TIÊU CHUẨN VIỆT NAM
TCVN 6130:1996
ISO 6639-4-1987
NGŨ CỐC VÀ ĐẬU ĐỖ - XÁC ĐỊNH SỰ NHIỄM CÔN TRÙNG ẨN NÁU - CÁC PHƯƠNG PHÁP NHANH
Cereals and pulses – Determination of hidden insect infestation - Rapid methods
TCVN 6130 – 1996 hoàn toàn tương đương với ISO 6639 – 4 – 1987;
TCVN 6130 – 1996 do Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn TCVN/TC/Fl Ngũ cốc biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành.
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này mô tả 5 phương pháp nhanh để xác định mức độ hoặc để phát hiện sự có mặt của việc nhiễm côn trùng ẩn náu trong mẫu ngũ cốc và đậu đỗ.
Chú thích: Những đặc điểm nhằm hướng dẫn việc lựa chọn những phương pháp nhanh đã được tổng kết ở bảng ISO 6639/1.
Chương 1: Phương pháp đánh giá bằng cách xác định việc sản sinh cacbon dioxit (từ điều 3 đến điều 9).
Phương pháp này dùng để thử hạt nguyên, không dùng để thử đối với:
a) Các sản phẩm nghiền mịn từ hạt, vì có thể có bột mịn bị hút lẫn vào mẫu khí, hoặc
b) Sản phẩm hạt có độ ẩm lớn hơn 15% (khối lượng/khối lượng), vì bản thân sản phẩm và vi sinh vật cũng thải ra cacbon dioxit làm ảnh hưởng tới kết quả xác định.
Hơn nữa, phương pháp này không dùng như một phương pháp nhanh đối với các sản phẩm hạt đã hấp thụ sẵn một lượng cacbon dioxit đáng kể, thí dụ, hạt bảo quản trong không gian nhỏ hoặc khi có các dấu hiệu rõ ràng bên ngoài về sự nhiễm côn trùng nặng.
Phương pháp này có thể dùng đối với sản phẩm hạt nghiền thô hoặc dạng mảnh, nhưng chúng phải được sàng trước khi tiến hành thử nghiệm nhằm tách các phần tử nhỏ và mịn và côn trùng tự do.
Phương pháp này không cho phép phát hiện sự tồn tại của côn trùng chết, nhộng, ấu trùng và trứng.
Chương 2: Phương pháp Ninhydrin (từ điều 10 đến điều 16)
Phương pháp này được áp dụng đối với bất kỳ loại hạt khô nào nhằm xác định sự nhiễm côn trùng nội tại, đặc biệt là hạt lúa mì, hạt lúa miến, thóc và các hạt có kích thước tương tự. Các hạt có kích thước lớn như hạt ngô, cần phải đập vỡ trước khi thử nghiệm. Cách xử lý như vậy đối với các hạt kích thước lớn có thể làm một số côn trùng bị mất đi hoặc bị nghiền vụn làm ảnh hưởng tới độ tin cậy của phép xác định. Số lượng trứng và ấu trùng có thể thấp hơn so với thực tế, song phương pháp này có hiệu quả không kém bất kỳ phương pháp nào khác.
Chương 3: Phương pháp nổi hạt nguyên (từ điều 17 đến điều 24)
Phương pháp này thích hợp cho việc phát hiện sự nhiễm côn trùng ẩn náu trong phần lớn các hạt ngũ cốc và đậu đỗ, song chỉ có tính chất định tính.
Chương 4: Phương pháp âm thanh (từ điều 25 đến điều 31)
Phương pháp này thích hợp cho việc phát hiện côn trùng sống đã trưởng thành và ấu trùng ăn hại bên trong hạt. Phương pháp này không có khả năng phát hiện côn trùng chết, ấu trùng hoặc trứng sống và nhộng (không ở trong giai đoạn đang ăn).
Chương 5: Phương pháp tia X (từ điều 32 đến điều 38)
Phương pháp này thích hợp cho việc phát hiện côn trùng, ấu trùng sống và chết bên trong hạt. Côn trùng vừa mới bị giết (thí dụ: bằng cách xông hơi) có thể khó phân biệt được với các côn trùng vẫn còn sống.
2. Tiêu chuẩn trích dẫn
ISO 520 Ngũ cốc và đậu đỗ - Xác định khối lượng 1000 hạt;
ISO 565 Bộ sàng thí nghiệm – Sàng đan sợi kim loại, sàng đột lỗ và sàng đúc điện – Kích thước danh nghĩa của lỗ sàng;
ISO 712 Ngũ cốc và các sản phẩm của ngũ cốc – Xác định hàm lượng ẩm (phương pháp chuẩn thường qui);
TCVN 5451 – 91 (ISO 950 : 1979) ISO 950 Ngũ cốc – Lấy mẫu (dạng hạt);
ISO 951 Đậu đóng gói sẵn – Lấy mẫu;
ISO 6639/1 Ngũ cốc và đậu đỗ - Xác định sự nhiễm côn trùng ẩn náu – Các nguyên tắc chung;
ISO 6639/2 Ngũ cốc và đậu đỗ - Xác định sự nhiễm côn trùng ẩn náu – Lấy mẫu.
Chương 1.
PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ BẰNG CÁCH XÁC ĐỊNH VIỆC SẢN SINH CACBON DIOXIT
3. Nguyên tắc
Ủ phần mẫu thử của nguyên liệu ở nhiệt độ chuẩn và dùng phương pháp phân tích khí hoặc bằng phương pháp tia hồng ngoại tiến hành đánh giá và xác định lượng cacbon dioxit sinh ra trong một khoảng thời gian chuẩn và coi đây là phép đo quá trình trao đổi chất tổng quát của nguyên liệu.
Chú thích: Phương pháp này dựa trên nguyên tắc là sự hô hấp có thể được dùng để phát hiện côn trùng trong sản phẩm và thể tích khí trong khối hạt kín là cố định. Mức độ trao đổi chất của hạt hoặc của sản phẩm hạt khô là rất thấp, còn của côn trùng thì cao hơn. Do đó việc sản sinh cacbon dioxit trong khối hạt hoặc trong sản phẩm hạt khô được xem là dấu hiệu của sự nhiễm côn trùng, tuy nhiên phải thận trọng để tránh khí cacbon dioxit từ ngoài xâm nhập vào và phải bảo đảm việc hấp thụ khí cacbon dioxit vào hạt là ít nhất.
4. Thiết bị, dụng cụ
4.1. Sàng, có kích thước lỗ sàng thích hợp sao cho các mảnh nhỏ và các côn trùng có thể lọt qua nhưng nguyên liệu thử phải nằm lại trên sàng (xem ISO 565).
4.2. Cân, có độ chính xác đến 0,1g.
4.3. Thiết bị phân tích khí (xem hình 1).
4.3.1. Bình chứa mẫu kín, dung tích không quá 750ml. Các bình phải nút kín bằng nút cao su.
4.3.2. Bơm và kim tiêm để rút khí. Bơm phải kín hoàn toàn và phải có thể tích đủ để lấy mẫu phân tích. Bơm thủy tinh có dung tích 20 ml là thích hợp.
