THIẾT BỊ ĐIỆN DÙNG TRONG MỎ HẦM LÒ - PHẦN 0: YÊU CẦU CHUNG
Electrical apparatus for use in underground mine - Part 0: General requirements
Lời nói đầu
TCVN 7079-0:2002 do Tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn TCVN/TC82/SC1 “Thiết bị an toàn mỏ” biên soạn, trên cơ sở IEC 79-0, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.
Tiêu chuẩn này được chuyển đổi năm 2008 từ Tiêu chuẩn Việt Nam cùng số hiệu thành Tiêu chuẩn Quốc gia theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định số 127/2007/NĐƯCP ngày 1/8/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
THIẾT BỊ ĐIỆN DÙNG TRONG MỎ HẦM LÒ - PHẦN 0: YÊU CẦU CHUNG
Electrical apparatus for use in underground mine - Part 0: General requirements
Tiêu chuẩn này áp dụng cho các thiết bị điện thuộc nhóm I dùng trong mỏ hầm lò theo phân loại của IEC 79-9, trong đó môi trường khí có áp suất từ 80 kPa (0,8 bar) đến 110 kPa (1,1 bar), nhiệt độ từ - 20oC đến + 60oC. Những thông số về môi trường khí nổ ngoài phạm vi này cần phải xem xét một cách đặc biệt.
Tiêu chuẩn này không áp dụng cho các thiết bị không đáp ứng các quy định cũng như ghi nhãn của TCVN 7079 có các thông số kỹ thuật do nhà chế tạo quy định thấp hơn một trong các giá trị: 1,2 V; 0,1 A; 20 µJ hoặc 25 mW. Tuy nhiên các thiết bị như vậy phải tuân theo các quy định trong những phần khác của TCVN 7079 nếu chúng đấu nối với các thiết bị có thể tạo ra mạch có thông số kỹ thuật lớn hơn các giá trị nêu trên.
TCVN 6627-1:2000 (IEC 34-1) Máy điện quay - Phần 1: Thông số và tính năng.
IEC 79-3 Electrical apparatus for explosive gas atmospheres - Part 3: Spark test apparatus for intrinsically safe circuits (Thiết bị điện cho môi trường khí nổ - Phần 3: Thiết bị thử nghiệm mạch an toàn tia lửa).
IEC 79-9 Electrical apparatus for explosive gas atmospheres - Part 9: Terms and definitions. Classification. Marking. (Thiết bị điện cho môi trường khí nổ - Phần 9: Thuật ngữ và định nghĩa. Phân loại. Ghi nhãn).
IEC 82 Ballasts for tubular fluorescent lamps (Chấn lưu cho đèn huỳnh quang dạng ống).
IEC 192 Low pressure sodium vapour lamps (Đèn hơi natri áp suất thấp).
IEC 292-1 Low-voltage motor starters - Part 1: Direct-on-line (full voltage) a.c.starters (Bộ khởi động cho động cơ điện áp thấp - Phần 1: Bộ khởi động trực tiếp động cơ xoay chiều với toàn bộ điện áp).
IEC 364.5.54 Electrical installation of buildings - Part 5: Selection and erection of electrical equipment - Chapter 54: Earthing arrangements and protective conductors (Lắp đặt điện trong công trình - Phần 5: Lựa chọn và lắp đặt thiết bị điện. Chương 54: Bố trí tiếp đất và dây dẫn bảo vệ).
IEC 529 Degree of protection provided by enclosures (IP Code) (Phân loại cấp bảo vệ cho vỏ thiết bị). IEC 662 High pressure sodium vapour lamps (Đèn hơi natri áp suất cao).
ISO 262:1998 ISO general purpose metric screw threads - Selected sizes for screws, bolts and nuts (Ren vít hệ mét - Kích thước lựa chọn cho vít, bu lông và đai ốc).
ISO 266:1998 ISO system of limits and fits (Hệ thống ISO dung sai và lắp ghép).
ISO 272: 1982 Fasteners - Hexagon products - Widths across flats (Cơ cấu bắt chặt - Sản phẩm sáu cạnh - Chiều rộng mặt cắt ngang).
ISO 965:1998 ISO general purpose metric screw threads - Tolerances (Ren vít hệ mét thông dụng - Dung sai).
ISO 4762:1997 Hexagon socket head cap screws (Vít sáu cạnh đầu xoáy).
Tiêu chuẩn này sử dụng các định nghĩa sau đây:
3.1. Thiết bị điện (electrical apparatus)
Tất cả các thiết bị mà toàn bộ hoặc một phần của chúng sử dụng điện năng như các thiết bị phát điện, truyền tải, phân phối, tích lũy, đo lường, điều khiển, biến đổi, tiêu thụ điện năng và các thiết bị thông tin liên lạc.
3.2. Môi trường khí nổ (Explosive gas atmosphere)
Hỗn hợp giữa không khí, ở điều kiện áp suất khí quyển, với các chất dễ cháy dưới dạng khí, hơi hoặc sương khi bốc lửa sẽ cháy và lan truyền sang toàn bộ bầu khí hỗn hợp còn lại.
Chú thích - “Khí mỏ” có chứa mêtan là khí dễ bốc lửa trong các mỏ than hầm lò.
3.3. Hỗn hợp khí thử nổ (Explosive test mixture)
Hỗn hợp khí nổ chuyên dùng để thử các thiết bị điện dùng trong môi trường khí nổ.
3.4. Nhiệt độ bốc lửa của môi trường khí nổ (Ignition temperature of an explosive gas atmosphere)
Nhiệt độ thấp nhất trên bề mặt bị nung nóng gây bốc lửa các chất dễ cháy ở dạng hỗn hợp của khí hoặc hơi với không khí.
3.5. Nhiệt độ lớn nhất trên bề mặt (Maximum surface temperature)
Nhiệt độ lớn nhất ở điều kiện làm việc bất lợi (nhưng trong phạm vi cho phép) mà bất cứ một phần hoặc bề mặt nào của thiết bị điện có thể đạt tới gây bốc lửa bầu không khí bao quanh.
Chú thích - Điều kiện làm việc bất lợi nhất gồm tình trạng quá tải hoặc điều kiện hư hỏng nào đó được chấp nhận trong tiêu chuẩn riêng về dạng bảo vệ liên quan.
3.6. Kết cấu chống nổ (The explosion-proof structure)
Các biện pháp đặc biệt áp dụng cho thiết bị điện để ngăn ngừa bốc lửa môi trường khí nổ bao quanh.
