ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/BC-UBND |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 15 tháng 01 năm 2015 |
CÔNG TÁC THI HÀNH PHÁP LUẬT VỀ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH NĂM 2014
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 20 tháng 6 năm 2012 (Luật XLVPHC) và Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật XLVPHC về báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính định kỳ, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính năm 2014 như sau:
Tổ chức thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và văn bản chỉ đạo để triển khai và đôn đốc thực hiện các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành, cụ thể:
- Văn bản quy phạm pháp luật:
+ Chỉ thị số 17/2013/CT-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2013 về việc triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.
- Văn bản chỉ đạo, điều hành:
+ Công văn số 8560/VP-PCNC ngày 17 tháng 10 năm 2013 về triển khai thực hiện Luật XLVPHC trong lĩnh vực xây dựng.
+ Công văn số 9963/VP-CNN ngày 28 tháng 11 năm 2013 về triển khai thực hiện Nghị định số 163/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất, phân bón và vật liệu nổ công nghiệp.
+ Công văn số 9198/VP-CNN ngày 05 tháng 11 năm 2013 về triển khai thực hiện Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
+ Công văn số 6420/UBND-PCNC ngày 02 tháng 12 năm 2013 về biểu mẫu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng.
+ Công văn số 3239/UBND-ĐTMT ngày 09 tháng 7 năm 2014 về tạm thời chưa xử phạt vi phạm hành chính đối với một số trường hợp theo Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
+ Công văn số 5796/VP-ĐTMT ngày 23 tháng 7 năm 2014 về kinh phí xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự an toàn xã hội và bảo vệ môi trường.
+ Công văn 11037/VP-CNN ngày 31 tháng 12 năm 2013 về việc tổ chức thực hiện các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
+ Công văn số 2392/VP-ĐTMT ngày 03 tháng 4 năm 2014 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
+ Công văn số 10214/VP-THKH ngày 06 tháng 12 năm 2013 về triển khai Nghị định số 155/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
+ Thông báo số 28/TB-VP ngày 14 tháng 01 năm 2014 về nội dung kết luận của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Lê Hoàng Quân tại buổi họp về một số khó khăn vướng mắc khi thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính liên quan đến đối tượng nghiện ma túy trên địa bàn Thành phố.
2. Công tác phổ biến, tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ về pháp luật xử lý vi phạm hành chính
Thực hiện Kế hoạch triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2014 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ban hành kèm Quyết định số 206/QĐ-UBND ngày 13 tháng 01 năm 2014, các Sở - ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân quận - huyện đã tổ chức thực hiện công tác phổ biến, tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ về pháp luật xử lý vi phạm hành chính bằng nhiều hình thức để đáp ứng yêu cầu tìm hiểu và tổ chức thi hành các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, về công tác tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ:
- Các Sở - ngành Thành phố đã chủ động tổ chức các hoạt động tập huấn, tuyên truyền pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo lĩnh vực chuyên ngành. Riêng Sở Tư pháp, với tư cách là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện quản lý về thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã tổ chức Hội nghị chuyên đề về xử lý vi phạm hành chính với sự tham gia của Phòng Tư pháp 24 quận - huyện và các Sở - ngành có liên quan trực tiếp đến công tác xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp còn thực hiện hướng dẫn nghiệp vụ về pháp luật xử lý vi phạm hành chính cho các Sở - ngành, Ủy ban nhân dân quận, huyện bằng hình thức phát hành công văn, tư vấn trực tiếp qua điện thoại, thông qua các cuộc họp để tháo gỡ xử lý các trường hợp cụ thể.
- Các quận, huyện cũng đồng thời tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật xử lý vi phạm hành chính nói chung và các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực cụ thể nói riêng bằng nhiều hình thức khác nhau. Cụ thể như: phát hành tài liệu tuyên truyền, phổ biến, tập huấn dưới hình thức cẩm nang, tờ gấp, truyền thanh trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức Hội nghị tập huấn, v.v….
