ỦY BAN NHÂN
DÂN |
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 101/KH-UBND |
Hà Nội, ngày 31 tháng 3 năm 2022 |
KHẮC PHỤC NHỮNG HẠN CHẾ, KHUYẾT ĐIỂM TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19
Năm 2021, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên Thế giới, Việt Nam và Hà Nội. Đứng trước tình hình dịch, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân các cấp và các Ban, ngành, đoàn thể của Thành phố đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bám sát theo các chỉ đạo của Trung ương, vận dụng sáng tạo, phù hợp với điều kiện của Thành phố và đã đạt được các kết quả theo các mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh những thành quả đó, công tác phòng, chống dịch COVID-19 vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khuyết điểm như: Bị động, lúng túng, lơ là, chủ quan để phát sinh các chuỗi lây nhiễm phức tạp; có thời điểm còn thiếu nhất quán trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, nhất là trong thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội tại cơ sở; việc thực hiện các quy định về đi lại của người dân. Năng lực hệ thống y tế, nhất là ở cấp cơ sở còn nhiều hạn chế. Công tác truyền thông, thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch của Thành phố có lúc chưa kịp thời.
Thực hiện Công văn số 62-CV/BCSĐ ngày 27/01/2022 của Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân Thành phố về việc xây dựng Kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra sau Hội nghị kiểm điểm năm 2021. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch, hạn chế tới mức thấp nhất các vấn đề tồn tại, Ủy ban nhân dân Thành phố xây dựng Kế hoạch khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO
1. Mục đích, yêu cầu
Bảo đảm vừa kiểm soát hiệu quả đại dịch vừa khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện và nâng cao đời sống Nhân dân, nhanh chóng đưa Thành phố chuyển sang trạng thái bình thường mới; bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế đến mức thấp nhất các ca tử vong do COVID-19 và các nguyên nhân khác.
2. Quan điểm chỉ đạo
- Sự vào cuộc của tất cả các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể.
- Phân cấp, phân quyền, phân trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân, gắn trách nhiệm của người đứng đầu.
3. Thời gian thực hiện: Năm 2022
II. NỘI DUNG, LĨNH VỰC, ĐỊA BÀN CẦN KHẮC PHỤC
1. Sự bị động, lúng túng, lơ là, chủ quan trong công tác phòng, chống dịch.
2. Thiếu nhất quán trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
3. Năng lực của hệ thống y tế, đặc biệt y tế cơ sở còn nhiều hạn chế, bất cập
4. Việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ảnh hưởng nhiều tới đời sống nhân dân, có lúc gây bức xúc cho người dân.
5. Công tác truyền thông, thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch của Thành phố có lúc còn chưa kịp thời.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong phòng, chống dịch COVID-19
1.1. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, huy động cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, huy động toàn dân tham gia công tác phòng, chống dịch.
1.2. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị, địa phương; đảm bảo tính chủ động, linh hoạt, tự chịu trách nhiệm; thực hiện quan điểm thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện đi đôi với bảo đảm nguồn lực và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng y tế, các lực lượng tuyến đầu trong phòng, chống dịch.
1.3. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt là chỉ huy, điều phối, phối hợp tại chỗ để đáp ứng có hiệu quả giữa các lực lượng tại chỗ và lực lượng tăng cường khi cần thiết; xây dựng quy chế phối hợp liên ngành và điều phối nguồn lực trong tình huống dịch bệnh khẩn cấp cấp Thành phố.
2. Nâng cao năng lực của hệ thống
2.1. Tăng cường đầu tư công cho lĩnh vực y tế
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực cho lĩnh vực y tế, cụ thể như sau:
- Tăng cường năng lực vận hành, đáp ứng cho tuyến cơ sở.
- Tăng cường năng lực chuyên sâu cho tuyến Thành phố.
2.2. Tăng cường hoạt động xã hội hóa công tác y tế
Huy động xã hội hóa trong công tác y tế, trong đó bước đầu triển khai xã hội hóa công tác khám, chữa bệnh và dần dần từng bước tiến tới xã hội hóa lĩnh vực y tế dự phòng dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng.
