ỦY BAN DÂN TỘC |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 08/BC-UBDT |
Hà Nội, ngày 24 tháng 01 năm 2017 |
TỔNG KẾT CÔNG TÁC DÂN TỘC NĂM 2016 VÀ TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2017
Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020; thực hiện công tác dân tộc trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 thành công tốt đẹp. Tuy nhiên, tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh và phức tạp; kinh tế nước ta tăng trưởng khá nhưng vẫn chậm hơn dự kiến; ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn nên nguồn lực bố trí thực hiện các chính sách dân tộc (CSDT) hạn chế. Bên cạnh đó, thiên tai nặng nề xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước nói chung, vùng dân tộc và miền núi (DT&MN) nói riêng đã ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).
Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Ủy ban Dân tộc (UBDT) đã bám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chương trình công tác của Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể hóa thành các chương trình hành động, kế hoạch công tác; nỗ lực phối hợp cùng các Bộ, ngành chỉ đạo các địa phương vùng DT&MN triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc trên phạm vi cả nước.
UBDT báo cáo kết quả thực hiện công tác dân tộc năm 2016 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2017 như sau:
KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC DÂN TỘC NĂM 2016
I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC DÂN TỘC CỦA ỦY BAN DÂN TỘC
1.1. Theo dõi, tổng hợp, tham mưu cho Đảng, Chính phủ về công tác dân tộc
Ngay từ đầu năm, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo UBDT tập trung chỉ đạo việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết, Quyết định, Chỉ thị, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 nói chung và công tác dân tộc nói riêng; gắn thực hiện nhiệm vụ chính trị với thực hiện Nghị quyết TW 4 khóa XI về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị Khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; các mục tiêu, nhiệm vụ tại Nghị định số 05/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc; Chỉ thị số 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc và các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 2356/QĐ-TTg ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020...
Tham mưu trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư dự thảo Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng phần về công tác dân tộc, trong đó xác định rõ chủ trương, đường lối của Đảng đối với công tác dân tộc giai đoạn 2016 - 2020. Sau Đại hội, UBDT khẩn trương ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, thể hiện quyết tâm chính trị của Ban Cán sự, Lãnh đạo Ủy ban trong việc đưa Nghị quyết Đại hội Đảng đi vào cuộc sống.
Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT đã trực tiếp báo cáo giải trình trước Quốc hội, cử tri cả nước về thực trạng kinh tế - xã hội, những khó khăn, bất cập trong sản xuất, đời sống, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội; tình hình xây dựng, triển khai các CSDT, quản lý nhà nước về công tác dân tộc; các chủ trương, giải pháp lớn về đầu tư phát triển toàn diện, giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào vùng DT&MN và tăng cường đại đoàn kết các dân tộc.
Chỉ đạo các Vụ Địa phương và tổ chức nhiều đoàn công tác của Lãnh đạo Ủy ban thường xuyên bám sát địa bàn, theo dõi, nắm bắt tình hình vùng DT&MN trên tất cả các lĩnh vực đời sống, văn hóa, xã hội; nhất là tình hình an ninh trật tự, thiệt hại do rét đậm, hạn hán, mưa lũ, xâm nhập mặn, di cư tự do, nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Tổng hợp, xây dựng hơn 170 báo cáo chuyên đề, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất, cung cấp thông tin tham mưu cho Đảng, Chính phủ có những giải pháp chỉ đạo kịp thời, không để xảy ra điểm “nóng”, vụ việc nổi cộm, phức tạp, nhất là tại các vùng trọng điểm Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Tây duyên hải miền Trung. Một số báo cáo có ý nghĩa quan trọng như: Báo cáo kết quả điều tra 53 DTTS, Báo cáo tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri và đại biểu Quốc hội, báo cáo thực hiện Nghị quyết của Chính phủ (các Nghị quyết số 70, 76, 2324/NQ-CP) và Quốc hội (Nghị quyết số 76/2014/QH13)...
Tổ chức thành công các hoạt động và Lễ Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Cơ quan công tác dân tộc (3/5/1946-3/5/2016) nhằm ôn lại truyền thống, khơi dậy niềm tự hào và nhận thức trách nhiệm của cán bộ và cơ quan làm công tác dân tộc các ngành, các cấp. Đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước đến dự, phát biểu và trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho UBDT. Nhân ngày truyền thống, UBDT chỉ đạo cơ quan công tác dân tộc các địa phương tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm có ý nghĩa thiết thực[1].
Tổ chức Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác dân tộc năm 2015, các CSDT giai đoạn 2011 - 2015 và công tác dân tộc nhiệm kỳ 2011-2016 tại tỉnh Lào Cai, đề ra phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác dân tộc giai đoạn 2016 - 2020. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, nay là Thủ tướng Chính phủ chủ trì, phát biểu chỉ đạo và kết luận tại Hội nghị.
Tham mưu cho Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì và kết luận Hội nghị (Thông báo số 440/TB-VPCP ngày 28/12/2016 của Văn phòng Chính phủ). Hội nghị đã tổng kết việc xây dựng, ban hành và kết quả thực hiện các chính sách liên quan đến công tác dân tộc của các Bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2011 - 2015 theo Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ, qua đó kiến nghị xây dựng Luật Hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi.
Phối hợp với Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tổ chức cuộc gặp mặt thân mật giữa các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước với các đại biểu Quốc hội khóa XIV là người DTTS, do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức “Lễ tuyên dương học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm 2016”; Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tổ chức gặp mặt, phát biểu động viên và tặng quà cho các học sinh, sinh viên về dự Lễ. Chỉ đạo các địa phương vùng DT&MN tổ chức đón Tết Nguyên đán Bính Thân vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Nhân dịp này, UBDT đã tổ chức các đoàn công tác đến làm việc, thăm và tặng quà cho người nghèo tại nhiều địa phương vùng DT&MN[2].
Thành lập Học viện Dân tộc (theo Thông báo kết luận số 102/TB-VPCP, ngày 27/5/2016 của Văn phòng Chính phủ) trên cơ sở tổ chức lại Trường Cán bộ Dân tộc và Viện Dân tộc theo hướng kết hợp nghiên cứu với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân tộc nhằm đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu lý luận, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân tộc và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DT&MN.
2. Chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chương trình, đề án, chính sách
Năm 2016, UBDT được giao nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện 19 đề án, CSDT trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ (trong đó có các đề án chuyển tiếp từ năm 2015). Ngay từ đầu năm, UBDT đã tập trung chỉ đạo triển khai xây dựng các đề án, chính sách, đồng thời rà soát các nhiệm vụ và đề nghị xin rút, bổ sung điều chỉnh thời gian trình một số đề án chính sách và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tại Công văn số 5568/VPCP-VIII ngày 06/7/2016 của Văn phòng Chính phủ.
Kết quả xây dựng các đề án, chính sách như sau: Có 09 đề án chính sách đã được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành (riêng Chương trình 135 thuộc CTMTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1722/QĐ-TTg, ngày 02 tháng 9 năm 2016); 02 đề án chính sách đã trình, chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt; đề nghị điều chỉnh thời gian trình 02 đề án sang năm 2017 và những năm tiếp theo; xin rút khỏi chương trình công tác của Chính phủ 05 đề án chính sách (chi tiết theo Phụ lục số 01).
Năm 2016, UBDT được giao chủ trì quản lý, chỉ đạo thực hiện 12 chính sách trong đó có 04 chính sách hết hiệu lực sau năm 2015 được phép kéo dài thực hiện (chi tiết theo Phụ lục số 02).
UBDT chủ trì xây dựng 05 Thông tư, trong đó đã ban hành 01 Thông tư và đang tập trung hoàn thiện 04 Thông tư hướng dẫn thực hiện các CSDT mới ban hành (chi tiết theo Phụ lục số 03); phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc phân bổ vốn thực hiện các chương trình, dự án, CSDT năm 2016 và xây dựng các Thông tư, văn bản chỉ đạo điều hành, hướng dẫn, trả lời các địa phương về lập kế hoạch, bố trí nguồn vốn, triển khai thực hiện các đề án, chính sách; chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp các đối tượng thụ hưởng chính sách năm 2016 theo các Quyết định 755/QĐ-TTg, 29/2013/QĐ-TTg, 18/2011/QĐ-TTg, 102/2009/QĐ-TTg, 54/2012/QĐ-TTg...)
Tổng hợp nhu cầu kinh phí thực hiện Chương trình 135; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã, thôn đặc biệt khó khăn (ĐBKK), xã biên giới, xã an toàn khu hoàn thành mục tiêu của Chương trình 135 (Quyết định số 203/QĐ-TTg và Quyết định số 74/QĐ-UBDT); phê duyệt danh sách xã, thôn ĐBKK, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 năm 2016 (Quyết định 204/QĐ-TTg, Quyết định số 75/QĐ-UBDT); ban hành Quyết định (số 73/QĐ-UBDT) điều chỉnh xã khu vực I, II, III thuộc vùng DT&MN. Tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 12/2016/QĐ-TTg cho phép kéo dài thời gian thực hiện Quyết định số 30/2012/QĐ-TTg về tiêu chí xác định thôn ĐBKK, xã thuộc vùng DT&MN và Quyết định số 1049/QĐ-TTg về danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn. Hướng dẫn các địa phương rà soát, tổng hợp, thẩm định danh sách thôn ĐBKK và xã thuộc khu vực I, II, III vùng DT&MN. Ban hành Kế hoạch hành động của UBDT thực hiện Quyết định số 1557/QĐ-TTg, xây dựng Khung giám sát đánh giá việc thực hiện, triển khai thí điểm xây dựng kế hoạch và hỗ trợ kỹ thuật xác định các chỉ tiêu liên quan đến Quyết định 1557/QĐ-TTg tại tỉnh Cao Bằng, Trà Vinh và Kon Tum. Trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị kéo dài thời gian giải ngân vốn vay theo các Quyết định 54/QĐ-TTg, 29/2013/QĐ-TTg và 755/QĐ-TTg. Tổ chức các lớp tập huấn, khảo sát, thu thập thông tin, các hoạt động truyền thông, tuyên truyền thực hiện đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS...
Các chính sách do UBDT chủ trì quản lý, chỉ đạo đã hỗ trợ đầu tư xây dựng và duy tu bảo dưỡng các công trình cơ sở hạ tầng; hỗ trợ nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, mua giống, phân bón, vật tư, máy móc thiết bị, vay vốn phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng... (chi tiết theo Phụ lục số 04)
3. Công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo
Tổ chức nhiều đoàn công tác của các Vụ, đơn vị và Lãnh đạo UBDT đi kiểm tra kết hợp nắm tình hình phát triển KT-XH, công tác dân tộc và thực hiện CSDT tại các địa phương. Qua kiểm tra, nắm tình hình đã kịp thời phát hiện những vi phạm và hướng dẫn, giải quyết, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, kiến nghị của địa phương trong quá trình thực hiện chính sách.
