TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN 10090:2013
EN 920:2001
GIẤY VÀ CÁCTÔNG TIẾP XÚC VỚI THỰC PHẨM – XÁC ĐỊNH HÀM LƯỢNG CHẤT KHÔ TRONG DỊCH CHIẾT NƯỚC
Paper and board intended to come into contact with foodstuffs – Determination of dry matter content in an aqueous extract
Lời nói đầu
TCVN 10090:2013 hoàn toàn tương đương với EN 920:2001.
TCVN 10090:2013 do Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC6 Giấy và sản phẩm giấy biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
GIẤY VÀ CÁCTÔNG TIẾP XÚC VỚI THỰC PHẨM – XÁC ĐỊNH HÀM LƯỢNG CHẤT KHÔ TRONG DỊCH CHIẾT NƯỚC
Paper and board intended to come into contact with foodstuffs – Determination of dry matter content in an aqueous extract
1. Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này quy định phương pháp xác định hàm lượng chất khô trong dịch chiết nước nóng hoặc dịch chiết nước lạnh từ giấy hoặc cáctông. Phương pháp này áp dụng được cho giấy và cáctông tiếp xúc với thực phẩm nóng hoặc thực phẩm có tính thấm hút.
Giới hạn xác định dưới của phương pháp này là khoảng 1 000 mg/kg giấy. Giới hạn này tương ứng với 1,000 mg/dm2 đối với giấy có định lượng 100 g/m2 hoặc 2,000 mg/dm2 đối với cáctông có định lượng 200 g/m2.
CHÚ THÍCH Một số chất bay hơi, các chất hòa tan trong nước có thể mất đi trong quá trình làm bay hơi dịch chiết và sấy khô cặn còn lại sau đó.
2. Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn là rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi.
TCVN 1867 (ISO 287), Giấy và cáctông – Xác định độ ẩm – Phương pháp sấy khô.
TCVN 8207 (EN 645), Giấy và cáctông tiếp xúc với thực phẩm – Chuẩn bị nước chiết lạnh.
TCVN 10088 (EN 647), Giấy và cáctông tiếp xúc với thực phẩm – Chuẩn bị dịch chiết nước nóng.
3. Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này áp dụng các thuật ngữ và định nghĩa sau:
3.1. Dịch chiết nước lạnh (cold water extract)
Dung dịch nước nhận được từ quá trình chiết lạnh [xem TCVN 8207 (EN 645)].
3.2. Dịch chiết nước nóng (hot water extract)
Dung dịch nước nhận được từ quá trình chiết nóng [xem TCVN 10088 (EN 647)].
4. Nguyên tắc
Mẫu thử được chuẩn bị và chiết như mô tả trong TCVN 8207 (EN 645) hoặc TCVN 10088 (EN 647).
Dịch chiết được lọc, sau đó cho bay hơi và sấy khô ở nhiệt độ 105 oC. Cặn còn lại được xác định bằng cách cân. Kết quả được biểu thị theo mg/dm2 hoặc mg/kg giấy.
CHÚ THÍCH Để nhận được giá trị trắng chính xác, mẫu nước sử dụng cho quá trình chiết phải có sẵn.
5. Thiết bị, dụng cụ
5.1. Các thiết bị, dụng cụ thông thường trong phòng thí nghiệm
5.2. Tủ sấy có khả năng duy trì được nhiệt độ (105 ± 2) oC.
5.3. Tấm gia nhiệt hoặc bếp cách thủy.
5.4. Cân có độ chính xác đến 0,1 mg.
5.5. Đĩa dùng để bay hơi có khối lượng không vượt quá 100 g và dung dịch tối thiểu 100 ml.
6. Lấy mẫu và chuẩn bị mẫu
Quá trình lấy mẫu, chuẩn bị mẫu và chiết được tiến hành như mô tả trong các tiêu chuẩn quy định cho việc chuẩn bị dịch chiết nước lạnh hoặc dịch chiết nước nóng [xem TCVN 8207 (EN 645) và TCVN 10088 (EN 647)].
Lọc dịch chiết trừ khi chúng đã được lọc trong giai đoạn chuẩn bị trước đó.
7. Cách tiến hành
7.1. Quy định chung
Tiến hành phân tích hai mẫu song song với lượng dịch chiết là 250 ml và hai mẫu trắng.
7.2. Kiểm tra đĩa dùng để bay hơi
Đặt đĩa dùng để bay hơi (5.5) vào tủ sấy (5.2) và duy trì ở nhiệt độ (105 ± 2) oC trong thời gian (30 ± 5) min. Sau đó làm nguội đĩa đến nhiệt độ môi trường trong bình hút ẩm, cân và ghi lại khối lượng của đĩa dùng để bay hơi.
