hoạt và sản xuất có mức tiêu thụ lớn kèm theo sự gia tăng về nguy cơ cháy, nổ.
Tình hình giao thông đô thị vẫn còn phức tạp, tình trạng ùn tắc chưa được giải quyết tốt, nhất là các giờ cao điểm ảnh hưởng phần nào đến hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy, cứu nạn - cứu hộ. Nguy cơ có những vụ cháy gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản vẫn còn xảy ra vì các tòa nhà chung cư xây dựng trước 1975 không đảm bảo tiêu chuẩn về PCCC nhưng vẫn được sử dụng làm nhà ở, làm văn phòng mà không có cải tạo và sửa chữa, số lượng thiết bị máy móc đắt tiền, với công nghệ hiện đại, dây chuyền sản xuất đòi hỏi phải có diện tích mặt bằng nhà xưởng lớn nhưng không có tường ngăn cháy với cấu trúc nhà xưởng sườn sắt, mái tôn không đảm bảo tính chịu lửa nếu xảy ra cháy chắc chắn sẽ cháy lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng. Do đó tình hình cháy, nổ trong những năm tới trên địa bàn Thành phố còn diễn biến phức tạp, nguy cơ xảy ra cháy lớn luôn tiềm ẩn khó lường. Vì vậy công tác PCCC tại thành phố đang phải đối mặt với khó khăn, thử thách mới.
III. NHẬN XÉT, ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ THỰC HIỆN
1. Về ưu điểm:
Được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Bộ Công an nên việc tổ chức thực hiện Chỉ thị số 1634/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các quy định pháp luật về PCCC trên địa bàn thành phố đã được thực hiện một cách thường xuyên, có hiệu quả. Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm vụ đảm bảo an ninh - trật tự trên địa bàn thành phố. Việc ban hành Chỉ thị đã đáp ứng kịp thời yêu cầu của tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác PCCC.
Đối với thành phố Hồ Chí Minh, trên cơ sở các nội dung trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố một mặt đã trực tiếp thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên lĩnh vực PCCC ở địa phương, mặt khác đã thể chế hóa bằng nhiều văn bản, quy định phù hợp với điều kiện thực tế, đã tăng cường quản lý về PCCC, trên một số lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực nhiều nguy hiểm về cháy, nổ. Việc triển khai quán triệt thực hiện Chỉ thị số 1634/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được cấp ủy, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành và đơn vị thuộc lực lượng vũ trang trên địa bàn thành phố lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả; thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn về PCCC; tuyên truyền và vận động quần chúng nhân dân chấp hành Luật PCCC, các Nghị định của Chính phủ có liên quan, đảm bảo giữ vững ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, kiềm chế được các vụ cháy lớn, góp phần thực hiện các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố, tạo tiền đề quan trọng để tiến tới xã hội hóa hoạt động PCCC trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Kết quả đã kéo giảm gần 40% vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra so với cùng kỳ trước đó. Việc đầu tư kinh phí mua sắm công cụ phương tiện phòng cháy chữa cháy được tăng lên, nguồn nước phục vụ chữa cháy từng bước được nâng cấp và đáp ứng được yêu cầu. Nhận thức của quần chúng nhân dân được nâng lên, vai trò trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người đứng đầu cơ sở được phát huy. Phong trào toàn dân tham gia PCCC ngày càng được củng cố và phát triển.
2. Về khó khăn, tồn tại:
Bên cạnh các mặt đã thực hiện một cách có hiệu quả, thành phố vẫn còn một số đơn vị thực hiện còn dàn trải, chưa có trọng tâm trọng điểm, chưa có sự phối hợp nhịp nhàng của các tổ chức chính trị xã hội để hoàn thành các mục tiêu cơ bản đề ra. Ủy ban nhân dân các cấp có lúc, có nơi chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của cơ quan quản lý hành chính nhà nước ở địa phương, chưa có sự chỉ đạo, đầu tư đúng mức cho công tác phòng cháy và chữa cháy. Việc triển khai các dự án xây dựng trụ sở Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố và trụ sở các Phòng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy quận - huyện; các dự án, đề án liên quan nâng cao năng lực, tổ chức lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố còn chậm so với tiến độ đề ra.
Các cơ quan chức năng chậm ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật PCCC nên việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về PCCC còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến việc triển khai thực hiện thiếu đồng bộ và thống nhất từ trên xuống. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng cháy và chữa cháy tuy đã thực hiện nhưng đôi khi chưa thường xuyên, liên tục. Nhiều khu dân cư chưa phát động phong trào PCCC hoặc có nhưng chưa duy trì một cách thường xuyên, thiết thực. Trang bị chữa cháy tại chỗ của lực lượng dân phòng tuy đã được Ủy ban nhân dân cấp phường, xã quan tâm đầu tư, nhưng trong thực tế vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu công tác PCCC theo tình hình thực tế tại các khu dân cư.... Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng phường điểm, xã điểm, khu phố điểm đến nay đã thực hiện tốt nhưng quá trình thực hiện vẫn còn chậm, chưa nhân rộng mô hình này để thực hiện trên toàn thành phố.
