TỪ VỰNG KỸ THUẬT ĐIỆN QUỐC TẾ- PHẦN 411: MÁY ĐIỆN QUAY
International Electrotechnical Vocabulary - Chapter 411: Rotating machines
Lời nói đầu
TCVN 8095-411 : 2010 thay thế TCVN 3682-81;
TCVN 8095-411 : 2010 hoàn toàn tương đương với IEC 60050-411 : 1996 và sửa đổi 1 : 2007;
TCVN 8095-411 : 2010 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/E1 Máy điện và khí cụđiện biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Lời giới thiệu
TCVN 8095-411 : 2010 là một phần của bộ Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 8095.
Bộ tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 8095 (IEC 60050) hiện đã có các tiêu chuẩn sau:
1) TCVN 8095-151:2010 (IEC 60050-151:2001), Từ vựng kỹ thuật điện quốc tế - Phần 151: Thiết bị điện và thiết bị từ
2) TCVN 8095-212:2009 (IEC 60050-212:1990), Từ vựng kỹ thuật điện quốc tế - Phần 212: Chất rắn, chất lỏng và chất khí cách điện
3) TCVN 8095-221:2010 (IEC 60050-221:1990, amendment 1:1993, amendment 2:1999 and amendment 3:2007), Từ vựng kỹ thuật điện quốc tế - Phần 221: Vật liệu từ và các thành phần
4) TCVN 8095-300:2010 (IEC 60050-300:2001), Từ vựng kỹ thuật điện quốc tế - Chương 300: Phép đo và dụng cụ đo điện và điện tử
5) TCVN 8095-411:2010 (IEC 60050-411:1996 and amendment 1:2007), Từ vựng kỹ thuật điện quốc tế - Phần 411: Máy điện quay
6) TCVN 8095-436:2009 (IEC 60050-436:1990), Từ vựng kỹ thuật điện quốc tế - Phần 436: Tụ điện công suất
7) TCVN 8095-446:2010 (IEC 60050-446:1983), Từ vựng kỹ thuật điện quốc tế - Phần 446: Rơle điện
8) TCVN 8095-461:2009 (IEC 60050-461:2008), Từ vựng kỹ thuật điện quốc tế - Phần 461: Cáp điện
9) TCVN 8095-466:2009 (IEC 60050-466:1990), Từ vựng kỹ thuật điện quốc tế - Phần 466: Đường dây trên không
10) TCVN 8095-471:2009 (IEC 60050-471:2007), Từ vựng kỹ thuật điện quốc tế - Phần 471: Cái cách điện
11) TCVN 8095-521:2009 (IEC 60050-521:2002), Từ vựng kỹ thuật điện quốc tế - Phần 521: Linh kiện bán dẫn và mạch tích hợp
12) TCVN 8095-602:2010 (IEC 60050-602:1983), Từ vựng kỹ thuật điện quốc tế - Phần 602: Phát, truyền dẫn và phân phối điện - Phát điện
13) TCVN 8095-811:2010 (IEC 60050-811:1991), Từ vựng kỹ thuật điện quốc tế - Phần 811: Hệ thống kéo bằng điện
14) TCVN 8095-845:2009 (IEC 60050-845:1987), Từ vựng kỹ thuật điện quốc tế - Phần 845: Chiếu sáng
TỪ VỰNG KỸ THUẬT ĐIỆN QUỐC TẾ - PHẦN 411: MÁY ĐIỆN QUAY
International Electrotechnical Vocabulary - Chapter 411: Rotating machines
Mục 411-31 đến Mục 411-36 - Máy điện
411-31-01. Máy điện quay
Thiết bị điện, hoạt động của nó phụ thuộc vào cảm ứng điện từ và có các thành phần có thể chuyển động quay tương đối và được thiết kế để chuyển đổi năng lượng.
CHÚ THÍCH: Thuật ngữ này cũng áp dụng cho thiết bị điện hoạt động theo cùng một nguyên lý, có cấu tạo tương tự và dùng cho các mục đích khác nhau. Ví dụ như điều khiển, cung cấp hoặc tiêu thụ công suất phản kháng. Thuật ngữ này không áp dụng cho các máy điện tĩnh.
411-31-02. Máy điện đồng cực
Máy điện trong đó từ thông đi theo một chiều từ phần tử này qua phần tử khác trên toàn bộ một khe hở không khí.
411-31-03. Máy điện không tuần hoàn
Máy đồng cực dùng điện một chiều.
411-31-04. Máy điện đối cực
Máy điện có các cực là vật thể hoặc các cực hiệu quả liên tiếp nhau có cực tính đối nhau.
411-31-05. Máy điện một chiều
Máy điện có dây quấn phần ứng được nối với hệ thống điện một chiều qua cổ góp và có các cực từ được kích thích bằng nguồn điện một chiều hoặc dòng điện đập mạch hoặc bằng các nam châm vĩnh cửu.
411-31-06. Máy điện xoay chiều
Máy điện có một dây quấn phần ứng được thiết kế để nối vào hệ thống điện xoay chiều.
411-31-07. Máy điện cấp điện cho cả hai phần
Máy điện mà dây quấn stato và dây quấn rôto đều được cấp điện từ hệ thống điện xoay chiều.
411-31-08. Máy điện đồng bộ
Máy điện xoay chiều, trong đó tỷ số giữa tần số của điện áp được phát ra và tốc độ của máy điện là một hằng số.
411-31-09. Máy điện không đồng bộ
Máy điện xoay chiều trong đó tỷ số giữa tốc độ khi mang tải và tần số của hệ thống nối với máy điện không phải là hằng số.
411-31-10. Máy điện cảm ứng
Máy điện không đồng bộ trong đó chỉ một dây quấn được đóng điện.
411-31-11. Máy điện từ trở
Máy điện đồng bộ trong đó một thành phần, thường là thành phần đứng yên, mang dây quấn phần ứng và các dây quấn kích thích hoặc nam châm vĩnh cửu được bố trí thích hợp với nhau còn thành phần còn lại, thường là phần quay, không có dây quấn nhưng mang một số gờ nhô ra đều đặn.
411-31-12. Máy điện nam châm vĩnh cửu
Máy điện trong đó phần cảm gồm một hoặc nhiều nam châm vĩnh cửu.
411-31-13. Máy điện một pha
Máy điện dùng để phát ra hoặc sử dụng điện áp và dòng điện xoay chiều một pha.
411-31-14. Máy điện nhiều pha
Máy điện dùng để phát ra hoặc sử dụng điện áp và dòng điện xoay chiều nhiều pha.
411-31-15. Máy điện cực lồi
Máy điện trong đó các cực từ nhô ra khỏi gông từ hoặc nhô ra khỏi trục hướng ra phía khe hở không khí.
411-31-16. Máy điện có guốc cực đặc
Máy điện cực lồi có guốc cực không phải dạng lá thép cán.
411-31-17. Máy điện rôto hình trụ
Máy điện có rôto hình trụ xung quanh rôto có thể có các rãnh để lắp các cạnh cuộn dây của một dây quấn.
411-31-18. Máy điện kiểu tuabin
Máy điện rôto hình trụ, được thiết kế để vận hành ở tốc độ rôto mặt ngoài cao.
CHÚ THÍCH: Thuật ngữ này áp dụng cả cho máy phát điện xoay chiều, nghĩa là máy phát kiểu tuabin.
411-31-19. Máy điện kiểu đĩa
Máy điện có rôto dạng đĩa, và có khe hở không khí quanh trục.
411-32-01. Máy phát
Máy điện chuyển cơ năng thành điện năng.
411-32-02. Máy phát điện xoay chiều
Máy phát dùng để sản xuất ra dòng điện và điện áp xoay chiều.
411-32-03. Máy phát đồng bộ, hai dây quấn
Máy phát đồng bộ, có hai dây quấn phần ứng giống nhau lắp trên cùng một khung từ và có thể cung cấp điện cho hai mạch riêng rẽ.
411-32-04. Máy phát cảm ứng
Máy điện cảm ứng được nối với nguồn công suất phản kháng để làm việc như một máy phát.
411-32-05. Máy kích thích
Nguồn cung cấp tất cả hoặc một phần công suất cho dây quấn kích từ của máy điện.
CHÚ THÍCH: Máy kích thích có thể là máy điện một chiều, máy điện xoay chiều có bộ chỉnh lưu hoặc bộ chỉnh lưu bán dẫn. Máy kích thích tạo thành một phần của hệ thống kích thích.
411-32-06. Máy phát có máy kích thích chính
Máy phát có máy kích thích cho một hoặc nhiều máy điện chính.
411-32-07. Máy phát có máy kích thích điều khiển
Máy phát có máy kích thích cho một máy kích thích khác.
411-33-01. Động cơ
Máy điện dùng để chuyển điện năng thành cơ năng.
411-33-02. Động cơ vạn năng
Động cơ có thể hoạt động nhờ dòng điện một chiều hoặc dòng điện xoay chiều một pha ở tần số nguồn thông thường.
411-33-03. Động cơ đồng bộ rôto lồng sóc
Động cơ đồng bộ cực lồi, có dây quấn lồng sóc đặt trong guốc cực dùng để khởi động.
411-33-04. Động cơ cảm ứng đồng bộ
Động cơ đồng bộ rôto hình trụ có dây quấn thứ cấp tương tự như dây quấn của động cơ cảm ứng có vành trượt, dùng để khởi động và kích thích.
411-33-05. Động cơ từ trở
Động cơ đồng bộ có rôto không được kích thích, có nhiều gờ nhô ra đều đặn, có thể có hoặc không có dây quấn lồng sóc dùng để khởi động.
411-33-06. Động cơ từ trở dưới đồng bộ
Động cơ từ trở trong đó số lượng gờ nhô ra hoạt động như các cực lồi, lớn hơn số cực do dây quấn sơ cấp tạo nên, do đó động cơ làm việc với tốc độ trung bình không đổi, bằng ước số của tốc độ đồng bộ biểu kiến của động cơ.
411-33-07. Động cơ cảm ứng lồng sóc
Động cơ không đồng bộ có (các) dây quấn thứ cấp lồng sóc.
411-33-08. Động cơ cảm ứng rôto dây quấn
Động cơ cảm ứng có (các) dây quấn thứ cấp nhiều pha.
411-33-09. Động cơ cảm ứng vành trượt
Động cơ cảm ứng rôto dây quấn có (các) dây quấn thứ cấp được nối vào vành trượt.
411-33-10. Động cơ cảm ứng rôto dây quấn không có chổi than
Động cơ cảm ứng rôto dây quấn có (các) dây quấn thứ cấp nối trực tiếp với cơ cấu khởi động quay lắp cùng.
411-33-11. Động cơ từ trễ
Động cơ đồng bộ mà phần hình trụ trơn làm bằng vật liệu từ, không có dây quấn kích từ. Động cơ này được khởi động do hiệu ứng tổn hao do trễ cảm ứng trong phần này, và làm việc với tốc độ đồng bộ do cảm ứng từ dư của phần này gây nên.
411-33-12. Động cơ cực từ xẻ rãnh
Động cơ cảm ứng một pha, có một hoặc nhiều dây quấn phụ nối ngắn mạch, có vị trí từ lệch đi so với dây quấn chính, tất cả các dây quấn này đều nằm trên lõi sơ cấp, thường là stato.
411-33-13. Động cơ tách pha
Động cơ cảm ứng một pha, có mạch phụ nối song song với dây quấn chính, bao gồm một dây quấn phụ có vị trí từ lệch đi so với dây quấn chính, có bố trí lệch pha giữa các dòng điện trong hai dây quấn sơ cấp này.
CHÚ THÍCH: Thông thường mạch phụ được mở ra khi động cơ đạt đến tốc độ thích hợp.
411-33-14. Động cơ tách pha khởi động bằng điện trở
Động cơ tách pha trong đó sự lệch pha là do điện trở trong mạch phụ gây ra; điện trở này có thể là của dây quấn phụ hoặc cũng có thể là một điện trở nối tiếp riêng rẽ.
411-33-15. Động cơ tách pha khởi động bằng cuộn kháng
Động cơ tách pha trong đó sự lệch pha là do điện kháng cảm ứng bổ sung trong mạch chính, điện kháng bổ sung này phải được nối tắt hoặc phải làm cho mất hiệu lực khi mạch phụ hở.
411-3-16. Động cơ có tụ điện
Động cơ tách pha trong đó sự lệch pha là do tụ điện lắp trong mạch phụ gây nên.
411-33-17. Động cơ khởi động bằng tụ điện
Động cơ có tụ điện, trong đó mạch phụ chỉ được đóng điện trong thời gian khởi động.
411-33-18. Động cơ khởi động và chạy bằng tụ điện
Động cơ có tụ điện, trong đó mạch phụ được đóng điện cả trong thời gian khởi động và khi đang chạy.
411-33-19. Động cơ có tụ điện hai giá trị
Động cơ khởi động và chạy bằng tụ điện sử dụng các giá trị điện dung khác nhau, dùng cho việc khởi động và vận hành.
411-33-20. Động cơ cổ góp nhiều pha
Động cơ điện xoay chiều có một dây quấn phần ứng nhiều pha được cấp điện qua cổ góp.
411-33-21. Động cơ cổ góp một pha
Động cơ điện xoay chiều có một dây quấn phần ứng một pha được cấp điện qua cổ góp.
411-33-22. Động cơ Shat
Động cơ nhiều pha trong đó rôto chứa hai dây quấn, một dây quấn nhận dòng điện từ nguồn qua vành trượt còn cuộn kia được nối với cổ góp. Cổ góp có hai bộ chổi than điều chỉnh được và cung cấp điện áp điều chỉnh được cho từng pha tách rời nhau trên stato, để thay đổi tốc độ và lấy công suất phản kháng từ nguồn.
411-33-23. Động cơ đẩy
Động cơ cảm ứng một pha có dây quấn sơ cấp trên stato được nối với nguồn điện còn dây quấn thứ cấp trên rôto được nối với cổ góp, các chổi than đều được nối tắt và được bố trí sao cho vị trí góc của chúng có thể thay đổi được.
411-33-24. Động cơ Deri
Động cơ đẩy có hai bộ chổi than trong đó một bộ là cố định còn bộ kia chuyển động được.
41-33-25. Động cơ đẩy có bù
Động cơ đẩy trong đó dây quấn sơ cấp trên stato được nối nối tiếp với dây quấn rôto qua bộ chổi than thứ hai trên cổ góp để cải thiện hệ số công suất và đảo mạch.
411-33-26. Động cơ cảm ứng khởi động bằng sức đẩy
Động cơ đẩy trong đó các phiến góp được nối tắt hoặc được nối ở tốc độ thích hợp để tạo ra sự tương đương như dây quấn lồng sóc.
411-33-27. Động cơ cảm ứng đẩy
Động cơ đẩy có dây quấn rôto lồng sóc bổ sung.
411-33-28. Động cơ dùng để khởi động
Động cơ phụ trợ dùng để tạo thuận tiện cho khởi động và tăng tốc của máy điện chính; động cơ này được nối cơ khí với máy điện chính.
411-33-29. Động cơ có rôto hình nón
Động cơ có rôto có dạng hình nón cụt.
411-33-30. Động cơ mục đích chung
Động cơ được thiết kế, liệt kê và chào hàng với các thông số đặc trưng được tiêu chuẩn hóa cùng với các đặc tính vận hành và kết cấu cơ khí thích hợp để sử dụng trong các điều kiện hoạt động bình thường nhưng không bị hạn chế ở ứng dụng hoặc loại ứng dụng cụ thể.
411-33-31. Động cơ mục đích xác định
Động cơ được thiết kế, liệt kê và chào hàng với các thông số đặc trưng được tiêu chuẩn hóa cùng với các đặc tính vận hành hoặc cấu trúc cơ khí, hoặc cả hai, thích hợp để sử dụng cho một ứng dụng hoặc một loại ứng dụng cụ thể.
411-33-32. Động cơ đặc biệt
Động cơ có các đặc tính vận hành hoặc kết cấu cơ khí đặc biệt, hoặc cả hai, được thiết kế để ứng dụng riêng và không nằm trong các định nghĩa về động cơ mục đích chung hoặc động cơ mục đích xác định.
411-33-33. Động cơ có kích thước lắp đặt tiêu chuẩn hoá
Động cơ có các kích thước lắp đặt sao cho có thể lắp lẫn như một tổng thể về mặt cơ khí với mọi loại động cơ khác có cùng cỡ khung và phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật giống nhau.
411-33-34. Động cơ công suất nhỏ
Động cơ có thông số đặc trưng liên tục lớn nhất không vượt quá 1,1 kW cho mỗi 1 500 r/min.
411-33-35. Động cơ có tốc độ không đổi
Động cơ có tốc độ vốn không đổi hoặc về cơ bản không đổi trong miền phụ tải bình thường của nó.
411-33-36. Động cơ có tốc độ thay đổi
Động cơ có tốc độ vốn thay đổi rõ rệt trong miền phụ tải bình thường của nó.
411-33-37. Động cơ nhiều tốc độ
Động cơ có thể vận hành ở một trong hai hoặc nhiều tốc độ xác định ở tải cho trước.
411-33-38. Động cơ nhiều tốc độ không đổi
Động cơ nhiều tốc độ mà hai hoặc nhiều tốc độ xác định vốn không đổi hoặc về cơ bản là không đổi trong các miền tải bình thường của nó.
411-33-39. Động cơ nhiều tốc độ thay đổi
Động cơ nhiều tốc độ mà hai hoặc nhiều tốc độ xác định vốn thay đổi rõ rệt trong các miền tải bình thường của nó.
411-33-40. Động cơ điều chỉnh được tốc độ
Động cơ mà tốc độ của nó có thể được điều chỉnh đến giá trị bất kỳ nằm trong dải qui định đối với tải cho trước.
411-33-41. Động cơ có tốc độ không đổi điều chỉnh được
Động cơ điều chỉnh được tốc độ, đáp ứng ở tất cả các giá trị đặt tốc độ như một động cơ có tốc độ không đổi.
411-33-42. Động cơ có tốc độ thay đổi điều chỉnh được
Động cơ có tốc độ điều chỉnh được, đáp ứng ở tất cả các chế độ đặt tốc độ như một động cơ có tốc độ thay đổi.
Mục 411-34 - Máy điện đặc biệt
411-34-01. Máy đo mômen
Máy điện có trang bị phương tiện để chỉ thị mômen và có thêm phương tiện chỉ thị tốc độ khi được sử dụng để xác định công suất.
411-34-02. Máy tăng áp
Máy điện được nối vào mạch điện để điện áp của mạch tăng lên hoặc giảm đi so với điện áp được cung cấp bởi một nguồn khác.