2.3. Thực hiện các chế độ đãi ngộ, chính sách đối với ngành y tế dự phòng, y tế cơ sở
- Xây dựng cơ chế hỗ trợ cho cán bộ y tế dự phòng, y tế cơ sở.
- Xây dựng cơ chế huy động nguồn lực xã hội hóa hỗ trợ cho công tác y tế dự phòng, y tế cơ sở trong điều kiện khẩn cấp.
3. Các hoạt động chuyên môn y tế
Mặc dù ngành Y tế trong thời gian vừa qua đã hết sức quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, tuy nhiên cũng bộc lộ ra rất nhiều hạn chế của ngành, nếu như không được giải quyết sớm có thể gây ra tình trạng quá tải, đổ vỡ hệ thống khi gặp phải tình trạng tương tự hoặc nguy hiểm hơn.
3.1. Nâng cao chất lượng công tác dự báo, xây dựng kế hoạch
Triển khai đồng bộ, thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch đồng thời chỉ đạo thống nhất, đồng bộ, việc xây dựng kế hoạch phù hợp, đảm bảo tính xuyên suốt, đáp ứng được tính linh hoạt. Kế hoạch thực hiện cần được phân cấp, phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể cho từng cấp, từng ngành để tránh sự chồng chéo và tạo ra cơ chế vận hành, phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ.
Trên cơ sở kế hoạch của cấp trên, các cấp, ngành xây dựng kế hoạch hoạt động của cấp, ngành mình phụ trách phù hợp với điều kiện, nhưng không vượt quá khuôn khổ của kế hoạch chung, đồng thời tạo ra hành lang pháp lý, hướng dẫn để cho cấp dưới triển khai các nội dung chi tiết hơn một cách phù hợp, linh hoạt.
3.2. Nâng cao năng lực của hệ thống y tế dự phòng
- Thực hiện nâng cao năng lực giám sát dịch tễ, đặc biệt chú trọng chất lượng thông tin ca bệnh làm nền tảng cho cơ sở dữ liệu dịch tễ học có chất lượng; triển khai đồng bộ cả giám sát trọng điểm và giám sát thường xuyên (kể cả giám sát dựa vào sự kiện); triển khai tăng cường năng lực, ứng dụng khoa học công nghệ, dữ liệu trong giám sát, phân tích, dự báo tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố.
- Nâng cao năng lực xét nghiệm, bao gồm năng lực xét nghiệm thường quy cũng như năng lực xét nghiệm chuyên sâu phục vụ công tác chuyên môn (giải trình tự gen, thực hiện các phản ứng trung hòa kháng nguyên - kháng thể...). Giảm thiểu việc phụ thuộc vào sự hỗ trợ của tuyến Trung ương, gây ra tình trạng ách tắc, chậm trễ.
- Nâng cao năng lực phân tích, đánh giá, dự báo tình hình dịch bởi đây là khâu quan trọng trong việc đưa ra các quyết định điều chỉnh chính sách phòng, chống dịch trong ngắn hạn cũng như trung hạn, dài hạn.
3.3. Nâng cao năng lực của y tế cơ sở
- Thực hiện việc đầu tư nâng cao năng lực cho hệ thống y tế cơ sở; thí điểm tăng số trạm y tế, nhân viên y tế theo quy mô dân số không theo địa giới hành chính theo chỉ đạo của Trung ương, đánh giá và báo cáo Chính phủ về kết quả thực hiện để rút kinh nghiệm và chỉ đạo trong thời gian tiếp theo. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho y tế cơ sở và y tế dự phòng.
- Huy động sự tham gia của cả hệ thống y tế tư nhân để chia sẻ với hệ thống y tế Nhà nước trong phòng, chống dịch COVID-19.
3.4. Tăng cường năng lực khám bệnh, chữa bệnh
- Sẵn sàng thiết lập cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 phù hợp với tình hình dịch bệnh trên địa bàn, huy động sự tham gia của các cơ sở công lập và ngoài công lập, bảo đảm đủ trang thiết bị, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân, thuốc điều trị cho các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19.
