ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/BC-UBND |
Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 08 tháng 01 năm 2014 |
TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 02/NQ-CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO SẢN XUẤT KINH DOANH, HỖ TRỢ THỊ TRƯỜNG, GIẢI QUYẾT NỢ XẤU TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ NĂM 2013
Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu; Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo kết quả triển khai như sau:
A. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ:
Thành phố đã xây dựng và triển khai Quyết định 1553/QĐ-UBND ngày 01 tháng 4 năm 2013 về kế hoạch thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ; trong đó, đã chỉ đạo các ngành, các cấp và các đơn vị tập trung thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến đầu tư thương mại, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường. Đã thành lập 5 Tổ công tác do các đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố làm Tổ trưởng để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, tiêu thụ hàng hóa, tác động vào thị trường nhà ở, tạo việc làm, từng bước xử lý nợ xấu gắn với hỗ trợ phát triển thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; triển khai các biện pháp tích cực kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh với các ngân hàng để tiếp cận nguồn vốn với lãi suất phù hợp.
Đối với các vấn đề vượt thẩm quyền, thành phố cũng thường xuyên có các buổi làm việc và đề xuất các kiến nghị với Chính phủ, Bộ ngành Trung ương; một số kiến nghị của thành phố được chấp thuận và triển khai thực hiện mang lại hiệu quả tích cực. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các buổi họp với các ngành, các cấp để chỉ đạo giải quyết hàng tồn kho bất động sản, xử lý nợ xấu, tăng cường xúc tiến đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án hạ tầng trọng điểm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
1. Giải quyết hàng tồn kho bất động sản, hỗ trợ thị trường và đầu tư:
a) Giải quyết hàng tồn kho bất động sản:
Thành phố đã thông qua kế hoạch và triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, kế hoạch phát triển 3.000 căn nhà ở xã hội năm 2013. Thường xuyên làm việc, hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình chuyển đổi dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới và chuyển đổi nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội hoặc công trình dịch vụ theo Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ và Thông tư 02/2013/TT-BXD ngày 08 tháng 3 năm 2013 của Bộ Xây dựng. Đến nay có 10 dự án chuyển đổi nhà ở thương mại sang làm nhà ở xã hội với quy mô sử dụng đất 18,78 ha, số lượng căn hộ xin chuyển sang làm nhà ở xã hội 9.052 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 6.769 tỷ đồng. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp bất động sản chủ động điều chỉnh hoạt động kinh doanh, tái cơ cấu doanh nghiệp phù hợp như giảm giá bán, điều chỉnh cơ cấu hàng hóa phù hợp khả năng chi trả của thị trường; áp dụng phương thức bán hàng linh hoạt, khuyến khích chuyển sang hình thức cho thuê, thuê mua; chuyển sang nhà ở xã hội. Đã giảm hàng tồn kho bất động sản 4.788 căn, đạt 33,04%. Ngoài ra, thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, quận - huyện thường xuyên tổ chức tiếp xúc tháo gỡ khó khăn về vốn, cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
b) Thực hiện các giải pháp mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu:
Các hội nghị, hội thảo, các buổi kết nối giao thương được tổ chức theo chuyên đề, ngành hàng và thị trường xuất khẩu, đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thông tin và tìm kiếm cơ hội hợp tác sản xuất - kinh doanh; cập nhật các văn bản pháp luật mới, thông tin xúc tiến và các báo cáo về thị trường thông qua Cổng thông tin điện tử Thương mại và Đầu tư (MIS)[1], vận hành Hệ thống “Đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền thành phố” qua mạng và tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp theo chuyên đề và trên địa bàn quận - huyện nhằm nắm bắt vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp[2], nâng cao hiệu quả triển khai Chương trình “Phiên chợ hàng Việt”, Chương trình “Tháng khuyến mại”, các Hội chợ - Triển lãm thường niên theo ngành hàng tổ chức trong và ngoài nước[3], hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm và kết nối với đối tác phù hợp nhằm thiết lập mối quan hệ hợp tác sản xuất - kinh doanh lâu dài.
Chương trình chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu đã từng bước thúc đẩy phát triển xuất khẩu theo mô hình tăng trưởng bền vững và chuyển dịch theo hướng tập trung nâng tỷ trọng trong cơ cấu hàng xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chế biến sâu, có hàm lượng công nghệ cao và thân thiện môi trường[4]; đa dạng hàng hóa và xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu đến 228 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Nhằm tăng cường kết nối doanh nghiệp với thị trường, bên cạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, Thành phố tiếp tục phát triển hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ rộng khắp, theo hướng hiện đại, từng bước nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cả về số lượng lẫn chủng loại, chất lượng hàng hóa và dịch vụ tiện ích. Đến nay, trên địa bàn thành phố có 30 trung tâm thương mại, 184 siêu thị, 475 cửa hàng tiện lợi và 243 chợ (trong đó, bao gồm 3 chợ đầu mối). Kết quả khảo sát vào cuối tháng 6 năm 2013, thị phần hàng Việt bày bán tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cơ sở bán lẻ đạt bình quân gần 90%. Bên cạnh đó, Thành phố tiếp tục triển khai Chương trình hợp tác thương mại với các địa phương trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành miền Đông và miền Tây Nam Bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thành phố mở rộng thị trường, liên kết sản xuất - kinh doanh và phát triển mạng lưới phân phối đến các tỉnh, thành bạn. Đến nay, doanh nghiệp thành phố đã đầu tư phát triển 64 siêu thị tại các tỉnh, thành miền Đông và Tây Nam Bộ[5]. Ngoài ra, Chương trình kết nối cung - cầu sản phẩm nông nghiệp hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố được kết nối với đối tác cụ thể và ký kết được hợp đồng cung ứng - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo quy trình VietGAP.