Tổ chức 08 cuộc thanh tra chuyên ngành, 02 cuộc thanh tra hành chính. Qua đó, đã phát hiện một số nội dung sai phạm: Sử dụng nguồn vốn đầu tư một số danh mục chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; việc khảo sát, lập dự án chưa sát với thực tế; rà soát đối tượng thụ hưởng thiếu chính xác; một số công trình thi công chưa đúng thiết kế, thiếu khối lượng; công tác tham mưu tổ chức triển khai, theo dõi, quản lý, sử dụng nguồn vốn chưa tốt... Qua thanh tra cũng chỉ ra những ưu điểm và hạn chế trong chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của một số cơ quan giúp việc UBND tỉnh; kiến nghị các biện pháp xử lý về kinh tế, hành chính theo quy định, góp phần thực hiện có hiệu quả CSDT và đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Tiếp 186 lượt công dân đến kiến nghị, phản ảnh; tiếp nhận 118 đơn thư của công dân (trong đó có 10 đơn khiếu nại, 10 đơn tố cáo và 98 đơn kiến nghị, phản ánh). Đã trả lại và hướng dẫn công dân chuyển 15 đơn đến cơ quan khác giải quyết theo thẩm quyền, chuyển cơ quan chức năng xử lý 17 đơn, còn lại lưu 86 đơn. Công tác tổ chức tiếp dân, tiếp nhận, phân loại và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo đúng quy định của Luật Khiếu nại Tố cáo, không có vụ việc nổi cộm.
4. Công tác thông tin, tuyên truyền
Chỉ đạo, định hướng hoạt động truyền thông trong lĩnh vực công tác dân tộc, tập trung tuyên truyền về triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, kết quả bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021, kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Cơ quan công tác dân tộc... Năm 2016, 19 ấn phẩm báo, tạp chí theo Quyết định 633/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phát hành gần 23 triệu tờ/cuốn báo và tạp chí, thường xuyên truyền tải các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách ở vùng dân tộc, miền núi; phản ánh tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và các vấn đề bức xúc của đồng bào; giới thiệu điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực đời sống xã hội; trao đổi, phổ biến kinh nghiệm xóa đói giảm nghèo, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; tuyên truyền, vận động xây dựng nông thôn mới; xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; nêu gương các già làng, trưởng bản, người có uy tín. Người tốt, việc tốt; đấu tranh với âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc...
5. Công tác pháp chế, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số
Hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dân tộc (Bản thuyết minh dự án, Đề cương chi tiết, Báo cáo đánh giá tác động sơ bộ dự án Luật Dân tộc) báo cáo Chính phủ và Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; nghiên cứu, xin chủ trương xây dựng Luật Hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi.
Triển khai xây dựng các Thông tư theo chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) năm 2016 của UBDT, trong đó đã ban hành 01 Thông tư quy định về quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ của UBDT (Thông tư số 01/2016/TT-UBDT). Thực hiện kiểm soát thủ tục hành chính, kiểm tra, rà soát, hợp nhất và pháp điển văn bản QPPL. Tham gia góp ý 32 dự thảo văn bản QPPL do các Bộ, ngành chủ trì soạn thảo (chi tiết theo Phụ lục số 05).
Tiếp tục triển khai thực hiện Tiểu Đề án 2 “Tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào DTTS”. Phối hợp với các địa phương tổ chức 08 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho 960 đối tượng là cán bộ làm công tác dân tộc, đồng bào DTTS tại 8 tỉnh: Thanh Hóa, Điện Biên, Sơn La, Quảng Ninh, An Giang, Kon Tum, Thừa Thiên Huế và Quảng Bình. Nội dung trọng tâm phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, Hiến pháp năm 2013; Bộ Luật Dân sự; Luật Đất đai; Luật Bảo vệ phát triển rừng; Luật Khiếu nại; Luật Tố cáo; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Hôn nhân và Gia đình; Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng chống bạo lực gia đình... Phối hợp với các địa phương xây dựng và cung cấp tài liệu cho 04 Câu lạc bộ Pháp luật ở 4 tỉnh: Thanh Hóa, Điện Biên, Sơn La và Quảng Ninh.
6. Hoạt động đối ngoại về công tác dân tộc
Hoàn thiện dự thảo Quy chế quản lý nhà nước về công tác đối ngoại theo tinh thần Quyết định số 272-QĐ/TW, ngày 21/01/2015 của Ban chấp hành Trung ương. Tiếp tục triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS". Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, tìm hiểu vấn đề dân tộc của một số nước đa dân tộc trên thế giới; ưu tiên quan hệ với các nước là đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, các nước trong khu vực, các nước có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam về dân tộc. Qua đó, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm về công tác dân tộc, đặc biệt là lĩnh vực hoạch định xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, đồng thời quảng bá hình ảnh cộng đồng các dân tộc Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Tiếp và làm việc với nhóm khảo sát của Bộ Ngoại giao và Thương mại Ôxtrâylia, Cơ quan viện trợ Ai Len (Irish Aid), Đại sứ quán Ailen tại Việt Nam, Đoàn đại biểu cấp cao UBDT nhà nước Trung Quốc, Bộ Lễ nghi và Tôn giáo Vương quốc Campuchia, Bộ các vấn đề biên giới Cộng hòa Liên bang Myanmar, Đoàn cấp Vụ và Đoàn cấp cao Ủy ban Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng thế giới khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Làm việc với Nhóm các DTTS (EMWG), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), quyền giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam... Tổ chức các đoàn cán bộ đi nghiên cứu, học tập về công tác dân tộc tại Trung Quốc, Myanma, Thái Lan, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác dân tộc tại Lào theo các Thỏa thuận hợp tác. Tổ chức gặp mặt cuối năm 2016 với các đối tác quốc tế có nhiều đóng góp cho sự phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Phối hợp với một số Đại sứ quán, tổ chức quốc tế (Ailen, WB, UNICEF...), doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm tăng cường hợp tác, hỗ trợ phát triển vùng DT&MN. Cung cấp thông tin, lập luận phản bác các cáo buộc trong kháng thư theo Thủ tục khiếu nại của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc để Bộ Ngoại giao tổng hợp gửi Phái đoàn đại diện Việt Nam tại Giơ-ne-vơ.
7. Quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, điều tra cơ bản và môi trường
Tổng hợp đề xuất nhiệm vụ từ các tổ chức, cá nhân trên cả nước; tổ chức các hội đồng tư vấn xác định, tuyển chọn các nhiệm vụ thuộc Chương trình khoa học công nghệ cấp Quốc gia “Những vấn đề cơ bản và cấp bách về DTTS và CSDT ở Việt Nam đến năm 2020” (có 08 nhiệm vụ thực hiện từ năm 2016, 23 nhiệm vụ đang tiến hành các thủ tục có liên quan để tuyển chọn theo quy định). Quản lý 06 đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ thực hiện năm 2016 và 01 đề tài thực hiện năm 2016 - 2019. Đến nay, đã tuyển chọn và phê duyệt 02 đề tài khoa học và công nghệ cấp Bộ bắt đầu thực hiện từ năm 2017. Duy trì, cập nhật trang thông tin Khoa học công nghệ trên Cổng Thông tin điện tử của UBDT. Nhìn chung, các đề tài khoa học cơ bản thực hiện đúng tiến độ và ngày càng thiết thực với công tác dân tộc.
Hưởng ứng ngày KH&CN Việt Nam (18/5), UBDT tổ chức Hội thảo ”Khoa học và công nghệ - thành tựu và những vấn đề đặt ra trong phát triển nhanh và bền vững vùng DTTS” và trao tặng Kỷ niệm chương ”Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” nhằm tôn vinh các nhà khoa học đã có cống hiến trong lĩnh vực KH&CN, góp phần phát triển vùng DT&MN.
Triển khai nhiệm vụ quản lý 03 dự án điều tra cơ bản, 04 dự án bảo vệ môi trường; đôn đốc, kiểm tra cá nhân, tập thể thực hiện các dự án đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng. Thành lập các Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ dự án điều tra cơ bản, dự án bảo vệ môi trường năm 2017. Thực hiện có hiệu quả công tác truyền thông, tuyên truyền bảo vệ môi trường năm 2016; triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày môi trường (05/6); tổ chức 03 hội nghị tập huấn bảo vệ môi trường tại các tỉnh: Cao Bằng, Cà Mau, Quảng Trị.
8. Thực hiện các Chương trình phối hợp
Trong giai đoạn 2011 - 2015, UBDT đã ký kết 25 Chương trình phối hợp với các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị về lĩnh vực công tác dân tộc. Năm 2016, có 10 Chương trình phối hợp đã hết hiệu lực, trong đó có 03 Chương trình được tổng kết đánh giá và tiếp tục ký kết thực hiện giai đoạn 2016 - 2020, bao gồm Chương trình phối hợp với Ban Dân vận Trung ương, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng.
Nhằm tăng cường hơn nữa việc thực hiện có hiệu quả lĩnh vực công tác dân tộc, năm 2016 UBDT đã ký 02 Chương trình phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020.
Nhìn chung, các Chương trình phối hợp đã phát huy hiệu quả đối với công tác dân tộc, nổi bật là Chương trình phối hợp với Ban Dân vận TW, Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Bộ Tư lệnh bộ đội Biên phòng. Tuy nhiên, một số Chương trình còn mang tính hình thức, cứng nhắc, các hoạt động cụ thể chưa theo kế hoạch, nhất là Chương trình phối hợp với một số Bộ, ngành, (chi tiết theo Phụ lục số 06)
9. Các hoạt động khác
9.1. Công tác tổ chức bộ máy, cán bộ
Thành lập 03 đơn vị trực thuộc: Học viện Dân tộc, Văn phòng Ban Cán sự Đảng - Đảng ủy cơ quan và Ban Quản lý dự án đầu tư chuyên ngành xây dựng; tổ chức rà soát, đánh giá và xây dựng Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của UBDT nhiệm kỳ 2016 - 2021 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tiếp tục hoàn thiện đề án vị trí việc làm; xây dựng chương trình bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo Quyết định 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; ban hành Hướng dẫn công tác quy hoạch cán bộ quản lý của UBDT; xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Bộ chính trị, Ban Bí thư quản lý và Báo cáo phục vụ đoàn giám sát của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tổ chức cán bộ. Tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng để có giải pháp chỉ đạo kịp thời nhằm động viên, khuyến khích công chức, viên chức và người lao động tăng cường đoàn kết, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt các quy chế của UBDT, phối hợp chặt chẽ, thi đua hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Năm 2016, UBDT thực hiện quy trình, thủ tục giới thiệu ứng cử 02 đại biểu Quốc hội khóa XIV; tham mưu trình Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm lại 01 Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban; tiếp nhận 10 công chức, viên chức; điều chuyển nội bộ 18 công chức, viên chức; bổ sung quy hoạch chức danh lãnh đạo cấp phòng 11 công chức, viên chức. Thực hiện bổ nhiệm lại 03 lãnh đạo cấp Vụ, bổ nhiệm 14 lãnh đạo cấp Vụ và 22 lãnh đạo cấp phòng. Chủ trì, phối hợp tổ chức 03 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức, viên chức[3]; nhiều đoàn cán bộ, công chức đi học tập, nghiên cứu, bồi dưỡng ngắn hạn tại nước ngoài[4]. Bổ nhiệm ngạch chuyên viên 13 công chức; cử 28 công chức dự thi nâng ngạch chuyên viên chính, 09 công chức dự thi nâng ngạch chuyên viên cao cấp; đề nghị Bộ Nội vụ bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp; thành lập Hội đồng sơ tuyển cử viên chức thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp giảng viên cao cấp, giảng viên chính năm 2016; hướng dẫn bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức của các đơn vị sự nghiệp...
