TIÊU CHUẨN VIỆT NAM
TCVN 4417 : 1987
QUY TRÌNH LẬP SƠ ĐỒ VÀ ĐỒ ÁN QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG
Procedures for making regional planing and building schems and projects
1. Nguyên tắc chung
1.1. Quy trình lập sơ đồ và đồ án xây dựng vùng nhằm phục vụ cho công tác quản lý và thiết kế xây dựng các vùng trong phạm vi lãnh thổ trong cả nước ở bước đi ban đầu của thời kì đầu quá độ xây dựng xã hội chủ nghĩa.
1.2. Ngoài những điều được quy định trong tiêu chuẩn này, phải tuân theo những quy định của các tiêu chuẩn hiện hành có liên quan.
1.3. Việc lập sơ đồ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng phải dựa trên cơ sở xây dựng tổng hợp và có hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, các cơ sở của vùng, nhằm tổ chức hợp lí các mặt kinh tế, xã hội: đảm bảo những điều kiện tối ưu để phân bố dân, xây dựng đô thị và bảo vệ môi trường.
1.4. Các đối tượng chính lập sơ đồ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng bao gồm:
1.4.1. Vùng quy hoạch xây dựng huyện (vùng huyện).
Quy mô và ranh giới của vùng được xác định theo quy mô và ranh giới hành chính của các huyện.
1.4.2. Vùng quy hoạch xây dựng tỉnh (vùng tỉnh), vùng quy hoạch xây dựng các thành phố lớn (vùng ảnh hưởng của các thành phố) và đặc khu (vùng đặc khu) trực thuộc Trung ương.
Quy mô và ranh giới của vùng được xác định theo quy mô và ranh giới hành chính các tỉnh, các thành phố lớn và đặc khu (trực thuộc Trung ương).
1.4.3. Các phức hợp sản xuất - lãnh thổ là vùng quy hoạch được hình thành trên một phạm vi lãnh thổ do kết quả của quá trình chuyên môn hóa sản xuất và phát triển kinh tế tổng hợp hợp lí. Do đó ngoài chức năng chính trong vùng còn có nhiều chức năng tổng hợp; vùng công nông nghiệp, vùng công nghiệp - khai khoáng, vùng nghỉ ngơi - du lịch các cụm đô thị…
1.5. Các cơ sở để lập sơ đồ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng bao gồm:
1.5.1. Các cơ sở pháp lí bao gồm có:
- Các nghị quyết của đảng về chủ trương và nhiệm vụ chiến lược phát triển nền kinh tế quốc dân;
- Các thông tư, chỉ thị, quy phạm và tiêu chuẩn của nhà nước hoặc các ngành các cấp;
- Hợp đồng thiết kế của bên đặt hàng.
1.5.2. Cơ sở thiết kế gồm có:
- Các cơ sở phát triển, phân bố các ngành kinh tế và lực lượng sản xuất của vùng;
- Các luận chứng kinh tế - kĩ thuật của các công trình sản xuất và dân dụng xây dựng trong vùng;
- Các kết quả nghiên cứu khoa học, các thông tin về tiến độ khoa học, kĩ thuật có liên quan đến từng vấn đề phát triển của vùng;
- Các bản đồ và tài liệu điều tra cơ bản về điều kiện tự nhiên, tình hình hiện trạng về kinh tế, dân số, xã hội, kĩ thuật và ô nhiễm môi trường.
1.6. Các sơ đồ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng được lập cho hai giai đoạn cơ bản:
1.6.1. Quy hoạch xây dựng dài hạn từ 20 đến 30 năm (sau khi kết thúc công việc nghiên cứu).
1.6.2. Quy hoạch xây dựng ngắn hạn từ 5 đến 10 năm (sau khi kết thúc công việc nghiên cứu).
2. Lập sơ đồ quy hoạch xây dựng vùng
2.1. Sơ đồ quy hoạch xây dựng vùng được lập cho các vùng tỉnh, vùng ảnh hưởng của các thành phố lớn, vùng đặc khu (trực thuộc trung ương) và các phức hợp sản xuất - lãnh thổ (có quy mô từ 0,1 đến 1 triệu hecta) với bản đồ địa hình 1/100.000 đến 1/200.000.
2.2. Nội dung của sơ đồ quy hoạch xây dựng vùng nhằm nghiên cứu giải quyết những nhiệm vụ cơ bản sau đây:
2.3. Dự báo tiềm năng thiên nhiên, đất đai, lao động, kinh tế của vùng.
2.3.1. Xác định khả năng phát triển và phân bố về mặt xây dựng công nghiệp, nông nghiệp và dân dụng; tổ chức nghỉ ngơi giải trí trên cơ sở tổ chức quy hoạch lãnh thổ trong tương lai.
2.3.2. Xác định triển vọng phát triển hệ thống các điểm dân cư; phục vụ văn hóa, đời sống của tổ chức nghỉ ngơi trong vùng.
2.3.3. Xác định triển vọng phát triển giao thông, cấp nước và thoát nước, cung cấp năng lượng.
2.3.4. Xác định phương hướng tổng hợp cần thiết để cải thiện và bảo vệ môi trường.
3. Lập đồ án quy hoạch xây dựng vùng
3.1. Đồ án quy hoạch xây dựng vùng được lập cho các vùng huyện, các phức hợp sản xuất - lãnh thổ (có quy mô từ 0.05 đến 0,1 triệu hec ta), với bản đồ địa hình tỉ lệ từ 1/25.000 đến 1/50.000.