Chương trình Bình ổn thị trường được triển khai với quy mô lớn hơn các năm trước; có điểm mới là không sử dụng vốn ngân sách nhà nước mà thay vào đó ngân hàng thương mại cho các đơn vị sản xuất, phân phối hàng hóa vay vốn với lãi suất ưu đãi để chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường; và tiếp tục là công cụ điều tiết thị trường hiệu quả. Thông qua phát triển điểm bán để thúc đẩy lưu thông và phân phối hàng hóa bình ổn đến người tiêu dùng, Chương trình còn góp phần thiết thực vào việc phát triển mạng lưới phân phối bán lẻ và thực hiện hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đến tháng 12 năm 2013, tổng số điểm bán của Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng, các mặt hàng sữa và dược phẩm thiết yếu là 7.665 (tăng 732 điểm bán so tháng 4 năm 2013 khi bắt đầu Chương trình năm 2013 - 2014; tăng 4.450 điểm bán so năm 2011 khi bắt đầu triển khai đồng loạt 4 Chương trình; tăng 7.417 điểm bán so năm 2008 khi chỉ thực hiện bình ổn mặt hàng lương thực, thực phẩm)[6], trong đó, đã phát triển được 815 điểm bán tại quận ven, huyện ngoại thành và 16 điểm bán trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu lưu trú công nhân.
c) Huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án:
Trong điều kiện ngân sách khó khăn, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp để tạo vốn, huy động nguồn lực từ nhà, đất để bổ sung nguồn vốn cho đầu tư phát triển và bổ sung nguồn thu cho ngân sách, tận dụng nguồn vốn từ nhà đầu tư để thực hiện các dự án theo quy hoạch, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chỉnh trang đô thị, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội. Đến nay, đã thu hồi 203/226 địa chỉ nhà đất, trong đó thu hồi để bán đấu giá 22/25 địa chỉ, thu hồi để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng 78/86 địa chỉ, thu hồi để chuyển giao cho đơn vị khác quản lý sử dụng có hiệu quả hơn 92/105 địa chỉ. Kết quả thực hiện với số tiền là 18.184,719 tỷ đồng. Tập trung vốn cho những dự án tạo sức lan tỏa lớn, dự án xây dựng nông thôn mới, nhà ở xã hội, ký túc xá học sinh, sinh viên. Đến nay đã khởi công xây dựng 10 dự án nhà lưu trú công nhân, trong đó nhà nước và doanh nghiệp đầu tư xây dựng 203.535 m2 (14%), đáp ứng 36.600 chỗ ở, phần còn lại xã hội hóa đầu tư xây dựng; ngoài ra, một số quận - huyện vận động doanh nghiệp triển khai xây dựng nhà lưu trú cho công nhân của doanh nghiệp. Thực hiện các giải pháp huy động vốn hiệu quả như đấu giá quyền sử dụng đất, phát hành trái phiếu đô thị[7], vay vốn nhàn rỗi của Kho bạc nhà nước, huy động từ ngân hàng thương mại; nghiên cứu, đề xuất thực hiện phương thức đầu tư: bán quyền thu phí giao thông (đường Hùng Vương và Điện Biên Phủ nối dài), dự án BT đường Tân Sơn Nhất- Bình Lợi và Vành đai ngoài, dự án BOT Cầu Phú Mỹ, Cầu Rạch Chiếc, ứng vốn thi công Cầu Sài Gòn 2…
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2013 đạt 227.033 tỷ đồng, tăng 4,7% (cùng kỳ tăng 6,9%). Ngày 26 tháng 12 năm 2013, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 7025/QĐ-UBND về điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản năm 2013 nguồn vốn ngân sách thành phố với tổng vốn điều chỉnh giảm 0,225 tỷ đồng, trong đó đã giảm vốn của 208 dự án có tiến độ giải ngân thấp để điều chuyển cho 142 dự án có tiến độ giải ngân cao. Tính đến nay, thành phố đã giao kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản với tổng vốn đã giao là 19.962,137 tỷ đồng; trong đó, vốn dành cho các dự án chuyển tiếp là 8.372,41 tỷ đồng (chiếm 41,94% tổng kế hoạch), vốn ODA và vốn đối ứng 4.800,639 tỷ đồng (chiếm 24,05% kế hoạch), vốn dành cho các dự án khởi công mới 2.216,411 tỷ đồng (chiếm 11,1% kế hoạch), kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi, Bến Thành - Suối Tiên và mở rộng xa lộ Hà Nội là 1.804,385 tỷ đồng (chiếm 9,04% kế hoạch). Đã giải ngân 16.945,502 tỷ đồng (trong đó giải ngân vốn ODA là 3.935,953 tỷ đồng)[8], tỷ lệ giải ngân đạt 84,89% kế hoạch. Ước khối lượng thực hiện cả năm 2013 là 18.964 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch giao (trong đó ước giải ngân vốn ODA là 3.935,953 tỷ đồng)[9].