3.7. Cấp bảo vệ của các vỏ (Degree of protection provided by enclosures)
Các biện pháp áp dụng cho các vỏ thiết bị điện để:
a) bảo vệ cho con người khỏi chạm vào các phần tử mang điện và tránh tiếp xúc với các bộ phận chuyển động bên trong vỏ (trừ những trục quay và bộ phận tương tự) và bảo vệ chống các vật rắn ngoại lai xâm nhập vào thiết bị;
b) bảo vệ chống nước xâm nhập vào trong vỏ thiết bị.
Chú thích - Cấp bảo vệ phải tuân theo IEC 529.
3.8. Cơ cấu đấu nối (Connection facilities)
Cọc đấu dây, đinh vít, bu lông và các bộ phận khác dùng để đấu nối với những dây dẫn của mạch điện ngoài.
3.9. Khoang đầu cáp (Terminal compartment)
Ngăn riêng hoặc bộ phận của vỏ, có hoặc không liên hệ với khoang chính và chứa những cơ cấu đấu nối.
3.10. Ống luồn cáp (Cable entry)
Phần tử để dẫn cáp điện vào trong thiết bị điện.
3.11. Vỏ thiết bị (Enclosure)
Tất cả các vách ngăn bao quanh các phần mang điện của thiết bị điện gồm các cửa, nắp, ống luồn cáp, các cơ cấu chấp hành, trục quay và các ổ trục, bảo vệ cho các thiết bị điện làm việc được an toàn.
3.12. Khe hở an toàn thực nghiệm lớn nhất (M.E.S.G.) [Maximum experimental safe gap (M.E.S.G.)]
Khe hở lớn nhất giữa hai phần của buồng thử nghiệm (qua mặt bích có bề rộng 25 mm với các điều kiện thử nghiệm quy định) ngăn không làm bốc lửa hỗn hợp khí thử nổ ở bên ngoài với tất cả các nồng độ nguy hiểm của hỗn hợp khí hoặc hơi với không khí khi hỗn hợp khí bên trong bị bốc lửa.
3.13. Dòng điện bốc lửa nhỏ nhất (MIC) [Minimum igniting current (MIC)]
Dòng điện nhỏ nhất trong những mạch thuần trở hoặc phản kháng gây bốc lửa hỗn hợp khí thử nổ trong thiết bị thử nghiệm tia lửa phù hợp với IEC 79-3.
4.1. Nhiệt độ xung quanh
Thiết bị điện làm việc trong môi trường khí nổ thường được thiết kế để vận hành ở nhiệt độ xung quanh từ -20oC đến + 40oC. Nếu thiết bị điện làm việc trong phạm vi nhiệt độ khác với phạm vi này thì phải ghi vào nhãn phạm vi nhiệt độ tương ứng.
4.2. Nhiệt độ tối đa trên bề mặt thiết bị
Nhiệt độ tối đa trên bề mặt thiết bị không được vượt quá:
- 150oC khi có bụi than bám thành lớp;
- 450oC nếu tránh được bụi than nguy hiểm nêu trên bám vào.
5.1. Quy định chung
5.1.1. Thiết bị điện dùng trong mỏ hầm lò có thể sử dụng trong công nghiệp nói chung phải tuân theo các quy định trong tiêu chuẩn này trừ những quy định khác ở phần riêng của TCVN 7079 về các dạng bảo vệ liên quan.
5.1.2. Vỏ thiết bị điện có thể mở nhanh hơn thời gian cần thiết đủ để phóng hết điện tích dư của các tụ điện trong thiết bị với tổng năng lượng dư thừa là 0,2 mJ, phải có nhãn trên vỏ thiết bị ghi rõ thời gian trễ cần thiết trước khi mở vỏ.
5.1.3. Thiết bị điện có chứa các phần tử thoát ẩm phải tuân theo các quy định của tiêu chuẩn này và các quy định trong phần riêng của TCVN 7079 về dạng bảo vệ liên quan.
Chú thích - Các thiết bị này thường dùng tại lò chợ hoặc gần lò chợ, đặc biệt là khi cọ xát với kim loại có thể tạo tia lửa gây nguy hiểm.
5.2. Vỏ bằng chất dẻo
5.2.1. Vỏ thiết bị bằng chất dẻo phải ổn định nhiệt. Các dạng thử nghiệm liên quan được nêu trong 8.6.
5.2.2. Những lỗ có ren của vỏ cho các cơ cấu bắt chặt, các nắp an toàn dự kiến mở ra khi điều chỉnh, kiểm tra và thực hiện những thao tác khác, phải có một trong các dạng sau:
a) các cơ cấu bắt chặt bằng kim loại:
- tráng kim loại cho các cơ cấu bắt chặt. Lớp tráng kim loại phải gắn cố định trong vật liệu chất dẻo của vỏ;
- lỗ tráng trong các vỏ chất dẻo dành cho các cơ cấu bắt chặt bằng kim loại phải có dạng ren thích hợp với vật liệu dẻo.
b) các cơ cấu bắt chặt bằng chất dẻo:
Lỗ tráng trong vỏ chất dẻo cho các cơ cấu bắt chặt bằng chất dẻo phải có dạng ren và vật liệu dẻo thích hợp, đảm bảo về độ bền và tuổi thọ.
5.2.3. Những quy định trong điều này cùng với các quy định trong 8.8 áp dụng cho vỏ chất dẻo, những phần bằng chất dẻo của vỏ và những phần bằng chất dẻo lộ ra khác của thiết bị điện, trừ những phụ tùng bằng chất dẻo như vòng đệm của đầu cáp vào, lớp cách điện của phích cắm và ổ cắm, lớp cách điện của đầu nối và vòng đệm kín mà dạng bảo vệ không phụ thuộc vào chúng.
Vỏ chất dẻo của thiết bị điện di động và thiết bị điện cố định với các phần chất dẻo có khả năng bị cọ xát khi bảo quản lau chùi tại chỗ phải được thiết kế sao cho khi sử dụng ở điều kiện bình thường, bảo quản và lau chùi, tránh được nguy hiểm bốc lửa do tích tụ tĩnh điện bằng cách:
a) có kích cỡ, hình dáng, cách bố trí hoặc các phương pháp bảo vệ hợp lý khác, nhờ đó nguy hiểm do tích tụ tĩnh điện không xảy ra;
b) chọn vật liệu chất dẻo phù hợp, nhờ đó điện trở cách điện được đo theo phương pháp nêu ở 8.8 không vượt quá 1 GΩ (xem chú thích 1);
c) hạn chế bề mặt vỏ chất dẻo hoặc các phần chất dẻo của vỏ có diện tích nhỏ hơn 100 cm2(xem chú thích 2).
Nếu đã khắc phục được nguy hiểm bốc lửa trong thiết kế bằng cách (a), (b) hoặc (c) trên nhãn cảnh báo phải ghi rõ biện pháp an toàn đã áp dụng.
