QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG - THUẬT NGỮ VÀ ĐỊNH NGHĨA
Environmental management - vocabulary
Lời nói đầu
TCVN ISO 14050 : 2009 thay thế TCVN ISO 14050 : 2000
TCVN ISO 14050 : 2009 hoàn toàn tương đương với ISO 14050 : 2002.
TCVN ISO 14050 : 2009 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn Quốc gia TCVN/ TC 207 Hệ thống quản lý môi trường biên soạn. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Lời giới thiệu
Tiêu chuẩn này gồm các khái niệm và định nghĩa được sử dụng trong bộ tiêu chuẩn TCVN ISO 14000 liên quan đến quản lý môi trường.
Thông tin liên lạc là quan trọng trong quá trình áp dụng và điều hành Hệ thống quản lý môi trường. Thông tin liên lạc sẽ hiệu quả nhất nếu có sự thông hiểu chung với các thuật ngữ được sử dụng.
Nhiều thuật ngữ và định nghĩa về môi trường xuất hiện từ nhiều khái niệm được phát triển gần đây. Sự tiến hóa dần dần của các khái niệm môi trường này có nghĩa là thuật ngữ học về môi trường sẽ tiếp tục phát triển. Mục đích của tiêu chuẩn này là truyền đạt sự thông hiểu các thuật ngữ đã được sử dụng trong các tiêu chuẩn thuộc bộ TCVN ISO 14000.
Thuật ngữ và định nghĩa trong tiêu chuẩn này được lấy ra từ các tiêu chuẩn sau đây về quản lý môi trường.
TCVN ISO 14001 : 2005 (ISO 14001 : 2004), Hệ thống quản lý môi trường - Quy định và hướng dẫn sử dụng;
TCVN ISO 14004 : 1997 (ISO 14004 : 1996) Hệ thống quản lý môi trường - Hướng dẫn chung về nguyên lý, hệ thống và các kỹ thuật hỗ trợ;
TCVN ISO 14010 : 1997 (ISO 14010 : 1996), Hướng dẫn đánh giá môi trường - Nguyên tắc chung;
TCVN ISO 14011 : 1997 (ISO 14011 : 1996), Hướng dẫn đánh giá môi trường - Thủ tục đánh giá - Đánh giá hệ thống quản lý môi trường;
TCVN ISO 14012 : 1997 (ISO 14012 : 1996), Hướng dẫn đánh giá môi trường - Chuẩn cứ trình độ đối với chuyên gia đánh giá môi trường
TCVN ISO 14020 : 2000 (ISO 14020: 1998), Nhãn môi trường và công bố môi trường - Nguyên tắc chung.
TCVN ISO 14021 : 2003 (ISO 14021: 1999), Nhãn môi trường và công bố môi trường - Tự công bố môi trường (Nhãn môi trường kiểu II).
ISO 14024 : 199S, Nhãn môi trường và công bố môi trường - Nhãn môi trường kiểu I - Nguyên tắc và thủ tục.
TCVN ISO 14025 : 2009 (ISO 14025: 2006), Nhãn môi trường và công bố môi trường - Nhãn môi trường kiểu III.
TCVN 14040 : 2009 (ISO 14040 : 2006), Quản lý môi trường - Đánh giá chu trình sống - Nguyên tắc và khuôn khổ.
TCVN ISO 14041 : 2000 (ISO 14041 : 1998), Quản lý môi trường - Đánh giá chu trình sống - Xác định mục tiêu, phạm vi và phân tích kiểm kê.
ISO 14031 : 1999, Environmental management - Environmental performance evaluation - Guidelines (Quản lý môi trường - Đánh giá tính năng môi trường - Hướng dẫn).
ISO 14042 : 2000, Environmental management - Life cycle assessment - Life cycle impact assessment (Quản lý môi trường - Đánh giá chu trình sống - Đánh giá tác động của chu trình sống).
ISO 14043 : 2000, Environmental management - Life cycle assessment - Life cycle interpretation (Quản lý môi trường - Đánh giá chu trình sống - Diễn giải chu trình sống).
Trong Phụ lục A bổ sung thêm các thuật ngữ dùng trong Báo cáo kỹ thuật ISO/TR 14061 : 1998 Thông tin trợ giúp cho tổ chức lâm nghiệp trong khi sử dụng tiêu chuẩn TCVN ISO 14001 và TCVN ISO 14004 Hệ thống quản lý môi trường.
Các khái niệm khác cũng có thể được coi là thuộc lĩnh vực quản lý môi trường nhưng không được định nghĩa trong tiêu chuẩn này. Tuy nhiên, để trợ giúp cho người sử dụng bộ tiêu chuẩn TCVN ISO 14000 về Quản lý môi trường, một số khái niệm như vậy được nêu ra nguồn tài liệu tham khảo trong Phụ lục B.
Người sử dụng tiêu chuẩn cần lưu ý rằng việc áp dụng và mô tả những khái niệm này là khác nhau trong cộng đồng thế giới. Các tài liệu tham khảo trong Phụ lục B không có ý đồ nhằm quảng bá hoặc xác nhận sử dụng các khái niệm này.
QUẢN LÝ MÔI TRƯỜNG - THUẬT NGỮ VÀ ĐỊNH NGHĨA
Environmental management - vocabulary
Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này gồm những định nghĩa của các khái niệm cơ bản liên quan đến quản lý môi trường đã được xuất bản trong bộ tiêu chuẩn TCVN ISO 14000.
Thuật ngữ và định nghĩa
Trong một số trường hợp, một khái niệm được sử dụng riêng trong một văn cảnh cụ thể thì trường hợp đó được chỉ ra trong ngoặc đặt trước định nghĩa.
Nguồn tài liệu liên quan đến thuật ngữ được đặt trong ngoặc đối với từng định nghĩa và chú thích. Nếu cùng định nghĩa xuất hiện nhiều hơn một tài liệu thì tài liệu nêu ra trước tiên là thuật ngữ được lấy ra từ nguồn đó.