Việc đầu tư từ vốn ngân sách thành phố đã góp phần đáng kể trong việc xây dựng mới cũng như cải tạo, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Các dự án hoàn thành đưa vào sử dụng đều đáp ứng mục tiêu và hiệu quả đầu tư, nhất là các công trình giao thông, thoát nước đô thị, giáo dục, y tế… đã phát huy được tác dụng tích cực, giải quyết các nhu cầu dân sinh, xã hội. Năm 2013 dự kiến có 107 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng với tổng vốn đầu tư 9.342,635 tỷ đồng, tập trung các lĩnh vực: giao thông (26 công trình); chống ngập nước (10 công trình); giáo dục đào tạo (36 công trình); lĩnh vực y tế (3 công trình).
Kiểm tra, đôn đốc thường xuyên tình hình thực hiện kế hoạch của các chủ đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án; khắc phục tình trạng chậm trễ trong việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư, đấu thầu và trong khâu nghiệm thu, thanh toán vốn. Đã thẩm tra và phê duyệt quyết toán vốn đầu tư của 269 hồ sơ quyết toán với giá trị quyết toán được duyệt là 4.160,590 tỷ đồng, tiết kiệm chi cho ngân sách 36,497 tỷ đồng so tổng giá trị chủ đầu tư đề nghị quyết toán. Thường xuyên rà soát, tập trung xử lý các khoản tạm ứng, đặc biệt là của các chủ đầu tư có dư nợ tạm ứng lớn, kéo dài nhiều năm. Kết quả từ đầu năm đến nay đã xử lý giảm tạm ứng ngân sách số tiền 4.775,106 tỷ đồng (trong đó chuyển chi là 4.363 tỷ đồng, thu hồi hoàn trả ngân sách là 412,106 tỷ đồng).
Chương trình kích cầu đã phê duyệt 93 dự án với tổng mức đầu tư là 6.748,442 tỷ đồng, số vốn vay được ngân sách hỗ trợ là 3.302,975 tỷ đồng[10]. Vốn đầu tư bình quân của 01 dự án là 71,8 tỷ đồng. Lũy kế vốn hỗ trợ là 83,6 tỷ đồng. Sơ kết và triển khai thực hiện công tác khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đô thị giai đoạn 2013 - 2015; năm 2013 đã có 1.495 phương án với 3.650 hộ gia đình, doanh nghiệp được phê duyệt phương án hỗ trợ lãi vay với tổng vốn đầu tư 1.558 tỷ đồng, tổng vốn vay 933,4 tỷ đồng[11].
Cục Thuế thành phố đã triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP và Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ đến các Phòng, Trung tâm thuộc Cục và các Chi Cục thuế quận - huyện nhằm hỗ trợ người nộp thuế thuộc đối tượng được hưởng các chính sách ưu đãi. Đã triển khai hướng dẫn, hỗ trợ cho các doanh nghiệp và tập huấn trong nội bộ ngành; thường xuyên hỗ trợ, giải đáp cho người nộp thuế về các vướng mắc trong việc thực hiện thông qua các hình thức: trực tiếp tại cơ quan thuế, qua điện thoại, trả lời bằng văn bản và qua mạng (Hệ thống đối thoại doanh nghiệp). Tham gia đối thoại doanh nghiệp tại các Chi Cục thuế quận, huyện. Phối hợp với Đài Truyền hình thành phố thực hiện chương trình thuế về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; ban hành các văn bản hướng dẫn các đơn vị thuộc Cục Thuế thực hiện việc giảm 50% tiền thuê đất theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ và Thông tư 16/2013/TT-BTC của Bộ Tài Chính.
Thực hiện Thông tư số 16/2013/TT-BTC ngày 08 tháng 02 năm 2013 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện việc gia hạn, giảm một số khoản thu Ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ, kết quả thực hiện giảm, gia hạn nộp thuế trong 10 tháng đầu năm là 3.256 tỷ đồng, trong đó: thuế thu nhập doanh nghiệp 1.439 tỷ; thuế giá trị gia tăng 979 tỷ đồng; giảm lệ phí trước bạ đối với xe ô tô chở dưới 10 chỗ ngồi 290 tỷ đồng; giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất 548 tỷ đồng.