4.3.3. Tủ ổn nhiệt, hoặc phòng có điều hòa nhiệt độ có khả năng duy trì ở nhiệt độ 25 ± 0,10C (xem 4.4.1).
4.3.4. Thiết bị phân tích khí, thích hợp để đo nồng độ CO2 trong khoảng ± 0,2% (v/v).
4.4. Thiết bị phân tích khí bằng tia hồng ngoại (xem hình 2).
4.4.1. Phòng điều tiết khí hậu
Thiết bị phân tích của phương pháp này cần đặt trong phòng có khả năng khống chế được nhiệt độ và độ ẩm tương đối, tốt nhất là ở 250C ± 10C và độ ẩm tương đối là 70% ± 5%.
4.4.2. Máy phân tích khí bằng tia hồng ngoại, với 2 mức đo CO2 có thể thay đổi (0 đến 50 µl/l và 0 đến 500 µl/l), có thể thao tác với không khí khô như là khí được cấp từ xilanh nén khí, tốc độ dòng khí trên đường ống là 2000 ml/phút.
4.4.3. Ống chứa mẫu, dung tích không quá 750 ml. Các ống chứa mẫu này gồm 1 ống hình trụ làm bằng vật liệu không thấm khí, có đường kính khoảng 100 mm, đáy kín, trên miệng có nắp kèm gioăng (xem 4.3.1), trên thân có 2 lỗ kèm theo vòi, cho phép không khí đưa vào phần dưới của hình trụ, sau khi đã nối vào đường dẫn khí tinh khiết (xem hình 2) và thoát ra ở đỉnh.
4.4.4. Hệ thống cấp không khí và khí nén thô (đường ống dẫn khí nén, thiết bị tạo khí nén hoặc bơm diaphragm) và van giảm áp. Trên hệ thống đường ống cần bố trí van điều chỉnh tốc độ dòng và đồng hồ đo lưu lượng dòng.
4.4.5. Van 3 chiều, điều khiển bằng tay hoặc bằng điện.
4.4.6. Bình rửa không khí và các ống làm khô, được lắp đặt trên đường ống trước ống chứa mẫu. Bình rửa cho phép sục khí qua dung dịch NaOH 10% (m/m). Dụng cụ làm khô chứa chất làm khô, thí dụ như canxi clorua khan.
4.4.7. Chỉ thị độ ẩm, đặt giữa ống đựng mẫu và máy phân tích (silicagen cùng với chỉ thị bão hòa).
5. Lấy mẫu
Lấy mẫu theo ISO 6639/2
6. Cách tiến hành
6.1. Chuẩn bị mẫu thử
Dùng sàng (4.1) để tách các cấu tử nhỏ và côn trùng ra khỏi mẫu. Nếu thấy cần, có thể phân loại côn trùng và ghi lại số lượng côn trùng trưởng thành, nhộng và ấu trùng riêng cho từng loài.
Để mẫu đạt được những điều kiện thử thích hợp, bảo quản mẫu 24 giờ trong tủ ổn nhiệt (4.3.3) ở 250C hoặc phòng có điều hòa khí hậu (4.4.1), mẫu được đựng trong túi vải dầy hoặc bình rộng miệng, khay hoặc hộp hở, đậy nắp thích hợp để tránh sự xâm nhập tự do của côn trùng nhưng vẫn để không khí có thể trao đổi được (xem ISO 6639/3, điều 5.4).
Trước khi chuẩn bị bình chứa mẫu kín khí (6.2), sàng lại mẫu để loại côn trùng vừa thoát ra khỏi hạt trong quá trình chuẩn bị mẫu.
Dàn mỏng mẫu trên khay hoặc trên bề mặt thích hợp khác và để ngoài không khí trong 15 đến 30 phút (để CO2 đã bị hấp thụ thoát ra). Đối với phương pháp phân tích hồng ngoại thì việc làm thoáng khí ít quan trọng, nhưng nếu không thực hiện bước này thì cũng phải ghi lại trong biên bản thử (điều 9).
Trước khi cho mẫu vào bình chứa mẫu, phải xác định hàm lượng ẩm của mẫu theo ISO 712, sử dụng phương pháp lấy mẫu theo ISO 950 và ISO 951.
6.2. Chuẩn bị bình chứa và phần mẫu thử
Mở bình chứa mẫu (4.3.1 hoặc 4.4.3) để nước và/hoặc CO2 thoát ra, sau đó cân bình với độ chính xác là 0,1g.
Cho khoảng 300g mẫu thử vào bình chứa mẫu, lắc nhẹ để mẫu dồn xuống đáy và thêm mẫu đến khi đầy bình.
Cân bình đã chứa phần mẫu thử chính xác đến 0,1 g và trừ khối lượng bình không chứa mẫu để có được khối lượng phần mẫu thử.
Chú thích - Tính ổn định của việc cho mẫu vào bình mẫu và bao gói, bình không đóng vai trò quan trọng trong phương pháp tia hồng ngoại.
Nút kín bình bằng nút không thấm khí (xem 4.3.1 hoặc 4.4.3).
Nếu dùng phương pháp phân tích khí để xác định CO2, đưa lại bình đã chứa mẫu vào tủ ổn nhiệt hoặc phòng điều hòa nhiệt độ (4.3.3) và để trong 24 giờ.
Nếu dùng phương pháp tia hồng ngoại thì có thể nối trực tiếp bình chứa mẫu với thiết bị phân tích khí.
6.3. Xác định bằng phương pháp phân tích khí
Đuổi hết không khí ra khỏi bơm tiêm (sơranh) (4.3.2), cắm xuyên qua nút cao su của bình chứa mẫu và kéo, đẩy piston của bơm tiêm lên xuống vài lần để trộn đều không khí trong kim với lượng không khí trong bình. Rút khoảng 10 ml khí trong bình vào bơm tiêm và rút kim ra khỏi nút bình.
Nhanh chóng chuyển một lượng thích hợp mẫu khí từ bơm tiêm vào thiết bị phân tích khí (4.3.4) (nếu không thể chuyển mẫu khí ngay được thì cắm kim vào nút cao su). Xác định nồng độ CO2 trong mẫu khí, tính ra phần trăm thể tính. Lặp lại phép xác định này trên cùng một phần mẫu thử.