411-34-03. Máy bù đồng bộ
Máy điện đồng bộ, vận hành không có tải cơ và cung cấp hoặc tiêu thụ công suất phản kháng.
411-34-04. Tổ động cơ máy phát
Tổ máy gồm một hoặc nhiều động cơ được nối cơ khí với một hoặc nhiều máy phát.
411-34-05. Máy đổi điện kiểu quay
Máy điện có một dây quấn phần ứng duy nhất được nối vào cổ góp và vành trượt và dùng để chuyển đổi điện xoay chiều thành điện một chiều, hoặc ngược lại.
411-34-06. Động cơ-bộ đổi điện
Tổ hợp gồm động cơ cảm ứng và máy đổi điện kiểu quay nằm trên một hệ thống trục chung, dòng điện sinh ra trong dây quấn rôto của động cơ chạy qua dây quấn phần ứng của máy đổi điện kiểu quay.
411-34-07. Máy biến tần (quay)
Máy điện chuyển đổi năng lượng điện từ tần số này sang một tần số khác.
411-34-08. Máy biến tần loại cổ góp
Máy điện nhiều pha, rôto của nó có một hoặc hai dây quấn nối với một bộ vành trượt và với cổ góp sao cho nhờ được cấp điện cho bộ chổi than với điện áp ở tần số cho trước mà điện áp ở tần số khác có thể đạt được từ bộ chổi than còn lại.
411-34-09. Tổ máy thay đổi tần số
Tổ máy động cơ-máy phát dùng để chuyển đổi điện năng từ tần số này sang tần số khác.
411-34-10. Máy biến tần kiểu cảm ứng
Máy điện cảm ứng rôto dây quấn trong đó việc chuyển đổi tần số được thực hiện bằng cảm ứng giữa dây quấn sơ cấp và dây quấn thứ cấp quay tương đối với nhau, dây quấn thứ cấp phát ra công suất ở tần số tỷ lệ với tốc độ tương đối của trường từ sơ cấp và thành phần mang dây quấn thứ cấp.
411-34-11. Máy biến tần kiểu cuộn cảm
Máy điện có dây quấn đầu vào mang điện xoay chiều đặt tĩnh tại dùng làm kích thích và dây quấn đầu ra đặt tĩnh tại có số cực khác nhau, trong đó điện áp phát ra ở tần số đầu ra được cảm ứng thông qua sự thay đổi từ trở nhờ một số gờ nhô ra đều đặn của rôto.
411-34-12. Máy biến đổi pha (quay)
Máy điện chuyển đổi điện năng bằng cách thay đổi số pha.
411-34-13. Máy dùng để ghép nối bằng điện
Máy điện truyền mômen từ trục này sang trục khác bằng các phương tiện điện từ hoặc bằng từ.
CHÚ THÍCH: Tốc độ tương đối của hai trục có thể điều khiển được.
411-34-14. Máy dùng để ghép nối bằng cảm ứng
Máy dùng để ghép nối bằng điện trong đó mômen được truyền nhờ tương tác của trường từ, sinh ra bởi các cực từ trên một phần tử quay và các dòng điện cảm ứng trên phần tử quay còn lại.
411-34-15. Máy dùng để ghép nối bằng từ
Máy dùng để ghép nối trượt
Máy dùng để ghép nối bằng cảm ứng trong đó dòng điện thứ cấp được cảm ứng trong các dây quấn kiểu quấn hoặc lồng sóc.
411-34-16. Máy dùng để ghép nối bằng dòng Fucô
Máy dùng để ghép nối bằng cảm ứng trong đó dòng điện thứ cấp được cảm ứng là dòng Fucô trong phần tử thứ cấp.
411-34-17. Máy dùng để ghép nối đồng bộ
Máy dùng để ghép nối bằng điện trong đó mômen được truyền bởi lực hút giữa các cực từ trên cả phần tử kéo và phần tử bị kéo; cả hai đều quay với cùng tốc độ.
411-34-18. Máy dùng để ghép nối bằng từ trễ
Máy dùng để ghép nối bằng điện trong đó mômen được truyền bởi các lực tạo ra do chống lại sự đổi hướng của các trường từ thiết lập trong vật liệu sắt từ.
411-34-19. Máy ly hợp ma sát bằng từ
Máy ly hợp ma sát dùng các cơ cấu bằng từ để ly hoặc hợp các bề mặt ma sát.
411-34-20. Máy dùng để ghép nối bằng các hạt nhiễm từ
Máy dùng để ghép nối bằng điện truyền mômen qua các hạt là vật liệu từ kết khối lại trong một trường từ giữa các phần tử ghép nối.
Mục 411-35 - Máy điện dùng cho hệ thống điều khiển
411-35-01. Hệ thống Ward-Leonard
Phương pháp khống chế tốc độ và chiều quay của động cơ một chiều bằng cách biến đổi và nếu cần đảo chiều điện áp phần ứng bằng cơ cấu điều khiển dòng điện kích từ của máy phát điện một chiều cấp điện cho phần ứng động cơ.
411-35-02. Tổ máy phát Ward-Leonard
Tổ máy gồm một hoặc nhiều máy phát một chiều được kéo bằng một hoặc nhiều động cơ và được điều khiển bằng hệ thống Ward-Leonard
411-35-03. Hệ thống Kraemer tĩnh
Phương pháp điều khiển tốc độ một động cơ cảm ứng có vành trượt ở tốc độ thấp hơn tốc độ đồng bộ, bằng cách thu hồi công suất trượt qua bộ chuyển đổi tĩnh nối giữa dây quấn thứ cấp của động cơ và hệ thống điện.
411-35-04. Máy khuếch đại quay
Máy điện sử dụng để tạo ra công suất đầu ra bằng cách khuếch đại tín hiệu đầu vào.
411-35-05. Động cơ bước
Động cơ có rôto quay theo mức tăng góc rời rạc khi dây quấn stato của nó được đóng điện theo cách đã lập trình.
Mục 411-36 - Thuật ngữ về tính chất
411-36-01. Kích thích độc lập
Tính chất của một máy điện để chỉ rõ việc kích thích đạt được từ một nguồn không phải là bản thân máy điện.
411-36-02. Tự kích thích
Tính chất của một máy điện để chỉ rõ việc kích thích được cung cấp bởi chính máy điện.
411-36-03. Kích thích hỗn hợp
Tính chất của một máy điện để chỉ rõ một phần kích thích được cung cấp bởi chính máy điện và một phần đạt được từ một nguồn không phải là bản thân máy điện.
411-36-04. Kích thích song song
Tính chất của một máy điện để chỉ rõ nó được kích thích bằng một dây quấn nối song song với dây quấn phần ứng.
411-36-05. Kích thích nối tiếp
Tính chất của một máy điện để chỉ rõ nó được kích thích bằng một dây quấn nối tiếp với dây quấn phần ứng.
411-36-06. Kích thích phức hợp
Tính chất của một máy điện để chỉ rõ nó được kích thích ít nhất bằng hai dây quấn, một trong đó là dây quấn nối tiếp.
411-36-07. Kích thích phức hợp cộng
Tính chất của một máy điện kích thích phức hợp để chỉ rõ sức từ động của các dây quấn nối tiếp và dây quấn song song là cùng chiều.
411-36-08. Kích thích phức hợp trừ
Tính chất của một máy điện kích thích phức hợp để chỉ rõ sức từ động của các dây quấn nối tiếp và dây quấn song song là ngược chiều.
411-36-09. Kích thích trên phức hợp
Tính chất của một máy điện có kích thích phức hợp để chỉ rõ dây quấn nối tiếp có tỷ lệ sao cho điện áp đầu nối ở đầu ra danh định lớn hơn khi không tải.
411-36-10. Kích thích bằng với phức hợp
Tính chất của một máy điện có kích thích phức hợp để chỉ rõ dây quấn nối tiếp có tỷ lệ sao cho điện áp đầu nối ở đầu ra danh định giống như khi không tải.
411-36-11. Kích thích dưới phức hợp
Tính chất của một máy điện có kích thích phức hợp để chỉ rõ dây quấn nối tiếp có tỷ lệ sao cho điện áp đầu nối ở đầu ra danh định nhỏ hơn khi không tải.
411-36-12. Kích thích song song ổn định (đối với máy phát)
Tính chất của một máy phát có kích thích dưới phức hợp cung cấp một điện áp rơi khi có tải sao cho máy điện có thể vận hành song song mà không có các bộ cân bằng.
411-36-13. Kích thích song song ổn định (đối với động cơ)
Tính chất của một động cơ có kích thích phức hợp với dây quấn nối tiếp của nó có tỷ lệ và cực tính sao cho gây ra suy giảm nhỏ về tốc độ khi đầu ra tăng.
411-36-14. Tự điều chỉnh
Tính chất của một máy điện có một lõi từ và tự nó đảm bảo việc điều khiển các đặc tính riêng như: điện áp, hệ số công suất, tốc độ mà không cần sự can thiệp của các thiết bị bên ngoài.
411-36-15. Điều chỉnh bù
Tính chất của một máy điện mà khi kết hợp với nguồn kích thích riêng thì có thể tự điều chỉnh các đặc tính vốn có như: điện áp, hệ số công suất, tốc độ.
411-36-16. Điều chỉnh tự động
Tính chất của một máy điện có khả năng điều chỉnh các đặc tính riêng khi kết hợp với các thiết bị khác trong một mạch vòng khép kín thích hợp.
411-36-17. Không dùng chổi than
Tính chất của một máy điện trong đó bộ chổi than thông thường đã được loại bỏ.
411-36-18. Đổi chỗ
Tính chất của một máy điện trong đó các chức năng điện từ thông thường của các phần tử đứng yên và phần tử quay có thể đổi lẫn.
411-36-19. Dung sai
Sai lệch cho phép giữa giá trị công bố của một đại lượng và giá trị đo được.
411-36-20. Điện áp khởi đầu phóng điện cục bộ
Điện áp thấp nhất tại đó các phóng điện cục bộ được bắt đầu trong bố trí thử nghiệm khi điện áp đặt vào đối tượng thử nghiệm tăng dần từ giá trị thấp hơn mà tại đó không quan sát được các phóng điện này.
CHÚ THÍCH: Với điện áp đặt hình sin, điện áp bắt đầu phóng điện cục bộ được xác định là giá trị hiệu dụng của điện áp. Với các điện áp xung, điện áp khởi đầu phóng điện cục bộ được xác định là điện áp đỉnh-đỉnh.
411-36-20. Điện áp triệt tiêu phóng điện cục bộ
Điện áp tại đó các phóng điện cục bộ được dập tắt trong bố trí thử nghiệm khi điện áp đặt vào đối tượng thử nghiệm giảm dần từ giá trị cao hơn mà tại đó quan sát thấy các phóng điện này.
CHÚ THÍCH: Với điện áp đặt hình sin, điện áp triệt tiêu phóng điện cục bộ được xác định là giá trị hiệu dụng của điện áp. Với các điện áp xung, điện áp triệt tiêu phóng điện cục bộ được xác định là điện áp đỉnh-đỉnh.
Dây quấn - Bộ phận từ và bộ phận điện
411-37-01 (151-01-23). Dây quấn
Tập hợp các vòng dây hoặc các cuộn dây có chức năng xác định trong máy điện quay.
411-37-02. Dây quấn phần ứng
Dây quấn trong một máy điện đồng bộ một chiều hoặc một pha có cổ góp, mà khi vận hành, nó tiêu thụ công suất tác dụng từ hệ thống điện bên ngoài hoặc phát ra công suất tác dụng cho hệ thống điện bên ngoài.
CHÚ THÍCH: Định nghĩa này áp dụng cho cả máy bù đồng bộ khi thuật ngữ "công suất tác dụng" được thay bằng "công suất phản kháng".
411-37-03. Dây quấn sơ cấp
Dây quấn trong máy điện cảm ứng mà khi vận hành tiêu thụ công suất tác dụng từ hệ thống điện bên ngoài hoặc phát ra công suất tác dụng cho hệ thống điện bên ngoài.
411-37-04. Dây quấn thứ cấp
Dây quấn trong máy điện cảm ứng không nối đến hệ thống điện bên ngoài.
411-37-05. Dây quấn chính
Dây quấn sơ cấp của động cơ tách pha.
411-37-06. Dây quấn khởi động
Dây quấn dùng cho mục đích khởi động máy điện.
411-37-07. Dây quấn phụ khởi động
Dây quấn khởi động của động cơ tách pha.
411-37-08. Dây quấn kích thích
Dây quấn dùng để tạo ra trường từ cố định so với dây quấn đó.
411-37-09. Dây quấn kích từ
Dây quấn kích thích góp phần tạo ra trường từ chính của một máy điện.
411-37-10. Dây quấn song song
Dây quấn kích từ nối song song trên toàn bộ hoặc một phần của mạch phần ứng.
411-37-11. Dây quấn nối tiếp
Dây quấn kích từ nối tiếp với dây quấn phần ứng và mang toàn bộ hoặc một phần dòng điện phần ứng.
411-37-12. Dây quấn bù
Dây quấn kích thích mang dòng điện phụ tải hoặc dòng điện tỷ lệ với dòng phụ tải, và được bố trí sao cho giảm được méo trường từ do dòng điện phụ tải đi qua các dây quấn còn lại.
411-37-13. Dây quấn đảo chiều
Dây quấn kích thích, trong máy điện có cổ góp, mang dòng điện phụ tải hoặc dòng điện tỷ lệ với dòng phụ tải và được bố trí sao cho làm tăng tốc quá trình đổi chiều dòng điện trong các cuộn dây đang đổi chiều.
411-37-14. Dây quấn cản dịu
Dây quấn ngắn mạch, thường có dạng lồng hoặc có thể được ngắn mạch, mục đích là để khử đột biến của từ thông đi qua nó.
411-37-15. Dây quấn điều khiển
Dây quấn kích thích mang dòng điện điều chỉnh được dùng để điều khiển tính năng của máy điện.
411-37-16. Dây quấn stato
Dây quấn đặt trên stato của máy điện.
411-37-17. Dây quấn rôto
Dây quấn đặt trên rôto của máy điện.
411-37-18. Dây quấn tập trung
Dây quấn của phần cảm có các cực lồi hoặc có một dây quấn mà các cạnh cuộn dây chỉ chiếm một rãnh trên mỗi cực.
411-37-19. Dây quấn phân tán
Dây quấn mà các cạnh các cuộn dây chiếm nhiều rãnh trên mỗi cực.
411-37-20. Dây quấn một lớp
Dây quấn phân tán, trong đó mỗi rãnh chỉ đặt một cạnh cuộn dây.
411-37-21. Dây quấn hai lớp
Dây quấn phân tán, trong đó mỗi rãnh đặt hai cạnh cuộn dây.
411-37-22. Dây quấn có số rãnh là số nguyên
Dây quấn phân tán, trong đó số rãnh trên mỗi cực và mỗi pha là một số nguyên và giống nhau cho tất cả các cực.
411-37-23. Dây quấn có số rãnh là phân số
Dây quấn phân tán, trong đó số rãnh trên mỗi cực và mỗi pha là một phân số.
411-37-24. Dây quấn đối xứng có số rãnh là phân số
Dây quấn có số rãnh là phân số trong đó hệ thống điện áp nhiều pha đối xứng được cảm ứng bởi trường qua khe hở không khí chính.
411-37-25. Dây quấn bổ văng
Dây quấn hai lớp trong đó các dây dẫn tạo thành một một cạnh cuộn dây nằm trong rãnh này không chung với các dây trong rãnh khác.
411-37-26. Dây quấn lồng sóc
Dây quấn gồm nhiều thanh dẫn mà các đầu của chúng được nối bằng các vòng dẫn hoặc tấm dẫn.
411-37-27. Dây quấn đồng tâm
Dây quấn phân tán, trong đó các cuộn dây riêng rẽ của từng nhóm pha trên một cực là đồng tâm và có các bước quấn khác nhau.
411-37-28. Dây quấn hình thoi
Dây quấn phân tán, trong đó tất cả các cuộn dây đều có cùng hình dạng và bước quấn.
411-37-29. Dây quấn xếp
Dây quấn hai lớp trong đó tất cả các vòng dây đặt dưới một cặp cực chính được nối liên tiếp và các nhóm cuộn dây đặt dưới các cặp cực chính kế tiếp nhau được nối với nhau theo trật tự của các cặp cực đó.
411-37-30. Dây quấn xếp đơn
Dây quấn xếp trong đó số các mạch song song bằng số cực.
411-37-31. Dây quấn xếp kép
Dây quấn xếp trong đó số các mạch song song gấp đôi số cực.
411-37-32. Dây quấn xếp bội
Dây quấn xếp trong đó số các mạch song song là một bội lớn hơn hai của số cực.
411-37-33. Dây quấn sóng
Dây quấn hai lớp trong đó trật tự của các mối nối sao cho các phần cuộn dây kế tiếp nhau được đặt dưới các đôi cực chính kề cạnh nhau theo cùng một chiều xung quanh máy điện.
411-37-34. Dây quấn sóng đơn
Dây quấn sóng trong đó số mạch song song bằng hai, bất kể số cực.
411-37-35. Dây quấn sóng kép
Dây quấn sóng trong đó số mạch song song bằng bốn, bất kể số cực.
411-37-36. Dây quấn sóng nhiều thành phần
Dây quấn sóng, trong đó số mạch song song là một bội của hai nhưng khác bốn, không kể số cực là bao nhiêu.
411-37-37. Dây quấn kiểu chân ếch
Dây quấn hỗn hợp gồm một dây quấn xếp và một dây quấn sóng cùng đặt trong các rãnh và nối vào cùng một cổ góp.
411-37-38. Dây quấn để thay đổi số cực
Dây quấn trong đó hai hoặc nhiều nhóm cuộn dây nối với nhau được nối vào các đầu nối sao cho số cực của dây quấn có thể thay đổi được bằng cách thay đổi việc đấu nối chúng với các đầu nối đó.
411-37-39. Dây quấn có cực điều biên
Dây quấn để thay đổi số cực, trong đó tỷ số không nguyên về số cực đạt được bằng cách khử bớt hoặc tăng thêm các hài của trường từ.
411-37-40 (131-01-01). Mạch điện
Bố trí các cơ cấu hoặc đường truyền mà qua đó dòng điện có thể chạy qua.
411-37-41. Mạch sơ cấp
Mạch điện trong máy điện cảm ứng, khi vận hành, tiêu thụ công suất tác dụng từ hệ thống điện bên ngoài hoặc phát ra công suất tác dụng cho hệ thống điện bên ngoài.
