Lời nói đầu:
QCVN 02-22:2015/BNNPTNT do Tổng cục Thủy sản biên soạn, Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường trình duyệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành theo Thông tư số 16/2015/TT-BNNPTNT ngày 10 tháng 4 năm 2015.
QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA CƠ SỞ NUÔI CÁ LỒNG/BÈ NƯỚC NGỌT - ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO AN TOÀN THỰC PHẨM VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
National technical regulation on freshwater fish cage culture - conditions for food safety and environmental protection
1.1. Phạm vi điều chỉnh: Quy chuẩn này quy định những điều kiện để đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường đối với cơ sở nuôi cá lồng/bè nước ngọt.
1.2. Đối tượng áp dụng: Quy chuẩn này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến lĩnh vực nuôi cá lồng/bè nước ngọt trên phạm vi cả nước.
1.3. Giải thích từ ngữ: Trong Quy chuẩn này, từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
Cơ sở nuôi cá lồng/bè nước ngọt là nơi diễn ra hoạt động nuôi cá lồng/bè do cá nhân hoặc tổ chức làm chủ.
2.1. Điều kiện đặt lồng/bè
2.1.1. Vị trí đặt lồng/bè phải nằm trong vùng quy hoạch để phát triển nuôi trồng thủy sản hoặc phải được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền; không bị ảnh hưởng bởi lũ, phương tiện giao thông thủy, mực nước không bị thay đổi đột ngột, không có dòng xoáy và không bị ảnh hưởng của các nguồn gây ô nhiễm; chọn nơi có dòng nước chảy thẳng, lưu tốc 0,2-0,5 mét/giây (m/s). Nếu nuôi hồ chứa phải lựa chọn nơi có dòng chảy, không nuôi cá lồng/bè trong eo, ngách.
2.1.2. Đáy lồng/bè phải cách đáy sông/hồ ít nhất 0,5 m vào lúc mức nước thấp nhất.
2.1.3. Trường hợp đặt lồng/bè thành từng cụm: các cụm lồng/bè khi đặt song song phải cách nhau tối thiểu 10m; khi đặt so le, nối tiếp cách nhau tối thiểu 200m.
2.1.4. Mật độ lồng/bè ở khu vực nước chảy chiếm tối đa 0,2% diện tích mặt nước lúc mức nước thấp nhất; khu vực nước tĩnh chiếm tối đa 0,05% diện tích mặt nước lúc mức nước thấp nhất.
2.2. Chất lượng nước nơi đặt lồng/bè
Chất lượng nước nơi đặt lồng/bè nuôi cá đảm bảo quy định tại Bảng 1.
Bảng 1. Chất lượng nước nơi đặt lồng/bè
TT | Thông số | Đơn vị | Giá trị giới hạn |
1 | pH |
| 6,5-8,5 |
2 | Ôxy hòa tan (DO) | mg/l | ≥4 |
3 | Amoni (NH4+ tính theo N) | mg/l | < 1 |
4 | Độ trong | cm | ≥ 30 |
5 | Độ kiềm | mg CaCO3/l | 60-180 |
2.3. Vật liệu làm lồng/bè và thiết bị, dụng cụ trong quá trình nuôi
2.3.1. Lồng/bè được làm bằng vật liệu chắc chắn, bền, có khả năng chống chịu với môi trường nước, sóng, gió và chất khử trùng tiêu độc.
2.3.2. Dụng cụ, thiết bị sử dụng trong quá trình nuôi phải đảm bảo không gây tổn hại cho đối tượng nuôi, dễ làm vệ sinh tiêu độc, khử trùng.
2.3.3. Động cơ và thiết bị máy móc sử dụng phải đảm bảo không rò rỉ xăng, dầu vào nguồn nước.
2.4. Công trình phụ trợ
2.4.1. Khu ăn, nghỉ, sinh hoạt phải sạch sẽ, không ảnh hưởng đến hoạt động nuôi.
2.4.2. Kho chứa thức ăn, nguyên liệu làm thức ăn phải có mái che, thông thoáng, không ẩm ướt, ngăn được côn trùng và động vật gây hại. Khu chứa xăng, dầu được bố trí riêng biệt với kho chứa thức ăn, nguyên liệu làm thức ăn. Khu vực chứa dụng cụ, thiết bị phải gọn gàng không ảnh hưởng đến hoạt động nuôi.
2.4.3. Khu chế biến thức ăn cho cá phải ở vị trí riêng biệt. Thiết bị, dụng cụ chế biến thức ăn phải được bố trí, lắp đặt để dễ kiểm tra, dễ làm vệ sinh và khử trùng.
2.4.4. Nhà vệ sinh: bố trí nhà vệ sinh phù hợp với số lượng lao động trên lồng/bè (ít nhất 01 nhà vệ sinh cho 25 người), kín và tự hoại, đảm bảo không có mối nguy làm ô nhiễm môi trường và khu vực nuôi.
