TIÊU CHUẨN QUỐC GIA
TCVN ISO 14024:2019
ISO 14024:2018
NHÃN MÔI TRƯỜNG VÀ CÔNG BỐ MÔI TRƯỜNG - GHI NHÃN MÔI TRƯỜNG KIỂU I - NGUYÊN TẮC VÀ THỦ TỤC
Environmental labels and declarations - Type I environmental labelling - Principles and procedures
Lời nói đầu
TCVN ISO 14024:2019 thay thế TCVN ISO 14024:2005 (ISO 14024:1999).
TCVN ISO 14024:2019 hoàn toàn tương đương với ISO 14024:2018.
TCVN ISO 14024:2019 do Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC 207 Quản lý môi trường biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.
Lời giới thiệu
Hiện nay có một số cách tiếp cận với nhãn môi trường. Tiêu chuẩn này đề cập đến chương trình ghi nhãn môi trường kiểu I để cấp nhãn môi trường cho sản phẩm thỏa mãn một loạt các yêu cầu đã được xác định. Do đó, nhãn môi trường có vai trò phân định ra các sản phẩm đã được xác định là thân thiện với môi trường trong một chủng loại sản phẩm cụ thể.
Chương trình ghi nhãn môi trường kiểu I là tự nguyện áp dụng, có thể được các cơ quan nhà nước hoặc tư nhân sử dụng và có thể là chương trình quốc gia, khu vực hoặc quốc tế.
NHÃN MÔI TRƯỜNG VÀ CÔNG BỐ MÔI TRƯỜNG - GHI NHÃN MÔI TRƯỜNG KIỂU I - NGUYÊN TẮC VÀ THỦ TỤC
Environmental labels and declarations - Type I environmental labelling - Principles and procedures
1 Phạm vi áp dụng
Tiêu chuẩn này thiết lập các nguyên tắc và thủ tục để xây dựng chương trình ghi nhãn môi trường kiểu I bao gồm lựa chọn chủng loại sản phẩm, tiêu chí môi trường của sản phẩm và các đặc tính chức năng sản phẩm, để đánh giá và chứng minh sự tuân thủ. Tiêu chuẩn này cũng thiết lập các thủ tục chứng nhận để cấp nhãn môi trường.
2 Tài liệu viện dẫn
Các tài liệu viện dẫn sau rất cần thiết cho việc áp dụng tiêu chuẩn này. Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
TCVN ISO 14020 (ISO 14020), Nhãn môi trường và công bố môi trường - Nguyên tắc chung.
3 Thuật ngữ và định nghĩa
Trong tiêu chuẩn này, các thuật ngữ và định nghĩa sau được áp dụng:
3.1
Chương trình ghi nhãn môi trường kiểu I (Type I environmental labelling programme)
Chương trình tự nguyện, dựa trên các tiêu chí của bên thứ ba (3.7), được bên thứ ba cấp giấy phép (3.13) cho sử dụng nhãn môi trường trên sản phẩm (3.2), chỉ ra tính thân thiện với môi trường một cách toàn diện của một sản phẩm trong một chủng loại sản phẩm (3.3) cụ thể trên cơ sở xem xét vòng đời của sản phẩm đó.
[NGUỒN: TCVN ISO 14050:2015 (ISO 14050:2009), 8.3]
3.2
Sản phẩm (product)
Mọi hàng hóa hoặc dịch vụ bất kỳ.
[NGUỒN: TCVN ISO 14050:2015 (ISO 14050:2009), 6.2, có sửa đổi - Xóa Chú thích]
3.3
Chủng loại sản phẩm (product category)
Nhóm các sản phẩm (3.2) có chức năng tương đương.
[NGUỒN: TCVN ISO 14050:2015 (ISO 14050:2009), 8.3.3]
3.4
Tiêu chí môi trường của sản phẩm (product environmental criteria)
Những yêu cầu về môi trường mà sản phẩm (3.2) phải thỏa mãn để được cấp nhãn môi trường.
[NGUỒN: TCVN ISO 14050:2015 (ISO 14050:2009), 8.3.3.3]
3.5
Đặc tính chức năng sản phẩm (product function characteristic)
Thuộc tính hoặc đặc trưng trong tính năng vận hành và sử dụng của một sản phẩm (3.2).
[NGUỒN: TCVN ISO 14050:2015 (ISO 14050:2009), 8.3.3.2]
3.6
Tổ chức cấp nhãn sinh thái (ecolabelling body)
Bên thứ ba (3.7) và các đơn vị đại diện của nó, thực hiện chương trình cấp nhãn môi trường kiểu I (3.1).
[NGUỒN: TCVN ISO 14050:2015 (ISO 14050:2009), 8.3.4]
3.7
Bên thứ ba (third party)
Cá nhân hay tổ chức được công nhận là hoàn toàn độc lập với các bên liên quan cùng quan tâm đến một vấn đề.
CHÚ THÍCH: "Bên liên quan" thường là nhà cung ứng ("bên thứ nhất") và nhà tiêu thụ ("bên thứ hai").
[NGUỒN: TCVN ISO 14050:2015 (ISO 14050:2009), 3.7]
3.8
Bên quan tâm (interested party)
Tất cả các bên chịu ảnh hưởng của chương trình ghi nhãn môi trường kiểu I (3.1).
3.9
Tổ chức được cấp phép (licensee)
Tổ chức được tổ chức cấp nhãn sinh thái (3.6) cho phép sử dụng nhãn môi trường kiểu I.