411-37-42. Mạch thứ cấp
Mạch điện trong máy điện cảm ứng, khi vận hành, không nối đến hệ thống điện bên ngoài.
411-37-43. Mạch phần ứng
Mạch điện trong máy điện đồng bộ, một chiều hoặc một pha có cổ góp, khi vận hành, tiêu thụ công suất tác dụng từ hệ thống điện bên ngoài hoặc phát ra công suất tác dụng cho hệ thống điện bên ngoài.
CHÚ THÍCH: Định nghĩa này áp dụng cho cả máy bù đồng bộ khi thay thuật ngữ “công suất tác dụng” bằng “công suất phản kháng”.
Mục 411-38 - Kết cấu của dây quấn
411-38-01. Vòng dây
Dây dẫn hoặc một nhóm dây dẫn tạo thành một vòng dẫn.
CHÚ THÍCH: Dây dẫn đó có thể gồm nhiều tao hoặc nhiều lớp. Mỗi tao hoặc mỗi lớp ở dạng sợi dây, que, dài hoặc thanh, tuỳ theo mặt cắt của nó. Mỗi tao hoặc lớp riêng rẽ có thể không được cách điện hoặc được cách điện, ví dụ để giảm dòng điện Fucô.
411-38-02. Bối dây
Phần tử điện cơ bản của một dây quấn gồm một cụm của một hoặc nhiều vòng dây cách điện với nhau.
411-38-03. Cuộn dây
Cụm gồm một hoặc nhiều bối dây thường được bọc bằng cách điện chung.
411-38-04. Cuộn dây có nhiều bối dây
Cuộn dây gồm hai hoặc nhiều bối dây, hoặc nhóm vòng dây, mỗi bối dây hoặc nhóm được cách điện riêng rẽ.
411-38-05. Nửa cuộn dây
Thanh
Một trong hai phần mà khi nối với nhau sẽ tạo thành một cuộn dây hoàn chỉnh và gồm một cạnh cuộn dây và phần đầu dây quấn thích hợp.
CHÚ THÍCH: Thuật ngữ "thanh" thường được sử dụng thay cho “nửa cuộn dây” nhưng nói chung chỉ đối với nửa cuộn dây một vòng trong máy điện cỡ lớn.
411-38-06. Cạnh cuộn dây
Một trong hai phần của cuộn dây, thường có dạng thẳng và chủ yếu đặt hướng theo trục của máy điện.
411-38-07. Phần đầu dây quấn
Một trong hai phần nối các cạnh của một cuộn dây.
411-38-08. Đầu nối dây quấn
Một trong hai phần của một dây quấn nhô ra khỏi mặt đầu của lõi.
411-38-09. Cạnh cuộn dây đã lồng
Phần rãnh
Phần lõi
Phần của cạnh cuộn dây nằm trong một rãnh giữa hai mặt đầu của lõi.
411-38-10. Dây quấn đều đặn
Dây quấn trong đó các dây dẫn riêng lẻ trong từng cạnh cuộn dây được đặt vào đều đặn.
411-38-11. Dây quấn tạo hình sẵn
Dây quấn đều đặn gồm các cuộn dây đã được tạo hình trước khi lồng vào máy điện.
411-38-12. Dây quấn tạo hình sẵn một phần
Dây quấn đều đặn gồm các cuộn dây đã được tạo hình một phần đầu trước khi lồng vào máy còn một phần đầu dây quấn được tạo hình và nối sau khi lồng vào máy.
411-38-13. Dây quấn được quấn ngẫu nhiên
Dây quấn trong đó các dây dẫn riêng rẽ chiếm các vị trí ngẫu nhiên trong một cạnh của cuộn dây.
411-38-14. Dây quấn kiểu gạt vào
Dây quấn, thường là dây quấn ngẫu nhiên trong đó các dây dẫn riêng rẽ được gạt vào từng rãnh qua miệng rãnh.
411-38-15. Dây quấn kiểu đẩy qua
Dây quấn trong đó các cạnh cuộn dây được đẩy dọc trục vào các rãnh.
411-38-16. Dây quấn kiểu kéo qua
Dây quấn được lồng vào bằng cách kéo các dây dẫn dọc trục qua các rãnh.
411-38-17. Cuộn dây hở một đầu
Cuộn dây được tạo hình trước một phần, các vòng dây của nó được để hở một đầu để thuận tiện cho quá trình lồng vào máy điện.
411-38-18. Cuộn dây kiểu xoắn ốc
Dạng cụ thể của cuộn dây hở một đầu được thiết kế để đẩy qua các rãnh nửa kín hoặc kín.
411-38-19. Cuộn dây kích từ
1. Đối với máy điện một chiều và máy điện xoay chiều cực lồi, dây quấn được cách điện một cách thích hợp được thiết kế để lắp trên cực cảm ứng để từ hoá nó.
2. Đối với máy điện đồng bộ rôto hình trụ, nhóm các vòng dây của một dây quấn kích từ chiếm một cặp rãnh.
411-38-20. Dãy
Thuật ngữ được sử dụng để biểu thị một khối dây uốn quanh đường trục máy điện, ở biên ngoài cùng của phần đầu dây quấn của các nhóm cuộn dây của dây quấn đồng tâm, ở từng đầu của máy điện.
CHÚ THÍCH: Dây quấn đồng tâm có một, hai, hoặc nhiều dãy tuỳ theo số lượng của các khối uốn quanh này.
411-38-21. Cuộn dây bẻ hình trục khuỷu
Cuộn dây có các phần nhô ra của dây quấn có dạng đặc biệt để cho phép cả hai phần đầu dây quấn vắt qua từ dãy này đến dãy khác.
411-38-22. Mối nối đẳng thế
Mối nối được thiết lập giữa hai điểm của một dây quấn để giảm thiểu chênh lệch điện thế không mong muốn giữa các điểm đó.
411-38-23. Cuộn dây giả
Cuộn dây không cần có điện trong dây quấn nhưng được lắp đặt vì lý do cơ khí và được để hở mạch.
411-38-24. Điểm lấy ra ở giữa
Mối nối được thực hiện tại một điểm trung gian trong một dây quấn.
411-38-25. Bước răng rãnh
Khoảng cách theo chu vi giữa các điểm tương ứng của hai răng rãnh liên tiếp.
411-38-26. Nhịp cuộn dây
Số bước răng rãnh xen giữa hai rãnh, đặt hai cạnh của một cuộn dây.
411-38-27. Nhịp tiến
Nhịp cuộn dây ở đầu đấu nối của dây quấn.
411-38-28. Nhịp lùi
Nhịp cuộn dây ở đầu không đấu nối của dây quấn.
411-38-29. Bước cực
Khoảng cách theo chu vi giữa các điểm tương ứng của hai cực liên tiếp, thường thể hiện bằng số bước răng rãnh.
411-38-30. Bước dây quấn
Tỷ số giữa nhịp cuộn dây và tổng số bước răng rãnh trên mỗi cực, thường thể hiện bằng phần trăm.
411-38-31. Dây quấn bước đủ
Dây quấn có bước dây quấn bằng 100 %.
411-38-32. Dây quấn bước ngắn
Dây quấn có bước dây quấn nhỏ hơn 100 %.
411-38-33. Dây quấn bước dài
Dây quấn có bước dây quấn lớn hơn 100 %.
411-38-34. Bước cổ góp (bước chuyển mạch)
Số phiến góp giữa bắt đầu và kết thúc của một bối dây.
411-38-35. Chuyển đổi vị trí
Sắp xếp các tao hoặc các tệp dây dẫn hoặc các dây dẫn tạo thành một vòng hoặc một cuộn dây. Bằng cách đó, chúng chiếm các vị trí tương đối khác nhau trong một rãnh, hoặc trong các rãnh kế tiếp nhau nhằm làm giảm tổn thất do dòng Fucô.
411-38-36. Chuyển đổi vị trí Roebel
Sơ đồ chuyển đổi vị trí trong đó các tao chiếm hai dãy theo chiều thẳng đứng trong một nửa cuộn dây và ở các khoảng đều đặn theo chiều dài lõi, một tao trên cùng và một tao dưới cùng giao nhau đến dãy khác sao cho từng tao chiếm từng vị trí xuyên tâm trong từng dãy.
411-38-37. Hệ số phân bố
Hệ số liên quan tới dây quấn phân bố, có tính đến sự suy giảm điện áp sinh ra do lệch pha giữa các điện áp sinh ra trong các cuộn dây ở các rãnh khác nhau.
411-38-38. Hệ số bước
Hệ số liên quan tới dây quấn phân bố có tính đến sự suy giảm điện áp sinh ra khi hệ số bước dây quấn khác 100%.
411-38-39. Hệ số dây quấn
Tích của hệ số phân bố và hệ số bước.
411-38-40. Rãnh nghiêng
Rãnh rôto hoặc rãnh stato được đặt ở một góc so với với trục sao cho vị trí góc của rãnh ở một đầu của lõi lệch so với vị trí góc ở đầu còn lại.
411-38-41. Hệ số nghiêng
Hệ số có tính đến sự suy giảm điện áp phát ra khi các rãnh của stato và rôto không song song.
411-38-42. Số vòng dây hiệu dụng trên một pha
Tích của số vòng dây nối tiếp của mỗi cuộn dây với số cuộn dây nối nối tiếp trên một pha và hệ số dây quấn.
411-39-01. Cách điện của ruột dẫn
Cách điện bao quanh một dây dẫn, hoặc đặt giữa các dây dẫn kề nhau.
411-39-02. Cách điện của tao hoặc tệp dây
Cách điện trên một tao hoặc tệp dây hoặc giữa các tao hoặc các tệp dây liền kề tạo nên ruột dẫn.
411-39-03. Cách điện của vòng dây
Cách điện bao quanh một vòng dây.
411-39-04. Cách điện giữa các vòng dây
Cách điện giữa các vòng dây kề nhau, thường có dạng dải băng.
411-39-05. Cách điện của cuộn dây hoặc thanh
Cách điện chính với đất, hoặc giữa các pha, bao quanh một cuộn dây hoặc một thanh, bổ sung cách điện cho ruột dẫn hoặc vòng dây bất kỳ.
411-39-06. Dây quấn kiểu bọc kín
Dây quấn được bọc hoàn toàn hoặc gắn kín bằng cách điện đúc.
411-39-07. Ngâm tẩm ở áp suất chân không (của máy điện)
Hệ thống cách điện mà các phần tử của nó được ngâm tẩm trong chân không sau khi đã được lồng vào hoàn chỉnh và đấu nối dây quấn.
411-39-08. Màn chắn chống vầng quang
Phương tiện được chấp nhận để làm giảm gradient điện thế theo bề mặt của cuộn dây.
411-39-09. Cấp điện trở (của màn chắn bảo vệ chống vầng quang)
Dạng của màn chắn bảo vệ chống vầng quang sử dụng vật liệu điện trở cao trên bề mặt của cuộn dây.
411-39-10. Vật cách ly cạnh cuộn dây
Cách điện phụ được dùng để cách ly các cạnh của cuộn dây đã lồng vào.
411-39-11. Lớp chèn rãnh
Cách điện phụ được dùng để chèn các cạnh một cuộn dây đã lồng vào để đảm bảo chèn chặt trong rãnh.
411-39-12. Lớp lót rãnh
Cách điện riêng rẽ giữa một cạnh cuộn dây đã lồng vào và rãnh, có thể cung cấp bảo vệ về cơ và điện.
411-39-13. Lớp chèn của phần nhô ra của dây quấn
Cách điện được đưa vào phần nhô ra của dây quấn để tạo khoảng cách và độ bền.
411-39-14. Lược
Phần của lớp chèn của phần nhô ra của dây quấn có hình lược.
411-39-15. Cách điện kiểu đai
Một dạng của lớp chèn của phần nhô ra của dây quấn đặt giữa hai lớp liền kề theo chu vi ở phần nhô ra của dây quấn.
411-39-16. Cách điện cuộn dây pha
Cách điện phụ nằm giữa các cuộn dây liền kề thuộc các pha khác nhau.
411-39-17. Cách điện kiểu dải băng
Cách điện giữa phần nhô ra của dây quấn và các dải băng dùng để bó.
411-39-18. Kết cấu đỡ phần nhô ra của dây quấn
Kết cấu để đỡ phần nhô ra của dây quấn.
CHÚ THÍCH: Kết cấu này có thể bằng vật liệu cách điện hoặc có thể mang cách điện.
411-39-19. Cách điện của kết cấu đỡ phần nhô ra của dây quấn
Cách điện giữa phần nhô ra của dây quấn và kết cấu đỡ phần nhô ra của dây quấn.
411-39-20. Lõi dây quấn kích từ
Kết cấu dùng để đỡ cuộn dây kích từ tập trung.
CHÚ THÍCH: Kết cấu này có thể bằng vật liệu cách điện hoặc mang vật liệu cách điện.
411-39-21. Cách điện của lõi dây quấn kích từ
Cách điện giữa lõi dây quấn kích từ và cuộn dây kích từ tập trung.
411-39-22. Cách điện thân cực
Cách điện giữa thân cực và cuộn dây kích từ.
411-39-23. Mặt chặn cuộn dây kích từ
Cách điện giữa cuộn dây kích từ và một guốc cực hoặc giữa cuộn dây kích từ và phần mang thân cực.
411-39-24. Cách điện bằng ống
Cách điện phụ bao quanh các mối nối đi qua một ống rỗng.
411-39-25. Hộ thống cách điện
Vật liệu cách điện, hoặc cụm các vật liệu cách điện được xem là có liên quan với các bộ phận dẫn kết hợp khi áp dụng cho loại hoặc kích cỡ cụ thể hoặc một phần của thiết bị điện.
411-39-26. Hệ thống cách điện có thể chọn
Hệ thống cách điện được thử nghiệm để xác định khả năng của nó về các hệ số lão hóa (tức là cấp chịu nhiệt).
411-39-27. Hệ thống cách điện tham chiếu
Hệ thống cách điện có tính năng được thiết lập bằng kinh nghiệm vận hành thoả đáng.
411-40-01. Lõi
Phần của mạch từ trong máy điện, trừ khe hở không khí, được thiết kế để mang từ thông.
411-40-02. Lõi bằng lá thép
Lõi gồm các lá thép.
411-40-03. Tấm ép đầu lõi từ
Tấm hoặc kết cấu ở đầu của lõi bằng lá thép để duy trì lực ép lên các lá thép.
411-40-04. Cực từ
Phần của lõi mang dây quấn kích thích hoặc đặt dây quấn kích thích trong đó hoặc gồm một hoặc nhiều nam châm vĩnh cửu.
411-40-05. Cực không lồi
Phần của lõi hình trụ hoạt động như một cực nhờ được kích thích bằng dây quấn phân bố.
411-40-06. Cực lồi
Loại cực từ nhô ra khỏi gông từ hoặc moayơ hướng đến khe hở không khí.
411-40-07. Thân cực
Phần của cực lồi, xung quanh có cuộn dây kích từ hoặc gồm một hay nhiều nam châm vĩnh cửu.
411-40-08. Guốc cực
Phần của cực lồi liền kề khe hở không khí.
411-40-09. Đầu bịt cực
Phần đầu mút của guốc cực dọc theo chu vi.
411-40-10. Mặt cực
Mặt của guốc cực tạo nên một mặt biên của khe hở không khí.
411-40-11. Phần vát nghiêng mặt cực
Phần của guốc cực được vát nghiêng để tăng chiều dài của khe hở không khí hướng tâm hướng vào (các) đầu bịt cực.
411-40-12. Tạo hình mặt cực
Phần của guốc cực được tạo hình không theo cách vát nghiêng để tăng chiều dài hướng tâm của khe hở không khí.
411-40-13. Tấm ép đầu cực
Tấm hoặc kết cấu ở đầu của cực kiểu lá thép để duy trì lực ép lên các lá thép.
411-40-14. Gông từ
Phần lõi thép có dạng hình vành khăn hoặc hình đa giác.
CHÚ THÍCH: Gông từ có thể là một khối liền hoặc các lá thép.
411-40-15. Gông từ có khung đỡ
Gông từ có đỡ cơ khí cho các cực lồi đứng yên.
411-40-16. Trục gông từ rôto
Gông từ có đỡ cơ khí cho các cực lồi quay.
411-40-17. Khe hở không khí
Khe hở trong phần sắt từ của mạch từ.
411-40-18. Khe hở không khí chính
Khoảng cách tối thiểu giữa các phần chuyển động tương đối của một cấu trúc từ.
411-40-19. Rãnh
Phần bị khoét đi trong một lõi từ để đặt các ruột dẫn của dây quấn.
411-40-20. Răng
Phần của lõi giữa hai rãnh liên tiếp.
411-40-21. Phần đỡ răng
Thành phần mà lực ép đặt lên các đầu răng.
411-40-22. Khoảng đệm thông gió
Khoảng đệm nằm giữa các tệp lá thép liền kề để cung cấp thông gió xuyên tâm.
Mục 411-41 - Chổi than, giá đỡ chổi than, cổ góp, vành trượt, đầu nối
411-41-01. Chổi than
Bộ phận dẫn thường đặt tĩnh tại để tạo tiếp xúc trượt về điện với cổ góp hoặc vành trượt.
411-41-02. Cáp chổi than
Cáp giữa chổi than và đầu nối chổi than.
411-41-03. Giá đỡ chổi than
Kết cấu duy trì một hoặc nhiều chổi than ở vị trí xác định so với cổ góp hoặc vành trượt và thường đặt một lực đẩy gần như không đổi vào chổi than hoặc các chổi than.
411-41-04. Hộp chổi than
Phần của giá đỡ chổi than có chứa chổi than.
411-41-05. Cơ cấu ép chổi than
Cơ cấu cơ khí đặt một lực đẩy lên chổi than để duy trì tiếp xúc với cổ góp hoặc vành trượt và thường là một phần của giá đỡ chổi than.
411-41-06. Cơ cấu cố định giá đỡ chổi than
Cơ cấu nhờ đó giá đỡ chổi than được giữ chặt vào kết cấu đỡ.
411-41-07. Kết cấu đỡ giá đỡ chổi than
Kết cấu, trên đó các giá đỡ chổi than được lắp đặt và được cố định với nhau.
411-41-08. Khung lắc của giá đỡ chổi than
Kết cấu dùng để đỡ giá đỡ chổi than được bố trí sao cho toàn bộ kết cấu có thể di chuyển theo đường tròn.