Nhìn chung, UBDT kịp thời kiện toàn tổ chức bộ máy, chú trọng công tác bổ sung, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo ở các Vụ, đơn vị đảm bảo tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, cơ cấu, độ tuổi, trình độ đào tạo, kinh nghiệm thực tiễn, nhất là cán bộ có kinh nghiệm công tác ở địa phương; ưu tiên cán bộ người DTTS, cán bộ nữ, cán bộ trẻ, chú trọng năng lực thực tiễn. Công tác cán bộ thực hiện đúng quy trình, đảm bảo nguyên tắc công khai, dân chủ và minh bạch. Đến nay đội ngũ cán bộ, công chức của UBDT đều có trình độ đại học trở lên (trừ một số nhân viên thừa hành công vụ).
Thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ và quy chế dân chủ cơ sở, tăng cường kỷ luật hành chính, ý thức chấp hành pháp luật và các quy định của cơ quan, kịp thời giải quyết những vấn đề nổi cộm phát sinh, đến nay không còn hiện tượng đơn thư nặc danh vượt cấp, gây bè phái chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.
9.2. Thực hiện cải cách hành chính
Ban hành kế hoạch công tác, kế hoạch kiểm tra cải cách hành chính (CCHC) năm 2016; đẩy mạnh tuyên truyền, đăng tải đầy đủ nội dung trên trang tin CCHC; đổi mới giao diện và nội dung hoạt động Cổng thông tin điện tử của UBDT; duy trì hệ điều hành tác nghiệp; cập nhật, nâng cấp trang tin thành phần kiểm soát thủ tục hành chính; ban hành kế hoạch hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính; thực hiện rà soát và hệ thống các văn bản quản lý trong lĩnh vực công tác dân tộc; kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các văn bản QPPL, thực hiện công khai minh bạch thủ tục hành chính, cập nhật thủ tục hành chính trên cơ sở dữ liệu quốc gia; áp dụng các quy trình quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9001: 2008. Phối hợp với Bộ Nội vụ rà soát, bổ sung các tài liệu kiểm chứng và giải trình các chỉ số CCHC năm 2015; kết quả chỉ số CCHC năm 2015 của UBDT tăng 01 bậc so với năm 2014, xếp thứ 15/19 Bộ, ngành Trung ương.
9.3. Công tác thi đua, khen thưởng
Phát động thi đua đầu năm mới và đợt thi đua đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Cơ quan Công tác dân tộc. Tại Lễ kỷ niệm Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất cho UBDT, Huân chương Lao động các hạng Nhất, Nhì, Ba cho 14 cá nhân; Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua năm 2015 cho 04 tập thể và Bằng khen cho 07 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2011 - 2015. Kịp thời xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” cho 31 nhà khoa học và 09 cá nhân là bộ đội Biên phòng tỉnh Đăk Lăk. Tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2016 của UBDT: Có 58 cá nhân đạt danh hiệu CSTĐ Cơ sở, 08 cá nhân đạt danh hiệu CSTĐ cấp Bộ; 39 cá nhân được đề nghị tặng Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm, 01 cá nhân được đề nghị tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 16 tập thể đạt danh hiệu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong đó 06 tập thể được nhận Cờ Thi đua của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban.
9.4. Công tác xây dựng cơ bản: Tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án trụ sở làm việc của UBDT; khởi công xây dựng Khách sạn Dân tộc theo hình thức liên doanh, liên kết đầu tư; tích cực hoàn thiện các thủ tục triển khai dự án xây dựng Học viện Dân tộc.
9.5. Các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia: Đưa thông tin về cơ sở; Bình đẳng giới; Phòng, chống HIV/AIDS và tệ nạn ma túy, mại dâm; Phòng chống tác hại thuốc lá; Chương trình mở rộng vệ sinh và nước sạch nông thôn... được thực hiện theo kế hoạch.
II. THỰC HIỆN CÔNG TÁC DÂN TỘC CỦA CÁC BỘ, NGÀNH
Năm 2016, các Bộ, ngành đã khẩn trương xây dựng Chương trình hành động, kế hoạch công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016; Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về Công tác dân tộc và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; tăng cường phối hợp nhằm thực hiện có hiệu quả các CSDT trên địa bàn vùng DT&MN.
Chủ động rà soát các CSDT hiện hành, tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung, xây dựng nhiều đề án, chính sách mới nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DT&MN như: Quyết định 1600/QĐ-TTg, ngày 16/8/2016 ban hành về CTMTQG Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 (Bộ NN&PTNT); Quyết định số 1722/QĐ-TTg phê duyệt CTMTQG Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tiếp tục ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo DTTS (Bộ LĐ-TB&XH); Nghị định số 116/2016/NĐ-CP quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn ĐBKK và Quyết định số 1008/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025 (Bộ GD&ĐT); Quyết định số 402/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức DTTS trong thời kỳ mới; Quyết định số 163/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020, trong đó khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức nữ, người DTTS, công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội ĐBKK học tập, nâng cao trình độ, năng lực làm việc (Bộ Nội vụ); Bộ Quốc phòng xây dựng hoàn chỉnh 4 Đề án: “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao từ số thanh niên DTTS đang tại ngũ cho các DTTS dưới 10.000 người cư trú ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới”, “Tăng cường sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp của Bộ đội biên phòng xuống các xã trọng điểm ở khu vực biên giới”, “ Liên kết với chính quyền địa phương mở lớp học tiếng dân tộc cho cán bộ, chiến sỹ hiện đang công tác ở vùng dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới”, “Nâng cấp, xây dựng mới các bệnh xá quân dân y kết hợp vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới” ...
Các Bộ, ngành tích cực triển khai nhiệm vụ liên quan đến công tác dân tộc và các đề án, chương trình, chính sách thực hiện tại vùng DT&MN. Bên cạnh các CTMTQG Giảm nghèo bền vững và Xây dựng nông thôn mới, nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ vùng DT&MN do các Bộ, ngành chủ trì quản lý, chỉ đạo ban hành những năm trước hoặc mới ban hành trong năm 2016 đã và đang thực hiện có hiệu quả, nhằm tập trung phát triển sản xuất, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; cho vay vốn, hỗ trợ dạy nghề, giải quyết việc làm; hỗ trợ khám chữa bệnh; bảo tồn bản sắc văn hóa, giữ vững an ninh trật tự vùng DT&MN.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo thực hiện các chính sách đặc thù trên địa bàn các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; công bố kết quả điều tra hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020; chỉ đạo các địa phương thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, thực hiện đồng bộ các chính sách vay vốn, hỗ trợ kinh phí dạy nghề, giáo dục định hướng, làm thủ tục xuất nhập cảnh... tạo điều kiện cho người DTTS tham gia xuất khẩu lao động, cải thiện thu nhập. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung rà soát quy hoạch, xây dựng các dự án thành phần về sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp các tỉnh miền núi phía Bắc. Bộ Giao thông Vận tải tích cực triển khai Chương trình nhịp cầu yêu thương, dự kiến xây dựng 2.174 cầu dân sinh trên địa bàn 50 tỉnh. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức thành công các ngày hội, giao lưu văn hóa vùng miền trên toàn quốc, trong Chương trình gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng, truyền thống tốt đẹp của đồng bào DTTS[5]. Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, định hướng 66 đài phát thanh, truyền hình, 97 báo điện tử và 200 trang thông tin điện tử tổng hợp triển khai tuyên truyền sâu rộng, có hiệu quả về công tác dân tộc; sản xuất 13 phim tài liệu, chuyên đề về phong tục, tập quán, những lễ hội, bản sắc đặc trưng của các dân tộc; thực hiện tốt việc cung ứng dịch vụ bưu chính, phát hành các loại ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi. Bộ Quốc phòng tăng cường cán bộ chiến sỹ cho các xã vùng biên giới, vùng dân tộc ĐBKK; phối hợp chặt với chính quyền địa phương giúp đồng bào khắc phục thiên tai, bão lũ[6]. Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai Chương trình “Hỗ trợ ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2025”; các Chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Bộ Ngoại giao tăng cường công tác tuyên truyền đối ngoại về thành tựu của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền của các DTTS, đẩy mạnh đấu tranh phản bác thông tin, luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch liên quan đến công tác dân tộc; tích cực hỗ trợ các Bộ, ngành và địa phương thu hút đầu tư nước ngoài; vận động công nhận các hồ sơ di sản văn hóa; phối hợp tổ chức các hoạt động quốc tế nhằm quảng bá, thúc đẩy du lịch, bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS. Bộ Xây dựng triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo và xây dựng nhà ở phòng tránh bão cho hộ nghèo khu vực miền Trung. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phối hợp với UBDT trong việc bố trí, phân bổ nguồn lực, ban hành các Thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách. Thanh tra Chính phủ đã thanh tra việc thực hiện đề án "Củng cố và phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú giai đoạn 2011 - 2015" tại các tỉnh: Bắc Kạn, Lạng Sơn, Sơn La, Lào Cai, Nghệ An, Gia Lai, Đăk Lăk, Bình Định, Bình Phước, An Giang, Trà Vinh và Sóc Trăng.
III. TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC DÂN TỘC CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG
1. Tình hình vùng dân tộc và miền núi
1.1. Về sản xuất và đời sống
Thời tiết năm 2016 diễn biến phức tạp, bất thường gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản[7], ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân vùng DT&MN. Đặc biệt, một số hiện tượng thời tiết cực đoan như mưa lớn trái mùa gây lũ, giông lốc, sét mạnh kỷ lục; khu vực miền núi phía Bắc rét đậm, rét hại kèm theo mưa tuyết trên diện rộng hiếm gặp xảy ra; các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong những tháng đầu năm nắng nóng gay gắt, hạn hán, xâm nhập mặn trên diện rộng với cường độ mạnh, kéo dài chưa từng có, cuối năm mưa lớn, triều cường; hạn hán kỷ lục ở Nam Trung bộ và Tây Nguyên; mưa lũ liên tiếp kéo dài ở các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên từ tháng 10 đến nay[8]. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương tích cực triển khai nhiều giải pháp phòng, chống thiên tai và kịp thời hỗ trợ kinh phí khắc phục, hạn chế tối đa thiệt hại cho đồng bào.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương vùng DT&MN quan tâm chỉ đạo công tác xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới[9]; tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu nông nghiệp, đẩy mạnh công tác khuyến nông, lâm, ngư, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề[10], giải quyết việc làm[11], phát triển du lịch, tích cực trồng rừng, duy trì và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống. Đồng bào các dân tộc tập trung sản xuất lúa, hoa màu, cây ăn trái, cây công nghiệp ngắn ngày, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng và khai thác thủy, hải sản. Ngày càng có nhiều nông dân DTTS điển hình sản xuất giỏi, vượt khó thoát nghèo, mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh, làm giàu tại chỗ theo phương châm “ly nông bất ly hương”. Nhiều mô hình sản xuất được nhân rộng như trồng lúa cánh đồng lớn, liên kết trồng trọt với chăn nuôi, nuôi bò sữa, trâu bò thịt, trồng ngô trên đất lúa, dạy nghề may mặc, đan lát truyền thống gắn với giải quyết việc làm, các mô hình thoát nghèo của phụ nữ DTTS...
Tỷ lệ hộ nghèo vùng DT&MN cuối năm 2015 khoảng 16,8%, trong đó: các tỉnh vùng Tây Bắc 34,52%, Đông Bắc 20,74%, duyên hải miền Trung 11,4%, Tây Nguyên 17,14% và đồng bằng sông Cửu Long 9,66%. Năm 2016, nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tỷ lệ hộ theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều vùng DT&MN ước giảm khoảng 2% so với năm 2015 (cả nước giảm khoảng 1,3% - 1,5%), riêng các huyện nghèo giảm 4%.
