TIÊU CHUẨN NGÀNH
58 TCN 20-74
NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP XÂY DỰNG NHIỆM VỤ THIẾT KẾ TÀU CÁ
1. Tiêu chuẩn này quy định nội dung và phương pháp xây dựng nhiệm vụ thiết kế của tất cả các loại tàu dùng trong ngành thủy sản.
2. Bản nhiệm vụ thiết kế tàu là văn bản kỹ thuật quan trọng trong các giai đoạn thiết kế, nội dung của nó là cơ sở để tiến hành các giai đoạn thiết kế sau và là quyết định hiệu quả kinh tế và tính năng kỹ thuật của sản phẩm tàu cần thiết kế.
3. Khi xây dựng nhiệm vụ thiết kế trước hết cần phải dựa vào chủ trương, phương hướng phát triển của ngành và đi sâu nghiên cứu, phân tích các mặt sau đây đối với loại tàu cần thiết kế:
a. Đặc điểm ngư trường, nguồn lợi và đối tượng đánh bắt.
b. Công cụ và phương pháp đánh bắt
c. Hình thức tổ chức sản xuất và đội tàu
d. Điều kiện bến cảng: cơ sở hậu cần, cơ sở đóng, sửa chữa cung cấp nguyên vật liệu, trang thiết bị v.v….
e. Tài liệu tổng kết các mặt kinh tế, kỹ thuật của những tàu đã được sử dụng.
g. Những tiến bộ kỹ thuật trong và ngoài nước.
4. Trên cơ sở các vấn đề nói ở điều 3 tiến hành xây dựng nhiệm vụ thiết kế sơ bộ để làm cơ sở cho thiết kế tiền sơ bộ. Trong thiết kế tiền sơ bộ lập ra các phương án và cuối cùng chọn ra một phương án tốt nhất để làm cơ sở cho việc xây dựng nhiệm vụ thiết kế.
5. Nội dung chủ yếu của bản nhiệm vụ thiết kế gồm các phần sau đây:
(1). Loại và công dụng tàu:
Về loại tàu phải ghi rõ: Tàu máy hay tàu buồm (nói rõ mức độ sử dụng máy và buồm).
Về công dụng tàu phải nêu rõ: Công dụng, phương pháp đánh bắt, hình thức tổ chức đội tàu sản xuất (độc lập, phối hợp) mức độ và phương pháp bảo quản, chế biến cá (ướp muối, đá, đông).
Kiến trúc, hình dáng tàu cần thiết kế (vị trí thượng tầng và buồng máy, số lượng boong, kiểu mũi và đuôi tàu, cột buồm …)
Vật liệu đóng thân tàu (thép, gỗ, xi măng lưới thép, vỏ gỗ bọc kim loại, khung thép vỏ gỗ …).
(2). Vùng hoạt động:
Phải ghi rõ tên vùng biển, cảng đậu, khoảng cách từ ngư trường đến cảng đậu và đến bờ biển, một số đặc điểm chính cần thiết như sóng gió hải lưu.
(3). Quy phạm và tiêu chuẩn đóng tàu:
Phải nêu rõ cấp tàu theo quy phạm, tiêu chuẩn nào.
(4). Lượng chở:
Cần nêu rõ lượng trọng tải chung, lượng chở cá (tấn), dung tích các khoang chở (m3), tỷ dung hàng chở trong khoang (T/m3), nếu như kích thước chính của tàu không quy định trong nhiệm vụ thiết kế.
(5). Loại hàng cần chở:
Cần ghi rõ loại hàng gì, nếu là cá thì cần ghi rõ cách chứa cá (bằng thùng, để rải, phân ô …); Tỷ lệ cá đá và cá muối nếu cá ướp muối và ướp đá.
(6). Số người và cách bố trí:
Cần nêu rõ số lượng người trên tàu cùng cấp bậc. Ghi rõ yêu cầu về bố trí ăn ở (giường một, giường đôi, sạp tập thể, buồng riêng, tủ, bàn …), yêu cầu cụ thể nếu kích thước chính của tàu không quy định trong bản nhiệm vụ thiết kế.
(7). Kích thước chính hoặc từng phần cấu thành của tàu:
Phần này có thể cho chính xác hoặc sơ bộ hoặc ghi là do thiết kế tự chọn. Cần chú ý đến hạn chế chiều chìm (mớn nước) và có khi cả chiều rộng B.
(8). Tốc độ của tàu:
Cần phải ghi rõ tốc độ tự do trong nước tĩnh (hl/h), tốc độ kéo lưới với cỡ lưới đã định (cần ghi rõ sức cản của loại lưới đó ở các tốc độ yêu cầu) nếu công suất máy chính không quy định trong bản nhiệm vụ thiết kế mà chỉ quy định lượng chở.
Chú thích: Nếu công suất máy chính cho trước, yêu cầu tốc độ cần thiết thì lượng chở trong bản nhiệm vụ thiết kế không được cho cụ thể.
(9). Số ngày đi biển liên tục trong một chuyến.
(10). Ổn tính:
Cần ghi rõ phải đảm bảo ổn định theo quy phạm vào đối với tàu cấp mấy.
(11). Tính chống chìm:
Nếu không có yêu cầu gì đặc biệt thì ghi là theo yêu cầu của quy phạm nào.