[NGUỒN: TCVN ISO 14050:2015 (ISO 14050:2009), 8.3.2]
3.10
Khía cạnh môi trường (environmental aspect)
Yếu tố của các hoạt động hoặc sản phẩm (3.2) của tổ chức có thể tác động qua lại với môi trường.
CHÚ THÍCH 1: Một khía cạnh môi trường có thể gây ra (một/nhiều) tác động môi trường (3.11). Khía cạnh môi trường có ý nghĩa là một khía cạnh có hoặc có thể có một hoặc nhiều tác động môi trường đáng kể.
CHÚ THÍCH 2: Khía cạnh môi trường có ý nghĩa được tổ chức xác định bằng cách áp dụng một hoặc nhiều tiêu chí.
[NGUỒN: TCVN ISO 14001:2015 (ISO 14001:2015), 3.2.2, có sửa đổi - Xóa cụm từ "hoặc dịch vụ"]
3.11
Tác động môi trường (environmental impact)
Bất kỳ một sự thay đổi nào gây ra cho môi trường, dù là có lợi hay có hại, do một phần hay toàn bộ các khía cạnh môi trường (3.10) của tổ chức gây ra.
[NGUỒN: TCVN ISO 14001:2015 (ISO 14001:2015), 3.2.4]
3.12
Chứng nhận (certification)
Thủ tục mà qua đó bên thứ ba (3.7) cấp bản chứng nhận một sản phẩm (3.2) hoặc quá trình phù hợp với những yêu cầu cụ thể.
[NGUỒN: TCVN ISO 14050:2015 (ISO 14050:2009), 3.10, có sửa đổi - Thay cụm từ "sản phẩm, quá trình hoặc dịch vụ" bằng "sản phẩm hoặc quá trình"]
3.13
Giấy phép (cho ghi nhãn môi trường kiểu I) [lincence (for Type I environmental labelling)]
Giấy phép (lincence)
Tài liệu được ban hành theo quy định của hệ thống chứng nhận (3.12), qua đó một tổ chức cấp nhãn sinh thái (3.6) công nhận một cá nhân hoặc tổ chức có quyền sử dụng nhãn môi trường kiểu I cho những sản phẩm (3.2) của mình theo các quy định của chương trình ghi nhãn môi trường.
[NGUỒN: TCVN ISO 14050:2015 (ISO 14050:2009), 8.3.1, có sửa đổi - Bổ sung thuật ngữ thứ hai "giấy phép", và xóa cụm từ "hoặc dịch vụ" trong phần định nghĩa]
3.14
Tính phù hợp về mục đích (fitness for purpose)
Khả năng của sản phẩm (3.2) hoặc quá trình đáp ứng một mục đích đã được xác định trong những điều kiện cụ thể.
[NGUỒN: TCVN ISO 14050:2015 (ISO 14050:2009), 8.3.3.1, có sửa đổi - Thay cụm từ "sản phẩm, quá trình hoặc dịch vụ" bằng "sản phẩm hoặc quá trình"]
3.15
Bên kiểm tra xác nhận (verifier)
Cá nhân hoặc tổ chức thực hiện việc kiểm tra xác nhận (3.16)
[NGUỒN: TCVN ISO 14050:2015 (ISO 14050:2009), 5.3]
3.16
Kiểm tra xác nhận (verification)
Sự xác nhận tính đúng đắn rằng các yêu cầu cụ thể đã được đáp ứng thông qua việc cung cấp các bằng chứng khách quan.
[NGUỒN: TCVN ISO 14050:2015 (ISO 14050:2009), 5.1]
4 Mục tiêu của ghi nhãn môi trường kiểu I
Mục tiêu chung của nhãn môi trường và công bố môi trường là thông qua việc trao đổi những thông tin chính xác và có thể kiểm tra xác nhận được, không gây hiểu lầm về các khía cạnh môi trường của sản phẩm, để khuyến khích cung và cầu các sản phẩm gây sức ép ít hơn đối với môi trường, qua đó kích thích cải thiện môi trường liên tục theo định hướng thị trường.
Mục tiêu của chương trình ghi nhãn môi trường kiểu I là góp phần giảm bớt các tác động môi trường có liên quan đến sản phẩm, thông qua việc nhận dạng sản phẩm thỏa mãn các tiêu chí cụ thể của chương trình ghi nhãn kiểu I về sự thân thiện môi trường tổng thể.
Mục tiêu của tiêu chuẩn này là đảm bảo sự rõ ràng và tin cậy trong việc thực thi chương trình ghi nhãn trường kiểu I và để hài hòa các nguyên tắc và thủ tục có thể áp dụng cho các chương trình.
5 Nguyên tắc
5.1 Tính chất tự nguyện của chương trình
Chương trình ghi nhãn môi trường kiểu I bao gồm cả những chương trình được xây dựng hay điều hành bởi các cơ quan được chính phủ tài trợ, phải mang tính tự nguyện.
5.2 Mối quan hệ với TCVN ISO 14020
Ngoài các yêu cầu của tiêu chuẩn này, các nguyên tắc quy định trong TCVN ISO 14020 cũng được áp dụng. Nếu tiêu chuẩn này cung cấp những yêu cầu cụ thể hơn TCVN ISO 14020, thì những yêu cầu cụ thể này phải được áp dụng.