Tuy vậy, kết cấu hạ tầng vùng DT&MN chưa hoàn thiện; kinh tế chậm phát triển, chưa tương xứng với tiềm năng của vùng, miền; nhiều mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả nhưng giá cả không ổn định, việc nhân rộng gặp khó khăn; duy trì và phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống còn nhiều bất cập; tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo, thiếu việc làm còn lớn, khả năng thu hút lao động tại chỗ hạn chế; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, thoát nghèo thiếu bền vững...
1.2. Về văn hóa, xã hội
Các địa phương chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng và cuộc vận động học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng bào các DTTS tích cực tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; số lượng đại biểu là người DTTS được bầu vào BCH Trung ương Đảng, trúng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp cơ bản đạt kế hoạch đề ra. Các hoạt động văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, tổ chức Lễ, Tết cổ truyền[12] với nhiều loại hình phong phú, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tạo không khí phấn khởi, thi đua lao động sản xuất trong vùng đồng bào DTTS.
Các chính sách giáo dục, đào tạo tiếp tục phát huy hiệu quả; lồng ghép các nhiệm vụ giáo dục dân tộc nhằm phát triển vùng DTTS theo chương trình chung của quốc gia; đặc biệt ưu tiên khảo sát, nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh, bổ sung và tiếp tục hoàn thiện chính sách giáo dục ở các cấp học, ngành học phù hợp với đặc thù vùng dân tộc. Hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú từng bước phát triển cả về số lượng[13] và chất lượng; ngoài việc dạy văn hóa còn tổ chức các hoạt động giáo dục chuyên biệt như: Tổ chức nội trú, nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe học sinh, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, giáo dục kỹ năng sống, hướng nghiệp, dạy nghề... nhằm phát triển toàn diện học sinh DTTS. Năm học 2015 - 2016, cả nước vẫn duy trì dạy 8 thứ tiếng DTTS[14] với 682 trường, 4.883 lớp, 111.214 học sinh học tại 20 tỉnh (so với năm học 2014 - 2015 tăng 18 lớp, 416 học viên); đồng thời nhiều địa phương duy trì thực hiện chính sách bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Khmer và cán bộ, chiến sỹ công tác ở vùng dân tộc và biên giới. Bổ sung, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên là người DTTS vùng ĐBKK[15]; các chính sách cử tuyển (sửa đổi, bổ sung), dự bị đại học dân tộc, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đối với lao động nông thôn, nhất là đồng bào DTTS nghèo tiếp tục được quan tâm chú trọng[16].
Tuy vậy, nhiều điểm trường, lớp vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK chưa được kiên cố hóa, thiếu trang thiết bị; việc dạy chữ DTTS ở một số nơi còn hạn chế[17]. Chất lượng giáo dục đào tạo ở vùng DT&MN nhìn chung còn thấp so với yêu cầu[18]; cơ cấu đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý trong các cơ sở giáo dục còn bất cập. Việc triển khai thực hiện chính sách cử tuyển cho học sinh ra trường, chính sách hỗ trợ cho học sinh (theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP) và công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS còn nhiều bất cập...
Các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng mạng lưới cơ sở y tế đạt chuẩn, tăng cường số lượng và trình độ chuyên môn của cán bộ y tế và đội ngũ y, bác sỹ là người DTTS; thực hiện đầy đủ chính sách y tế vùng dân tộc, từng bước phục vụ tốt hơn nhu cầu khám và chữa bệnh cho người dân[19]. Nhiều địa phương vận động xã hội hóa chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh miễn phí và tặng quà cho người nghèo, người khuyết tật nhân các dịp Lễ, Tết. Công tác truyền thông, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh[20], tổ chức kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn được thực hiện tốt. Tuy vậy, cơ sở vật chất, trang thiết bị và cán bộ y tế, tỷ lệ bác sỹ/01 vạn dân còn thấp[21]. Các dịch bệnh theo mùa và thời tiết, nhất là bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết gia tăng ở nhiều nơi, nhiều trường hợp đã tử vong[22].
1.3. Tình hình an ninh, trật tự
Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng DT&MN, biên giới tiếp tục duy trì ổn định. Các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng; đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; đảm bảo an ninh trật tự trong các ngày lễ và các sự kiện trọng đại của đất nước. Qua đó, nâng cao nhận thức pháp luật, củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc với Đảng và Nhà nước, tăng cường cảnh giác, không để kẻ xấu lôi kéo, kích động, lợi dụng, góp phần ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn.
Tuy vậy, tình hình an ninh, trật tự vùng DT&MN vẫn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn. Các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, phản động trong và ngoài nước tiếp tục lợi dụng vấn đề “tự do tôn giáo”, “dân tộc”, “dân chủ”, “nhân quyền” để hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ta[23]. Tình trạng khiếu kiện, tranh chấp đất đai, vi phạm quy chế biên giới, xuất nhập cảnh trái phép (đặc biệt là hiện tượng vượt biên sang Trung Quốc lao động làm thuê), trẻ em vùng sâu, vùng xa bị dụ dỗ bỏ học đi lao động tại các thành phố lớn, lừa gạt mua bán phụ nữ, trẻ em, buôn lậu hàng hóa, buôn bán ma túy khối lượng lớn, chống lực lượng làm nhiệm vụ gia tăng[24]; tình trạng chặt phá rừng trái phép, vi phạm lâm luật trên địa bàn một số tỉnh Tây Nguyên[25], tình hình di cư tự do vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.
2. Chỉ đạo triển khai thực hiện công tác dân tộc của các tỉnh vùng dân tộc và miền núi
Năm 2016, kinh tế - xã hội vùng DT&MN vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Thiên tai bất thường xảy ra liên tục trên diện rộng đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của đồng bào các dân tộc. Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND các địa phương vùng DT&MN bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ, ngành Trung ương, đã tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, CSDT, chính sách an sinh xã hội nhằm xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh trật tự, góp phần ổn định và cải thiện đời sống cho đồng bào.
Các tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc, Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, Chỉ thị số 28/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc và Quyết định số 1557/QĐ-TTg về một số chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS. Nhiều tỉnh tiếp tục thực hiện các CSDT đặc thù bằng ngân sách địa phương đã ban hành từ những năm trước. Đến nay, có 15 tỉnh ban hành Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND tỉnh; 27 tỉnh ban hành Chỉ thị, Quyết định, Kế hoạch, Chương trình, Dự án, Chính sách của UBND tỉnh về CSDT đặc thù của địa phương. TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương... ban hành chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo quốc gia; Lạng Sơn bổ sung vốn vay ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội, bù lãi suất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; Lào Cai, Bình Định, TP. Hồ Chí Minh bổ sung kinh phí khám, chữa bệnh, mua bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, cận nghèo; Sơn La, Lai Châu, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cà Mau, Đắk Nông... hỗ trợ thêm tiền ăn cho học sinh nghèo, học sinh người DTTS; Đắk Nông, Lai Châu, Yên Bái, Hà Giang ... xây dựng các mô hình giảm nghèo, đào tạo nghề tại vùng DTTS, vùng ĐBKK; Thái Nguyên, Lâm Đồng, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Yên Bái... xây dựng các đề án bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các DTTS, góp phần đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, thể dục, thể thao, du lịch nhằm phát triển KT-XH của địa phương (chi tiết theo Phụ lục số 07).
Hệ thống cơ quan CTDT cấp tỉnh, cấp huyện tiếp tục được củng cố, kiện toàn theo Thông tư liên tịch số 07/2014/TTLT-UBDT-BNV (Bắc Giang, Quảng Nam, Kon Tum...). Một số tỉnh tổ chức, sắp xếp nhân sự, bố trí luân chuyển, thay đổi lãnh đạo chủ chốt Ban Dân tộc, Phòng Dân tộc; quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân tộc; thực hiện chính sách đối với cán bộ người DTTS theo Thông tư liên tịch số 02/2014/TTLT-BNV-UBDT. Hiện nay, cán bộ là người DTTS công tác tại cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh chiếm tỷ lệ bình quân khoảng 38%. (chi tiết theo Phụ lục số 08).
Công tác bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương vùng DT&MN quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cử tri thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, quyền lợi của công dân và đại biểu tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử theo quy định của pháp luật. Theo báo cáo tổng hợp tình hình bầu cử của các địa phương, tỷ lệ cử tri vùng DT&MN đi bầu cử đạt trên 90%, nhiều tỉnh đạt tỷ lệ cao gần 100%. Tổng số người trúng cử đại biểu Quốc hội là 494 người, trong đó có 86 đại biểu là người DTTS (thiếu 04 người so với dự kiến), chiếm 17,4% tổng số đại biểu Quốc hội, cao hơn 08 người (gần 2%) so với Quốc hội khóa XIII.
3. Hoạt động của cơ quan công tác dân tộc các địa phương
Các Ban Dân tộc, Phòng Dân tộc cấp tỉnh phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện tham mưu cho UBND tỉnh trong việc kiện toàn tổ chức bộ máy; xây dựng Chương trình, kế hoạch công tác dân tộc năm 2016; kế hoạch phân bổ kinh phí thực hiện từng CSDT; thẩm định, ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai thực hiện các chương trình, dự án, chính sách; tổng kết công tác dân tộc năm 2015; rà soát xác định đối tượng thụ hưởng của từng chính sách theo các Quyết định số 755/TTg, 29/TTg, 54/TTg...; tổng hợp danh sách người có uy tín thực hiện Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg và 56/2013/QĐ-TTg, danh sách người nghèo vùng khó khăn được hỗ trợ theo Quyết định 102/QĐ-TTg; triển khai tổ chức thực hiện việc phân định thôn ĐBKK, xã vùng DT&MN theo Quyết định số 50/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; triển khai công tác thống kê, xây dựng các báo cáo tình hình thực hiện CSDT và công tác dân tộc... Đến nay, có 04 Ban Dân tộc được giao thường trực thực hiện tất cả các chương trình, dự án, chính sách (Hà Giang, Hòa Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh), 41/47 Ban Dân tộc được UBND các tỉnh giao chủ trì quản lý, thực hiện một số CSDT và 02 Ban Dân tộc không được giao chủ trì quản lý thực hiện chính sách (TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ), (chi tiết theo Phụ lục số 09).
Năm 2016, cơ quan công tác dân tộc các địa phương đã chủ động bám sát địa bàn, chú trọng công tác theo dõi, nắm bắt tình hình vùng DT&MN; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS; tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp việc thực hiện các CSDT; quan tâm các chính sách an sinh xã hội; tham gia khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh; thực hiện cấp gạo cứu đói; tích cực xử lý khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác dân tộc, kịp thời giải quyết các vụ việc nổi cộm ngay từ cơ sở. Tham mưu, phối hợp tổ chức các lễ hội văn hóa, thể thao của huyện, tỉnh, khu vực; các hoạt động chào mừng Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Cơ quan công tác dân tộc; các đoàn người có uy tín đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm; đối thoại trực tiếp với nhân dân về triển khai các CSDT; trao đổi với hội viên phụ nữ về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống (Lào Cai); đào tạo, bồi dưỡng và thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS và cán bộ làm công tác dân tộc (Tuyên Quang, Cần Thơ, Hà Giang, Đắk Nông...); thực hiện bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, nhất là trong việc dạy chữ, tiếng dân tộc (Cà Mau, Sóc Trăng, Sơn La...). Nhiều Ban Dân tộc thực hiện tốt chương trình phối hợp với các Sở, ban, ngành (Hòa Bình, Quảng Nam, Yên Bái...) và các hoạt động đối ngoại với địa phương của nước bạn có chung đường biên giới (Nghệ An, Gia Lai)...Qua đó góp phần nâng cao hiệu quả, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc thực hiện công tác dân tộc và CSDT ở địa phương.