411-41-09. Đòn gánh khung lắc (của giá đỡ chổi than)
Kết cấu trên đó khung lắc của giá đỡ chổi than được lắp đặt khi khung lắc không được đỡ bởi khung hoặc bệ của bản thân máy điện.
411-41-10. Truyền động bánh răng cho khung lắc (của giá đỡ chổi than)
Bánh vít hoặc hệ truyền động bánh răng khác nhờ đó có thể điều chỉnh vị trí của khung lắc giá đỡ chổi than.
411-41-11. Tấm chắn ngăn ngừa phóng điện bề mặt
Tấm chắn bằng vật liệu chịu lửa, dùng để ngăn cản hình thành hồ quang hoặc để giảm thiểu hư hại do hồ quang gây nên.
411-41-12. Vành trượt
Vành dẫn điện nhờ đó các chổi than được duy trì để cho phép dòng điện chạy giữa phần quay và phần đứng yên của mạch điện nhờ tiếp xúc trượt.
411-41-13. Cổ góp
Tập hợp các phiến góp, được cách điện với nhau và cách điện với giá đỡ của chúng, dựa vào đó các chổi than được duy trì để cho phép dòng điện chạy giữa dây quấn phần quay và phần đứng yên của mạch điện nhờ tiếp xúc trượt và cũng cho phép chuyển mạch giữa các cuộn dây cụ thể của dây quấn quay.
411-41-14. Phiến góp
Phần tử dẫn điện của một cổ góp, được thiết kế để nối với đầu chung của các bối dây liên tiếp của dây quấn.
411-41-15. Vành hình chữ V của cổ góp
Vành có mặt cắt chữ V dùng để kẹp các phiến góp thành một cụm lắp ráp cứng.
411-41-16. Cách diện của vành hình chữ V của cổ góp
Cách điện giữa vành hình chữ V và các phiến góp.
411-41-17. Cách điện của phiến góp
Cách điện giữa các phiến góp.
411-41-18. Đường tia của cổ góp
Phần tử dẫn điện dùng để nối phiến góp với đầu chung của các bối dây liên tiếp của dây quấn.
411-41-19. Đầu cực
Bố trí bất kỳ để đấu nối giữa các dây dẫn bên trong máy điện và các dây dẫn bên ngoài.
411-41-20. Đầu nối (máy điện)
Phần tử được cung cấp để đấu nối ruột dẫn bên trong máy điện với (các) ruột dẫn khác bất kỳ, bên trong hoặc bên ngoài.
411-41-21. Đầu nối bulông
Đầu nối có dạng bulông dẫn.
411-41-22. Đầu nối kiểu dải
Đầu nối có dạng dải dẫn.
411-41-23. Tấm đầu nối
Tấm trên đó có lắp các đầu nối.
411-41-24. Bộ ghép nối cáp
Dạng đầu cực trong đó ruột dẫn bên ngoài và bên trong máy điện được nối nhờ cơ cấu gồm một phích cắm và một ổ cắm.
411-41-25. Đầu nối đất
Đầu nối được nối đến các phần kim loại của máy điện, được thiết kế để nối đất hoặc nối đến dây dẫn bảo vệ.
411-41-26. Đầu nối dây quấn kích từ
Đầu nối của mạch dây quấn kích từ trong đó đã ấn định năng lượng đầu vào dây quấn kích từ yêu cầu.
411-41-27. Dây lửng
Một dạng đầu cực trong đó các dây bên trong của máy điện được đưa ra là các ruột dẫn mềm có cách điện nhưng không được đỡ.
411-41-28. Vỏ bọc đầu nối
Vỏ bọc bảo vệ, trong đó các đầu nối được nối với ruột dẫn bên ngoài, tạo ra tiếp cận thích hợp, đáp ứng các yêu cầu về khe hở không khí và chiều dài đường rò và thường được lắp trên máy điện.
411-41-29. Vỏ bọc đầu nối riêng rẽ
Vỏ bọc đầu nối không lắp trên máy điện.
CHÚ THÍCH: Phần của vỏ bọc có thể tạo thành từ bệ máy hoặc giá đỡ.
411-41-30. Hộp đầu nối
Vỏ bọc đầu nối có dạng hộp cứng.
411-41-31. Hộp đầu nối giảm áp suất
Hộp đầu nối được thiết kế sao cho nếu xảy ra phóng điện đánh thủng bên trong hộp này thì áp suất được giảm theo biểu đồ giảm áp suất.
CHÚ THÍCH: Thuật ngữ về tính chất “giảm áp suất” có thể áp dụng cho các vỏ bọc đầu nối không phải là các hộp đầu nối.
411-41-32. Hộp đầu nối được cách điện bằng không khí
Hộp đầu nối được thiết kế sao cho việc bảo vệ các ruột dẫn pha khỏi sự cố về điện môi bên trong hộp đầu nối, đạt được bằng khoảng trống thích hợp của các ruột dẫn trần và cách điện thích hợp của bộ phận đỡ.
CHÚ THÍCH: Thuật ngữ “cách điện bằng không khí” có thể áp dụng cho các vỏ bọc đầu nối không phải là các hộp đầu nối.
411-41-33. Hộp đầu nối có cách điện pha
Hộp đầu nối được thiết kế sao cho việc bảo vệ các ruột dẫn pha khỏi sự cố về điện bên trong hộp đầu nối, đạt được chủ yếu nhờ cách điện rắn.
CHÚ THÍCH: Thuật ngữ “cách điện pha” có thể áp dụng các vỏ bọc đầu nối không phải là các hộp đầu nối.
411-41-34. Hộp đầu nối có ngăn pha
Hộp đầu nối được thiết kế sao cho việc ngăn cách pha được bảo đảm nhờ các tấm chắn bằng kim loại nối đất nằm bên trong một ngăn chứa đơn lẻ để hạn chế phóng điện đánh thủng bất kỳ thành sự cố chạm đất.
CHÚ THÍCH: Thuật ngữ về tính chất “có ngăn pha” có thể áp dụng các vỏ bọc đầu nối không phải là các hộp đầu nối.
411-41-35. Hộp đầu nối có tách pha
Hộp đầu nối được thiết kế sao cho việc chia tách pha được bảo đảm nhờ các tấm chắn bằng kim loại nối đất tạo thành các ngăn chứa pha riêng rẽ khác nhau hoàn chỉnh để hạn chế phóng điện đánh thủng thành sự cố chạm đất.
CHÚ THÍCH: Thuật ngữ về tính chất “có tách pha” có thể áp dụng cho các vỏ bọc đầu nối không phải là các hộp đầu nối.
411-41-36. Hộp đầu nối chứa áp suất
Hộp đầu nối được thiết kế sao cho tất cả các sản phẩm của phóng điện đánh thủng bên trong khối được chứa hoàn toàn trong khối đó.
Các mục từ 441-42 đến 441-45 - Bộ phận cơ, bảo vệ bằng vỏ ngoài
Mục 411-42 - Ổ trục và bôi trơn
411-42-01. Ổ trục
Kết cấu được thiết kế để đỡ trục quay và nếu cần để hạn chế dịch chuyển dọc trục.
411-42-02. Ổ đỡ
Ổ trục có dạng hình trụ hoặc một phần của hình trụ để đỡ ngõng trục.
411-42-03. Ổ bi
Ổ trục có các viên bi hình cầu nằm dọc theo chu vi.
411-42-04. Ổ đũa
Ổ trục có hình trụ nằm dọc theo chu vi.
411-42-05. Ổ chặn
Ổ trục được bố trí để chống dịch chuyển dọc trục và để mang tải dọc trục.
411-42-06. Ổ trục dẫn hướng
Ổ trục được bố trí để hạn chế dịch chuyển ngang của trục thẳng đứng.
411-42-07. Ổ trục có ống bọc
Ổ đỡ có ống bọc hoàn toàn ổ trục.
411-42-08. Ổ trục có ống bọc tách ra được
Ổ đỡ có ống bọc ổ trục được tách ra được để lắp ráp.
411-42-09. Ổ trục định vị
Ổ trục được bố trí để hạn chế sự dịch chuyển dọc trục của một trục nằm ngang nhưng không được thiết kế để mang tải đẩy liên tục. Ổ trục này có thể kết hợp với ổ trục mang tải.
411-42-10. Ổ trục có tải đàn hồi
Ổ bi có đàn hồi để đảm bảo tiếp xúc góc hoàn toàn giữa các viên bi cầu và các áo trong và áo ngoài, nhờ đó mà loại bỏ được ảnh hưởng của khe hở hướng kính ở cả hai ổ bi của máy điện có lắp các ổ bi ở mỗi đầu.
411-42-11. Ổ trục kiểu có đệm
Ổ đỡ hoặc ổ chặn trong đó bề mặt đỡ không liên tục mà có các miếng đệm phân cách.
411-42-12. Ổ trục có đệm nghiêng
Ổ trục kiểu có đệm có thể xê dịch để cải thiện được dòng chất lỏng bôi trơn giữa ổ trục và ngõng trục hoặc vành tỳ của trục.
411-42-13. Ổ trục tự bôi trơn
Ổ trục được lót vật liệu có chất bôi trơn riêng sao cho chỉ cần thêm một ít hoặc không cần thêm chất bôi trơn mà vẫn đảm bảo bôi trơn của ổ trục.
411-42-14. Ổ trục được bôi trơn bằng vành dầu
Ổ trục trong đó một vành bao quanh ngõng trục và quay theo trục, vành này đưa dầu để bôi trơn ổ trục từ ngăn chứa mà vành được ngâm trong đó.
411-42-15. Ổ trục được bôi trơn bằng đĩa và chổi
Ổ trục trong đó đĩa được lắp đồng trục trên trục và được nhúng trong ngăn chứa đầu. Khi trục quay, dầu được chuyển từ bề mặt đĩa nhờ hoạt động của vành dầu nằm trong ổ trục.
411-42-16. Ổ trục được bôi trơn bằng cách tưới dầu
Ổ trục trong đó dòng chất bôi trơn liên tục được rót lên phần cao nhất của ổ trục hoặc ngõng trục ở áp suất xấp xỉ áp suất khí quyển bình thường.
411-42-17. Ổ trục bôi trơn cưỡng bức
Ổ trục trong đó dòng chất bôi trơn liên tục được đưa cưỡng bức vào bên trên ổ trục hoặc ngõng trục.
411-42-18. Ổ trục bôi trơn có áp suất
Ổ trục trong đó dòng chất bôi trơn liên tục được đưa cưỡng bức vào bên dưới ngõng trục trong ổ trục.
411-42-19. Ổ trục có áo dầu
Ổ đỡ trong đó dầu có áp suất cao được đưa cưỡng bức vào bên dưới ngõng trục để thiết lập màng bôi trơn.
411-42-20. Ổ trục tựa thẳng
Ổ đỡ trong đó lót trục được ép trên một khoảng trục cố định xác định bởi kết cấu đỡ.
411-42-21. Ổ trục tựa bằng khớp cầu
Ổ đỡ trong đó lót trục được đỡ để cho phép trục của ngõng trục dịch chuyển được qua góc thích hợp.
411-42-22. Ổ trục kiểu ống
Cụm bi cầu hoặc bi đũa và áo bi hoàn chỉnh được thiết kế để gài vào nắp máy.
411-42-23. Ổ trục kiểu cắm vào
Cụm ổ đỡ hoàn chỉnh gồm một lót trục và áo bi và kết cấu đỡ bất kỳ được thiết kế để gài vào nắp máy.
411-42-24. Ổ bệ
Cụm hoàn chỉnh gồm ổ trục và bệ đỡ của nó.
411-42-25. Bộ phun dầu
Vành hoặc dải viền trên trục kề với ngõng trục và được thiết kế để làm gián đoạn luồng dầu bất kỳ dọc theo trục.
411-42-26. Kín dầu
Bố trí làm kín trong cụm ổ trục để ngăn ngừa rò rỉ dầu từ ổ trục.
411-42-27. Kín khí
Bố trí làm kín trong cụm ổ trục để giảm thiểu sự rò rỉ khí đi vào hoặc đi ra khỏi máy điện qua ổ trục.
411-42-28. Kín bụi
Bố trí làm kín để ngăn ngừa bụi qui định lọt vào ổ trục.
411-42-29. Lót trục
Phần tử thuộc cụm ổ đỡ mà ngõng trục quay trong đó.
411-42-30. Vỏ ổ trục
Phần tử thuộc cụm ổ đỡ, đỡ lót trục.
411.42.31. Đệm lót ổ trục
Cụm gồm thân ổ trục và lót trục của nó.
411-42-32. Thân ổ trục
Kết cấu đỡ đệm lót ổ trục thực tế hoặc ổ lăn dạng bi cầu hoặc bi đũa trong cụm ổ trục.
411-42-33. Rãnh tra dầu mỡ
Các rãnh được khía trên bề mặt của lớp lót ổ trục hoặc đôi khi ở trên ngõng trục để phân phối dầu trên bề mặt ổ trục.
411-42-34. Khe hở của ổ trục
Chênh lệch về đường kính giữa ngõng trục và lót trục.
411-42-35. Áp lực ổ trục
Tải mà ổ trục mang trên đơn vị diện tích mặt chiếu; bề mặt này là tích của chiều dài và đường kính của ngõng trục.
Mục 411-43: Kết cấu cơ khí, Bố trí lắp đặt, chiều quay
411-43-01. Stato
Phần đứng yên của máy điện.
411-43-02. Rôto
Phần quay của máy điện.
411-43-03. Phần ứng
Phần của máy mang dây quấn phần ứng.
411-43-04. Phần cảm
Phần của máy mang dây quấn kích từ.
411-43-05. Trục
Phần của máy mang các bộ phận quay và được đỡ bằng các ổ trục mà trục này có thể quay trong các ổ trục đó.
411-43-06. Ngõng trục (của trục)
Phần của trục, được thiết kế để quay bên trong ổ trục.
411-43-07. Trục nhô ra
Phần trục nhô ra khỏi ổ trục ngoài cùng.
CHÚ THÍCH: Ổ trục có thể nằm ngay trên máy điện hoặc là một phần của cụm lắp ráp gồm máy điện và (các) ổ trục bổ sung.
411-43-08. Đầu trục
Phần của trục được sử dụng để truyền mômen ra khỏi hoặc đến máy điện.
CHÚ THÍCH: Đầu trục có thể nằm giữa ổ trục của các máy điện hoặc giữa máy điện và ổ trục bổ sung hoặc có dạng là trục nhô ra.
411-43-09. Trục nâng
Trục riêng rẽ mang các ổ trục riêng và ghép nối cứng vững với trục của máy điện.
411-43-10. Trục ngắn
Trục riêng rẽ, không có ổ trục riêng và ghép nối cứng vững với trục của máy điện.
411-43-11. Trục truyền động
Trục đệm (Mỹ)
Trục riêng rẽ dùng để ghép nối cơ khí các trục của hai máy điện.
411-43-12. Trục xoắn
Trục mỏng được dùng để tăng độ mềm dẻo giữa hai trục ghép nối.
411-44-13. Trục xoắn rỗng
Trục rỗng, trong đó một trục đặc có thể được lắp vào và có thể được nối vào để tăng độ mềm dẻo.
411-43-14. Khóa
Thanh được luồn vào các hốc của hai thành phần liền kề để truyền mômen từ thành phần này sang thành phần kia.
411-43-15. Nòng tâm trục
Kết cấu đỡ lõi hoặc các cực của rôto trên trục và thường gồm có cấu trúc đỡ lõi từ hoặc các cực của rôto trên trục truyền, và thường gồm có moayơ, nan hoa và vành hoặc bố trí thay đổi các chi tiết này.
411-43-16. Rôto có vành phân đoạn
Rôto trong đó mà vành gồm các tấm phân đoạn ghép với nhau bằng kẹp, bu lông hoặc đinh tán.
411-43-17. Vòng giữ phần đầu dây quấn rôto
Kết cấu cơ khí, ví dụ trụ thép bao quanh đầu dây quấn của rôto tốc độ cao để giảm dịch chuyển dọc trục.
411-43-18. Tấm đáy (của rôto)
Đĩa tròn được lắp ở đầu phía ngoài của vòng giữ phần đầu dây quấn rôto.
411-43-19. Bánh đai
Sợi dây hoặc dải băng bằng vật liệu có độ bền kéo cao, quấn vòng quanh rôto, thường được đặt lên các đầu dây quấn để chống dịch chuyển hướng tâm của dây quấn.
411-43-20. Nêm rãnh
Dải vật liệu được luồn vào rãnh phía trên dây quấn và nhờ tác động khóa hoặc chặn để chống dịch chuyển hướng tâm của dây quấn.
411-43-21. Giá đỡ ổ trục
Kết cấu được lắp trên tấm đế hoặc bệ máy điện để đỡ ổ trục.
411-43-22. Giá đỡ ổ trục có cách điện
Giá đỡ ổ trục, được cách điện với kết cấu đỡ để dòng điện không chạy qua ổ trục.
411-43-23. Áo bi có cách điện
Áo bi, được cách điện với kết cấu đỡ của nó để ngăn không cho dòng điện đi qua ổ trục.
411-43-24. Rầm cuối
Tay đòn hoặc cọc bắt chặt vào khung máy và dùng để đỡ ổ trục.
411-43-25. Nắp máy
Kết cấu đặc hoặc kết cấu kiểu khung gắn với khung stato để bảo vệ các dây quấn và trong kết cấu này có thể lắp ổ trục.
411-43-26. Nắp phần đầu dây quấn
Nắp để bảo vệ các đầu dây quấn khỏi bị hư hại về cơ và/hoặc để chống tiếp xúc không chủ ý với đầu dây quấn.
411-43-27. Khung stato
Kết cấu đỡ lõi stato.
411-43-28. Khung kiểu hộp kín
Khung stato có dạng hộp có các mặt và cạnh và bao kín lõi.
411-43-29. Khung hở
Khung stato gồm kết cấu đơn giản để kẹp lõi mà không bao kín lõi.
411-43-30. Khung gồm nhiều lớp
Khung stato tạo thành từ các lớp của lõi bằng kẹp, bu lông hoặc đai ốc có hoặc không có các tấm gia cố bổ sung.
411-43-31. Khung quay được
Khung stato có thể quay nhưng được giới hạn quanh trục của trục máy.
411-43-32. Khung trượt
Khung stato có kết cấu sao cho nó có thể di chuyển dọc trục của trục máy để kiểm tra.
411-43-33. Hộp số xoay
Cơ cấu thao tác bằng tay hoặc thao tác bằng động cơ nhằm mục đích quay rôto của máy điện với tốc độ thấp.