5.3 Sử dụng nhãn sinh thái
Việc sử dụng nhãn sinh thái theo tiêu chuẩn này được coi là đáp ứng tất cả các yêu cầu về môi trường và các yêu cầu pháp quy liên quan khác.
5.4 Xem xét vòng đời của sản phẩm
Mục tiêu giảm các tác động môi trường không đơn thuần là giảm các tác động truyền đến các môi trường hoặc các tác động qua các giai đoạn của vòng đời của sản phẩm, mà là đạt được một cách tốt nhất bằng cách xem xét toàn bộ vòng đời của sản phẩm khi thiết lập các tiêu chí môi trường của sản phẩm.
Khi xây dựng các tiêu chí môi trường của sản phẩm, vòng đời của sản phẩm được tính đến bao gồm: khai thác tài nguyên, sản xuất, phân phối, sử dụng và thải bỏ liên quan đến những chỉ thị môi trường trung gian tương ứng. Bất kỳ sự khởi đầu nào khác với cách tiếp cận tổng hợp này hoặc việc sử dụng có chọn lọc các vấn đề môi trường có kiểm soát, đều cần phải lý giải.
5.5 Tính chọn lọc
Tiêu chí môi trường của sản phẩm phải được thiết lập để phân biệt các sản phẩm thân thiện với môi trường với các sản phẩm cùng loại, dựa trên sự khác biệt có thể đo lường được trong tác động của chúng đối với môi trường. Tiêu chí môi trường của sản phẩm cần tạo ra sự khác biệt giữa các sản phẩm chỉ khi những khác biệt ấy có ý nghĩa. Sử dụng các phương pháp thử và kiểm tra xác nhận để đánh giá sản phẩm có độ chính xác và độ đúng khác nhau. Cần xem xét điều này khi xác định mức độ ý nghĩa của sự khác biệt đó.
Khi tiêu chí môi trường của sản phẩm được thiết lập như trên, thì tất cả các sản phẩm thỏa mãn các tiêu chí đều phù hợp để sử dụng nhãn môi trường.
5.6 Tiêu chí môi trường của sản phẩm
5.6.1 Xem xét vòng đời của sản phẩm
Tiêu chí môi trường của sản phẩm phải dựa vào các chỉ thị xuất hiện từ việc xem xét vòng đời của sản phẩm (xem 6.4).
5.6.2 Cơ sở của tiêu chí
Tiêu chí môi trường của sản phẩm cần được xác lập ở mức có thể đạt được và có khả năng xem xét liên quan đến các tác động môi trường, khả năng đo và độ chính xác.
5.7 Đặc tính chức năng của sản phẩm
Khi xây dựng tiêu chí, phải tính đến tính phù hợp về mục đích và tính năng sử dụng của sản phẩm. Cần xem xét các tiêu chuẩn quốc tế, khu vực, quốc gia về sản phẩm để sử dụng trong chương trình, theo phân cấp sử dụng tiêu chuẩn nêu trong TCVN ISO 14020.
CHÚ THÍCH: Trong yêu cầu ghi nhãn môi trường, tính phù hợp về mục đích sử dụng của một sản phẩm có nghĩa là sản phẩm đó thỏa mãn yêu cầu về sức khỏe, an toàn và nhu cầu về tính năng sử dụng của người tiêu dùng.
5.8 Hiệu lực của các yêu cầu của chương trình
5.8.1 Thời hạn hiệu lực
Tiêu chí môi trường của sản phẩm và yêu cầu về chức năng của sản phẩm cho mỗi loại sản phẩm phải được đặt ra cho một khoảng thời gian xác định trước.
5.8.2 Chu kỳ xem xét
Tiêu chí môi trường của sản phẩm và yêu cầu về chức năng của sản phẩm phải được xem xét lại trong một khoảng thời gian định trước, có tính đến các yếu tố như công nghệ mới, sản phẩm mới, thông tin môi trường mới và sự biến động thị trường. Sự xem xét lại tiêu chí môi trường và các yêu cầu về chức năng của sản phẩm không nhất thiết phải dẫn đến sự thay đổi các tiêu chí và yêu cầu này.
5.9 Tham vấn
Một quá trình tham gia rộng rãi chính thức giữa các bên quan tâm phải được thiết lập từ đầu nhằm mục đích chọn lọc và xem xét lại các chủng loại sản phẩm, tiêu chí môi trường và đặc tính chức năng của sản phẩm.
5.10 Sự tuân thủ và kiểm tra xác nhận
Tất cả các yếu tố trong tiêu chí môi trường của sản phẩm và đặc tính chức năng sản phẩm của chương trình ghi nhãn môi trường phải được tổ chức cấp nhãn sinh thái kiểm tra xác nhận. Các phương pháp đánh giá sự tuân thủ được sử dụng với thứ tự ưu tiên như sau:
- Các tiêu chuẩn ISO và IEC;
- Các tiêu chuẩn quốc tế khác;
- Các tiêu chuẩn khu vực và quốc gia;
- Các phương pháp khác về độ lặp lại và độ tái lập, tuân theo những nguyên tắc về thực hành tốt phòng thí nghiệm đã được chấp nhận (xem TCVN ISO/IEC 17025 thông tin về thực hành tốt phòng thí nghiệm)
- Các bằng chứng của nhà sản xuất.