Nhân dịp Tết Nguyên đán Bính Thân, Tết truyền thống các dân tộc[26], Ban Dân tộc các địa phương đã chủ động chúc Tết, tổ chức gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà một số chùa Khmer tiêu biểu, các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, cán bộ cốt cán, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, già làng, trưởng bản, người có uy tín, cán bộ nghỉ hưu, người tàn tật, neo đơn, hộ nghèo ĐBKK, học sinh DTTS nghèo học giỏi...
Nhờ thực hiện thường xuyên, đồng bộ các giải pháp, CSDT, chính sách an sinh xã hội tại địa phương đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của đồng bào DTTS, giữ vững an ninh trật tự và khối đại đoàn kết dân tộc.
4. Kết quả thực hiện chính sách dân tộc tại các địa phương
4.1. Chương trình 135:
Năm 2016, Chương trình 135 hỗ trợ đầu tư 2.275 xã ĐBKK, biên giới, ATK và 3.424 thôn ĐBKK (trong đó: NSTW đầu tư 2.240 xã, 3.373 thôn, NSĐP đầu tư 35 xã, 51 thôn) với 3 nội dung: Hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao năng lực và hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng.
Tổng kinh phí theo kế hoạch năm 2016 là 4.034,591 tỷ đồng (NSTW 3.970,628 tỷ đồng, NSĐP 63,963 tỷ đồng); NSTW đã phân bổ cho các địa phương 3.493,809 tỷ đồng, bằng 90% KH vốn; trong đó vốn đầu tư phát triển 2.582,280 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 911,529 tỷ đồng (chi tiết theo Phụ lục số 10a).
Tổng hợp báo cáo chưa đầy đủ của các địa phương, kết quả thực hiện các dự án thành phần như sau:
- Dự án hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng: Với nguồn vốn NSTW phân bổ cho 44 tỉnh 2.582,280 tỷ đồng, các địa phương tập trung thanh toán khối lượng các công trình hoàn thành và triển khai hỗ trợ xây dựng 5.947 công trình, trong đó có 2.621 công trình chuyển tiếp và 3.326 công trình khởi công mới, bao gồm các công trình giao thông, thủy lợi, nhà sinh hoạt cộng đồng, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt, công trình điện, chợ và công trình khác. Năm 2016, ước tỷ lệ giải ngân đạt 78% vốn KH (chi tiết theo Phụ lục số 10b).
Với nguồn vốn 162,543 tỷ đồng, đã thực hiện duy tu bảo dưỡng cho 1.195 công trình cơ sở hạ tầng, chủ yếu do các xã làm chủ đầu tư và tổ, nhóm cộng đồng thôn, bản thực hiện (chi tiết theo Phụ lục số 10c).
- Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất: Với nguồn vốn 750,710 tỷ đồng, đã hỗ trợ trên 408.000 hộ nghèo, cận nghèo, bao gồm hỗ trợ giống cây, con, phân bón, vật tư máy móc thiết bị và một số mô hình phát triển sản xuất; tỷ lệ giải ngân ước đạt 86% KH (chi tiết theo Phụ lục số 10d).
- Dự án nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở: Đã tổ chức 678 lớp cho hơn 37.000 học viên (trong đó 1.600 học viên là cán bộ cơ sở, hơn 36.000 học viên là người dân) với kinh phí gần 33 tỷ đồng. Đến nay, một số tỉnh như Bắc Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Kiên Giang, Hà Giang... đã tổ chức nhiều lớp đào tạo tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ cấp xã và các nhóm cộng đồng. Các địa phương sẽ cơ bản hoàn thành khối lượng thực hiện năm 2016. (chi tiết theo Phụ lục số 10e).
Năm 2016, nhìn chung các địa phương triển khai Chương trình 135 chậm do trong quá trình thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc: Đến tháng 9/2016 Chương trình mới được phê duyệt; tháng 12/2016 mới có thông báo bổ sung 10% vốn còn thiếu; các văn bản hướng dẫn về cơ chế quản lý điều hành, cơ chế tài chính của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính chậm ban hành; quy trình thẩm định các công trình khởi công mới theo Nghị định 136/NĐ-CP phức tạp, chưa có cơ chế đặc thù rút gọn đối với các công trình quy mô nhỏ, kỹ thuật đơn giản; các công trình thi công vào mùa mưa, lũ dẫn đến bị ảnh hưởng tiến độ; một số địa phương còn lúng túng trong triển khai hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất do chưa có văn bản hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
4.2. Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2013 - 2015 (Quyết định số 755/QĐ-TTg)
Kế hoạch kinh phí năm 2016: 750 tỷ đồng nguồn vốn hỗ trợ và 414,9 tỷ đồng nguồn vốn vay. Theo báo cáo của 38/40 tỉnh đến tháng 11/2016, với kinh phí 626,844 tỷ đồng đã hỗ trợ xây dựng hơn 90 công trình nước sinh hoạt tập trung, nước sinh hoạt phân tán cho hơn 140.000 hộ, 1.064 ha đất sản xuất cho hơn 6.500 hộ và chuyển đổi nghề cho hơn 43.000 hộ. Tỷ lệ giải ngân đạt 83,58% vốn cấp (chi tiết theo Phụ lục số 11a).
Về vốn vay, đã cho gần 17.000 hộ vay với kinh phí 250,1 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 60% vốn đã cấp (chi tiết theo phụ lục số 11b).
Một số khó khăn hạn chế: Vốn cấp thực hiện chính sách hàng năm quá thấp so với nhu cầu và kế hoạch thực hiện chính sách. Vốn bố trí từ NSTW chưa kịp thời, chưa đồng bộ giữa nguồn vốn hỗ trợ và vốn vay. Việc lồng ghép nguồn vốn của CTMTQG nước sạch và vệ sinh môi trường, học nghề tạo việc làm... khó thực hiện. Một số tỉnh không còn quỹ đất sản xuất hoặc còn nhưng chất lượng đất xấu, xa dân cư; chủ trương thu hồi đất nông, lâm trường không đạt nhiều kết quả. Việc đào tạo nghề phù hợp với vùng DT&MN nhiều bất cập. Một số địa phương chưa tích cực rà soát xác định đối tượng thụ hưởng, ban hành mức bình quân đất sản xuất; việc xây dựng và phê duyệt đề án thực hiện chính sách còn chậm. Định mức hỗ trợ theo Quyết định 755/QĐ-TTg không còn phù hợp, cần được điều chỉnh. Nhiều công trình hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng công tác quản lý, sử dụng chưa tốt nên bị hư hỏng, xuống cấp.
4.3. Một số chính sách hỗ trợ giải quyết đất ở và giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2013 - 2015 (Quyết định số 29/2013/QĐ-TTg)
Năm 2016 tiếp tục triển khai thực hiện bằng vốn Quyết định 74/2008/QĐ-TTg chuyển sang 352,55 tỷ đồng và vốn được cấp từ nguồn NSTW năm 2014 vượt thu 290 tỷ đồng. Như vậy, tính đến nay NSTW đã cấp 100% vốn để thực hiện Quyết định 29/2013/QĐ-TTg.
Kết quả 11 tháng đầu năm 2016, có 9/13 tỉnh báo cáo đã hỗ trợ 5.778 hộ vay vốn để tạo việc làm, phát triển sản xuất và làm nhà ở với kinh phí 72,785 tỷ đồng, đạt 19% vốn KH (chi tiết theo Phụ lục số 12)
Quá trình thực hiện còn vướng mắc chủ yếu do vốn vay được cấp chậm, không đồng bộ với vốn hỗ trợ; một số tỉnh chưa quyết toán kinh phí thực hiện Quyết định 74/2008/QĐ-TTg nên không có nguồn chuyển sang thực hiện Quyết định 29/2013/QĐ-TTg; số vốn còn dư ở một số tỉnh không phù hợp với nhu cầu, có tỉnh thừa, tỉnh thiếu, song rất khó điều chỉnh.
4.4. Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào DTTS đến năm 2015 (Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg)
NSTW phân bổ 377 tỷ đồng cho 16 tỉnh từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi năm 2014 và nguồn vốn năm 2015 chưa thực hiện giải ngân 54,935 tỷ đồng; các địa phương tập trung cho các dự án thực hiện dở dang và khởi công một số dự án mới đã được phê duyệt tại Quyết định số 1342/QĐ-TTg. Kết quả giải ngân 310,718 tỷ đồng, đạt 71,94% KH (chi tiết theo phụ lục số 13).
Để đạt mục tiêu hoàn thành các dự án ĐCĐC tập trung dở dang, một số địa phương đề nghị Trung ương cho chuyển vốn sự nghiệp sang vốn đầu tư, điều chỉnh mức vốn của các dự án đã được phê duyệt theo Quyết định 1342/QĐ-TTg (Yên Bái, Đắc Nông, Lai Châu, Ninh Thuận, Bình Định, Quảng Ngãi...); đề nghị điều chỉnh dự án định canh, định cư và kéo dài thời gian thực hiện đến hết năm 2017 (Sóc Trăng)... Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các tỉnh, UBDT đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất giải pháp xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
4.5. Chính sách cho vay vốn phát triển sản xuất đối với hộ DTTS đặc biệt khó khăn giai đoạn 2012 - 2015 (Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg)
Kinh phí thực hiện từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSTW năm 2014, chuyển từ năm 2015 sang và nguồn thu hồi từ Quyết định 32 là 792,767 tỷ đồng. Theo số liệu tổng hợp từ Ngân hàng Chính sách xã hội đến ngày 30/11/2016, có 42 tỉnh đã hỗ trợ 28.893 hộ DTTS nghèo ĐBKK vay vốn với kinh phí 230,453 tỷ đồng, đạt 29% vốn được sử dụng năm 2016 (chi tiết theo Phụ lục số 14).
Tỷ lệ giải ngân cho vay đạt thấp, nguyên nhân chủ yếu do định mức vốn vay 08 triệu đồng/hộ quá thấp, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; mặt khác, đối tượng có mức thu nhập dưới 200.000đ/hộ/tháng ở một số địa phương hiện nay còn rất ít. Vì vậy, nhiều hộ DTTS nghèo có nhu cầu phát triển sản xuất kinh doanh đã chuyển sang vay nguồn vốn khác.
4.6. Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn (Quyết định 102/2009/QĐ-TTg)
Năm 2016, NSTW phân bổ 559,193 tỷ đồng để thực hiện chính sách. Theo báo cáo của 35/57 địa phương, có 14 tỉnh thực hiện hình thức hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, 06 tỉnh hỗ trợ bằng hiện vật và 15 tỉnh hỗ trợ bằng tiền mặt và hiện vật; đã hỗ trợ 338,854 tỷ đồng (đạt 93,9% vốn cấp) cho 2.960.460 nhân khẩu thuộc hộ nghèo vùng khó khăn (chi tiết theo Phụ lục số 15).