1. Các thuật ngữ chung liên quan đến quản lý môi trường
1.1. Môi trường
Tất cả những thứ bao quanh nơi hoạt động của một tổ chức (1.4), bao gồm cả không khí, nước, đất, các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hệ thực vật, hệ động vật, con người và các mối quan hệ qua lại của chúng.
CHÚ THÍCH Tất cả những thứ bao quanh nói đến ở đây là trải rộng từ phạm vi một tổ chức đến hệ thống toàn cầu.
[TCVN ISO 14001]
1.2. Khía cạnh môi trường
Yếu tố của các hoạt động, sản phẩm hoặc dịch vụ của một tổ chức (1.4) mà có thể tương tác với môi trường (1.1).
CHÚ THÍCH Khía cạnh môi trường đáng kể là một khía cạnh có hoặc có thể có tác động môi trường (1.3) đáng kể.
1.3. Tác động môi trường
Mọi thay đổi đối với môi trường (1.1), dù là bất lợi hoặc có lợi, toàn bộ hoặc từng phần do các khía cạnh môi trường của một tổ chức (1.4) gây ra.
[ TCVN ISO 14001]
1.4. Tổ chức
Bất kỳ công ty, tập đoàn, hãng, xí nghiệp, cơ quan có thẩm quyền hoặc viện, hoặc một bộ phận hay kết hợp của chúng, dù là được tích hợp hay không, công hoặc tư mà có các chức năng và quản trị riêng của mình.
CHÚ THÍCH Với các tổ chức có nhiều đơn vị hoạt động, thì mỗi đơn vị hoạt động riêng lẻ cũng có thể được xác định như là một tổ chức.
[ TCVN ISO 14001]
1.5. Bên hữu quan
Người hoặc nhóm người có sự quan tâm đến tính năng hoạt động hoặc thành quả của một tổ chức hoặc một hệ thống.
CHÚ THÍCH 1 “Thành quả” gồm cả sản phẩm và các thỏa thuận ; “hệ thống” gồm cả hệ thống sản phẩm, nhãn môi trường và hệ thống công bố môi trường.
CHÚ THÍCH 2 Định nghĩa tổng quát này không phải được lấy trực tiếp từ nguồn tài liệu nào. Mà khái niệm này được định nghĩa riêng theo quan điểm tính năng hoạt động môi trường trong TCVN ISO 14001 (cùng với định nghĩa hoàn toàn tương đương trong TCVN ISO 14004 và ISO 14031), theo quan điểm ghi nhãn môi trường kiểu I trong ISO 14024, công bố môi trường kiểu III trong TCVN ISO 14025 và đánh giá chu trình sống của sản phẩm trong TCVN ISO 14040.
Các định nghĩa này là như sau:
- cá nhân hoặc nhóm người có liên quan đến hoặc bị ảnh hưởng do kết quả hoạt động về môi trường của một tổ chức.
[TCVN ISO 14001]
- bất cứ bên nào bị ảnh hưởng bởi một chương trình ghi nhãn môi trường kiểu I.
[ISO 14024]
- bất cứ bên nào bị ảnh hưởng bởi sự triển khai và áp dụng một công bố môi trường kiểu III.
[TCVN ISO 14025]
- cá nhân hoặc nhóm người có liên quan đến hoặc bị ảnh hưởng do kết quả hoạt động về môi trường của một hệ thống sản phẩm, hoặc do kết quả của việc đánh giá chu trình sống.
[TCVN ISO 14040]
1.6. Bên thứ ba
Cá nhân hoặc tổ chức được thừa nhận là độc lập với các bên liên đới khi quan tâm đến vấn đề.
CHÚ THÍCH 1 “Các bên liên đới” thông thường là đại diện cho lợi ích của nhà cung ứng (“bên thứ nhất”) và người tiêu thụ (“bên thứ hai”).
[ISO 14024]
CHÚ THÍCH 2 “Bên thứ ba” không ngụ ý nhất thiết phải là một cơ quan chứng nhận.
[ISO/TR 14025]
1.7. Chứng nhận
Thủ tục mà qua đó một bên thứ ba (1.6) cấp văn bản đảm bảo một sản phẩm, quá trình hoặc dịch vụ phù hợp với những yêu cầu đã qui định.
[ISO 14024]
1.8. Ngăn ngừa ô nhiễm
Sử dụng các quá trình, biện pháp thực hành, các vật liệu hoặc sản phẩm để tránh hoặc giảm thiểu hoặc kiểm soát ô nhiễm, có thể bao gồm tái chế, xử lý, thay đổi quá trình, cơ chế kiểm soát, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên và thay thế vật liệu.
CHÚ THÍCH Lợi ích tiềm tàng của ngăn ngừa ô nhiễm là gồm cả việc giảm các tác động môi trường (1.3) bất lợi, cải thiện hiệu quả và giảm bớt chi phí.
[TCVN ISO 14001 (ISO 14001)]
1.9. Chất thải
Bất cứ thứ gì mà chủ thải hoặc chủ lưu giữ không còn sử dụng đến nữa và được loại bỏ hoặc thải ra môi trường (1.1)
[ISO 14021]
CHÚ THÍCH “Chất thải” được định nghĩa theo quan điểm đánh giá chu trình sống của sản phẩm trong ISO 14040 là: “mọi đầu ra được thải bỏ từ hệ thống sản phẩm”.
1.10. Tính minh bạch
Việc trình bày thông tin công khai, toàn diện và có thể hiểu được.
[ISO 14040]
1.11. Kết quả hoạt động về môi trường
Kết quả quản lý của một Tổ chức (1.4) đối với các khía cạnh môi trường (1.2).
CHÚ THÍCH Trong bối cảnh của hệ thống quản lý môi trường (2.1) các kết quả có thể đo được dựa vào chính sách môi trường (2.1.1), các mục tiêu (2.1.2) và chỉ tiêu môi trường (2.1.3) của tổ chức (1.4) đó.
[ISO 14031]
1.11.1. Đánh giá kết quả hoạt động về môi trường
EPE
Quá trình tạo thuận lợi cho các quyết định quản lý liên quan đến kết quả hoạt động về môi trường của một tổ chức (1.4) bằng cách chọn lựa các chỉ thị, thu thập và phân tích dữ liệu, đánh giá thông tin dựa theo các chuẩn mực kết quả hoạt động về môi trường (1.11.1.1), báo cáo và thông báo, định kỳ xem xét lại và cải tiến quá trình này.