5.11 Chất lượng dữ liệu
Tổ chức cấp nhãn sinh thái yêu cầu các dữ liệu làm giảm độ chệch và độ không đảm bảo theo thực tế bằng cách yêu cầu các dữ liệu chất lượng tốt nhất hiện có. Chất lượng dữ liệu phải được đặc trưng bởi cả hai khía cạnh định lượng và định tính và nguồn dữ liệu phải được quy định trong các yêu cầu tiêu chí bất kỳ khi nào có thể.
5.12 Tính minh bạch
Một chương trình ghi nhãn môi trường kiểu I phải có khả năng chứng minh được tính minh bạch qua tất cả các giai đoạn xây dựng và vận hành. Tính minh bạch hàm ý là thông tin phải luôn sẵn sàng cho các bên quan tâm để kiểm tra và nhận xét khi thích hợp. Phải có đủ thời gian để đưa ra các góp ý. Những thông tin này bao gồm:
- Lựa chọn các chủng loại sản phẩm;
- Lựa chọn và xây dựng các tiêu chí môi trường của sản phẩm;
- Đặc tính chức năng sản phẩm;
- Phương pháp thử và kiểm tra xác nhận;
- Thủ tục chứng nhận và trao chứng nhận;
- Chu kỳ xem xét;
- Thời hạn có hiệu lực;
- Những bằng chứng không thuộc loại bảo mật làm cơ sở để được cấp nhãn môi trường;
- Nguồn quỹ xây dựng chương trình (ví dụ: phí, hỗ trợ tài chính của chính phủ,...);
- Kiểm tra xác nhận sự tuân thủ.
Tính minh bạch không được mâu thuẫn với các yêu cầu của 5.16.
5.13 Khả năng tiếp cận
Việc áp dụng và tham gia các chương trình ghi nhãn môi trường là dành cho mọi ứng viên tiềm năng. Tất cả các ứng viên khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chí môi trường của sản phẩm thuộc một chủng loại sản phẩm cụ thể và các yêu cầu khác của chương trình đều có quyền được cấp giấy phép và cho phép sử dụng nhãn.
5.14 Cơ sở khoa học của tiêu chí môi trường của sản phẩm
Việc xây dựng và lựa chọn tiêu chí phải dựa trên những nguyên tắc khoa học và kỹ thuật rõ ràng. Các tiêu chí này cần được xác lập từ những dữ liệu chứng minh tính thân thiện với môi trường.
5.15 Tránh mâu thuẫn về lợi ích
Chương trình ghi nhãn môi trường kiểu I phải đảm bảo không chịu những tác động không hợp lý. Chương trình phải chứng minh được các nguồn kinh phí không gây nên những mâu thuẫn về lợi ích.
CHÚ THÍCH: Xem thêm TCVN ISO/IEC 17065.
5.16 Năng lực của bên kiểm tra xác nhận
Tổ chức cấp nhãn sinh thái phải xây dựng các thủ tục bao gồm quy trình đánh giá và phát triển năng lực của bên thực hiện kiểm tra xác nhận, ví dụ: bằng cách đào tạo định kỳ. Tổ chức cấp nhãn sinh thái phải có quy trình rõ ràng bằng văn bản để quản lý hoạt động kiểm tra xác nhận và cung cấp truy xuất nguồn gốc.
5.17 Phí và chi phí
Phí có thể bao gồm phí đăng ký, phí thử nghiệm hoặc phí quản lý hành chính. Về nguyên tắc, giá thành và phí để cấp và duy trì nhãn môi trường cần đảm bảo tính đủ toàn bộ chi phí của chương trình và nên giữ ở mức thấp nhất có thể để tối đa hóa khả năng tiếp cận với chương trình.
Tất cả phí đều được áp dụng như nhau cho mọi ứng viên và tổ chức được cấp giấy phép.
5.18 Tính bảo mật
Phải duy trì tính bảo mật của tất cả thông tin được xác định cần giữ bí mật.
5.19 Sự thừa nhận lẫn nhau
Cần khuyến khích sự thừa nhận lẫn nhau dựa trên sự tin tưởng của mỗi bên. Đó có thể là sự thừa nhận lẫn nhau về phép thử, giám sát, đánh giá sự phù hợp, các thủ tục hành chính, và tiêu chí môi trường của sản phẩm, nếu thích hợp.
Nhằm đảm bảo tính minh bạch hoàn toàn, những thông tin về thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau hiện có giữa các tổ chức cấp nhãn sinh thái phải được dễ dàng tiếp cận.
CHÚ THÍCH: Hướng dẫn chi tiết xem TCVN ISO/IEC 17040.
6 Thủ tục
6.1 Khái quát
Ghi nhãn môi trường kiểu I là một quá trình lập, bao gồm:
- Tham vấn ý kiến các bên quan tâm;
- Lựa chọn các chủng loại sản phẩm;
- Xây dựng, xem xét lại và sửa đổi các tiêu chí môi trường của sản phẩm;
- Xác định những đặc tính chức năng sản phẩm; và
- Thiết lập các thủ tục chứng nhận và các yếu tố hành chính khác của chương trình.
Việc thiết lập các thủ tục chứng nhận sẽ bao gồm việc thiết lập năng lực của người thực hiện kiểm tra xác nhận, bao gồm kiến thức về:
- Lĩnh vực và sản phẩm có liên quan trong ngành;
- Các tiêu chí môi trường liên quan đến sản phẩm, bao gồm phương pháp luận sử dụng để xây dựng các tiêu chí;
- Khung pháp lý;
- Các quy tắc của chương trình đối với ghi nhãn môi trường kiểu I;
- Tiêu chuẩn này và các tiêu chuẩn khác liên quan đến việc kiểm tra xác nhận.