411-43-34. Kiểu kết cấu
Bố trí các bộ phận của máy điện liên quan đến các vật dùng để cố định, bố trí ổ trục và đầu trục nhô ra.
411-43-35. Bố trí lắp đặt
Định hướng ở hiện trường của máy điện như một tổng thể liên quan đến định hướng trục và vị trí các vật dùng để cố định.
411-43-36. Đầu truyền động của máy điện
Đầu D
Đầu của máy điện có chứa một đầu trục.
CHÚ THÍCH: Đầu truyền động của máy điện thường là đầu kéo của động cơ hoặc đầu bị kéo của máy phát.
411-43-37. Đầu không truyền động của máy điện
Đầu N
Đầu của máy điện nằm đối diện với đầu truyền động.
411-43-38. Chiều quay
Chiều quay khi nhìn dọc theo trục từ đầu truyền động của máy điện đến đầu không truyền động của máy điện.
411-43-39. Quay theo chiều kim đồng hồ
Chiều quay ứng với chiều của các kim đồng hồ.
411-43-40. Quay ngược chiều kim đồng hồ
Chiều quay ngược với chiều của các kim đồng hồ.
411-44-01. Làm mát
Quá trình nhờ đó nhiệt sinh ra do tổn hao trong máy được truyền sang chất làm mát sơ cấp, chất làm mát sơ cấp này có thể được thay thế liên tục hoặc được làm mát bằng chất làm mát thứ cấp trong bộ trao đổi nhiệt.
411-44-02. Chất làm mát
Môi chất dạng lỏng hoặc khí nhờ nó mà nhiệt được truyền đi.
411-44-03. Chất làm mát sơ cấp
Môi chất dạng lỏng hoặc khí, có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ của một bộ phận máy điện và khi tiếp xúc với bộ phận này thì lấy nhiệt từ đó đi.
411-44-04. Chất làm mát thứ cấp
Môi chất dạng lỏng hoặc khí, có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ của chất làm mát sơ cấp, lấy nhiệt từ chất làm mát sơ cấp nhờ bộ trao đổi nhiệt hoặc thông qua bề mặt ngoài của máy điện.
411-44-05. Chất làm mát cuối cùng
Chất làm mát cuối cùng truyền nhiệt.
CHÚ THÍCH: Trong một số máy điện chất làm mát cuối cùng cũng là chất làm mát sơ cấp.
411-44-06. Môi chất xung quanh (của máy điện)
Môi chất, lỏng hoặc khí. trong môi trường xung quanh máy điện.
411-44-07. Môi chất từ xa (của một máy)
Một chất, lỏng hoặc khí, trong môi trường cách xa máy điện mà từ đó, môi chất được lấy ra và/hoặc môi chất được tháo ra qua lối vào và/hoặc lối ra của ống dẫn.
411-44-08. Dây quấn được làm mát trực tiếp
Dây quấn được làm mát bên trong
Dây quấn được làm mát chủ yếu nhờ chất làm mát, tiếp xúc trực tiếp với bộ phận cần làm mát, chảy trong các dây dẫn rỗng, ống, đường ống hoặc kênh dẫn, cho dù đi theo hướng nào, tạo nên một bộ phận tích hợp của dây quấn bên trong cách điện chính.
411-44-09. Dây quấn được làm mát gián tiếp
Dây quấn không phải là dây quấn được làm mát trực tiếp.
CHÚ THÍCH: Trong tất cả các trường hợp khi không chỉ ra “gián tiếp” hoặc “trực tiếp” thì được hiểu là dây quấn được làm mát gián tiếp.
411-44-10. Bộ trao đổi nhiệt
Thành phần được thiết kế để truyền nhiệt từ chất làm mát này sang chất làm mát khác nhưng vẫn giữ cho hai môi chất này riêng rẽ.
411-44-11. Ống dẫn (của hệ thống làm mát)
Lối để dẫn hướng chất làm mát.
411-44-12. Mạch hở (của hệ thống làm mát)
Mạch trong đó chất làm mát được lấy trực tiếp từ môi chất xung quanh hoặc môi chất từ xa, đi qua hoặc thông qua máy điện hoặc thông qua bộ trao đổi nhiệt rồi sau đó trở về trực tiếp môi trường xung quanh hoặc được thải ra môi trường từ xa.
411-44-13. Mạch kín (của hệ thống làm mát)
Mạch trong đó chất làm mát lưu thông thành (các) vòng kín trong hoặc qua máy điện và có th qua bộ trao đổi nhiệt, nhiệt được truyền từ chất làm mát sơ cấp sang chất làm mát tiếp theo, thứ cấp hoặc cuối cùng qua bề mặt của máy điện hoặc trong bộ trao đổi nhiệt.
411-44-14. Mạch ống dẫn (của hệ thống làm mát)
Mạch trong đó chất làm mát được dẫn hướng bằng lối vào hoặc lối ra của ống dẫn hoặc bằng cả hai lối, các lối này hoạt động như bộ ngăn cách giữa chất làm mát và môi chất xung quanh.
411-44-15. Hệ thống làm mát dự phòng hoặc khẩn cấp
Hệ thống làm mát được cung cấp thêm cho hệ thống làm mát bình thường và được thiết kế để sử dụng khi hệ thống làm mát bình thường không khả dụng.
411-44-16. Máy điện hở
Máy điện có mạch làm mát hở trong đó chất làm mát được lấy ra trực tiếp từ môi chất xung quanh đi qua máy điện rồi sau đó trực tiếp trở về môi chất xung quanh.
411-44-17. Máy điện kín
Máy điện trong đó không có môi chất đi qua máy điện để làm mát từ môi chất xung quanh.
411-44-18. Máy điện được bịt kín
Máy điện có các bộ phận làm kín đặc biệt để giảm thiểu rò rỉ chất làm mát ra ngoài máy điện hoặc rò rỉ môi chất xung quanh vào máy điện trong quá trình làm việc bình thường
411-44-19. Máy điện có áp suất
Máy điện trong đó chất làm mát bên trong được giữ ở áp suất cao hơn áp suất của môi chất xung quanh.
411-44-20. Máy điện chống khí và hơi
Máy điện trong đó lối vào khí hoặc hơi qui định trong các điều kiện xác định không ngăn cản vận hành của máy điện.
411-44-21. Máy điện có vỏ kín
Máy điện mà các bộ phận qui định của nó được bọc kín hoàn toàn và được bảo vệ chống lưu chất bằng vỏ bọc được bịt kín.
411-44-22. Máy điện được làm mát bề mặt vỏ máy
Máy điện kín có bề mặt vỏ máy được làm mát bằng môi chất xung quanh.
CHÚ THÍCH: Bề mặt có thể phẳng hoặc được xẻ rãnh.
411-44-23. Máy điện được làm mát bằng không khí-không khí
Máy điện kín có bộ trao đổi nhiệt lắp liền hoặc bộ trao đổi nhiệt lắp trên máy, sử dụng không khí làm chất làm mát sơ cấp và thứ cấp.
411-44-24. Máy điện được làm mát bằng không khí - nước
Máy điện kín có bộ trao đổi nhiệt sử dụng không khí làm chất làm mát sơ cấp và nước làm chất làm mát thứ cấp.
411-44-25. Máy điện được làm mát trực tiếp bằng nước
Máy điện dùng nước làm chất làm mát sơ cấp.
411-44-26. Máy điện tự làm mát
Máy điện được làm mát khi quay.
411-44-27. Máy điện được làm mát riêng rẽ
Máy điện được làm mát không phải nhờ việc quay của chính nó.
411-44-28. Hộp quạt
Kết cấu bao quanh quạt và tạo thành đường biên phía ngoài của khí làm mát đi qua quạt.
411-44-29. Nắp che quạt
Phần của quạt để hạn chế sự rò rỉ chất khí làm mát từ các cánh quạt.
411-44-30. Tuyến lõi xuyên tâm
Không gian giữa các lớp của lõi để cho phép chất làm mát chảy xuyên tâm.
411-44-31. Tuyến lõi dọc trục
Tuyến dọc trục qua các lớp của lõi để cho phép chất làm mát chảy dọc trục.
411-44-32. Dẫn hướng
Kết cấu được cung cấp để điều khiển chiều chảy của chất làm mát bên trong máy điện.
411-44-33. Kênh dẫn không khí
Kết cấu riêng rẽ được lắp trên máy điện để dẫn không khí làm mát đến hoặc ra khỏi máy điện, bộ trao đổi nhiệt, bộ lọc, quạt hoặc cơ cấu khác lắp trên máy điện.
Mục 411-45: Cấp bảo vệ bằng vỏ ngoài (đang xem xét)
Các mục từ 411-46 đến 411-51: Đặc tính của máy điện
Mục 411-46: Các biến trạng thái (của máy điện)
411-46-01. Dòng điện vòng (của dây quấn phân tán)
Số Ampe dẫn (của dây quấn phân tán)
Tích của số ruột dẫn quấn quanh chu vi của dây quấn và dòng điện đi qua các ruột dẫn này, tính bằng Ampe.
411-46-02. Ampe vòng
Tích của số vòng dây của một cuộn dây hoặc một dây quấn, phân tán hoặc tập trung và dòng điện đi qua các vòng dây này, tính bằng Ampe.
411-46-03. Mang tải điện của máy điện
Dòng điện vòng trung bình của dây quấn sơ cấp trên đơn vị chiều dài theo chu vi của khe hở không khí.
411-46-04. Mang tải điện của dây quấn phân tán
Dòng điện vòng trung bình của dây quấn trên đơn vị chiều dài theo chu vi của khe hở không khí.
411-46-05. Mang tải từ
Từ thông trung bình trên đơn vị diện tích bề mặt của khe hở không khí.
411-46-06. Tốc độ đồng bộ
Tốc độ quay liên quan đến từ tần số của hệ thống điện mà máy điện được nối vào và số cực hoặc số lượng mặt gờ lồi đều đặn của máy điện.
411-46-07. Độ trượt
Chênh lệch giữa tốc độ đồng bộ và tốc độ thực của rôto, được thể hiện bằng đơn vị hoặc phần trăm của tốc độ đồng bộ.
411-47-01. Đặc tính bão hòa
Quan hệ giữa điện áp của dây quấn phần ứng/sơ cấp và dòng điện kích thích hoặc từ hóa trong các điều kiện qui định về tải, tốc độ, v.v...
411-47-02. Đặc tính từ hóa
Quan hệ giữa từ thông và dòng điện từ hóa.
411-47-03. Đặc tính hở mạch
Đặc tính không tải
Đặc tính bão hòa của máy điện khi không tải trong các điều kiện qui định về tốc độ hoặc tần số.
411-47-04. Đặc tính tải
Đặc tính bão hoà của máy điện khi có tải, tốc độ hoặc tần số không đổi qui định.
411-47-05. Đặc tính ngắn mạch
Quan hệ giữa dòng điện trong dây quấn phần ứng ngắn mạch và dòng điện kích thích ở tốc độ qui định.
411-47-06. Đặc tính trở kháng khóa cứng rôto (của máy điện không đồng bộ)
Quan hệ giữa dòng điện trong dây quấn sơ cấp và điện áp trên dây quấn sơ cấp có rôto được giữ đứng yên và có dây quấn thứ cấp được nối tắt.
411-47-07. Đặc tính hệ số công suất zero
Đặc tính tải của máy điện, cung cấp dòng điện không đổi với hệ số công suất gần bằng “0”.
411-47-08. Đặc tính điều chỉnh điện áp
Quan hệ giữa điện áp dây quấn phần ứng và tải của máy phát trong các điều kiện qui định.
411-47-09. Đặc tính điều chỉnh tốc độ
Quan hệ giữa tốc độ và tải của động cơ trong các điều kiện qui định.
411-47-10. Đặc tính đường cong V
Đối với máy điện đồng bộ, quan hệ giữa dòng điện trong dây quấn phần ứng và dòng điện kích thích với giá trị không đổi của điện áp dây quấn phần ứng và tải tác dụng.
411-47-11. Đặc tính góc phụ tải
Đối với máy điện đồng bộ, quan hệ giữa góc dịch chuyển của rôto và tải tác dụng với giá trị không đổi của điện áp dây quấn phần ứng và dòng điện kích thích.
411-47-12. Đồ thị vòng tròn
Đặc tính của máy điện đồng bộ hoặc không đồng bộ thể hiện quan hệ giữa các thành phần tác dụng và phản kháng của dòng điện trong dây quấn sơ cấp trong các điều kiện qui định.
411-47-13. Đặc tính đáp ứng tần số (của máy điện xoay chiều)
Quan hệ giữa tổng dẫn phức hoặc nghịch đảo của nó (trở kháng phức) hoặc các thành phần của chúng và tần số của dòng điện rôto. Tần số này thông thường được thể hiện là độ trượt.
Mục 411-48 - Đại lượng đặc trưng
411-48-01. Mômen tải
Mômen mà phụ tải đòi hỏi trên đầu trục động cơ, ở thời điểm bất kỳ cho trước trong khi động cơ ở trạng thái nghỉ, khởi động, đang chạy hoặc đang bị hãm.
411-48-02. Mômen khởi hành (của phụ tải)
Mômen mà phụ tải đòi hỏi trên đầu trục động cơ tại thời điểm máy điện được truyền động khởi động từ trạng thái nghỉ.
411-48-03. Momen tải khởi động
Mômen mà phụ tải đòi hỏi trên đầu trục động cơ trong giai đoạn khởi động từ trạng thái nghỉ đến tốc độ phụ tải, tức là tốc độ ngừng gia tốc.
411-48-04. Momen đầy tải
Mômen mà phụ tải đòi hỏi trên đầu trục động cơ khi mômen của máy điện được truyền động ở toàn bộ giá trị của nó.
411-48-05. Mômen danh định
Mômen mà động cơ tạo ra trên đầu trục tại công suất và tốc độ danh định.
411-48-06. Mômen khóa cứng rôto
Mômen nhỏ nhất đo được, do động cơ tạo ra trên đầu trục khi rôto bị khóa cứng ở tất cả các vị trí góc của rôto và được cấp điện ở điện áp và tần số danh định.
411-48-07. Mômen khởi động
Mômen điện từ mà động cơ phát ra trừ đi mômen thông gió và ma sát của động cơ, trong giai đoạn khởi động từ tốc độ bằng không đến tốc độ phụ tải, ở điện áp và tần số danh định.
411-48-08. Mômen gia tốc
Chênh lệch giữa mômen khởi động và mômen tải khởi động sẵn sàng để gia tốc động cơ và tải cơ khí.
411-48-10. Mômen kéo vào đồng bộ danh định
Mômen mà động cơ đồng bộ có thể tạo ra như động cơ cảm ứng khi chạy ở tốc độ bằng 95 % tốc độ đồng bộ với điện áp danh định đặt ở tần số danh định và dây quấn kích thích không được đóng điện và các đầu nối của nó được nối với nhau một cách trực tiếp hoặc qua một điện trở thích hợp.
411-48-11. Mômen hãm
Mômen do động cơ tạo ra tại thời điểm bất kỳ cho trước để giảm bớt tốc độ.
411-48-12. Mômen hãm nội tại
Mômen mà một động cơ phải chịu trong khi giảm tốc độ từ tốc độ đầy tải về tốc độ bằng "0" khi nó được ngắt điện khỏi hệ thống cung cấp và không mang tải, puli hoặc ghép nối, v.v...
411-48-13. Mômen hãm điện
Mômen hãm mà một động cơ tạo ra trên đầu trục trong khi giảm tốc độ từ tốc độ tải đến tốc độ bằng “0", do các dòng điện đưa vào một số dây quấn của nó gây nên.
411-48-14. Mômen hãm cơ
Mômen hãm mà một cơ cấu hãm bằng cơ khí đưa thêm vào động cơ tạo nên trên đầu trục của động cơ.
411-48-15. Thời gian tăng tốc đơn vị
Thời gian cần thiết để đưa các phần quay của một máy điện từ tốc độ nghỉ đến tốc độ danh định, nếu mômen tăng tốc không đổi và bằng tỷ số của công suất tác dụng danh định và tốc độ góc danh định.
411-48-16. Dòng điện khóa cứng rôto
Dòng điện hiệu dụng ổn định lớn nhất đo được từ đường dây khi động cơ được giữ ở trạng thái nghỉ ở tất cả các góc của rôto và được cấp điện ở điện áp danh định và tần số danh định.
411-48-17. Dòng điện khóa cứng rôto của động cơ và bộ khởi động
Dòng điện hiệu dụng cao nhất đo được từ đường dây với rôto được khóa cứng, ở tất cả các vị trí góc của rôto, với bộ khởi động ở vị trí khởi động ban đầu và ở điện áp và tần số đanh định.
411-48-18. Dòng điện khởi động
Dòng điện hiệu dụng ổn định được tính từ đường dây trong giai đoạn khởi động từ tốc độ bằng “0” đến tốc độ tải khi đặt điện áp và tần số danh định.
411-48-19. Dòng đóng điện đỉnh
Dòng điện quá độ đỉnh lớn nhất đạt tới sau khi thao tác đóng điện trên máy điện.
411-48-20. Dòng điện ngắn mạch ổn định
Dòng điện ở chế độ xác lập trong dây quấn phần ứng khi bị nối ngắn mạch, tốc độ và kích thích nếu có, đều được duy trì ở các giá trị danh định.
411-48-21. Dòng điện ngắn mạch chu kỳ ban đầu
Giá trị hiệu dụng của dòng điện trong dây quấn phần ứng ngay sau khi dây quấn này bị ngắn mạch đột ngột, thành phần không chu kỳ của dòng điện nếu có được bỏ qua.
411-48-22. Thành phần không chu kỳ ban đầu của dòng điện ngắn mạch
Thành phần của dòng điện trong dây quấn phần ứng ngay sau khi dây quấn ngắn mạch đột ngột, với tất cả các thành phần tần số cơ bản và tần số cao hơn được bỏ qua.
411-48-23. Dòng điện ngắn mạch không chu kỳ cực đại
Giá trị đỉnh đạt đến của dòng điện trong dây quấn phần ứng trong nửa chu kỳ sau khi dây quấn bị ngắn mạch đột ngột, trong các điều kiện làm cho giá trị ban đầu của thành phần không chu kỳ bất kỳ của dòng điện là cực đại.
411-48-24. Dòng điện quá độ
Dòng điện chạy qua dây quấn phần ứng ở điện áp danh định khi có giá trị điện kháng bằng với điện kháng quá độ của máy điện.
411-48-25. Dòng điện tiền quá độ
Dòng điện chạy qua dây quấn phần ứng ở điện áp danh định khi có giá trị điện kháng bằng với điện kháng tiền quá độ của máy điện.