[ISO 14031]
1.11.1.1. Chuẩn mực kết quả hoạt động về môi trường
Mục tiêu môi trường (2.1.2) chỉ tiêu môi trường (2.1.3) hoặc các kết quả hoạt động về môi trường (1.11) đã định khác do sự quản lý của Tổ chức (1.4) lập ra và được sử dụng cho mục đích đánh giá kết quả hoạt động về môi trường (1.11.1).
[ISO 14031]
1.11.1.2. Chỉ thị điều kiện môi trường
Sự thể hiện riêng dùng đưa ra thông tin về điều kiện môi trường (1.1) địa phương, vùng, quốc gia hoặc toàn cầu.
CHÚ THÍCH “Vùng” nói đến ở đây có thể là bang, tỉnh hoặc nhiều tỉnh trong một quốc gia, một nhóm các quốc gia trong một châu lục, tùy thuộc vào qui mô của điều kiện môi trường mà Tổ chức (1.4) chọn lựa để xem xét.
[ISO 14031]
1.11.1.3. Chỉ thị kết quả hoạt động về môi trường
EPI
Sự thể hiện riêng dùng đưa ra thông tin về kết quả hoạt động về môi trường (1.11) của một Tổ chức (1.4).
[ISO 14031]
1.11.1.3.1. Chỉ thị về kết quả quản lý hoạt động
MPI
Chỉ thị kết quả hoạt động về môi trường (1.11.1.3) đưa ra thông tin về các nỗ lực quản lý có ảnh hưởng đến kết quả hoạt động về môi trường (1.11) của một Tổ chức (1.4).
[ISO 14031]
1.11.1.3.2. Chỉ thị về kết quả điều hành
OPI
Chỉ thị kết quả hoạt động về môi trường (1.11.1.3) đưa ra thông tin về kết quả hoạt động về môi trường (1.11) do sự điều hành của một Tổ chức (1.4).
[ISO 14031]
2. Thuật ngữ liên quan đến hệ thống quản lý môi trường
2.1. Hệ thống quản lý môi trường
EMS
Một phần trong hệ thống quản lý của một Tổ chức (1.4). bao gồm cơ cấu tổ chức, lập kế hoạch, trách nhiệm, thực hành, thủ tục, quá trình và nguồn lực để phát triển, thực hiện, đạt tới, xác định và duy trì chính sách môi trường (2.1.1) của tổ chức đó.
[TCVN ISO 14001 (ISO 14001)]
2.1.1. Chính sách môi trường
Tuyên bố của tổ chức (1.4) về ý đồ và nguyên tắc liên quan đến kết quả hoạt động về môi trường (2.1.5) tổng thể mà nó tạo ra khuôn khổ để hành động và để thiết lập các mục tiêu môi trường (2.1.2) và chỉ tiêu môi trường (2.1.3).
(TCVN ISO 14001 (ISO 14001)]
2.1.2. Mục tiêu môi trường
Mục đích tổng thể về môi trường, xuất phát từ chính sách môi trường (2.1.1) mà Tổ chức (1.4) tự đặt ra cho mình nhằm đạt tới, được lượng hóa khi có thể.
[TCVN ISO 14001 (ISO 14001)]
2.1.3. Chỉ tiêu môi trường
Yêu cầu hoạt động chi tiết, định lượng được khi có thể, áp dụng cho toàn bộ một Tổ chức (1.4) hoặc những bộ phận của Tổ chức, xuất phát từ các mục tiêu môi trường (2.1. 2) cần được thành lập và đạt được các mục tiêu môi trường.
[TCVN ISO 14001 (ISO 14001)]
2.1.4. Cải tiến liên tục
Quá trình năng cao hệ thống quản lý môi trường (2.1) nhằm đạt được những cải tiến trong kết quả hoạt động về môi trường (1.11) tổng thể và nhất quán với chính sách môi trường (2.1.1) của Tổ chức (1.4).
CHÚ THÍCH Quá trình này không nhất thiết phải được tiến hành đồng thời ở tất cả các lĩnh vực hoạt động.
[TCVN ISO 14001 (ISO 14001)]
2.1.5. Kết quả hoạt động về môi trường
Các kết quả có thể đo được của Hệ thống quản lý môi trường (2.1) liên quan đến sự quản lý các khía cạnh môi trường (1.2) của một Tổ chức (1.4) dựa trên chính sách môi trường (2.1.1), mục tiêu môi trường (2.1.2) và chỉ tiêu môi trường (2.1.3)
[TCVN ISO 14001 (ISO 14001)]
3. Thuật ngữ liên quan đến đánh giá
3.1. Đánh giá môi trường
Quá trình kiểm tra xác nhận một cách có hệ thống và được lập thành văn bản, nhằm thu thập và đánh giá một cách khách quan các bằng chứng đánh giá (3.4) để xác định xem những hoạt động, sự kiện, điều kiện, hệ thống quản lý, hoặc thông tin về các vấn đề này có phù hợp với chuẩn mực đánh giá (3.3) hay không, và thông báo các kết quả của quá trình này cho khách hàng.
[TCVN ISO 14010]
3.1.1. Đánh giá hệ thống quản lý môi trường
Quá trình kiểm tra xác nhận một cách có hệ thống và được lập thành văn bản, nhằm thu thập và đánh giá một cách khách quan các bằng chứng đánh giá (3.4) để xác định xem hệ thống quản lý môi trường (2.1) của một tổ chức có phù hợp với chuẩn mực đánh giá hệ thống quản lý môi trường hay không, và thông báo các kết quả của quá trình này cho khách hàng.