6.2 Tham vấn ý kiến các bên quan tâm
Tổ chức cấp nhãn sinh thái phải thực thi một cơ chế tham vấn chính thức nhằm tạo điều kiện cho sự tham gia đầy đủ của các bên quan tâm. Một cơ chế như vậy có thể gồm việc sử dụng các nhóm đại diện các bên quan tâm được lựa chọn, ví dụ: hội đồng tư vấn, Ủy ban cố vấn, hoặc lấy ý kiến quần chúng.
Sự tham vấn là một quá trình liên tục, xuất hiện từ khi lựa chọn chủng loại sản phẩm và trong lúc thiết lập tiêu chí môi trường của sản phẩm và đặc tính chức năng sản phẩm. Các bên quan tâm cần có đủ thời gian, sự tiếp cận đến chi tiết và nguồn thông tin được sử dụng. Quá trình tham vấn cũng phải đảm bảo rằng đề nghị của các bên quan tâm được xem xét kỹ và trả lời thỏa đáng. Cần có những nỗ lực thích hợp để đạt được sự đồng thuận trong suốt quá trình.
6.3 Lựa chọn chủng loại sản phẩm
6.3.1 Tiến hành nghiên cứu khả thi
Trong giai đoạn này của quá trình, cần tiến hành nghiên cứu về các chủng loại sản phẩm tiềm năng và bản chất thị trường. Mục đích của nghiên cứu nhằm xem xét tính khả thi của việc thiết lập các chủng loại sản phẩm. Nghiên cứu cần bao gồm:
- Lựa chọn ban đầu của chủng loại sản phẩm;
- Tham vấn ý kiến các bên quan tâm;
- Khảo sát thị trường (ví dụ: bản chất, quy mô, nhu cầu);
- Các nhà cung cấp trên thị trường (ví dụ: các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhà sản xuất trong nước và ngoài nước);
- Tác động môi trường của sản phẩm;
- Tiềm năng và nhu cầu cải thiện môi trường;
- Xác định phạm vi của các chủng loại sản phẩm, có tính đến tính tương đương trong sử dụng và sự phù hợp để sử dụng, bao gồm cả đặc tính chức năng của sản phẩm;
- Sự sẵn có của dữ liệu;
- Luật pháp và thỏa thuận quốc gia và quốc tế hiện hành.
6.3.2 Đề xuất về chủng loại sản phẩm
Sau khi nghiên cứu khả thi hoàn thành, tổ chức cấp nhãn sinh thái sẽ xác minh những chủng loại sản phẩm nào có khả năng được thị trường chấp nhận. Cần xây dựng đề xuất về chủng loại sản phẩm cho các bên quan tâm để lập tổng quan về các phần của nghiên cứu khả thi, các phát hiện và xem xét dẫn tới việc đề xuất chủng loại sản phẩm cho chương trình.
6.4 Lựa chọn và xây dựng tiêu chí môi trường của sản phẩm
6.4.1 Lựa chọn các tiêu chí môi trường của sản phẩm
Khuôn khổ và thủ tục nêu trong tiêu chuẩn này nhằm cung cấp sự thống nhất và cho phép những quyết định về các tiêu chí cuối cùng trở thành kết quả của quá trình tham vấn ý kiến giữa tổ chức cấp nhãn sinh thái và các bên quan tâm. Các tiêu chí này phải được lựa chọn theo những yêu cầu quy định trong 5.2 đến 5.19.
Bảng 1 là một ví dụ áp dụng và để trợ giúp cho tổ chức cấp nhãn sinh thái có được chọn lựa ban đầu về các tiêu chí môi trường của sản phẩm. Bảng này kết nối các giai đoạn của vòng đời của sản phẩm với các chỉ thị chính về môi trường ở đầu vào và đầu ra. Các chỉ thị phát thải này được nhóm theo các môi trường trung gian và thường nhiều hơn một trên mỗi loại môi trường. Việc nghiên cứu về các giai đoạn của vòng đời của sản phẩm (có thể được thực hiện như một phần tiếp theo của nghiên cứu khả thi nêu tại 6.3.1) có thể dẫn đến kết luận rằng các tác động môi trường ở một số giai đoạn là không có ý nghĩa và không cần thiết phải xem xét thêm. Nghiên cứu này phải chỉ ra rằng việc lựa chọn tiêu chí môi trường của sản phẩm sẽ không dẫn tới việc các tác động này sẽ truyền từ giai đoạn này sang giai đoạn khác của vòng đời của sản phẩm, hay từ môi trường trung gian này sang môi trường trung gian khác mà không đạt được ích lợi gì về môi trường.
Bảng 1 - Bảng lựa chọn tiêu chí môi trường của sản phẩm điển hình
Giai đoạn vòng đời của sản phẩm |
Chỉ thị về môi trường ở đầu vào/đầu ra |
|||||
Năng lượng |
Tài nguyên |
Thải ra môi trường |
Khác |
|||
Có thể tái tạo/ không thể tái tạo |
Có thể tái tạo/ không thể tái tạo |
Nước |
Không khí |
Đất |
||
Khai thác tài nguyên |
|
|
|
|
|
|
Sản xuất |
|
|
|
|
|
|
Phân phối |
|
|
|
|
|
|
Sử dụng |
|
|
|
|
|
|
Thải bỏ |
|
|
|
|
|
|
6.4.2 Xây dựng các tiêu chí môi trường của sản phẩm
6.4.2.1 Khái quát
Khi thiết lập các tiêu chí phải tính đến các vấn đề môi trường tương quan của địa phương, khu vực và toàn cầu, công nghệ sẵn có và các khía cạnh về kinh tế.