411-48-26. Hằng số thời gian không chu kỳ
Hằng số thời gian của thành phần không chu kỳ khi thành phần này thực chất là hàm số mũ hoặc do hàm số mũ bao lấy nó khi thể hiện tính chu kỳ rõ rệt.
411-48-27. Hằng số thời gian mạch hở quá độ dọc trục
Thời gian cần thiết sau khi thay đổi đột ngột các điều kiện làm việc để thành phần thay đổi chậm của điện áp phần ứng mạch hở do từ thông dọc trục gây nên, giảm đến 1/e, tức là 0,368 lần giá trị ban đầu của nó, khi máy điện quay ở tốc độ danh định.
411-48-28. Hằng số thời gian ngắn mạch quá độ dọc trục
Thời gian cần thiết sau khi thay đổi đột ngột các điều kiện làm việc để thành phần thay đổi chậm của dòng điện phần ứng ngắn mạch dọc trục giảm đến 1/e, tức là 0,368 lần giá trị ban đầu của nó, khi máy điện quay ở tốc độ danh định.
411-48-29. Hằng số thời gian mạch hở tiền quá độ dọc trục
Thời gian cần thiết sau khi thay đổi đột ngột các điều kiện làm việc để thành phần thay đổi nhanh xuất hiện trong vài chu kỳ đầu tiên của điện áp phần ứng mạch hở do từ thông dọc trục gây nên, giảm đến 1/e, tức là 0,368 lần giá trị ban đầu của nó, khi máy điện quay ở tốc độ danh định.
411-48-30. Hằng số thời gian ngắn mạch tiền quá độ dọc trục
Thời gian cần thiết sau khi thay đổi đột ngột các điều kiện làm việc để thành phần thay đổi nhanh xuất hiện trong vài chu kỳ đầu tiên của dòng điện phần ứng ngắn mạch dọc trục giảm đến 1/e, tức là 0,368 lần giá trị ban đầu của nó, khi máy điện quay ở tốc độ danh định.
411-48-31. Hằng số thời gian ngắn mạch của dây quấn phần ứng
Thời gian cần thiết sau khi thay đổi đột ngột các điều kiện làm việc để thành phần một chiều trong dòng điện dây quấn phần ứng ngắn mạch giảm đến 1/ e, tức là 0,368 lần giá trị ban đầu của nó, khi máy điện quay ở tốc độ danh định.
411-48-32. Hằng số thời gian mạch hở quá độ ngang trục
Thời gian cần thiết sau khi thay đổi đột ngột các điều kiện làm việc để thành phần thay đổi chậm của điện áp phần ứng mạch hở do từ thông ngang trục gây nên, giảm đến 1/ e, tức là 0,368 lần giá trị ban đầu của nó, khi máy điện quay ở tốc độ danh định.
411-48-33. Hằng số thời gian ngắn mạch quá độ ngang trục
Thời gian cần thiết sau khi thay đổi đột ngột các điều kiện làm việc để thành phần thay đổi chậm của dòng điện phần ứng ngắn mạch ngang trục giảm đến 1/ e, tức là 0,368 lần giá trị ban đầu của nó, khi máy điện quay ở tốc độ danh định.
411-48-34. Hằng số thời gian mạch hở tiền quá độ ngang trục
Thời gian cần thiết sau khi thay đổi đột ngột các điều kiện làm việc để thành phần thay đổi nhanh xuất hiện trong vài chu kỳ đầu tiên của điện áp phần ứng mạch hở do từ thông ngang trục gây nên, giảm đến 1/ e, tức là 0,368 lần giá trị ban đầu của nó, khi máy điện quay ở tốc độ danh định.
411-48-35. Hằng số thời gian ngắn mạch tiền quá độ ngang trục
Thời gian cần thiết sau khi thay đổi đột ngột các điều kiện làm việc để thành phần thay đổi nhanh xuất hiện trong vài chu kỳ đầu tiên của dòng điện phần ứng ngắn mạch ngang trục giảm đến 1/ e, tức là 0,368 lần giá trị ban đầu của nó, khi máy điện quay ở tốc độ danh định.
411-48-36. Điện trở tích lũy tới hạn
Điện trở lớn nhất của mạch dây quấn song song được cấp điện từ dây quấn phần ứng mà điện áp máy điện tạo nên trong điều kiện qui định.
411-48-37. Tốc độ mồi tới hạn
Tốc độ nhỏ nhất tại đó điện áp máy điện tạo nên trong các điều kiện qui định.
411-48-38. Điện áp trần
Điện áp lớn nhất mà máy phát có thể cung cấp cho các đầu nối của nó trong một thời gian giới hạn trong điều kiện làm việc.
411-48-39. Sự dịch chuyển góc trong máy phát đồng bộ
Sự dịch chuyển góc, tính bằng góc điện của trục các cực phần cảm, giữa vị trí của chúng khi mang tải và khi không tải, với tần số không thay đổi.
411-48-40. Tốc độ xoáy tới hạn
Tốc độ tại đó biên độ rung của rôto máy điện do rung làm uốn trục gây ra, đạt tới giá trị lớn nhất.
411-48-41. Tốc độ xoắn tới hạn
Tốc độ tại đó biên độ rung của rôto máy điện do rung làm xoắn trục gây ra, đạt tới giá trị lớn nhất.
411-48-42. Mômen cực tiểu khi khởi động (của động cơ xoay chiều)
Giá trị nhỏ nhất của mômen không đồng bộ ổn định do động cơ tạo ra trong phạm vi từ tốc độ bằng không đến tốc độ ứng với mômen cực đại, khi động cơ được cấp điện ở điện áp và tần số danh định.
CHÚ THÍCH 1: Định nghĩa này không áp dụng cho động cơ không đồng bộ có mômen giảm liên tục khi tăng tốc độ.
CHÚ THÍCH 2: Ngoài các mômen không đồng bộ ổn định còn có thêm các mômen đồng bộ hài, là hàm số của góc tải của rôto, xuất hiện ở những tốc độ đặc biệt.
411-48-43. Mômen cực đại (của động cơ xoay chiều)
Giá trị lớn nhất của mômen không đồng bộ ổn định do động cơ tạo ra nhưng không dẫn đến giảm tốc độ đột ngột, khi động cơ được cấp điện ở điện áp và tần số danh định.
CHÚ THÍCH: Định nghĩa này không áp dụng cho động cơ có mômen giảm liên tục khi tăng tốc độ.
411-48-44. Mômen mất đồng bộ (của động cơ đồng bộ)
Mômen lớn nhất do động cơ đồng bộ tạo ra ở tốc độ đồng bộ, ở điện áp, tần số và dòng điện kích từ danh định.
411-48-41. Mômen ăn khớp
Mômen theo chu kỳ trong đó động cơ nam châm vĩnh cửu không được đóng điện được tạo ra do xu hướng tự thẳng hàng với nhau của rôto và stato ở vị trí từ trở nhỏ nhất.
411-48-41. Vị trí dừng
Vị trí trong đó rôto của động cơ nam châm vĩnh cửu hoặc động cơ bước lai sẽ nghỉ khi không được đóng điện và không mang tải.
411-48-41. Mômen dừng
Mmen ổn định lớn nhất có thể đặt vào trục của động cơ nam châm vĩnh cửu hoặc động cơ bước lai chưa đóng điện mà không gây ra quay liên tục.
411-48-41. Độ phân giải
Nghịch đảo của số lượng bước trên một vòng của trục động cơ.
411-48-49. Công suất biểu kiến khóa cứng rôto
Công suất biểu kiến đầu vào với rôto đang dừng ở điện áp và tần số danh định.
Mục 411-49 - Đại lượng giải tích
411-49-01. Phản ứng phần ứng
Sức từ động do (các) dòng điện trong dây quấn phần ứng gây ra hoặc, theo nghĩa rộng, do sự thay đổi trong từ thông khe hở không khí gây ra.
411-49-02. Điện áp được phát ra đồng bộ
Điện áp có thể được phát ra trong dây quấn phần ứng trên mạch hở khi máy không bão hoà, bởi từ thông ứng với dòng điện kích thích trong các điều kiện đang xét.
411-49-03. Thành phần dọc trục của sức từ động
Thành phần của sức từ động hướng dọc trục của các cực cảm ứng.
411-49-04. Thành phần ngang trục của sức từ động
Thành phần của sức từ động hướng dọc theo một trục vuông góc với trục của các cực cảm ứng.
411-49-05. Thành phần dọc trục của dòng điện
Thành phần của dòng điện sinh ra thành phần dọc trục của sức từ động của phản ứng phần ứng.
411-49-06. Thành phần ngang trục của dòng điện
Thành phần của dòng điện sinh ra thành phần ngang trục của sức từ động của phản ứng phần ứng.
411-49-07. Thành phần dọc trục của điện áp được phát ra đồng bộ
Thành phần của điện áp được phát ra đồng bộ cảm ứng bởi từ thông do thành phần ngang trục của sức từ động của máy điện đồng bộ gây nên.
411-49-08. Thành phần ngang trục của điện áp được phát ra đồng bộ
Thành phần của điện áp được phát ra đồng bộ cảm ứng bởi từ thông do thành phần dọc trục của sức từ động của máy điện đồng bộ gây nên.
411-49-09. Thành phần dọc trục của điện áp
Hiệu điện thế thu được từ tổng véctơ của thành phần dọc trục của điện áp được phát ra đồng bộ và điện áp rơi dọc trục.
411-49-10. Thành phần ngang trục của điện áp
Hiệu điện thế thu được từ tổng véctơ của thành phần ngang trục của điện áp được phát ra đồng bộ và điện áp rơi dọc trục.
411-49-11. Sức điện động tiền quá độ dọc trục
Thành phần dọc trục của điện áp đầu nối xuất hiện ngay sau khi hở đột ngột mạch ngoài khi máy điện chạy ở tải qui định trước khi xảy ra biến thiên từ thông trong mạch kích thích và mạch làm nhụt.
411-49-12. Sức điện động tiền quá độ ngang trục
Thành phần ngang trục của điện áp đầu nối xuất hiện ngay sau khi hở đột ngột mạch ngoài khi máy điện chạy ở tải qui định trước khi xảy ra biến thiên từ thông trong mạch kích thích và mạch làm nhụt.
411-49-13. Điện áp quá độ dọc trục
Thành phần dọc trục của điện áp đầu nối xuất hiện ngay sau khi hở đột ngột mạch ngoài khi máy điện chạy ở tải qui định nếu không xem xét đến các thành phần tắt dần rất nhanh mà có thể tồn tại trong các chu kỳ đầu.
411-49-14. Điện áp quá độ ngang trục
Thành phần ngang trục của điện áp đầu nối xuất hiện ngay sau khi hở đột ngột mạch ngoài khi máy điện chạy ở tải qui định nếu không xem xét đến các thành phần tắt dần rất nhanh mà có thể tồn tại trong các chu kỳ đầu.
411-50-01. Trở kháng đồng bộ
Tỷ số giữa (a) giá trị của hiệu vectơ phức giữa điện áp đồng bộ được phát ra và điện áp đầu nối của máy điện đồng bộ và (b) dòng điện, ở chế độ xác lập.
411-50-02. Trở kháng không đồng bộ
Tỷ số giữa điện áp hình sin của dây quấn pha trong hệ thống cân bằng được nối đến máy điện đồng bộ bị mất đồng bộ và thành phần dòng điện cùng tần số trong dây quấn pha đó.
411-50-03. Trở kháng thứ tự nghịch
Tỷ số giữa thành phần điện áp thứ tự nghịch, giả thiết là hình sin, ở các đầu nối của máy điện quay đồng bộ, và thành phần dòng điện thứ tự nghịch ở cùng tần số.
411-50-04. Trở kháng thứ tự không
Tỷ số giữa thành phần điện áp thứ tự không, giả thiết là hình sin, được cấp cho máy điện đồng bộ và thành phần dòng điện thứ tự không ở cùng tần số.
411-50-05. Điện kháng không đồng bộ
Tỷ số giữa thành phần phản kháng của điện áp trung bình tại tần số danh định, được giả thiết là hình sin và cân bằng, đặt lên dây quấn phần ứng của máy điện quay mất đồng bộ và thành phần dòng điện trung bình ở cùng tần số.
411-50-06. Điện kháng đồng bộ tương đương
Giá trị giả định của điện kháng đồng bộ được sử dụng để thể hiện một máy điện để tính toán hệ thống đối với điều kiện làm việc cụ thể.
411-50-07. Điện kháng đồng bộ dọc trục
Tỷ số giữa giá trị duy trì của thành phần xoay chiều cơ bản của điện áp phần ứng, được tạo ra bởi từ thông sơ cấp dọc trục tổng do dòng điện phần ứng dọc trục gây ra và giá trị của thành phần xoay chiều cơ bản của dòng điện này với máy điện quay ở tốc độ danh định.
411-50-08. Điện kháng đồng bộ ngang trục
Tỷ số giữa giá trị duy trì của thành phần xoay chiều cơ bản của điện áp phần ứng, được tạo ra bởi từ thông sơ cấp ngang trục tổng do dòng điện phần ứng ngang trục gây ra và giá trị của thành phần xoay chiều cơ bản của dòng điện này với máy điện quay ở tốc độ danh định.
411-50-09. Điện kháng quá độ dọc trục
Tỷ số giữa giá trị ban đầu của sự thay đổi đột ngột thành phần xoay chiều cơ bản của điện áp phần ứng do từ thông sơ cấp dọc trục tạo ra và giá trị của sự thay đổi đồng thời thành phần xoay chiều cơ bản của dòng điện phần ứng dọc trục, với máy điện chạy ở tốc độ danh định và các thành phần giảm nhanh trong các chu kỳ đầu được bỏ qua.
411-50-10. Điện kháng quá độ ngang trục
Tỷ số giữa giá trị ban đầu của sự thay đổi đột ngột thành phần xoay chiều cơ bản của điện áp phần ứng do từ thông sơ cấp ngang trục tạo ra và giá trị của sự thay đổi đồng thời thành phần xoay chiều cơ bản của dòng điện phần ứng ngang trục, với máy điện chạy ở tốc độ danh định và các thành phần giảm nhanh trong các chu kỳ đầu được bỏ qua.
411-50-11. Điện kháng tiền quá độ dọc trục
Tỷ số giữa giá trị ban đầu của sự thay đổi đột ngột thành phần xoay chiều cơ bản của điện áp phần ứng do từ thông sơ cấp dọc trục tổng tạo ra và giá trị của sự thay đổi đồng thời thành phần xoay chiều cơ bản của dòng điện phần ứng dọc trục, với máy điện chạy ở tốc độ danh định.
411-50-12. Điện kháng tiền quá độ ngang trục
Tỷ số giữa giá trị ban đầu của sự thay đổi đột ngột thành phần xoay chiều cơ bản của điện áp phần ứng do từ thông sơ cấp ngang trục tổng tạo ra và giá trị của sự thay đổi đồng thời thành phần xoay chiều cơ bản của dòng điện phần ứng ngang trục, với máy điện chạy ở tốc độ danh định.
411-50-13. Điện kháng Potier
Điện kháng có tính đến rò của dây quấn kích từ khi mang tải và trong miền quá kích thích, được sử dụng thay cho điện kháng rò của phần ứng để tính kích thích có tải bằng phương pháp Potier.
411-50-14. Điện kháng thứ tự thuận
Tỷ số giữa thành phần phản kháng cơ bản của điện áp phần ứng thứ tự thuận do dòng điện phần ứng thứ tự thuận hình sin ở tần số danh định tạo ra và giá trị của thành phần đó của dòng điện, với máy điện chạy ở tốc độ danh định.
411-50-15. Điện kháng thứ tự nghịch
Tỷ số giữa thành phần phản kháng cơ bản của điện áp phần ứng thứ tự nghịch do dòng điện phần ứng thứ tự thuận hình sin ở tần số danh định tạo ra và giá trị của thành phần đó của dòng điện, với máy điện chạy ở tốc độ danh định.
411-50-16. Điện kháng thứ tự không
Tỷ số giữa thành phần phản kháng cơ bản của điện áp phần ứng thứ tự không do xuất hiện dòng điện phần ứng thứ tự không ở tần số danh định và giá trị của thành phần đó của dòng điện, với máy điện chạy ở tốc độ danh định.
411-50-17. Điện trở không đồng bộ
Tỷ số giữa thành phần tác dụng của điện áp trung bình tại tần số danh định, được giả thiết là hình sin và cân bằng, đặt lên dây quấn phần ứng của máy điện quay mất đồng bộ và thành phần dòng điện trung bình ở cùng tần số.
411-50-18. Điện trở thứ tự thuận
Tỷ số giữa thành phần đồng pha của điện áp phần ứng thứ tự thuận ứng với các tổn hao trong dây quấn phần ứng và các tổn hao tải phụ do dòng điện phần ứng thứ tự thuận hình sin tạo ra và giá trị của thành phần đó của dòng điện, với máy điện chạy ở tốc độ danh định.
411-50-19. Điện trở thứ tự nghịch
Tỷ số giữa thành phần đồng pha cơ bản của điện áp phần ứng thứ tự nghịch do dòng điện phần ứng thứ tự nghịch hình sin tạo ra và giá trị của thành phần đó của dòng điện, với máy điện chạy ở tốc độ danh định.
411-50-20. Điện trở thứ tự không
Tỷ số giữa thành phần đồng pha cơ bản của điện áp phần ứng thứ tự không do dòng điện phần ứng thứ tự không hình sin tạo ra và giá trị của thành phần đó của dòng điện, với máy điện chạy ở tốc độ danh định.
411-50-21. Tỷ số ngắn mạch
Tỷ số giữa dòng điện kích từ đối với điện áp phần ứng danh định hở mạch và dòng điện kích từ đối với dòng điện phần ứng danh định ngắn mạch đối xứng duy trì, với máy điện chạy ở tốc độ danh định trong cả hai trường hợp.
411-50-22. Hệ số bão hoà
Tỷ số giữa giá trị bão hoà trong các điều kiện qui định của một đại lượng và giá trị chưa bão hoà của nó.
411-50-23. Hệ số đồng bộ hoá
Tỷ số giữa công suất trên trục và sự dịch chuyển góc của rôto ở điện áp, công suất, hệ số công suất và tần số danh định.
411-50-24. Hệ số công suất đồng bộ hoá
Tỷ số giữa sự thay đổi về công suất và sự biến thiên về độ dịch chuyển góc của rôto.