3. Các điều kiện bảo đảm cho công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
- Để tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố, Sở Tư pháp đã bố trí nhân sự thuộc Phòng Công tác thi hành pháp luật phụ trách công tác theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để tham mưu cho Ủy ban nhân dân Thành phố thực hiện quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân Thành phố đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp các cơ quan liên quan xây dựng, trình Ủy ban nhân dân Thành phố Đề án “Xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” theo hướng thành lập Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính tại Sở Tư pháp, bố trí 01 công chức chuyên trách ở Phòng Tư pháp quận, huyện và bảo đảm đủ 2 đến 3 công chức Tư pháp - Hộ tịch ở phường, xã, thị trấn để thực hiện công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính theo Đề án xây dựng tổ chức bộ máy, biên chế triển khai thực hiện quản lý thống nhất về công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính ban hành kèm theo Quyết định số 1950/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ. Đề án đã được Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 6037/QĐ-UBND ngày 12 tháng 12 năm 2014.
4. Công tác kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính:
Thực hiện quy định của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP , Sở Tư pháp đã chủ động triển khai công tác kiểm tra, thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính bằng việc quy định đây là một nội dung công tác trong thang điểm thi đua của ngành tư pháp. Do đó, công tác kiểm tra việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính đã được triển khai thực hiện trên địa bàn tất cả 24 quận, huyện của Thành phố.
Qua việc tổ chức kiểm tra đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót do hiểu và áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính chưa đảm bảo theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành, góp phần cho việc đưa quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành được triển khai và thực hiện trên thực tiễn, đồng thời phát hiện những quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính chưa phù hợp với thực tiễn để có kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định.
II. BÁO CÁO VỀ TÌNH HÌNH XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH
1. Tình hình vi phạm hành chính
Sau khi Luật xử lý vi phạm hành chính được ban hành và có hiệu lực thi hành, thông qua nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng như tuyên truyền tập trung, phát thanh, sinh hoạt tại khu phố, phát hành tờ bướm, tờ rơi, … ý thức chấp hành pháp luật nói chung và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nói riêng của người dân ngày càng được nâng cao. Tình trạng vi phạm hành chính có chiều hướng giảm nhưng còn diễn biến phức tạp, các hành vi vi phạm chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực: giao thông đường bộ, đất đai, thuế, an ninh trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm, thương mại, bảo vệ môi trường, văn hóa, y tế, xây dựng,… với các hành vi phổ biến như buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, kinh doanh không có giấy phép, lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép, vi phạm Luật Giao thông, đánh bạc, gây rối trật tự công cộng, buôn lậu, gian lận thương mại, sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc trong chế biến thực phẩm, …
Nguyên nhân của tình hình vi phạm nêu trên là do Thành phố Hồ Chí Minh với vị trí là trung tâm kinh tế-văn hóa của cả nước nên thu hút lượng lớn dân nhập cư đến sinh sống, kinh doanh, đồng thời, một số quận huyện vùng ven, vùng ngoại thành như quận 12, Thủ Đức, huyện Cần Giờ, Hóc Môn, Nhà Bè, v.v… đang trong quá trình đô thị hóa, trình độ dân trí không đồng đều. Do đó, có một bộ phận người dân ý thức chấp hành pháp luật còn kém, một số loại vi phạm xảy ra do không hiểu biết pháp luật. Bên cạnh đó, có nhiều đối tượng vi phạm sử dụng thủ đoạn tinh vi, lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để đối phó với cơ quan chức năng dẫn đến tình hình vi phạm pháp luật hành chính ngày càng phức tạp trên một số địa bàn. Cụ thể như vi phạm hành chính về xây dựng ở các quận, huyện vùng ven như quận 12, huyện Bình Chánh, Hóc Môn.
2. Kết quả công tác xử phạt vi phạm hành chính
Thông qua việc thành lập các đoàn kiểm tra, tổ chức các hoạt động kiểm tra định kỳ, đột xuất, các Sở - ban, ngành Thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện đã tích cực kiểm tra, rà soát, phát hiện vi phạm hành chính, bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, qua đó phần nào hạn chế việc vi phạm, thực hiện tốt công tác răn đe, xử lý đối tượng, góp phần kiểm soát và hạn chế tình hình vi phạm trên địa bàn.
