TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 11776-24:2017
DƯỢC LIỆU SAU CHẾ BIẾN - PHẦN 24: TRẦN BÌ CHẾ
Herbal medicine processing - Part 24: Pericarpium Citri reticulatae perenne Preparata
Lời nói đầu
TCVN 11776-24:2017 do Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền - Bộ Y tế biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Bộ TCVN 11776:2017 Dược liệu sau chế biến, gồm các tiêu chuẩn sau:
- TCVN 11776-1:2017, Phần 1: Ba kích chế;
- TCVN 11776-2:2017, Phần 2: Bách bộ chế;
- TCVN 11776-3:2017, Phần 3: Bạch linh chế;
- TCVN 11776-4:2017, Phần 4: Bạch truật chế;
- TCVN 11776-5:2017, Phần 5: Bán hạ chế;
- TCVN 11776-6:2017, Phần 6: Chi tử chế;
- TCVN 11776-7:2017, Phần 7: Đại hoàng chế;
- TCVN 11776-8:2017, Phần 8: Đan sâm chế;
- TCVN 11776-9:2017, Phần 9: Đảng sâm chế;
- TCVN 11776-10:2017, Phần 10: Đương quy chế;
- TCVN 11776-11:2017, Phần 11: Hà thủ ô đỏ chế;
- TCVN 11776-12:2017, Phần 12: Hoài sơn chế;
- TCVN 11776-13:2017, Phần 13: Hoàng kỳ chế;
- TCVN 11776-14:2017, Phần 14: Hoàng liên chế;
- TCVN 11776-15:2017, Phần 15: Hòe hoa chế;
- TCVN 11776-16:2017, Phần 16: Hương phụ chế;
- TCVN 11776-17:2017, Phần 17: Ma hoàng chế;
- TCVN 11776-18:2017, Phần 18: Phụ tử chế;
- TCVN 11776-19:2017, Phần 19: Táo nhân chế;
- TCVN 11776-20:2017, Phần 20: Thảo quyết minh chế;
- TCVN 11776-21:2017, Phần 21: Thỏ ty tử chế;
- TCVN 11776-22:2017, Phần 22: Sinh địa chế;
- TCVN 11776-23:2017, Phần 23: Trạch tả chế;
- TCVN 11776-24:2017, Phần 24: Trần bì chế;
- TCVN 11776-25:2017, Phần 25: Viễn chí chế.
DƯỢC LIỆU SAU CHẾ BIẾN - PHẦN 24: TRẦN BÌ CHẾ
Herbal medicine processing - Part 24: Pericarpium Citri reticulatae perenne Preparata
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này áp dụng cho Trần bì chế là vỏ quả chín của cây Quýt (Citrus reticulata Blanco.), họ Cam (Rutaceae).
2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau đây là cần thiết để áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN III : 2014, Bộ tiêu chuẩn quốc gia về thuốc - Phần 4: Dược liệu
3 Hóa chất, thuốc thử
Theo TCVN III: 2014, phụ lục 2.1
4 Thiết bị, dụng cụ
Thiết bị, dụng cụ thủy tinh thông thường trong phòng thử nghiệm và các thiết bị, dụng cụ sau:
4.1 Tủ sấy, được thông gió cưỡng bức, có khả năng duy trì ở (125 ± 2) °C. Luồng không khí phải theo chiều ngang.
CẢNH BÁO: Ở nhiệt độ sử dụng, dung môi hữu cơ có thể tạo thành hỗn hợp nổ với không khí. Do đó, điều quan trọng là nồng độ bay hơi của dung môi trong tủ sấy không được vượt quá giá trị mà tại đó có thể xảy ra nổ.
Đối với các thử nghiệm trọng tài, tất cả các bên phải sử dụng các tủ sấy có cùng thiết kế.
4.2 Cân phân tích, có độ chính xác đến 0,001 g.
5 Yêu cầu kỹ thuật
5.1 Nguyên liệu
Trần bì chế được chế từ vỏ quả chín của cây Quýt, bằng hai phương pháp sau:
5.1.1 Trần bì sao vàng
Trần bì thái chỉ, sao cho tới khi trần bì có màu vàng đều, mùi thơm đặc trưng.
5.1.2 Trần bì sao cháy
Trần bì thái chỉ, sao lửa to cho đến khi mặt ngoài có màu đen, bên trong có màu nâu đen. Lấy ra, để nguội.
5.2 Yêu cầu về cảm quan
Yêu cầu cảm quan đối với Trần bì chế được quy định trong Bảng 1.
Bảng 1 - Yêu cầu cảm quan
Tên chỉ tiêu | Yêu cầu | ||
| Trần bì sao vàng | Trần bì sao cháy | |
1. | Màu sắc | Màu vàng hoặc vàng nâu | Màu đen |
2. | Trạng thái | Các sợi quăn queo | |
3. | Mùi, vị | Mùi thơm cháy đặc trưng, vị hơi đắng. |
5.3 Yêu cầu về định tính
5.3.1 Yêu cầu về phản ứng hóa học
- Tiến hành theo Điều 6.2.1, sau vài phút sẽ thấy xuất hiện màu đỏ.
- Tiến hành theo Điều 6.2.2, sẽ thấy xuất hiện màu xanh đen.
- Tiến hành theo Điều 6.2.3, sẽ thấy xuất hiện màu vàng cam kèm theo một ít tủa.
5.3.2 Yêu cầu về sắc ký lớp mỏng
Trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có các vết phát quang cùng giá trị Rf và màu sắc với các vết trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu dược liệu Trần bì; hoặc trên sắc ký đồ của dung dịch thử phải có một vết phát quang có cùng giá trị Rf và màu sắc với vết của hesperidin trên sắc ký đồ của dung dịch đối chiếu hesperidin.