Tập trung chỉ đạo công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, chống gian lận thương mại, chống hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp sản xuất chân chính, hạn chế thiệt hại và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đã kiểm tra 11.979 vụ, thu nộp ngân sách 52,953 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu còn tồn chờ bán là 51,96 tỷ đồng và chuyển cơ quan chức năng khởi tố điều tra là 02 vụ[12].
Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 952.550 tỷ đồng, tăng 9% so cuối năm 2012. Trong đó, dư nợ cho vay sản xuất, kinh doanh chiếm 83%; dư nợ cho vay sản xuất, kinh doanh ở 5 lĩnh vực ưu tiên (lãi suất dưới 9%/năm) đạt hơn 126.400 tỷ đồng với tổng số khách hàng được vay gần 37.300 khách hàng, chiếm 16,4% tổng dư nợ cho vay lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Trong đó cơ cấu cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng cao nhất 70% và chiếm 64% dư nợ của 5 lĩnh vực ưu tiên. Đã triển khai nhiều chương trình tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn, lãi suất. Chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng đã hoàn thành việc kết nối tại 24 quận - huyện, trong đó 4 quận - huyện tổ chức 02 lần (Quận 8, Tân Bình, Gò Vấp và huyện Hóc Môn), tổng hạn mức hỗ trợ 13.151 tỷ đồng với lãi suất cho vay ngắn hạn dưới 9%/năm, cho vay trung dài hạn từ 9% đến 12%/năm; đã có hơn 600 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực như dệt may, thực phẩm, hóa chất, sắt thép, nông sản … tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Công tác cho vay hỗ trợ nhà ở đạt kết quả khá, đã có 358 khách hàng ký hợp đồng tín dụng với ngân hàng, tổng hạn mức 739 tỷ đồng, đã giải ngân 94 tỷ đồng với lãi suất vay tối đa 6%/năm.
Nợ xấu trên địa bàn vẫn ở mức cao và có xu hướng tăng; nợ xấu của các tổ chức tín dụng 6.373 tỷ đồng, chiếm 6,13% tổng dư nợ tín dụng, tăng 8.509 tỷ đồng so cuối năm 2012 (tương ứng tăng 17,8%)[13]. Trong đó, nợ nhóm 5[14] chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng nợ xấu, chiếm 70,3% (tương ứng 39.652 tỷ đồng). Từ tháng 10 năm 2013, một số tổ chức tín dụng đã bắt đầu thực hiện quá trình mua - bán nợ xấu thông qua Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), đến nay đã bán được 3.100 tỷ đồng nợ gốc. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức tín dụng được tăng cường để đảm bảo thị trường tiền tệ hoạt động ổn định
Công tác theo dõi, kiểm tra, hỗ trợ quá trình tái cơ cấu của các tổ chức tín dụng được thực hiện theo đúng định hướng và lộ trình của Ngân hàng Nhà nước. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt đề án tái cơ cấu 10/14 ngân hàng thương mại cổ phần. Các ngân hàng đang triển khai thực hiện theo đúng phương án đã phê duyệt nhằm từng bước ổn định hoạt động và phát triển bền vững.
Thị trường chứng khoán chưa thật ổn định, dòng vốn đầu tư vào thị trường chứng khoán vẫn khan hiếm, các công ty đăng ký niêm yết có xu hướng sụt giảm. Tính từ đầu năm, VN-Index đạt mức thấp nhất vào ngày 02/01 với 418,35 điểm và đạt mức cao nhất vào ngày 07/6 với 527,97 điểm. Chỉ số VN-Index ngày 13/11 đạt 496,12 điểm, tăng 77,06% so đầu năm.
Thị trường vàng dần ổn định, tình trạng đầu cơ, làm giá, tăng giá đột biến giảm nhiều so những năm trước đây. Hiện chênh lệch giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới quy đổi khoảng 3,1 triệu đồng/lượng (theo tỷ giá trên thị trường tự do).
Tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định, cung - cầu ngoại tệ được đảm bảo; đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu và nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nhân dân. Tổng doanh số mua ngoại tệ từ các tổ chức kinh tế và cá nhân ước đạt 32.664 triệu USD, tăng 9,3% so năm 2012; doanh số bán ngoại tệ ước đạt 38.671 triệu USD, tăng 9,8% so năm 2012.
III. Cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội
Thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình đảm bảo an sinh xã hội, ổn định tâm lý người lao động, nâng cao năng suất, cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm được thực hiện tốt, nguồn quỹ tín dụng được sử dụng hiệu quả, cho vay đúng mục đích, đối tượng; Quỹ hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất và Quỹ quốc gia về việc làm hoạt động tốt; công tác đưa lao động làm việc nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh[15], đã góp phần giải quyết việc làm cho 293.000 lao động trong năm 2013, vượt kế hoạch và tăng 4.000 lao động so cùng kỳ, trong đó có 123.000 lao động có chỗ làm mới (hoàn thành kế hoạch đề ra 120.000 lao động); tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 4,8% (hoàn thành thành kế hoạch đề ra 4,8%). Số người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm khoảng 17.600 người so cùng kỳ, trong đó có 106.600 người nhận được quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp; số lượt người được tư vấn giới thiệu việc làm là 157.700 lượt, số người được hỗ trợ học nghề 4.597 trường hợp. Đào tạo nghề phát triển theo hướng xã hội hóa và tập trung đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Hoàn thành công tác giảm nghèo tăng hộ khá trước thời gian dự kiến 2 năm so với Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX. Chăm lo cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo; thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi cho người có công[16]; công tác bảo trợ xã hội ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội, góp phần cải thiện đời sống và hỗ trợ các đối tượng được bảo trợ hòa nhập cộng đồng.
Trong tình hình lạm phát cao, các ngành, các cấp đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, huy động cả hệ thống chính trị, triển khai các phong trào, các cuộc vận động chăm lo thiết thực đời sống công nhân, người lao động,... như phong trào vận động các chủ nhà trọ không tăng giá cho thuê phòng trọ, nhà trọ; có hơn 64.000 chủ nhà trọ có phòng trọ cho thuê không tăng giá (tỷ lệ hơn 97%), giúp hơn 1.200.000 công nhân, người lao động có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn được ổn định giá thuê như cũ. Nhiều cá nhân, hộ gia đình đầu tư xây dựng nhà ở, nhà trọ cho công nhân thuê đáp ứng phần lớn (86,6%) nhu cầu xã hội.
Tranh chấp lao động và đình công mang tính ôn hòa hơn so với các cuộc đình công năm trước[17], đều được giải quyết kịp thời ngay tại địa phương, không để lây lan, ảnh hưởng môi trường đầu tư và trật tự an toàn xã hội. Ngoài ra, thành phố đã thanh kiểm tra hoạt động xuất khẩu lao động tại doanh nghiệp; theo dõi và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các chế độ lao động đối với trường hợp giảm lao động theo quy định.
Đã tiếp tục rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là tình hình hàng tồn kho, nhu cầu vay vốn; tình hình ngưng hoạt động, giải thể, thu hẹp sản xuất; quan tâm, theo dõi tình hình lao động bị thất nghiệp tại các doanh nghiệp trong khu chế xuất - khu công nghiệp; tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường; hội nghị tập huấn thủ tục hải quan, chính sách thuế. Trước tình hình kinh tế còn khó khăn, một số doanh nghiệp trong các khu chế xuất - khu công nghiệp giảm quy mô sản xuất, ngưng hoạt động, giải thể; song chế độ cho người lao động tại doanh nghiệp này vẫn được đảm bảo đầy đủ, kể cả việc chăm lo công nhân vui đón Tết Giáp Ngọ 2014, nhằm ổn định đời sống người lao động, góp phần an sinh xã hội. Công tác xây dựng hạ tầng xã hội cần thiết tại khu chế xuất - khu công nghiệp (nhà lưu trú, trường mầm non, trạm y tế, siêu thị, xưởng chế biến suất ăn công nghiệp) tiếp tục tập trung triển khai[18].
Các tổ chức, cá nhân và hộ dân thực hiện hiệu quả tiết kiệm điện trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt hàng ngày, đã tiết kiệm 518,34 triệu kWh, chiếm 2,94% điện thương phẩm, vượt 46,84% kế hoạch; tỷ lệ tổn thất điện năng giảm 0,26% so cùng kỳ.
Thành phố đã tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế thành phố tiếp cận thông tin, nhận thức đúng ý nghĩa của Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ trong việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu. Thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng điểm tin; xem xét cẩn trọng những nội dung tin bài; tổ chức giao ban định kỳ với các văn phòng đại diện các báo, tạp chí trung ương và địa phương nhằm nắm bắt thông tin và phối hợp trong công tác quản lý[19].