Trong quá trình thực hiện, nhiều địa phương lúng túng áp dụng theo chuẩn nghèo cũ hay chuẩn nghèo mới do các Bộ, ngành không kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn (có 24 tỉnh thực hiện theo chuẩn nghèo cũ quy định tại Quyết định 09/2011/QĐ-TTg, 33 tỉnh theo chuẩn nghèo mới quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg).
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với UBDT và các Bộ, ngành liên quan tích hợp chính sách theo Quyết định 102 vào chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ nghèo, cận nghèo để thống nhất thực hiện từ năm 2017.
4.7. Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng các dân tộc: Mảng, La Hủ, Cống, Cờ Lao” (Quyết định số 1672/QĐ-TTg)
NSTW bố trí 97,28 tỷ đồng cho 3 tỉnh Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, trong đó: Vốn đầu tư phát triển: 70 tỷ đồng, vốn sự nghiệp: 27,28 tỷ đồng. Các tỉnh đã thực hiện phân bổ 71,28 tỷ đồng, còn 27 tỷ đồng chưa phân bổ. Ước giải ngân năm 2016 đạt 100% kế hoạch.
Nguồn vốn đầu tư phát triển được các tỉnh tập trung xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng dở dang từ năm 2015 (tỉnh Lai Châu đầu tư 02 công trình giao thông, Điện Biên đầu tư 08 công trình giao thông và 08 công trình nước sinh hoạt tập trung). Vốn sự nghiệp hỗ trợ xóa nhà tạm, làm nhà vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi, cấp gạo cứu đói, vật tư phân bón, đào tạo xóa mù chữ, dạy nghề cho thanh niên, cung cấp thiết bị dạy và học, thuốc y tế thôn, bản và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống... (chi tiết theo Phụ lục số 16).
4.8. Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS (Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg và Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg)
Năm 2016, các địa phương rà soát, bình chọn, đề nghị UBDT phê duyệt danh sách người có uy tín 33.486 người (chi tiết theo Phụ lục số 17a); tổ chức các hoạt động như hội nghị, tọa đàm, gặp mặt, cấp tài liệu, báo chí; phổ biến, cung cấp thông tin về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và trang bị kiến thức phát luật, quốc phòng, an ninh cho người có uy tín; tổ chức các đoàn tham quan, giao lưu học hỏi kinh nghiệm; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ Lễ, Tết, thăm hỏi ốm đau, tử tuất... đối với người có uy tín (chi tiết theo Phụ lục số 17b).
Trong năm 2016, UBDT đã tổ chức đón tiếp, gặp mặt 44 Đoàn với tổng số 1.360 người có uy tín, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc và các cháu học sinh DTTS học giỏi... (chi tiết theo Phụ lục số 17c); tham dự và tặng quà đại biểu dự “Lễ tuyên dương người có uy tín tiêu biểu vùng Tây Bắc”.
4.9. Chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn năm 2016 (Quyết định số 633/QĐ-TTg): Năm 2016, NSTW mới cấp một phần kinh phí, các cơ quan báo chí khắc phục mọi khó khăn, tổ chức xuất bản, phát hành 22.756.257 tờ/cuốn với kinh phí khoảng 105 tỷ đồng, ước đạt 100% kế hoạch vốn. (chi tiết theo Phụ lục số 18)
Tại các địa phương, nhìn chung các ấn phẩm báo, tạp chí được cấp phát đúng đối tượng thụ hưởng, đủ số lượng; chuyển tải kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần tuyên truyền về phát triển KT-XH, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn bản sắc dân tộc, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức và cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch, phê phán, đẩy lùi các tệ nạn xã hội....
Tuy vậy, một số địa phương chưa có quy chế quản lý, lưu trữ, cấp phát, sử dụng báo, tạp chí, cấp phát không đầy đủ, thiếu kịp thời đến đối tượng thụ hưởng đã ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách.
4.10. Đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS (Quyết định 498/QĐ-TTg)
Kinh phí kế hoạch 07 tỷ đồng, trong đó phân bổ 03 tỷ đồng cho 15 địa phương triển khai thực hiện Đề án. UBDT và các tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn triển khai thực hiện Đề án; khảo sát, thu thập thông tin về thực trạng và nhận thức của người dân về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS; tổ chức các hoạt động truyền thông, tuyên truyền; xây dựng, biên tập tài liệu, sản phẩm truyền thông như: Sổ tay hỏi đáp pháp luật về hôn nhân và gia đình dịch ra một số tiếng DTTS; sổ tay tuyên truyền viên cơ sở; tờ rơi, tờ gấp, băng đĩa... Ước giải ngân cả năm đạt 100% (chi tiết theo Phụ lục số 19)
4.11. Một số chỉ tiêu thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015 (Quyết định số 1557/QĐ-TTg):
Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1557/QĐ-TTg, UBDT ban hành các văn bản, xây dựng kế hoạch hành động của UBDT; xây dựng Khung theo dõi, giám sát, đánh giá thực hiện Quyết định số 1557/QĐ-TTg; phối hợp với một số Bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động thực hiện; tổ chức triển khai thí điểm tại 03 tỉnh Cao Bằng, Trà Vinh và Kon Tum.
Đến nay đã có 03 Bộ (Thông tin và Truyền thông, Y tế, Giáo dục và Đào tạo) và 20 tỉnh lập kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 1557/QĐ-TTg.
4.12. Phương án sắp xếp, ổn định dân cư cho người di cư tự do từ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào trở về nước (Quyết định số 162/QĐ-TTg)
UBDT phối hợp với Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan tham gia đàm phán vòng 2 đoàn chuyên viên liên hợp thực hiện Thỏa thuận với Lào và được Chủ tịch nước phê duyệt Quyết định gia hạn thực hiện thỏa thuận đến năm 2019. Theo đó, đến quý III/2018, Chính phủ 2 nước mới thực hiện đón và trả dân từ Việt Nam sang Lào và ngược lại. Năm 2016 - 2017, Quyết định 162/QĐ-TTg chưa được Chính phủ bố trí kinh phí, theo kế hoạch đến quý III/2018 chính sách này mới tiến hành triển khai thực hiện.
1. Ưu điểm
1.1. Công tác chỉ đạo, điều hành
Công tác dân tộc năm 2016 đã nhận được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Đặc biệt, các đồng chí Lãnh đạo Đảng và Nhà nước thường xuyên quan tâm, tham dự, chủ trì, trực tiếp chỉ đạo tại các sự kiện quan trọng về công tác dân tộc.
Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo UBDT tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, điều hành với phương châm sâu sát, cụ thể và quyết liệt; đã bám sát và chỉ đạo kịp thời, đầy đủ việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác dân tộc thông qua việc xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch công tác, chương trình hành động cụ thể. UBDT lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm về công tác dân tộc năm 2016 để tập trung chỉ đạo, điều hành quyết liệt, có hiệu quả như: Xây dựng, hoàn thiện nhiều đề án chính sách trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cơ bản khắc phục được tình trạng CSDT bị gián đoạn đầu nhiệm kỳ; thành lập Học viện Dân tộc; tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc, các hoạt động và Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Cơ quan công tác dân tộc...
Các Vụ, đơn vị bám sát nhiệm vụ chính trị và ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Ủy ban, xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể, nghiêm túc triển khai thực hiện và cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Sự phối hợp giữa các Vụ, đơn vị ngày càng chặt chẽ, có hiệu quả. Nhiều nhiệm vụ, công việc được đẩy nhanh tiến độ và đảm bảo chất lượng yêu cầu. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, tư duy và hành động; bước đầu khắc phục tư tưởng trì trệ; tin tưởng vào sự lãnh đạo; chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính; nhiệt tình, trách nhiệm, nỗ lực khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác được giao.
1.2. Thực hiện công tác dân tộc của các địa phương
Nhìn chung trong năm 2016, công tác dân tộc và thực hiện CSDT tiếp tục nhận được sự quan tâm, lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND các địa phương vùng DT&MN; có sự phối hợp giữa cơ quan công tác dân tộc với các Sở, ban, ngành của tỉnh và UBND các huyện trong chỉ đạo, thực hiện quản lý nhà nước về công tác dân tộc. Kết quả thực hiện công tác dân tộc đã củng cố niềm tin của đồng bào DTTS với Đảng và Nhà nước, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cơ quan công tác dân tộc các cấp tập trung thực hiện vai trò tham mưu cho UBND cùng cấp trong tổ chức thực hiện công tác dân tộc nói chung và CSDT nói riêng; chủ động nắm tình hình địa bàn, tâm tư, nguyện vọng của đồng bào; triển khai đầy đủ các chính sách, chương trình, dự án; góp phần quan trọng đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc đi vào cuộc sống.
1.3. Tình hình vùng dân tộc và miền núi
Năm 2016, diện mạo vùng DT&MN nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK, biên giới có những chuyển biến tích cực; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS tiếp tục được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể; cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng; lĩnh vực giáo dục, đào tạo đạt nhiều kết quả tích cực; công tác chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn; bản sắc văn hóa các dân tộc được bảo tồn và phát huy; an ninh trật tự được bảo đảm. Nhờ đó, củng cố lòng tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước; đồng bào phấn khởi, hăng say lao động sản xuất, vươn lên xóa đói, giảm nghèo. Những kết quả to lớn đó góp phần quan trọng ổn định và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
2. Một số khó khăn, hạn chế
2.1. Về công tác chỉ đạo điều hành
Mặc dù có sự chỉ đạo quyết liệt, nhưng việc xây dựng một số đề án, chính sách trình Thủ tướng Chính phủ còn chậm, phải sửa đi sửa lại nhiều lần. Có đề án, chính sách còn lúng túng trong quá trình xây dựng, dẫn đến phải lồng ghép với đề án chính sách khác hoặc xin rút khỏi chương trình công tác của Chính phủ. Việc tham mưu, đề xuất các chính sách cho giai đoạn mới chưa có tính đột phá. Chưa xây dựng cơ chế để thực hiện chức năng thẩm định CSDT của các Bộ, ngành khác theo Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ.
Sự phối hợp giữa các Vụ, đơn vị trong thực hiện CSDT có lúc, có việc thiếu chặt chẽ, biểu hiện ở việc đề xuất, góp ý xây dựng chính sách, thông tư và các văn bản hướng dẫn chưa đầy đủ, kịp thời. Một số Vụ được giao quản lý chính sách chưa thường xuyên theo dõi, kiểm tra, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện của các địa phương. Công tác nắm tình hình vùng dân tộc, nhất là thiệt hại do thiên tai còn thiếu nhạy bén nên việc tham mưu khắc phục hậu quả còn hạn chế. Công tác CCHC tuy có chuyển biến nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. Việc áp dụng quy trình quản lý hệ thống chất lượng ISO 9001:2008, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng hệ điều hành tác nghiệp của một số Vụ, đơn vị và Ban Dân tộc chưa được quan tâm đúng mức.
Công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành trong việc xây dựng các thông tư, văn bản hướng dẫn thực hiện một số CSDT chưa tốt; nhiều thông tư, văn bản ban hành chậm, không kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện CSDT của địa phương. Một số Bộ, ngành chậm có ý kiến trả lời bằng văn bản theo đề nghị của UBDT, ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng đề án, chính sách và thời gian trình Thủ tướng Chính phủ.