[TCVN ISO 14011]
3.1.2. Đánh giá hệ thống quản lý môi trường
Quá trình <đánh giá nội bộ> một cách có hệ thống , độc lập và được lập thành văn bản, nhằm thu thập các bằng chứng đánh giá (3.4) và đánh giá chúng một cách khách quan để xác định mức độ thực hiện các chuẩn mực đánh giá (3.3) hệ thống quản lý môi trường (2.1) do Tổ chức (1.4) thiết lập
[TCVN ISO 14001 (ISO 14001)]
3.2. Đối tượng
Hoạt động, sự kiện, điều kiện, hệ thống quản lý môi trường đã qui định, và/hoặc thông tin về những đối tượng đó.
[TCVN ISO 14010]
3.3. Chuẩn mực đánh giá
Các chính sách, thủ tục, phương pháp thực hành hoặc các yêu cầu mà chuyên gia đánh giá căn cứ vào đó để so sánh các bằng chứng đánh giá (3.4) đã thu thập được về đối tượng (3.2).
Chú thích Các yêu cầu có thể bao gồm các tiêu chuẩn, hướng dẫn, các yêu cầu về tổ chức cụ thể và các yêu cầu về pháp luật hoặc các yêu cầu quản lý, và cũng không giới hạn chỉ các yêu cầu này.
[TCVN ISO 14010]
3.4. Bằng chứng đánh giá
Các thông tin, hồ sơ hoặc công bố có thể kiểm tra xác nhận được về một sự kiện.
CHÚ THÍCH 1 Bằng chứng đánh giá có thể là định tính hoặc định lượng, được chuyên gia đánh giá sử dụng để xác định xem chuẩn mực đánh giá (3.3) có được thỏa mãn hay không.
CHÚ THÍCH 2 Bằng chứng cớ đánh giá thông thường được dựa trên các cuộc phỏng vấn, xem xét tài liệu, quan sát các hoạt động và điều kiện, kết quả các phép đo và thử nghiệm hiện có hoặc các phương tiện khác trong phạm vi đánh giá.
[TCVN ISO 14010]
3.5. Phát hiện khi đánh giá
Kết quả của việc so sánh và đánh giá các bằng chứng đánh giá (3.4) thu thập được với các chuẩn mực đánh giá (3.3) đã định.
CHÚ THÍCH Các phát hiện khi đánh giá là cơ sở của báo cáo đánh giá.
[TCVN ISO 14010]
3.6. Kết luận đánh giá
Quan điểm hoặc sự phán xét mang tính chuyên môn của một chuyên gia đánh giá về đối tượng (3.2) đánh giá, dựa trên các phát hiện khi đánh giá (3.5).
3.7. Bên được đánh giá
Tổ chức (1.4) được đánh giá.
[TCVN ISO 14010]
3.8. Khách hàng đánh giá
Tổ chức (1.4) đặt hàng đánh giá.
CHÚ THÍCH 1 Khách hàng có thể là bên được đánh giá (3.7) hoặc bất kỳ tổ chức nào có quyền về mặt pháp lý hoặc hợp đồng để đặt hàng một cuộc đánh giá.
[TCVN ISO 14010]
CHÚ THÍCH 2 Trong TCVN ISO 14010, thuật ngữ “khách hàng” được sử dụng thay cho “khách hàng đánh giá”.
3.9. Đoàn đánh giá
Nhóm chuyên gia đánh giá hoặc một chuyên gia đánh giá được chỉ định thực hiện một cuộc đánh giá đã định.
CHÚ THÍCH 1 Đoàn đánh giá cũng có thể gồm cả các chuyên gia kỹ thuật và các chuyên gia đánh giá tập sự;
CHÚ THÍCH 2 Một trong những chuyên gia của đoàn đánh giá thực hiện chức năng trưởng chuyên gia đánh giá.
CHÚ THÍCH 3 Dựa theo TCVN ISO 14010
3.9.1. Chuyên gia đánh giá môi trường
Người đủ trình độ để thực hiện các cuộc đánh giá môi trường (3.1).
[TCVN ISO 14010]
3.9.2. Trưởng chuyên gia đánh giá về môi trường
Người có đủ trình độ để quản lý và thực hiện các cuộc đánh giá môi trường (3.1).
3.9.3. Chuyên gia kỹ thuật
Người “đánh giá” đóng góp hiểu biết hoặc kiến thức chuyên môn cụ thể cho đoàn đánh giá (3.9), nhưng không tham gia như một chuyên gia đánh giá.
4. Thuật ngữ liên quan đến hệ thống sản phẩm
4.1. Hệ thống sản phẩm
Tập hợp của các đơn vị quá trình (4.3) được kết nối với nhau về mặt nguyên liệu và năng lượng để thực hiện một hoặc nhiều chức năng xác định
CHÚ THÍCH 1 Cho mục đích đánh giá chu trình sống, thuật ngữ “sản phẩm” được sử dụng không chỉ với hệ thống sản phẩm mà còn cả với các hệ thống dịch vụ.
CHÚ THÍCH 2 Dựa theo TCVN ISO 14010
4.2. Sản phẩm
Mọi hàng hóa hoặc dịch vụ bất kỳ
[TCVN ISO 14021]
4.2.1. Sản phẩm trung gian
Đầu vào (4.12) hoặc đầu ra (4.13) từ một đơn vị quá trình (4.3) yêu cầu phải có sự biến đổi tiếp theo
[TCVN ISO 14041]
4.2.2. Sản phẩm đồng hành
Hai hoặc nhiều sản phẩm bất kỳ cùng được sản xuất ra từ một đơn vị quá trình (4.3).
[TCVN ISO 14041]
4.2.3. Bao bì
Vật liệu được sử dụng để bảo vệ hoặc chứa đựng một sản phẩm trong quá trình vận chuyển, lưu kho, marketing hoặc sử dụng.
CHÚ THÍCH 1 áp dụng cho mục đích ghi nhãn môi trường kiểu II, thuật ngữ “bao bì” cũng bao gồm mọi chi tiết được đính kèm theo hoặc lồng vào một sản phẩm hoặc thùng chứa của nó với mục đích marketing sản phẩm hoặc quảng bá thông tin về sản phẩm đó.