Trong năm 2014, Thành phố đã phát hiện 1.372.340 vụ vi phạm. Hầu hết các trường hợp vi phạm bị phát hiện đều bị xử lý theo đúng quy định. Các quyết định xử phạt vi phạm hành chính được ban hành đúng thẩm quyền, xử phạt đúng đối tượng, đúng hành vi vi phạm, áp dụng đúng mức phạt theo quy định. Đa số đối tượng vi phạm tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên cũng có trường hợp không tự nguyện thi hành quyết định xử phạt, có một số đối tượng bị xử phạt có điều kiện thi hành nhưng không tự nguyện thi hành dẫn đến việc phải tổ chức cưỡng chế, gây tốn kém cho ngân sách. Bên cạnh đó cũng có nhiều trường hợp đối tượng bị xử phạt không có điều kiện thi hành quyết định xử phạt, tìm cách trốn tránh. Điều này gây ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và ảnh hưởng đến việc thi hành pháp luật.
3. Khó khăn, vướng mắc, bất cập trong công tác xử phạt vi phạm hành chính
Sau khi Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành đã có nhiều văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành. Tuy nhiên, do nội dung quy định về xử lý vi phạm hành chính theo Luật Xử lý vi phạm hành chính xử lý vi phạm hành chính có nhiều điểm mới so với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính trước đây trong khi đó văn bản hướng dẫn thi hành chưa được ban hành đầy đủ, kịp thời, một số văn bản có nội dung quy định chưa sát với thực tiễn. Điều này làm phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Các vấn đề khó khăn vướng mắc phát sinh nằm cả ở các quy định về nội dung, cả ở các quy định về hình thức của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (Xem Phụ lục đính kèm).
4. Kiến nghị, đề xuất những chủ trương, giải pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác xử phạt vi phạm hành chính, góp phần giảm thiểu và ngăn ngừa các vi phạm hành chính
Từ thực tiễn thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn Thành phố, kiến nghị Bộ Tư pháp quan tâm, giải quyết các vấn đề sau:
- Hướng dẫn hoặc phối hợp với các Bộ, ngành liên quan ban hành văn bản để hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nêu ở Mục 3.
- Xây dựng các biểu mẫu thống kê, phần mềm phục vụ cho việc thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về xử lý vi phạm hành chính để áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
III. BÁO CÁO TÌNH HÌNH ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH
1. Tình hình vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội
Từ ngày 01 tháng 01 năm 2014, khi quy định về thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc có hiệu lực, mặc dù Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 ngày 20 tháng 01 năm 2014 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân đã có hiệu lực thi hành nhưng các văn bản hướng dẫn thi hành, các loại biểu mẫu áp dụng chưa được ban hành đầy đủ và kịp thời đã gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính. Kết quả là trong năm 2014 số lượng hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính thuộc thẩm quyền quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện là rất ít so với các năm trước đây. Điều này dẫn đến tình trạng các đối tượng vi phạm bị đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án (đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc) vẫn chưa bị xử lý. Việc quản lý các đối tượng này, đặc biệt là các đối tượng nghiện ma túy, chưa được thực hiện do chưa có quyết định của Tòa án dẫn đến việc số lượng các đối tượng này ngoài cộng đồng ngày càng tăng, gia tăng các nguy cơ phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật như trộm cắp, cướp giật, tiêm chích ma túy nơi công cộng,… gây bất an cho xã hội, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, ảnh hưởng môi trường đầu tư.
2. Kết quả áp dụng các biện pháp xử lý hành chính
Trong năm 2014, số lượng đối tượng đang chấp hành các biện pháp xử lý hành chính trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh là 878 người, trong đó tất cả đều là các đối tượng bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính quản lý tại gia đình đối với người chưa thành niên. Hiện nay, chưa có đối tượng nào đang chấp hành các biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc theo quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện.
3. Khó khăn, vướng mắc, bất cập trong việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính
- Việc giao đối tượng nghiện ma túy cho gia đình (đối với người có nơi cư trú), cho tổ chức xã hội (đối với người không có nơi cư trú) quản lý trong thời gian lập hồ sơ đề nghị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là chưa phù hợp thực tiễn. Việc quản lý số đối tượng này gặp nhiều khó khăn do nếu để cho gia đình quản lý thì đồng nghĩa với việc đối tượng tiếp tục tiêm chích ma túy trong thời gian chờ lập hồ sơ, vì gia đình của người nghiện không thể và cũng không có nghiệp vụ để quản lý, giúp đối tượng giảm nhu cầu sử dụng ma túy trong thời gian lập hồ sơ. Mặt khác, do chưa có quy định cụ thể “tổ chức xã hội” quản lý đối tượng nghiện không có nơi cư trú ổn định là tổ chức nào, cơ chế quản lý, kinh phí cho hoạt động nên trong cả năm 2014 không có trường hợp người nghiện ma túy không có nơi cư trú nào được quản lý trong thời gian lập hồ sơ.
