ĐỒ NỘI THẤT – GHẾ CAO DÀNH CHO TRẺ - PHẦN 2: PHƯƠNG PHÁP THỬ
Furniture – Children’s high chairs – Part 2: Test methods
Lời nói đầu
TCVN 9580-2:2013 hoàn toàn tương đương với ISO 9221-1:1992.
TCVN 9580-2:2013 do Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 136 Đồ nội thất biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Bộ tiêu chuẩn TCVN 9580 (ISO 9221) Đồ nội thất – Ghế cao dành cho trẻ gồm các phần sau:
- TCVN 9580-1:2013 (ISO 9221-1:1992), Phần 1: Yêu cầu an toàn;
- TCVN 9580-2:2013 (ISO 9221-2:1992), Phần 2: Phương pháp thử.
ĐỒ NỘI THẤT – GHẾ CAO DÀNH CHO TRẺ - PHẦN 2: PHƯƠNG PHÁP THỬ
Furniture – Children’s high chairs – Part 2: Test methods
Tiêu chuẩn này quy định các phương pháp thử để đánh giá các yêu cầu an toàn trong TCVN 9580-1 (ISO 9221-1) của ghế cao và ghế cao đa năng dành cho trẻ sử dụng tại gia đình.
Các ghế này có thể thay đổi thành ghế thấp, ghế thấp có bàn và để cho trẻ sử dụng làm xe tập đi, ghế đẩy, xích đu và ghế ngồi trên ô tô hoặc ghế thấp có lưng dựa. Các chức năng bổ sung này không được quy định trong bộ tiêu chuẩn (TCVN 9580 (ISO 9221).
Tiêu chuẩn này mô tả một số phương pháp thử bao gồm quá trình dùng các lực mô phỏng cách thức sử dụng đúng chức năng thông thường, cũng như các trường hợp sử dụng sai chức năng có thể xảy ra, tác dụng vào các phần khác nhau của ghế.
Các phương pháp thử dùng để đánh giá tính chất của ghế, không phụ thuộc vào vật liệu, thiết kế/cấu tạo hay quá trình sản xuất.
Các phương pháp thử dùng để áp dụng cho ghế cao đã lắp hoàn chỉnh và sẵn sàng sử dụng.
Các kết quả thử nghiệm chỉ có giá trị đối với sản phẩm được thử. Khi dự kiến áp dụng kết quả thử nghiệm cho các sản phẩm tương tự khác, mẫu thử phải đại diện cho cùng loại sản phẩm.
Với các mẫu thiết kế không nằm trong quy trình thử, phép thử cần được thực hiện càng giống như mô tả càng tốt, và cần lập bản kê các sai lệch so với quy trình thử.
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN 9580-1:2013 (ISO 9221-1:1992), Đồ nội thất – Ghế cao dành cho trẻ - Phần 1: Yêu cầu an toàn
ISO 554:1976, Standard atmospheres for conditioning and/or testing – Specifications (Môi trường chuẩn để ổn định và/hoặc thử nghiệm – Yêu cầu kỹ thuật)
ISO 1521:1973[1], Paints and varnishes -- Determination of resistance to water -- Water immersion method (Sơn và véc ni – Xác định độ bền đối với nước – Phương pháp ngâm trong nước)
ISO 4628-3:1982, Paints and varnishes -- Evaluation of degradation of paint coatings -- Designation of intensity, quanlity and size of common types of defect -- Part 3: Designation of degree of rusting (Sơn và véc ni – Đánh giá sự thoái hóa của lớp sơn phủ - Phương pháp xác định mật độ, số lượng và kích cỡ của các dạng khuyết tật thông thường – Phần 3: Phương pháp xác định mức độ gỉ)
Trừ khi có quy định khác, giá trị đo lực phải có độ chính xác ±5 %, tất cả các khối lượng có độ chính xác ±0,5 % và tất cả các kích thước có độ chính xác ±0,5 mm.
Trước khi bắt đầu thực hiện bất kỳ phép thử nào có trong tiêu chuẩn này, sản phẩm thử phải có thời gian đủ lâu để bảo đảm phát huy hết độ bền của nó. Với các liên kết dán gỗ bằng keo và vật liệu tương tự, để ít nhất bốn tuần ở điều kiện trong nhà thông thường từ khi sản xuất đến khi thử nghiệm.