- Nâng cao năng lực chuyên môn, củng cố toàn diện năng lực điều trị của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh, đặc biệt là hồi sức tích cực; bảo đảm đủ số giường hồi sức tích cực tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, điều động, luân chuyển nhân lực phù hợp, kịp thời hỗ trợ khi tình hình vượt quá khả năng của địa phương.
- Tổ chức tập huấn quản lý, theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà ngay từ ban đầu (chỉ ca bệnh có nguy cơ diễn biến nặng mới chuyển đến cơ sở y tế) bằng thuốc kháng vi rút và thiết lập hệ thống theo dõi sức khoẻ thông qua y tế cơ sở và thầy thuốc đồng hành (hỗ trợ qua điện thoại, mạng xã hội hoặc email); thành lập các trạm y tế lưu động để đảm bảo người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế từ sớm, từ xa và từ cơ sở. Triển khai hoạt động quản lý, chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người nhiễm ngay tại cộng đồng.
- Các cơ sở khám, chữa bệnh quản lý và điều trị người nhiễm cập nhật trên phần mềm quản lý người mắc COVID-19; thực hiện theo dõi, khám và phục hồi chức năng cho người nhiễm SARS-CoV-2 sau khi khỏi bệnh trong vòng 12 tháng.
- Tiếp tục thực hiện sàng lọc, phân luồng, xét nghiệm nhằm chủ động phát hiện sớm ca bệnh trong các cơ sở y tế. Bảo đảm các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch vừa thực hiện khám bệnh, chữa bệnh cho người dân.
- Thực hiện nghiên cứu, đánh giá về công tác điều trị, phác đồ điều trị, thuốc điều trị. Tất cả các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thường xuyên cập nhật đầy đủ, kịp thời thông tin cung ứng, dự trữ vật tư tiêu hao, thuốc, oxy y tế, máy móc thiết bị, giường bệnh, nhân lực phục vụ điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 và dữ liệu về khám bệnh, chữa bệnh đối với COVID-19.
3.5. Bảo đảm nguồn nhân lực và chế độ cho người tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19.
- Chủ động sắp xếp, phân bổ nguồn nhân lực làm công tác phòng, chống dịch; thực hiện huy động nguồn nhân lực từ các đơn vị lân cận khi dịch bùng phát; huy động lực lượng y tế tư nhân và các lực lượng khác hỗ trợ, tham gia công tác phòng, chống dịch.
- Đáp ứng số lượng và đảm bảo chất lượng nguồn nhân lực để thực hiện hoạt động phòng, chống dịch bệnh và cung cấp các dịch vụ y tế cho người dân trên địa bàn.
4. Nhiệm vụ, giải pháp về an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội
4.1. Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các vụ việc phức tạp, gây rối an ninh, trật tự và phòng, chống tội phạm; bảo đảm an ninh, trật tự tại các khu công nghiệp, khu vực có mật độ dân cư đông, tại các cơ sở, địa bàn cách ly y tế, cơ sở thu dung, điều trị người mắc COVID-19, các chốt kiểm soát dịch.
4.2. Tăng cường kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong phòng, chống dịch và phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Chủ động kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để lừa đảo, phát tán tin giả, xuyên tạc, kích động trong nhân dân về công tác phòng, chống dịch,
4.3. Xây dựng và triển khai các phương án chủ động bám sát, nắm chắc tình hình dư luận xã hội, tâm lý xã hội để người dân tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống dịch.
5. Nhiệm vụ, giải pháp về bảo đảm an sinh xã hội
5.1. Xây dựng kịch bản, phương án bảo đảm an sinh xã hội đối với người dân trên từng địa bàn phù hợp với tình hình thực hiện phòng, chống dịch bệnh.
5.2. Cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, hàng thiết yếu cho người dân tại cơ sở, địa bàn cách ly y tế, giãn cách xã hội.