Bộ máy tổ chức và năng lực cán bộ thuộc cơ quan công tác dân tộc từ TW đến địa phương còn bất cập, nhất là cơ quan làm công tác dân tộc một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức, chưa bố trí cán bộ chủ chốt có đủ năng lực lãnh đạo, chỉ đạo tham gia hệ thống chính trị và cơ quan lãnh đạo các cấp; hiện nay chỉ có 15/47 Trưởng Ban Dân tộc tham gia Tỉnh ủy.
2.2. Về thực hiện chính sách dân tộc
Năm 2016, các địa phương triển khai thực hiện chính sách gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc (chi tiết theo Phụ lục số 20), có nhiều kiến nghị, đề xuất (chi tiết theo Phụ lục số 21) nhưng chưa được UBDT và các Bộ, ngành có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, giải quyết, tháo gỡ kịp thời (CT135, QĐ 102, 633, 162…).
Cơ chế thực hiện chính sách còn nhiều bất cập: Một số chính sách có vốn cấp không đầy đủ, không kịp thời (CT135, QĐ 633, 102...); vốn cấp không đồng bộ, có nơi thừa, nơi thiếu (QĐ 33, 29, 54); định mức hỗ trợ, đầu tư, cho vay thấp nhiều so với thực tế nhưng không sửa đổi bổ sung cho phù hợp (QĐ 102, 54, 29, 33...); khó khăn trong xác định đối tượng thụ hưởng chính sách (QĐ 102, 29, 54); chưa có cơ chế quy định nhiệm vụ, quyền hạn của người có uy tín cũng như đảm bảo các điều kiện vật chất, phụ cấp thường xuyên để động viên, khuyến khích, phát huy vai trò của người có uy tín (QĐ 18); chưa có cơ chế linh hoạt trong thủ tục đầu tư, lồng ghép nguồn vốn, điều chuyển nguồn vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu, chuyển nguồn kinh phí... đã ảnh hưởng đến việc hoàn thành các mục tiêu và hiệu quả của chính sách.
Công tác tổ chức triển khai thực hiện CSDT tại nhiều địa phương trong năm 2016 nhìn chung còn chậm, khối lượng và tỷ lệ giải ngân thấp, vẫn còn hiện tượng bố trí vốn đầu tư dàn trải, giao cho nhiều đầu mối (sở, ban, ngành) quản lý, chỉ đạo thực hiện chính sách.
Công tác theo dõi, kiểm tra, tổng hợp, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện các CSDT của một số địa phương còn hạn chế.
Việc chấp hành chế độ báo cáo, thống kê của một số Bộ, ngành, địa phương và một số Vụ, đơn vị của UBDT chưa nghiêm túc, không thực hiện đúng nội dung, mẫu biểu hướng dẫn quy định; thông tin báo cáo chưa đầy đủ, chất lượng thấp, gửi không kịp thời... đã ảnh hưởng đến công tác tổng hợp và chỉ đạo, điều hành chung. Đến nay vẫn còn một số tỉnh chưa gửi Báo cáo tổng kết công tác dân tộc năm 2016: Lạng Sơn, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Thuận (chi tiết theo Phụ lục số 22).
2.3. Tình hình KT-XH vùng DT&MN vẫn còn rất khó khăn. Tình trạng thiếu việc làm, thu nhập và chất lượng nguồn nhân lực thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, địa hình hiểm trở, thiên tai khắc nghiệt, dịch bệnh bất thường... vẫn là những thách thức lớn đối với vùng DT&MN. Trình độ dân trí, khoảng cách giàu nghèo giữa các dân tộc, các vùng miền không dễ thu hẹp. Đặc biệt, xuất hiện tình trạng đói, nghèo cùng cực của một số hộ đồng bào DTTS, chủ yếu do chịu hậu quả nặng nề của thiên tai, đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở.
3. Nguyên nhân của hạn chế
3.1. Nguyên nhân khách quan
Công tác dân tộc là lĩnh vực tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, nhạy cảm, phức tạp. Nhiều nơi vùng DT&MN có địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu diễn biến phức tạp, thiên tai thường hay xảy ra gây hậu quả lớn.
Kinh tế - xã hội vùng DT&MN có điểm xuất phát thấp, cơ sở hạ tầng còn bất cập, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao, trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực thấp.
3.2. Nguyên nhân chủ quan
Nguồn lực đầu tư vào vùng DT&MN còn thấp, nhất là kinh phí bố trí thực hiện các CSDT chưa đảm bảo, không đồng bộ, thiếu kịp thời, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu và hiệu quả chính sách.
Sự phối hợp giữa UBDT với các Bộ, ngành, địa phương đôi khi chưa chặt chẽ, thiếu nhất quán trong xây dựng, phân bổ nguồn lực và chỉ đạo thực hiện chính sách. Một số Bộ, ngành không kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện chính sách nên các địa phương lúng túng trong tổ chức thực hiện.
Công tác chỉ đạo, điều hành của một số Vụ, đơn vị thiếu quyết liệt, chưa phát huy vai trò người đứng đầu, chấp hành quy chế làm việc không nghiêm; việc tham mưu đề xuất CSDT mang tính chiến lược còn hạn chế; năng lực, trình độ một bộ phận công chức chưa đáp ứng yêu cầu, tinh thần trách nhiệm chưa cao, thiếu nhiệt huyết, không tận tâm với công việc, chất lượng tham mưu và hiệu quả công tác thấp.
Công tác thông tin, tuyên truyền có nơi, có lúc chưa tốt. Công tác theo dõi, nắm địa bàn, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chính sách chưa thường xuyên, hiệu quả chưa được như mong muốn.
Nhận thức của một số cán bộ các ngành, các cấp về công tác dân tộc chưa sâu sắc, toàn diện. Bộ máy làm công tác dân tộc một số tỉnh còn yếu, chưa được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm kiện toàn đúng mức. Một số tỉnh lập kế hoạch và giao vốn chậm, chỉ đạo điều hành công tác dân tộc thiếu quyết liệt, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào DTTS.
MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CÔNG TÁC DÂN TỘC NĂM 2017 VÀ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT
1. Mục tiêu tổng quát
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, UBDT xác định mục tiêu năm 2017 và các năm tiếp theo của công tác dân tộc:
Tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội vùng DT&MN nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách giữa các dân tộc, vùng miền; tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo bồi dưỡng, bố trí sử dụng hợp lý đội ngũ cán bộ là người DTTS; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội; tăng cường chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở; giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc, đảm bảo quốc phòng an ninh; tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc từ Trung ương đến cơ sở.
Từng bước tiến tới hoàn thành các mục tiêu chung đã đề ra tại Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, một số chỉ tiêu thực hiện Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015 và Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực các DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030.
2. Mục tiêu cụ thể năm 2017
- Tỷ lệ hộ nghèo vùng DT&MN giảm 2%; riêng các huyện nghèo giảm 4%; tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 3% - 4%;
- Tỷ lệ trẻ em DTTS dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm 2%;
- Tỷ lệ hộ DTTS sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh tăng 4%, sử dụng hố xí hợp vệ sinh tăng 5%;
- Trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ 10 đề án, chính sách; triển khai thực hiện có hiệu quả các CSDT đã ban hành;
- Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS và miền núi, không để xảy ra "điểm nóng" về an ninh, trật tự.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN CÔNG TÁC DÂN TỘC NĂM 2017
Năm 2017 là năm thứ hai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của đất nước. Để thực hiện có hiệu quả công tác dân tộc, tiến tới hoàn thành các mục tiêu của Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020, UBDT phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, chỉ đạo các địa phương vùng DT&MN triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện công tác dân tộc năm 2017, cụ thể như sau:
1. Triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và giai đoạn 2016 - 2020, Nghị quyết của Chính phủ, Kết luận, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác dân tộc và CSDT; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ cơ quan UBDT nhiệm kỳ 2015 - 2020; gắn thực hiện nhiệm vụ chính trị với việc thực hiện và khắc phục những hạn chế, yếu kém theo Nghị quyết TW 4 Khóa XII và Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tiếp tục triển khai các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 các vùng: Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, đồng bằng sông Cửu Long; thực hiện và phấn đấu sớm hoàn thành các mục tiêu vùng DTTS và miền núi theo tinh thần Nghị quyết số 80/NQ-CP của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững từ năm 2011 đến 2020; Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc và Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020; Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới; Chỉ thị số 1971/CT-TTg ngày 27/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 10/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc; Thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại Hội Nghị tổng kết 5 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP về công tác dân tộc (Thông báo số 440/TB-VPCP)
2. Tập trung nghiên cứu, xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả các CSDT; huy động nguồn lực góp phần xóa đói giảm nghèo vùng DT&MN gắn với phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường bền vững.
UBDT nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 10 đề án chính sách, hoàn thiện 01 đề án chính sách đã trình Thủ tướng Chính phủ nhằm tiếp tục hỗ trợ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng DT&MN (chi tiết Phụ lục số 23).
Nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương xây dựng, ban hành Luật Hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi; chính sách thu hút đầu tư phát triển KT-XH vùng DT&MN. Khuyến khích các địa phương ban hành các chính sách đặc thù, bố trí thêm nguồn lực để thực hiện tốt CSDT.
Đổi mới cơ chế chính sách theo hướng chuyển dần từ hỗ trợ trực tiếp cho hộ gia đình sang hỗ trợ cho cộng đồng; tăng cho vay, giảm cho không, hỗ trợ có điều kiện, phân cấp mạnh cho địa phương, đa dạng hóa nguồn lực, chú trọng phát huy nội lực, sự tham gia của người dân; khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại, khơi dậy tính sáng tạo, không cam chịu đói nghèo, vượt khó, vươn lên của đồng bào DTTS. Lồng ghép cách tiếp cận nhân học lấy cộng đồng làm trọng tâm trong xây dựng chính sách.
Quản lý, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các CSDT hiện hành, bao gồm các chính sách đặc thù, chính sách theo vùng, theo ngành, theo lĩnh vực do Trung ương và các địa phương ban hành. Triển khai hiệu quả CTMTQG Giảm nghèo bền vững, Xây dựng nông thôn mới và Chương trình 135 giai đoạn 2016 - 2021.
Tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh việc dạy nghề và giải quyết việc làm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng DT&MN; gắn quy hoạch với ổn định dân cư. Thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, quản lý phát triển rừng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Tích cực giao đất, giao rừng cho hộ đồng bào DTTS nghèo thiếu đất ở, đất sản xuất.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, loại bỏ thủ tục hành chính rườm rà trong quá trình thực hiện chính sách. Sửa đổi, bổ sung chế độ báo cáo, thống kê về công tác dân tộc theo hướng tăng cường tính pháp lý, đơn giản, dễ thực hiện.
3. Đẩy mạnh phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DT&MN, đảm bảo hợp lý đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS tham gia vào các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ Trung ương đến cơ sở, đáp ứng yêu cầu thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên DTTS, giáo viên vùng sâu vùng xa, trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; mở rộng các trường (khoa) dự bị đại học; phát triển đội ngũ giáo viên tại chỗ, giáo viên người DTTS.
Xây dựng Chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, cán bộ làm công tác dân tộc theo Quyết định số 402/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ.
Nghiên cứu các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, phát hiện, đào tạo bồi dưỡng nhân tài là con em các DTTS; hỗ trợ học sinh DTTS thuộc 16 DTTS rất ít người; thu hút, đãi ngộ nhân tài công tác tại vùng DT&MN. Chú trọng giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh DTTS ở cấp THCS-THPT.