Ngay trước khi thử nghiệm, ghế phải được cất giữ trong thời gian ít nhất một tuần tại môi trường chuẩn hóa có nhiệt độ 23 oC ± 2 oC và độ ẩm tương đối (50 ± 5) % theo ISO 554.
Ghế phải được thử như trong trạng thái sẵn sàng sử dụng. Nếu là loại tháo rời, ghế phải được lắp ghép như hướng dẫn kèm theo. Nếu ghế có thể lắp ghép hoặc kết hợp theo các cách khác nhau để tạo thành một ghế cao, sử dụng sự kết hợp bất lợi nhất cho mỗi phép thử.
Các bộ phận tháo rời phải được vặn chặt trước khi thử nghiệm.
Nếu ghế cao có góc của lưng ghế điều chỉnh được, các phép thử độ bền và độ ổn định phải được thực hiện khi lưng ghế ở vị trí bất lợi nhất trong mỗi phép thử: thông thường là vị trí ngả hoàn toàn.
4.1. Khối thử, một ống trụ đặc có đường kính 200 mm và chiều cao 300 mm, có khối lượng 15 kg và trọng tâm ở phía trên 150 mm so với đế. Tất cả các mép phải có bán kính tối thiểu 5 mm. Khối thử phải có hai điểm định vị dây an toàn. Hai điểm này phải đặt cách đế 150 mm và tạo thành góc 180o vòng quanh chu vi.
4.2. Búa va đập thử độ bền, một bộ phận va đập dạng hình trụ có khối lượng 6,5 kg ± 0,07 kg (gồm cả đầu búa), được giữ bởi một trục thông qua một ống thép có đường kính 38 mm và chiều dày thành 1,6 mm. Một đầu búa có cao su và gỗ cứng. khoảng cách giữa trục và trọng tâm của bộ phận va đập là 1 m. Thân búa quay xung quanh trục bằng một gối tựa có ma sát thấp. Các chi tiết cần thiết của thiết bị đáp ứng các yêu cầu này được quy định trong Hình 1.
4.3. Tấm lót gia tải, một vật hình trụ cứng có đường kính 100 mm, bề mặt cứng nhẵn và các mép lượn tròn.
4.4. Các tấm chặn, dùng để ngăn ghế khỏi bị trượt nhưng không ngăn ghế khỏi bị nghiêng, có chiều cao không lớn hơn 12 mm, trừ trường hợp thiết kế của ghế cần phải sử dụng các tấm chặn cao hơn thì sử dụng các tấm chặn thấp nhất có thể để ngăn được ghế khỏi bị dịch chuyển.
4.5. Mặt sàn, có phương nằm ngang, phẳng, cứng, ví dụ sàn bê tông.
4.6. Tay đòn, dài 900 mm, có khối lượng 450 g ± 10 g.
4.7. Kẹp chữ G, có khối lượng 0,25 kg ± 0,05 kg.
4.8. Móc, có khối lượng 1,00 kg ± 0,05 kg.
5.1. Lắp ghép và kiểm tra trước khi thử
Lắp ghế cao theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Trước khi thử, kiểm tra ghế cao bằng mắt thường để phát hiện các khuyết tật.
5.2. Phép thử độ bền chống ăn mòn
Đặt các chi tiết bằng kim loại nằm trong tầm với của trẻ vào môi trường được quy định trong ISO 1521 trong thời gian 45 h. Sau khoảng thời gian này, xác định mức độ ăn mòn theo ISO 4628-3.
5.3. Kiểm tra chất lượng gia công
Kiểm tra mẫu thử để xác định xem các mép, đinh ốc, bu lông, khóa kéo và các bộ phận khác lộ ra ngoài có được lượn tròn hoặc làm vát, không có bavia và cạnh sắc hay không.
5.4. Độ bền các liên kết của dây an toàn
Tác dụng một lực 150 N trong 1 min theo hướng dễ gây ra hư hại nhất cho từng điểm liên kết dây an toàn, với chỗ ngồi của ghế cao giữ cố định sao cho ghế ở vị trí thẳng đứng.
5.5. Độ bền của dây đai dạng đũng quần
Tác dụng một lực 150 N với tải trọng không đáng kể trong 1 min theo hướng dễ gây ra hư hại nhất.
5.6. Phép thử độ bền chung
5.6.1. Tác dụng một lực 90 N vào bất kỳ bộ phận hoặc liên kết nào của ghế cao, ngoại trừ trường hợp đối với các bộ phận bắt chặt mà lực không tác dụng theo hướng hoạt động bình thường của bộ phận.