(12). Bố trí chung toàn tàu:
Chỗ ăn, nhà bếp, nhà tấm, vệ sinh, cách bố trí chung các khoang … chỉ nêu yêu cầu chung còn nếu có yêu cầu cụ thể như kích thước, diện tích các nơi sinh hoạt, nếu kích thước chính của tàu không nêu trong bản nhiệm vụ thiết kế.
(13). Kết cấu thân tàu:
Quy phạm sử dụng và cấp tàu, hình thức kết cấu toàn bộ và cục bộ. Vật liệu khung xương, vỏ, boong, thượng tầng, lầu … yêu cầu các bộ phận gia cường, phòng cháy, cách nhiệt, cách âm, cách mùi, chống mặn, kết cấu khoang cá v.v… Phương pháp thi công (hàn, xảm, đóng đinh, phân đoạn …).
(14). Máy chính, phụ:
Loại, ký hiệu, số lượng, công suất, số vòng quay và các tính năng khác như tiêu hao nhiên liệu, kích thước choán chỗ, chiều quay … nếu như tốc độ chưa cho trong bản nhiệm vụ thiết kế.
(15). Loại máy đẩy (chân vịt):
Số lượng
(16). Thiết bị:
Trên tàu thường có các thiết bị chính sau đây: Lái, neo, bốc dỡ và sắp xếp hàng trên tàu, cứu sinh, kéo, đẩy, cập bến, an toàn lao động, buồm và xiếm v.v…
Tất cả các thiết bị kể trên nếu không có yêu cầu gì đặc biệt thì ghi theo yêu cầu của quy phạm nào, tính năng, sự bố trí, sử dụng.
(17). Yêu cầu đối với trang bị động lực và buồng máy: Phải ghi rõ hơn đặc tính của máy, yêu cầu về bố trí và lắp đặt bố trí và lắp đặt hệ trục.
Những yêu cầu cần thiết cho việc sử dụng, bảo quản và sửa chữa các loại máy trên.
(18). Hệ thống ống:
Trên tàu thường có các hệ thống ống sau đây:
- Hệ thống các khoang
- Hệ thống phục vụ, sinh hoạt (nước uống, rửa, nóng, lạnh ra mạn, vệ sinh …).
- Hệ thống gió, làm mát, sưởi
- Hệ khí nén …
Nếu không có yêu cầu gì đặc biệt thì cần ghi yêu cầu theo quy phạm nào, tính năng, bố trí, sử dụng.
(19). Trang bị điện:
Cần ghi rõ kiểu, loại, số lượng, tính năng và bố trí các máy phát điện, động cơ điện.
Đặc điểm dòng điện (một chiều, xoay chiều, điện thế)
Bố trí mạng điện (bóng điện, dây dẫn, đồng hồ đo …)
Các loại đèn: Số lượng và công suất (đèn hàng hải, thắp sáng, đèn dùng để sản xuất …)
Số lượng quạt điện, bố trí và công suất: Số lượng và bố trí ắc quy. Những yêu cầu đối với trang bị điện khác.
(20). Thiết bị thông tin và hàng hải:
Cần ghi rõ kiểu, loại, tính năng, số lượng, bố trí và các yêu cầu khác đối với các máy thông tin với bên ngoài cũng như trong nội bộ tàu như vô tuyến thu phát, điện thoại, chuông điện loa phóng thanh v.v… và các thiết bị hàng hải như vô tuyến tầm phương, ra đa, máy và dụng cụ đo sâu, máy đo tốc độ, còi, la bàn máy lục phân, các loại lịch, các loại hải đồ v.v…
(21). Trang bị chuyên môn:
Cần nêu rõ chức năng, tính năng các trang thiết bị chuyên môn. Nếu là tàu đánh cá thì cần ghi yêu cầu về bố trí sơ đồ thao tác đánh bắt, tính năng các trang bị kéo, thả lưới như sức kéo, lượng cáp và tốc độ tời kéo lưới, hệ thống ròng rọc, con lăn, cung, giá đỡ; đặc tính các máy dò cá, đo lưới, ngư lưới cụ, đèn đánh cá, bơm hút cá …. Tính năng các thiết bị bảo quản chế biến cá như hệ thống lạnh, rửa, chọn và mổ cá, băng chuyền cá, máy chế biến …
(22). Các yêu cầu khác:
Gồm những phần mà chưa nêu ở các mục trên. Ví dụ như các yêu cầu về chỉ tiêu kinh tế ….
Chú thích: Các mục nêu trên là quy định chung đối với các loại tàu, khi đi vào cụ thể từng cỡ, loại tàu dùng trong ngành thủy sản thì cho phép bỏ bớt hoặc nhấn mạnh một số điểm cho phù hợp.
6. Khi xây dựng nhiệm vụ thiết kế tàu phải có sự liên hệ giữa các cơ quan hữu quan đặc biệt là giữa đơn vị sử dụng với cơ quan thiết kế và xí nghiệp thi công.
7. Bản nhiệm vụ thiết kế phải được cấp trên có thẩm quyền thông qua và xét duyệt thì mới được xem là văn bản chính thức.
8. Khi trình lên cấp trên có thẩm quyền thông qua và xét duyệt nhiệm vụ thiết kế tàu, ngoài bản nhiệm vụ thiết kế phải kèm theo bản thuyết minh (báo cáo về kinh tế, kỹ thuật), bản vẽ bố trí chung sơ bộ.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.