CHÚ THÍCH 2 Dựa theo TCVN ISO 14021
4.2.4. Sản phẩm cuối cùng
Sản phẩm (4.2) không yêu cầu phải biến đổi bổ sung trước khi sử dụng
[TCVN ISO 14041]
4.3. Đơn vị quá trình
Phần nhỏ nhất của hệ thống sản phẩm (4.1) mà từ đó dữ liệu được thu thập khi thực hiện một cuộc đánh giá vòng đời của sản phẩm (5.3)
[TCVN ISO 14040]
4.4. Đơn vị chức năng
Đặc tính định lượng của một hệ thống sản phẩm (4.1) để sử dụng như một đơn vị chuẩn trong một cuộc nghiên cứu đánh giá vòng đời của sản phẩm (5.3).
[TCVN ISO 14040]
4.5. Ranh giới hệ thống
Phân giới giữa một hệ thống sản phẩm (4.1) và môi trường (1.1) hoặc với các hệ thống sản phẩm khác
[TCVN ISO 14040]
4.6. Sự phân định
Việc phân tách các dòng đầu vào (4.12) và đầu ra (4.13) của một đơn vị quá trình (4.3) theo hệ thống sản phẩm (4.1) được nghiên cứu
[TCVN ISO 14040]
4.7. Dòng cơ bản
Vật liệu hoặc năng lượng đầu vào đi vào trong hệ thống đang được nghiên cứu, đã được khai thác từ môi trường (1.1) nhưng trước đó chưa bị con người làm biến đổi
CHÚ THÍCH Theo TCVN ISO 14040
4.8. Dòng cơ bản
Vật liệu hoặc năng lượng đầu ra đi ra khỏi hệ thống đang được nghiên cứu, được thải bỏ vào môi trường (1.1) nhưng sau đó không bị con người làm biến đổi
CHÚ THÍCH Theo TCVN ISO 14040
4.9. Nguyên liệu thô
Vật liệu chính hoặc vật liệu phụ được sử dụng để sản xuất ra một sản phẩm (4.2).
4.10. Dòng năng lượng
Đầu vào (4.12) hoặc đầu ra (4.13) từ một đơn vị quá trình (4.3) hoặc hệ thống sản phẩm (4.1), được tính theo đơn vị năng lượng
CHÚ THÍCH Dòng năng lượng được đưa vào có thể được gọi là đầu vào năng lượng; dòng năng lượng được đưa ra có thể được gọi là đầu ra năng lượng;
[TCVN ISO 14041]
4.10.1. Năng lượng tích trữ
Nhiệt cháy của đầu vào nguyên liệu thô vào một hệ thống sản phẩm (4.1) mà không được sử dụng như một nguồn năng lượng.
CHÚ THÍCH Năng lượng tích trữ được thể hiện theo nhiệt trị cao hoặc nhiệt trị thấp
[TCVN ISO 14041]
4.10.2. Năng lượng của quá trình
Năng lượng đầu vào cần thiết cho một đơn vị quá trình (4.3) để vận hành quá trình đó hoặc thiết bị bên trong quá trình này, nhưng không bao gồm năng lượng đầu vào dùng để sản xuất và để phân phối năng lượng đó
[TCVN ISO 14041]
4.11. Dòng chuẩn
Số đo của những đầu ra (4.13) cần biết, đi ra từ các quá trình trong một hệ thống sản phẩm (4.1) đã cho được yêu cầu dùng để thực hiện chức năng do đơn vị chức năng (4.4) đó thể hiện.
[TCVN ISO 14041]
4.12. Đầu vào
Vật liệu hoặc năng lượng đưa vào một đơn vị quá trình.
CHÚ THÍCH Vật liệu có thể bao gồm cả nguyên liệu thô (4.9) và sản phẩm (4.2)
[TCVN ISO 14040]
4.12.1. Đầu vào phụ trợ
Nguyên liệu đầu vào được sử dụng cho đơn vị quá trình (4.3) để sản xuất sản phẩm, nhưng không cấu thành nên một phần của sản phẩm đó.
VÍ DỤ Chất xúc tác
[TCVN ISO 14041]
4.13. Đầu ra
Vật liệu hoặc năng lượng ra khỏi một đơn vị quá trình (4.3).
CHÚ THÍCH Vật liệu có thể bao gồm cả nguyên liệu thô (4.9), sản phẩm trung gian (4.2.1), sản phẩm (4.2), khí thải và chất thải (1.9).
[TCVN ISO 14040]
4.13.1. Phát thải nhất thời
Sự phát thải không kiểm soát vào không khí, nước hoặc đất đai.
VÍ DỤ Vật liệu được thải ra từ một bộ đường ống.
[TCVN ISO 14041]
5. Thuật ngữ liên quan đến đánh giá vòng đời của sản phẩm
5.1. Vòng đời của sản phẩm
Các giai đoạn liên tiếp và gắn liền với nhau của một hệ thống sản phẩm (4.1), từ việc thu thập nguyên liệu thô hoặc tài nguyên thiên nhiên đến việc thải bỏ cuối cùng.
[TCVN ISO 14040]
5.2. Bên thực hiện đánh giá
Một cá nhân hoặc nhóm người thực hiện một cuộc đánh giá vòng đời của sản phẩm (5.3)
[TCVN ISO 14040]
5.3. Đánh giá vòng đời của sản phẩm
LCA
Thu thập và đánh giá đầu vào (4.12), đầu ra (4.13) và các tác động môi trường (1.3) tiềm ẩn của một hệ thống sản phẩm (4.1) suốt vòng đời của sản phẩm (5.1). [TCVN ISO 14040]
5.3.1. Phân tích kiểm kê vòng đời của sản phẩm
Giai đoạn đánh giá vòng đời của sản phẩm (5.3) cho một hệ thống sản phẩm (4.1) được định trước, bao gồm việc thu thập và lượng hóa các đầu vào (4.12) và đầu ra (4.13) suốt chu trình sống của nó
[TCVN ISO 14040]
5.3.1.1. Kết quả kiểm kê vòng đời của sản phẩm
Kết quả LCI
Kết quả của một phân tích kiểm kê vòng đời của sản phẩm (5.3.1) mà gồm cả phân tích các dòng giao cắt ranh giới hệ thống (4.5) và cung cấp điểm khởi đầu cho đánh giá tác động của vòng đời của sản phẩm (5.3.2)
[ISO 14042]
5.3.1.2. Chất lượng dữ liệu
Các đặc tính của dữ liệu mà đặc tính đó liên quan đến khả năng của chúng để thỏa mãn các yêu cầu đã công bố
[TCVN ISO 14041]
5.3.1.3. Phân tích độ không đảm bảo
Qui trình có hệ thống để tìm hiểu và lượng hóa độ không đảm bảo của kết quả phân tích kiểm kê chu trình sống do vì các tác động tích lũy của độ không đảm bảo đầu vào và tính thay đổi của dữ liệu.