5.6.2. Đặt ghế cao ở vị trí thẳng đứng với tất cả các chân ghế nằm trên sàn. Đặt một quả nặng 40 kg, trong một khoảng diện tích có đường kính 150 mm, tại tâm của chỗ ngồi. Duy trì tải trọng 1 min. Nâng ghế cao tại chỗ tay ghế trong 1 min. Tháo bỏ tải trọng.
5.6.3. Đặt một quả nặng 20 kg trong một khoảng diện tích 75 mm x 150 mm, tại tâm của chỗ để chân. Duy trì tải trọng trong 1 min. Tháo bỏ tải trọng.
5.6.4. Khi ghế có lắp khay, đặt một quả nặng 20 kg trong một khoảng diện tích 75 mm x 150 mm, tại tâm của khay. Duy trì tải trọng trong 1 min. Tháo bỏ tải trọng.
5.6.5. Gắn chắc chắn các chân của ghế cao trên sàn sao cho ghế không thể di chuyển theo hướng tác dụng lực. Nếu có khay thì lấy khay ra hoặc để nguyên tùy theo trường hợp nào dễ gây hư hại nhất. Cho búa quy định trong 4.2 đập vào tâm phần trên cùng phía trong lưng ghế với vận tốc 1,5 m/s. Lặp lại phép thử nhưng lần này búa đập vào tâm phần trên cùng phía ngoài lưng ghế (xem Hình 2). Thực hiện phép thử 10 lần theo từng hướng.
CHÚ THÍCH Duy trì vận tốc 1,5 m/s bằng cách cho búa rơi từ độ cao (h trên Hình 2) 116 mm với một góc 28o (a trên Hình 2).
5.6.6. Lấy khay ra khỏi ghế cao. Thả khay rơi xuống sàn từ độ cao 1 m, tiếp đất tại các vị trí sau: trên một cạnh dài, trên một cạnh ngắn, phần đáy phẳng, phần sát với các điểm bắt chặt và bất kỳ điểm nào khác được cho là dễ gây hư hại khi thử.
5.6.7. Với khay trên ghế cao, gắn chắc chắn chỗ ngồi của ghế sao cho ghế không thể di chuyển theo hướng tác dụng lực. Tác dụng lần lượt một lực 200 N theo phương ngang vào khay tại các vị trí sau:
a) tại tâm của mép phía trước ở cả mặt trước và mặt sau tại bề mặt trên cùng;
b) theo hướng ra ngoài, tại trọng tâm của mỗi mặt bên tại bề mặt trên cùng.
Lực thử được tác dụng từ từ trong khoảng thời gian 1 s và sau đó duy trì trong 30 s.
Thực hiện phép thử 10 lần.
5.7. Phép thử cho ghế cao gấp
Với khay đặt đúng vị trí, đặt khối thử (4.1) trên chỗ ngồi. Tác dụng một lực 200 N vào đầu phía ngoài của khay hoặc vào kết cấu thích hợp gần nhất, nếu không lắp khay, tác dụng theo hướng dễ làm gấp ghế nhất.
Thực hiện phép thử 10 lần (xem Hình 3).
Lặp lại phép thử với tải trọng tác dụng tại vị trí khác hoặc theo hướng khác dễ làm gấp ghế nhất.
5.8. Độ bền của cơ cấu dựa lưng có thể điều chỉnh được
Cố định chân ghế vào sàn, tác dụng một lực 100 N theo phương thẳng đứng vào mép trên cùng của lưng ghế dựa trong 1 h vào vị trí giữa và hai vị trí đầu mút.
5.9. Đo góc của lưng ghế dựa
5.9.1. Để xác định góc nghiêng của lưng ghế ngồi, đặt dụng cụ như trên Hình 4 vào chỗ ngồi của ghế cao và đặt khối thử lên tâm của tấm đế như trên Hình 5.
5.9.2. Đảm bảo khối 20 mm x 12 mm đặt tì vào mép phía trước của chỗ ngồi và tấm dựa tì chắc chắn vào lưng ghế dựa. Đo góc giữa tấm dựa và phương ngang như trên Hình 5.
5.10. Phép thử ổn định
5.10.1. Đặt ghế cao ở vị trí thẳng đứng với tất cả các chân ghế ở trên một mặt sàn nằm ngang (4.5).