A. Bình kín khí để chứa mẫu B. Bơm và kim tiêm C. Đường khí vào D. Van 3 chiều E. Ống nổ dung tích 4ml (vạch 0 trên ống F) F. Ống ruột nhỏ để chia vạch từ 0 đến 1,00 ml, khoảng chia 0,01 ml. | G. Bầu ống dung tích 1,5ml H. Vạch nước J. Ống chứa thủy ngân (để điều chỉnh mức trên ống F) K. Ống chữ U chứa KOH L. Ống chứa xoda – chanh để ngăn chặn CO2 không khí xâm nhập vào ống K. |
Hình 1 – Thiết bị phân tích khí
A. Cấp không khí khô (hình trụ hoặc đường kính khí nén) A’. Bơm không khí kiểu tấm chắn kín B. Van điều áp C. Bình rửa không khí (sục vào dung dịch NaOH 10% (m/m) D. Bình làm khô không khí (canxi clorua khan) E. Van 3 chiều (van tay hoặc van điện) F. Khớp nối kín khí | G. Bầu ống dung tích 1,5 ml G’. Ống chứa mẫu H. Chỉ thị độ ẩm (silicagen với chỉ thị bão hòa) J. Đồng hồ lưu lượng dòng kèm van kim điều chỉnh tốc độ dòng K. Máy phân tích hồng ngoại M. Máy ghi hiệu điện thế N. Ống thoát không khí |
Hình 2 – Sơ đồ thiết bị phân tích khí hồng ngoại và phụ kiện
6.4. Xác định bằng phương pháp tia hồng ngoại
Xoay các van (4.4.5) để ngắt dòng khí vào bình chứa phần mẫu thử. Sau 5 phút thông không khí sạch lưu thông ở tốc độ 1 l/phút, chỉnh má phân tích về 0 và dùng thang nhạy nhất (phạm vi đo từ 0 đến 50 µl/l). Nối bình chứa mẫu với ống đi vào của không khí và nối với thiết bị phân tích (xem hình 2). Xoay các van 3 chiều để dòng không khí đi thẳng vào mẫu thử. Để máy phân tích ở thang do ít nhạy nhất (phạm vi đo từ 0 đến 500 µl/l). Cho dòng không khí sạch tuần hoàn qua mẫu thử chuyển động với tốc độ 1 l/phút trong 15 phút. Sau đó chuyển máy phân tích sang thang đo nhạy nhất (phạm vi đo từ 0 đến 50 µl/l). Tiến hành ghi lượng CO2 thoát ra từ mẫu trên màn hình hoặc thiết bị tự ghi theo microlit trên lít trong 1 phút.
Chú thích: Sự thao tác của các van và độ nhạy của thang đo có thể được thực hiện bởi chương trình điện tử và các van kiểm tra điện. Phép đo có thể tiến hành khép kín, nhưng hệ thống phân tích phải đo được diện tích các đỉnh và nhằm xác định chính xác lượng CO2 sản sinh ra trong mẫu.
Với các máy phân tích có thang đo phi tuyến, không tuyến tính thì giá trị thu được cần phải chuyển đổi thành microlit trên lít nhờ đường cong chuẩn.
6.5. Số lần xác định
Thực hiện 2 lần xác định trên cùng một phần mẫu thử.
7. Biểu thị kết quả
7.1. Phương pháp phân tích khí
7.1.1. Tính toán và công thức
Nồng độ CO2 của không khí chiếm khoảng không giữa các hạt của 1 kg hạt sau 24 giờ ổn nhiệt ở 250C tính bằng phần trăm thể tích, theo công thức sau:
Trong đó:
C1 và C2 là kết quả của 2 lần đo nồng độ CO2 tính bằng phần trăm thể tích đo được trên mỗi phần mẫu thử;
m0 là khối lượng phần mẫu thử tính bằng gam;
Lấy giá trị trung bình cộng của 2 lần xác định, nếu đáp ứng được điều kiện lặp lại (xem 7.1.2) (v/v).
7.1.2. Độ lặp lại
Sự khác nhau giữa kết quả của 2 lần xác định liên tiếp của cùng một người phân tích không được quá 2% (v/v).
7.2. Phương pháp hồng ngoại
7.2.1 Tính toán và công thức:
Nồng độ CO2 sản sinh trong 1 phút trong khoảng không giữa các hạt của 1 kg hạt, tính bằng microlit trên lít theo công thức:
Trong đó:
C là nồng độ CO2 sản sinh trong 1 phút trong khoảng không giữa các hạt của mẫu thử, tính bằng microlit trên lít;
m0 là khối lượng mẫu thử, tính bằng gam.
Lấy giá trị trung bình cộng của 2 lần xác định, nếu đáp ứng được điều kiện lặp lại (xem 7.2.2) (v/v).
7.2.2. Độ lặp lại
Sự khác nhau giữa kết quả của 2 lần xác định liên tiếp của cùng một người phân tích không được quá 2 µl/(l.phút).
8. Diễn giải kết quả
8.1. Phương pháp phân tích khí
Diễn giải kết quả bằng phương pháp phân tích khí đối với lúa mì, đậu Hà Lan, đậu hạt, đậu tây, đậu bơ, gạo xát, ngô vàng hạt nhỏ, và các hạt ngũ cốc nhỏ, cứng không vỏ tương tự được trình bày trong bảng 1.
Chú thích – Đối với các hạt ngũ cốc khác cần lấy hệ số điều chỉnh thể tích khoảng không trong khối hạt và nồng độ CO2 nhận được phải nhân với hệ số điều chỉnh. Một số hệ số điều chỉnh của một số hạt ngũ cốc như sau:
Hạt lanh: 0,89
Hạt ngô trắng to: 1,18
Đại mạch: 1,25
Yến mạch: 1,39
8.2. Phương pháp hồng ngoại
Giải thích kết quả theo bảng 2.
9. Báo cáo kết quả
Báo cáo kết quả chỉ rõ phương pháp đã dùng, số lần xác định và kết quả thu được. Cũng phải bao gồm tất cả các chi tiết thao tác không nêu trong tiêu chuẩn này hoặc mọi sự cố có thể làm ảnh hưởng tới kết quả.
Báo cáo kết quả cũng phải nêu ra tất cả mọi thông tin về nhận biết mẫu.
Bảng 1 – Giải thích kết quả bằng phân tích khí
Lượng CO2 sản sinh, % CO2 (v/v) đối với 1 kg sau 24 giờ ổn nhiệt | Giải thích |
Nhỏ hơn 0,2 | Có thể không bị nhiễm côn trùng, lặp lại thử nghiệm trên mẫu khác để khẳng định. |
0,2 | Bị nhiễm côn trùng nhẹ, lặp lại mẫu khác để khẳng định. |
0,3 – 0,5 | Bị nhiễm nhẹ đến vừa, khối hạt không thích hợp để bảo quản lâu hơn 2 tháng nếu không xử lý. |
0,6 – 0,9 | Bị nhiễm côn trùng vừa đến nặng. Khối hạt phải được xông trùng ngay. |
1,0 và lớn hơn | Bị nhiễm côn trùng nặng, khối hạt ở trạng thái nguy hiểm và hoàn toàn không thích hợp để bảo quản. |
Bảng 2 – Giải thích kết quả của phương pháp phân tích hồng ngoại
Tốc độ sản sinh CO2, µl/(l.ph) đối với 1 kg hạt | Giải thích |
Nhỏ hơn 1,0 | Có thể không bị nhiễm côn trùng, các đỉnh nhỏ ổn định chứng tỏ có thể bị nhiễm côn trùng nhẹ. Lặp lại trên mẫu khác để khẳng định. |
1,0 – 1,9 | Có thể bị nhiễm côn trùng nhẹ, lặp lại trên mẫu khác để khẳng định. |
2,0 – 3,9 | Bị nhiễm côn trùng nhẹ đến vừa, khối hạt không thích hợp để bảo quản lâu hơn 2 tháng nếu không được xử lý. |
4,0 – 5,9 | Bị nhiễm côn trùng vừa đến nặng, khối hạt phải được xông trùng ngay. |
6,0 và cao hơn | Bị nhiễm côn trùng nặng, khối hạt ở trạng thái nguy hiểm và không thích hợp để bảo quản. |
Chương 2.