411-50-25. Hệ số hình dáng danh định của dòng điện một chiều được cấp cho phần ứng động cơ một chiều từ bộ chuyển đổi công suất tĩnh
Tỷ số giữa giá trị hiệu dụng cho phép lớn nhất của dòng điện Irms, maxN và giá trị trung bình của nó lavN (tích phân giá trị trung bình trong một chu kỳ) ở các điều kiện danh định.
411-50-26. Hệ số dòng điện nhấp nhô
Tỷ số giữa chênh lệch giữa giá trị lớn nhất lmax và giá trị nhỏ nhất Imin của dòng điện nhấp nhô và hai lần giá trị trung bình lav (tích phân giá trị trung bình trên một chu kỳ).
Mục 411-51 - Tải, chế độ làm việc, thông số đặc trưng
411-51-01. Tải
Tất cả các giá trị của các đại lượng điện và đại lượng cơ thể hiện yêu cầu mà máy điện quay phải cung cấp cho mạch điện hoặc cơ cấu truyền động tại một thời điểm cho trước.
411-51-02. (Làm việc) không tải
Tình trạng của máy điện quay khi công suất ra bằng không.
411-51-03. Nghỉ và không mang điện
Trạng thái hoàn toàn không có chuyển động và không được cung cấp điện hoặc không có truyền động cơ khí.
411-51-04. Công suất đầu ra (của máy điện)
Công suất tổng, điện và cơ, do máy điện cung cấp.
411-51-05. Công suất đầu vào (của máy điện)
Công suất tổng, điện và cơ, cung cấp cho máy điện.
411-51-06. Chế độ làm việc
Chế độ (các) tải mà máy điện phải mang, kể cả khởi động, hãm điện, không tải, nghỉ và không mang điện, tuỳ theo từng trường hợp, và cả thời gian và trình tự của chúng theo thời gian.
411-51-07. Chu kỳ chế độ làm việc
Sự biến thiên phụ tải lặp đi lặp lại, trong đó thời gian chu kỳ đủ ngắn để không kịp đạt được cân bằng nhiệt trong chu trình đầu tiên.
411-51-08. Cân bằng nhiệt
Trạng thái đạt đến khi độ tăng nhiệt của các bộ phận khác nhau của máy điện thay đổi không vượt quá građien nhiệt độ là 2 °C trong mỗi giờ.
411-51-09. Hệ số thời gian chu kỳ
Tỉ số giữa thời gian mang tải, kể cả thời gian khởi động và hãm điện, và thời gian của một chu kỳ chế độ làm việc, tính bằng phần trăm.
411-51-10. Đầy tải
Giá trị tải làm cho máy điện quay làm việc ở thông số đặc trưng của nó.
411-51-11. Giá trị đầy tải
Giá trị của một đại lượng khi máy điện quay làm việc đầy tải.
411-51-12. Chế độ làm việc theo chu kỳ
Kiểu chế độ làm việc trong đó chu kỳ làm việc được lặp đi lặp lại theo các khoảng thời gian đều đặn.
411-51-13. Kiểu chế độ làm việc
Chế độ làm việc liên tục, ngắn hạn hoặc theo chu kỳ, gồm một hoặc một số tải không đổi trong khoảng thời gian qui định, hoặc chế độ làm việc không chu kỳ, trong đó tải và tốc độ nhìn chung là biến thiên trong phạm vi dải làm việc cho phép.
411-51-14. Chế độ làm việc liên tục
Kiểu chế độ làm việc S1
Làm việc ở tải không đổi duy trì trong thời gian đủ để đạt tới cân bằng nhiệt.
411-51-15. Chế độ làm việc ngắn hạn
Kiểu chế độ làm việc S2
Làm việc ở tải không đổi trong thời gian cho trước, ngắn hơn thời gian cần thiết để đạt cân bằng nhiệt, tiếp theo là một quãng thời gian nghỉ và không mang điện đủ dài để nhiệt độ máy điện và bộ trao đổi nhiệt ổn định lại trong phạm vi ± 2 °C so với nhiệt độ chất làm mát.
411-51-16. Chế độ làm việc gián đoạn theo chu kỳ
Kiểu chế độ làm việc S3
Trình tự các chu kỳ làm việc như nhau, mỗi chu kỳ bao gồm một thời gian làm việc ở tải không đổi và một thời gian nghỉ và không mang điện, ở chế độ làm việc này, chu kỳ phải sao cho dòng điện khởi động ảnh hưởng không đáng kể đến độ tăng nhiệt.
411-51-17. Chế độ làm việc gián đoạn theo chu kỳ có khởi động
Kiểu chế độ làm việc S4
Trình tự các chu kỳ làm việc như nhau, mỗi chu kỳ bao gồm thời gian khởi động đáng kể, thời gian làm việc với tải không đổi và thời gian nghỉ và không mang điện.
411-51-18. Chế độ làm việc gián đoạn theo chu kỳ có hãm điện
Kiểu chế độ làm việc S5
Trình tự các chu kỳ làm việc như nhau, mỗi chu kỳ bao gồm thời gian khởi động, thời gian làm việc với tải không đổi, thời gian hãm điện và thời gian nghỉ và không mang điện.
411-51-19. Chế độ làm việc liên tục theo chu kỳ
Kiểu chế độ làm việc S6
Trình tự các chu kỳ làm việc như nhau, mỗi chu kỳ bao gồm thời gian làm việc với tải không đổi và thời gian làm việc không tải. Không có thời gian nghỉ và không mang điện.
411-51-20. Chế độ làm việc liên tục theo chu kỳ có hãm điện
Kiểu chế độ làm việc S7
Trình tự các chu kỳ làm việc như nhau, mỗi chu kỳ bao gồm thời gian khởi động, thời gian làm việc với tải không đổi và thời gian hãm điện. Không có thời gian nghỉ và không mang điện.
411-51-21. Chế độ làm việc liên tục theo chu kỳ, có các thay đổi liên quan giữa tải và tốc độ
Kiểu chế độ làm việc S8
Trình tự các chu kỳ làm việc như nhau, mỗi chu kỳ bao gồm thời gian làm việc với tải không đổi tương ứng với một tốc độ quay định trước, tiếp đó là một hoặc một số thời gian làm việc với những tải không đổi khác, ứng với những tốc độ quay khác nhau (ví dụ thực hiện bằng cách thay đổi số cực trong trường hợp động cơ cảm ứng). Không có khoảng thời gian nghỉ và không mang điện.
411-51-22. Chế độ làm việc có tải và tốc độ thay đổi không chu kỳ
Kiểu chế độ làm việc S9
Chế độ làm việc mà nói chung, tải và tốc độ thay đổi không chu kỳ trong dải làm việc cho phép. Chế độ làm việc này bao gồm nhiều lần quá tải có thể vượt xa (các) mức đầy tải.
411-51-23. Giá trị danh định
Giá trị của một đại lượng thường do nhà chế tạo ấn định dùng cho một điều kiện làm việc qui định của máy điện.
411-51-24. Thông số đặc trưng
Tập hợp các giá trị danh định và các điều kiện làm việc.
Mục 411-52 và Mục 411-53 - Vận hành và thử nghiệm
411-52-01. Khởi động
Quá trình đưa máy điện từ trạng thái nghỉ và không mang điện đến tốc độ làm việc.
CHÚ THÍCH: Khởi động bao gồm việc đóng điện, khởi chuyển và nếu cần đồng bộ hoá với nguồn cung cấp.
411-52-02. Khởi chuyển
Trạng thái của máy điện tại thời điểm chuyển từ trạng thái nghỉ sang trạng thái quay.
411-52-03. Gia tốc
Quá trình đưa máy điện đến tốc độ sau khởi chuyển.
411-52-04. Hoà đồng bộ
Quá trình hoặc trình tự các quá trình trong đó máy điện đồng bộ sau khi gia tốc được đưa vào đồng bộ với máy điện đồng bộ khác hoặc hệ thống.
411-52-05. Hoà đồng bộ lý tưởng
Hoà đồng bộ một máy điện bằng cách điều chỉnh điện áp, tần số và góc pha sao cho các điều kiện của máy điện càng gần càng tốt với các điều kiện của máy điện hoặc hệ thống mà nó được đồng bộ hoá.
411-52-06. Hoà đồng bộ ngẫu nhiên
Hoà đồng bộ một máy điện bằng cách điều chỉnh điện áp của nó đến một giá trị gần bằng điện áp của máy điện khác hoặc hệ thống khác, nhưng không điều chỉnh tần số và góc pha của máy điện cần hoà để gần với các giá trị của máy điện hoặc hệ thống mà nó được hoà đồng bộ.
411-52-07. Hoà đồng bộ động cơ
Hoà đồng bộ một máy điện bằng cách cho kích thích vào máy điện sau khi máy điện được gia tốc đến tốc độ gần đồng bộ và sau khi máy điện được nối vào máy hoặc hệ thống mà nó được đồng bộ hóa.
411-52-08. Hoà đồng bộ thô
Hoà đồng bộ một máy điện bằng cách nối máy điện với một máy điện hoặc với hệ thống mà nó được đồng bộ hóa sau khi đã gia tốc đến tốc độ gần đồng bộ và sau khi đặt kích thích.
411-52-09. Hoà đồng bộ bằng từ trở
Hoà đồng bộ bằng cách đưa tốc độ của máy điện đồng bộ cực lồi đến tốc độ gần đồng bộ nhưng không kích thích cho máy điện.
411-52-10. Làm việc đồng bộ
Làm việc của máy điện trong đó tốc độ của rôto bằng với tốc độ đồng bộ.
411-52-11. Làm việc không đồng bộ
Làm việc của máy điện trong đó tốc độ của rôto khác với tốc độ đồng bộ.
411-52-12. Kéo vào đồng bộ
Quá trình đạt đến đồng bộ do thay đổi từ tốc độ không đồng bộ sang tốc độ đồng bộ.
411-52-13. Thoát khỏi đồng bộ
Quá trình mất đồng bộ do thay đổi từ tốc độ đồng bộ sang tốc độ không đồng bộ thấp hơn.
411-52-14. Vượt đồng bộ
Quá trình mất đồng bộ do thay đổi từ tốc độ đồng bộ sang tốc độ không đồng bộ cao hơn.
411-52-15. Khởi động trực tiếp trên đường dây
Quá trình khởi động động cơ bằng cách nối động cơ trực tiếp vào nguồn cung cấp ở điện áp danh định.
411-52-16. Khởi động sao-tam giác
Quá trình khởi động động cơ ba pha bằng cách nối động cơ vào nguồn cung cấp có dây quấn sơ cấp ban đầu được nối sao sau đó chuyển sang nối tam giác trong điều kiện vận hành.
411-52-17. Khởi động bằng máy biến áp tự ngẫu
Quá trình khởi động động cơ xoay chiều ở điện áp giảm bớt bằng cách ban đầu nối dây quấn sơ cấp với máy biến áp tự ngẫu sau đó chuyển sang nối trực tiếp dây quấn này với nguồn cung cấp ở điện áp danh định trong điều kiện vận hành.
41-52-18. Khởi động bằng máy biến áp tự ngẫu quá độ mạch hở
Quá trình khởi động máy biến áp tự ngẫu trong đó động cơ được ngắt điện khỏi nguồn cung cấp trong quá trình quá độ từ điện áp giảm bớt sang điện áp danh định.
411-52-19. Khởi động bằng máy biến áp tự ngẫu quá độ mạch kín
Quá trình khởi động máy biến áp tự ngẫu trong đó động cơ vẫn được nối vào nguồn cung cấp trong quá trình quá độ từ điện áp giảm bớt sang điện áp đanh định.
411-52-20. Khởi động bằng cuộn kháng
Quá trình khởi động động cơ ở điện áp giảm bớt bằng cách ban đầu nối động cơ nối tiếp với điện kháng (cuộn cảm) mà cuộn kháng này được nối ngắn mạch trong điều kiện vận hành.
411-52-21. Khởi động bằng điện trở mạch rôto
Quá trình khởi động động cơ dây quấn cảm ứng hoặc động cơ cảm ứng đồng bộ bằng cách ban đầu nối dây quấn rôto nối tiếp các điện trở khởi động mà các điện trở này được nối ngắn mạch trong điều kiện vận hành.
411-52-22. Khởi động bằng điện trở mạch stato
Quá trình khởi động động cơ ở điện áp giảm bớt bằng cách ban đầu nối dây quấn stato nối tiếp với các điện trở khởi động mà các điện trở này được nối ngắn mạch trong điều kiện vận hành.
411-52-23. Khởi động nối tiếp - song song
Quá trình khởi động động cơ bằng cách nối động cơ với nguồn cung cấp có các mạch của từng pha dây quấn stato ban đầu được nối nối tiếp rồi chuyển sang nối song song trong điều kiện vận hành.
411-52-24. Khởi động một phần dây quấn
Quá trình khởi động động cơ bằng cách nối động cơ vào nguồn cung cấp, ban đầu chỉ nối một mạch điện của từng pha dây quấn stato rồi chuyển qua nối song song tất cả các mạch của từng pha trong điều kiện vận hành.
411-52-25. Khởi động bằng động cơ khởi động nối nối tiếp
Quá trình khởi động động cơ bằng cách nối dây quấn stato vào nguồn cung cấp nối tiếp với dây quấn stato của động cơ khởi động, sau đó dây quấn stato của động cơ khởi động được nối ngắn mạch trong điều kiện vận hành.
411-52-26. Sai lệch theo chu kỳ
Biến động theo chu kỳ của tốc độ do sự không đều của mômen của động cơ sơ cấp gây nên.
411-52-27. Lắc
Biến động tốc độ về trạng thái quay đồng nhất.
411-52-28. Dao động pha
Một dạng của lắc trong đó các dao động là sự biến thiên của tốc độ theo chu kỳ của máy điện đồng bộ, lớn hơn hoặc nhỏ hơn tốc độ bình thường.
411-52-29. Đáp ứng của bộ kích thích
Tốc độ tăng hoặc giảm của điện áp của bộ kích thích khi đòi hỏi có sự thay đổi về điện áp đó.
411-52-30. Kích mồi điện áp
Việc thiết lập vốn có về kích thích và điện áp phát ra bên trong của máy phát.
411-52-31. Sụt áp qua trở kháng
Tích của dòng điện và trở kháng bên trong; tích này bằng hiệu vectơ giữa điện áp phát ra bên trong và điện áp đầu nối của máy điện.
411-52-32. Đập mạch dòng điện
Chênh lệch giữa biên độ lớn nhất và nhỏ nhất về dòng điện động cơ trong một chu kỳ tương ứng với một vòng quay của tải được kéo, thể hiện là phần trăm của giá trị trung bình của dòng điện trong suốt chu kỳ đó.
CHÚ THÍCH: Đối với động cơ xoay chiều, tất cả dòng điện trong định nghĩa này là dòng điện hiệu dụng.
411-52-33. Điều chỉnh (của máy phát điện)
Sự thay đổi điện áp do thay đổi tải.
CHÚ THÍCH: Sự thay đổi điện áp thường được xét giữa chế độ vận hành đầy tải và không tải.
411-52-34. Điều chỉnh (của động cơ)
Sự thay đổi tốc độ do thay đổi tải.
CHÚ THÍCH: Sự thay đổi tốc độ thường được xét giữa chế độ vận hành đầy tải và không tải.
411-52-35. Điều chỉnh nội tại (của máy phát)
Thay đổi điện áp do thay đổi tải, tốc độ được duy trì không đổi và không điều chỉnh kích thích.
411-52-36. Điều chỉnh nội tại (của một động cơ)
Thay đổi về tốc độ do thay đổi tải, điện áp cung cấp và tần số được duy trì không đổi và chỉ do các đặc tính cơ bản của bản thân động cơ.
411-52-37. Đặc tính phức hợp
Quan hệ giữa điện áp hoặc tốc độ hoặc hệ số công suất và dòng điện tải của một máy điện được kích thích hỗn hợp.
411-52-38. Vùng trung hoà
Vùng của phần ứng, đặt cách đều giữa hai cực liên tiếp trong đó từ thông gần bằng không hoặc bằng cách mở rộng, vùng của cổ góp trong đó khi máy điện chạy không tải, điện áp giữa hai phiến góp liên tiếp gần bằng không.
411-52-39. Dải đen
Dải biến thiên cường độ trường đổi chiều, trong đó việc đổi chiều hầu như không gây ra tia lửa đối với một dải phụ tải qui định với chổi than được đặt cố định.
411-52-40. Sự trượt cực
Quá trình mà phần cảm của máy điện đồng bộ trượt một bước cực so với từ thông trong phần ứng.
411-52-41. Vận hành một pha
Vận hành không bình thường của máy điện nhiều pha khi nguồn cung cấp là dòng điện một pha có hiệu quả.
411-52-42. Chế độ chạy chậm
Sự dịch chuyển góc được dẫn động điện hoặc sự quay chậm của máy điện.
411-52-43. Sự tăng chậm
Vận hành ổn định nhưng không bình thường của máy đồng bộ hoặc không đồng bộ ở tốc độ gần bằng ước của tốc độ đồng bộ.
411-52-44. Sự tăng chậm (của động cơ một chiều)
Vận hành không mong muốn ở tốc độ chậm của động cơ một chiều do từ dư gây nên.
411-52-45. Hãm điện từ
Hệ thống trong đó thao tác hãm được đưa vào hoặc loại ra khỏi máy điện bằng nam châm điện.
411-52-46. Hãm điện
Hệ thống trong đó thao tác hãm được đặt vào máy điện bằng cách làm cho nó sinh ra điện năng hoặc bị tiêu tán hoặc được trả về nguồn điện.
411-52-47. Hãm động năng
Hệ thống hãm điện trong đó máy điện đã kích thích được ngắt khỏi nguồn cung cấp và được nối như một máy phát, năng lượng bị tiêu tán trong dây quấn và nếu cần, trong điện trở riêng rẽ.
411-52-48. Hãm bằng tụ điện
Hãm động năng dùng cho máy điện cảm ứng trong đó sử dụng tụ điện để duy trì dòng điện từ hóa nhờ đó cho phép máy điện hoạt động như một máy phát khi được ngắt khỏi hệ thống.
411-52-49. Hãm bằng cách đưa vào dòng điện một chiều
Hãm động năng đối với máy điện cảm ứng trong đó, nguồn một chiều riêng rẽ cung cấp dòng điện từ hoá, nhờ đó cho phép máy điện hoạt động như một máy phát khi được ngắt khỏi hệ thống.
411-52-50. Hãm tái sinh
Hãm điện trong đó năng lượng được trở về hệ thống.
411-52-51. Hãm tái sinh máy điện một chiều
Hãm tái sinh trong đó dòng điện phần ứng của máy điện một chiều được đảo chiều.