CHÚ THÍCH Các giải hoặc phân bố xác suất được sử dụng để xác định độ không đảm bảo trong các kết quả.
[TCVN ISO 14041]
5.3.1.4. Phân tích độ nhạy
Qui trình có tính hệ thống dùng để đánh giá các tác động của những phương pháp và dữ liệu đã chọn đến kết quả nghiên cứu.
[TCVN ISO 14041]
5.3.2. Đánh giá tác động chu trình sống
LCIA
Một giai đoạn của đánh giá vòng đời của sản phẩm (5.3), nhằm để hiểu và ước lượng qui mô, ý nghĩa của những tác động môi trường (1.3) tiềm ẩn của một hệ thống sản phẩm (4.1)
[TCVN ISO 14040]
5.3.2.1. Phạm trù tác động
Loại tác động đại diện cho vấn đề môi trường được quan tâm trong đó kết quả kiểm kê vòng đời của sản phẩm (5.3.1.1) được hướng vào.
[TCVN ISO 14042]
5.3.2.1.1. Chỉ thị phạm trù tác động của vòng đời của sản phẩm
Thể hiện định lượng được của một phạm trù tác động (5.3.1.1).
[TCVN ISO 14042]
5.3.2.2. Hệ số đặc tính
Hệ số được rút ra từ một mô hình áp dụng để chuyển đổi kết quả LCI (5.3.1.1) thành đơn vị thông dụng của chỉ thị phạm trù tác động của vòng đời của sản phẩm (5.3.2.1.1).
[TCVN ISO 14042]
5.3.2.3. Cơ chế môi trường
Hệ thống của những quá trình vật lý, hóa học và sinh học ứng dụng cho một phạm trù tác động đã biết, liên kết kết quả LCI (5.3.1.1) với chỉ thị phạm trù tác động của vòng đời của sản phẩm (5.3.2.1.1) và điểm kết thúc của phạm trù (5.3.2.4)
[TCVN ISO 14042]
5.3.2.4. Điểm kết thúc của phạm trù
Thuộc tính hoặc khía cạnh của môi trường tự nhiên, của sức khỏe con người hoặc tài nguyên, nhận biết ra một vấn đề môi trường được quan tâm
[TCVN ISO 14042]
5.3.3. Diễn giải chu trình sống
Giai đoạn của đánh giá vòng đời của sản phẩm (5.3) trong đó các phát hiện của phân tích kiểm kê hoặc của đánh giá tác động, hoặc cả hai, được kết hợp một cách nhất quán với mục tiêu và phạm vi đã xác định để đạt đến các kết luận và kiến nghị.
[TCVN ISO 14040]
5.3.3.1. Kiểm tra tính nhất quán
Quá trình kiểm tra xác nhận rằng các giả thiết, phương pháp và các dữ liệu là được áp dụng một cách nhất quán trong suốt quá trình nghiên cứu và phù hợp với mục tiêu và phạm vi xác định.
CHÚ THÍCH Kiểm tra tính nhất quán cần phải được tiến hành trước khi đưa ra các kết luận
[ISO 14043]
5.3.3.2. Kiểm tra độ nhạy
Quá trình kiểm tra xác nhận rằng thông tin thu thập được từ phân tích độ nhạy (5.3.1.4) là thích đáng để đưa ra các kết luận và kiến nghị.
[ISO 14043]
5.3.3.3. Kiểm tra tính trọn vẹn
Quá trình kiểm tra xác nhận xem thông tin từ các giai đoạn theo tuần tự của cuộc đánh giá vòng đời của sản phẩm (5.3) hoặc phân tích kiểm kê vòng đời của sản phẩm (5.3.1) là đủ để đưa ra các kết luận phù hợp với mục tiêu và phạm vi xác định.
[ISO 14043]
5.3.4. Xác nhận so sánh
Công bố về môi trường liên quan đến tính chất trội hơn hoặc tương đương của một sản phẩm so với sản phẩm cạnh tranh có cùng chức năng.
[TCVN ISO 14040]
6. Thuật ngữ liên quan đến công bố và ghi nhãn môi trường
6.1. Công bố về môi trường
Phát biểu bằng lời, bằng biểu tượng hoặc hình vẽ minh họa chỉ ra một khía cạnh môi trường (1.2) nào đó của một sản phẩm (4.2), của một thành phần hoặc của bao bì (4.2.3) sản phẩm.
CHÚ THÍCH Một công bố về môi trường có thể được làm trên sản phẩm hoặc trên nhãn bao bì, thông qua mô tả sản phẩm, thông báo kỹ thuật, quảng cáo, chào hàng, ấn phẩm, marketing từ xa cũng như thông qua phương tiện nghe nhìn kỹ thuật số hoặc điện tử, như internet
[TCVN ISO 14021]
6.1.1. Nhãn môi trường
Công bố về môi trường
Sự công bố chỉ ra các khía cạnh môi trường (1.2) của một sản phẩm (4.2) hoặc dịch vụ
[TCVN ISO 14020]
6.1.2. Công bố về môi trường có giới hạn
Công bố về môi trường (6.1) có kèm theo phần giải thích (6.1.4) để mô tả các giới hạn của công bố đó
[TCVN ISO 14021]
6.1.3. Sự kiểm tra xác nhận công bố về môi trường
Sự xác định tính đúng đắn của công bố về môi trường (6.1) bằng cách sử dụng các tiêu chí và qui trình cụ thể đã định để đảm bảo độ tin cậy của các dữ liệu
[TCVN ISO 14021]
6.1.4. Phần giải thích
Bất kỳ sự giải thích cần thiết nào được đưa ra để giúp cho khách hàng, khách hàng tiềm năng hoặc người sử dụng sản phẩm (4.2) hiểu được đầy đủ một công bố về môi trường (6.1).