10. Nguyên tắc
Ép phần mẫu thử đã loại côn trùng sống thấy được bằng mắt thường và ép chúng vào giấy trắng tẩm ninhydrin.
Khi khối hạt bị nhiễm côn trùng bị ép, các axít amin trong cơ thể của côn trùng phản ứng với ninhydrin tẩm trong giấy tạo ra các vết màu đỏ, còn các axit amin của hạt không được giải phóng và không tạo phản ứng.
Chú thích: Hạt có độ ẩm cao có thể tạo phản ứng sau 2 hoặc 3 ngày.
Đếm số vết đỏ trên giấy. Số lượng đó chỉ mức độ nhiễm côn trùng ẩn náu của mẫu.
11. Thiết bị, dụng cụ
11.1. Sàng (xem 4.1)
11.2. Máy nghiền, nếu có yêu cầu thì dùng để nghiền dập các hạt lớn.
11.3. Dụng cụ chia mẫu hạt (xem ISO 950)
11.4. Thiết bị phát hiện (detector) sự nhiễm côn trùng, vận hành thủ công hoặc bằng điện, gồm 2 trục thép chuyên dùng có bề mặt thô, cách nhau 0,75 mm, băng giấy có tẩm ninhydrin liên tục đi qua giữa 2 trục này (xem hình 3).
Chú thích: Thiết bị Ashman Simon là thích hợp.
11.5. Giấy tẩm ninhydrin
Dùng cuộn giấy trắng rộng 57 mm và dài 50 m đã tẩm ninhydrin hoặc được chuẩn bị như sau: Cho giấy chưa xử lý đi qua dung dịch 10g/l của ninhydrin trong cồn công nghiệp đã biến tính. Cuộn giấy lại và để khô ở 200C – 250C và độ ẩm tương đối từ 40% - 60%, trong chỗ tối ít nhất 3 ngày.
Gói giấy đã xử lý bằng giấy kim loại và bảo quản ở nơi không có ánh sáng. Nếu có thể thì bảo quản ở 200C – 250C và độ ẩm tương đối từ 40% - 60%. Trong những điều kiện như vậy có thể bảo quản ổn định giấy tẩm ninhydrin trong 2-3 năm.
11.6. Cân, có độ chính xác đến 0,1g.
12. Lấy mẫu
Lấy mẫu theo ISO 6639/2
13. Cách tiến hành
13.1. Chuẩn bị mẫu thử và phần mẫu thử
Dùng sàng (11.1) để loại tất cả các tạp chất lạ và côn trùng tự do ra khỏi mẫu. Nếu cần có thể nhận diện và đếm số côn trùng tự do đó theo giống và loài.
Cân lượng mẫu đã sàng và dùng dụng cụ chia mẫu (11.3) để chia nhỏ mẫu theo yêu cầu (xem 13.3 và điều 15). Mỗi phần thử phải chứa ít nhất 1000 hạt (xem ISO 520). Các phần thử gồm các hạt có kích thước lớn cần được nghiền dập và sàng trước khi thử.
Cân phần mẫu thử và/ hoặc đếm số hạt có trong phần mẫu thử.
Chuẩn bị thiết bị phát hiện (detector) phát hiện sự nhiễm côn trùng (11.4) và cho phần mẫu thử qua máy theo hướng dẫn sử dụng của nhà chế tạo.
13.2. Xác định
Lấy dải giấy đã dùng trong thử nghiệm ra khỏi máy phát hiện (detector). Chú ý rất cẩn thận chỉ cầm phần cuối của dải giấy vì axit amin trên da tay cũng có thể tác dụng với ninhydrin tạo ra các vết đỏ (có thể tránh điều này bằng cách đeo găng hoặc dùng kẹp), và để yên cho các vết đỏ hiện rõ. Ở 200C và nhiệt độ môi trường cao hơn, các vết đỏ hiện rõ trong vòng 1 giờ, tuy nhiên phải cần đến 24 giờ để đạt được cường độ màu cực đại.
Ở nhiệt độ thấp hơn hoặc nếu cần thiết phải hiện màu nhanh thì sấy băng giấy đó ở tủ sấy ở 500C hoặc có thể hơ băng đó cẩn thận trên ngọn đèn cồn hoặc bóng điện (tránh không được để cháy)
Khi các vết đỏ đã hiện rõ, dùng bút chì khoanh chu vi từng vết cẩn thận để phân biệt các vết gần nhau tránh nhầm lẫn.
Bỏ qua tất cả các vết không phải màu đỏ trên giấy.
Đếm số vết đã đánh dấu.
13.3. Số lần xác định
Tiến hành hai lần xác định trên cùng một mẫu thử (xem điều 15).
14. Biểu thị kết quả
Biểu thị sự nhiễm côn trùng bằng số côn trùng ẩn náu trên 1 kg hoặc trên 100 hạt, lấy giá trị trung bình cộng của 2 lần xác định.
15. Diễn giải kết quả
Nếu không phát hiện côn trùng trong 2 phần mẫu thử đầu tiên thì cần lặp lại thí nghiệm tới 10 phần mẫu thử trước khi đi đến kết luận chắc chắn là mẫu hạt không bị nhiễm côn trùng. Tuy vậy nên nhớ rằng trứng và ấu trùng nhỏ có thể không phát hiện được bằng phương pháp này. Do đó nên thử nghiệm lại lô hạt không bị nhiễm này sau 2 đến 4 tuần.
Hiệu quả của phương pháp này cũng thay đổi phụ thuộc vào loài côn trùng, kích thước và chủng loại của hạt đưa vào thử nghiệm. Tuy vậy vẫn còn phân vân là có thể hoặc có nên đề cập đến hệ số điều chỉnh đối với các loại hạt và các loài côn trùng khác nhau hay không, hoặc điều này có cần thiết trong thương mại hay không.