Tiêu chí môi trường của sản phẩm phải được thể hiện theo:
- Các tác động lên môi trường và nguồn tài nguyên thiên nhiên; hoặc
- Nếu không khả thi, sẽ tính đến các khía cạnh môi trường, như các phát thải ra môi trường.
Cần tránh đưa ra những tiêu chí yêu cầu trực tiếp hay gián tiếp loại trừ việc sử dụng các quá trình cụ thể hoặc phương pháp sản xuất mà không có cơ sở. Việc loại bỏ một chất nào đó phải dựa trên các phương pháp khoa học thỏa mãn Nguyên tắc 3 của TCVN ISO 14020. Các phương pháp như đánh giá sự rủi ro có thể cung cấp những thông tin hữu ích.
Một số những vấn đề chính cần xem xét trong giai đoạn này của chương trình ghi nhãn môi trường được trình bày trong 6.4.2.2 đến 6.4.2.5.
6.4.2.2 Nhận dạng lĩnh vực liên quan có nhiều khả năng làm giảm tác động môi trường
Tổ chức cấp nhãn sinh thái phải nhận dạng các giai đoạn của vòng đời của sản phẩm khi có sự khác biệt về tác động môi trường giữa các sản phẩm cùng chủng loại. Khoảng và sự biến động của số liệu thu được cho những sản phẩm cụ thể phải được phân tích để đảm bảo những tiêu chí môi trường của sản phẩm được lựa chọn là thích hợp và phản ánh được sự khác nhau giữa các sản phẩm.
6.4.2.3 Sử dụng các chỉ số định tính và định lượng
Tổ chức cấp nhãn sinh thái có thể xem xét, nếu thích hợp, cho việc áp dụng các hệ số định lượng vào các yêu cầu môi trường được chọn lựa. Lý do sử dụng đối với mỗi hệ số định lượng phải được giải thích và chứng minh rõ ràng.
6.4.2.4 Xác định giá trị số học cho mỗi tiêu chí liên quan
Tổ chức cấp nhãn sinh thái phải xác định những tiêu chí phản ánh chính xác nhất các khía cạnh môi trường đã được lựa chọn. Khi các tiêu chí đã xác định được, tổ chức cấp nhãn sinh thái phải ấn định cho chúng những giá trị bằng số. Những giá trị này phải ở dạng những giá trị tối thiểu, ở giá trị ngưỡng không được vượt quá, hệ thống thang điểm hoặc các cách tiếp cận thích hợp khác.
6.4.2.5 Xác định phương pháp thử, thủ tục và năng lực của các phòng thử nghiệm
Các yêu cầu thử nghiệm và kiểm tra xác nhận cần được xem xét song song khi thiết lập các yêu cầu đối với chủng loại sản phẩm cụ thể. Phải xem xét cẩn thận khả năng đáp ứng yêu cầu thử nghiệm và kiểm tra xác nhận về mặt tổ chức, kỹ thuật và kinh tế.
Tổ chức cấp nhãn sinh thái cần cung cấp tài liệu tham khảo về các phương pháp thử được yêu cầu đối với mọi tiêu chí hoặc đặc tính của sản phẩm, và kiểm tra sự sẵn có của các phòng thử nghiệm đủ năng lực có khả năng thực hiện các phép thử. Phương pháp thử nghiệm cần được lựa chọn theo hướng dẫn nêu tại 5.10.
6.5 Lựa chọn các đặc tính chức năng của sản phẩm
Phải cân nhắc cẩn thận khi lựa chọn các đặc tính chức năng của sản phẩm. Việc xem xét nên được tập trung cho các tính năng sử dụng của sản phẩm hơn là về thiết kế hay các đặc tính mô tả.
Khi thiết lập các đặc tính chức năng sản phẩm, cần xem xét:
- Nhận dạng các đặc tính chức năng của sản phẩm;
- Lựa chọn những yếu tố đặc tính chính đặc trưng cho chức năng đó;
- Kiểm tra sự phù hợp của các yếu tố đặc tính chính áp dụng cho mọi sản phẩm trong chủng loại;
- Nhận dạng các mức cần thiết thể hiện tính năng (xem 5.7).
6.6 Báo cáo và công bố
Các chủng loại sản phẩm, tiêu chí môi trường của sản phẩm và đặc tính chức năng sản phẩm sau khi thiết lập xong phải được công bố. Thông tin trong các mẫu báo cáo cụ thể đã chọn phải chứng minh rằng:
- Việc thiết lập chủng loại sản phẩm, tiêu chí và đặc tính phải phù hợp với phạm vi, nguyên tắc thực tế và yêu cầu được trình bày trong tiêu chuẩn này.
- Các tiêu chí phải khách quan và có thể xác minh.
- Phương pháp kiểm tra tiêu chí môi trường của sản phẩm và đặc tính chức năng sản phẩm phải sẵn có.
- Các bên quan tâm được tạo điều kiện tham gia vào quá trình và quan điểm của họ được xem xét.
Tổ chức cấp nhãn sinh thái cũng phải cung cấp các thông tin theo yêu cầu nhằm giải thích ý nghĩa của nhãn môi trường cho các cá nhân và tổ chức được cấp nhãn môi trường và công chúng.