- Đối tượng nghiện ma túy, có thể bị áp dụng cùng lúc 2 biện pháp: giáo dục tại xã, phường, thị trấn và cai nghiện ma túy tại cộng đồng theo quy định tại Điều 18 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Cụ thể, Luật XLVPHC quy định thời gian áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là từ 03 tháng đến 06 tháng, trong khi đó theo quy định của Nghị định số 94/2010/NĐ-CP ngày 09 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình, cai nghiện ma túy tại cộng đồng, thời hạn cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng là từ 06 tháng đến 12 tháng. Như vậy, trong trường hợp đối tượng đã thực hiện xong biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà có hành vi vi phạm tiếp cần phải áp dụng các biện pháp xử lý hành chính khác nhưng chưa thực hiện xong biện pháp cai nghiện ma túy tại cộng đồng nên chưa thể lập hồ sơ. Điều này gây lúng túng và khó triển khai thực hiện trong thực tế.
- Quy định tại khoản 3 Điều 18 Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 9 năm 2013 quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn: “Người bị đề nghị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn phải được mời tham gia cuộc họp và phát biểu ý kiến về việc áp dụng biện pháp” là chưa phù hợp, trong trường hợp đối tượng bị đề nghị mặc dù đã được mời nhưng không tham dự buổi họp thì không có biện pháp xử lý.
- Chất lượng tổ chức thi hành các quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn còn thấp, số đối tượng được giáo dục thật sự tiến bộ không nhiều do các đối tượng này thường xuyên trốn tránh cán bộ giáo dục và hiện nay không có cơ chế bắt buộc các đối tượng này phải thi hành quyết định.
- Chính sách giải quyết việc làm chưa cụ thể, rõ ràng cho đối tượng đã, đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính nên trong quá trình chấp hành cũng như sau khi chấp hành xong các đối tượng này rất khó khăn trong việc tìm công việc để ổn định cuộc sống, giúp tạo điều kiện trở thành công dân tốt. Có một số dân cư trong cộng đồng vẫn còn e ngại tiếp xúc với đối tượng. Nhiều doanh nghiệp không muốn tiếp nhận những đối tượng này vào làm việc. Đây là một trong những nhân tố quan trọng trực tiếp làm hạn chế vai trò, tác dụng xã hội của biện pháp này.
- Chưa có hướng dẫn cụ thể việc xác định tình trạng nghiện ma túy. Cụ thể như: Điều 10 Nghị định số 221/2013/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh có quy định “thẩm quyền xác định người nghiện ma tuý là bác sĩ, y sĩ thuộc trạm y tế cấp xã, bệnh xá quân y, phòng khám khu vực, bệnh viện cấp huyện trở lên, phòng y tế của cơ sở cai nghiện bắt buộc có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và chứng chỉ tập huấn về điều trị cắt cơn nghiện ma tuý do cơ quan có thẩm quyền cấp. Bộ Y tế hướng dẫn việc tập huấn và cấp chứng chỉ về điều trị cắt cơn nghiện ma tuý”. Tuy nhiên, thực tế hiện nay lực lượng y, bác sĩ tại Trạm y tế phường chưa được đào tạo, tập huấn về điều trị hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy hoặc đã được đào tạo nhưng chưa có trường hợp nào được cấp chứng chỉ, vì vậy không có đủ cơ sở pháp lý để lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
- Chưa có hướng dẫn cụ thể về kinh phí chuyển người từ nơi có hành vi vi phạm pháp luật đến nơi cư trú để địa phương ở nơi cư trú xử lý theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 101 và điểm b khoản 1 Điều 103 Luật xử lý vi phạm hành chính.
- Chưa có biểu mẫu trong quá trình lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân.
- Chưa có quy định về xử lý trường hợp người nghiện ma túy tái nghiện khi còn trong thời hạn quản lý sau cai.