Đổi mới phương thức đào tạo cử tuyển theo hướng cấp tỉnh quyết định ngành nghề đào tạo và bố trí sử dụng sau khi đào tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; khắc phục dần tình trạng sinh viên tốt nghiệp hệ cử tuyển không được bố trí công tác.
Củng cố và phát triển Học viện Dân tộc trong việc nghiên cứu lý luận, đào tạo bậc đại học, sau đại học cho người DTTS và bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị công tác ở DT&MN.
Tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ DTTS ở tất cả các ngành, các cấp.
4. Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng DT&MN. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người DTTS khi sinh con đúng chính sách dân số; cấp thẻ BHYT, khám chữa bệnh cho người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi...
Tăng cường số lượng và chất lượng đội ngũ y bác sỹ; nâng cấp các bệnh viện, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia tại vùng DT&MN nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngay tại cơ sở; thực hiện tốt công tác y tế dự phòng, tiêm chủng mở rộng, tích cực phòng, chống các dịch bệnh nguy hiểm...
5. Đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS.
Nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng các công trình văn hóa cho vùng DT&MN; chính sách bồi dưỡng, hỗ trợ các nghệ nhân, nghệ sỹ tiêu biểu. Bảo tồn, phát huy giá trị di sản, tiềm năng văn hóa các dân tộc; xây dựng giáo trình, sách giáo khoa, duy trì việc dạy tiếng và chữ viết của một số dân tộc, các chương trình phát thanh bằng tiếng dân tộc. Thực hiện có hiệu quả các đề án bảo tồn văn hóa các DTTS rất ít người.
6. Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động trong vùng DT& MN
Tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào DTTS theo hướng đa dạng, thiết thực, hiệu quả, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo. Nắm vững tâm tư, nguyện vọng chính đáng của đồng bào. Quan tâm phổ biến, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; gương người tốt, việc tốt tiêu biểu, có uy tín trong cộng đồng các dân tộc ...
Đấu tranh, phản bác có hiệu quả với luận điệu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc.
7. Tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị vùng DT&MN, đủ sức giải quyết có hiệu quả những vấn đề phức tạp phát sinh ngay từ cơ sở; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; không để xảy ra điểm nóng, những vụ việc nổi cộm; góp phần củng cố tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Tăng cường công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về mọi mặt cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở; trọng tâm là kiến thức pháp luật, am hiểu phong tục tập quán của đồng bào DTTS; kỹ năng xử lý tình huống, kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp, phát sinh ở cơ sở, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Quan tâm phát triển đảng viên là người DTTS, các thôn (xóm, bản, làng, phum, sóc...) có chi bộ Đảng.
Phát động sâu rộng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; phòng chống có hiệu quả với âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch. Vận động đồng bào “không nghe, không tin, không làm theo lời kẻ xấu”; đoàn kết, đùm bọc, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, cùng xây dựng thôn (xóm, bản, làng, phum, sóc) vững mạnh.
8. Tiếp tục kiện toàn, tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cơ quan công tác dân tộc từ trung ương tới địa phương tinh thông nghiệp vụ, tâm huyết, trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan công tác dân tộc các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021; đề xuất xây dựng mô hình UBDT bao gồm thành viên của các Bộ, ngành; xây dựng cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, sử dụng, bổ nhiệm nhằm nâng cao số lượng, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS.
Rà soát, xây dựng, hoàn thiện các quy chế hoạt động; hoàn thiện đề án vị trí việc làm; thực hiện tốt công tác tiếp nhận, quy hoạch, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức.
Nghiên cứu xây dựng Đề án “Quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực hệ thống cơ quan công tác dân tộc giai đoạn 2012-2020”; xây dựng kế hoạch bố trí công chức, viên chức diện quy hoạch lãnh đạo cấp Vụ đi thâm nhập thực tiễn tại vùng DT&MN.
9. Tăng cường công tác theo dõi, nắm tình hình vùng DT&MN; công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các chủ trương, CSDT của Đảng và Nhà nước ở các cấp, các ngành.
Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình tất cả lĩnh vực đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội; đặc biệt là tình hình thiệt hại do thiên tai, đói giáp hạt, dịch bệnh, các điểm nóng về an ninh trật tự...Tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, kết hợp nắm tình hình; chủ động phát hiện những vi phạm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết kiến nghị của các địa phương trong quá trình triển khai thực hiện CSDT.
Tham mưu sơ kết thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc; triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách mới ban hành; đảm bảo chủ trương, CSDT của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống. Chủ động tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo những vấn đề lớn vừa cấp bách, vừa lâu dài về vấn đề dân tộc.
Nghiên cứu, xây dựng Nghị định về thanh tra công tác dân tộc; củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra của cơ quan công tác dân tộc từ Trung ương đến địa phương.
10. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về lĩnh vực công tác dân tộc.
Thực hiện có hiệu quả các hoạt động đối ngoại về công tác dân tộc, nhất là các thỏa thuận hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế. Tập trung huy động nguồn vốn ODA, hỗ trợ kỹ thuật của các nước, các đối tác phát triển và tổ chức quốc tế để hỗ trợ phát triển KT-XH vùng DT&MN.
III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ, ĐỀ XUẤT
Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ công tác dân tộc năm 2017 và những năm tiếp theo, UBDT kiến nghị, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ một số vấn đề sau:
1. Đồng ý về chủ trương xây dựng Luật Hỗ trợ phát triển vùng DTTS và miền núi; đưa vào chương trình xây dựng Luật năm 2018 của Quốc hội.
2. Cho phép UBDT xây dựng đề án tổ chức hoạt động của Ủy ban theo cơ chế thành phần Lãnh đạo Ủy ban có sự tham gia (kiêm nhiệm) của Lãnh đạo các Bộ, ngành có liên quan.
3. Giao Hội đồng Dân tộc chủ trì, phối hợp với UBDT xây dựng đề án thực hiện khoản 5, Điều 70, Hiến pháp năm 2013: “Quốc hội quyết định chính sách dân tộc”.
4. Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 24 NQ/TW của BCH TW khóa IX về công tác dân tộc và ban hành Nghị quyết mới thay thế cho phù hợp với tình hình mới; Tổng kết 25 năm thực hiện Chỉ thị số 68-CT/TW ngày 18/4/1991 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác dân tộc ở vùng đồng bào Khmer.
5. Tăng cường và phát huy vai trò giám sát của các đại biểu Quốc hội, các Ủy ban của Quốc hội và Đoàn Đại biểu Quốc hội các địa phương về thực hiện các chương trình, chính sách có liên quan đến vùng DT&MN.
6. Bố trí đảm bảo nguồn lực thực hiện các CSDT trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, nhất là các chính sách nhằm giải quyết những nhu cầu bức xúc của đồng bào nghèo như đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt chuyển đổi nghề, định canh định cư, tín dụng ưu đãi, hỗ trợ các DTTS rất ít người. Tạo điều kiện cho UBDT tiếp cận thêm với các nguồn vốn ODA để tăng nguồn lực thực hiện chính sách.
7. Xem xét, sớm ban hành một số chính sách mới: (1) Đề án đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017- 2021; (2) Đề án Tăng cường vai trò của người có uy tín đối với công tác dân tộc trong vùng DTTS; (3) Chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng ĐBKK giai đoạn 2017 - 2020.
8. Chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện nghiêm túc Quy chế làm việc của Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với UBDT trong việc bố trí, phân bổ nguồn vốn, hướng dẫn, trả lời, góp ý, thẩm định, ban hành các CSDT.
Nơi nhận: |
BỘ TRƯỞNG, CHỦ
NHIỆM |
DANH SÁCH CÁC PHỤ LỤC KÈM THEO BÁO CÁO
STT |
Tên Phụ lục |
Nội dung chính |
1 |
Phụ lục số 01 |
Kết quả xây dựng các chương trình, đề án, chính sách trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2016 |
2 |
Phụ lục số 02 |
Danh mục các Chính sách, Chương trình, dự án do Ủy ban Dân tộc chủ trì, quản lý, chỉ đạo năm 2016 |
3 |
Phụ lục số 03 |
Danh mục văn bản QPPL do Ủy ban Dân tộc chủ trì xây dựng năm 2016 |
4 |
Phụ lục số 04 |
Kết quả thực hiện các chính sách dân tộc năm 2016 do UBDT chủ trì năm 2016 |
5 |
Phụ lục số 05 |
Danh mục các văn bản QPPL Ủy ban Dân tộc tham gia góp ý |
6 |
Phụ lục số 06 |
Kết quả thực hiện Chương trình phối hợp của UBDT với các bộ ngành, tổ chức đoàn thể năm 2016 |
7 |
Phụ lục số 07 |
Một số chương trình, chính sách đặc thù của địa phương năm 2016 |
8 |
Phụ lục số 08 |
Thống kê số cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS tại cơ quan Công tác dân tộc tỉnh, thành phố |
9 |
Phụ lục số 09 |
Thống kê cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh được giao chủ trì thực hiện các chính sách, chương trình, dự án |
10 |
Phụ lục số 10a |
Tổng hợp kinh phí thực hiện chương trình 135 năm 2016 |
11 |
Phụ lục số 10b |
Tổng hợp dự án cơ sở hạ tầng năm 2016 |
12 |
Phụ lục số 10c |
Tổng hợp công trình duy tu bảo dưỡng năm 2016 |
13 |
Phụ lục số 10d |
Tổng hợp dự án hỗ trợ phát triển sản xuất năm 2016 |
14 |
Phụ lục số 10e |
Tổng hợp dự án đào tạo nâng cao năng lực năm 2016 |
15 |
Phụ lục số 11a |
Kết quả thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg năm 2016 |
16 |
Phụ lục số 11b |
Tình hình thực hiện cho vay vốn theo Quyết định số 755/QĐ-TTg |
17 |
Phụ lục số 12 |
Kết quả Chương trình tín dụng cho vay hộ DTTS nghèo Đồng Bằng sông Cửu Long thực hiện Quyết định 29/2013/QĐ-TTg |
18 |
Phụ lục số 13 |
Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào DTTS theo Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg năm 2016 |
19 |
Phụ lục số 14 |
Tình hình thực hiện cho vay theo Quyết định số 54/2012/QĐ-TTg |
20 |
Phụ lục số 15 |
Kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân thuộc hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg |
21 |
Phụ lục số 16 |
Tình hình thực hiện Quyết định số 1672/QĐ-TTg |
22 |
Phụ lục số 17a |
Danh sách số lượng người có uy tín trong đồng bào DTTS của các địa phương năm 2016 |
23 |
Phụ lục số 17b |
Kết quả thực hiện chính sách đối với người có uy tín năm 2016 theo Quyết định số 18/2011/QĐ-TTg và Quyết định số 56/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ |
24 |
Phụ lục số 18 |
Kết quả thực hiện Chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn năm 2016 theo Quyết định số 633/QĐ-TTg |
25 |
Phụ lục số 19 |
Tình hình giải ngân đề án Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào DTTS năm 2016 theo Quyết định số 498/QĐ-TTg |
26 |
Phụ lục số 20 |
Biểu tổng hợp một số khó khăn vướng mắc trong thực hiện chính sách dân tộc của địa phương năm 2016 |
27 |
Phụ lục số 21 |
Biểu tổng hợp kiến nghị, đề xuất về công tác dân tộc của các phương năm 2016 |
28 |
Phụ lục số 22 |
Chấp hành chế độ báo cáo công tác dân tộc năm 2016 |
29 |
Phụ lục số 23 |
Danh mục các đề án đăng ký trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2017 |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.