Chú thích:
1) Khi chọn vật liệu cách điện cần chú ý duy trì điện trở cách điện nhỏ nhất để tránh nguy hiểm khi chạm vào những phần chất dẻo lộ ra cũng như chạm vào những phần tử mang điện.
2) Hạn chế sử dụng các vỏ chất dẻo trong môi trường khí nổ thường xuyên hoặc tồn tại trong thời gian dài (vùng 0).
3) Các yêu cầu đối với vỏ và các phần tử của vỏ thiết bị điện có cấu tạo bằng kim loại được nêu ra trong TCVN 7079-1.
6.1. Quy định chung
6.1.1. Cơ cấu bắt chặt nhằm đáp ứng các yêu cầu bảo vệ hoặc sử dụng để ngăn không cho tiếp xúc với các phần tử mang điện mà không được cách điện, phải dùng dụng cụ mới tháo hoặc mở ra được.
6.1.2. Bu-lông của cơ cấu bắt chặt cho vỏ bằng hợp kim nhẹ phải được chế tạo bằng hợp kim nhẹ hoặc bằng các vật liệu khác, thích hợp với vật liệu của vỏ.
6.1.3. Các lỗ có ren của vỏ cho các cơ cấu bắt chặt, những nắp an toàn của chúng dự kiến mở ra khi hiệu chỉnh, kiểm tra và thực hiện những thao tác khác phải được tráng hợp kim nhẹ có dạng ren thích hợp với vật liệu của vỏ.
6.2. Cơ cấu bắt chặt đặc biệt
6.2.1. Khi có một phần tử nào đó đòi hỏi cơ cấu bắt chặt đặc biệt, thì cơ cấu này phải là loại chỉ có dụng cụ chuyên dùng mới mở ra được.
6.2.2. Có thể dùng các cơ cấu bắt chặt sau đây:
a) bu lông sáu cạnh không xẻ rãnh, có đầu tiêu chuẩn phù hợp với ISO 262 và ISO 272, hoặc đai ốc sáu cạnh phù hợp với ISO 262 hoặc ISO 272 lắp vào những bu lông có ren phù hợp với ISO 262, hoặc bulông sáu cạnh đầu chìm phù hợp với ISO 262 và ISO 4762;
b) các nắp bảo vệ hoặc lỗ khoét che chắn mỗi đầu bu lông hoặc đai ốc với toàn bộ chiều cao và ít nhất hai phần ba chu vi đường tròn của chúng. Các nắp bảo vệ phải được coi là:
- phần không thể tách rời của vỏ,
- phần gắn với vỏ và đảm bảo vững chắc cho vỏ,
- được cố định với vỏ và không thể xoay rời ra được.
Đối với những giải pháp nêu trên, các kích thước của bulông, của nắp và lỗ khoét bảo vệ ghi trong Phụ lục A.
6.2.3. Các bulông và đai ốc có đường kính ren danh định lớn hơn M24 không cần có nắp hoặc lỗ khoét bảo vệ.
6.3. Cơ cấu liên động
Các cơ cấu liên động phải được thiết kế và chế tạo phù hợp với dạng bảo vệ và không thể bị mất tác dụng bởi các dụng cụ thông thường.
6.4. Cọc đấu dây và đầu cốt
Các cọc đấu dây và đầu cốt dùng làm phương tiện đấu nối phải chịu được mômen xoắn khi đấu nối và phải được lắp vào sao cho không tự nới lỏng ra.
Việc thử nghiệm mômen xoắn được quy định trong 8.4.
6.5. Vật liệu hàn kín và lấp đầy
6.5.1. Các vật liệu hàn kín và lấp đầy, ngoại trừ các gioăng đệm cao su, phải là những hợp chất ổn định hóa học, trơ và bền vững đối với những tác động bên ngoài (ví dụ như nước, dầu và các dung môi khác), hoặc có tính năng bảo vệ khỏi những tác động đó. Chúng phải có tính ổn định nhiệt khi thường xuyên làm việc ở nhiệt độ mà chúng phải chịu tùy thuộc vào chủng loại của thiết bị điện.
6.5.2. Tính ổn định nhiệt của các vật liệu này được coi là đạt nếu vật liệu ổn định với hai nhiệt độ sau đây:
- chịu được nhiệt độ thấp nhất với thang nhiệt độ làm việc của thiết bị;
- chịu được quá 20 K so với nhiệt độ làm việc lớn nhất của thiết bị hoặc là chịu được 120oC, lấy giá trị cao hơn.
6.6. Đầu nối
Áp lực tiếp xúc trên các đầu nối điện phải chịu được sự thay đổi kích thước của các vật liệu cách điện khi làm việc (do nhiệt độ, độ ẩm v.v...).
6.7. Cơ cấu đấu nối để tiếp đất hoặc nối dây đẳng thế
6.7.1. Cơ cấu đấu nối hoặc phương tiện đấu nối để tiếp đất hoặc nối dây đẳng thế phải được bố trí bên trong các khoang đầu cáp của thiết bị điện và gần với các đấu nối khác.
6.7.2. Các thiết bị điện có vỏ bằng kim loại cần phải có các cơ cấu đấu nối bổ sung để tiếp đất hoặc nối dây đẳng thế. Không cần có các cơ cấu nối ngoài đối với các thiết bị điện di động khi được cấp điện bằng cáp có lõi tiếp đất hoặc nối dây đẳng thế.
6.7.3. Đối với thiết bị điện có cách điện kép không cần tới cơ cấu tiếp đất ngoài hay tiếp đất trong hoặc nối dây đẳng thế. Đối với thiết bị có vỏ kim loại dùng làm các hệ thống truyền dẫn cũng không cần đến tiếp đất bổ sung.
6.7.4. Việc tiếp đất hoặc nối dây đẳng thế trong các khoang đầu cáp phải phù hợp với lõi dây có tiết diện quy định trong IEC 364.5.54.
6.7.5. Để đảm bảo tiếp xúc điện tốt, các cơ cấu đấu nối phải được chống rỉ có hiệu quả và phải thiết kế sao cho các dây dẫn đảm bảo không tự nới lỏng, không bị vặn, xoắn và duy trì được áp lực tiếp xúc.
Phải có biện pháp phòng ngừa đặc biệt để chống rỉ nếu sử dụng các phần tiếp xúc có chứa hợp kim nhẹ.
6.8. Cơ cấu đấu nối và khoang đầu cáp
6.8.1. Thiết bị điện chế tạo để nối với các mạch điện ngoài phải có các cơ cấu đấu nối, trừ các thiết bị điện được chế tạo đã có sẵn cáp nối với chúng.
