BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1296/BC-BNN-HTQT |
Hà Nội, ngày 17 tháng 04 năm 2013 |
Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ
Bộ Nông nghiệp và PTNT đã nhận được Thông báo 130/TB-VPCP ngày 27/3/2013 thông báo về kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp với các Bộ/ngành ngày 20/03/2013 về việc cho phép nhập khẩu trở lại nội tạng trắng đông lạnh.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và tiếp thu ý kiến đóng góp của các Bộ/ngành, ngày 28/04/2013 Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có buổi làm việc với các cơ quan quản lý chuyên ngành của Bộ về việc quản lý, giám sát nội tạng trắng đông lạnh khi cho phép nhập khẩu trở lại và xin được báo cáo như sau:
1. Việc cho phép nhập khẩu trở lại nội tạng trắng đông lạnh ở thời điểm hiện tại là phù hợp do:
- Tái khẳng định các biện pháp SPS Việt Nam áp dụng là có cơ sở và được xem xét dựa trên các chứng cứ mang tính khoa học; giải quyết quan ngại của các nước liên quan đến chính sách thương mại của Việt Nam mà việc cấm nhập khẩu nội tạng trắng của ta đã được nêu trong thông báo của Ủy ban WTO/SPS (G/SPS/GEN/204/Rev.13) và tại Chương III, dự thảo báo cáo rà soát chính sách thương mại của Việt Nam do Ban thư ký WTO soạn thảo và dự kiến đưa ra điều trần vào tháng 9/2013 tại Geneva.
- Tạo điều kiện cho việc đàm phán mở cửa thị trường đối với các mặt hàng nông lâm sản của Việt Nam và hỗ trợ kỹ thuật tăng cường năng lực cho Việt Nam trong lĩnh vực SPS, cụ thể là việc ưu tiên xem xét đánh giá rủi ro nhập khẩu với một số mặt hàng rau, hoa, quả nhiệt đới của Việt Nam vào thị trường Úc và Hoa Kỳ và EU.
- Giúp kiểm soát tốt hơn chất lượng và an toàn đối với mặt hàng này qua con đường nhập khẩu chính ngạch.
2. Biện pháp quản lý và kiểm tra khi cho phép nhập khẩu trở lại:
- Thỏa thuận trong việc cho phép nhập khẩu: Chỉ cho phép nhập khẩu nội tạng trắng đông lạnh từ các nước đã có thỏa thuận về mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu sản phẩm nội tạng giữa Cục Thú y Việt Nam với Cơ quan Thú y có thẩm quyền của nước xuất khẩu, đồng thời nước xuất khẩu phải đáp ứng được các yêu cầu của Việt Nam theo quy định tại Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25/04/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm và Thông tư 25/2010/TT-BNNPTNT ngày 08/4/2010 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm đối với hàng hóa có nguồn gốc động vật nhập khẩu.
- Cửa khẩu nhập khẩu: Đề nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính xem xét hướng dẫn cụ thể về cảng biển hay cửa khẩu nhập vào Việt Nam đối với mặt hàng nội tạng trắng đông lạnh (cảng Hải Phòng, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh) với lý do là tại 03 cảng biển này đáp ứng được yêu cầu cơ bản về hạ tầng cho việc lưu giữ bảo quản công hàng lạnh và cơ quan Thú y tại các cảng biển này đáp ứng được năng lực trang thiết bị, kỹ thuật kiểm tra an toàn thực phẩm và vệ sinh thú y.
- Kiểm tra và thông quan: Tất cả các lô hàng nội tạng trắng nhập khẩu vào Việt Nam được lưu giữ tại khu vực cửa khẩu nhập, có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan kiểm dịch động vật và hải quan. Tiến hành kiểm tra cảm quan, tồn dư hóa chất, tồn dư thuốc thú y, kim loại nặng và ô nhiễm vi sinh vật theo quy định và chỉ cho phép thông quan khi đảm bảo đáp ứng các quy định về an toàn thực phẩm của Việt Nam.
- Phương pháp lấy mẫu kiểm dịch và kiểm tra an toàn thực phẩm: Theo hướng dẫn tại Công văn số 1583/TY-KD ngày 21/9/2009 của Cục Thú y hướng dẫn về việc lấy mẫu sản phẩm động vật để kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh thú y. Đối với nội tạng trắng, việc kiểm dịch nhập khẩu áp dụng theo quy định tại Quyết định 15/2006/QĐ-BNN ngày 03/8/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quy trình, thủ tục kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật và kiểm tra vệ sinh thú y.
- Quản lý, giám sát các lô hàng nội tạng trắng nhập khẩu: Thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 1574/TY-KD ngày 18/9/2009 của Cục Thú y hướng dẫn về quản lý, giám sát, xử lý, tiêu thụ sản phẩm động vật đông lạnh, ướp lạnh nhập khẩu làm thực phẩm.
- Chỉ tiêu giới hạn an toàn thực phẩm: Áp dụng mức tồn dư hóa chất, kháng sinh được quy định tại Quyết định 46/2007/QĐ-BYT ngày 19/12/2007 ban hành quy định giới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm. Mức ô nhiễm vi sinh vật áp dụng theo quy định tại Thông tư 05/2012/TT-BYT ngày 01/3/2012 của Bộ Y tế ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với ô nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm.
3. Biện pháp quản lý và xử lý khi lô hàng vi phạm quy định:
- Đối với các lô hàng nhập khẩu không đáp ứng được các quy định vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm hoặc có nguồn gốc từ các nước chưa có thỏa thuận về mẫu giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu sản phẩm nội tạng trắng hoặc từ các cơ sở sản xuất chưa được phép xuất khẩu vào Việt Nam đều buộc phải tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, hoặc buộc phải chuyển mục đích sử dụng hoặc tiêu hủy.
- Đề nghị Bộ Tài chính xem xét xây dựng quy định về việc ký quỹ hay đặt cọc đối với các doanh nghiệp, nhà xuất khẩu để trong trường hợp có vi phạm mà buộc phải tiêu hủy thì có thể sử dụng nguồn kinh phí đó cho việc xử lý.
4. Thông tin đến các đối tác thương mại và công luận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ có văn bản thông báo chính thức đến các bên có quan tâm và ban hành quy định cụ thể về quản lý chuyên môn kỹ thuật để triển khai thực hiện.
- Tổ chức thông tin và giải thích các thắc mắc và lo ngại của công chúng, cũng như là lợi ích của việc cho phép nhập khẩu trở lại đối với nội tạng trắng đối với thương mại các mặt hàng nông lâm sản và thủy sản khác của Việt Nam nhằm hài hòa lợi ích trong thương mại giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế.
Trên đây là các nội dung và biện pháp quản lý khi cho phép nhập khẩu trở lại nội tạng trắng đông lạnh và xin đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét cho triển khai thực hiện trong Quý II năm 2013.
Bộ Nông nghiệp và PTNT xin báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.