5.3. Cung cấp các túi an sinh xã hội cho các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong khu vực giãn cách xã hội và cơ sở, địa bàn cách ly y tế; chú trọng hỗ trợ trẻ em và nhóm dễ bị tổn thương, người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
5.4. Các nội dung khác về an sinh xã hội thực hiện theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
6. Nhiệm vụ, giải pháp về tài chính, hậu cần
6.1. Tiếp tục thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” theo kịch bản phòng, chống dịch; tăng cường hơn nữa đầu tư từ Thành phố để hỗ trợ và chi viện kịp thời cho các quận, huyện, thị xã khi có dịch bùng phát ở cấp độ cao hơn dự kiến; đối với một số loại thuốc và vật tư thiết yếu phải có cơ số dự phòng đủ cho tình huống xấu nhất.
6.2. Thành phố bảo đảm nguồn tài chính chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên cơ sở huy động tổng thể nguồn lực tài chính (ngân sách Thành phố, ngân sách quận, huyện, thị xã, nguồn tài trợ và các nguồn kinh phí hợp pháp khác); bố trí ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng theo Nghị quyết số 18/2008/NQ-QH12 ngày 03/6/2008. Kết hợp giữa nguồn ngân sách với nguồn Bảo hiểm y tế để thanh toán chi phí khám, chữa bệnh thiết yếu cho người nhiễm SARS-CoV-2 tại các cơ sở y tế công lập đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa ở thời điểm thích hợp.
6.3. Đảm bảo đủ thuốc, vật tư, sinh phẩm, trang thiết bị, ... để sẵn sàng cho kịch bản phòng, chống dịch theo các cấp độ dịch theo phương châm “4 tại chỗ”.
6.4. Tiếp tục huy động, vận động sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; sự tự nguyện chi trả của người nhiễm SARS-CoV-2 khi khám, điều trị theo yêu cầu.
7.1. Các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất, cơ sở giáo dục, cơ sở lưu trú, ... xây dựng và tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch gắn với phương án hoạt động, sản xuất, kinh doanh phù hợp với các cấp độ dịch tại các địa phương (đến tận xã/phường, tổ dân phố) và cập nhật kết quả đánh giá an toàn lên bản đồ an toàn COVID-19.
7.2. Tiếp tục triển khai các biện pháp đảm bảo công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục đào tạo khi học sinh, sinh viên học trực tiếp; căn cứ vào tình hình dịch bệnh để tổ chức hình thức dạy học cho phù hợp, không để học sinh, sinh viên học trực tuyến kéo dài; thường xuyên kiểm tra, đánh giá để hiểu rõ các tác động tiêu cực của việc học trực tuyến, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ để có giải pháp kịp thời.
7.3. Triển khai công tác phòng, chống dịch trong giao thông vận tải và lưu thông, vận chuyển hàng hóa đảm bảo không bị gián đoạn ở tất cả cấp độ dịch.
7.4. Người dân, người lao động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định của chính quyền địa phương, của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cơ sở lưu trú,...
8. Nhiệm vụ, giải pháp về vận động Nhân dân và huy động xã hội
8.1. Triển khai hiệu quả công tác dân vận, phát huy vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên, góp phần tạo sự đồng thuận xã hội, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đề ra.
8.2. Vận động, động viên các tầng lớp Nhân dân chủ động, tự giác tuân thủ và tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19. Đa dạng hóa các phương thức vận động, huy động xã hội để tiếp tục hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân gặp khó khăn.
8.3. Khuyến khích việc hình thành các nhóm thiện nguyện, các cá nhân tham gia hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành.
9. Nhiệm vụ, giải pháp về truyền thông, công nghệ thông tin
9.1. Nâng cao nhận thức về phòng, chống dịch COVID-19 thông qua công tác thông tin, giáo dục, truyền thông
- Đa dạng hóa các loại hình và phương tiện, phương thức truyền thông; thường xuyên, chủ động cung cấp thông tin kịp thời khoa học, chính xác về dịch COVID-19; luôn áp dụng nguyên tắc truyền thông nguy cơ, bao gồm cả chủ đề tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.
- Truyền thông về phòng, chống dịch COVID-19 hướng tới nâng cao nhận thức, ý thức và thay đổi hành vi của Nhân dân; tạo niềm tin, sự đồng thuận của Nhân dân; chống việc phân biệt đối xử, giữ bí mật riêng tư của người nhiễm SARS-CoV-2.