6.7 Thực hiện những sửa đổi trong tiêu chí môi trường của sản phẩm
Trong những trường hợp sản phẩm đã được cấp nhãn môi trường, một số yếu tố cần được xem xét khi xác định thời hạn các tiêu chí được sửa đổi bắt đầu có hiệu lực.
Những yếu tố này ít nhất bao gồm:
- Sự cấp bách của việc tuân thủ các tiêu chí môi trường của sản phẩm đã sửa đổi;
- Phạm vi thay đổi, khoảng thời gian và mức độ phức tạp khi trang bị lại quá trình sản xuất cho phù hợp với các tiêu chí được sửa đổi.
- Tránh mang lại thuận lợi mặc dù không chủ định về mặt thương mại cho một nhà sản xuất, một thiết kế hay quy trình cụ thể.
- Nhu cầu tham gia của các nhà cung ứng vật liệu cho người/tổ chức được cấp giấy phép sử dụng nhãn môi trường;
- Các hành động cần thiết phải tiến hành liên quan đến các sản phẩm đã được cấp nhãn theo các tiêu chí cũ nhưng vẫn trong chuỗi cung ứng đến người tiêu thụ cuối cùng.
- Thời gian thích hợp để tư vấn cho tổ chức được cấp nhãn môi trường.
- Sự phức tạp phát sinh khi tổ chức cấp nhãn sinh thái thực hiện những thay đổi.
- Các yêu cầu về luật pháp.
7 Chứng nhận và sự tuân thủ
7.1 Khái quát
Điều 7 đưa ra những yêu cầu chung về chứng nhận và sự tuân thủ.
CHÚ THÍCH: Tham khảo thêm TCVN ISO/IEC 17065.
7.2 Khái niệm cơ bản
7.2.1 Khái quát
Điều kiện tiên quyết để được cấp nhãn môi trường thường được chia thành các yếu tố nêu trong 7.2.2 và 7.2.3.
7.2.2 Các nguyên tắc chung
Các nguyên tắc chung hướng dẫn sự hoạt động của toàn bộ chương trình. Những nguyên tắc chung này kiểm soát những điều kiện chung cho việc cấp phép và sử dụng nhãn môi trường. Những nguyên tắc chung này ít nhất, cần đề cập đến những vấn đề sau:
- Sự quảng cáo của người có giấy phép;
- Những điều kiện có thể dẫn đến sự đình chỉ, hủy bỏ hoặc rút giấy phép;
- Thủ tục thực thi những hành động khắc phục trong trường hợp không phù hợp;
- Thủ tục giải quyết tranh chấp, các phương pháp thử nghiệm và kiểm tra xác nhận, cơ cấu phí;
- Hướng dẫn sử dụng biểu tượng.
Tất cả những điều kiện tiên quyết để được cấp giấy phép và sử dụng nhãn cần được đưa vào những quy tắc chung, tiêu chí môi trường của sản phẩm và đặc tính chức năng sản phẩm, vì chỉ những yêu cầu này có thể được sử dụng làm cơ sở cho việc cấp hay rút giấy phép sử dụng nhãn môi trường.
7.2.3 Tiêu chí môi trường của sản phẩm và đặc tính chức năng sản phẩm cho mỗi chủng loại sản phẩm
Tiêu chí môi trường của sản phẩm và đặc tính chức năng sản phẩm là cơ sở để xác lập các yếu tố về yêu cầu kỹ thuật của chương trình ghi nhãn môi trường kiểu I cho mỗi chủng loại sản phẩm.
7.3 Cấp phép
Tổ chức cấp nhãn sinh thái chịu trách nhiệm cấp phép cho người đăng ký. Tổ chức cấp nhãn sinh thái sẽ cấp giấy phép sử dụng nhãn môi trường chỉ khi các điều kiện sau trong số các nghĩa vụ khác theo hợp đồng được thỏa mãn:
- Người đăng ký phù hợp với những quy tắc chung của chương trình;
- Sản phẩm phù hợp với tiêu chí môi trường của sản phẩm và đặc trưng chức năng của sản phẩm tương ứng với mỗi chủng loại sản phẩm.
Người được cấp giấy phép không bị bắt buộc phải sử dụng nhãn môi trường.
Tổ chức cấp nhãn sinh thái phải duy trì một cách công khai danh mục những sản phẩm đã được cấp nhãn.
7.4 Thủ tục đánh giá và chứng minh sự phù hợp
7.4.1 Nguyên tắc chung
Phương pháp đánh giá sự phù hợp của sản phẩm với các tiêu chí môi trường của sản phẩm, đặc tính chức năng sản phẩm và sự kiểm tra liên tục phải được lập thành văn bản và đủ chặt chẽ để duy trì tính xác thực của chương trình.
Có thể có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn các thủ tục đánh giá sự tuân thủ, và các phương pháp có thể thay đổi tùy theo chương trình.
7.4.2 Giám sát và kiểm soát
Tổ chức cấp nhãn sinh thái phải xem xét lại các yêu cầu của chương trình để phù hợp với các quy tắc chung (xem 7.2.2), xác định cách thức kiểm tra xác nhận cụ thể cho mỗi yêu cầu. Khi các yêu cầu đã được xem xét lại, phải lập một kế hoạch giám sát và kiểm soát.