[TCVN ISO 14021]
6.2. Chương trình ghi nhãn môi trường kiểu I
Chương trình tự nguyên và dựa theo các chuẩn mực của bên thứ ba, được bên thứ ba cấp giấy phép cho sử dụng nhãn môi trường (6.1.1) trên sản phẩm (4.2), để chỉ ra tính thân thiện toàn diện với môi trường của một sản phẩm thuộc trong một chủng loại sản phẩm (6.2.1) cụ thể trên cơ sở xem xét vòng đời của sản phẩm (5.1).
[TCVN ISO 14024]
6.2.1. Chủng loại sản phẩm
Nhóm sản phẩm (4.2) có chức năng tương đương.
[TCVN ISO 14024]
6.2.1.1. Phù hợp về mục đích
Khả năng của một sản phẩm, quá trình hoặc dịch vụ, đáp ứng một mục đích đã được xác định trong những điều kiện cụ thể.
[TCVN ISO 14024]
6.2.1.2. Đặc tính chức năng của sản phẩm
Thuộc tính hoặc đặc trưng trong tính năng vận hành và sử dụng của một sản phẩm (4.2).
[TCVN ISO 14024]
6.2.1.3. Chuẩn mực môi trường của sản phẩm (product environmental criteria)
Những yêu cầu về môi trường mà sản phẩm (4.2) cần phải thỏa mãn để được cấp nhãn môi trường (6.1.1)
[TCVN ISO 14024]
6.2.2. Cơ quan cấp nhãn sinh thái
Cơ quan thuộc bên thứ ba và các đại diện của nó, thực hiện chương trình ghi nhãn môi trường kiểu I (6.2).
[TCVN ISO 14024]
6.3. Tự công bố về môi trường
Công bố về môi trường (6.1) do các nhà máy, hãng nhập khẩu, hãng phân phối sản phẩm, các nhà bán lẻ hoặc bất cứ ai có lợi ích từ công bố về môi trường thực hiện mà không có sự chứng nhận của bên thứ ba độc lập.
CHÚ THÍCH Tự công bố về môi trường cũng còn được gọi là “ghi nhãn môi trường kiểu II”
(TCVN ISO 14021]
6.4. Công bố về môi trường kiểu III
Dữ liệu môi trường đã được định lượng cho một sản phẩm với các loại thông số đã được thiết lập trước dựa theo bộ tiêu chuẩn TCVN ISO 14040, nhưng không loại trừ thông tin môi trường bổ sung được đưa ra trong khuôn khổ một Chương trình công bố về môi trường kiểu III
[TCVN ISO 14025]
6.4.1. Chương trình công bố về môi trường kiểu III
Quá trình tự nguyện, qua một đó ngành công nghiệp hoặc một cơ quan độc lập biên soạn ra một Công bố về môi trường kiểu III, đặt ra các yêu cầu tối thiểu, lựa chọn các loại thông số, xác định rõ mối quan hệ của các bên thứ ba và hình thức thông báo ra bên ngoài.
[TCVN ISO 14025]
6.5. Khả năng năng cấp
Đặc tính của một sản phẩm (4.2) cho phép các môdul hoặc các bộ phận của nó nâng cấp được hoặc thay thế được một cách riêng rẽ mà không cần thay thế toàn bộ sản phẩm.
[TCVN ISO 14021]
6.6. Phân định nguyên vật liệu
Các từ ngữ, con số hoặc biểu tượng được dùng để ấn định cho thành phần cấu tạo của một sản phẩm hoặc bao bì (4.2.3).
CHÚ THÍCH Một biểu tượng phân định nguyên vật liệu không được coi là một công bố về môi trường
[TCVN ISO 14021]
Các thuật ngữ và định nghĩa bổ sung từ Báo cáo kỹ thuật ISO/TR 14061
A.1. Rừng
Nói chung, là một quần xã thực vật với cây và thực vật thân gỗ chiếm ưu thế cùng phát triển, đất đai, hệ thực vật và hệ động vật, mối quan hệ giữa chúng trong quần xã được coi là các nguồn tài nguyên và giá trị của quần xã đó.
CHÚ THÍCH Trên toàn thế giới, rừng là rất khác nhau do khí hậu, đất, lịch sử và văn hóa của từng nước cụ thể. Rất nhiều nước có định nghĩa về rừng được đưa vào trong các văn bản pháp lý.
A.2. Nguyên lý, chuẩn mực và chỉ thị
Các sáng kiến quốc tế, quốc gia và thành phần tư nhân, bất luận chính phủ hay phi chính phủ, đưa ra một khuôn khổ sắp xếp theo thứ bậc chung kể cả “Nguyên lý, chuẩn mực và chỉ thị” để đánh giá tiến trình theo hướng đạt được sự quản lý rừng bền vững (SFM).
CHÚ THÍCH 1 Trong một vài sáng kiến, các nguyên lý được cho là nằm trong chuẩn mực;
CHÚ THÍCH 2 Vì mục đích của báo cáo ISO/TR 14061, khái niệm “Chuẩn mực và Chỉ thị” được sử dụng một cách đặc biệt trong khi nói đến tập hợp “Chuẩn mực và Chỉ thị” của quản lý rừng bền vững như đã được triển khai trong các quá trình hợp tác liên chính phủ.
A.3. Nguyên lý
Các nguyên tắc cơ bản dùng làm cơ sở cho lý do và hành động.
CHÚ THÍCH Các nguyên lý là các yếu tố rõ ràng của một mục tiêu như SFM
A.4. Chuẩn mực
Các đặc tính được cho là quan trọng, dùng để đánh giá thành công hoặc thất bại.