Đã kiểm tra 325 trang thông tin điện tử tổng hợp và làm việc với một số doanh nghiệp có trang thông tin điện tử tổng hợp hoạt động chưa đúng theo các quy định của pháp luật (xử lý 09 trường hợp vi phạm). Đa số trang thông tin điện tử tổng hợp của các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động tốt, đóng góp tích cực cho công tác thông tin truyền thông, cung cấp phong phú lượng thông tin cần thiết đến người đọc. Các nguồn tin trích dẫn phù hợp, đúng quy định từ các trang báo chí điện tử Việt Nam, các trang thông tin điện tử của các cơ quan Đảng - Nhà nước. Ngoài ra, các cơ quan báo chí kịp thời thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của nhà nước, của thành phố đến nhân dân về 6 chương trình đột phá, Cuộc vận động ”Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Thành phố đã chủ động, sáng tạo và quyết tâm cao trong công tác chỉ đạo, điều hành các ngành, các cấp khẩn trương triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP song song với việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; cùng với sự phối hợp và đồng thuận của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp đã góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và cả nước. Bên cạnh đó, các chủ trương, chính sách của Trung ương được thành phố triển khai nghiêm túc, tập trung mọi nỗ lực để tháo gỡ khó khăn như ban hành nhiều cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền nên kinh tế thành phố năm 2013 có bước ổn định hơn, là điều kiện thuận lợi thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Lạm phát được kiềm chế, giá cả, thị trường ổn định; các nguồn lực xã hội được phát huy; các ngành, lĩnh vực phát triển ổn định, trong đó có lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng. Lãi suất tiếp tục giảm, dư nợ tín dụng có cải thiện. Các biện pháp miễn, giảm, giãn thuế đã góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Thị trường bất động sản đang được quan tâm giải quyết. Các công trình trọng điểm, cấp bách được ưu tiên bố trí vốn để tập trung triển khai hoàn thành sớm đưa vào sử dụng. Giải ngân các dự án hạ tầng đạt khá. Các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại được triển khai hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, mở ra nhiều tiền đề rất thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tại các thị trường tiềm năng. Chương trình bình ổn thị trường phát triển theo chiều sâu, có sức lan tỏa, tác động tích cực trong điều tiết ổn định thị trường. Công tác giải quyết việc làm, quan hệ lao động được chú trọng. An sinh và phúc lợi xã hội được đảm bảo.
Bên cạnh các kết quả đã đạt được, thành phố vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều vấn đề do tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới và các khó khăn của kinh tế trong nước thời gian qua vẫn còn tiếp diễn. Tốc độ tăng trưởng tuy có dấu hiệu hồi phục, nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra. Lạm phát tuy được kiềm chế nhưng vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại. Lãi suất tuy giảm nhưng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp thấp, dư nợ tín dụng tăng chậm, xử lý nợ xấu trong nền kinh tế chưa đạt yêu cầu. Sản xuất kinh doanh phục hồi chậm. Sức mua của thị trường còn thấp. Nguồn vốn chi đầu tư phát triển tiếp tục gặp khó khăn do nguồn thu ngân sách bị ảnh hưởng khi thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế để hỗ trợ doanh nghiệp. Thị trường bất động sản chưa có khả năng phục hồi trong ngắn hạn. Tiến độ thi công, giải ngân của một số dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị và các chương trình trọng điểm tuy được các chủ đầu tư quan tâm đẩy nhanh nhưng nhìn chung vẫn đưa đạt yêu cầu; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chậm, ảnh hưởng tiến độ thực hiện nhiều dự án. Đời sống của một bộ phận dân cư còn nhiều khó khăn.
VI. Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới
1. Tiếp tục triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và mở rộng thị trường. Nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu. Phối hợp với các tổ chức xúc tiến trong và ngoài nước, thương vụ, tham tán thương mại, Lãnh sự, Đại sứ quán Việt Nam trong và ngoài nước để tăng cường các hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt tập trung các hoạt động xúc tiến để tăng hiệu quả của đầu tư nước ngoài và giúp phát triển các ngành theo đúng định hướng phát triển của thành phố.
2. Tiếp tục tập trung các giải pháp tín dụng, mở rộng và tăng trưởng tín dụng hiệu quả nhằm đáp ứng vốn cho sản xuất kinh doanh; tập trung các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua các chương trình tín dụng và các giải pháp hỗ trợ như: Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; chương trình đối thoại; chương trình nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn thành phố,… Khai thác và sử dụng vốn hiệu quả, nâng cao chất lượng tín dụng, đảm bảo an toàn trong hoạt động tín dụng. Theo dõi sát diễn biến tình hình nợ xấu phát sinh và công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý vàng, ngoại tệ; tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra các tổ chức tín dụng theo kế hoạch.
3. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Thực hiện hiệu quả 4 Chương trình Bình ổn thị trường; khuyến khích doanh nghiệp mở rộng mạng lưới phân phối, phát triển điểm bán hàng bình ổn tại các chợ truyền thống, khu dân cư, khu chế xuất, khu công nghiệp và tại các xã vùng sâu, vùng xa. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chuyên ngành và phối hợp kiểm tra đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, hàng tiêu dùng thông dụng, các mặt hàng thuộc diện bình ổn của thành phố.
4. Các cơ quan Thuế, Hải quan, Tài chính thường xuyên phối hợp theo dõi kết quả thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và dự kiến nhu cầu chi phát sinh; đánh giá khả năng cân đối thu - chi ngân sách, kịp thời thời báo cáo, tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố các giải pháp điều hành. Tăng cường quản lý chi tiêu ngân sách và tài sản công, thực hành tiết kiệm chống lãng phí ở tất cả các ngành, các cấp.
5. Tiếp tục tập trung xử lý các khoản nợ tạm ứng ngân sách, thanh quyết toán các công trình, dự án, thu hồi vốn để bổ sung nguồn chi đầu tư phát triển, thường xuyên báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố tình hình xử lý, thu hồi tạm ứng; thực hiện nghiêm các biện pháp chế tài đối với các chủ đầu tư không nộp hồ sơ quyết toán.
