TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 11672:2016
SỮA CÔNG THỨC DÀNH CHO TRẺ SƠ SINH - XÁC ĐỊNH VITAMIN C (AXIT ASCORBIC DẠNG KHỬ) - PHƯƠNG PHÁP CHUẨN ĐỘ BẰNG 2,6- DICHLOROINDOPHENOL
Infant formula and adult nutritionals - Determination of vitamin A - by normal phase high performance liquid chromatography method (UPLC) and UV detection
Lời nói đầu
TCVN 11672:2016 được xây dựng trên cơ sở tham khảo AOAC 985.33, Vitamin C (reduced ascorbic acid) in ready-to-feed milk-based infant formula. 2,6-Dichloroindophenol titrimetric method;
TCVN 11672:2016 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F13 Phương pháp phân tích và lấy mẫu biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
SỮA CÔNG THỨC DÀNH CHO TRẺ SƠ SINH - XÁC ĐỊNH VITAMIN C (AXIT ASCORBIC DẠNG KHỬ) - PHƯƠNG PHÁP CHUẨN ĐỘ BẰNG 2,6- DICHLOROINDOPHENOL
Milk-based infant formula - Determination of vitamin C (reduced ascorbic acid) - 2,6-dichloroindophenol titrimetric method
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định phương pháp chuẩn độ để xác định hàm lượng vitamin C (axit ascorbic dạng khử) trong sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh, sử dụng 2,6-dichloroindophenol.
2 Nguyên tắc
Ước lượng axit ascorbic bằng cách chuẩn độ với chất chỉ thị màu oxy hóa-khử, 2,6-dichloroindophenol. EDTA được thêm vào làm chất tạo phức để loại bỏ các chất gây nhiễu là sắt và đồng.
3 Thuốc thử
Chỉ sử dụng các thuốc thử loại tinh khiết phân tích và nước cất hoặc nước có chất lượng tương đương, trừ khi có quy định khác.
3.1 Axit metaphosphoric (HPO3) băng, dạng viên.
3.2 Axit axetic (CH3COOH) băng.
3.3 Axit etylendiamintetraaxetic (EDTA).
3.4 Muối natri 2,6-dichloroindophenol.
3.5 Natri hydrocacbonat (NaHCO3).
3.6 Dung dịch tạo kết tủa
Hòa tan 15 g axit metaphosphoric (HPO3) băng dạng viên (3.1) trong 40 ml axit axetic (CH3COOH) băng (3.2) vào 150 ml nước đựng trong bình định mức 250 ml (4.6). Lắc để hòa tan. Pha loãng bằng nước đến vạch và lọc nhanh qua giấy lọc (4.5) vào cốc có mỏ 500 ml (4.3).
Lắc để hòa tan 0,9 g EDTA (3.3) trong 200 ml nước đựng trong bình định mức 250 ml (4.6) và pha loãng bằng nước đến vạch. Trộn các phần thể tích bằng nhau của dung dịch axit metaphosphoric và EDTA ngay trước khi sử dụng.
3.7 Dung dịch axit ascorbic chuẩn, 1 mg/ml
Dùng cân (4.10) cân chính xác 50 mg chất chuẩn đối chứng axit ascorbic (được bảo quản trong bình hút ẩm tránh ánh sáng mặt trời) cho vào bình định mức 50 ml (4.6). Pha loãng bằng dung dịch tạo kết tủa (3.6) đến vạch. Chuẩn bị ngay trước khi sử dụng để chuẩn hóa dung dịch chuẩn indophenol (3.8).
3.8 Dung dịch chuẩn indophenol
Hòa tan 0,062 5g muối natri 2,6-dichloroindophenol (3.4) [được bảo quản trong bình hút ẩm (4.7) chứa vôi tôi xút] vào 50 ml nước đựng trong bình định mức 250 ml (4.6) chứa 0,052 5 g natri hydrocacbonat (3.5). Lắc mạnh; khi chất màu tan hết, thì pha loãng bằng nước đến vạch. Lọc nhanh qua giấy lọc (4.5) vào chai thủy tinh (4.9). Bảo quản trong tủ lạnh (4.8).
Chuyển ba phần dung dịch axit ascorbic (3.7), mỗi phần 2,0 ml vào ba bình nón 50 ml (4.4) chứa 5 ml dung dịch tạo kết tủa (3.6). Sử dụng buret (4.1), chuẩn độ nhanh bằng dung dịch chuẩn indophenol cho đến khi có màu hồng bên trong 5 s (mỗi lần chuẩn độ cần khoảng 15 ml dung dịch và chênh lệch thể tích giữa các dung dịch chuẩn độ cần trong khoảng ± 0,1 ml).
Chuẩn độ ba mẫu trắng bao gồm 7 ml dung dịch tạo kết tủa (3.6) và 15 ml nước. Chênh lệch thể tích giữa các dung dịch chuẩn độ mẫu trắng trung bình là 0,1 ml.