6.8.2. Khoang đầu cáp và các lỗ luồn cáp vào phải được thiết kế sao cho các dây dẫn có thể nối được dễ dàng.
6.8.3. Khoang đầu cáp phải phù hợp các quy định trong phần riêng của TCVN 7079 về dạng bảo vệ liên quan.
6.8.4. Khoang đầu cáp phải được thiết kế sao cho sau khi đấu nối đúng cách với các dây dẫn, các khe hở và khoảng cách rò phải đáp ứng các quy định trong phần riêng của TCVN 7079 về dạng bảo vệ liên quan.
6.9. Ống luồn cáp và dây dẫn
6.9.1. Ống luồn cáp và dây dẫn phải được cấu tạo và lắp ghép sao cho chúng không làm thay đổi tính chất cơ bản của dạng bảo vệ thiết bị điện mà chúng được nối. Điều này được áp dụng với tất cả các đường kính cáp do nhà chế tạo quy định, phù hợp với các ống luồn cáp đó.
6.9.2. Vòng đệm của ống luồn cáp phải dùng một trong các loại sau đây (xem hình 1):
- vòng đệm kín khít đàn hồi;
- cao su cứng hoặc nhựa tổng hợp;
- vòng đệm kim loại ( khi dùng cáp có vỏ bọc kim loại);
- amiăng hoặc các dây bện bằng amiăng.
1. Điểm rẽ nhánh của cáp điện
2. Vòng đệm kín
3. Thân ống luồn cáp
4. Vòng kẹp có vành lót
5. Cáp điện
Hình 1 - Minh họa sử dụng ống luồn cáp có vòng đệm
6.9.3. Ống luồn cáp phải đảm bảo để:
1) luồn cáp qua vỏ thiết bị mà không làm hư hỏng cáp;
2) kẹp được cáp, nối ghép vỏ bọc thép, vỏ hoặc màn chắn kim loại.
6.9.4. Ống luồn cáp phải có khả năng kẹp chặt cáp điện đề phòng bị kéo, giật tụt cáp ra hoặc xoắn vặn cáp dẫn đến các cơ cấu đấu nối. Chúng phải đạt được thử nghiệm mô tả ở 8.9 hoặc 8.10.
6.9.5. Ống luồn cáp phải không có cạnh sắc để khỏi làm hư hỏng cáp khi đưa chúng vào thiết bị theo bất cứ hướng nào kể cả góc 90o so với trục đầu vào. Miệng ống luồn cáp phải được loe tròn với bán kính cong của miệng loe không nhỏ hơn một phần tư đường kính của cáp lớn nhất mà đầu vào cáp có thể cho cáp đi qua.
6.9.6. Ống luồn cáp có thể được bắt vít vào trong các lỗ có ren hoặc gắn vào các lỗ phẳng:
a) trên thành, vách vỏ thiết bị;
b) trên tấm phẳng được thiết kế vừa khít vào trong hoặc trên vách của vỏ;
c) trong một khoang được hàn hoặc gắn với vách vỏ như một bộ phận của thiết bị.
6.9.7. Lỗ hở trên vỏ thiết bị điện dùng để lắp ống luồn cáp phải được thiết kế sao cho nếu không sử dụng đến một lỗ hở nào thì nó phải được che chắn một cách tin cậy bằng phần tử ngăn cách theo quy định ở phần riêng của TCVN 7079 về dạng bảo vệ thiết bị và thỏa mãn mức bảo vệ của nó.
Phần tử ngăn cách này chỉ có thể tháo ra được bằng các dụng cụ chuyên dùng.
6.9.8. Trong trường hợp ngoại lệ, khi nhiệt độ vượt quá 70oC tại điểm luồn cáp, hoặc 80oC tại điểm rẽ nhánh của lõi cáp, phải gắn nhãn bên ngoài thiết bị để chỉ dẫn cho người sử dụng cách chọn cáp hoặc đi dây trong ống luồn cáp.
7. Yêu cầu bổ sung đối với thiết bị điện đặc biệt
7.1. Máy điện quay
7.1.1. Các cửa thông gió làm mát để lắp quạt gió ngoài:
a) Cửa thông gió cho các quạt gió ngoài của máy điện quay phải có cấp bảo vệ không nhỏ hơn:
- IP20 ở bên phía cửa hút gió;
- IP10 ở bên phía cửa thoát gió.
b) Đối với các máy điện quay kiểu đứng, cần phải có biện pháp ngăn ngừa không để các vật bên ngoài rơi vào cửa gió.
c) Đối với các máy điện quay cấp bảo vệ IP10 được thỏa mãn chỉ khi cửa gió được thiết kế và bố trí sao cho không để các vật bên ngoài có kích thước lớn hơn 12 mm rơi vào bộ phận quay của máy, rơi thẳng đứng từ trên xuống hoặc văng vào do rung động.
7.1.2. Cấu tạo và lắp đặt hệ thống quạt gió
Các quạt gió, vỏ quạt, màn chắn gió v.v... phải có cấu tạo chắc chắn và chặt chẽ, đề phòng chúng biến dạng và dịch chuyển có thể gây ra va chạm hoặc cọ xát giữa các phần quay với các phần cố định.
7.1.3. Các khe hở của hệ thống quạt gió
a) Khi vận hành bình thường các khe hở giữa quạt gió với vỏ, màn chắn và các cơ cấu bắt chặt ít nhất phải bằng 1/100 đường kính lớn nhất của quạt, phải không nhỏ hơn 1 mm và không vượt quá 5 mm. Giới hạn trên có thể giảm xuống đến 1 mm nếu chúng được gia công chính xác.
b) Các kích thước này phải được đo khi thiết bị ở trạng thái tĩnh, tuy nhiên ở trạng thái bất lợi nhất, các phần của thiết bị có thể nhô ra nhiều hơn khi vận hành bình thường. Việc đo đạc này được thực hiện trước khi tiến hành thử nghiệm cơ.
7.1.4. Vật liệu chế tạo quạt gió
Các quạt gió ngoài của máy điện quay được chế tạo bằng chất dẻo phải có điện trở cách điện không vượt quá 1GΩ, đo theo phương pháp quy định ở 8.8.
7.2. Thiết bị đóng cắt
7.2.1. Cấm sử dụng thiết bị đóng cắt dòng một chiều có tiếp điểm nhúng chìm trong dầu.
7.2.2. Cấm sử dụng các thiết bị điện đóng cắt dòng điện xoay chiều có tiếp điểm nhúng chìm trong dầu khi điện áp định mức dưới 1 100 V; chỉ cho phép sử dụng khi điện áp trên 1 100 V và các cực của chúng được cách ly, với dung tích dầu không lớn hơn 5 lít mỗi cực.