6. Điều hành kế hoạch đầu tư trên cơ sở xem xét tính hiệu quả trong đầu tư và sắp xếp theo danh mục ưu tiên theo quy hoạch và kế hoạch thực hiện giai đoạn 2011 - 2015. Tăng cường quản lý đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ, tiếp tục triển khai bố trí vốn hiệu quả và tiết kiệm theo đúng quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15 tháng 10 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 12/2012/CT-UBND ngày 19 tháng 4 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố. Tập trung rà soát, đề xuất bổ sung điều chỉnh các cơ chế chính sách phù hợp với tình hình thực tế, đặc biệt là các cơ chế chính sách thông thoáng để khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông bằng các hình thức PPP, BOT, BTO, BT...
7. Tiếp tục thực hiện công tác giảm nghèo tăng hộ khá; xây dựng kế hoạch chăm lo tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công; xây dựng các chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo thành phố trong giai đoạn 4 (2014 - 2015); triển khai thực hiện kế hoạch trả lương vào thời điểm cuối năm 2013 và trả thưởng cho người lao động trong dịp tết Dương lịch và Tết Giáp Ngọ 2014 của các doanh nghiệp; rà soát, cập nhật thông tin về tình hình thực hiện pháp luật lao động của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài./.
|
KT.
CHỦ TỊCH |
[1] Cổng thông tin điện tử Thương mại và Đầu tư (MIS) thường xuyên cập nhật thông tin dành cho khách mua hàng, nhà đầu tư nước ngoài và cổng dành cho nhà xuất khẩu; cập nhật các báo cáo về thị trường, các tin tức hoạt động xúc tiến của thành phố, các văn bản pháp luật mới liên quan đến thương mại và đầu tư; đến nay, có 4.476 thành viên đăng ký sử dụng, đạt hơn 2 triệu lượt truy cập từ 195 quốc gia và vùng lãnh thổ, cập nhật 670 báo cáo thị trường, ngành hàng, sản phẩm.
[2] Đến nay, Hệ thống “Đối thoại Doanh nghiệp - Chính quyền thành phố” có 3.040 đơn vị thành viên, gồm 36 Hiệp hội và 3.004 doanh nghiệp; đã nhận và trả lời 912 câu hỏi của doanh nghiệp gửi đến; đã tổ chức 11 buổi đối thoại trực tiếp tổng hợp và chuyên đề, và 37 buổi đối thoại trực tiếp trên địa bàn quận - huyện.
[3] Năm 2013, “Phiên chợ hàng Việt” đã được tổ chức tại các quận - huyện: 2, 4, 6, Bình Tân, Gò Vấp, Hóc Môn và Cần Giờ với quy mô bình quân khoảng 65 gian hàng mỗi phiên chợ, bình quân khoảng 50 doanh nghiệp tham gia mỗi phiên chợ, đạt tổng doanh thu 26 tỷ đồng và thu hút tổng cộng 178.000 lượt khách tham quan, mua sắm; tổ chức Chương trình “Tháng khuyến mại” từ tháng 9 năm 2013 với nhiều sự kiện và phục vụ trong thời gian dài hơn so những năm trước, thu hút sự tham gia của trên 850 doanh nghiệp (tăng 9% về số lượng so năm 2012) và hơn 2.900 điểm bán hàng (tăng 200 điểm bán so năm 2012); tổ chức Chương trình Du lịch mua sắm trong tháng 12 năm 2013 với các hình thức khuyến mại đa dạng, phong phú hướng đến đối tượng phục vụ chính là du khách trong và ngoài nước … . Về các hoạt động xúc tiến thương mại tổ chức ở nước ngoài, Thành phố đã tổ chức Hội chợ - Triển lãm tại Phnom Penh, Campuchia với 120 doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn 350.000 lượt khách tham quan, mua sắm và đạt doanh số bán hàng khoảng 2,2 triệu đô-la Mỹ; Hội chợ - Triển lãm tại Yangon, Myanmar với 100 doanh nghiệp tham gia, thu hút hơn 15.000 lượt khách tham quan, mua sắm và đạt doanh số bán hàng khoảng 2 triệu đô-la Mỹ; Triển lãm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch tại Champasak, Lào với 18 doanh nghiệp tham gia và thu hút gần 500 lượt khách. Riêng đối với việc xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Thành phố tiếp tục tổ chức Hội chợ - Triển lãm Nông nghiệp công nghệ cao và Công nghiệp thực phẩm với quy mô lớn hơn năm trước; tổ chức Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa nông sản trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2013 với 48 hợp đồng được ký kết, góp phần giải quyết khó khăn trong khâu tiêu thụ của nông sản thành phố nói chung và sản phẩm VietGAP nói riêng.