Tính hàm lượng chất màu tương đương: khối lượng axit ascorbic tương đương với 1 ml dung dịch chuẩn indophenol = mA/( V1 - V2)
Trong đó:
mA là khối lượng axit ascobic, tính bằng miligam (mg) (Ở đây mA = 2 mg);
V1là thể tích dung dịch indophenol đã sử dụng để chuẩn độ mẫu thử, tính bằng mililit (ml);
V2 là thể tích dung dịch indophenol đã dùng để chuẩn độ mẫu trắng, tính bằng mililit (ml).
4 Thiết bị, dụng cụ
Sử dụng các thiết bị, dụng cụ thông thường của phòng thử nghiệm và cụ thể như sau:
4.1 Buret, dung tích 25 ml, được chia vạch đến 0,05 ml, có khóa bằng thủy tinh hoặc teflon .
4.2 Pipet.
4.3 Cốc có mỏ, dung tích 125 ml và 500 ml.
4.4 Bình nón, dung tích 50 ml.
4.5 Giấy lọc định tính gấp nếp, kích thước 18,5 cm, Ví dụ: Whatman No. 5411) hoặc tương đương.
4.6 Bình định mức, dung tích 50 ml và 250 ml.
4.7 Bình hút ẩm.
4.8 Tủ lạnh.
4.9 Chai thủy tinh, màu hổ phách.
4.10 Cân phân tích, có thể cân chính xác đến 0,1 mg.
5 Lấy mẫu
Việc lấy mẫu không quy định trong tiêu chuẩn này. Nên lấy mẫu theo TCVN 6400 (ISO 707)[1]
Mẫu gửi đến phòng thử nghiệm phải đúng là mẫu đại diện trong suốt quá trình bảo quản và vận chuyển.
6 Cách tiến hành
6.1 Chuẩn bị dung dịch thử
Dùng pipet (4.2) lấy từ 25 ml đến 30 ml phần mẫu thử và một thể tích tương tự dung dịch tạo kết tủa (3.6) cho vào cốc có mỏ 125 ml (4.3). Gọi tổng thể tích mẫu thử đã lấy là V ml và thể tích dung dịch đã trộn là E ml. Lọc nhanh qua giấy lọc (4.5). Dung dịch lọc được dùng làm dung dịch phân tích.
6.2 Xác định
Dùng pipet (4.2) lấy ba phần dung dịch mẫu thử (6.1), mỗi phần 10 ml cho vào từng bình nón 50 ml (4.4) riêng rẽ và chuẩn độ với dung dịch chuẩn indophenol (3.8). Tương tự chuẩn độ hai mẫu trắng bao gồm dung dịch tạo kết tủa (3.6) và một lượng nước tương tự như thể tích dung dịch mẫu thử đã dùng để chuẩn độ. Thêm thể tích nước tương tự với thể tích dung dịch chuẩn indophenol đã dùng để chuẩn độ dung dịch phân tích. Chuẩn độ với dung dịch chuẩn indophenol đến khi quan sát được điểm kết thúc chuẩn độ với cùng một màu.
7 Tính kết quả
Tính hàm lượng axit ascobic trong mẫu thử, M, biểu thị bằng miligam trên lít (mg/l), theo Công thức sau;
M= (X-B) x (F/E) x (V/Y)x 1 000
Trong đó
X là thể tích trung bình dùng để chuẩn độ dung dịch mẫu thử, tính bằng miilit (ml);
B là thể tích trung bình dùng để chuẩn độ dung dịch mẫu trắng, tính bằng mililit (ml);
F là khối lượng axit ascobic tương đương với 1,0 ml dung dịch chuẩn indophenol, tính bằng miligam (mg);
E là tổng thể tích dung dịch đã trộn, tính bằng mililit (ml);
V là thể tích dung dịch mẫu thử, tính bằng mililit (ml);
Y là thể tích dung dịch mẫu thử đã chuẩn độ, tính bằng mililit (ml) (Ở đây Y= 10 ml);
1 000 là hệ số chuyển đổi mililt sang lít.
8 Báo cáo thử nghiệm
Báo cáo thử nghiệm phải bao gồm:
a) mọi thông tin cần thiết để nhận biết đầy đủ mẫu thử;
b) phương pháp lấy mẫu đã sử dụng, nếu biết;
c) phương pháp đã sử dụng, viện dẫn tiêu chuẩn này;
d) mọi thao tác không quy định trong tiêu chuẩn này,hoặc được xem là tùy chọn, cùng với mọi tình huống bất thường có thể ảnh hưởng đến kết quả thử nghiệm;
e) kết quả thử thu được.
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] TCVN 6400:2010 (ISO 707:2008), Sữa và sản phẩm sữa - Hướng dẫn lấy mẫu.
1)Whatman No. 541 là ví dụ về sản phẩm thích hợp có bán sẵn. Thông tin này đưa ra tạo điều kiện thuận tiện cho người sử dụng tiêu chuẩn và không ấn định sử dụng sản phẩm này. Các sản phẩm tương tự có thể được sử dụng nếu cho kết quả tương đương.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.