7.2.3. Các cầu dao cách ly có công suất cắt nhỏ hơn hạng AC3, như quy định trong IEC 292-1, phải có khóa liên động bằng điện hoặc bằng cơ với thiết bị cắt phụ tải tương ứng.
7.2.4. Khi thiết bị đóng cắt chứa cầu dao cách ly thì cầu dao cách ly phải cắt điện ở tất cả các cực và phải được thiết kế sao cho vị trí của những tiếp điểm cắt điện, hoặc trạng thái hở mạch của chúng thấy được rõ ràng. Giữa cầu dao cách ly với vỏ hoặc cửa của thiết bị đóng cắt phải được khóa liên động. Vỏ hoặc cửa này chỉ có thể mở ra khi các tiếp điểm của cầu dao cách ly đã được cắt hoàn toàn khỏi nguồn điện.
7.2.5. Cơ cấu thao tác của cầu dao cách ly trong thiết bị đóng cắt phải có khóa móc duy trì ở trạng thái hở mạch.
7.2.6. Trong thiết bị đóng cắt, các rơ le bảo vệ ngắn mạch và bảo vệ chạm đất phải đưa ra ngoài. Nút phục hồi của rơ le phải có cơ cấu bắt chặt đặc biệt như mô tả trong 6.2 hoặc phải đặt ngay trên vỏ chứa các rơ le.
7.2.7. Cửa, nắp của các vỏ có chứa thiết bị điều khiển từ xa với các tiếp điểm đóng cắt phải:
a) có khóa liên động với cầu dao cách ly;
b) hoặc phải gắn bảng ghi: “CẤM MỞ KHI CÓ ĐIỆN”, trừ trường hợp sau khi mở các phần tử vẫn còn điện được bảo vệ theo dạng bảo vệ tiêu chuẩn. Khi sử dụng dạng bảo vệ “e”, mức bảo vệ có thể giảm đến IP20.
7.3. Cầu chảy
Các vỏ có chứa cầu chảy phải có khóa liên động để việc tháo và tra dây chảy chỉ có thể thực hiện được khi không có điện áp và cầu chảy không có điện cho đến khi vỏ cầu chảy được lắp lại đầy đủ. Không cần khóa liên động khi trên vỏ thiết bị đã gắn bảng ghi: “cấm mở khi có điện”.
7.4. Ổ và phích cắm điện
7.4.1. Ổ và phích cắm điện phải có khóa liên động bằng cơ hoặc bằng điện đảm bảo chúng không thể rời ra khi các đầu tiếp xúc có điện và các đầu tiếp xúc không thể có điện khi phích và ổ cắm đã rời ra.
Đối với ổ và phích cắm điện không có khóa liên động như mô tả ở trên thì phải có cơ cấu bắt chặt đặc biệt như quy định ở 6.2 và có gắn bảng ghi: “CẤM RÚT PHÍCH RA KHI CÓ ĐIỆN”.
7.4.2. Khi không lắp với ổ cắm, không cho phép phích cắm cùng với các bộ phận của nó vẫn còn mang điện.
7.5. Đèn chiếu sáng
7.5.1. Đèn chiếu sáng phải được bảo vệ bằng chụp đèn và có thể bằng cả lưới bảo vệ.
7.5.2. Cạnh tất cả các nơi treo đèn phải có bảng ghi: “CẤM MỞ KHI CÓ ĐIỆN”, trừ khi đui đèn có bộ phận tự động che kín các cực ở đế đèn.
7.5.3. Cấm dùng đèn chứa natri kim loại tự do, như đèn natri áp suất thấp phù hợp với IEC 192 cùng với bản bổ sung No2. Được phép sử dụng đèn natri áp suất cao, là loại đèn phù hợp với IEC 662.
7.6. Đèn cầm tay và đèn cài mũ
7.6.1. Vỏ đèn cầm tay và đèn cài mũ phải được chế tạo bằng vật liệu chịu được chất điện phân của nguồn điện. Chất điện phân của nguồn điện không được rò rỉ dù đèn ở bất kỳ trạng thái nào.
7.6.2. Khi đèn có đui và bóng nằm ở ngăn riêng cách biệt với các ngăn khác thì đầu vào cáp và cáp nối phải chịu được tải trọng kéo bằng 150 N và đảm bảo tính an toàn chống nổ. Vỏ cáp nối phải được bọc bằng vật liệu chịu dầu và khó cháy.
8.1. Thử chịu va đập
8.1.1. Thử chịu va đập được tiến hành với mức năng lượng va đập thay đổi theo dạng bảo vệ của thiết bị hoặc các bộ phận của nó như nêu trong bảng 1.
Bảng 1 - Thử chịu va đập
Nhóm | Năng lượng va đập, E jun | |
Có nguy cơ bị phá hỏng do va đập cơ học | bình thường | nhẹ |
1. Các bộ phận xuyên sáng có vỏ bảo vệ (vỏ bảo vệ không thử nghiệm) | 4 | 2 |
2. Các bộ phận xuyên sáng không có vỏ bảo vệ | 7 | 4 |
3. Các vỏ khác hoặc các phần của vỏ (gồm cả vỏ bảo vệ và vỏ quạt) | 20 | 7 |
Chú thích - Trong trường hợp thiết bị đưa kiểm định ít chịu va đập - chúng được kí hiệu “X” tương ứng như quy định ở 9.2. |
8.1.2. Thiết bị điện đưa thử nghiệm phải chịu tác động của khối lượng thử M kg rơi tự do, thẳng đứng từ độ cao h, các giá trị M và h phụ thuộc vào năng lượng va đập quy định ghi trong bảng 2. Khối lượng thử là búa va đập bằng thép có độ bền cao, đầu hình bán cầu có đường kính 25 mm.
Bảng 2 - Mức thử nghiệm va đập
Năng lượng tác động, E | Khối lượng, M | Chiều cao, h |
1 2 | 0,25 | 0,4 0,8 |
4 7 | 1,0 | 0,4 0,7 |
20 | 2,0 | 1,0 |
Chú thích – h = E/M.g với g ≈ 10 m/sec2; h tính bằng mét; E tính bằng jun; M tính bằng kilôgam |
1. Chốt điều chỉnh 2. Ống dẫn bằng nhựa 3. Mẫu thử nghiệm 4. Bệ thép (khối lượng ≥ 20 kg) 5. Đầu búa bằng thép cứng với đường kính 25 mm h - độ cao rơi (xem bảng 2) |
Hình 2 - Thiết bị thử nghiệm rơi tự do để thử va đập
8.1.3. Mô tả về thiết bị thử nghiệm rơi tự do tiêu chuẩn đối với thiết bị cố định nêu trên hình 2. Khi không có điều kiện áp dụng phương pháp này, có thể sử dụng phương pháp con lắc để thay thế. Trong trường hợp này, phần tử đập kể cả thanh hoặc dây đỡ phải có khối lượng như ghi trong bảng 2 và khối lượng này phân bố để cho điểm va đập lên mẫu thử nằm trên quỹ đạo của lực hướng tâm với cả hệ thống chuyển động.