Nói chung, cần ghi nhận kết quả thử nghiệm dương tính để chỉ khối hạt đó không an toàn cho việc bảo quản. Một vết đỏ đại diện cho một côn trùng trong phần thử và một cách tương đối có thể coi một ít vết đỏ, xuất hiện không đều đặn trên giấy qua một vài lần thử nghiệm là biểu hiện của sự nhiễm côn trùng nhẹ đến vừa. Nhiều vết đỏ nói lên sự nhiễm côn trùng nặng đòi hỏi phải xử lý ngay. Tuy nhiên, trước khi quyết định bất kỳ một giải pháp nào cũng nên xác định xem khối hạt đã được xử lý hiệu quả chưa và cách đó bao lâu. Nguyên nhân là vì đối với phương pháp này côn trùng chết vẫn tiếp tục cho kết quả dương tính cho tới khi xác chúng bị khô kiệt. Một con côn trùng lớn có thể bị khô kiệt sau vài tuần.
16. Báo cáo kết quả
Báo cáo kết quả phải chỉ rõ phương pháp đã dùng, số lần xác định và kết quả đạt được. Cũng cần ghi nhận mọi chi tiết thao tác không ghi trong tiêu chuẩn này hoặc không bắt buộc cùng với bất kỳ chi tiết bất thường nào mà ảnh hưởng tới kết quả.
Báo cáo kết quả phải bao gồm mọi thông tin cần thiết về nhận diện một cách đầy đủ về mẫu thử.
Hình 3 – Thiết bị để phát hiện sự nhiễm côn trùng ẩn náu bằng Ninhydrin
Chương 3.
17. Nguyên tắc
Sự nhiễm côn trùng ẩn náu làm giảm khối lượng hạt. Khi ngâm một hỗn hợp gồm các hạt lành và hạt bị côn trùng phá hoại vào một dung dịch thử, trong đó hạt lành chìm xuống còn hạt bị nhiễm côn trùng sẽ nổi lên bề mặt. Sự phân chia như vậy không phải khi nào cũng chính xác, bởi vì những hạt bị nhiễm ấu trùng ở giai đoạn phát triển đầu vẫn bị chìm còn những hạt không bị nhiễm côn trùng nhưng có các túi không khí nhỏ bên trong lớp vỏ hoặc bị hư hại khác vẫn có thể nổi. Những hạt nổi được cắt để xem xét và khẳng định sự có mặt của côn trùng.
18. Thiết bị, dụng cụ
18.1. Tỷ trọng kế nổi để đo tỷ trọng tương đối trong giới hạn 1,100 đến 1,300.
18.2. Ống dong, dung tích 500ml.
18.3. Sàng (xem 4.1)
18.4. Cân, có độ chính xác 0,01g.
18.5. Dụng cụ chia mẫu (xem ISO 950).
18.6. Cốc có mỏ, dung tích 1000 ml.
18.7. Vợt để vớt hạt nổi.
19. Lấy mẫu
Lấy mẫu theo ISO 6639/2
20. Dung dịch thử
Dung dịch thử thích hợp có thể được chuẩn bị bằng cách hòa tan natri silicat, amon nitrat hoặc glyxerol trong nước. Lượng dung môi hòa tan cần thiết để pha 1000ml dung dịch thử với tỷ trọng chính xác được tính dựa vào hình 4. Dùng tỷ trọng kế (18.1) và ống dong (18.2) kiểm tra tỷ trọng tương đối của dung dịch. Nếu cần, thêm một lượng nhỏ dung môi hòa tan hoặc nước để điều chỉnh tỷ trọng của dung dịch với sai số ± 0,005 so với tỷ trọng yêu cầu.
Chú thích: Vì khối lượng riêng của hạt phụ thuộc vào giống loài và các yếu tố khác, nên tỷ trọng tương đối của dung dịch thử cũng phải thay đổi, vì vậy trên thực tế, tỷ trọng tương đối cần được xác định bằng thực nghiệm.
Sau đây là một số giá trị tỷ trọng tương đối của dung dịch thử dùng để tham khảo:
Lúa mì: 1,15
Ngô và cao lương: 1,19
Gạo xát trắng: 1,27
Đậu Hà Lan: 1,27
21. Cách tiến hành
21.1. Chuẩn bị mẫu thử và phần mẫu thử
Dùng sàng (18.3) để loại tạp chất ra khỏi mẫu. Cân mẫu đã sàng và dùng dụng cụ chia mẫu (18.5) để chia thành những phần mẫu thử, mỗi phần chứa khoảng 500 hạt. Đếm số hạt trong phần mẫu thử.
21.2. Xác định
Cho phần mẫu thử vào cốc có mỏ (18.6) có chứa dung dịch thử, khuấy mạnh, trộn đều và để yên trong 10 phút, cách 1 phút khuấy nhẹ để giải phóng bọt khí bám trên hạt. Khi hạt đã ổn định sau lần khuấy cuối cùng, dùng vợt (18.7) với tất cả hạt nổi. Phân loại và đếm toàn bộ số hạt có biểu hiện thấy sự nhiễm côn trùng (lỗ trên vỏ hạt hoặc lỗ hổng xuyên qua hạt) dùng dụng cụ thích hợp cắt số hạt còn lại và đếm số hạt phát hiện thấy có ấu trùng, nhộng và trứng côn trùng.
21.3. Số lần xác định
Tiến hành hai lần xác định trên cùng một mẫu thử.
22. Biểu thị kết quả
22.1. Tính toán
Mức độ nhiễm côn trùng được tính ra phần trăm số hạt bị nhiễm và lấy giá trị trung bình cộng của 2 lần xác định.
22.2. Độ lặp lại
Sự khác biệt kết quả giữa 2 lần xác định và giá trị trung bình cộng không được quá giới hạn chỉ ra trong hình 5. Nếu vượt quá giới hạn lặp lại này phải làm lại thí nghiệm trên mẫu thử khác cho tới khi đạt được yêu cầu.
23. Diễn giải kết quả
Do hạn chế như đã nêu trong điều 17, phương pháp này chỉ cho phép đánh giá mức độ nhiễm côn trùng thấp hơn so với mức độ hiện có. Vì vậy kết quả mang tính định tính hơn là định lượng. Cần dùng phương pháp chính xác hơn nếu kết quả định lượng được xem là quan trọng.
24. Báo cáo kết quả
Báo cáo kết quả phải chỉ rõ phương pháp đã dùng, số lần xác định và kết quả đạt được. Cũng cần ghi nhận mọi chi tiết thao tác không ghi trong tiêu chuẩn này hoặc không bắt buộc cùng với bất kỳ chi tiết bất thường nào mà ảnh hưởng tới kết quả.
Báo cáo kết quả phải bao gồm mọi thông tin cần thiết về nhận diện một cách đầy đủ về mẫu thử.
Hình 4 – Hướng dẫn chuẩn bị dung dịch thử với tỷ khối tương đối cho trước
Hình 5 – Giới hạn độ lặp lại đối với phương pháp nổi hạt nguyên
(Đường cong biểu hiện giới hạn lặp lại với độ tin cậy 95% đối với các mẫu đại diện khoảng 500 hạt).