411-52-52. Hãm siêu đồng bộ
Hãm tái sinh đối với động cơ cảm ứng trong đó rôto bị quay cưỡng bức ở tốc độ siêu đồng bộ.
411-52-53. Hãm bằng cách đảo pha
Hãm điện động cơ cảm ứng bằng cách đảo thứ tự pha của dây nối vào hệ thống.
411-52-54. Hãm bằng dòng điện Fucô
Hãm điện trong đó năng lượng cần tiêu tán được chuyển thành nhiệt bởi các dòng Fucô phát sinh trong khối kim loại.
411-53-01 (151-04-15)
Thử nghiệm điển hình
Thử nghiệm một hoặc nhiều máy điện được chế tạo theo một thiết kế nhất định để chứng tỏ thiết kế đó phù hợp các qui định kỹ thuật nào đó.
411-53-02 (151-04-16). Thử nghiệm thường xuyên
Thử nghiệm trên từng máy điện riêng rẽ trong khi hoặc sau khi chế tạo để xác định máy đó có phù hợp với tiêu chí nhất định nào đó hay không.
411-53-03. Thử nghiệm tính năng
CHÚ THÍCH: Định nghĩa này đang được xem xét.
411-53-04. Thử nghiệm hàng loạt
CHÚ THÍCH: Định nghĩa này đang được xem xét.
411-53-05. (151-04-17) Thử nghiệm lấy mẫu
Thử nghiệm trên một số máy điện được lấy ngẫu nhiên từ một lô.
411-53-06. (151-04-21) Thử nghiệm đưa vào vận hành
Thử nghiệm máy điện hoặc thiết bị, được tiến hành tại hiện trường để chứng tỏ việc lắp đặt và vận hành là đúng.
411-53-07. (151-04-20) Thử nghiệm chấp nhận
Thử nghiệm theo hợp đồng để chứng tỏ cho khách hàng biết là máy điện đáp ứng các điều kiện nhất định của yêu cầu kỹ thuật.
411-53-08. Hiệu suất
Tỷ số giữa công suất tác dụng đầu ra và công suất tác dụng đầu vào, thể hiện theo đơn vị hoặc theo phần trăm.
411-53-09. (151-03-18 sửa đổi) (603-06-04 sửa đổi) Tổn hao công suất (của máy điện)
Tổn hao tổng (của máy điện)
Chênh lệch ở thời điểm cho trước giữa công suất tác dụng đầu vào và công suất tác dụng đầu ra.
411-53-10. Xác định trực tiếp hiệu suất
Việc xác định hiệu suất từ phép đo trực tiếp công suất tác dụng đầu vào và công suất tác dụng đầu ra.
411-53-11. Xác định gián tiếp hiệu suất
Việc xác định hiệu suất từ các phép đo tổn hao công suất.
411-53-12. Xác định hiệu suất từ tổn hao tổng
Xác định gián tiếp hiệu suất từ phép đo trực tiếp tổn hao tổng.
411-53-13. Xác định hiệu suất từ tổng các tổn hao
Xác định gián tiếp hiệu suất từ tổng của các tổn hao thành phần được đo riêng rẽ.
411-53-14. Thử nghiệm bằng mômen kế
Thử nghiệm hãm
Thử nghiệm trong đó công suất cơ được xác định bằng cách đo mômen trục cùng với tốc độ quay.
CHÚ THÍCH 1: Áp dụng cho máy điện làm việc như động cơ, sử dụng cơ cấu hãm, lực kế hoặc cơ cấu thích hợp khác để xác định công suất ra.
CHÚ THÍCH 2: Áp dụng cho máy điện làm việc như máy phát, sử dụng lực kế hoặc cơ cấu thích hợp khác để xác định công suất vào.
411-53-15. Thử nghiệm bằng lực kế
Thử nghiệm hãm trong đó mômen trục được đo bằng lực kế.
411-53-16. Thử nghiệm nhiệt lượng
Thử nghiệm trong đó các tổn hao trong máy điện được suy ra từ lượng nhiệt sinh ra do tổn hao, các tổn hao được tính từ nhiệt do chất làm lạnh hấp thụ và nhiệt tiêu tán vào môi trường xung quanh máy điện, nếu đáng kể.
411-53-17. Thử nghiệm bằng máy điện truyền động được hiệu chuẩn
Thử nghiệm trong đó công suất cơ đầu vào hoặc đầu ra của máy điện được tính từ công suất điện đầu ra hoặc đầu vào của máy điện đã hiệu chuẩn được ghép nối cơ với máy điện cần thử nghiệm.
411-53-18. Thử nghiệm nối trục bằng hai nguồn điện
Thử nghiệm trong đó hai máy điện giống nhau được ghép nối cơ với nhau và tổng các tổn hao của cả hai máy điện được tính từ chênh lệch giữa đầu vào điện của một máy và đầu ra điện của máy còn lại.
411-53-19. Thử nghiệm nối trục bằng một nguồn điện
Thử nghiệm trong đó hai máy điện giống nhau được ghép nối cơ với nhau và cả hai đều được nối điện với một hệ thống điện.
CHÚ THÍCH: Tổng các tổn hao của hai máy điện được lấy là công suất đầu vào rút ra từ hệ thống.
411-53-20. Thử nghiệm chậm
Thử nghiệm trong đó tổn hao của máy điện có được bằng cách vẽ đường giảm tốc độ quay của máy điện khi chỉ có các tổn hao vốn có do thông gió và do ma sát.
411-53-21. Thử nghiệm không tải
Thử nghiệm trong đó máy điện làm việc như một động cơ nhưng không tạo ra công suất cơ có ích trên trục hoặc khi làm việc như máy phát hở mạch ở các đầu nối của nó.
411-53-23. Thử nghiệm ngắn mạch duy trì
Thử nghiệm trong đó máy điện làm việc như máy phát với các đầu nối của nó bị ngắn mạch.
411-53-24. Thử nghiệm ngắn mạch đột ngột
Thử nghiệm trong đó dây quấn phần ứng của máy điện đồng bộ bị nối tắt đột ngột trong các điều kiện vận hành qui định.
411-53-25. Thử nghiệm có tải nhẹ
Thử nghiệm trên máy điện nối với thành phần bị kéo hoặc dùng để kéo bình thường của nó trong đó (a) nếu làm việc như động cơ, công suất đầu trục bị hạn chế đến tổn hao không tải của thành phần bị kéo, (b) nếu làm việc như máy phá thì máy điện cung cấp công suất thấp hơn ở các đầu nối của nó.
411-53-26. Thử nghiệm với hệ số công suất bằng không (máy điện đồng bộ)
Thử nghiệm không tải, trong đó máy điện đồng bộ bị quá kích thích và làm việc với hệ số công suất rất gần “không”.
411-53-27. Thử nghiệm với hệ số công suất đơn vị
Thử nghiệm trong đó máy điện đồng bộ làm việc trong các điều kiện làm việc qui định với kích thích của nó được điều chỉnh để cho hệ số công suất bằng một.
411-53-28. Thử nghiệm độ tăng nhiệt
Thử nghiệm được thực hiện để xác định độ tăng nhiệt của một hoặc nhiều bộ phận của máy điện trong các điều kiện qui định.
411-53-29. Thử nghiệm dạng sóng
Thử nghiệm trong đó dạng sóng của đại lượng biến thiên bất kỳ kết hợp với máy điện được ghi lại.
411-53-30. Phân tích dạng sóng
Xác định một hoặc nhiều tham số dạng sóng.
411-53-31. Thử nghiệm hài
Thử nghiệm nhằm xác định trực tiếp giá trị của một hoặc nhiều hài của dạng sóng của đại lượng chu kỳ của máy điện so với thành phần cơ bản của đại lượng đó.
411-53-32. Thử nghiệm khóa cứng rôto
Thử nghiệm trên máy điện đã đóng điện với rôto được giữ đứng yên để xác định mômen khóa cứng rôto.
411-53-33. Thử nghiệm khởi động
Thử nghiệm trên máy điện trong khi máy điện tăng tốc từ “0” đến tốc độ mang tải để xác định mômen khởi động.
411-53-34. Thử nghiệm kéo vào đồng bộ (của động cơ đồng bộ)
Thử nghiệm trên động cơ đồng bộ được kéo vào hệ thống đồng bộ từ độ trượt qui định với quán tính qui định để xác định mômen kéo vào đồng bộ.
411-53-35. Thử nghiệm đổi chiều
Thử nghiệm trên máy điện có cổ góp để đánh giá các đặc tính đổi chiều trong các điều kiện qui định.
411-53-36. Thử nghiệm dải đen
Thử nghiệm đổi chiều để xác định giới hạn của dải biến thiên cường độ trường đổi chiều trong dải đó, việc đổi chiều hầu như không có tia lửa trong dải phụ tải qui định.
411-53-37. Thử nghiệm điện trở
Thử nghiệm để đo điện trở của dây quấn bằng dòng điện một chiều.
411-53-38. Thử nghiệm lõi
Thử nghiệm được thực hiện trên lõi nhiều lớp không quấn để xác định đặc tính tổn hao hoặc hiệu quả của cách điện giữa các lớp.
411-53-39. Thử nghiệm vượt tốc
Thử nghiệm trên rôto máy điện để chứng tỏ rằng rôto phù hợp với các yêu cầu vượt tốc qui định.
411-53-40. Thử nghiệm cân bằng
Thử nghiệm được thực hiện để đảm bảo rằng rôto máy điện được cân bằng trong các giới hạn qui định.
411-53-41. Thử nghiệm rung
Thử nghiệm được thực hiện để đo độ rung của bộ phận bất kỳ của máy điện trong các điều kiện qui định.
411-53-42. Thử nghiệm mức ồn
Thử nghiệm được thực hiện để xác định mức ồn âm thanh do máy điện phát ra trong điều kiện làm việc và điều kiện đo qui định.
411-53-43. Thử nghiệm điện áp trên trục
Thử nghiệm được thực hiện trên máy điện đã đóng điện để phát hiện điện áp cảm ứng có khả năng tạo ra dòng điện trên trục.
411-53-44. Thử chiều quay
Thử nghiệm để xác định rôto quay theo chiều qui định và ghi nhãn đúng đầu nối.
411-53-45. Thử nghiệm thứ tự pha
Thử nghiệm được thực hiện để xác định thứ tự pha đúng của dây quấn nhiều pha.
411-53-46. Thử nghiệm cực tính
Thử nghiệm được thực hiện trên máy điện để chỉ ra rằng các cực tính liên quan của dây quấn hoặc các cực của nam châm vĩnh cửu là đúng.
411-53-47. Thử nghiệm giữa các phiến (của cổ góp)
Thử nghiệm trong đó điện trở giữa các phiến góp liền kề được đo để kiểm tra sự thỏa mãn của dây quấn.
411-53-48. Thử nghiệm điện trở cách điện
Thử nghiệm để đo điện trở cách điện trong các điều kiện qui định.
411-53-49. Thử nghiệm khả năng chịu điện áp
Thử nghiệm áp dụng cho cách điện bằng cách đặt điện áp cao qua cách điện để xác định xem cách điện có đủ độ bền điện môi hay không.
411-53-50. Thử nghiệm khả năng chịu điện áp tần số thấp
Thử nghiệm điện môi được thực hiện ở tần số thấp từ 0,1 Hz đến 1,0 Hz.
411-53-51. Đo tang góc tổn hao
Thử nghiệm hệ số tiêu tán (Mỹ)
Phép đo tổn hao điện môi của cách điện ở các giá trị định trước của nhiệt độ, tần số và điện áp hoặc ứng suất điện môi.
CHÚ THÍCH: Tổn hao điện môi được thể hiện theo tang của góc phụ của góc hệ số công suất cách điện.
411-53-52. Thử nghiệm bắt đầu phóng điện
Thử nghiệm để đo điện áp thấp nhất tại đó phóng điện có độ lớn qui định tái diễn theo các chu kỳ liên tiếp khi điện áp xoay chiều tăng dần của tần số công nghiệp được đặt lên cách điện.
411-53-53. Thử nghiệm bắt đầu phóng điện cục bộ
Thử nghiệm bắt đầu vầng quang
Thử nghiệm để đo điện áp thấp nhất tại đó phóng điện đánh thủng xuất hiện ở bề mặt của vật dẫn hoặc bên ngoài cách điện.
411-53-54. Thử nghiệm năng lượng phóng điện
Thử nghiệm để xác định độ lớn của năng lượng tiêu tán bởi phóng điện hoặc các phóng điện bên trong cách điện ở giá trị điện áp định trước.
411-53-55. Thử nghiệm xung
Thử nghiệm để đặt lên thành phần được cách điện một điện áp quá độ không chu kỳ có cực tính, biên độ và dạng sóng xác định trước.
411-53-56. Thử nghiệm giữa các vòng dây
Thử nghiệm để đặt lên hoặc thường tạo cảm ứng giữa các vòng dây liền kề của thành phần được cách điện một điện áp có biên độ xác định trước để kiểm tra tính nguyên vẹn của cách điện giữa các vòng dây.
411-53-58. Bảo vệ nhiệt
Bảo vệ dây quấn của máy điện khỏi nhiệt độ quá mức do các điều kiện quá tải hoặc tổn hao do làm mát.
411-53-59. Bộ phát hiện nhiệt
Cơ cấu cách điện chỉ nhạy với nhiệt độ, có khả năng khởi động chức năng đóng cắt trong hệ thống bảo vệ khi nhiệt độ của nó đạt đến mức xác định trước.
411-53-56. Bộ bảo vệ nhiệt
Cơ cấu cách điện nhạy với nhiệt độ của dây quấn máy điện, mang dòng điện của máy điện, có khả năng ngắt điện trực tiếp cho máy điện khi nhiệt độ đạt đến mức xác định trước.
411-53-56. Thử nghiệm chức năng
Thử nghiệm trong đó hệ thống cách điện hoặc vật thử nghiệm phải chịu các yếu tố lão hóa và yếu tố chẩn đoán mô phỏng các điều kiện vận hành để thu được các thông tin về khả năng vận hành kể cả đánh giá các kết quả thử nghiệm.
411-53-56. Thử nghiệm chẩn đoán
Thử nghiệm trong đó yếu tố chẩn đoán được áp dụng cho mẫu thử nghiệm để phân biệt tình trạng của mẫu và thường để hỗ trợ việc xác định thời gian cuối kết thúc thử nghiệm tuổi thọ.
411-53-56. formette
Mẫu thử nghiệm đặc biệt được dùng để đánh giá hệ thống cách điện cho dây quấn đã định dạng.
411-53-56. motorette
Mẫu thử nghiệm đặc biệt được dùng để đánh giá hệ thống cách điện cho dây quấn được quấn ngẫu nhiên.
Mục 411-54 - Hệ thống kích thích và các đặc tính của dây quấn kích từ
411-54-01. Hệ thống kích thích
Thiết bị cung cấp dòng điện kích từ cho máy điện, bao gồm tất cả các bộ phận điều chỉnh và điều khiển cũng như thiết bị để khử kích thích và thiết bị bảo vệ.
411-54-02. Đầu nối ra của hệ thống kích thích
Các bộ phận của thiết bị kích thích tại đó công suất của hệ thống kích thích phát ra được xác định.
411-54-03. Dòng điện danh định của hệ thống kích thích
Dòng điện một chiều tại các đầu nối ra của hệ thống kích thích mà hệ thống này có thể cung cấp khi phát ra dòng điện danh định của hệ thống kích thích trong các điều kiện làm việc xác định.
411-54-04. Điện áp danh định của hệ thống kích thích
Điện áp một chiều tại các đầu nối ra của hệ thống kích thích mà hệ thống này có thể cung cấp khi phát ra dòng điện danh định của hệ thống kích thích trong các điều kiện làm việc xác định.
411-54-05. Dòng điện cao nhất của hệ thống kích thích
Dòng điện một chiều lớn nhất mà hệ thống kích thích có khả năng cung cấp từ các đầu nối của nó trong các điều kiện xác định.
411-54-06. Điện áp cao nhất của hệ thống kích thích
Điện áp một chiều lớn nhất mà hệ thống kích thích có khả năng cung cấp từ các đầu nối của nó trong các điều kiện xác định.
411-54-07. Dòng điện kích từ danh định
Dòng điện một chiều trong dây quấn kích từ của máy điện khi làm việc ở điện áp, dòng điện và tốc độ danh định và ở hệ số công suất danh định đối với máy điện đồng bộ.
411-54-08. Điện áp kích từ danh định
Điện áp một chiều ở các đầu nối dây quấn kích từ của máy điện, được yêu cầu để tạo ra dòng điện kích từ danh định với dây quấn kích từ ở nhiệt độ được tạo ra từ công suất ra danh định và các điều kiện danh định và với chất làm mát cuối cùng ở nhiệt độ lớn nhất của nó.
MỤC LỤC
Lời giới thiệu
Mục 411-31 đến Mục 411-36 - Máy điện
Mục 411-31: Thuật ngữ chung
Mục 411-32: Máy phát
Mục 411-33: Động cơ
Mục 411-34: Máy điện đặc biệt
Mục 411-35: Máy điện dùng cho hệ thống điều khiển
Mục 411-36: Thuật ngữ về tính chất
Mục 411-37 đến Mục 411-41 - Dây quấn - Bộ phận từ và bộ phận điện
Mục 411-37: Bố trí dây quấn
Mục 411-38: Kết cấu của dây quấn
Mục 411-39: Cách điện
Mục 411-40: Các bộ phận từ
Mục 411-41: Chổi than, giá đỡ chổi than, vành trượt, đầu nối
Mục 411-42 đến Mục 411-45 - Bộ phận cơ, bảo vệ bằng vỏ ngoài
Mục 411-42: Ổ trục và bôi trơn
Mục 411-43: Kết cấu cơ, bố trí lắp đặt, chiều quay
Mục 411-44: Làm mát
Mục 411-45: Cấp bảo vệ bằng vỏ ngoài
Mục 411-46 đến Mục 411-51 - Đặc tính máy điện
Mục 411-46: Các biến trạng thái
Mục 411-47: Các đặc tính
Mục 411-48: Đại lượng đặc trưng
Mục 411-49: Đại lượng giải tích
Mục 411-50: Các tham số
Mục 411-51: Tải, chế độ làm việc, thông số đặc trưng
Mục 411-52 đến Mục 411-53 - Vận hành và thử nghiệm
Mục 411-52: Vận hành
Mục 411-53: Thử nghiệm
Mục 411-54: Hệ thống kích thích và các đặc tính của dây quấn kích từ
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.