Qua 02 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 1634/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, một số bài học kinh nghiệm được rút ra sau đây:
Một là, phải nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng, vai trò của công tác phòng cháy chữa cháy; phòng cháy chữa cháy là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên lãnh thổ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, công tác phòng cháy chữa cháy có tác động ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội và an ninh trật tự của cả nước.
Hai là, việc triển khai thực hiện Chỉ thị này không chỉ là nhiệm vụ của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố mà còn là trách nhiệm của toàn dân, do đó phải tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, cơ sở trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Ba là, công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia công tác phòng, cháy, chữa cháy phải gắn với công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, để từng bước đưa công tác phòng cháy, chữa cháy vào nề nếp, thường xuyên và có hiệu quả.
Bốn là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy chữa cháy, làm cho nhân dân thấy được nguy cơ, nguyên nhân và tác hại do cháy gây ra, để từ đó đề cao ý thức phòng ngừa và thấy được lợi ích của việc đầu tư cho các hoạt động PCCC. Đồng thời, biểu dương khen thưởng kịp thời gương người tốt việc tốt trong phong trào PCCC, đồng thời xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về PCCC.
Năm là, củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng cháy chữa cháy các cấp; đánh giá thực trạng phong trào quần chúng tham gia công tác PCCC; chấn chỉnh công tác PCCC tại những cơ sở trọng điểm về cháy, nổ; các cấp, các ngành thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra nghiệp vụ PCCC đối với lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng.
V. KẾ HOẠCH TIẾP TỤC TRIỂN KHAI CHỈ THỊ SỐ 1634/CT-TTG NGÀY 31/8/2012 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
1. Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 1634/TT-TTg, ngày 31 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ; Chỉ thị số 09 của Ban Thường vụ Thành ủy, Kế hoạch số 2215/KH-UBND ngày 20 tháng 5 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố về tổ chức thực hiện Chỉ thị số 09 của Ban Thường vụ Thành ủy về tăng cường lãnh đạo thực hiện công tác PCCC và cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn thành phố và Chỉ thị số 19/2012/CT-UBND ngày 11 tháng 7 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố về tăng cường công tác xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
2. Tiếp tục chỉ đạo nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với công tác PCCC trên địa bàn thành phố, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức về phòng cháy chữa cháy đến mọi tầng lớp nhân dân, trong đó chú trọng tuyên truyền về ý thức trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, hộ gia đình trong việc tổ chức thực hiện công tác phòng cháy chữa cháy; đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia công tác phòng cháy chữa cháy trong các cơ sở kinh tế, văn hóa, khu dân cư trọng điểm để từ đó nâng cao hơn nữa ý thức chấp hành các điều kiện về an toàn PCCC của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn quản lý.
3. Chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý đầu tư xây dựng, kiểm tra an toàn đối với khu dân cư, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại tập trung đông người phải đảm bảo các điều kiện an toàn PCCC. Lãnh đạo các đơn vị duy trì công tác thanh tra, kiểm tra an toàn PCCC tại địa bàn quản lý. Những cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ cao và có khả năng cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản thì cần tập trung kiểm tra, rà soát thật kỹ các điều kiện an toàn PCCC. Khi phát hiện thiếu sót, tồn tại không đảm bảo an toàn PCCC phải khẩn trương khắc phục sửa chữa. Bên cạnh đó tiến hành xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đã kiến nghị về an toàn PCCC mà không khắc phục sửa chữa kịp thời.
4. Tiếp tục chỉ đạo Ủy ban nhân dân các quận - huyện phối hợp với các đơn vị liên quan bố trí đất và đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đơn vị Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tại các quận - huyện và tăng cường đầu tư kinh phí trang bị phương tiện, thiết bị cho lực lượng Cảnh sát PCCC quận - huyện đủ sức hoàn thành nhiệm vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ ở địa phương.
5. Tập trung chỉ đạo các đơn vị chức năng, phối hợp với Sở Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy thành phố đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án nâng cao năng lực PCCC, xây dựng lực lượng Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố ngang tầm với các nước trong khu vực và trên thế giới; Dự án quy hoạch ngành PCCC trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025; Đề án nghiên cứu mô hình hoạt động của lực lượng cứu nạn-cứu hộ trên địa bàn thành phố; Đề án đào tạo cán bộ Cánh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố đến năm 2015, nhằm xây dựng lực lượng Cảnh sát PCCC chính quy tinh nhuệ, hiện đại đáp ứng yêu cầu công tác PCCC trong tình hình mới. Hoàn thành trong quý II năm 2013.
6. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các quận - huyện tiếp tục tổ chức xây dựng các phường điểm, xã điểm, khu phố điểm về công tác phòng cháy chữa cháy để nhân rộng mô hình này đến tất cả các phường, xã, khu phố trên toàn thành phố; tập trung củng cố xây dựng mới các đội dân phòng, đội PCCC cơ sở ở những khu dân cư tập trung và cơ sở trọng điểm đủ mạnh để đảm bảo công tác PCCC tại chỗ. Tiếp tục xây dựng, củng cố lực lượng phòng cháy chữa cháy chuyên nghiệp và lực lượng phòng cháy chữa cháy tại chỗ để chữa cháy kịp thời và có hiệu quả.
7. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí cho lực lượng PCCC trên địa bàn thành phố để lực lượng này thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao./.
|
KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.