Mặt bán cầu của đầu búa bằng thép cứng phải được kiểm tra trước mỗi lần thử để khẳng định rằng chúng ở trạng thái tốt và không bị hư hỏng.
8.1.4. Thông thường thì các thử nghiệm được tiến hành cho các thiết bị đã lắp ráp hoàn chỉnh và sẵn sàng để sử dụng. Khi điều đó không thể làm được đối với các bộ phận xuyên sáng, việc thử nghiệm sẽ thực hiện với các phần tháo rời nhưng được cố định trên các khung lắp ráp chúng hoặc trên khung tương tự. Nếu thiết bị dùng ximăng hoặc chất gắn kết để gắn, những vật liệu đó cũng phải dùng để gắn các phần tử xuyên sáng với khung tương đương.
8.1.5. Đối với những bộ phận xuyên sáng bằng thủy tinh thì khi tiến hành thử nghiệm cứ mỗi mẫu trong 3 mẫu phải thử một lần. Đối với tất cả các bộ phận khác, cứ mỗi mẫu phải thử hai lần. Điểm chịu va đập thường là điểm yếu nhất phải do các cơ quan chức năng có thẩm quyền quy định.
8.1.6. Thiết bị điện cố định phải đặt lên bệ thép (hình 2) để phương tác động vuông góc với bề mặt cần thử nếu bề mặt là phẳng, hoặc vuông góc với tiếp tuyến của bề mặt cần thử nếu bề mặt không phẳng. Đế của giá thử phải có khối lượng nhỏ nhất 20 kg, được chôn chặt hoặc gắn xuống sàn (đổ bê tông chắc chắn).
Đối với các thiết bị ở dạng treo, phương tác động phải vuông góc với mặt phẳng hoặc vuông góc với tiếp tuyến tại điểm va đập nếu bề mặt không phẳng.
8.1.7. Việc thử nghiệm tiến hành với nhiệt độ xung quanh là 25oC ± 10oC trừ trường hợp thiết bị có vỏ bằng chất dẻo hoặc các bộ phận có vỏ bằng chất dẻo; trong trường hợp này nhiệt độ thử nghiệm cao hơn 10 K so với nhiệt độ làm việc của thiết bị điện, nhưng thấp nhất là 50oC, nếu cần thì thử mẫu khác ở mức nhiệt độ thấp - 25oC ± 3oC. Đối với thiết bị điện sử dụng trong các tòa nhà, nhiệt độ thử nghiệm mức thấp có thể là -5oC ± 3oC và thiết bị điện đó phải ghi nhãn hiệu tương ứng.
8.1.8. Các thiết bị cần thử với nhiệt độ khác với nhiệt độ xung quanh phải đặt trong tủ khí hậu có nhiệt độ không lớn hơn 10 K cao hơn giá trị quy định trong trường hợp cao hơn nhiệt độ xung quanh, và không thấp hơn 5 K thấp hơn giá trị quy định trong trường hợp thấp hơn nhiệt độ xung quanh. Sau khi nhiệt độ của mẫu thử đã ổn định, mẫu được lấy từ tủ khí hậu ra, đặt lên bệ và đưa vào thử nghiệm tại thời điểm nhiệt độ đạt đến giá trị quy định.
8.1.9. Mẫu coi là đạt nếu khi thử va đập không làm hư hỏng dạng bảo vệ của thiết bị điện.
8.2. Thử rơi
8.2.1. Các thiết bị điện cầm tay đã lắp ráp hoàn chỉnh phải tiến hành thử nghiệm bằng cách cho rơi tự do bốn lần từ độ cao 1 m xuống sàn bê tông. Trạng thái rơi của mẫu trong việc thử nghiệm rơi phải do cơ quan chức năng có thẩm quyền quy định.
8.2.2. Đối với các thiết bị cầm tay có vỏ bằng vật liệu không phải chất dẻo, việc thử nghiệm được tiến hành ở nhiệt độ 25oC ± 10oC. Đối với các thiết bị điện có vỏ hoặc có những phần của vỏ bằng chất dẻo, việc thử nghiệm tiến hành ở nhiệt độ - 25oC ± 3oC.
8.2.3. Mẫu thử nghiệm coi là đạt nếu việc thử rơi không làm hư hỏng dạng bảo vệ của thiết bị điện.
Hư hỏng bề ngoài, sứt sơn, vỡ những lá tản nhiệt hoặc những phần tương tự khác của thiết bị điện và những vết lõm nhỏ có thể bỏ qua.
Vỏ quạt và lưới chắn bên ngoài cho phép biến dạng hoặc dịch chuyển nhưng sự dịch chuyển hoặc biến dạng đó không phải do các bộ phận chuyển động cọ xát gây nên.
8.3. Thử cấp bảo vệ của vỏ
Thử nghiệm này phải tuân theo IEC 529.
8.4. Thử mômen xoắn cho các cọc đấu dây và đầu cốt
Các cọc đấu dây và đầu cốt sử dụng để nối chịu một mômen xoắn khi xiết chặt hoặc nới lỏng phải được thử khả năng chống xoắn và chống xoay với mômen xoắn ứng với các giá trị nêu trong bảng 3.
Bảng 3 - Mômen xoắn tác dụng vào các cọc đấu dây và đầu cốt sử dụng để nối
Đường kính thân | M4 | M5 | M6 | M8 | M10 | M12 | M16 | M20 | M24 |
Mômen (N.m) | 2,0 | 3,2 | 5 | 10 | 16 | 25 | 50 | 85 | 130 |
8.5. Thử nhiệt
8.5.1. Thử nghiệm nhiệt được tiến hành ở chế độ danh định và với điện áp bất lợi nhất trong khoảng từ 90 % đến 110 % điện áp danh định của thiết bị điện ngoại trừ TCVN quy định những giá trị khác đối với thiết bị điện công nghiệp tương đương.
a) Tuy nhiên, việc đo nhiệt độ lớn nhất trên bề mặt của các máy điện quay phải tiến hành với công suất đầu ra và với điện áp bất lợi nhất trong khoảng từ 95 % đến 105 % điện áp danh định xem IEC 34-1.
b) Đối với chấn lưu trong đèn huỳnh quang có sử dụng điốt phải tính đến việc thử với 110 % điện áp nguồn danh định (xem IEC 82).