2.5. Quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm trong kỹ thuật nuôi
2.5.1. Chuẩn bị lồng/bè nuôi
Lồng/bè nuôi phải được vệ sinh, khử trùng trước và sau khi nuôi theo quy trình kỹ thuật với từng đối tượng thủy sản.
2.5.2. Quy định về cá giống
2.5.2.1 Cá giống có nguồn gốc rõ ràng, phải được mua từ các cơ sở có kiểm soát chất lượng cá bố mẹ, cá giống và quá trình sản xuất giống.
2.5.2.2. Cá giống phải khỏe mạnh; được cơ quan có thẩm quyền kiểm dịch.
2.5.2.3. Thả giống đúng lịch mùa vụ, mật độ, kích cỡ theo quy định của cơ quan quản lý thủy sản địa phương.
2.5.3. Thức ăn để nuôi cá
2.5.3.1. Sử dụng thức ăn công nghiệp được phép lưu hành tại Việt Nam; không sử dụng thức ăn đã hết hạn sử dụng.
2.5.3.2. Thức ăn tự chế biến: có đủ thành phần dinh dưỡng; nguyên liệu để chế biến không có Salmonella, nấm mốc độc (Aspergillus flavus), độc tố aflatoxin B1; không chứa kháng sinh, hóa chất cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.
2.5.4. Phòng trị bệnh, sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học và chất xử lý cải tạo môi trường
2.5.4.1. Trong quá trình nuôi phải thường xuyên vệ sinh lưới để lưới luôn được thông thoáng, sạch sẽ; hàng ngày theo dõi môi trường nước và hoạt động của cá. Nếu thấy môi trường nước xấu, cá kém ăn hoặc xuất hiện bệnh phải có biện pháp xử lý kịp thời; không di chuyển cá từ lồng/bè này sang lồng/bè khác khi đang có bệnh xảy ra.
2.5.4.2. Chỉ sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học và chất xử lý cải tạo môi trường dùng cho nuôi trồng thuỷ sản và được phép lưu hành tại Việt Nam, còn hạn sử dụng.
2.5.4.3. Khi sử dụng thuốc kháng sinh phải xác định rõ tác nhân gây bệnh, sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc cán bộ chuyên môn.
2.5.4.4. Cơ sở nuôi phải ghi chép việc sử dụng thuốc, hóa chất, chế phẩm sinh học và chất xử lý cải tạo môi trường (ghi rõ ngày, loại, liều lượng, cách sử dụng).
2.5.5. Thu hoạch cá
2.5.5.1. Phải tuân thủ quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoặc theo hướng dẫn của nhà sản xuất về thời gian ngừng sử dụng thuốc, hóa chất trước khi thu hoạch cá.
2.5.5.2. Cơ sở phải chấp hành thông báo dừng thu hoạch của cơ quan kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm trong trường hợp các chỉ tiêu vi sinh, hóa học trong sản phẩm nuôi vượt quá giới hạn cho phép.
2.6. Bảo hộ lao động
2.6.1. Người làm việc tại cơ sở phải được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động theo quy định, có hiểu biết về chuyên môn, kỹ thuật trong lĩnh vực hoạt động.
2.6.2. Cơ sở phải trang bị đầy đủ các thiết bị cứu sinh (phao tròn, phao áo).
2.7. Xử lý rác thải
Rác thải phải được thu gom, xử lý đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến nguồn nước. Không xả rác, thức ăn ôi thiu xuống khu vực lồng/bè và môi trường xung quanh.
2.8. Ghi chép và lưu giữ hồ sơ
2.8.1. Cơ sở phải theo dõi, ghi chép các thông tin liên quan trong quá trình nuôi.
2.8.2. Lập và lưu giữ hồ sơ liên quan bao gồm: giấy chứng nhận quyền sử dụng mặt nước/quyết định giao mặt nước/hợp đồng cho thuê mặt nước/giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; hồ sơ mua giống và kiểm dịch khi mua giống bao gồm xuất xứ, số lượng và chất lượng giống; hồ sơ theo dõi quá trình nuôi; phiếu mua thuốc, hóa chất; tình trạng sức khoẻ và các biện pháp kiểm soát bệnh; các biên bản kiểm tra của cơ quan quản lý (nếu có); các thông tin của sản phẩm khi bán.
2.8.3. Hồ sơ phải được lưu giữ tối thiểu là 2 năm.
3.1. Quy chuẩn này là cơ sở cho tổ chức, cá nhân có liên quan đến nuôi cá lồng/bè nước ngọt thực hiện đầu tư xây dựng và phục vụ đăng ký, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
3.2. Quy chuẩn này là cơ sở để cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở nuôi cá lồng/bè nước ngọt.
4.1. Tổng cục Thủy sản
4.1.1. Tổng cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan hướng dẫn, triển khai và tổ chức thực hiện Quy chuẩn này.
4.1.2. Căn cứ vào yêu cầu quản lý tại từng thời điểm, Tổng cục Thủy sản có trách nhiệm kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn này cho phù hợp thực tế.
4.2. Cơ sở nuôi: Tuân thủ các quy định tại Quy chuẩn này.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.