[4] Máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm cơ khí chính xác có tốc độ tăng khá 15,03%/năm, giảm tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhóm thâm dụng lao động, gia công
[5] Chương trình hợp tác thương mại còn góp phần kết nối nhằm hỗ trợ hàng Việt sản xuất tại các tỉnh thành bạn đi vào hệ thống phân phối lớn của doanh nghiệp thành phố. Thông qua Hội nghị Kết nối cung - cầu hàng hóa giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2013 đã có 229 hợp đồng nguyên tắc đã được ký kết. Việc hàng hóa sản xuất tại các tỉnh, thành bạn tham gia vào hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ của Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ góp phần phục vụ nhu cầu tiêu thụ của Thành phố, mà còn có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất hàng hóa ở các địa phương chuyển dịch theo hướng hiện đại, đặc biệt là đối với các mặt hàng nông - lâm - thủy sản, để đáp ứng yêu cầu về chất lượng, mẫu mã … của thị trường thành phố.
[6] Cụ thể, đến tháng 12 năm 2013, Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu có 3.367 điểm bán (tăng 732 so với đầu Chương trình năm 2013 - 2014); Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng phục vụ Mùa khai giảng có 769 điểm bán (tăng 41 so với đầu Chương trình năm 2013 - 2014) ; Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng sữa có 1.193 điểm bán (tăng 74 so với đầu Chương trình năm 2013 - 2014) ; Chương trình Bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu có 2.336 điểm bán (tăng 312 so với đầu Chương trình năm 2013 - 2014).
[7] Đã phát hành 3.000 tỷ trái phiếu chính quyền địa phương theo phương thức bảo lãnh phát hành (trong đó kỳ hạn 3 năm là 2.410 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm là 440 tỷ đồng và kỳ hạn 10 năm là 150 tỷ đồng) để bổ sung nguồn chi đầu tư phát triển cho các công trình, dự án cấp bách, trọng điểm
[8] Tính đến ngày 10/12/2013.
[9] Ước giải ngân cả năm 2013 tính đến ngày 31/01/2014 theo quy định.
[10] Lĩnh vực công nghiệp: 52 dự án với tổng vốn đầu tư 2.677,146 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư được hỗ trợ lãi vay là 1.305,553 tỷ đồng; Lĩnh vực Hạ tầng: 03 dự án với tổng vốn đầu tư 246,248 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư được hỗ trợ lãi vay là 146,039 tỷ đồng; Lĩnh vực Môi trường: 03 dự án với tổng vốn đầu tư 109,04 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư được hỗ trợ lãi vay là 64,37 tỷ đồng; Lĩnh vực Giáo dục và dạy nghề: 21 dự án với tổng vốn đầu tư 2.520,762 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư được hỗ trợ lãi vay là 1.137,231 tỷ đồng; Lĩnh vực Y tế: 10 dự án với tổng vốn đầu tư 998,546 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư được hỗ trợ lãi vay là 530,292 tỷ đồng; Lĩnh vực Văn hóa: 04 dự án với tổng vốn đầu tư 196,7 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư được hỗ trợ lãi vay là 119,49 tỷ đồng.
[11] Số liệu tính đến ngày 05/12/2013.
[12] Số liệu 10 tháng năm 2013.
[13] Số liệu đến cuối tháng 10 năm 2013.
[14] Nợ có khả năng mất vốn.
[15] Đưa khoảng 4.500 lao động đi làm việc tại các nước trên thế giới.
[16] Đã xây dựng 410 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí khoảng 13,66 tỷ đồng, 256 căn nhà tình thương cho diện chính sách gặp khó khăn.
[17] Đã xảy ra 85 vụ tranh chấp lao động với 28.679 người tham gia, giảm 4 vụ so cùng kỳ, trong đó có 41 vụ xảy ra ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với 20.452 người tham gia, chiếm 48,23% tổng số vụ.
[18] Tính đến nay, đã có 1 nhà trẻ tại Khu lưu trú công nhân Khu công nghiệp Hiệp Phước; 11 dự án nhà lưu trú công nhân ở 07 Khu chế xuất - Khu công nghiệp; 4 phòng khám đa khoa tại Khu chế xuất Tân Thuận, Khu chế xuất Tân Bình, Lê Minh Xuân, Tân Tạo và 1 trạm y tế tại Khu công nghiệp Hiệp Phước; 07 siêu thị tại Khu chế xuất Tân Thuận, Linh Trung 1 và 2, Khu công nghiệp Hiệp Phước, Tân Bình, Vĩnh Lộc, Tân Thới Hiệp và 03 cửa hàng bình ổn giá tại Khu công nghiệp Bình Chiểu, Lê Minh Xuân và Tây Bắc Củ Chi hoàn thành và đưa vào sử dụng.
[19] Đã tổ chức 41 buổi giao ban báo chí, với số khách mời là 25 lượt khách, số bài tốt và người tốt việc tốt khoảng 250 lượt bài được khen trong các số thông báo tuần về báo chí và ban hành 11 quyết định về cấp phép bản tin.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.