8.5.2. Việc đo nhiệt độ trên bề mặt, nhiệt độ trên các ống luồn cáp và nhiệt độ của các bộ phận khác như quy định trong tiêu chuẩn này và các TCVN riêng về các dạng bảo vệ liên quan, phải thực hiện trong môi trường xung quanh tương đương với điều kiện làm việc bình thường của thiết bị.
Đối với các thiết bị điện thường được dùng ở những điều kiện khác nhau, nhiệt độ ở mỗi điều kiện phải được xác định và nhiệt độ cao nhất cần được xem xét. Khi nhiệt độ được xác định cho điều kiện nào đó thì chỉ nhiệt độ này được ghi rõ trong báo cáo thử nghiệm và thiết bị điện phải ghi nhãn phù hợp.
Các thiết bị đo (các nhiệt kế, cặp nhiệt ngẫu v.v...) và các cáp nối phải chọn và bố trí sao cho chúng không tác động đáng kể về nhiệt đối với thiết bị điện.
8.5.3. Kết quả thử nghiệm phải hiệu chỉnh theo nhiệt độ xung quanh lớn nhất được quy định trong chế độ danh định.
8.5.4. Nhiệt độ bề mặt lớn nhất phải không được vượt quá:
a) nhiệt độ lớn nhất như quy định trong 4.2 đối với thiết bị điện mà mỗi phần tử của nó đều phải thử nghiệm nhiệt;
b) nhiệt độ ghi trên nhãn thấp hơn 5 K so với giá trị quy định trong 4.2 đối với thiết bị điện khác.
8.5.5. Nhiệt độ cuối cùng mà thiết bị đạt tới khi mức gia tăng nhiệt độ không quá 2 K/h.
8.6. Tính ổn định nhiệt của vỏ bằng chất dẻo
8.6.1. Tính ổn định nhiệt của vỏ bằng chất dẻo, các phần tử bằng chất dẻo của vỏ và những gioăng đệm bằng chất dẻo, mà dạng bảo vệ phụ thuộc vào nó, được coi là đạt khi các phần tử này có thể chịu được bảo quản liên tục bốn tuần trong môi trường với độ ẩm tương đối không thấp hơn 90%, nhiệt độ lớn hơn 20 K so với nhiệt độ làm việc lớn nhất của chúng và thấp nhất là 80oC mà không làm hư hỏng dạng bảo vệ của thiết bị.
8.6.2. Tính ổn định nhiệt của vỏ bằng chất dẻo và các phần tử bằng chất dẻo của vỏ ở nhiệt độ thấp được coi là đạt nếu chúng chịu được bảo quản trong 24 giờ ở nhiệt độ - 30oC ± 3oC mà không làm hư hỏng dạng bảo vệ của thiết bị.
8.7. Thử sốc nhiệt
Những phần tử làm bằng thủy tinh của đèn và những cửa quan sát của thiết bị điện không được nứt vỡ do sốc nhiệt gây bởi tia nước có đường kính khoảng 1 mm ở nhiệt độ 10oC ± 5oC phun vào khi chúng đang có nhiệt độ làm việc lớn nhất.
8.8. Thử điện trở cách điện cho các bộ phận bằng chất dẻo
8.8.1. Điện trở cách điện được thử nghiệm trực tiếp trên chính bộ phận cần thử nếu các kích thước của nó cho phép, hoặc thử nghiệm trên mẫu thử như thể hiện trên hình 3.
Hai điện cực song song được gắn lên bề mặt như thể hiện trên hình 3, bằng sơn dẫn điện hòa với dung môi không làm ảnh hưởng đến điện trở cách điện của mẫu thử.
Kích thước tính bằng milimét
Hình 3 - Mẫu thử gắn với những điện cực bằng sơn dẫn điện
8.8.2. Vỏ hoặc là mẫu thử phải có bề mặt nguyên vẹn và được rửa sạch bằng nước cất, sau đó bằng cồn trung tính hoặc dung môi khác hòa trộn với nước và không gây ảnh hưởng đến vật liệu của mẫu. Rửa sạch mẫu lần nữa bằng nước cất và làm khô. Sau đó, không được dùng tay sờ vào vật mẫu, đặt vào môi trường sạch trong 24 h với nhiệt độ 23oC ± 2oC và độ ẩm tương đối trong khoảng từ 48 % đến 52 %.
8.8.3. Tiến hành thử:
a) Đặt điện áp một chiều 500 ± 10 V vào các điện cực trong 1 phút.
b) Trong quá trình thử nghiệm, điện áp này phải giữ ổn định để dòng điện nạp, do dao động điện áp, tăng giảm không đáng kể so với dòng điện qua mẫu thử. Trong một số trường hợp, để đảm bảo có thể dùng pin hoặc ắc qui.
8.8.4. Điện trở cách điện là tỷ số giữa điện áp đặt vào các điện cực và dòng điện tổng qua chúng khi đã đưa điện áp vào trong 1 phút.
8.9. Thử kẹp cáp không bọc thép trong các ống luồn cáp
Thử kẹp cáp không bọc thép trong các ống luồn cáp phải tiến hành với những vòng đệm kích cỡ cho phép khác nhau cho mỗi loại ống luồn cáp. Mỗi phép thử gồm có hai phần: độ kẹp chặt cáp và độ bền cơ.
8.9.1. Độ kẹp chặt cáp
a) Trường hợp dùng vòng đệm kín đàn hồi, mỗi vòng đệm được lắp trên măng-ranh thép, hình trụ sạch, khô bóng, có đường kính bằng đường kính cáp nhỏ nhất cho phép đi qua vòng đệm, do nhà chế tạo quy định cho các ống luồn cáp.
Trường hợp dùng vòng đệm kín bằng kim loại, mỗi vòng đệm được lắp trên vỏ kim loại của mẫu cáp khô sạch, có đường kính bằng mẫu cáp nhỏ nhất cho phép đi qua vòng đệm, do nhà chế tạo quy định cho các ống luồn cáp.
b) Tất cả được lắp ráp thành bộ vừa khít trong ống luồn cáp, rồi lắp lên máy thử kéo. Sau đó vòng đệm được ép, quan sát giá trị lực xiết theo mômen xiết chặt tác động lên những bu lông (trường hợp dùng miếng đệm với vòng kẹp và những bu lông) hoặc đai ốc (trường hợp dùng những miếng đệm bắt bu lông). Cần đề phòng hiện tượng trượt của măng-ranh hoặc mẫu cáp khi lực xiết chặt đạt tới giá trị (tính bằng Niu-tơn) gấp 20 lần giá trị (tính bằng milimét) của đường kính măng-ranh hoặc mẫu cáp.
c) Sau đó đặt lên những bu lông hoặc đai ốc mômen có giá trị 110 % giá trị quan sát được trong các điều kiện xác định nêu trên. Lực kéo không đổi được duy trì trong 6 giờ.
d) Độ kẹp chặt được coi là đạt nếu độ trượt của măng-ranh hoặc mẫu cáp không lớn hơn 6 mm.