Chương 4.
25. Nguyên tắc
Cho phần mẫu thử vào trong hộp mẫu bên trong hộp không xuyên âm. Một thiết bị nhạy cảm với rung động âm thanh được đặt trong hộp mẫu và nối với hệ thống khuyếch đại, thiết bị này sẽ truyền tiếng ồn từ hoạt động ăn của côn trùng ẩn náu trong hạt tới máy ghi âm hoặc nghe trực tiếp. Việc đánh giá độ nhiễm tương đối của côn trùng ẩn náu được căn cứ theo mức độ tiếng ồn của âm thanh truyền ra.
26. Thiết bị, dụng cụ
16.1. Thiết bị phát hiện âm thanh gồm các chi tiết sau: (xem hình 6)
A- Hộp cách rung và không xuyên âm B- Hộp chứa mẫu hạt C- Phần tử nhạy cảm với rung động âm thanh | D- Hộp điều khiển và khuyếch đại tín hiệu E- Hệ thống nghe trực tiếp (tai nghe hoặc loa) F- Hệ thống ghi âm |
Hình 6 – Thiết bị phát hiện âm thanh
26.1.1. Hộp, không xuyên âm bằng cách phủ 1 lớp vật liệu có tính cách âm cao (thí dụ: bọt đá hoặc bọt nhựa có mật độ cao có chì), miệng hộp được đậy kín để ngăn tiếng ồn từ bên ngoài, bên trong đặt một hộp nhựa mỏng hình trụ có nắp kín (thí dụ: PVC mật độ cao) để chứa mẫu. Phần tử nhạy cảm với rung động được đặt ở tâm hộp chứa mẫu và được nối bằng dây cáp mềm hoặc cáp dài tới ổ cắm ở mặt ngoài của hộp.
Hộp được đặt trên một hệ thống giá đàn hồi (thí dụ: đệm cao su).
Chú thích:
1) Việc bố trí các bộ phận của hộp không xuyên âm có thể thay đổi nhưng vẫn phải đạt được cùng hiệu quả cách rung động truyền qua không khí và rung động cơ học.
2) Dung tích của hộp chứa mẫu không quá 1 lít.
26.1.2. Hệ thống khuyếch đại điện tử, gồm một bộ tiền khuyếch đại cho phép khuyếch đại từ 50 đến 100 dB, tùy thuộc vào thiết bị, so với các đặc tính của phần tử nhạy rung, với dải tần số từ 600 – 4000 Hz và tỷ số giữa tín hiệu và âm thanh nền ít nhất là 120 dB/V.
Chú thích: Để cải thiện tỷ lệ trên có thể bố trí bộ lọc nhằm giảm chiều rộng của dải âm tần (tần số điều chỉnh trung tâm đối với mọt gạo đầu dài khoảng 2 KHz). Nên dùng bộ lọc có thiết bị hiện số.
26.1.3. Tai nghe, hệ thống đếm và hệ thống ghi
a) Tai nghe và loa phóng thanh được nối với bộ khuyếch đại để nghe trực tiếp tiếng động phát ra từ côn trùng ẩn náu.
b) Thiết bị phát hiện điện thế và cường độ dòng điện điện đầu vào và hệ thống ghi xung điện vượt quá giới hạn điều chỉnh được.
c) Dây dẫn điện trở thấp để nối với bộ điều khiển giao động hoặc thiết bị ghi băng từ.
26.1.4. Tấm đệm bằng loại vật liệu cách ly tốt, được đặt giữa hộp và giá đỡ ngang nhằm hạn chế sự truyền giao động cơ học (điều này có thể bỏ qua nếu dùng hộp cách ly tốt).
26.2. Sàng (xem 4.1)
26.3. Thiết bị chia hạt (xem ISO 950)
27. Lấy mẫu
Theo ISO 6639/2
28. Cách tiến hành
Chú thích:
1) Phải tiến hành thử với mẫu có nhiệt độ lớn hơn hoặc bằng 200C.
2) Một số thiết bị có kèm hệ thống gia nhiệt mẫu nhằm tăng sự hoạt động của côn trùng, việc gia nhiệt ban đầu chiếm khoảng 20 phút trước mỗi lần xác định.
28.1. Chuẩn bị mẫu thử và phần mẫu thử
Dùng sàng (26.2) để loại bỏ tất cả các côn trùng tự do. Nếu cần có thể nhận diện và đếm côn trùng tùy theo loài và giai đoạn phát triển. Dùng thiết bị chia mẫu (26.3) để chia mẫu thành những phần mẫu thử cần thiết (28.3). Mỗi phần mẫu thử phải có khối lượng như nhau hoặc chênh lệch chút ít đủ để đổ đầy ống trong hộp (26.1.1) và không được ít hơn 500 hạt.
28.2. Chuẩn bị thiết bị
Nếu cần thiết, đặt hộp không xuyên âm lên lớp đệm cách rung (26.1.4). Đậy nắp hộp chứa mẫu rỗng, đặt hộp mẫu vào hộp không xuyên âm và đậy nắp. Nối bộ tăng âm với thiết bị nghe hoặc ghi và điều chỉnh cho đến khi có được âm thanh ban đầu đều liên tục và thấp, ngắt điện.
Chú thích: Với hệ thống ghi âm cần kiểm tra định kỳ sự lắp đặt ban đầu (thí dụ: dựa vào sự ghi thử trên băng từ).
28.3. Xác định
Cho đầy mẫu thử vào hộp chứa mẫu, lắc nhẹ để dồn hạt xuống đáy, đóng nắp, đặt hộp mẫu vào hộp không xuyên âm và đậy nắp. Chờ 5 phút để hạt ổn định, sau đó đóng mạnh hệ thống phát điện. Nghe những âm thanh đặc trưng cho hoạt động của côn trùng 5 lần mỗi lần 1 phút hoặc ghi lại trong khoảng thời gian 5 phút.
Chú thích: Trong khi ghi có thể dùng thiết bị nghe để kiểm tra sự cố và điều chỉnh tín hiệu nguồn phát hiện.
Sau khi tắt máy, lấy mẫu thử ra khỏi hộp chứa và cân với độ chính xác đến 1 gam.
28.4. Số lần xác định
Tiến hành 2 lần xác định trên cùng một mẫu thử.
29. Biểu thị kết quả
29.1. Nghe trực tiếp
Kết quả mỗi lần nghe 1 phút được ghi riêng và chỉ rõ có hay không sự hoạt động của côn trùng ẩn náu.
Cường độ tương đối của hoạt động côn trùng được đánh giá nhằm phân loại mức độ nhiễm côn trùng.
29.2. Tính bằng máy ghi
Số lượng xung ghi được trong 5 phút được tính ra số xung trung bình của 1 phút.