5.4 Giới hạn độ ẩm, không quá 8,0 %.
5.5 Giới hạn tro toàn phần, không quá 5,0 %.
5.6 Giới hạn hàm lượng kim loại nặng, không quá 20 ppm.
6 Phương pháp thử
6.1 Xác định chỉ tiêu cảm quan
6.1.1 Xác định màu sắc
Tiến hành xác định màu sắc của mẫu thử trong điều kiện ánh sáng tự nhiên hoặc dưới đèn có ánh sáng tương tự. Đổ mẫu thử vào khay đựng mẫu tối màu rồi quan sát màu sắc của mẫu.
6.1.2 Xác định trạng thái
Từ mẫu xác định màu sắc (Điều 6.1.1) tiến hành quan sát để xác định trạng thái của mẫu thử bằng mắt thường.
6.1.3 Xác định mùi, vị
Từ mẫu xác định màu sắc (Điều 6.1.1) tiến hành ngửi và nếm để xác định mùi vị của mẫu thử.
6.2 Phương pháp hóa học
Cho 2 g bột dược liệu vào 1 bình nón 100 ml, thêm 10 ml ethanol 96 % (TT), đun sôi hồi lưu trong cách thủy 10 min. Lọc lấy dịch lọc, chia làm 3 phần và làm các phản ứng sau:
6.2.1 Lấy 2 ml dịch lọc, thêm một ít bột magnesi (TT), 10 giọt acid hydroclorid (TT).
6.2.2 Lấy 2 ml dịch lọc, thêm vài giọt dung dịch sắt (III) clorid 5 % (TT).
6.2.3 Lấy 2 ml dịch lọc, thêm vài giọt dung dịch natri hydroxyd 5 % (TT).
6.3 Phương pháp sắc ký lớp mỏng
a) Chuẩn bị
- Bản mỏng: Silica gel 60F254.
- Dung môi khai triển:
Hệ 1: Ethyl acetat - methanol - nước (100:17:13).
Hệ 2: Toluen - ethyl acetat - acid formic - nước (20:10:1:1).
- Dung dịch thử: Lấy 0,3 g bột dược liệu trần bì chế, thêm 10 ml methanol (TT), đun sôi hồi lưu 20 min, lọc. Lấy khoảng 5 ml dịch lọc cô trên cách thủy đến còn khoảng 1 ml được dung dịch chấm sắc ký.
- Dung dịch đối chiếu:
+ Dược liệu Trần bì: Lấy khoảng 0,3 g bột dược liệu Trần bì (mẫu chuẩn) và tiến hành như dung dịch thử.
+ Hesperidin: Dung dịch hesperidin trong methanol (TT) có nồng độ khoảng 0,8 mg/ml.
b) Cách tiến hành:
Chấm riêng biệt lên bản mỏng 2 µl mỗi dung dịch thử và dung dịch đối chiếu. Triển khai bản mỏng trong hệ 1 đến khi dung môi đi được khoảng 3 cm, lấy bản mỏng ra, để khô ở nhiệt độ phòng. Triển khai nhắc lại bản mỏng trong hệ 2 đến khi dung môi đi được khoảng 9 cm. Sau khi khai triển, lấy bản mỏng ra để khô ngoài không khí, phun dung dịch nhôm clorid 5% trong ethanol tuyệt đối, sấy bản mỏng ở 120°C trong 3 min. Quan sát dưới ánh sáng tử ngoại ở bước sóng 366 nm.
6.4 Xác định độ ẩm, theo TCVN III: 2014, phụ lục 9.6, 1 g, nhiệt độ sấy 105°C, thời gian sấy 4 h.
6.5 Xác định lượng tro toàn phần, theo TCVN III: 2014, phụ lục 9.8.
6.6 Xác định hàm lượng kim loại nặng, theo TCVN III: 2014, phụ lục 9.4.8, phương pháp 3.
7 Báo cáo thử nghiệm
Báo cáo thử nghiệm phải bao gồm ít nhất các thông tin sau:
a) tất cả các chi tiết cần thiết để nhận dạng sản phẩm được thử nghiệm;
b) viện dẫn tiêu chuẩn này [TCVN 11776-24:2017];
c) dung môi hoặc hỗn hợp dung môi được sử dụng;
d) kết quả thử nghiệm như đã nêu tại Điều 6, bao gồm các giá trị riêng lẻ và các giá trị trung bình;
e) mọi sai khác so với phương pháp thử nghiệm quy định;
f) ngày thử nghiệm.
8 Bao gói, ghi nhãn, bảo quản
8.1 Bao gói
Bao bì phải khô, sạch, không thôi nhiễm chất độc hoặc có mùi ảnh hưởng đến sản phẩm. Bao bì phải làm từ vật liệu đảm bảo an toàn và phù hợp với mục đích sử dụng.
8.2 Ghi nhãn
Nhãn phải được ghi đầy đủ nội dung bắt buộc sau đây:
a) Tên tiếng việt, tên La tinh.
b) Quy cách đóng gói.
c) Tiêu chuẩn chất lượng.
d) Ngày đóng gói, hạn sử dụng.
e) Điều kiện bảo quản.
f) Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm.
8.3 Bảo quản
Để nơi khô mát, tránh mốc, mọt.
MỤC LỤC
Lời nói đầu
1 Phạm vi áp dụng
2 Tài liệu viện dẫn
3 Hóa chất, thuốc thử
4 Thiết bị, dụng cụ
5 Yêu cầu kỹ thuật
6 Phương pháp thử
7 Báo cáo thử nghiệm
8 Bao gói, ghi nhãn, bảo quản
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.