7.4.3 Tài liệu hỗ trợ
Tổ chức cấp nhãn sinh thái phải nhận được các bằng chứng bằng văn bản về sự tuân thủ các yêu cầu của chương trình của người đăng ký. Tất cả dữ liệu phải có chất lượng xác định và xác minh được.
Theo yêu cầu, tổ chức cấp nhãn sinh thái phải chuẩn bị sẵn sàng ít nhất các tài liệu sau:
- Chủng loại sản phẩm;
- Tiêu chí môi trường của sản phẩm, đặc tính chức năng sản phẩm, thời hạn hiệu lực của tiêu chí, các phương pháp thử và kiểm tra xác nhận;
- Thủ tục chứng nhận và cấp phép;
- Hồ sơ xem xét định kỳ các tiêu chí;
- Bằng chứng không cần bảo mật là căn cứ cấp giấy phép;
- Nguồn quỹ để phát triển chương trình (ví dụ: phí, hỗ trợ tài chính của chính phủ);
- Kiểm tra xác nhận sự tuân thủ.
7.4.4 Công bố sự phù hợp
Nếu chương trình cho phép người đăng ký được công bố sự phù hợp với các yêu cầu của chương trình, thì việc công bố sự phù hợp cần theo hướng dẫn đưa ra trong TCVN ISO/IEC 17050.
7.4.5 Kiểm tra xác nhận
Việc kiểm tra xác nhận phải được lập thành văn bản đầy đủ và hồ sơ được tổ chức cấp nhãn sinh thái lưu lại. Điều này thực hiện cho khoảng thời gian mà giấy phép có hiệu lực và cho khoảng thời gian hợp lý sau đó, có tính đến tuổi thọ của sản phẩm.
Thông tin tối thiểu về kiểm tra xác nhận để lập thành văn bản và lưu giữ phải bao gồm:
a) Tên tiêu chuẩn hoặc phương pháp đã sử dụng;
b) Bằng chứng bằng văn bản, nếu việc kiểm tra xác nhận không thể thực hiện bằng cách kiểm tra thành phẩm;
c) Các kết quả thử, trong đó có các kết quả cần thiết để kiểm tra xác nhận;
d) Tên và địa chỉ của bên kiểm tra xác nhận độc lập, khi việc kiểm tra xác nhận được thực hiện bởi một bên ngoài chương trình.
7.5 Theo dõi, giám sát sự tuân thủ
Sau khi được cấp phép, người có giấy phép phải thông báo cho tổ chức cấp nhãn sinh thái mọi sự thay đổi có thể ảnh hưởng đến sự tuân thủ với những yêu cầu trên.
Tổ chức cấp nhãn sinh thái phải đảm bảo rằng mọi thay đổi của sản phẩm hay quy trình sản xuất có thể ảnh hưởng tới sự tuân thủ đều được xem xét và yêu cầu người có giấy phép đề xuất những hành động khắc phục nếu sự tuân thủ không được duy trì.
Người có giấy phép có trách nhiệm đảm bảo duy trì sự tuân thủ với các yêu cầu của chương trình.
7.6 Bảo hộ nhãn sinh thái
Tổ chức cấp nhãn sinh thái phải đảm bảo rằng nhãn sinh thái của mình (nghĩa là dấu chứng nhận/nhãn hiệu của tổ chức chứng nhận) được pháp luật bảo hộ để tránh việc sử dụng tùy tiện và duy trì sự tin tưởng của công chúng với chương trình.
Tổ chức cấp nhãn sinh thái phải có một chính sách rõ ràng và đầy đủ về việc sử dụng nhãn môi trường một cách đúng đắn. Bất kỳ sự sai lệch nào với chính sách này phải có hành động khắc phục phù hợp và có khả năng dẫn đến việc rút giấy phép.
Thư mục tài liệu tham khảo
[1] TCVN ISO 14001:2015 (ISO 14001:2015), Hệ thống quản lý môi trường - Các yêu cầu và hướng dẫn sử dụng.
[2] TCVN ISO 14025 (ISO 14025), Nhãn môi trường và công bố môi trường - Công bố môi trường kiểu III - Nguyên lý và thủ tục.
[3] TCVN ISO 14050:2015 (ISO 14050:2009), Quản lý môi trường - Từ vựng.
[4] TCVN ISO/IEC 17025 (ISO/IEC 17025), Yêu cầu về năng lực của phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn.
[5] TCVN ISO/IEC 17040 (ISO/IEC 17040), Đánh giá sự phù hợp - Yêu cầu chung về đánh giá đồng đẳng của tổ chức đánh giá sự phù hợp và tổ chức công nhận.
[6] TCVN ISO/IEC 17050 (ISO/IEC 17050) (tất cả các phần), Đánh giá sự phù hợp - Công bố của nhà cung ứng về sự phù hợp.
[7] TCVN ISO/IEC 17065 (ISO/IEC 17065), Đánh giá sự phù hợp - Yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận sản phẩm, quá trình và dịch vụ.
Ý kiến bạn đọc
Nhấp vào nút tại mỗi ô tìm kiếm.
Màn hình hiện lên như thế này thì bạn bắt đầu nói, hệ thống giới hạn tối đa 10 giây.
Bạn cũng có thể dừng bất kỳ lúc nào để gửi kết quả tìm kiếm ngay bằng cách nhấp vào nút micro đang xoay bên dưới
Để tăng độ chính xác bạn hãy nói không quá nhanh, rõ ràng.