CHÚ THÍCH Vai trò của chuẩn mực là đặc tính hóa hoặc xác định ra các thành phần cốt lõi hoặc tập hợp các điều kiện hoặc quá trình, qua đó có thể đánh giá được sự quản lý rừng bền vững
[Nguồn: Hội thảo liên chính phủ về Chuẩn mực và Chỉ thị đối với SFM (ISCI)].
A.5. Chỉ thị
Các biện pháp định tính, định lượng hoặc mô tả mà khi được định kỳ đánh giá và quan trắc thì chỉ ra được chiều hướng của sự thay đổi.
[Nguồn: Hội thảo liên chính phủ về Chuẩn mực và Chỉ thị đối với SFM (ISCI)].
A.6. Phát triển bền vững
Sự phát triển đáp ứng được nhu cầu của hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng thỏa mãn các nhu cầu của các thế hệ tương lai. [Nguồn: Báo cáo của Brundtland].
A.7. Quản lý rừng bền vững
CHÚ THÍCH Trong khi khái niệm SFM có được sự đồng ý rộng rãi thì có nhiều phương án định nghĩa đã được đưa ra trong các sáng kiến khác nhau của quốc gia và quốc tế. Hai định nghĩa về SFM được đưa ra đây để sao cho người sử dụng Báo cáo kỹ thuật này có thể hiểu được phạm vi của khái niệm và cách thức mà người ở hai vùng khác nhau của thế giới đã định nghĩa nó.
A.7.1. Quản lý rừng bền vững
SFM
Quá trình quản lý đất đai rừng lâu bền để thu được một hoặc nhiều hơn các mục tiêu quản lý đã xác định rõ về sản xuất liên tục các dòng sản phẩm và dịch vụ nghề rừng mong muốn, không làm giảm thái quá các giá trị vốn có và năng suất trong tương lai của rừng, không tạo ra các ảnh hưởng không mong muốn quá mức lên môi trường xã hội và vật chất. [Nguồn: Tổ chức quốc tế về gỗ nhiệt đới].
A.7.2. Quản lý rừng bền vững (sustainable forest management)
SFM
Trách nhiệm quản lý và sử dụng rừng (A.1) và đất đai của rừng theo cách thức và tốc độ duy trì được tính đa dạng sinh học, năng suất, khả năng tái sinh, sức sống của rừng và tiềm năng của rừng để đáp ứng được các chức năng xã hội, kinh tế và sinh thái cho hiện tại và trong tương lai.
[Nguồn: Pan- European (helsinki) Process]
Bổ sung các khái niệm có thể thường gặp trong cộng đồng quốc tế về môi trường
B.1. Kỹ thuật sẵn có tốt nhất
[1] Hướng dẫn của EU 96/61/EEC (24/9/1996) liên quan đến phòng ngừa và kiểm soát tổng thể ô nhiễm, Điều 2 (11).
[2] Kiến nghị của Hội đồng OECP, tháng 5/1972, Môi trường và Nền kinh tế, Nguyên tắc đường hướng liên quan đến phương diện kinh tế quốc tế của chính sách môi trường.
[3] Công ước Bảo vệ môi trường biển vùng Đông Bắc Đại Tây Dương, Pari, ngày 22/09/1992, Điều 2, 3(b) và Sửa đổi số 1.
B.2. Tải lượng tới hạn
[1] Dowing, RJ, Hehelingh, J-P và de met, P.A.M, 1993. Tính toán và bản đồ hóa các vùng chịu tải tới hạn ở Châu Âu. Báo cáo hiện trạng, 1993.
B.3. Nguyên tắc phòng ngừa
[1] TCVN ISO 14004 : 2005 (ISO 14004 : 2004) Hệ thống quản lý môi trường. Hướng dẫn chung về nguyên tắc, hệ thống và kỹ thuật hỗ trợ. Phụ lục A, nguyên tắc 15.
[2] Tuyên bố Rio về môi trường và phát triển, nguyên tắc số 15.
[3] Công ước về bảo vệ môi trường biển vùng Đông Bắc Đại tây dương, Pari, 22/09/1992, Điều 2, Mục 2 (a).
B.4. Nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”
[1] TCVN ISO 14004 : 1997 (ISO 14004 : 1996) Hệ thống quản lý môi trường - Hướng dẫn chung về nguyên tắc, hệ thống và kỹ thuật hỗ trợ. Phụ lục A, nguyên tắc số 16.
[2] Tuyên bố Rio về môi trường và phát triển, nguyên tắc số 16.
[3] Công ước về bảo vệ môi trường vùng biển Đông Bắc Đại Tây Dương. Pari, 22/09/1992, Điều 2, Mục 2 (b).
[4] Nguyên tắc “Người gây ô nhiễm phải trả tiền”, OECD 1975
B.5. Ô nhiễm
[1] Hướng dẫn của EU, 96/61/EEC (24/09/1996) liên quan đến phòng ngừa và kiểm soát tổng thể ô nhiễm, Điều 2 (11).
[2] Liên nhóm chuyên gia IMO/UNESCO/ WMO/ IAEA/ UN/UNEP về các khía cạnh khoa học của ô nhiễm biển (GESAMP).
[3] Công ước về Bảo vệ môi trường vùng biển Đông bắc Đại Tây Dương. Pari, 22/09/1992. Điều 1. Mục (d).
[4] Công ước về Bảo vệ môi trường biển vùng Biển Bantic, 1992 (Công ước Helsinki), Điều 2, Mục 1.
B.6. Phát triển bền vững
[1] Tương lai chung của chúng ta: Báo cáo do Ủy ban thế giới về Môi trường và Phát triển công bố (Báo cáo Bundtland).
[2] “Châu Mỹ bền vững: Đồng thuận mới vì sự Thịnh vượng, Cơ hội và Môi trường trong lành cho Tương lai”, Hội đồng chủ tịch về phát triển bền vững 02/1996.
[3] Hướng về sự bền vững, Chương trình hành động và chính sách của Châu Âu liên quan đến môi trường và sự phát triển bền vững. Quyển II, EU, 03/27/1992.
THƯ MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] ISO 10241 : 1992, International terminology standards - Preparation and layout
[2] ISO/IEC Guide 2: 1996, Standardization and related activities - General vocabulary
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.