30. Diễn giải kết quả
Với số lần âm thanh ghi được trong 1 phút nhỏ hơn 1, thì có thể coi như mẫu không bị nhiễm côn trùng.
Với 1 âm thanh trong 1 phút, mẫu có thể đã bị nhiễm côn trùng.
Với 2 âm thanh trong 1 phút, mẫu đã bị nhiễm nhẹ và phải được quan sát cẩn thận.
Nếu số lần âm thanh ghi được trong 1 phút lớn hơn 5 thì mẫu bị nhiễm nặng, phải được khử trùng.
Nếu thấy tiếng ồn liên tục, chứng tỏ mức độ nhiễm là trầm trọng hoặc có thể có 1 số côn trùng trưởng thành còn lại trong mẫu (sàng lại trước khi thực hiện cho phép đo mới).
31. Báo cáo kết quả
Báo cáo kết quả phải chỉ rõ phương pháp đã dùng, số lần xác định và kết quả đạt được. Cũng cần ghi nhận mọi chi tiết thao tác không ghi trong tiêu chuẩn này hoặc không bắt buộc, cùng với bất kỳ chi tiết bất thường nào mà ảnh hưởng tới kết quả.
Báo cáo kết quả phải bao gồm mọi thông tin cần thiết về nhận diện một cách đầy đủ về mẫu thử.
Chương 5.
32. Nguyên tắc
Trải phần mẫu thử ra một lớp hạt có chiều dày bằng 1 hạt giữa nguồn tia X và phim X – quang. Chiếu tia X, sau đó bằng mắt thường quan sát phim sau khi đã tráng, để phát hiện sự tồn tại côn trùng ở trong hạt.
33. Thiết bị
33.1. Thiết bị phát tia X
Một nguồn phát tia X với những đặc tính sau được coi là phù hợp:
3.3.1.1. Nguồn điện
Tiêu thụ điện năng của thiết bị không quá 2 Kw.
33.1.2. Ống tia X
Ống tia X phải có khả năng tạo ra tia X với công suất đâm xuyên thấp. Để đạt được mục đích này ống tia X thường được lắp cửa sổ berilium.
Tiêu điểm của tia X phải càng nhỏ càng tốt.
33.1.3. Kiểm tra thiết bị phát tia X
Đối với hầu hết các loại hạt, thường dùng thiết bị tạo tia X làm việc ở điện thế khoảng 20Kv và cường độ dòng điện 5 mA. Một vài trường hợp có thể dùng tia X có năng lượng cao hơn, tới 50 Kv. Trong trường hợp này hiệu điện thế phải được thay đổi từ từ, liên tục hoặc từng nấc một từ 15 Kv đến 50 Kv và cường độ dòng điện từ 0 đến 20 mA.
Chú thích: Những hiệu điện thế chỉ ra ở trên là điện thế điểm đỉnh.
Thiết bị phát tia X phải có vôn kế để chỉ hiệu điện thế của ống. Nguồn điện tạo ra điện thế đó có thể thay đổi.
Việc bố trí một đồng hồ điện chỉ ra thời gian để tắt máy vào lúc kết thúc bức xạ tuy không bắt buộc song cũng cần thiết.
Đồng hồ điện chỉ thời gian này phải có khoảng thời gian làm việc ít nhất 10 phút.
33.1.4. Lắp đặt
Ống tia X phải được lắp đặt sao cho, trong thời gian bức xạ luồng tia X hữu ích bao phủ toàn bộ tấm phim X – quang đang dùng.
33.1.5. Bảo vệ phóng xạ
Thiết bị tạo tia X và việc lắp đặt nó phải tuân theo các quy định hiện hành của từng nước liên quan đến cấu tạo của nguồn tạo tia X, các phụ tùng của nó và việc lắp đặt sử dụng tia X.
Thiết bị được đặt trong một phòng bảo vệ thích hợp đáp ứng mọi quy định về bảo vệ phóng xạ quốc gia. Chì là một vật liệu bảo vệ thích hợp nhất và độ dầy từ 1,5 – 2,0 mm thường là hợp lý. Nó thường được ghép với một loại vật liệu gỗ dán hoặc thép làm giá đỡ. Việc thay đổi mẫu và phim được tiến hành thông qua cửa sổ vốn được trang bị một công tắc điện nhằm đảm bảo cho thiết bị tự động đóng cửa nếu cửa mở và vẫn giữ nguyên đóng trong suốt thời kỳ cửa mở.
Nguồn ra của tia X qua cửa sổ berilium là tương đối cao do vậy phải đặc biệt quan tâm khi thiết kế buồng bảo vệ.
Dùng thiết bị kiểm tra phóng xạ để kiểm tra sự rò rỉ tia X trong vòng thời gian không quá 3 tháng[1].
33.1.6. Tiếp đất
Thiết bị phải được nối với đất an toàn.
33.2. Sàng (xem 4.1)
33.3. Lưới đan sợi kim loại: có lỗ với kích thước 30 mm và tổng diện tích đủ lớn để phủ hết tấm phim được dùng.
Chú thích: Để hạt khỏi bị rơi trong quá trình thao tác có thể phủ trên tấm lưới kim loại một lớp giấy tự dính. Lớp dính của giấy hướng lên trên. Hạt được rải lên trên lớp dính đó.
33.4. Phim X-quang thích hợp có diện tích ít nhất là 750 cm2, hóa chất tráng, rửa phim và thiết bị.
33.5. Màn chắn để quan sát phim đã rửa.
34. Lấy mẫu
Theo ISO 6639/2
35. Cách tiến hành
35.1. Sàng
Dùng sàng (33.2) tách toàn bộ côn trùng sống tự do ra khỏi mẫu
35.2. Phần mẫu thử
35.2.1. Phần mẫu thử chuẩn (sử dụng khi có tranh chấp)
Cân chính xác đến 0,1g phần mẫu thử đủ để phủ toàn bộ tấm phim có diện tích 750 cm2 bằng một lớp hạt có chiều dầy 1 hạt.
Chú thích – Một lượng hạt như vậy chứa khoảng 10.000 hạt mì hoặc 3000 hạt ngô đối với phim có diện tích 1.200 cm2.
35.2.2. Phần mẫu thử nhỏ
Có thể sử dụng phần mẫu thử nhỏ hơn (thí dụ: 1000 đến 1200 hạt lúa mì) để xác định mức độ nhiễm côn trùng với độ chính xác chấp nhận được. Phần mẫu thử nhỏ này dùng cho phương pháp kiểm tra nhanh có thể thay thế cho mẫu ở điều 35.2.1 theo thỏa thuận của các bên liên quan.
35.3. Dàn phần mẫu thử
Đặt lưới kim loại lên phong bì chứa phim. Dàn mẫu thành lớp có độ dầy 1 hạt. Nhờ vậy mọi hạt sẽ tựa một mặt hạt lên mặt lưới trong khi chiếu tia X.