8.9.2. Độ bền cơ
a) ống luồn cáp được đưa ra khỏi máy thử kéo và đưa vào thử độ bền cơ bằng cách dùng những bu lông hoặc đai ốc. Mômen thử có giá trị gấp hai lần giá trị xác định để đề phòng bị trượt.
b) Tháo ống luồn cáp ra kiểm tra ống luồn cáp và các bộ phận.
Việc thử nghiệm được coi là đạt nếu không thấy hiện tượng hư hỏng gì trên mẫu thử. Có thể bỏ qua bất kỳ sự biến dạng nào đó của vòng đệm kín.
8.10. Thử kẹp cáp bọc thép trong các ống luồn cáp
8.10.1. Độ kẹp chặt cáp
a) Việc thử kẹp cáp bọc thép trong ống luồn cáp được thực hiện đối với mỗi cỡ ống luồn, sử dụng mẫu cáp bọc thép có đường kính nhỏ nhất cho phép đi qua ống luồn cáp như quy định của nhà chế tạo.
b) Mẫu cáp bọc thép vừa cỡ được đặt vào thiết bị kẹp ống luồn cáp rồi lắp lên máy thử kéo. Sau đó kẹp cáp được xiết chặt và giá trị lực kéo được quan sát theo mômen nhỏ nhất đặt lên bulông (trường hợp kẹp cáp xiết chặt bằng bu lông) hoặc đai ốc (trường hợp dùng thiết bị kẹp có đai ốc). Cần phải đề phòng hiện tượng trượt của cáp khi lực kéo đạt giá trị (tính bằng Niu-tơn) gấp 80 lần giá trị (tính bằng milimét) của đường kính ngoài vỏ bọc cáp.
c) Độ kẹp chặt cáp được coi là đạt nếu độ trượt của vỏ bọc thực tế bằng không trong thời gian kéo 2 phút. Lực kéo duy trì với giá trị không đổi.
8.10.2. Độ bền cơ
a) Sau đó ống luồn cáp được đưa ra khỏi máy thử kéo và đưa vào thử độ bền cơ bằng cách dùng những bu lông hoặc đai ốc. Momen thử có giá trị gấp hai lần giá trị được xác định trong việc thử kẹp cáp.
b) Tháo ống luồn cáp ra và kiểm tra các bộ phận.
Mẫu thử được coi là đạt nếu không thấy hiện tượng hư hỏng gì.
9. Ghi nhãn
Vì lý do an toàn, chỉ thiết bị nào đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật của tiêu chuẩn này mới được ghi nhãn theo các nội dung quy định sau đây:
9.1. Thiết bị điện phải ghi nhãn trên phần chính, ở chỗ dễ thấy. Nhãn phải dễ đọc, bền và có tính đến khả năng bị hóa chất ăn mòn.
9.2. Nhãn phải gồm:
- tên nhà chế tạo hoặc nhãn hiệu đăng kí;
- Nhận dạng kiểu loại của nhà chế tạo;
- kí hiệu “Ex” biểu thị thiết bị điện được cấu tạo và thử nghiệm để dùng trong môi trường khí nổ hoặc được kết hợp đặc biệt với thiết bị như thế;
- kí hiệu được dùng cho mỗi dạng bảo vệ:
o - với thiết bị đổ đầy dầu;
p - với thiết bị thổi dưới áp suất dư;
q - với thiết bị đổ đầy cát;
d - với thiết bị có vỏ không xuyên nổ;
e - với thiết bị tăng cường độ tin cậy;
ia - với thiết bị có mạch an toàn tia lửa cấp a;
ib - với thiết bị có mạch an toàn tia lửa cấp b;
- số loạt sản phẩm, nếu cần, song không cần với:
a) những phụ tùng để nối (cáp điện và những ống luồn cáp, các tấm đệm, phiến đấu dây, phích, ổ cắm và cọc đấu dây);
b) các khí cụ điện rất nhỏ có kích thước hạn chế.
- kí hiệu “X” trong trường hợp cần chỉ rõ điều kiện sử dụng an toàn;
- những vấn đề phụ khác.
9.3. Nếu các dạng bảo vệ được dùng cho những bộ phận khác nhau của thiết bị điện, mỗi bộ phận đó phải mang kí hiệu của dạng bảo vệ tương ứng.
Thiết bị điện có nhiều dạng bảo vệ khác nhau thì kí hiệu dạng bảo vệ trên phần chính phải hiện trước và sau đó là kí hiệu của các dạng bảo vệ khác.
9.4. Trên thiết bị điện rất nhỏ có kích thước hạn chế, nội dung ghi có thể giảm bớt trên nhãn hiệu nhưng yêu cầu ít nhất phải có:
- kí hiệu “Ex”;
- tên hoặc nhãn của cơ quan có thẩm quyền chứng nhận chất lượng hoặc an toàn;
- chứng chỉ;
- kí hiệu “X”,nếu có;
- tên hoặc nhãn hiệu đăng kí của nhà chế tạo.
9.5. Các thiết bị điện không tuân theo các quy định của TCVN 7079 nhưng được cơ quan có thẩm quyền khác công nhận đảm bảo an toàn phải ghi kí hiệu “s”.
Phụ lục A
Kích thước của cơ cấu bắt chặt đặc biệt
Bảng A.1 - Kích thước của cơ cấu bắt chặt đặc biệt nêu ở 6.2
Đường kính danh định | Vành hoặc lỗ khoét bảo vệ | |||||
của ren, d mm | của lỗ, d1 mm | h mm | danh định, d2 mm | thu nhỏ, d2 mm | ||
6H ISO 965 | H13 ISO/R286 | min. | min. | max. | min. | max. |
M4 | 4,5 | 4 | - | - | 8 | 9 |
M5 | 5,5 | 5 | 17 | 19 | 10 | 11 |
M6 | 6,6 | 6 | 18 | 20 | 11 | 12 |
M8 | 9 | 8 | 22 | 25 | 15 | 16 |
M10 | 11 | 10 | 27 | 30 | 18 | 20 |
M12 | 14 | 12 | 31 | 35 | 20 | 22 |
M14 | 16 | 14 | 36 | 40 | 24 | 26 |
M16 | 18 | 16 | 40 | 44 | 26 | 28 |
M20 | 22 | 20 | 46 | 50 | 33 | 35 |
M24 | 26 | 24 | 57 | 61 | 40 | 42 |
Chú thích - Tránh dùng các bu lông và đai ốc 6 cạnh chìm đầu có đường kính ren định mức M5. |
Hình A.1
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.