4. Kiến nghị, đề xuất những chủ trương, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, góp phần giảm thiểu và ngăn ngừa các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội
Từ thực tiễn thi hành pháp luật về xử lý hành chính trên địa bàn Thành phố, kiến nghị Bộ Tư pháp phối hợp các Bộ, ngành liên quan quan tâm, giải quyết các vấn đề sau:
- Ban hành các văn bản hướng dẫn Nghị định số 111/2013/NĐ-CP , Nghị định số 221/2013/NĐ-CP , Nghị định số 02/2014/NĐ-CP , Pháp lệnh về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân và ban hành đầy đủ các biểu mẫu kèm theo để các cơ quan chức năng có cơ sở triển khai thực hiện.
- Cần xem xét, sửa đổi biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, trong đó nên quy định cách thức giáo dục riêng đối với người nghiện ma túy, bao gồm cả biện pháp hỗ trợ cai nghiện tại cộng đồng khi giáo dục người đó vì nghiện ma túy là một tình trạng bệnh lý, nếu chỉ có giáo dục, thuyết phục mà không kèm theo việc cai nghiện, chữa trị thì hầu như không thể giúp người cai nghiện từ bỏ được ma túy.
- Hướng dẫn cụ thể cách thức xử lý xung đột giữa quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và văn bản hướng dẫn thi hành với các quy định của Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn thi hành như việc quản lý sau cai nghiện, xử lý đối với trường hợp người nghiện ma túy tái nghiện khi còn trong thời hạn quản lý sau cai nghiện.
IV. KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC, BẤT CẬP, NGUYÊN NHÂN VÀ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
1. Những khó khăn, vướng mắc, bất cập và nguyên nhân
Bên cạnh những khó khăn, vướng mắc, bất cập từ các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính như nêu tại Mục 3 Phần II và Mục 3 Phần III, việc triển khai thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành còn có khó khăn, vướng mắc như sau:
- Ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân nhìn chung đã dần được nâng cao, tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận dân cư có ý thức chưa tốt trong việc chấp hành pháp luật. Điều này do nhiều nguyên nhân khác nhau như do trình độ văn hóa, do điều kiện, hoàn cảnh sống… dẫn đến việc vi phạm pháp luật nói chung, vi phạm pháp luật hành chính nói riêng. Điều này dẫn đến việc cơ quan nhà nước không hoàn thành nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính của mình, về quản lý nhà nước sẽ làm cho hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước không cao, dễ dẫn đến tâm lý chây ỳ trong các đối tượng khác.
- Các điều kiện bảo đảm cho việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đặc biệt là về nhân sự và kinh phí chưa được hướng dẫn, bảo đảm kịp thời, dẫn đến tình trạng quá tải trong đội ngũ cán bộ, công chức, gây thiếu sót trong thực thi nhiệm vụ, làm ảnh hưởng đến việc phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Bên cạnh đó, việc hướng dẫn về công tác báo cáo, thống kê chưa kịp thời của các Bộ, ngành cũng ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2013, trong đó có giao nhiệm vụ cho các ngành, địa phương phải thực hiện báo cáo tình hình thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính tại địa phương nhưng đến tháng 10 năm 2014 Bộ Tư pháp mới có văn bản hướng dẫn tạm thời việc báo cáo. Điều này làm cho các địa phương bị động, một số nội dung yêu cầu báo cáo không có thể đáp ứng được do không có thống kê, xây dựng dữ liệu từ đầu năm.
2. Đề xuất, kiến nghị
Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc, bất cập nêu trên, kiến nghị Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan quan tâm giải quyết các vấn đề sau:
- Tổ chức lấy ý kiến đầy đủ và nghiên cứu kỹ các ý kiến góp ý của địa phương đối với các dự thảo quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính để bảo đảm các quy định pháp luật sau khi được ban hành bảo đảm tính khả thi.
- Kịp thời ban hành văn bản hướng dẫn các quy định của Luật XLVPHC và các Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật XLVPHC.
- Thường xuyên tổ chức hội nghị, tiếp nhận phản ánh thông qua các báo cáo, văn bản) về những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn tổ chức thi hành các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành để có các hình thức hướng dẫn phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho địa phương trong việc thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, bảo đảm tính thống nhất trong áp dụng pháp luật, tránh tình trạng cùng một quy định nhưng mỗi nơi hiểu và áp dụng khác nhau./.
(Kèm Phụ lục những khó khăn, vướng mắc khi thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Bảng tổng hợp số liệu về công tác xử phạt vi phạm hành chính; áp dụng các biện pháp xử lý hành chính)
|
KT. CHỦ TỊCH |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.