3.2. Nội dung đồ án quy hoạch xây dựng vùng nằm nghiên cứu giải quyết những nhiệm vụ cơ bản sau đây:
3.2.1. Dự thảo phân khu chức năng và tổ chức cơ cấu lãnh thổ, nhằm chỉ rõ những khu đất thuận lợi để xây dựng các cơ sở sản xuất công - nông nghiệp, các công trình dân dụng và nghỉ ngơi trong vùng.
3.2.2. Xác định dân số dự kiến cho toàn vùng, cho từng điểm dân cư mới và hiện có, cho các khu công nghiệp, các nông trường, lâm trường, các vùng chuyên canh, v.v…
3.2.3. Trên cơ sở so sánh phương án quy hoạch xác định triển vọng phát triển và phân bố hệ thống đô thị - nông thôn; phân bố dân cư theo nhóm phục vụ văn hóa, đời sống tổ chức các khu cây xanh và nơi nghỉ mát, giải trí cho nhân dân.
3.2.4. Nghiên cứu đề xuất các biện pháp cân đối về cấp nước, cung cấp năng lượng và phát triển giao thông phù hợp với từng giai đoạn sản xuất và dân số trong vùng.
3.2.5. Kiến nghị những giải pháp cụ thể để cải thiện và bảo vệ môi trường.
4. Hồ sơ của đồ án quy hoạch xây dựng vùng
4.1.1. Hồ sơ của sơ đồ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng bao gồm:
4.1.2. Các văn bản pháp lí.
4.1.3. Bản đồ hiện trạng sử dụng đất
4.1.4. Bản đồ đánh giá tổng hợp đất đai
4.1.5. Bản đồ tổng mặt bằng xây dựng vùng (đối với lập sơ đồ quy hoạch vùng là sơ đồ mặt bằng quy hoạch).
4.1.6. Bản đồ mặt bằng quy hoạch xây dựng ngắn hạn (đối với lập sơ đồ quy hoạch vùng là sơ đồ quy hoạch ngắn hạn)
4.1.7. Sơ đồ vị trí trong vùng hệ thống phân vùng kinh tế lãnh thổ (tỉ lệ 1/500.000 hoặc 1/1.000.000)
4.1.8. Sơ đồ cơ cấu, quy hoạch và phân khu chức năng.
4.1.9. Sơ đồ phân bố dân cư và lao động
4.1.10. Sơ đồ phân bố hệ thống công trình văn hóa, đời sống
4.1.11. Sơ đồ tổ chức hệ thống các vùng dân cư theo nhóm
4.1.12. Sơ đồ tổ chức giao thông
4.1.13. Sơ đồ cung cấp nước và thoát nước
4.1.14. Sơ đồ cung cấp năng lượng
4.1.15. Sơ đồ tổ chức nghỉ ngơi và bảo vệ cảnh quan thiên nhiên
4.1.16. Sơ đồ cải thiện và bảo vệ môi trường
4.1.17. Các bản đồ và sơ đồ thu thập của các ngành làm cơ sở thiết kế
4.1.17.1. Các biểu đồ làm luận chứng và các minh họa chi tiết. Các giải pháp thiết kế (nếu có)
4.1.18. Thuyết minh tổng hợp và thuyết minh tóm tắt của sơ đồ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng.
Chú thích:
a) Các thuyết minh có thể viết theo đề cương sau:
Phần mở đầu: Trình bày các cơ sở pháp lý có mục tiêu và nhiệm vụ của sơ đồ hoặc đồ án quy hoạch xây dựng vùng.
Phần thứ nhất: Đặc điểm điều kiện tự nhiên - tài nguyên và tình hình hiện trạng kinh tế, xã hội của vùng.
1. Điều kiện tự nhiên - tài nguyên
2. Tình hình hiện trạng
3. Đánh giá tổng hợp đất đai
4. Rút ra những đặc điểm khả năng về khai thác tổng hợp mọi nguồn tài nguyên phục vụ cho yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của vùng.
Phần thứ hai: Những vấn đề kinh tế liên vùng. Dự báo sự phát triển kinh tế, xã hội của vùng trong giai đoạn quy hoạch.
1. Những vấn đề kinh tế liên vùng.
2. Dự báo sự phát triển kinh tế, xã hội của vùng trong giai đoạn quy hoạch.
Phần thứ ba: Tổ chức quy hoạch lãnh thổ:
1. Tổ chức cơ cấu quy hoạch và phân khu chức năng từng vùng lãnh thổ.
2. Phân bố mạng lưới dân cư đô thị và nông thôn.
3. Tổ chức hệ thống trung tâm phục vụ công cộng cho các điểm dân cư.
4. Xây dựng nhà ở (mức độ: đồ án quy hoạch xây dựng vùng)
5. Tổ chức nghỉ ngơi, giải trí trong vùng
6. Cân đối đất đai
7. Cải thiện và bảo vệ môi trường
Phần thứ tư: Hệ thống kĩ thuật
1. Tổ chức giao thông
2. Cấp nước
3. Thoát nước
4. Cung cấp năng lượng
5. Chuẩn bị kỹ thuật các khu đất dự kiến xây dựng trong quy hoạch xây dựng ngắn hạn (đối với đồ án quy hoạch xây dựng vùng).
Phần thứ năm: Quy hoạch xây dựng đợt đầu và biện pháp thực hiện.
Phần thứ sáu: Tồn tại và kiến nghị
b) Các bản vẽ trình bày theo quy cách thống nhất, các bản đồ thiết kế phải thể hiện trên bản đồ địa hình. Các sơ đồ thiết kế không cần thể hiện trên bản đồ địa hình.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.