TIÊU CHUẨN NGÀNH
10TCN 335:1998
QUY TRÌNH KỸ THUẬT KHỬ TRÙNG BẰNG PHƯƠNG PHÁP XÔNG HƠI
1. Phạm vi và đối tượng áp dụng:
Quy trình này áp dụng cho khử trùng xông hơi các vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.
2. Thuật ngữ và định nghĩa:
Trong quy trình này các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
2. 1. Khử trùng bằng phương pháp xông hơi gọi tắt là khử trùng xông hơi, là diệt trừ các sinh vật gây hại bằng hơi độc, hơi nước nóng hoặc những hơi khác.
2.2. Sinh vật gây hại bao gồm: sâu hại, bệnh hại, cỏ dại chuột và những tác nhân sinh vật khác có thể bị diệt bằng thuốc khử trùng xông hơi. Những sinh vật gây hại này không chỉ trên thực vật, sản phẩm thực vật , còn có thể có trên những vật thể khác.
2.3. Độ kín của khử trùng xông hơi: Là mức độ không cho hơi độc từ phạm vi khử trùng thoát ra bên ngoài.
2.4. Phạm vi khử trùng: Là một không gian kín chứa những vật thể được khử trùng.
2.5. Chỉ số C.T: Là tích số của nồng độ hơi thuốc và thời gian ủ thuốc để tiêu diệt một loài sinh vật gây hại trong điều kiện nhiệt độ và ẩm độ nhất định.
2.6. Thời gian ủ thuốc: Là thời gian tính từ khi hoàn thành việc cho thuốc vào trong phạm vi khử trùng đến khi bắt đầu thông thoáng.
2.7. Liều lượng và nồng độ:
2.7.1. Liều lượng là lượng thuốc khử trùng hoặc lượng hoạt chất hơi độc sử dụng cho 01 đơn vị trọng lượng vật thể khử trùng hoặc đơn vị thể tích của phạm vi khử trùng.
Đơn vị tính Gram hoạt chất /tấn hoặc Gram hoạt chất/ m3.
2.7.2. Nồng độ là lượng hơi thuốc xác định tại một thời điểm, một vị trí nhất định trên 01 đơn vị thể tích trong phạm vi khử trùng.
Đơn vị tính phần triệu (PPM) hoặc % của thể tích.
2.8. Dư lượng thuốc: Là lượng còn lại của hoạt chất hoặc chất dẫn xuất từ hoạt chất hoặc những phức chất (do phản ứng của hơi thuốc với thành phần cấu tạo của vật thể khử trùng) ở trong không khí hoặc vật khử trùng sau khi kết thúc khử trùng.
2.9. Ngưỡng an toàn: Là nồng độ của hơi thuốc có trong không khí cho phép con người có thể tiếp xúc hàng ngày mà không bị ảnh hưởng có hại nào.
3. Yêu cầu của kỹ thuật khử trùng:
3.1. Đảm bảo diệt trừ các sinh vật gây hại nêu ở mục 2.2.
3.2. Đảm bảo an toàn cho người, động vật có ích và môi trường sinh thái.
3.3. Không gây hại vật thể được khử trùng.
3.4. Vật tư, trang thiết bị:
- Thuốc khử trùng.
- Bạt khử trùng.
- Vật liệu làm kín: giấy dán, hồ (keo dán), ny lon, băng dính, rắn cát.
- Cân thuốc: 50kg, l00kg.
- Dụng cụ mở thuốc, túi đựng thuốc, ống dẫn thuốc.
- Máy đo nồng độ hơi thuốc.
- Mặt nạ chuyên dùng và các dụng cụ bảo hộ lao động.
- Thiết bị thông thoáng, đảo khí: quạt, máy hút hơi, máy đảo khí.
- Máy đo thuỷ phần, nhiệt kế, ẩm kế.
- Đồng hồ kiểm tra thời gian.
- Biển cảnh giới bằng tiếng Việt hoặc bằng tiếng Anh (sử dụng cho vật thể khử trùng xuất khẩu).
- Thiết bị chống cháy nổ.
- Thuốc sơ cấp cứu tai nạn lao động.
4. Các bước khử trùng:
4.1. Khảo sát:
4.1.1. Một số đặc điểm của vật thể được khử trùng có liên quan đến kỹ thuật khử trùng:
- Loại hàng, số lượng.
- Nơi sản xuất, cách đóng gói, bao bì, ký, mã hiệu, thời gian sản xuất.
- Kích thước, phạm vi khử trùng và quy cách sắp xếp vật thể khử trùng.
4.1.2. Xác định nhiệt độ, ẩm độ trong phạm vi khử trùng.
4.1.3. Xác định thành phần, mật độ sinh vật gây hại trong phạm vi khử trùng
4.1.4. Xác định thành phần, mật độ sinh vật gây hại ngoài phạm vi khử trùng để có biện pháp ngăn chặn sự lây lan.
4.1.5. Khảo sát phương tiện chứa vật thể khử trùng để có phương án làm kín.
4.1.6. Khảo sát hệ thống điện, thoát nước, thoát khí liên quan đến phạm vi khử trùng.
4.1.7. Khảo sát địa điểm khử trùng liên quan đến vệ sinh an toàn cho người động vật có ích và môi trường sinh thái.
4.1.8. Lấy mẫu đại diện của vật thể trước khi khử trùng, lập biên bản lấy mẫu.
4.1.9. Lập biên bản khảo sát khử trùng.
4.2. Lập phương án khử trùng:
4. 2.1. Chọn loại thuốc khử trùng.