- Chủ động huy động các cơ quan truyền thông, báo chí trong đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; ngăn chặn các thông tin xấu độc, tin giả, tin không được kiểm chứng liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.
- Triển khai có hiệu quả công tác truyền thông gắn với việc khơi dậy khát vọng phát triển đất nước; thúc đẩy tính tự giác, tích cực của người dân trong phòng, chống dịch; lan tỏa các kinh nghiệm hay, tấm gương tốt, truyền cảm hứng để cổ vũ toàn xã hội.
9.2. Nhiệm vụ, giải pháp về công nghệ thông tin
- Triển khai thống nhất và có hiệu quả việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, báo cáo và chia sẻ thông tin về vắc xin, xét nghiệm, điều trị, hậu cần, an sinh xã hội,... phục vụ phòng, chống dịch; quản lý việc đi lại của người dân, lưu thông, vận chuyển hàng hóa và quản lý xuất, nhập cảnh phù hợp với quy định của quốc tế; ứng dụng công nghệ thông tin phải thuận lợi cho người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước các cấp trong phòng, chống dịch.
- Xây dựng và thực hiện các phương án bảo đảm an toàn, an ninh dữ liệu; liên thông dữ liệu giữa các cơ sở dữ liệu, thực hiện việc xác thực thông tin dữ liệu trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
- Đẩy mạnh hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ xa; hoàn thiện và tăng cường triển khai hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử toàn dân.
1. Sở Y tế
- Là cơ quan thường trực, theo dõi công tác y tế trên địa bàn Thành phố; chịu trách nhiệm tham mưu UBND Thành phố chỉ đạo xây dựng, định hướng phát triển của ngành y tế và triển khai các văn bản hành chính chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực của hệ thống y tế.
- Chủ trì, triển khai việc nâng cấp năng lực điều trị, y tế dự phòng tuyến Thành phố.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính và các Sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch phát triển tổng thể năng lực ngành y tế Thành phố.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp; chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
3. Sở Tài chính
- Tham mưu, đề xuất UBND Thành phố nguồn lực cho việc tăng cường đầu tư công nâng cao năng lực hệ thống y tế.
- Đề xuất cơ chế, giải pháp đảm bảo nguồn lực cho phòng, chống dịch; hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy xã hội hóa, kết hợp công tư cho phòng, chống dịch.
4. Công an Thành phố
- Chủ trì tổ chức các lực lượng chức năng bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội và an ninh mạng, nhất là tại cơ sở, địa bàn, khu vực cách ly y tế; tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, đặc biệt là các đối tượng chống lực lượng chức năng tham gia phòng, chống dịch COVID-19; xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng chính sách phòng, chống dịch.
- Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, các quận, huyện, thị xã trong tổ chức thực hiện và bố trí lực lượng tham gia phòng, chống dịch COVID-19.
- Chỉ đạo lực lượng Công an xã, công an khu vực chủ động phối hợp các lực lượng dân quân tự vệ, dân phòng, đội tự quản, các đoàn viên, hội viên, nhất là đoàn viên thanh niên tình nguyện, cựu chiến binh, ... trong công tác theo dõi, giám sát di biến động dân cư, nhất là người từ các địa phương khác về Thành phố. Phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19.
- Kết nối cơ sở dữ liệu dân cư với dữ liệu về tiêm chủng, xét nghiệm, quản lý người nhiễm COVID-19 khỏi bệnh để triển khai thống nhất việc ứng dụng mà QR trên thẻ căn cước công dân (hoặc hình thức phù hợp đối với những người chưa có thẻ căn cước công dân mới) phục vụ việc quản lý đi lại của người dân và công tác phòng, chống dịch COVID-19.
5. Sở Thông tin và Truyền thông
- Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai các phần mềm phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Trong đó tiếp tục triển khai sử dụng hiệu quả các nền tảng công nghệ bắt buộc dùng chung toàn quốc trong phòng, chống dịch COVID-19, phục vụ quản lý, theo dõi, giám sát theo quy định. Phát huy vai trò của tổng đài 1022, tiếp nhận, xử lý các thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh COVID-19.
- Chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo các cơ quan báo chí Hà Nội, phối hợp các cơ quan báo chí Trung ương ký chương trình phối hợp công tác với Thành phố và chỉ đạo hệ thống thông tin cơ sở chủ động, kịp thời, thường xuyên cung cấp thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19; phối hợp các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông tăng cường thông tin, lan tỏa nội dung tích cực nhằm tạo đồng thuận xã hội, khuyến khích tính tự giác của người dân trong thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, đấu tranh, phản bác, xử lý nghiêm các luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố.
6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
- Chủ trì việc tổ chức triển khai thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ các lực lượng tham gia và các đối tượng chịu ảnh hưởng do bởi COVID-19.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ trẻ em, người lao động, người sử dụng lao động; đề xuất các giải pháp khôi phục thị trường lao động.
7. Sở Ngoại vụ
Tiếp tục phối hợp với các Sở, ngành trong công tác ngoại giao. Giữ mối liên lạc với các Đại sứ quán, tổ chức quốc tế, ngoại giao, người nước ngoài đang sinh sống, làm việc trên địa bàn, tổng hợp kinh nghiệm các nước về thích ứng an toàn với COVID-19 để thông tin kịp thời cho Thành phố và phổ biến, tuyên truyền cho người nước ngoài thực hiện các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Thành phố.
8. Sở Công Thương
- Chỉ đạo công tác bảo đảm hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng để đáp ứng yêu cầu phục hồi sản xuất, kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội. Bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, không để ách tắc các hoạt động cung ứng.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh; hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng.
- Bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các đơn vị, địa phương, nhất là đơn vị địa phương thực hiện phong tỏa.
9. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ động điều chỉnh hợp lý kế hoạch sản xuất nông nghiệp để tránh thiếu hụt nguồn cung trong thời gian tới. Tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu.
- Chủ động tìm kiếm nguồn tiêu thụ các nông sản đến kỳ thu hoạch, nhất là tại những vùng chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp trọng điểm và phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông vận tải, Sở Công Thương, các địa phương bảo đảm điều kiện, tạo thuận lợi, thông suốt cho vận chuyển, tiêu thụ nông sản.
10. Sở Giao thông vận tải
Thường xuyên cập nhật chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải, trên cơ sở đó:
- Hướng dẫn các hoạt động thi công các dự án, công trình giao thông đảm bảo “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
- Rà soát hướng dẫn, phương án, kế hoạch hoạt động giao thông, vận tải liên tỉnh, lưu thông hàng hóa, bảo đảm liên tục chuỗi cung ứng sản xuất.
11. Sở Xây dựng
- Hướng dẫn về các hoạt động thi công các dự án, công trình xây dựng đảm bảo “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
- Cập nhật yêu cầu đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19 và dịch lây nhiễm trong các khu nhà ở cho công nhân ở các khu, cụm công nghiệp...
- Chủ trì, phối hợp Bộ Tư lệnh Thủ đô, Sở Y tế và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã rà soát các cơ sở cách ly tập trung F1 của Thành phố sau khi học sinh, sinh viên đi học trở lại và duy trì các cơ sở thu dung, điều trị F0 không triệu chứng.
12. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Rà soát hướng dẫn thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải lây nhiễm phát sinh trong phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ sở y tế, khu thu dung và tại cộng đồng.
- Chỉ đạo công tác tăng cường năng lực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải lây nhiễm an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19.
13. Sở Giáo dục và Đào tạo
Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế rà soát hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 trong hoạt động giáo dục, đào tạo.
- Tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo thực hiện năm học 2021 - 2022 an toàn, hiệu quả, phù hợp với tình hình dịch bệnh COVID-19 tại từng địa phương; xây dựng kịch bản phù hợp tình hình thực hiện khi học sinh quay trở lại trường học trực tiếp.
- Phối hợp với Sở Y tế tổ chức tiêm chủng cho học sinh trong độ tuổi.
14. Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch
Hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” trong hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
15. Sở Khoa học và Công nghệ
Huy động các nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19; tăng cường công tác nghiên cứu, triển khai các chương trình nghiên cứu, nhiệm vụ khoa học công nghệ về vắc xin, sinh phẩm, thiết bị,... phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.
16. Sở Tư pháp
- Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan đề xuất tháo gỡ các quy định của pháp luật đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất việc áp dụng các quy định xử phạt vi phạm hành chính do hoàn cảnh khách quan, ảnh hưởng của dịch COVID-19.
17. Sở Nội vụ
- Rà soát hướng dẫn hoạt động của các cơ sở, điểm, nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của cơ sở tín ngưỡng, thờ tự đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế trong việc thực hiện thí điểm tăng số trạm y tế, nhân viên y tế theo quy mô dân số không theo địa giới hành chính theo chỉ đạo của Trung ương, đánh giá và tham mưu cho UBND Thành phố báo cáo Chính phủ về kết quả thực hiện để rút kinh nghiệm và chỉ đạo trong thời gian tiếp theo.
- Tham mưu UBND Thành phố phát động các phong trào thi đua trong phòng, chống dịch COVID-19, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội. Phối hợp với Sở Y tế, các Sở, ngành, địa phương đề xuất khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế.
18. Ban Dân tộc
- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông và các địa phương tăng cường công tác vận động người dân các vùng đồng bào dân tộc thiểu số tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19.
- Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất các chính sách hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
19. Thanh tra Thành phố
Chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác thanh tra định kỳ, đột xuất trong phòng, chống dịch COVID-19 nhằm chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
20. Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, các Báo: Hànộimới, Kinh tế và Đô thị
- Tăng cường công tác truyền thông nhằm tạo sự hưởng ứng, tham gia của xã hội trong việc thực hiện chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch COVID- 19 theo Nghị quyết của Chính Phủ và Kế hoạch của Thành phố. Phản ánh, phân tích kết quả phòng, chống dịch, phục hồi kinh tế xã hội, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong phòng, chống dịch. Kịp thời cổ vũ, biểu dương các tấm gương tập thể, cá nhân điển hình, các mô hình chống dịch, thực hiện mục tiêu kép có hiệu quả.
- Đấu tranh, phản bác các hành vi, luận điệu xuyên tạc, kích động, sai sự thật về phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố. Tăng cường thông tin về tình hình, dự báo dịch bệnh trên Thế giới, Việt Nam và Thành phố; các tiến bộ khoa học, kỹ thuật, các giải pháp mới trong phòng, chống dịch.
21. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức chính trị, đoàn thể
- Tăng cường phối hợp với các cấp chính quyền vận động Nhân dân nâng cao ý thức, tự giác tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; tiếp tục vận động các tổ chức, doanh nghiệp vừa phòng, chống dịch bệnh, khắc phục những hậu quả do dịch bệnh gây ra, vừa duy trì, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, ... phát huy tinh thần sáng tạo của các tầng lớp Nhân dân trong phòng, chống dịch, thực hiện mục tiêu kép. Tiếp tục chủ trì, điều phối các hoạt động hỗ trợ, ủng hộ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
- Chủ động phối hợp với chính quyền các cấp giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, tham gia tuyên truyền, vận động và giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại địa phương.
22. Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã
- Căn cứ Kế hoạch của UBND Thành phố, xây dựng và triển khai kế hoạch khắc phục các hạn chế, khiếm khuyết trong công tác phòng, chống dịch COVID- 19 trên địa bàn quản lý theo phương châm “4 tại chỗ”.
- Chủ trì, thực hiện việc nâng cao năng lực điều trị, y tế dự phòng, y tế cơ sở theo các văn bản của Trung ương, Thành phố và các hướng dẫn của ngành Y tế.
- Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã phân công chỉ đạo việc tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn quản lý và chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố về kết quả hoạt động công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn quản lý.
Ủy ban nhân dân Thành phố đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và các tổ chức đoàn thể trực thuộc; yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức triển khai thực hiện các nội dung Kế hoạch, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân Thành phố (thông qua sở Y tế để tổng hợp)./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN |
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.