Nếu ghế cao có xu hướng trượt trong khi thử, đặt các tấm chặn (4.4) trên sàn tỳ vào (các) chân thích hợp theo cách thức ngăn ghế khỏi bị trượt trên sàn nhưng không ngăn ghế bị lật đổ.
Nếu ghế bị hư hại trong các phép thử khác, gây ảnh hưởng đến sự ổn định của ghế cao, thì lưu ý không tiến hành thử và sử dụng ghế khác cho phép thử này.
5.10.2. Với ghế được lắp ghép và đặt như quy định trong 5.10.1, tác dụng một lực 150 N theo phương thẳng đứng tại một khoảng cách (a trên Hình 6) theo phương ngang hướng ra ngoài từ mép trong phía trên cùng của tay ghế của ghế cao bằng một tay đòn (4.6). Giữ chặt tay đòn trên ghế.
Một biện pháp để giữ tay đòn là dùng kẹp chữ G (4.7) có khối lượng thấp để kẹp tay đòn ở phía trên của tay ghế tại vị trí cách xa điểm tác dụng lực nhất. Bằng cách này, tay đòn có thể tì vào tay ghế gần điểm tác dụng lực nhất (xem Hình 6).
Tăng khoảng cách (a) cho đến khi ghế bắt đầu lật và ghi lại khoảng cách khi xảy ra lật.
5.10.3. Với ghế được lắp ghép và đặt như trong 5.10.1, tác dụng một lực 150 N tại một khoảng cách (b trên Hình 7) theo phương ngang hướng ra ngoài từ tâm của mép trong phía trên cùng lưng dựa bằng một tay đòn (4.6), giữ chắc vào ghế.
Một biện pháp để giữ tay đòn là dùng một sợi dây có gắn móc (xem 4.8) như trên Hình 7, sao cho tay đòn được móc vào khay để ngăn cản chuyển động hướng lên trên.
Tăng khoảng cách (b) cho đến khi ghế bắt đầu lật và ghi lại khoảng cách khi xảy ra lật.
5.10.4. Lắp ghép và đặt ghế như trong 5.10.1 với chỗ để chân được lắp theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Lấy khay ra nếu có.
Với ghế không chịu tải, tác dụng một lực theo phương thẳng đứng hướng xuống dưới vào chỗ để chân tại vị trí cách mép trước của chỗ để chân không quá 25 mm, thông qua một tấm lót gia tải (4.3) (xem Hình 8).
Nếu ghế không có chỗ để chân, tác dụng một lực hướng xuống dưới lên phần khung nằm ngang ở phía ngoài cùng.
Tăng lực cho đến khi ghế bắt đầu lật và ghi lại lực khi xảy ra lật.
5.10.5. Nếu ghế có khay, lắp và đặt ghế như trong 5.10.1 với khay được lắp theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Với ghế không chịu tải, tác dụng một lực theo phương thẳng đứng hướng xuống dưới vào tâm của khay (xem Hình 9).
Tăng lực cho đến khi ghế bắt đầu lật và ghi lại lực khi xảy ra lật.
Báo cáo thử nghiệm phải bao gồm ít nhất các thông tin sau:
a) Viện dẫn tiêu chuẩn này;
b) Sản phẩm được thử (dữ liệu có liên quan);
c) Mô tả điều kiện giao sản phẩm;
d) Kết quả các phép thử từ 5.2 đến 5.10;
e) Sự phù hợp với các yêu cầu được quy định trong TCVN 9580-1 (ISO 9221-1);
f) Chi tiết về bất kỳ sai lệch nào so với tiêu chuẩn này;
g) Tên và địa chỉ của đơn vị thử nghiệm;
h) Ngày thử nghiệm.
Kích thước tính bằng milimét
CHÚ DẪN Đầu búa được vẽ quay 90o so với vị trí làm việc
Hình 1 – Búa va đập
Hình 2 – Phép thử độ bền va đập của lưng ghế
Hình 3 – Phép thử cho ghế cao gấp
Kích thước tính bằng milimét
Hình 4 – Dụng cụ đo góc dựa lưng
Hình 5 – Cách đo góc dựa lưng
Hình 6 – Phép thử độ ổn định tĩnh – Một bên
Hình 7 – Phép thử độ ổn định tĩnh – phía sau
Hình 8 – Phép thử độ ổn định tĩnh – chỗ để chân
Hình 9 – Phép thử độ ổn định tĩnh – Khay
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.