Cho lại đĩa dùng để bay hơi vào tủ sấy và lặp lại chu trình sấy, làm nguội và cân cho đến khi sự chênh lệch khối lượng giữa hai lần cân liên tiếp không lớn hơn 0,5 mg. Ghi lại khối lượng của đĩa (md).
7.3. Xác định cặn còn lại
Chuyển một phần dịch chiết vào đĩa dùng để bay hơi. Đặt đĩa dùng để bay hơi lên tấm gia nhiệt hoặc bếp cách thủy (5.3). Tiến hành cho bay hơi đến khi thể tích của dịch chiết còn lại khoảng vài mililít. Bảo đảm quá trình đun sôi xảy ra nhẹ nhàng để tránh thất thoát, đặc biệt là không được để sôi quá mạnh hoặc quá nhiệt. Bổ sung một phần khác của dịch chiết vào đĩa dùng để bay hơi và tiếp tục cho bay hơi. Lặp lại quy trình này cho đến khi toàn bộ phần dịch chiết (250 ml) được cho bay hơi hết.
CHÚ THÍCH Chỉ một phần dịch chiết cần được bay hơi nếu hàm lượng chất khô có trong dịch chiết cao.
Thể tích của phần dịch chiết phải được chọn sao cho khối lượng cặn còn lại sau khi sấy khô được ít nhất 5 mg.
Đặt đĩa dùng để bay hơi vào trong tủ sấy (5.2) ở nhiệt độ (105 ± 2) oC trong thời gian (30 ± 5) min để hoàn thành quá trình cho bay hơi và sấy khô phần cặn còn lại.
Lấy đĩa dùng để bay hơi ra khỏi tủ sấy, đặt vào bình hút ẩm và để nguội đến nhiệt độ môi trường. Cân đĩa bay hơi và ghi lại khối lượng (mr).
Xác định khối lượng (ma) của phần cặn còn lại bằng cách lấy khối lượng của đĩa dùng để bay hơi và phần cặn còn lại (mr) trừ đi khối lượng của đĩa bay hơi (md).
7.4. Thử mẫu trắng
Tiến hành quy trình được mô tả trong 7.2 và 7.3 với cùng loại nước được sử dụng để chuẩn bị dịch chiết. Sử dụng cùng một thể tích (V1) để cho bay hơi (thường là 250 ml) để xác định khối lượng cặn còn lại của nước (mb).
Khối lượng của phần cặn còn lại không được lớn hơn 5 mg.
8. Tính toán kết quả
Tính hàm lượng chất khô có trong dịch chiết, biểu thị bằng mg/dm2 giấy (8.1) hoặc mg/kg giấy (8.2) theo công thức 1 và 2.
8.1.
(1)
8.2.
(2)
Trong đó
M1 là hàm lượng chất khô hòa tan trong nước, tính bằng mg/dm2;
M2 là hàm lượng chất khô hòa tan trong nước, tính bằng mg/kg;
ma là lượng cặn còn lại sau khi cho bay hơi dịch chiết, tính bằng mg;
mb là khối lượng còn lại của phép thử mẫu trắng, tính bằng mg;
Vo là tổng thể tích của dịch chiết (250 ml), tính bằng ml;
V1 là thể tích của phần dịch chiết được cho bay hơi (thường là 250 ml), tính bằng ml;
b là định lượng của giấy hoặc cáctông, tính bằng g/m2;
m là khối lượng của mẫu để thử (khoảng 10 g), tính bằng g;
f là hàm lượng ẩm của mẫu thử, tính bằng % [xác định theo TCVN 1867 (ISO 287)].
8.3. Tính toán giá trị trung bình của hai mẫu xác định song song. Báo cáo kết quả chính xác đến hai chữ số có nghĩa.
Kết quả được báo cáo là “thấp hơn giới hạn xác định” nếu phần cặn còn lại sau khi bay hơi toàn bộ dịch chiết (250 ml) nhỏ hơn 10 mg.
9. Độ chụm
Một thí nghiệm liên phòng đã được thực hiện, trong đó có 12 phòng thí nghiệm. Kết quả thu được độ lặp lại (r) nhỏ hơn 15% và độ tái lập (R) cũng như vậy.
10. Báo cáo thử nghiệm
Báo cáo thử nghiệm phải bao gồm các thông tin sau:
a) Tất cả các thông tin cần thiết để nhận dạng mẫu thử;
b) Thời gian và địa điểm thử nghiệm;
c) Kết quả, biểu thị như trong 8.3;
d) Phép thử được tiến hành với dịch chiết nước lạnh hoặc dịch chiết nước nóng;
e) Bất kỳ sai khác nào so với tiêu chuẩn này.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.