35.4. Nhận dạng phim
Lấy hình hoặc chữ làm bằng vật liệu chắn ánh sáng đặt lên mặt phim có chứa hạt. Hình hoặc chữ này sẽ xuất hiện trên phim sau khi chiếu nhờ đó cho phép nhận dạng được phim.
35.5. Chiếu
Trong quá trình chiếu phim vẫn nằm nguyên trong phong bì không thẩm thấu ánh sáng. Đặt phim vào máy theo bản hướng dẫn đi kèm.
Cần lưu ý phải đáp ứng mọi yêu cầu về an toàn.
Chọn khoảng thời gian chiếu phù hợp với bản chất của mẫu và phim đang dùng, sao cho có thể nhận được mật độ phim thỏa đáng (xem 37.1).
Nếu có dụng cụ đo mật độ phim, nên đạt được mật độ 1,0.
35.6. Tráng phim
Sau khi chiếu, phim được tráng, rửa theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất (xem 37.2)
35.7. Kiểm tra và giải thích phim (xem 37.2)
Dùng màn chắn (33.5) để kiểm tra phim và đếm số hạt bị nhiễm côn trùng.
Nhìn chung, hạt ngũ cốc hoặc hạt đậu đều có màu trắng hoặc xám trên âm bản. Bất kỳ lỗ hỏng nào trong hạt cũng được thể hiện bằng vùng đen, còn côn trùng trong các lỗ đó sẽ cho màu sáng.
35.8. Số lần xác định
Tiến hành ba lần xác định trên cùng một mẫu thử.
36. Biểu thị kết quả
36.1. Đếm số hạt bị nhiễm côn trùng tìm thấy trong 3 lần xác định và tính số hạt bị nhiễm côn trùng trên một kilogam.
36.2. Kết quả có thể được thể hiện bằng tỷ lệ phần trăm số hạt bị nhiễm côn trùng trên tổng số hạt có trong mẫu thử.
37. Một số lưu ý khi chiếu, tráng và giải thích phim
37.1. Chiếu và tráng phim
Việc chiếu và hiện điện thế cần thay đổi tùy thuộc sản phẩm đưa vào thử nghiệm vào mức độ thẩm sáng và sự tương phản theo yêu cầu. Điện thế thấp cho mức độ thẩm sáng của hạt ít hơn điện thế cao. Đối với hạt nhỏ nên dùng điện thế thấp nhằm đạt được hình ảnh cần thiết để phát hiện được trứng.
Hàm lượng ẩm của hạt cũng quan trọng: hạt có hàm lượng ẩm cao đòi hỏi điện thế cao nhằm thỏa mãn mức thẩm sáng bởi tia X.
Cần phải tráng phim theo hướng dẫn của nhà sản xuất, thí dụ đối với nồng độ và nhiệt độ của thuốc rửa ảnh. Thời gian rửa ảnh có thể thay đổi, nếu chưa có kinh nghiệm thì nên chọn thời gian trung bình mà nhà sản xuất đưa ra.
Thời gian rửa ảnh thích hợp nhất có thể xác định như sau:
a) Chiếu toàn bộ diện tích phim được phủ hạt trong 15 giây ở 20 Kv và 5 mA.
b) Phủ 1/3 diện tích phim bằng tấm thép hoặc đồng (dày 1,25 mm) ở phía trên hạt và chiếu thêm 5 giây nữa.
c) Phủ 1/3 bề mặt khác và lại chiếu thêm 5 giây.
d) Trên tấm phim hiện tại có 3 vùng được chiếu khác nhau: 15, 20 và 25 giây.
Nếu sau khi xác định được thời gian chiếu thích hợp nhất mà độ thẩm tia X tại 20 Kv tỏ ra quá lớn hoặc quá bé, thì lặp lại các thao tác trên, điều chỉnh điện áp từ 15 đến 30 Kv, cách 5v một, để tìm được hiệu điện thế thích hợp nhất.
Sau khi tráng và định hình phim trong điều kiện trên, có thể chọn ra hiệu điện thế và khoảng thời gian thích hợp nhất và sau này dùng chúng đối với các hạt tương tự.
Chú thích:
1) Có thể sử dụng phim X-quang có tốc độ phản ứng khác nhau, song thời gian chiếu phải được xác định sao cho các điều kiện khác không bị ảnh hưởng.
c) Sự tráng các phim phóng xạ bằng ảnh trực tiếp có thể tiến hành tốt nếu như làm các thí nghiệm nhanh hơn và tuân theo một số quy tắc nghiêm ngặt về phương thức tráng phim và rửa theo phương thức cổ điển (bằng cách loại trừ các dung dịch …)
37.2. Luận giải phim
Trứng và ấu trùng nhỏ ngẫu nhiên có thể được nhận ra trong các mẫu chiếu thử nghiệm tổng quát . Tuy vậy, tỷ lệ tìm được sẽ phụ thuộc vào chiều nằm của hạt trong thời gian chiếu, điện thế của thiết bị, loại côn trùng, loại hạt và điều kiện thao tác. Không thể dùng kỹ thuật tia X để phát hiện hết mọi trứng và ấu trùng ở giai đoạn sơ khai. Nếu điều đó là quan trọng, thì mẫu thử cần được giữ ở 250C sau khi thử nghiệm và kiểm tra lại với khoảng thời gian thích hợp.
Trong một vài trường hợp, có thể phát hiện ấu trùng chết, thí dụ trong trường hợp hạt vừa mới xông trùng.
Ấu trùng sống đôi khi có thể được phân biệt với ấu trùng vừa chết nhờ hình ảnh bị nhòe do sự chuyển động của ấu trùng sống gây ra trong khoảng thời gian chiếu phim dài. Điều này đòi hỏi kỹ năng phát hiện tốt, hơn nữa ấu trùng sống cũng có thể không chuyển động trong vài phút.
Kỹ thuật tia X cho phép đánh giá chính xác số lượng ấu trùng già, nhộng và các con trưởng thành.
Nếu đòi hỏi phải kiểm tra hạt bị nhiễm côn trùng, chúng có thể được nhận ra trên phim, sau đó dùng lưới để định vị trí của hạt, chọn chúng ra và cắt hạt để kiểm tra sự tồn tại của ấu trùng.
38. Báo cáo kết quả
Báo cáo kết quả phải chỉ rõ phương pháp đã dùng, số lần xác định và kết quả đạt được, ghi rõ phương pháp tính toán đã sử dụng. Cần ghi nhận các giai đoạn phát triển của côn trùng hiện tại. Cũng cần ghi nhận mọi chi tiết thao tác không ghi trong tiêu chuẩn này hoặc không bắt buộc, cùng với bất kỳ chi tiết bất thường nào mà ảnh hưởng tới kết quả.
Báo cáo kết quả phải bao gồm mọi thông tin cần thiết về nhận diện một cách đầy đủ về mẫu thử.
[1] Liều lượng liên quan đến an toàn cho người được ghi trong ISO 1757, ISO 1758, ISO 1759 và ISO 4071.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.