4.2.2 Tính liều lượng sử dụng.
Dựa vào các yếu tố dưới đây để quyết định liều lượng sử dụng hợp lý:
* Loài sinh vật gây hại
* Loại vật thể khử trùng, chất liệu bao bì đóng gói, quy cách sắp xếp.
* Nhiệt độ, ẩm độ trong phạm vi khử trùng.
* Thời gian ủ thuốc .
4.2.3. Thời gian ủ thuốc: Tuỳ thuộc chủng loại thuốc khử trùng, nhiệt độ, ẩm độ, thuỷ phần của vật thể khử trùng.
4.2.4. Lập sơ đồ đặt thuốc hoặc đặt ống dẫn thuốc.
4.2.5. Lập danh sách, số lượng kỹ thuật viên khử trùng.
4.3. Làm kín phạm vi khử trùng: Tuỳ theo phương tiện lưu chứa vật thể khử trùng (hầm tàu, toa tàu, trên kho bãi, trong nhà kho . . . ) mà có các hình thức làm kín phù hợp (phủ bạt , dán giấy . . . ) nhưng phải đảm bảo nguyên tắc bịt kín các khe, kẽ hở, các hệ thống thông thoáng .....
4.4. Kiểm tra việc sử dụng các trang thiết bị bảo hộ lao động.
4.5. Đặt thuốc hoặc bơm thuốc:
4.5.1. Cho thuốc vào phạm vi khử trùng theo sơ đồ ở mục 4.2.4.
4.5.2. Đối với thuốc nhóm phosphine: Thuốc cho vào trong túi vải mỏng khay kim loại hoặc vật thể tương đương khác được đặt ở nhiều vị trí để đảm bảo hơi thuốc khuyếch tán đều và tiện thu dọn bã thuốc sau khi khử trùng .
4.5.3. Đối với nhóm thuốc xông hơi dạng lỏng có độ bốc hơi chậm thì bơm thuốc lưu lượng trung bình l,5kg/phút .
4.6. Cảnh giới khử trùng:
4.6.1. Cảnh giới khử trùng có ít nhất 02 người nắm vững kỹ thuật, có đủ phương tiện cảnh giới để xử lý các sự cố về kỹ thuật và sự cố an toàn (khử trùng trên tàu biển hoặc phạm vi khử trùng quy mô lớn ).
4.6.2. Nhiệm vụ của kỹ thuật cảnh giới:
- Cắm biển cảnh giới và thông báo cho mọi người xung quanh phạm vi khử trùng biết để tránh xa.
- Kiểm tra sự rò rỉ của thuốc từ phạm vi khử trùng ra ngoài và có biện pháp làm kín kịp thời.
- Xử lý các sự cố cháy nổ, ngộ độc nếu có.
4.7. Thông thoáng: Khi kết thúc thời gian khử trùng cần tiến hành:
4.7.1. Thông thoáng phạm vi khử trùng bằng các thiết bị: quạt, máy hút, hệ thống thông gió của phương tiện chứa vật thể khử trùng .
4.7.2. Thời gian thông thoáng phụ thuộc số lượng và công suất của thiết bị thông thoáng, thể tích của phạm vi khử trùng, lượng thuốc sử dụng, sự hấp phụ của vật thể khử trùng.
4.7.3. Đo dư lượng hơi thuốc trong phạm vi khử trùng sau khi thông thoáng.
4.8. Kết thúc khử trùng:
4.8.1. Lấy mẫu đại diện vật thể đã được khử trùng.
4.8.2. Phân tích mẫu và lưu mẫu 03 tháng trong phòng thí nghiệm theo yêu cầu của hợp đồng.
4.8.3. Nghiệm thu kết quả khử trùng: Chủ vật thể hoặc đại diện chủ vật thể cùng với đơn vị thực hiện khử trùng nghiệm thu kết quả khử trùng.
PHẦN PHỤ LỤC
(Tham khảo)
LIỀU LƯỢNG VÀ THỜI GIAN XÔNG HƠI THỰC VẬT, SẢN PHẨM THỰC VẬT
I. Nhóm sản phẩm nông, lâm nghiệp:
Bao gồm: Gạo, lúa mì mạch, đậu đỗ, sắn lát, hàng mây tre đan, sản phẩm gỗ, cà phê v.v...
a) Đối với thuốc Methyl Bromide
* 32 gram/ m3/24 giờ ở 30 - 40oC
* 40 gram/m3/24 giờ ở 20 - 30oC
* 48 gram/m3/24 giờ ở dưới 20oC
* Tối thiểu 40 gram/ m3/24 giờ ở nhiệt độ 20 - 30oC đối với khử trùng hàng trên tàu thuỷ
b) Đối với thuốc Phosphine:
* 1 gram/m3/72 giờ ở 30 - 40oC
* 2 gram /m3/72 giờ ở 20-30oC
* 3 gram/m3/72 giờ ở dưới 20oC
- Nếu sử dụng thuốc thương phẩm có chất hoạt động là Magiê phospho (Mg3P2) thì thời gian xông hơi có thể giảm xuống 60 giờ.
II. Nhóm sản phẩm nông nghiệp tươi sống
Bao gồm: Các loại rau củ quả tươi, cây cảnh, mắt ghép, hom giống và hoa các loại v.v..
Đối với những sản phẩm này chỉ dùng thuốc Methyl Bromide với thương phẩm có hàm lượng 99,4 % CH3 Br có liều lượng sau:
* 32 gram/m3/2 giờ ở 30-40oC.
* 40 gram/m3/2-4 giờ ở 20 - 30oC.
* 48 gram/m3/2-4 giờ ở dưới 20oC.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.